Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì? (Bài 8)


“Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về…”

Sau khi đậu xong MBA, tôi làm việc ở Phố Wall, mua nhà, dọn ra khỏi Xóm Việt Nam, và bắt đầu cuộc đời hội nhập vô nước Mỹ. Thật ra ở New York, khí hậu lạnh và đời sống mắc mỏ, nên người Việt Nam mình không thích sống. Từ từ xóm Việt Nam không còn người Việt ở nữa. Ngày nay ở đó chỉ còn một gia đình chưa dọn đi mà thôi.

Rồi ngày tháng cứ lặng lờ trôi. Lúc đó tôi có một số bạn Việt Nam, cuối tuần nào cũng hợp nhau ca nhạc, đánh bài, uống rượu, sống vui, yêu đời. Nhờ có bạn Việt Nam cùng hoàn cảnh, nên cuộc đời chúng tôi càng ngày càng vui. Bạn của tôi đều là chuyên viên, cũng như tôi muốn quên quá khứ, bắt đầu lại và hội nhập. Chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm sống, nhờ vậy càng ngày càng hội nhập tốt đẹp hơn.

Một anh bạn nói đùa về Nhóm ăn nhậu nầy, đây là Nhóm Bụi Đời Miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Bụi đời, vì chúng tôi thương nhau như thời trẻ, lang thang bụi đời mỗi dịp cuối tuần. Miền Đông Bắc Hoa Kỳ, vì chúng tôi lang thang dự tiệc khắp nơi ở vùng này. Ở đâu có tổ chức tiệc tùng, ở đó có chúng tôi. Cuộc đời như vậy càng ngày càng vui. Trong tuần nói tiếng Mỹ, sống như Mỹ. Cuối tuần gặp bạn Việt Nam, ăn cơm Việt Nam, nghe nhạc Việt Nam, sống như Việt Nam.

Con cái của tôi lần lượt lập gia đình và ra riêng. Ở Mỹ người ta sống khác với bên nhà. Khi con cái lớn khôn, chúng nó thích sống riêng. Tự do hơn. Ở Việt Nam mình khó mua nhà, nên hai ba thế hệ thường sống chung một căn nhà chật hẹp. Ở Mỹ đám con của tôi có hai hoặc nhiều nhà, nên ai cũng ra riêng. Gia đình tôi trở thành một "empty nest", một ổ chim trống vắng, không còn chim con chiu chít nữa.

Lúc con tôi sắp lập gia đình, chuẩn bị ra riêng, ở Việt Nam đói rách, nên nhiều người Việt liều chết ra đi. Đó là phong trào thuyền nhân. Lúc đó ở New York có một cơ sở công giáo kêu gọi giúp đỡ các cháu Việt Nam ra đi một mình, trong tuổi đi học, bơ vơ xứ người.

Vợ chồng tôi đã mở cửa nhà giúp vài cháu thuyền nhân này một vài năm. Ở chung nhà với chúng tôi giúp các cháu hội nhập dễ dàng hơn vô đời sống ở Mỹ. Ở chung nhà nẩy sanh tình thương. Lúc đầu thương các cháu là người Việt Nam đồng hương, không may mắn, cần giúp đỡ. Sau thương như con. Chúng tôi cũng giúp cho một cháu lập gia đình. 42 năm nhìn lại, thấy cháu hạnh phúc, tôi rất vui.

Từ chỗ khóc vì hoàn cảnh lưu lạc xứ người mấy năm đầu ở Mỹ, tôi từ từ tìm được niềm vui ở đây, giúp thuyền nhân, và giúp đỡ bên nhà nữa. Từ mấy năm đầu chúng tôi đã giúp gia đình qua cơn nghèo đói của chế độ Cộng Sản. Họ ngăn sông, cấm chợ, đổi tiền, đánh tư sản, miền Nam trở thành đói rách. Chúng tôi thỉnh thoảng gởi tiền và thùng đồ về để giúp bên nhà.

20 năm sau 1975, Clinton bỏ lệnh cấm vận. Vợ chồng tôi về thăm lại quê hương. Đời có nhiều bất ngờ quá. 20 năm trước khi ra đi tôi tưởng sẽ không có ngày về. Lúc đó Cộng Sản mạnh lắm. Đó là thế lực đang lên. Miền Nam cố gắng chận đứng họ. Nhưng miền Bắc được Tàu và Nga quyết tâm giúp đỡ, tiền, khí giới và cả nhân sự nữa, để đánh miền Nam, Cộng Sản hóa Đông Dương, và đe dọa cả Đông Nam Á. Năm 1975 tôi tưởng sẽ không có ngày trở về. Không ai ngờ bức tường Bá Linh sụp đổ, cả thế giới Cộng Sản tan rã, Việt Nam và Tàu phải đổi mới để tồn tại. Không ai ngờ chúng tôi có ngày trở về thăm lại quê hương, gặp lại gia đình, bạn bè, tìm lại được tình người Việt Nam với nhau.

Khi máy bay hạ cánh trở lại phi trường Tân Sơn Nhất, tôi bật khóc. Đó là lần tôi khóc đầu tiên sau nhiều năm hết khóc, và vui sống ở Mỹ. Trước đây tôi khóc khi nghe Madonna ca "Đừng khóc cho tôi Argentina ơi..", tưởng như nghe "Đừng khóc cho tôi Sài Gòn ơi..". Ngày trở về, tôi thật sự khóc cho Sài Gòn, lúc đó Cộng Sản đặt tên là Hồ Chí Minh.

(Ông là một cán bộ Đệ Tam Quốc Tế, lãnh tụ của Cộng Sản Việt Nam, đã từng gặp Lenin (?), và được Cộng Sản đệ Tam cử về cố vấn cho Hồng Quân bên Tàu. Tên Hồ Chí Minh xuất hiện hai năm sau cùng ông làm cố vấn cho Hồng Quân ở Trung Quốc. Mời đọc chi tiết trong bài của tôi về Hồ Chí Minh. Tôi không muốn chưởi hay tôn thờ thần tượng hóa ông này. Ông là một nhân vật lịch sử, đáng được Lịch Sử nghiên cứu khách quan. Tôi chỉ muốn tìm hiểu sự thật về Ông mà thôi, không thương, không ghét.). 

Lần đầu tiên về thăm lại quê hương, tôi thật sự khóc cho Sài Gòn. Khi máy bay hạ cánh ở phi trường Tân Sơn Nhất, lòng tôi thấy vui buồn lẫn lộn. Vui vì đây là lần đầu tiên sau 20 năm, tôi trở về thăm lại cố hương. Buồn khi thấy phi trường lớn nhất Việt Nam thua xa các nước máy bay đã từng ghé qua, như Đại Hàn và Thái Lan.  (Tôi đã ghé thăm Bangkok 5 ngày trước khi về Sài Gòn). Năm 1975 miền Nam không thua hai nước này. Lý Quang Diệu có lần mơ ước Singapore được như Sài Gòn.

Lúc máy bay hạ cánh tôi nhìn ra cửa sổ, thấy một cháu lính Cộng Sản ngồi dưới lều che nắng bên cạnh phi đạo, bảo vệ an ninh cho phi trường. Thấy cháu cực khổ tôi thương cháu quá. Tôi thầm nghĩ, cháu nầy tưởng là mình đến giải phóng Sài Gòn và miền Nam đây. Cụ Hồ và đảng Cộng Sản đã nói với họ như vậy, và họ đã tin như vậy. Họ làm bổn phận, nghe lệnh cấp trên. Chắc chắn cháu không biết được những gì Cộng Sản không muốn cháu biết, sự thật.

Tôi về thăm lại quê hương, rồi đi. Tôi thấy không có bổn phận phải nói sự thật cho ai biết cả, kể cả gia đình và bạn bè của tôi còn sống ở quê hương. Nói cho họ biết chỉ làm khổ cho họ mà thôi. Tôi chỉ thấy tội nghiệp họ. 20 năm sau 1975, thế giới đã đổi thay, cháu lính Cộng Sản nầy vẫn ngồi phơi nắng, tinh thần không biết có còn mơ giấc mơ cụ Hồ như thế hệ trước hay không? Giấc mơ gì? Giấc mơ Cộng Sản Hóa Đông Dương, làm bàn đạp để Tàu và Nga đe dọa Đông Nam Á. Lẽ dĩ nhiên cụ chỉ nói giải phóng miền Nam, đánh Mỹ cứu nước, không nói thẳng thừng như tôi nói.

Tôi không tin cháu nầy hiểu rõ sự thật về cuộc chiến Việt Nam. Làm sao hiểu được sự thật, khi Cộng Sản nắm quyền tuyệt đối trên quê hương, nắm hết báo chí, truyền thanh, truyền hình, tất cả các hội đoàn, hay tổ chức dân sự v.v.. Cộng Sản giỏi về vấn để tuyên truyền. Họ thắng cuộc chiến nhờ tuyên truyền. Họ làm cho mọi người tin họ yêu nước, kể cả dân Mỹ. Không ai nghĩ chính họ đã cổng rắn cắn gà nhà, dọn đường cho Tàu hưởng mọi đặc quyền kinh tể ở Việt Nam như ngày nay. Ai nghĩ như vậy, họ sẽ gán cho nhản hiệu thế lực thù địch muốn xâm phạm an ninh quốc gia, và bỏ tù rục xương.

Năm 1994-1995, lúc tôi về, gia đình tôi thê thảm lắm. Phần lớn là vì cha mẹ đã làm công chức cũ, nên con cái thê thảm lắm. Cháu của tôi học xong đại học, ngồi sửa xe máy ngoài đường kiếm sống. Em tôi đã từng đậu cử nhân Luật đại học Sài Gòn, bây giờ bán nước mía, mì và hủ tiếu sống qua ngày.

Tôi trở về thăm lại quê hương năm Clinton "lift embargo" (bỏ lệnh cấm vận). Sau đó thỉnh thoảng một vài năm tôi lại trở về. Trước là thăm và giúp đỡ gia đình, sau là du lịch, tìm hiểu về quê hương Việt Nam tôi chưa bao giờ biết. Tôi sống ở Sài Gòn 38 năm trước khi đi Mỹ lập nghiệp. Nhưng do chiến tranh tôi chỉ sống lẩn quẩn ở thành phố, không du lịch được, không biết gì về quê hương Việt Nam. Nhờ trở về thăm lại quê hương tôi chứng kiến được sự thay đổi của đời sống dân chúng ở đây, nhờ bang giao Việt-Mỹ càng ngày càng đầm ấm.

(Nếu tiếp tục theo Cộng Sản và không đổi mới, bây giờ Việt Nam mình là một Bắc Triều Tiên thứ hai rồi). Phải thành thật nhìn nhận Việt Nam có thay đổi, có tiến bộ, mặc dầu chậm chạp hơn láng giềng ở Đông Nam Á, nhưng có tiến bộ.

Về thăm lại quê hương, tôi nhứt quyết không hỏi chuyện nhiều, biết rằng gia đình tôi sẽ nói dối, tìm cách dấu diếm sự thật. Họ không muốn tôi buồn, hay tức giận. Về thăm nhà vài ngày tôi sẽ ra đi, họ sẽ ở lại lãnh đủ mọi trừng phạt của Cộng Sản, nếu tôi biết sự thật. Tôi hiểu vậy, nên cũng không hỏi gì. Chính một người bạn thời trẻ của tôi, đã từng đi kháng chiến, nói riêng với tôi một câu úp mở, giúp tôi hiểu được sự tình. Mầy về chơi thì được, đừng ở lại.

Gia đình tôi mừng tôi trở về. Có thể nói thành phố này mừng tôi trở về. Có lần tôi thắc mắc không hiểu tại sao dân chúng ở đây biết tôi là Việt Kiều. Em tôi giải thích. Anh đứng giữa ngã tư phát tiền cho đám người ăn xin ở đây. Dân ở đây không ai có đủ tiền cho họ cả. Lúc đó tôi mới thấy mình không giống ai.

(Đó là những năm đầu đổi mới. Càng đổi mới, càng ngày càng có nhiều người Việt Cộng rất giàu. Bởi vậy người đời có câu: Việt Kiều không bằng Việt Cộng. Ý muốn nói Việt Cộng giàu và có quyền. Vừa có quyền, vừa có tiền. Ngày nay giấc mơ một vài cô gái ở Sài Gòn, là được lấy chồng Việt Cộng, thay vì Việt Kiều. Tôi sẽ bàn về vấn để tham nhũng ở một bài riêng.)

Nói ra thì mắc cở. Lúc ở New York tôi nôn nóng về thăm lại quê hương. Nhưng khi ngồi trên máy bay cất cánh khỏi phi trường Sài Gòn, tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm. Lúc đó tôi mới hiểu, Sài Gòn là nơi tôi sanh. Nhưng Mỹ mới là nơi tôi sống, phải sống, sống được cuộc đời đáng sống.    (Còn tiếp)

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 1)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113368655255/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 2)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113315321927/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 3)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113678655224/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 4)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113571988568/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 5)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/972470839552838/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 6)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/972468372886418/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 7)
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=441719280100&set=a.441717470100.225936.753265100&type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 8)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.649266481873277.1073742212.441529119313682/649266521873273/?type=3&theater

Không có nhận xét nào: