Khoảng năm 1959 (?). Trường Hồ Ngọc Cẩn chính thức trở thành Trường Nam Trung Học TỉnhLỵ Tỉnh Gia Định,, không còn là Trường Công giáo nữa. Các lớp học của chúng tôi ở Trường Trương Tấn Bửu bị giải tán. Bọn Nam học sinh được sáp nhập vào Trường Hồ Ngọc Cẩn. Nữ sinh chuyển đến Trường Lê Văn Duyệt mới xây, gần Cầu Bông. Tuy chỉ có hai năm học tại Trương Tấn Bửu, chính xác là một năm rưỡi, nhưng cũng lưu lại cho tôi một số kỷ niệm khó quên về mái trường “mượn tạm” nầy. Trường toạ lạc chung với Trường Hồ Ngọc Cẩn trên một khoảnh đất rộng, được ngăn bằng bức tường gạch. Phía sau trường nầy, thẳng góc 90 độ với hông trường kia, Hai cổng trường mở ra hai mặt đường khác nhau: Một ở đường Bạch Đằng và một ở đường Lê Quang Định.
Học lớp Đệ Thất 7A, tầng trệt, nằm gần cổng trường. tôi lại được xếp ngồi dãy bên phải gần cửa ra vào, nên thường lơ đảng nhìn qua văn phòng, nơi đó có cô Giám thị Điệp, người nho nhỏ , dáng thon thon. Khuôn mặt trái xoan, điểm chút phấn son phơn phớt, khiến cho tôi bắt đầu biết biết thế nào là ngẩn ngẩn ngơ ngơ, cho dù lúc ấy cô mặc áo dài khoát lên chiếc áo bầu. Cũng cái tật hay nhìn ra ngoài sân, nên tôi ghi được trong ký ức hình ảnh của Thầy Hiệu Trưởng kiêm nhiệm hai Trường: Thầy Đinh Căn Nguyên. Thỉnh thoảng thấy Thầy thả bộ từ Trường Hồ Ngọc Cẩn qua. Thầy thường mặc sơ mi ngắn tay, bỏ vô quần, thắt cà vạt, tay cầm ống vố, vừa đi vừa bập bập. Tới dãy phòng học, Thầy tấp vô, đảo mắt tìm xem em nào ngủ gậtc, Thầy èn bẹo tai kéo ra ngoài hành lang, bắt đứng cho tỉnh ngủ.
Năm đệ ngũ chuyển sang Trường lớp mới. Tôi lưu luyến cây phượng vĩ sân trường che rợp bóng mát và hoa phượng đỏ rợp báo mùa chia tay. Đó cũng là lúc chúng tôi làm văn, làm thơ ghi vào lưu bút trao nhau, có ảnh có hoa ép vào trang giấy. Tôi buồn bả khi không còn được liếc mắt trộm nhìn những bóng hồng tíu tít, hồn nhiên trong các giờ ra chơi, mặc dù tôi không quen một ai trong các nàng, trừ cô em của cô Điệp Giám Thị. Tôi quen nàng, có lẻ vì tôi thích nhìn…chị nàng.
Từ nay tôi bước vào môi trường mới đầy khô khan, nghiêm khắc, với toàn những “thằng trai” đồng phục, quần tây dài xanh, áo sơ mi ngắn tay bỏ vô quần, trên ngực áo có đính phù hiệu Trường. Từ nay tôi có thêm buổi lễ chào cờ ỗi sáng thứ hai, có thêm đôi mắt “cú vọ” giám sát của Giám thị. Từ nay tôi làm quen với Thầy cô và các bạn học người miền Bắc, tôi phải làm quen với những từ ngữ xa lạ đối với dân “Nam kỳ rặc” như tôi. Một hai năm sau, mới có các giáo sư trẻ tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm bổ sung. Còn trước đó thường là các giáo sư lớn tuổi. Tôi nhớ Thầy Thường dạy Anh Văn, bước vô ngồi xuống là ra lệnh mở sách L’Anglais vivant, Thầy đọc trước, cả lớp đọc theo, Reading trước đã. Nhớ Cô Hoa người nhỏ thó quắt queo, ngồi xuống là lật sổ Điểm danh, gọi lên trả bài, chủ yếu là chia Verbe. Nhớ cô Hồng dạy Việt văn, mới về Trường, cô dạy không hấp dẫn, nhưng tôi không bỏ sot một giờ nào của cô, vì cô hấp dẫn tôi. thật đẹp, không trang điểm nhưng má cô hồng, da cô trắng, giọng Bắc nhỏ nhẹ dễ thương. Không lâu sau, cô lấy chồng, tôi và một nhóm bạn đến phụ giúp cô những chuyện lặt vặt trong ngày cưới. Bạn tôi rất vui. Riêng tôi, không hiểu sao tôi thấy buồn buồn. Từ đấy, giờ học của cô không còn hấp lực đối với tôi nữa. Còn cô Oanh Vạn vật, người Nam, người mong manh, nước da xanh xanh, ngày đầu đi dạy, cô chịu không nổi sự nghịch phá của chúng tôi, phải mở “cặp táp”, giấu mặt vào đấy để khóc. Sau nầy, chúng tôi có đến thăm cô ở một căn phòng trong một chung cư ở Sài Gòn.
Một buổi trưa, tôi vào lớp trễ, mặc chiếc quần vải trắng ống rộng thùng thình, cả lớp cười ồ!Tôi xin phép giáo sư được nghỉ học, sau đó xuống văn phòng nhà Trường xin nghĩ mấy hôm vì Ba tôi mới mất. Tôi hôm đó, Thầy Đoàn Đình Quất, đến nhà tôi thay mặt nhà Trường chia buồn. Thây có gặp tôi, xin lỗi về chuyện cả lớp đã cuời tôi buổi trưa. Có lẻ con Thầy là Tùng, bạn cùng lớp với tôi đã kể chuyện tôi cho Thầy nghe. Thầy dạy thể dục. Sân tập của chúng tôi là bãi đất trống nằm phía sau bệnh viện Nguyễn Văn Học. Tôi biết thêm một Thầy nữa dạy thể dục, là họa sĩ Văn Đen, Thầy không phụ trách lớp tôi, nhưng sân vận động chỉ có hai Thầy, nên tôi nhớ như in.
Bốn năm Hồ Ngọc Cẩn với biết bao buồn vui kỷ niệm. Buồn vì chia tay nhau sau một năm học, lên lớp trên khó được ngồi gần nhau. Vui vì đời học sinh, người ta thường ví “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Năm Đệ Tứ, tôi vướng vào một sự kiên “oan ôi! Ông Địa”. Một hôm., lớp học đang chờ tiết học của giáo sư khác tới, tôi gọi tên thằng bạn tên Thụ ngồi ở bàn trên, dãy bên kia. Đang kêu : Thụ. Thụ… Bỗng “ngài” Giám Thị xuất hiện, ông chộp lấy tôi, rồi ghi tên tôi vào sổ “bìa đen”. Tôi bị phạt “cấm túc”, ngày chủ nhật phải đến Trường ngồi chép phạt. Lý do là ông tưởng tôi nghịch, gọi tên ông. Ông tên Dụ. Biện minh, rồi năn nỉ thế nào đi chăng nữa, ông cũng lắc đầu quầy quậy, rảo bước đi. Tức thật muốn khóc!. Nói chuyện nghịch ngợm thì lắm trò. Tiếng động dưới gầm bàn, nghe sột soẹt, vì bị hất qua đá lại, vô phúc chạm chân mình, thì đó, có khi là chiếc dép, có khi là cái lon, cái lọ. Tóm lại là bất cứ vật gì càng khua càng tốt. Sợ muốn chết! Một trò khác, khi Thầy cô quay lưng viết bảng là những chiếc máy bay giấy bay lượn trong phòng học. Trò ồn nhất là khi cả lớp ngậm miệng mà phát ra tiếng. Đặc biệt khi Giám thị đi tới thì cả lớp phát ra tiếng ụ ụ ụ… Giám thị có vào cũng chịu, vì không tìm ra ai cử động mồm.
Chúng tôi cũng có nhiều sinh hoạt, nhiều trò chơi giải trí lành mạnh, như làm báo giấy rồi chuyền tay nhau cho cả lớp cùng đọc ( mục nầy là tôi thích nhất và làm nhiều nhất ), rồi bích báo ( báo treo tường ), rồi đặc san Xuân. Giờ học nào Thầy cô nghĩ thì lang thang vô chợ Bà Chiểu coi người ta bày hàng buôn bán, cho đã thèm,. hoặc giả vô Lăng Ông Bà Chiểu ngồi xem ông đi qua bà đi lại. Xa hơn thì tới rạp Hùynh Long, bên hông chợ, hay rạp Cao Đồng Hưng , bên cạnh chợ, để xem quảng cáo phim…Vui nhất là khi nhà Trường tổ chức “Cây mùa xuân” hoặc mang báo xuân qua trường nữ Lê Văn Duyệt, bán lấy tiền gây quỷ là phụ, mà nhìn những người đẹp thướt tha trong tà áo trắng là chính….
Nhớ lại thời học sinh thuở ấy sao vui ơi là vui! Nhìn lại con mình thời này sao buồn ơi là buồn! Thấy tội nghiệp chúng vừa học, vừa phải làm kế hoạch nhỏ, phải tham gia đoàn đội, phải thi đua, phải học thêm…nhất là phải “ bi” luôn làm phiền cha mẹ, khi cứ nhận giấy nhà Trường gửi về, nay họp phụ huynh, mai góp tiền xây dựng nhà Trường, mốt đóng tiền mua nầy mua nọ, tổ chức lễ nầy, kỷ niệm kia… Hồi thời tôi đâu có như vậy đâu…..
NGUYÊN SANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét