Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

NGÀY CŨ. @11

Người Mỹ đến dạo chơi đất Đông Dương khá sớm. Tổng trấn thành Gia Định Lê văn Duyệt từ năm 1819 đã có dịp gặp gỡ làm quen với vài người Mỹ làm nghề thương mại hàng hải ghé ngang Sài Gòn. Việt đãi tiệc Mỹ, rủ Mỹ xem xiếc chung rất vui vẻ, nhưng lúc nào cũng có mặt vài thông dịch viên. Rồi tới lúc cần hàn huyên tâm sự kín đáo giữa người Mỹ và quan tổng trấn, thì họ đóng cửa phòng lại chia động từ “tu-quơ”.

Người Mỹ nhận xét về Lê văn Duyệt: Ông Duyệt tuy già nhưng còn khỏe mạnh sáng suốt, tóc không bạc trắng, mắt tinh anh không cần đeo kính cận. Hiểu biết mọi việc và rất cương quyết. Tiếc rằng ông Duyệt xứng đáng làm vua nhưng không được làm vua mà chỉ làm tới chức quan tổng trấn.

Mấy người Mỹ đó không biết rằng vào thế kỷ 19 người Việt Nam chưa biết đeo kính. Những nhà buôn Mỹ, các nhà hàng hải người Mỹ suốt thời Pháp thuộc cũng đôi lần ghé Việt Nam trên đường đi buôn bán. Lúc đó người Pháp đón tiếp người Mỹ chớ ít khi nào cho người Việt chen chân vào. Mà có chen chân vào thì chắc cũng chỉ biết chia động từ “tu-quơ” thôi.

Phe Việt Minh tiếp xúc với tình báo quân đội Mỹ tại biên giới Việt Trung vào cuối thế chiến thứ hai. Ông Hồ Chí Minh vào năm 1945 có gởi thơ cho tổng thống Mỹ đặt vấn đề xin giao hảo nhưng không được phía Mỹ trả lời. Lúc đó chắc viên tổng thống người Mỹ chưa hình dung ra được nước Việt Nam, chắc ông ta chỉ biết xứ Đông Dương thuộc Pháp mà thôi.

Và nếu ngày đó tổng thống Mỹ có viết thư trả lời ông Hồ Chí Minh thì cũng không chắc chắn rằng nước ta đã tránh được ba mươi năm chiến tranh 1945- 1975 như nhiều người sau này tiếc nuối: Phải chi hồi đó tụi Mỹ chịu chơi với mình thì mình đã đi theo đường lối chính trị tư sản của Mỹ rồi, làm gì có chuyện Quốc Cộng đánh nhau.

Họ quên mất vấn đề “ý thức hệ” đang là xu hướng thời thượng cho các phong trào giành độc lập tại các thuộc địa. Chuyện quan trọng là phía Cộng sản luôn muốn một mình làm chủ chính quyền từ Bắc chí Nam theo chế độ chuyên chính độc đảng, còn phía Quốc gia thì muốn giữ lại ít nhất là miền Nam theo thể chế Quốc gia Cộng hòa đa đảng, rồi sau đó cũng tìm cách thống nhất Bắc Nam áp dụng chế độ đa đảng kiểu tư sản.

Thời đó, với tham vọng “ý thức hệ” ai cũng muốn được làm chủ chính quyền từ Bắc chí Nam, phe Quốc gia hay phe Cộng sản cũng vậy, chính quyền Sài Gòn hay chính quyền Hà Nội cũng vậy. Cuộc chiến tranh 1954- 1975 có mục đích là để một bên nào đó có thể thắng và rồi thống nhất đất nước. Trong thâm tâm ông Bảo Đại, ông Ngô Đình Diệm hay ông Hồ Chí Minh không có việc chấp nhận chia cắt lâu dài Nam Bắc, hay chẳng có ai chịu để mất Nam Bộ. Họ chỉ chấp nhận tạm thời thực trạng đấu tranh nội bộ hay phân rẽ lãnh thổ do bị phía bên ngoài ép buộc mà thôi. Kẻ bên ngoài sẽ có lợi nhất và giữ được sĩ diện nhất khi Việt Nam rơi vào tình trạng Bắc Nam phân rẽ từ năm 1954 chính là chính quyền Trung Quốc của Mao Trạch Đông.

Cuối cùng, chiến tranh Quốc Cộng chấm dứt năm 1975 và Mỹ đã rời bỏ Việt Nam 43 năm rồi. Mấy chục năm qua số lượng Việt Kiều ở Mỹ, ở Úc, ở Tây Âu tăng nhanh do vượt biên, do việc bảo lãnh viên chức và sĩ quan chế độ cũ, do chính sách đoàn tụ gia đình… và nếu quan sát cho kỹ, số lượng Việt Kiều tự lo giấy tờ xuất cảnh xuất phát từ các vùng có ảnh hưởng của Cộng sản trong ba mươi năm chiến tranh trước đây đã tăng đột biến. Nhất là trong vòng mười mấy năm trở lại đây, Việt Kiều gốc Cộng tăng nhanh ở Mỹ ở Canada cùng với số người Hoa lục địa di dân.

Người ta tự hỏi: Vậy chiến tranh gây chết chóc thương tật cho quá nhiều người để làm gì? Để rồi sau này có quá nhiều người vùng ngoài cùng con cháu họ lại tìm mọi cách sang Mỹ, hay là họ muốn giải phóng luôn nước Mỹ? 

Ông Nguyễn Cao Kỳ, người nhiều lần trong thập kỷ 1960 đòi “Bắc tiến” vài năm trước khi chết có nói bộc trực: Chiến tranh hai mươi năm để mà làm gì? Là để một bên nào đó, dù Quốc gia hay Cộng sản, có thể thắng và thống nhất đất nước. Bây giờ đừng nói tới ý thức hệ nữa, ở Việt nam bây giờ có còn gì là ý thức hệ đâu? Tôi cũng đã từng muốn chiến thắng miền Bắc để thống nhất đất nước nhưng đã không làm được. Nếu mấy người ngoài Bắc đã làm được chuyện đó thì mình trong miền Nam phải chấp nhận là mình đã thua, sao còn mãi cay cú hận thù? Và khi đã thống nhất được là chấm hết chiến tranh, không nên tranh cãi chia rẽ thù hận làm gì nữa. Chẳng có chuyện ai mất nước ở đây, dù ai đã thắng thì người đó cũng là người Việt Nam cả.

Từ xưa tới giờ tôi ít khi coi trọng tư cách cá nhân của ông Kỳ, bởi đối với nhiều học sinh trong Nam ông Kỳ thuộc loại cao bồi bổ bả ruột ngựa, rất kém kiềm chế trong lời nói và hành động, lại ưa làm điệu làm dáng trước đàn bà đẹp ngay cả trong những lúc tình hình của Sài Gòn vô cùng bi thảm. Nói chung ông ta hay bỏ mặc dư luận, thích gì làm nấy, chẳng cần biết người ta ghét hay thương.

Ông Kỳ cũng chẳng giỏi làm chính trị, vì nếu ông Kỳ giỏi thì đã không bị ông Nguyễn văn Thiệu hất cẳng cho ngồi chơi xơi nước suốt tám năm 1967- 1975. Những ngày cuối cùng của Sài Gòn ông Kỳ lái trực thăng bay vòng vòng, có lúc đáp xuống sân nhà thờ tụ họp giáo dân Công giáo lại rồi tuyên bố chắc như bắp: Tất cả sẽ được cấp phát vũ khí chống Cộng sản xâm lược, tôi sẽ sát cánh bên anh em tử thủ Sài Gòn như bên Nga có mấy trăm ngày đêm tử thủ Stalingrad.

Cuối cùng, những người tin lời ông Kỳ qua hôm sau chẳng còn thấy mặt ông Kỳ đâu cả. Ông Kỳ đã làm lỡ làng chuyện sắp xếp di tản qua đất Mỹ của nhiều gia đình người Sài Gòn đã lỡ tin lời phát biểu tử thủ của ông. 

Chuyện về nước liên tục của ông Kỳ từ năm 2004 để làm kinh tế riêng cũng làm nhiều người Sài Gòn cũ đang sống ở nước ngoài cảm thấy hết sức khó chịu. Họ càng khó chịu hơn khi thấy ông Kỳ tay bắt mặt mừng cười hể hả với các quan chức Cộng sản.

Thế nhưng phát biểu của ông Kỳ về kết thúc cuộc chiến tranh hai mươi năm tương tàn giữa những người Việt Nam như đã viết ở trên theo tôi là khá thực tế theo hướng “lương tâm lịch sử”. Mỗi khi muốn nhào vào đánh nhau, phải biết rõ khi tàn cuộc chiến cuối cùng bên yếu kém chắc chắn phải chịu thua. Mà giữa người Việt với người Việt thì cũng không nên giữ mãi tâm lý thua cay cú hay thắng huênh hoang mãi. Người Việt nào đã trải qua chiến tranh phải hiểu rõ tình cảnh của những nước nhỏ, chiến tranh hay hòa bình là do những ông lớn bên ngoài quyết định chớ chúng ta không có kí lô nào hết. Trên bàn cờ, chúng ta chỉ là những con “chốt” mà thôi.

Lúc nào đó khi ta đã trưởng thành hay đã già, khi nghĩ lại phải biết xấu hổ vì cứ mãi buồn rên than khóc căm hận hay vui vẻ ca hát lãng nhách suốt ngày… như mấy chục năm qua ta cứ diễn trò khỉ mãi. Trong lúc những chuyện rất cần làm thì lại chẳng ai chịu làm.

Tiếc cho ông Kỳ hay những người đồng ý với phát biểu của ông Kỳ là như vậy đó.   

Từ năm 1954, người Mỹ không ủng hộ quốc trưởng Bảo Đại (vì họ nghĩ ông Bảo Đại là người của Pháp) nhưng người Mỹ ủng hộ chính phủ của ông thủ tướng Ngô Đình Diệm. Sau khi ông Bảo Đại bị phế truất, họ viện trợ kinh tế quân sự trực tiếp và dồi dào cho chính quyền Đệ nhất Cộng hòa của ông Ngô Đình Diệm.

Nhưng cũng chính người Mỹ kích động ủng hộ Phật giáo tranh đấu và quân đội nổi dậy làm đảo chính lật đổ và giết chết ông Diệm vào cuối năm 1963. Suốt các năm 1965- 1971 quân đội Mỹ đóng vai chủ động trên chiến trường, họ chiến đấu trực diện với Việt Cộng trong các trận đánh lớn tại miền Nam và dùng không quân ném bom miền Bắc lúc nhiều lúc ít. Quân đội Sài Gòn đóng vai trò dự bị, thường chiến đấu trên các chiến trường nhỏ lẻ, chủ yếu lo trị an đối phó với bộ đội Cộng sản địa phương mà thôi. Chuyện lớn đã có người Mỹ lo.

Từ năm 1969 trở đi, người Mỹ muốn chuyển giao dần dần vai trò chiến đấu trực tiếp cho quân đội Sài Gòn, họ chỉ còn muốn yểm trợ quân đội Sài Gòn bằng phi pháo mà thôi. Đầu năm 1973 Mỹ chính thức không tham chiến trực tiếp tại miền Nam và cũng hết ném bom miền Bắc, họ rút quân về hết và cũng thôi không yểm trợ phi pháo cho Sài Gòn tuân thủ đúng theo các qui định của Hiệp định Paris 1973.

Họ giảm dần viện trợ kinh tế lẫn quân sự và tới tháng tư năm 1975 hoàn toàn rút chân ra khỏi Việt Nam cũng như Lào và Campuchia.

Mỹ lúc trước rất hăng hái bước vào đất Việt Nam mà rồi cũng nhanh chóng khăng khăng quyết định cởi áo ra đi cho sớm. Bốn mươi ba năm qua họ vẫn chưa thèm trở lại đất này, chỉ có chúng ta đang bay vòng vòng qua bên đó tìm kiếm họ mà thôi.

Tiền và tài sản, viện trợ kinh tế và quân sự, vật lực và nhất là nhân lực… của người Mỹ đã đổ vào miền Nam suốt hai mươi năm 1954- 1975 rất lớn và rất nhiều, đôi lúc không thể đếm, không thể đo lường xuể được.

Sự thất bại của người Mỹ tại miền Nam Việt Nam cuối cùng được lý giải không phải là do Mỹ và chính quyền miền Nam thiếu “ý thức hệ” hay do thiếu “chính nghĩa”. Vì chỉ vỏn vẹn mười lăm năm sau hòa bình, vào năm 1990 thì thành trì “ý thức hệ” vững chắc cũng chẳng còn gì nữa khi các nước Đông Âu và Liên Xô hoàn toàn tan rã. Họ đã nhanh chóng từ bỏ “ý thức hệ” mà chắc đã bỏ từ lâu rồi, còn ta cứ tưởng họ còn.

Sau này đọc báo chí kinh tế của Mỹ, tôi tạm đoán: Chắc Mỹ bỏ đi là do họ đã không thể kiểm soát được, không quản lý được, không thể ngờ được chuyện mất mát và mất cắp quá thường xuyên và quá lớn… khi đổ vào miền Nam Việt Nam một số lượng khổng lồ tiền và của cải cùng với nửa triệu binh sĩ viễn chinh. 

Mười mấy năm trước, vài hôm trước khi chết vì bệnh ở Canada, ông thầy dạy sử của tôi thời trung học có viết vài câu bâng quơ trên internet, mà rồi làm tôi nhớ mãi cho đến hôm nay: Trong trái tim của mỗi con người sống trong một nước nhược tiểu chậm tiến như nước Việt Nam luôn luôn có một thằng ăn cắp. Mà miền Nam ngày đó dân số có tới mười mấy triệu người. Mỹ có tiền rừng bạc biển thì cũng không đủ đem qua đây để cho quá nhiều người không lo chiến đấu mà tối ngày chỉ lo… Nửa triệu lính Mỹ thì có thấm thía gì so với mười mấy triệu người nhược tiểu Việt Nam.

Người xứ mình từ Bắc chí Nam, thời bây giờ bỏ đi ra nước ngoài sinh sống kiếm cơm nhiều lắm. Không giết người, không đánh bom khủng bố, cũng không đóng góp sáng tạo ra được con mẹ gì hết cho xứ sở người ta… mà chỉ nổi tiếng do lâu lâu bị cảnh sát nước ngoài bắt giữ vì tật hay ăn cắp vặt. Bọn cảnh sát nước ngoài cũng ác, mỗi lần có chuyện lại cho đăng báo lên đài ầm ầm cho thiên hạ biết. Khi mới bước ra ngoài mà cầm cái hộ chiếu Việt Nam thì đã bị hải quan sân bay của họ soi rồi.

Tật bệnh đó không mới, ngày xưa người Mỹ đùng đùng kéo hàng đoàn người vào rồi mấy năm sau lật đật cuốn gói bỏ đi cho lẹ, chắc chỉ vì họ chịu không nổi sự mất mát quá lớn do nạn ăn cắp và nạn tham nhũng ở Sài Gòn.

Và tật bệnh đó cũng chưa hề cũ… Hiện nay tại Việt Nam, nếu chúng ta ra sức lao động kiếm được mười đồng hay đầu tư vào một công trình nào đó mười đồng, thì lập tức ngay lúc ban đầu chúng ta đã bị hao hụt hết sáu hay bảy đồng, thậm chí mất trắng tới chín đồng. Chắc do mỗi người trong chúng ta luôn có một thằng gì đó ngọ nguậy ở sẵn trong tim.

MOMENTARY

Không có nhận xét nào: