Năm tôi mười sáu tuổi thì ông tôi mất.
Thoạt đầu khi ông tôi chớm bệnh, ba tôi đưa ông vào bệnh viện Triều Châu (nay là bệnh viện Nguyễn Trải).Nằm mãi không hết cuối cùng ba tôi đem ông về Ung bướu. Bệnh viện này thời đó còn ít bệnh nhân lắm. Ông tôi được nằm hẳn một phòng riêng và tôi được cắt cử làm người chăm sóc ông. Lúc đó trông ông vẫn còn khỏe. Ông tôi vốn người cao lớn. Thời ấy những người cao một mét bảy mươi hai như ông còn hiếm. Tôi còn trẻ, ham chơi bị buộc phải ở mãi trong phòng với một ông già làm sao chịu nỗi nên nhiều khi lúc ông ngủ, tôi lẻn ra ngoài đi quanh quẩn. Một hôm tôi gặp một người bệnh tầm trung niên đứng trên ban công bệnh viện trông rất buồn. Tôi không hỏi vì thấy mặc áo bệnh nhân là biết rồi. Ông hay đứng nhìn ra cổng bệnh viện như trông chờ ai đó. Không có ai đến thăm nuôi cả. Chừng vài hôm, khi tôi đi học về vào nuôi ông nội, nghe ông nói phòng bệnh bên cạnh đêm qua có người nhảy lầu tự tử. Tôi nghe mà sợ quá suốt đêm không ngủ được, cuối cùng tôi bỏ ghế bố, leo lên giường bệnh, nằm rúc dưới chân ông tôi . Sáng hôm sau ba tôi đến thăm ông, không biết hai bố con nói gì mà tranh cải dữ lắm. Sau cùng ba tôi bảo tôi vào thu xếp đồ để đưa ông tôi về nhà. Tôi đoán ông tôi thấy nằm mãi không hết bệnh. Lại trông thấy có người tự vẫn nên ông sợ đòi về. Dẫu sao có gì chết ở nhà, trong tay những người thân vẫn ấm cúng hơn.
Bây giờ y học và kinh tế phát triển, tôi cũng trọng tuổi nên đã biết là bệnh của ông tôi không chữa đươc, ông tôi sẽ chết chỉ trong chừng vài tháng. Thậm chí là vài tuần. Ông tôi bị ung thư phổi. Sau này đến khi ba tôi cũng mắc phải căn bệnh quái ác đó. Lại cũng ở bênh viện ung bướu nhưng bệnh nhân đã đông hơn gấp nhiều lần. Tôi có hỏi bác sĩ điều trị chính ba tôi. Cô bác sĩ xinh đẹp mà tuổi đời còn trẻ hơn tôi chừng mười mấy tuổi đã cắc cớ hỏi tôi : Ông nội anh có hút thuốc không ? Ba anh có hút thuốc không ? Và... anh...? Tôi nói : Có. Cô ấy vừa bước đi vừa lẩm bẩm : Di truyền là cái chắc.... Tôi hiểu ra sự vô tâm của mình.
Những ngày cuối đời của ông và ba tôi đều rất đau đớn. Khi căn bệnh ung thư đi vào giai đoạn cuối. Các tế bào ung thư di căn lan tỏa khắp cơ thể, tấn công vào lục phủ ngũ tạng, nhất là vào hệ thần kinh. Người bệnh sẽ rất đau đớn. Không có thuốc giảm đau nào cắt cơn được trừ phi là morphin. Tiêm hay uống thứ này cũng đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ đi vào hôn mê sâu. Chết nhưng chết dần, chết êm ái hơn.
Giai đoạn cuối cùng của ông tôi, ông đuối lắm rồi nên không còn sức kêu la nữa, chỉ đưa mắt lờ đờ nhìn khi có ai hỏi tới...
Một hôm thím dâu tôi dẫn về một người phụ nữ xa lạ gặp ông tôi. Bà ấy cũng trạc tuổi mẹ tôi hoặc nhỏ hơn chừng một hai tuổi gì đó. Khi thím tôi hỏi to ông có nhớ người này không ? Ông tôi gật đầu và từ khóe mắt của ông hai dòng nước mắt ứa ra chảy tràn xuống gối. Người đàn bà ấy cũng khóc. Mẹ tôi cũng khóc. Chỉ có ba tôi không khóc nhưng ông rất lúng túng và ngượng ngùng. Còn thím dâu tôi thì cười. Bà bảo chị em chúng tôi là : Thấy chưa ? Ông nội các con khóc đó...Tôi bắt đầu căm ghét thím tôi từ đó. Mẹ tôi khóc có lẽ vì cảm động hay tủi thân bởi thân làm con dâu nuôi bố chồng bấy lâu, chỉ có bị ông rầy, quở chứ có bao giờ ông rơi lệ.
Chắc thím tôi cũng nhớ ra sự hớ hênh của mình khi nhìn vẻ mặt căm tức của chị em chúng tôi nên thím vội kéo anh chị em chúng tôi ra sau bếp thì thầm kể chuyện. Theo lời thím thì đây là người yêu cũ của ba tôi. Mấy mươi năm không gặp nhau, bây giờ nghe tin ông tôi ốm nặng nên đến thăm lần cuối cho trọn nghĩa tình. Chị cả tôi vẫn chưa hết bực, chị hỏi : Sao không đợi tới lúc ba con chết hãy về, lúc đó nghĩa tử là nghĩa tận. Má con cũng đâu phải người hẹp hòi gì ? Thím tôi thấy căng quá nên nói thật : Bà ấy thăm ông nội vì năm xưa ông con cũng có một lần bị bệnh thập tử nhất sinh, suýt chết, nhờ người đó nuôi bệnh mấy tháng ròng mới khỏi. Có lẽ vì thế mà khi gặp lại người ơn xưa, ông con mới khóc...
Trước khi ra về, người phụ nữ đó còn cầm tay mẹ tôi rất lâu. Hai người nói với nhau rất nhiều. Tôi nghe lỏm bỏm đại ý như là : Chị em mình đều là đàn bà.. cái gì cũng có duyên số..Em cũng đã lập gia đình, con cái cũng lớn rồi...vv và ..vv. Lời nói giống như an ủi nhưng vẫn có điều gì nghe như mang giọng kẻ cả.... của người đi trước.
Lúc đó, tôi không giận người phụ nữ ấy nhưng tôi thầm trách ba tôi sao ông lại có thể yêu một người mà lại lấy một người khác làm nên oan trái ..??
Lúc đó, tôi không giận người phụ nữ ấy nhưng tôi thầm trách ba tôi sao ông lại có thể yêu một người mà lại lấy một người khác làm nên oan trái ..??
Sau khi ông tôi mất, một thời gian sau. Nhân lúc má tôi vui, tôi mới gợi hỏi má chuyện về người xưa. Má tôi kể rằng :
Chuyện xảy ra lâu lắm trước khi ba tôi gặp má tôi. Ông nội tôi rời Bắc vào Nam làm mộ phu đồn điền ở Lộc Ninh, còn ba tôi thì đã vào Saigon học nghề thợ giày trước đó nữa.. Lúc đó hai bố con không gặp nhau. Đến khi chịu không nổi cuộc sống chốn rừng thiêng nước độc, ông tôi ngã bệnh. Cô thân, không tiền bạc ở chốn rừng sâu, nếu không có người phụ nữ tốt bụng kia (khi đó còn là con gái) chăm sóc, nuôi dưỡng có lẽ ông đã chết từ dạo ấy. Sau này nhờ có người báo tin nên ba con tom góp tiền bạc lên tận Lộc Ninh đón ông về. Và..... hai người họ gặp nhau ở đó.
Đến đây tôi nói với má tôi là : Con hiểu rồi, ba sống với người đó vì chịu ơn chứ không yêu. Vì nếu yêu thì nhất định ông sẽ ở lại Lộc Ninh lấy cô đó. Vậy thì đâu có gặp má và có tụi con. Ba chỉ yêu một mình má thôi.
Má tôi cười nhưng bẽn lẽn, bà nói trớ đi : Yêu đương gì ? Ba con nói là hai người không hợp tuổi thôi.
Má tôi thuộc lớp người cổ hủ mà chữ yêu là điều cấm kỵ dù bà đã từng có thời sống cạnh nhà thơ Nguyễn Bính. Đó lại là một câu chuyện dài khác tôi sẽ kể lại sau.
Thật ra có thể có nhiều lý do nào khác nữa để người ta không thể lấy nhau chứ không chỉ là tình yêu hay tuổi tác. Nhưng dẫu sao đây vẫn là một chuyện tình éo le có ảnh hưởng đến đời tôi sau này./.
Viết trên đt di động Samsung
Sunday, 2 Dec 2012
4/4/2013
Sunday, 2 Dec 2012
4/4/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét