Anh.
@7
Cuối năm 1963 tôi xuống Thất Sơn, một vùng biên giới hẻo lánh thuộc tỉnh Châu Đốc, tiếp tục theo học bậc tiểu học tại trường làng Chi Lăng. Cha tôi đang làm huấn luyện viên tại trung tâm huấn luyện Chi Lăng kế bên, nơi đào tạo binh sĩ mới cho ba sư đoàn bộ binh đóng quân ở miền Tây: 7, 9 và 21.
Xuống đó chưa được một tháng thì Sài Gòn có biến động chính trị. Những cuộc đảo chính và biến động liên tục xảy ra giữa các tướng lãnh Sài Gòn sau khi ông Diệm bị giết, và kéo dài cho tới khi ông Nguyễn văn Thiệu lên làm tổng thống vào cuối năm 1967 mới chịu thôi.
Cuối tháng một năm 1964, ông trung tướng Nguyễn Khánh làm một cuộc “chỉnh lý” lật đổ chính phủ của ông thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ để tự phong mình lên làm thủ tướng. Ông Khánh lấy lý do ông Thơ và ông Dương văn Minh do không có trình độ và kinh nghiệm chính trị nên chính quyền quá yếu kém, gây chia rẽ trong nhân dân. Nếu ông không làm “chỉnh lý” kịp thời để có một chính quyền mạnh tại miền Nam thì sẽ bị mất nước. Cộng sản sẽ thừa cơ đem quân xâm nhập chiếm miền Nam.
Các tướng lãnh Sài Gòn do ông Dương văn Minh cầm đầu đã đứng lên lật đổ ông Diệm. Ông Minh là người ra lệnh giết chết hai anh em ông Diệm. Trong chính trị việc nhổ cỏ tận gốc đôi lúc cũng phải làm, sau này nhiều khi người ta làm tới ba đời lận. Những người Bắc Công giáo rất căm ghét ông Minh do việc này, họ cho rằng ông Minh phản chủ. Tuy nhiên, phía Phật tử tranh đấu thì coi ông Minh là đại ân nhân, đã cứu giúp họ thoát ra khỏi pháp nạn đàn áp của chính quyền ông Diệm.
Cuộc đối đầu gay gắt diễn ra giữa Phật giáo tranh đấu và chính quyền ông Diệm kéo dài sáu tháng mà không đi tới đâu, tới khi quân đội đứng về phía Phật giáo chống ông Diệm thì chuyện mới ngã ngũ. Không có quân đội can thiệp thì Phật giáo tranh đấu không thể thành công. Nhưng sau ngày 01/11/1963 Phật giáo miền Trung dưới sự chỉ đạo của ông Thích Trí Quang không đồng ý chỉ có ngần ấy, họ tiếp tục đòi thêm, muốn chi phối luôn chính quyền và quân đội chớ không chịu quay về chùa hoạt động thuần túy tôn giáo.
Họ lại đi vào vết xe đổ của các tín đồ Công giáo cuồng nhiệt thân chính quyền thời Pháp hay giới Công giáo Cần Lao thời ông Diệm.
Năm 1966 Phật giáo miền Trung lôi kéo được trung tướng Nguyễn Chánh Thi tư lệnh quân đoàn Một, rồi ra điều kiện với chính quyền Sài Gòn đòi đem ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam ly khai lập một chính quyền tự trị riêng. Ông Nguyễn Cao Kỳ đem quân ra đàn áp họ mới chịu thôi. Những việc làm của các linh mục quá khích người Bắc di cư thời ông Diệm hay việc làm của các nhà sư gốc miền Trung thích làm chính trị như ông Trí Quang không được lòng người Nam Bộ.
Nhiều người Sài Gòn, nhiều người Nam Bộ không thích anh em ông Diệm và chỉ một thời gian sau cũng không còn thích thú với những người đã đứng lên đảo chính ông Diệm. Ông Minh không phải là người làm chính trị tốt, mà chỉ là một tướng lãnh thuần túy không có kế hoạch gì cụ thể để quản lý đất nước. Sau khi giết chết anh em ông Diệm, các tướng lãnh trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng hỏi ông Minh sẽ phải làm gì nữa, tiếp thu chính quyền ra sao, đối phó với Hà Nội như thế nào, cư xử với người Mỹ kiểu gì… ? Ông Minh bực dọc đứng lên phủi tay bỏ đi: Các ông muốn làm gì thì làm, tôi đi đánh tennis đây.
Các tướng lãnh, công chức cao cấp thời đó ví ông Minh như Tư đồ Vương Doãn, sau khi dùng sắc đẹp Điêu Thuyền kích Lữ Bố giết chết cho được Đổng Trác rồi thì bần thần tự hỏi: Đổng Trác chết rồi. Ta biết làm gì nữa đây?
Mấy ngày sau đảo chính, ông Minh không hiểu sao lại phớt lờ dư luận gọi ông Nguyễn Ngọc Thơ là phó tổng thống của ông Diệm đứng ra làm thủ tướng lập nội các mới. Ai cũng nói “Hỡi ôi”. Được ba tháng thì ông Nguyễn Khánh đứng ra làm chỉnh lý.
Ông Nguyễn Khánh có bà mẹ nuôi khá nổi tiếng, đó là cô đào cải lương Phùng Há. Xuất thân từ một gia đình giàu có, được ăn học, có thời gian đi theo Việt Minh rồi “dinh tê” về thành đi lính Pháp, sau chuyển sang Quân đội Quốc gia. Thân hình mập tròn trĩnh lùn lùn, lại để một chòm râu dê dưới cằm trông rất quái. Sau này có danh hài Hồng Tơ bắt chước để râu giống y như ông Khánh vậy. Ưa thích vọng cổ cải lương chắc do ảnh hưởng của bà Phùng Há, ông Khánh hay phát biểu tùy hứng ít suy nghĩ nên đôi khi câu trước chỏi câu sau. Sau này khi bị các tướng lãnh khác bắt lưu vong qua Mỹ thì báo chí Sài Gòn ưa châm chọc gọi ông Khánh là thủ tướng kép hát, vì tính ông ưa diễn “cương” làm “cương” chớ không chịu theo một kịch bản ngay ngắn nào.
Ông Khánh được ông Diệm tin tưởng. Năm 1962 khi hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử ném bom dinh Độc Lập, ông Khánh trực tiếp vào dinh giải quyết mọi việc trong lúc mọi người trong nhà ông Diệm đang hết sức bối rối. Hay khúm núm gọi ông Diệm là cụ xưng con, nên sau này ông thiếu tướng cao bồi Nguyễn Cao Kỳ hay nhiếc mắng ông Khánh trước báo chí: Ông Diệm bị giết bởi ai? Bởi chính những người ngày ngày vây quanh nịnh hót gọi ông Diệm bằng cụ rồi xưng con. Những người này có tư cách gì mà đòi lãnh đạo quốc gia?
Nhưng xét cho cùng, các sĩ quan quân đội hay công chức trẻ tuổi thời đó như ông Kỳ ông Khánh ai cũng gọi ông Diệm bằng “cụ” rồi xưng con, chớ không phài chỉ riêng ông Khánh. Có khi ông Kỳ cũng từng gọi cụ Diệm rồi xưng con, vì tuổi của ông Diệm đã quá năm mươi trong khi các ông tướng trẻ chừng ba mươi mấy bốn mươi tuổi thôi. Ông Diệm cũng thích người khác gọi ông là “cụ” như vậy, nhưng ông Ngô Đình Nhu thì rất ghét kiểu xưng hô đó.
Ngay từ năm 1956 đã có lệnh không được gọi ông Diệm là “Cụ Ngô Đình Diệm” trong các văn bản chính thức nữa mà phải gọi là “Ngô tổng thống”. Cũng cấm gọi các quan chức lớn là “ngài”. Thế nhưng năm 1962 lại phải ra thông tư nhắc lại, cấm gọi “cụ” lẫn “ngài”. Có nghĩa cấm trên giấy tờ nhưng trong thực tế người ta vẫn thích dùng hai chữ này.
Thất Sơn, Châu Đốc, Long Xuyên ngày trước là nơi ông Nguyễn Ngọc Thơ từng làm công chức lớn cho người Pháp. Ông Thơ tuy làm quan lâu năm nhưng hiền lành, không có tai tiếng tham nhũng hay bức hiếp người ta như những ông đốc phủ sứ khác. Nhưng tới thời ông Diệm đem quân bình định miền Tây thì uy tín ông Thơ mất hẳn qua vụ giết chết tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh của quân đội Dân Xã Hòa Hảo. Sau cái chết của tướng Ba Cụt thì uy tín của ông Thơ với dân Hòa Hảo vùng này không còn nữa, và rồi ông Thơ ít khi nào dám quay trở lại thăm viếng vùng này dù gia đình ông vẫn còn nhiều ruộng đất ở đây.
Năm 1955- 1956… ông Diệm chỉ đạo đại tá Dương văn Đức rồi sau này là thiếu tướng Dương văn Minh đem quân tiêu diệt cho bằng được đội quân Hòa Hảo của tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh. Hành quân nhiều lần nhưng không thành công. Sau, ông Thơ hiến kế dụ hàng Ba Cụt. Ba Cụt đang trên đường về hàng thì bị lính của đồn Chắc Cà Đao phục kích bắt trói đem về giao cho ông Dương văn Minh. Ông Diệm lập tòa án xử tử. Dân ở đây cho hành động lừa gạt của ông Thơ là không còn chút nghĩa khí nào, không xứng đáng là dân chơi Nam Bộ.
Ông Thơ làm bộ trưởng, làm đại sứ rồi cuối cùng làm phó tổng thống cho ông Diệm từ năm 1956 cho tới 1963. Tuy nhiên chỉ là một phó tổng thống hư quyền, mọi sự việc lớn đã có anh em ông Diệm sắp xếp lo toan hết. Lâu ngày ngồi chơi xơi nước cũng chán rồi đâm oán người đã đưa mình lên làm phó tổng thống bù nhìn.
Ông Dương văn Minh khi mới đi lính cho quân đội Pháp từng làm việc dưới quyền của ông Thơ. Có thời gian ông Minh bị mật thám Pháp nghi ngờ đi theo Nhật, bắt tra tấn đánh gãy hết mấy cái răng cửa. Nhờ ông Thơ ra sức bảo lãnh ông Minh mới được Pháp tha. Ân tình là thế nên sau ngày 01/11/1963 ông Minh bảo ra lập nội các thì ông Thơ nhận ngay. Nhưng những người chống ông Diệm và nhất là Phật tử miền Trung thì chống đối kịch liệt, họ cho rằng nội các của ông Thơ là “chính quyền của ông Diệm mà không có Diệm”. Ông Nguyễn Khánh cũng dựa cớ này truất phế ông Thơ đi, cho ông Minh ngồi chơi xơi nước.
Chuyện xảy ra ở Sài Gòn ít khi nào vang tới Châu Đốc. Chuyện Nam Vang người Châu Đốc sành hơn và thích nghe hơn. Sau khi ông Diệm lên làm tổng thống thì có khuyến dụ treo hình tổng thống trong nhà dân. Có hai loại hình chân dung tổng thống, hoặc là ông Diệm mặc âu phục đeo cà-vạt, hoặc là ông Diệm mặc áo dài khăn đóng. Muốn treo loại hình nào cũng được. Bắt dân treo hình thì họ treo chớ đôi khi chẳng biết hình đó của ai. Một hôm ông Diệm kinh lý về một xã biên giới của tỉnh Châu Đốc, chỉ hình mình trên tường rồi hỏi một bà người Miên: Hình ai vậy? Bà Miên lễ phép trả lời: Dạ của ông Nguyễn văn Thoại. Ông Diệm giận lắm nhưng lại tự an ủi: Cũng còn may, bà ấy không nói đó là hình của Sihanouk.
Sau ngày 01/11/1963 có lệnh từ Hội đồng Quân nhân Cách mạng không cho treo hình chân dung của ông Ngô Đình Diệm trong nhà dân và trong công sở nữa. Ở vùng xa xôi như Thất Sơn chẳng ai biết chính phủ Sài Gòn đã thay đổi, nên mãi tới khi ông Khánh lên làm thủ tướng nói chuyện ồn ào trên đài phát thanh người ta mới lật đật tháo hình ông Diệm xuống. Nhiều người thấy cái khung kính còn đẹp nên giữ lại còn cái hình chân dung thì vất lung tung ngoài chợ.
Nếu ở khu Tân Việt hay Bảy Hiền thì mấy người Bắc di cư đã thu gom cất giữ mấy cái hình cũ của ông Diệm rồi, nhưng những nơi có nhiều người theo đạo Hòa Hảo như dưới Thất Sơn, Châu Đốc thì người ta cố ý vứt lung tung. Lại có người rất hả hê khi biết rõ ràng ông Diệm đã chết và ông Thơ đã bị ông Khánh đuổi về vườn. Hết tháng giêng âm lịch mới hết cảnh người ta vứt hình lãnh đạo cũ lăn lóc ngoài chợ làng.
Trước ngày đảo chính khi coi phim hay coi hát thì khán giả phải tham dự tiết mục chào cờ có hát bài “Suy tôn Ngô tổng thống” rồi mới được xem tới phần giải trí chính. Nhiều người không thích ông Diệm thì nán lại đứng bên ngoài chờ cho tiết mục chính bắt đầu thì mới chịu bước vào xem. Cũng không ai bắt buộc khán giả phải vào rạp sớm để chào cờ và suy tôn. Sau 01/11/1963 cảnh này không còn nữa.
Nói gì thì nói, thời ông Diệm đạo đức xã hội tại miền Nam còn rất khá. Sau ngày đảo chính 01/11/1963 tình hình thanh thiếu niên bắt đầu lủng củng. Nạn cờ bạc, mãi dâm, du côn du đãng thời ông Diệm rất ít. Qua năm 1964 thì thay đổi nhanh có lẽ do chiến tranh, có lẽ do nhiều người Mỹ qua đây đã đem theo họ lối sống Mỹ khá phóng túng. Lãnh đạo cấp cao thời ông Diệm còn mang nặng màu sắc Khổng giáo đầy tôn ti trật tự, qua thời các ông tướng trẻ thì khá tự do tùy tiện. Hình như ai muốn làm gì thì làm. Con nít sau 1964 hư sớm, du đãng mãi dâm tăng nhiều hơn thấy rõ. Một phần cũng do nở rộ các dịch vụ phục vụ người Mỹ.
Từ năm 1964 trở đi người Mỹ càng lúc càng đông. Người Mỹ có mặt từ Sài Gòn tới các vùng quê xa xôi ở miền Nam như Thất Sơn, nhất là những người Mỹ mặc áo lính. Tới năm 1965- 1966 người Mỹ, người Hàn Quốc, người Phi, người Thái, người Úc, Tân Tây Lan… cũng đều có mặt tại miền Nam, nhiều nhất tại Sài Gòn và các thành phố lớn như Đà Nẵng, Nha Trang.
Từ đó Sài Gòn có thêm từ “Kẻng” để nói về những người chịu chơi, ăn mặc giống Mỹ, cư xử kiểu Mỹ, sống theo lối Mỹ và biết nói tiếng Anh chút chút. Chắc là rút gọn từ chữ Pháp “style américain” chỉ còn giữ lại âm cuối là “cain”. Khen người nào sang trọng bảnh tỏn chịu chơi thì gọi là “kẻng quá hen”.
Xe đò và máy bay đã thay thế cho xe lửa ọc ạch thời ông Diệm. Những thứ của người Mỹ nhanh chóng thay thế cho những gì ít ỏi còn sót lại của người Pháp, tiếng Anh được học nhiều và tiếng Pháp bị lãng quên. Từ đó bọn nhỏ chúng tôi rất quen thuộc với người Mỹ mà ít còn biết người Pháp là ai. Có khi từ Thất Sơn về Sài Gòn tôi không đi bằng xe đò mà bằng máy bay vận tải quân sự Caribou của Úc. Trên máy bay mỗi khi thấy ai có vẻ muốn ói thì một ông Mỹ trẻ đẹp trai liền cầm một cái túi nilon đưa cho.
Một hôm đi học có thầy giáo hỏi: Người Mỹ ác độc hay hiền lành? Tôi đáp: Hiền quá đi chớ, kẻng quá đi chớ. Đàn bà con nít ói trên máy bay thằng Mỹ kẻng cầm cái túi nilon đựng đồ dơ chạy tới liền.
Nhiều người Mỹ theo đạo Tin Lành chớ không theo đạo Công giáo. Tới đâu người Mỹ cũng lập nhà thờ Tin Lành và tổ chức lớp học Anh văn do các mục sư người Mỹ hay người Việt dạy miễn phí. Từ năm 1964 tôi được học tiếng Anh theo kiểu miễn phí này tại Thất Sơn.
Qua một vài tháng học tiếng Anh ở Thất Sơn, tôi đã có thể nói vài câu tiếng Anh đơn giản theo giọng Miên lai. Các bạn cùng lớp với tôi thì khá hơn tôi nhiều, con nít ở Thất Sơn từ nhỏ vốn có thể nói cùng một lúc tiếng Việt, tiếng Miên và cả tiếng Tàu. Nay chúng lại nói thêm được chút tiếng Anh bồi bàn vị chi thành bốn thứ tiếng. Mà chắc tiếng nào cũng chẳng ra tiếng nào.
MOMENTARY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét