Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

PHƯƠNG PHÁP KHÍ CÔNG HIỆP KHÍ ĐẠO


Của Đại sư Tōhei Kōichi, 
Huyền đai Thập đẳng, hệ phái Ki-Aikido,
Đệ tử chính truyền của Tổ sư Uyeshiba Morihei (Nhật).

*
Người ta còn sống là còn thở. Nhưng trừ các thiền sư, các đạo sĩ, một số nhà võ học luyện tập khí công (hay nội công)… hầu hết người ta thường thở không đúng cách, và thường là không biết mình đang thở. Phải. Chúng ta thường quên mất là mình đang thở. Tức là quên rằng mình đang sống.

Có lẽ có nhiều phương pháp thở tùy theo mục đích và môn phái tập luyện, nhưng tựu trung là quán niệm hơi thở, biết mình đang thở (tức ý thức mình đang sống), và tập điều khiển hơi thở theo ý mình; hơi thở mang sinh lực của ta chan hòa vào vũ trụ, và mang sinh lực vũ trụ vào trong cơ thể của ta, biến ta thành một phần (không tách biệt) của vũ trụ, có thể sử dụng (một phần hoặc thậm chí toàn thể) sức mạnh của vũ trụ. 

Lý thuyết thì cao siêu như thế, sau khi tập đến một mức độ nào đó, người ta sẽ thấy hiệu quả là hết sức bình thường, kể cả khi đạt được khả năng phi thường nào đó. Ví dụ, các môn sinh Hiệp khí đạo có thể đưa thẳng cánh tay ra một cách bình thường, không lên gân, không vận sức, mà nhiều người hợp lực không thể nào bẻ gập nó lại được; hoặc  có người chịu cho chôn mình trong huyệt mộ hoặc nhấn chìm trong nước trong thời gian dài mà vẫn sống; hoặc hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi yên trong lửa đỏ cho đến khi lửa tàn, thân xác cháy đen, ngài gật đầu chào từ biệt mọi người rồi mới buông thả cho thân xác ngã ra… Đó là công phu làm chủ hơi thở, như trong thiền định của Phật giáo. (Vài năm trước đây có tin tại Mông Cổ người ta phát hiện nhục thân một vị sư viên tịch từ hàng trăm năm trước mà thân xác vẫn còn nguyên vẹn, và bác sĩ của đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết vị sư ấy đang trong trạng thái thiền định thật sâu, chớ thật ra ngài chưa chết! - http://baomai.blogspot.com/2015/02/nha-su-uop-xac-tai-mong-co-chua-chet.html ) (hình như link này chết rồi?)

Nhưng mục đích luyện tập của ta không phải để đạt được trạng thái siêu nhiên đó. Ta chỉ tập để trị bệnh và tăng cường sức khỏe. Phương pháp này có thể chữa lành một số bệnh, chủ yếu là các bệnh về phổi.

Ngoài ra, tập thở phương pháp này giúp ta chống chịu được cái lạnh, và chế ngự sự giận dữ, sợ hãi, tuyệt vọng…. CỰC KỲ HIỆU QUẢ. 

THỜI GIAN VÀ CÁCH THỰC HIỆN: Tập thở là tập làm chủ hơi thở và thở đúng phương pháp. Sau khi nắm vững kỹ thuật làm chủ và điều khiển hơi thở, người ta có thể tập bất cứ lúc nào trong ngày, trong mọi tư thế đi đứng nằm ngồi, vì người ta lúc nào cũng thở. 

Nhưng trước hết và quan trọng hơn hết, là tập ở dạng quỳ. Mỗi ngày tập ÍT NHẤT một lần. LIÊN TỤC , không ngày nào gián đoạn. Thời gian lần tập đầu tiên chỉ từ năm đến mười phút là đủ, vì quỳ chưa quen, đau chân. Nhưng mỗi lần tập nên phấn đấu vượt qua mức cuối cùng mình có thể chịu đựng được. Ví dụ tập được năm phút rồi, chân đau quá, nhưng cố gắng thêm một hay hai hơi thở nữa. Mỗi ngày cố thêm một chút. Sau một thời gian, mình sẽ thấy hứng thú, đam mê, có thể kéo dài buổi tập hàng giờ mà vẫn thấy phấn chấn và trong người càng nhẹ nhàng khỏe khoắn. 

Ban đầu mỗi chu kỳ thở (hít vào thở ra) chỉ khoảng mười giây. Dần dần theo thời gian về sau, hành giả có thể giữ một chu kỳ thở của mình (hít vào thở ra) đến một phút, hoặc lâu hơn thế. (Những người thợ lặn trần (skin diver) chuyên nghiệp có thể nín thở dưới nước từ ba đến năm phút).

CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI TẬP: 
Đây là buổi tập chính trong ngày, nên dành vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Trong phòng yên tĩnh  (và không có muỗi), ánh sáng vừa ý (để khỏi làm mình phân tâm)

Trước khi tập hãy:
-thu xếp công việc trong ngày (để tránh tình trạng đang tập bỗng nhớ ra một chuyện gì đó chưa làm!), 
-làm vệ sinh cá nhân, vì tập xong thì nằm xuống ngủ luôn.

TƯ THẾ NGỒI SEIZA CỦA NGƯỜI NHẬT:
Người Nhật ngồi trên hai chân gấp lại mà họ gọi là “Chính tọa” (Seiza), ta thường gọi là tư thế quỳ.
-Hai chân quỳ, khoảng cách giữa hai đầu gối bằng khoảng hai nắm tay, 
-hai bàn chân duỗi thẳng; 
-hai gót chân chụm lại. 
-Trong tư thế đó, hạ người xuống. Đặt mông trên hai gót chân. 
-Hai bàn tay đặt nhẹ trên hai đầu gối. 
-ĐẦU, CỔ VÀ SỐNG LƯNG NẰM TRÊN MỘT ĐƯỜNG THẲNG ĐỨNG. 
-Mặt hướng tới phía trước, hai mắt khép lim dim. 
-TOÀN THÂN THẢ LỎNG, không một chỗ nào lên gân. 

Bắt đầu bằng THỞ RA BẰNG MIỆNG. 
Do bình thường mình thở không đúng cách nên trong phổi bao giờ cũng còn lại nhiều khí ứ đọng, trước khi tập phải “trút” ra CHO THẬT HẾT không khí trong phổi. Cố gắng thở ra thật hết. Khi đã thở ra hết rồi, cố gằng thở hắt ra thêm một cái cuối cùng nữa.
Trong khi thở ra như thế, hơi thở kéo thân người mình hơi chúi tới trước, cho nên trước khi bắt đầu hít vào phải lấy lại thế thẳng đứng của đầu cổ và xương sống.

Bắt đầu hít vào. HÍT VÀO TỪ TỪ BẰNG MŨI. Thật CHẬM rãi. Sau khi đã thở ra như thế, không khi sẽ tự động ùa vào phổi mình, cho nên rất khó hít vào một cách từ từ chậm rãi. Nhưng tập dần dần sẽ quen và điều khiển được hơi thở theo ý muốn.

Trong khi hít vào, TƯ TƯỞNG MÌNH PHẢI ĐI THEO HƠI THỞ. Hãy tưởng tượng một luồng khí lực trong lành của vũ trụ theo hơi thở đi vào người mình. Tưởng tượng luồng khí lực đó đi vào mũi, đi thẳng ra sau ót. Khi hít vào đủ rồi hãy dùng tư tưởng đưa luồng khí lực đó đi dọc theo sống lưng xuống tới huyệt đan điền. Huyệt Đan điền nằm phía dưới rún, cách rún khoảng 5 phân. Giữ hơi thở (luồng khí lực) tại Đan điền từ ba đến năm giây. Đếm thầm trong trí một, hai, ba (bốn, năm). 

Trong khi giữ như thế, hơi trong phổi sẽ bật ra; khí lực ở đan điền sẽ dội lên. Nhưng nên dùng tư tưởng kềm giữ nó ở đó. Sau ba hay năm giây, bắt đầu THỞ RA TỪ TỪ BẰNG MIỆNG. Phải giữ HƠI THỞ RA TỪ TỪ, thật đều, “đều như sợ chỉ” đừng lúc dày lúc mỏng, đừng đứt quảng. 

Để kiểm soát độ đều của hơi thở ra, trong khi thở ra bằng miệng, hãy phát ra một âm thanh “Haaaaa…” nho nhỏ thật đều đi theo hơi thở. Nghe âm thanh đó ta sẽ biết hơi thở ra của mình có đều hay không. Khi thở ra, ta tưởng tượng mình xua cặn bã, thán khí trong người ra, cùng với luồng khí lực của mình theo hơi thở ra giao hòa với khí lực của vũ trụ. Khi thở ra hết rồi, nhớ cố gắng thở hắt thêm một cái cho thật hết. 

Khi mình hô hấp thì không khí đi vào phổi. Nhưng ta dùng tư tưởng để dẫn luồng khí lực của vũ trụ đi vào theo không khí. Trong khi không khí đi vào phổi, luồng khí lực được tư tưởng của ta dẫn đi dọc sống lưng, xuống đan điền, rồi sau đó khi không khí đã được tách bớt oxy, còn lại thán khí thở ra, thì luồng khí lực theo thán khí trở ra hòa nhập với vũ trụ.

Một lần hít vào thở ra là một chu kỳ hơi thở, cũng là một chu kỳ tuần hoàn của khí lực. Khi mới tập, một chu kỳ thở còn ngắn, tâm trí hành giả sẽ không có đủ thì giờ để vừa kiểm soát vửa làm chủ và điều khiển hơi thở và khí lực. Nhưng tập dần dần, hơi thở sẽ dài hơn, chu kỳ thở dài hơn, ta không còn phải lo chuyện kềm giữ nó nữa, mà sẽ điều khiển hơi thở của mình một cách thoải mái. Lúc đó, trong phổi mình không có không khí ứ đọng, mỗi lần hít vào ta đưa vào phổi rất nhiều không khí mới – khí lực mới của vũ trụ.

“Bí quyết” là TÂM TRÍ MÌNH LUÔN LUÔN ĐI THEO HƠI THỞ. Dừng bao giờ để tâm trí bay đi đâu đâu mà bỏ quên hơi thở. Đồng thời nhớ kiểm soát để THÂN THỂ BUÔNG LỎNG. Thân thể buông lỏng thì khí lực trong người sẽ lưu chuyển dễ dàng và thông suốt. 

Chỉ sau một thời gian ngắn, khi dẫn khí lực đi dọc sống lưng xuống đan điền, luồng khí lực đi tới đâu ta sẽ nghe cảm giác nóng ấm lan dần tới đó.

Lưu ý: Lúc đầu khi giữ khí lực tại đan điền, hơi thở trong phổi sẽ tự dội ra, khí lực cũng sẽ nảy bật lên. Nhưng hãy dùng tư tưởng giữ nó ở đó. Thời gian đầu mới tập chỉ cần ba hay năm giây là được. Về sau khi đã chế ngự được hơi thở, nó không dội ngược lên nữa, ta không còn phải đối phó với nó nữa, ta sẽ giữ hơi thở lâu hơn và dùng tư tưởng đưa hơi thở (khí lực trong lành của vũ trụ) lan tỏa thâm nhập khắp trong cơ thể mình, đồng thời xua đuổi những “cặn bã” trong người theo hơi thở đi ra. Trong lúc đó, các phế nang trong phổi có thêm thì giờ thấm hút hết lượng oxy trong hơi thở mà với cách thở bình thường phổi chỉ hấp thụ được rất ít, còn lại một lượng lớn oxy theo hơi thở ra ngoài.  Thời gian giữ hơi thở lâu hay mau tùy vào sự tiến bộ trong quá trình tập luyện của ta.
Sau khi dứt chu kì một, thân người ta bị hơi thở ra kéo chúi tới trước một chút. Sau khi thở hắt ra lần cuối cùng, ta ngồi thẳng người lên như lúc đầu, bắt đầu hít vào – từ từ. Và lập lại chu kỳ vừa rồi.

Chú ý: 
-Thở thật CHẬM
-Hít vào bằng MŨI
-Thở ra bằng MIỆNG. 
-Phát ra một tiếng “haaaaa…” trong khi thở ra để kiểm soát độ đều của hơi thở ra.

Đó là tư thế tập chính thức, mỗi ngày ít nhất một lần, liên tục không gián đoạn.

Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp thở này bất cứ lúc nào, trong mọi tư thế đi đứng nằm ngồi. 

Đi đứng là tư thể hoạt động linh động, ta chỉ cần nhớ đưa hơi thở vào mũi, dùng tư tưởng dẫn khí lực đi dọc sống lưng, xuống đan điền rồi thở ra bằng miệng. Khi lo âu, sợ hãi, giận dữ, ta thở như thế, lòng ta sẽ bình an rất nhanh, và tâm trí ta sẽ sáng suốt trở lại. Khi ta bị lạnh, cách thở đó sẽ làm ta hết lạnh ngay tức khắc. Ngay cả khi ta đang lạnh run, ta thở như vậy, cơn run sẽ dứt cùng với cảm giác lạnh. Giữ vững khí lực ở đan điền, thân người ta sẽ ấm lên.

TƯ THỂ NẰM.
Vì điều kiện cơ thể bất tiện thế nào đó mà ta không quỳ được với tư thế Seiza thì tập theo tư thế nằm.

Vì thở ở tư thế nằm là cách chữa mất ngủ rất hiệu quả cho nên không tập được lâu như tư thế quỳ. Chỉ sau năm bảy phút người tập có thể chìm vào giấc ngủ, không tiếp tục được nữa.

Trước khi tập cũng chuẩn bị như tập tư thế quỳ.
Cách thực hiện: NẰM NGỬA. ĐẦU KHÔNG KÊ GỐI (nguyên tắc đầu cổ và sống lưng nằm trên một đường thẳng). Mắt khép lim dim hay nhắm. Tay chân duỗi thẳng, BUÔNG LỎNG TOÀN THÂN. Nhớ kiểm soát xem bộ phận nào trên cơ thể chưa buông lỏng.

Bắt đầu HÍT VÀO BẰNG MŨI. Lần này, do mình nằm, phía sau ót tiếp xúc với nệm hay chiếu giường, không thông thoáng cho hơi thở đi thẳng ra sau. Ta dẫn hơi thở - khí lực - vào từ mũi, cũng đi dọc sống lưng, xuống đan điền, cũng giữ lại đó một thời gian tùy khả năng, 3 – 5 giây hoặc lâu hơn, rồi THỞ RA BẰNG MIỆNG. Nhớ phát ra một thiếng “haaaaa…” nho nhỏ để kiểm soát dòng hơi thở ra thật đều, và TƯ TƯỞNG CỦA TA PHẢI LUÔN LUÔN ĐI THEO HƠI THỞ. Khi thở ra thật hết rồi, ta cũng thở hắt ra lần cuối trước khi hít vào từ từ để bắt đầu chu kỳ tiếp theo. (Vì ta đang nằm nên hơi thở ra không kéo người ta tới trước như tư thế quỳ.)

Cách thở này đưa đến giấc ngủ sâu; khi thức dậy thân thể nhẹ nhàng, thoải mái, đầu óc tỉnh táo sáng suốt. Ngay cả với người “lờn thuốc ngủ”, cách thở này giúp ngủ dễ dàng như phép lạ. Sau một thời gian tập luyện, người tập có thể chìm vào giấc ngủ chỉ sau ba hơi thở. Nhiều lắm là năm. Phương pháp này đã được bày cho nhiều người mất ngủ kinh niên và hiệu quả luôn được xác nhận.

“Bí quyết” là THÂN THỂ BUÔNG LỎNG và TƯ TƯỞNG LUÔN LUÔN ĐI THEO HƠI THỞ. Luôn luôn dùng tư tưởng dẫn khí lực trong lành mạnh mẽ của vũ trụ vào cơ thể mình, giữ nó ở đan điền, và đưa luồng khí lực đó lưu chuyển trong cơ thể và giao hòa trở lại với vũ trụ.
Phương pháp rất đơn giản, nhưng hiệu quả rất lớn lao.

Thiếu Khanh.
(Với các con Nguyễn Hoàng Đông Phương, Nguyễn Thị Thanh Bình,  Linh Truong Hong, Nguyễn Hoàng Nam Phuong, Nguyễn Hoàng Yến Phương Moan)

Không có nhận xét nào: