Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

NHÌN LẠI MÌNH ĐỜI ĐÃ XANH RÊU



Duyên Anh

*
Bài viết đã trên 45 năm. Vẫn giá trị, đăng lại để bạn đọc hiểu thêm về nhân vật "tay sai của cộng sản".
***
Tuần trước, tại Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên, đường Duy Tân, con đường Duy Tân cây dài bóng mát, Sàigòn, người ta mới diễn thuyết về đề tài Lý tưởng của thanh niên Việt Nam. Buổi diễn thuyết có thảo luận. Những cái đinh của buổi diễn thuyết đi tìm lý tưởng cho thanh niên là những tên tuổi của Sàigòn trí thức :
Luật sư Bùi Chánh Thời, Phạm Kim Vinh,
giáo sư Lý Chánh Trung,
nghị sĩ Phạm Nam sách...
Giáo sư Lý Chánh Trung, người liên miên đả kích những "ông vua chống Cộng", những kẻ chống Cộng hơn cả quốc sách chống Cộng, người thừa can đảm viết những gì mình muốn viết, nói những gì muốn nói và, thường thường, bênh vực triệt để những cuộc xuống đường phản kháng tuổi trẻ Sàigòn, đặc biệt, bênh vực sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm.
Luật sư Phạm Kim Vinh, một "ông vua chống cộng", người đả kích những cuộc xuống đường múa rối và, đặc biệt, dưới bút hiệu Tiêu Lang
(ký ở nhật báo Hòa Bình), mới đây, nhân cái chết của Lê Khắc sinh Nhựt, đã kết tội sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm là mầm non của Cộng sản khát máu.
Giới thiệu luật sư Phạm Kim Vinh và giáo sư Lý Chánh Trung để bạn đọc biết rõ hai cái thái cực đã gặp gỡ đề huề ở một nơi tìm lý tưởng cho tuổi trẻ. Bài này không luận bàn xa xôi về sự mâu thuẫn đầy tính chất hỉ, nộ, ái, ố ấy. Mà chỉ cố gắng tìm hiểu ba thứ tuổi trẻ mà giáo sư Lý Chánh Trung đã phân loại khi phát biểu trong buổi diễn thuyết.
Bài diễn thuyết của luật sư Bùi Chánh Thời không có gì mới mẻ.(**) Vẫn chỉ là lời lẽ của những kẻ ngồi trong bóng tối nguyền rủa bóng tối. Nếu mới lạ thì đó là sự chấp thuận của Tổng Nha Thanh Niên cho cuộc diễn thuyết miệt thị những lãnh tụ thanh niên ăn lương nhà nước ở trung tâm xây dựng bằng tiền của nhà nước.
Điểm này, ta nên suy tôn tinh thần dân chủ, tinh thần thượng võ của Tổng Nha Thanh Niên. Ban tổ chức buổi diễn thuyết không loan báo rộng rãi nên tôi đã bỏ mất dịp đi nghe và chỉ biết sơ qua nội dung buổi diễn thuyết, bài diễn thuyết bằng mẩu lược thuật đăng trên nhật báo Tin Sáng. Mẩu lược thuật đã thuật một cuộc "thảo luận" của giáo sư Lý Chánh Trung khiến tôi chú ý. Đấy là "câu" phân loại tuổi trẻ. Giáo sư Trung nhận xét rằng (đại ý) :
 Có ba loại tuổi trẻ:
+Một loại chăm chỉ học hành rất được chính quyền thương yêu.
+Một loại xuống đường phản kháng rất bị chính quyền thù ghét.
+Một loại tuổi trẻ... đi lính.
Giáo sư Lý Chánh Trung, một nhà trí thức mà tôi khâm phục cả về cái sở học lẫn tấm lòng chân thành thiết tha đối với dân tộc, tuổi trẻ, đã không chịu phát biểu thêm về cảm tình của ông về từng loại thanh niên. Xuyên qua những bài báo ông viết đều đặn, tôi thấy ông đứng với "loại tuổi trẻ xuống đường phản kháng".
Điều này tôi có bổn phận kính trọng sự quả cảm và quan điểm rõ rệt của ông. Bởi ông không mưu đồ ăn có cho sự nghiệp chính trị.
Ông không phải là chính khách chuyên nghiệp hay tập sự. Ông đứng với tuổi trẻ phản kháng, đứng thẳng, chấp nhận mọi hậu quả vì, có thể, ông nhìn được cái mụn mưng mủ trong trái tim "loại tuổi trẻ xuống đường phản kháng" mà người khác, luật sư Phạm Kim Vinh chẳng hạn chỉ nhìn thấy "loại tuổi trẻ xuống đường phản kháng" giống hệt "bọn biểu tình mướn" - trong mục Buồn vui với bạn đọc trên Hòa Bình -
Cũng như ông suy tôn Huỳnh Tấn Mẫm là lãnh tụ của tuổi trẻ , trong khi, ông Phạm Kim Vinh kết tội Mẫm là tay sai của cộng sản. Thành thử, tuổi trẻ phản kháng y hệt trái banh trên sân đời oan nghiệt. Kẻ bắt ôm vào bụng. Kẻ sút chí mạng. Tội nghiệp thay !
Ông Lý Chánh Trung, vẫn xuyên qua những bài báo ông viết đều đặn là người thù ghét chiến tranh (tôi cũng không yêu chiến tranh và không ai trong dân gian yêu chiến tranh trừ những kẻ làm giầu trong chiến tranh và có quyền uy nhờ chiến tranh), tất nhiên, ông phải thương sót "loại tuổi trẻ đi lính".
Điều này tôi lại có bổn phận kính trọng giáo sư Lý Chánh Trung. Tôi không đủ tư cách để thương sót "loại tuổi trẻ đi lính" mà chỉ biết cám ơn họ. Nhờ họ đi lính, tôi được bình yên ở thành phố đi nghe diễn thuyết, viết báo, và viết để biểu diễn sự giả dối, phù phiếm đánh bóng bằng những danh từ mỹ miều, rỗng tuếch ! Như thế, "loại chăm chỉ học hành rất được chính quyền yêu thương" đã không được giáo sư Lý Chánh Trung yêu thương. Hiển hiện. Chắc chắn. Bởi vì, dưới mắt giáo sư Lý Chánh Trung cứ chính quyền là xấu xa tồi tệ. Thì những kẻ được chính quyền thương yêu cũng chẳng đẹp đẽ, thơm tho. Phải vậy chăng ?
Phải rằng người ta muốn đồng hóa "loại tuổi trẻ chăm chỉ học hành" với loại "dân biểu gia nô" ? Tôi chờ đợi giáo sư Lý Chánh Trung trả lời câu hỏi này trên mục này của Tuổi Ngọc. Nếu giáo sư Trung giữ thái độ im lặng, chúng ta đành hiểu ông đã miệt thị cả "loại tuổi trẻ chăm chỉ học hành" lẫn người viết bài này.
Bây giờ, tạm quên giáo sư Lý Chánh Trung, tôi muốn nói về những bậc thầy, những đàn anh đã qua giai đoạn "chăm chỉ học hành" phán xét về
bọn đàn em đang "chăm chỉ học hành". Những bậc thầy, những đàn anh khoa bảng đầy mình rồi. Địa vị xã hội của họ đã có. Họ đủ thì giờ, thừa điều kiện để phản kháng, chống đối, bênh vực đàn em, chiến đấu cho quyền lợi của đàn em. Nhưng họ bất tài, bất lực. Tuổi trẻ của họ đã chết. Họ giống những cây khô trong thành phố, chờ đợi chặt thân, bứng rễ. Họ phải kích lệ hôm nay tuổi trẻ nổi loạn phá phách để được làm phù thủy hô hoán âm binh. Họ không mất mát gì. Bị bắt bỏ tù, họ có thành tích chiến đấu, dấn thân, cách mạng. Nhưng tuổi trẻ bị bắt bỏ tù, bị đàn áp thẳng tay thì chỉ có bất mãn. Và lêu bêu. Suốt đời lêu bêu với mớ kiến thức nỗi lềnh bềnh. Địa vị xã hội không nhường cho những kẻ trắng tay khoa bảng ở đất nước này.
Ngay cả cái lon chuẩn úy cũng chỉ mời mọc người có bằng tú tài. Vậy không muốn lêu bêu, không thích trở thành những chính khách lúa lép, những nhà cách mạng thời thượng, tuổi trẻ chỉ còn biết chăm chỉ học hành. Và chăm chỉ học hành cũng được chụp cái mũ là thân chính quyền. Tội nghiệp thay là "loại tuổi trẻ chăm chỉ học hành" !
Người tuổi trẻ Việt Nam ! Anh đã nghĩ gì về trường hợp Huỳnh Tấn Mẫm, về cái chết của Lê Khắc Sinh Nhựt ? Anh phải bình tĩnh, thận trọng. Tương lai anh đang ngậm như con quạ ngậm miếng phó mát. Anh cứ đậu trên cao, trên mọi tranh chấp đầy tính cách giai đoạn. Anh đừng dại dột nghe những con cáo đứng dưới nịnh bợ kẻo rơi mất tương lai. Và khi tương lai rớt, nhìn lại mình đời đã xanh rêu.
Vũ Thiên Chương
(1971)
(*) Lời câu kết trong bản nhạc Tình xa của Trịnh Công Sơn.


Copy fb Phạm Xen





Không có nhận xét nào: