Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Người phi công Việt Nam đầu tiên.



“Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20 Việt Nam đã có phi công được lịch sử hàng không ghi nhận, đó là Đỗ Hữu Vị".

Ông Đỗ Hữu Vị sinh năm 1883 tại Chợ Lớn, ông là con út của một người điền chủ lừng lẫy ở Nam Kỳ thời bấy giờ. Gia đình ông được coi là những người giàu thứ hai đất Sài Gòn vào thời điểm cuối thế kỷ 19. Với tài sản kếch sù của gia đình, Đỗ Hữu Vị được hưởng một nền giáo dục hoàn hảo từ nhỏ. Từ Trung Học, ông được cử sang Pháp học tại Paris. Tới năm 1904 ông trúng tuyển vào trường võ bị Saint Cyr và tới năm 1096 thì tốt nghiệp, mang hàm Trung uý.

Ngay sau khi ra trường, Đỗ Hữu Vị gia nhập Quân đội Pháp, tham chiến tại châu Phi. Tuy nhiên phải tới năm 1910 ông mới bắt đầu bước vào sự nghiệp phi công và chỉ sau đó một năm, ông thực hiện chuyến bay đầu tiên vòng quanh nước Pháp - trở thành người Đông Dương đầu tiên hoàn thành chuyến bay kỷ lục này.Vài năm sau đó, ông thậm chí còn bay vượt Địa Trung Hải, trở thành người nổi tiếng ở Pháp cũng như ở các nước thuộc địa thuộc Pháp, khiến nhiều người trên khắp thế giới biết đến đất nước An Nam. 

Năm 1914, Pháp chế tạo máy bay cho lực lượng quân đội và Đỗ Hữu Vị trở thành một trong những người đầu tiên tham gia Không Quân Pháp, ông cũng được coi là người Việt Nam đầu tiên phục vụ trong một lực lượng không quân chính quy.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Đỗ Hữu Vị tham gia nhiệm vụ đánh bom ở phía Tây Nam nước Đức và bay trinh sát, tuần tra. Ông nhiều lần thoát khỏi cái chết trong chân tơ kẽ tóc khi bị không quân đối phương bám đuổi nhưng cuối cùng sự nghiệp bay của Đỗ Hữu Vị lại kết thúc vì một... cơn bão.Năm 1915, máy bay của ông rơi trong một cơn bão, Đỗ Hữu Vị may mắn sống sót với tay trái gẫy, hàm mặt và sọ dưới vỡ, hôn mê chín ngày nhưng sau khi phục hồi ông vẫn quyết tâm tiếp tục ra trận. 
Mặc dù vậy, do bị thương quá nặng từ trước đó nên ông không thể trở về bầu trời mà được điều chuyển sang cho lực lượng bộ binh. Năm 1916, ông trở thành chỉ huy Đại đội 7 thuộc Trung đoàn Lê dương thứ nhất, được thăng hàm Đại uý và chiến đấu tại Somme - mặt trận nóng bỏng bậc nhất Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Ngày 9/7/1916, trong một cuộc tấn công của Đức, Đỗ Hữu Vị dẫn đầu cuộc xung phong và bị dính nhiều phát đạn, hy sinh ngay trên trận tuyến. Thi hài của ông được an táng tại Dompierre, Somme. Tới năm 1921, người anh cả Đỗ Hữu Chấn chuyển hài cốt của ông về Việt Nam.

Để vinh danh người lính An Nam chiến đấu và hy sinh trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, người Pháp đã đặt tên Đỗ Hữu Vị cho một con đường tại làng Laffaux - nơi ông bị rơi máy bay vào năm 1915. 
Ở Hà Nội trước năm 1945, từng có một con đường mang tên Đỗ Hữu Vị sau đó bị đổi tên thành phố Cửa Bắc. Đường Huỳnh Thúc Kháng ở Sài Gòn trước kia cũng mang tên Đỗ Hữu 
Ngoài Đỗ Hữu Vị, các tài liệu của Pháp còn ghi nhận một vài phi công có xuất xứ từ Đông Dương khác tham chiến trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, trong đó có phần lớn là người Việt Nam với những cái tên như Phan Tat Tao, Cao Đắc Minh, Nguyen Xuan Nha,... Những người này đều được chính phủ Pháp cho in lên tem và phát hành khắp Đông Dương trong quá khứ.

Nguồn : Sài Gòn Vi Vu

(Bài viết đã chia sẻ từ năm ngoái bữa nay fb nhắc lại )

EVA PERON

15 tuổi chìm nổi chốn lầu xanh, 27 tuổi thành đệ nhất phu nhân, cô đã làm gì để cả dân tộc phải ngưỡng mộ?
Từ một cô gái đến bước đường cùng, chìm nổi trong chốn phong trần, về sau trở thành đệ nhất phu nhân Argentina, bà chỉ sống đến 33 tuổi nhưng lại viết nên một trang sử huyền thoại.
Tháng ngày chìm nổi
Bà chính là Eva Perón, còn được biết đến với cái tên Evita, có một xuất thân nghèo khổ. Toàn bộ tuổi thơ của bà bị bao phủ trong màn đêm đen kịt.
Mẹ của Evita là người phụ nữ Argentina truyền thống, sống bằng nghề may vá, lại yêu say đắm một chủ trang trại đã có gia đình, còn sinh cho ông ấy 5 người con. Bà những tưởng người đàn ông từng nói lên những lời thề son sắt này sẽ chăm lo cho mẹ con bà cả đời, không ngờ trong một lần cãi vã, người đàn ông nhẫn tâm này đã bỏ nhà ra đi ngay khi Evita còn trong tã lót, và từ đó không bao giờ quay lại nữa.
Vì để nuôi sống mấy đứa con, mẹ bà đã ngày đêm làm việc cật lực. “Trong hồi ức tuổi thơ của tôi, tiếng máy may hầu như chưa bao giờ dứt quãng”, Evita từng hồi tưởng lại.
Nghèo khổ, túng quẫn trong thời gian dài, 5 chị em Evita bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Evita gầy còm, yếu ớt, bị người ta đặt cho biệt danh là “cô bé còi”.
Không có được tình thương và sự che chở của người cha, bà cùng với anh chị em thường phải chịu sự chế giễu của những bạn bè cùng trang lứa, bị miệt thị là “đồ con hoang”… Dù vậy, mẹ của bà vẫn yêu say đắm người đàn ông đó, thậm chí khi hay tin ông ấy mất, còn dẫn theo các con đến viếng tang.
Không ngờ, khi đến nơi, mấy mẹ con bị người ta đuổi thẳng mặt, ngay đến nhìn mặt người quá cố lần cuối cũng không có tư cách. Ngay lúc đó, Evita đã thề rằng: “Tôi sẽ trở thành một người khiến tất cả phải nhìn bằng con mắt khác”.
Những người có mặt lúc đó, gồm cả mẹ bà đều cho rằng đây chỉ là lời nói bồng bột, ngây thơ nhất thời của một đứa trẻ, một đứa con riêng không có gia thế, làm sao nó có thể trở thành “nhân vật lớn” được đây?
Hiện thực dù sao cũng không giống như trong chuyện cổ tích, dù cho bạn có được dung mạo trời ban thì cũng không có ai bằng lòng giúp bạn vô điều kiện. Trong làng quê hẻo lánh cách biệt này, người duy nhất mà cô có thể dựa dẫm chỉ có bản thân mình mà thôi.
Năm Evita 15 tuổi, ca sĩ Agustín Magaldi đến quê bà biểu diễn. Gặp người đàn ông này, Evita dường như đã thấy được niềm hy vọng của cuộc đời mình. Suốt 15 năm qua, Evita đã chịu đủ mọi miệt thị khinh miệt, cô khao khát mong được nhìn thấy thế giới bên ngoài, càng muốn có được quyền bình đẳng: “Dù phải trả bất cứ giá nào, tôi cũng muốn rời khỏi nơi này”.
Người đàn ông đó cũng đồng ý dẫn cô đến thủ đô, nhưng ra điều kiện rằng Evita phải bằng lòng dâng hiến thân xác của mình.
Evita ngây thơ, hồn nhiên của tuổi 15 đã chấp thuận điều kiện đó để bản thân mình có được chỗ dựa dẫm từ người đàn ông đáng tuổi cha mình, mong sao từ đây có thể thay đổi vận mệnh. Nhưng chính điều này lại bắt đầu cơn ác mộng của cô. Chẳng bao lâu, Magaldi đã không còn hứng thú với cô nữa, ông ấy đã ruồng bỏ Evita để đi tìm kiếm thú vui khác.
Ở nơi đô thị phồn hoa đắt đỏ, không có lấy một người thân thích, bản thân bị lừa, trong lúc tuyệt vọng lại không có bất cứ kỹ năng sinh tồn nào.
Vì để sống sót, Evita đành phải bán nhan sắc và thân thể của mình để kiếm kế mưu sinh. Cô thường xuyên lui tới các nhà hát, quán bar. Những thương nhân, sĩ quan, đạo diễn… chỉ cần bỏ tiền là đều mua được nhan sắc thanh xuân của cô.
Bước ngoặt cuộc đời
Evita cứ như vậy đã chìm đắm trong vòng xoáy phồn hoa. Nếu không gặp được Juan Perón, có thể cô sẽ giống như biết bao kỹ nữ khác: “Một mai xuân tận hồng nhan già, hoa tàn người khuất chẳng ai hay“.
Cuộc gặp gỡ giữa hai người họ hệt như được vận mệnh an bài. Trong một buổi tiệc, Thượng tá Juan Perón đàm luận hùng hồn trong phòng khách, mạnh mẽ lên án môi trường chính trị hiện thời, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lan rộng, thái độ hờ hững của những người giàu mà bất nhân, phê phán mạnh mẽ thói tham lam vô độ của họ.
Những tân khách có mặt ở hội trường chỉ trả lời một cách khách sáo “vâng, vâng, vâng” để ứng phó. Mọi người đều không chút động lòng, chỉ có Evita ở đằng xa để tâm đến. Chỉ có bà, người đã sa ngã đắm chìm trong phóng túng, đồi trụy một cách không tự biết bỗng nhiên nước mắt chảy ướt cả khuôn mặt.
Bà tin rằng đây mới chính là người đàn ông thực sự của đời mình. Đó là người đó có thể cứu vớt dân nghèo khổ của Argentina. Lau khô nước mắt, đè nén tâm tình kích động, bà từng bước từng bước đi về phía Đại Tá, nở nụ cười chân thành.
Bà nói với Đại Tá Perón rằng: “Cảm ơn sự có mặt của ngài“. Hai người vốn là người của hai thế giới khác nhau, cứ như vậy bởi tâm ý tương đồng mà đến với nhau, bắt đầu tình yêu công khai.
Tin này vừa mới truyền ra, ngay lập tức đã dấy lên một làn sóng lớn trong xã hội thượng lưu ở Argentina. Một kỹ nữ, một người đàn bà phóng đãng không biết liêm sỉ, làm sao có thể bước chân vào xã hội thượng lưu được?
Dưới quan niệm bảo thủ thời bấy giờ, sự kết hợp của hai người họ, chẳng khác chi một đòn nặng của xã hội tầng thấp đánh vào tầng lớp quý tộc. Evita mới đầu cảm thấy e ngại, cô sợ Perón sẽ chê bai mình bởi những lỗi lầm mưu sinh ngày trước.
Những lúc ở một mình cùng Perón, bà thường chủ động kể hết cho ông nghe về toàn bộ những gì mà bà đã trải qua từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Nào ngờ Peron căn bản không chút quan tâm, nghe bà kể xong, ông đưa tay vuốt nhẹ mái tóc của bà, nói rằng: “Em lúc trẻ đã phải chịu nhiều đau khổ như vậy, đó vốn không phải là lỗi của em. Anh sẽ giúp em quên đi mọi đau khổ trước đây“.
Ông đã nắm tay đưa bà đến khắp các buổi tiệc tùng và gặp mặt. Tuy cũng là ăn mặc gọn gàng, hào nhoáng sang trọng, nhưng so với những phụ nữ quý tộc sống trong nhung lụa thì Evita quả là khác xa.
Bà thường tới thăm nơi ở của dân nghèo, tham gia nhiều hoạt động từ thiện, thân thiết bắt tay trò chuyện với người nghèo và lắng nghe những câu chuyện cuộc đời họ.
Bởi đã thật sự trải qua đủ mọi bất hạnh trong đời, bà muốn thay đổi tất cả những điều này. Tất cả mọi người đều bị người phụ nữ dịu dàng này chinh phục. Thân ở địa vị cao sang nhưng cử chỉ của bà lại vô cùng nhã nhặn. Bà thật sự từ đáy lòng mình, quan tâm đến nỗi khổ của người dân nghèo.
Dân chúng Argentina, ai ai cũng biết đến danh tiếng của hai vợ chồng Perón. Nhưng thành công của đôi “nhân tình chính trị” ngọt ngào này lại chọc giận phe phản đối trong nước.
Tình hình trong nước vô cùng rối ren, bạo lực và cải cách không ngừng diễn ra. Perón bị nhà cầm quyền tống vào ngục giam. Evita trong lúc khẩn cấp ấy vẫn không hề hoang mang, bà đã dùng hết vốn liếng đi khắp nơi tranh cử, kêu gọi sự ủng hộ của người dân.
Bà nói: “Bởi tôi cũng đã từng giống như mọi người, vậy nên tôi hiểu được nỗi khổ của mọi người!“.
“Nỗi khổ của mọi người, bản thân tôi đã từng nếm trải qua. Nghèo khó của mọi người, bản thân tôi cũng đã từng trải qua. Perón đã từng cứu vớt tôi, và sẽ cứu vớt mọi người.
Perón sẽ ủng hộ những người nghèo, yêu thương những người nghèo, nếu không phải như vậy, sao ông ấy lại yêu thương tôi như vậy?“.
Lời diễn thuyết của bà đã cảm hóa được vô số người dân nghèo đang trong cảnh thất nghiệp và tràn đầy oán hận. Hơn 300 nghìn người dân xuống đường phố, lớn tiếng hô lên: “Hãy trả lại tự do cho Perón, hãy trả lại tự do cho Perón“. Trong khoảng thời gian 5 ngày, nhà cầm quyền không chịu đựng nổi áp lực to lớn ấy, đành phải thả Perón từ trong tù ra.
Việc làm đầu tiên sau khi Perón ra tù chính là ôm thật chặt người vợ của mình, và lập tức chính thức cầu hôn bà. Lúc đầu ông kinh ngạc và ấn tượng bởi vẻ đẹp và dũng khí của Evita, cuối cùng lại bị tấm lòng chân thành và cứng rắn của bà chinh phục.
Một di sản tinh thần đáng ngưỡng mộ
Thoáng chốc đã sang năm thứ hai, Perón đắc cử trở thành Tổng thống, Evita nghiễm nhiên đã trở thành đệ nhất phu nhân, khi đó bà chỉ mới 27 tuổi.
Từ một đứa con riêng của người đàn bà may vá chịu đủ mọi lời giễu cợt, đến vũ nữ lâm vào bước đường chìm nổi trong chốn phong trần, rồi trở thành đệ nhất phu nhân Argentina, sau 20 năm bà đã thực hiện được lời thề ngày trẻ mà mọi người cho là bồng bột nhảm nhí.
Sau khi kết hôn không bao lâu, Evita tự cảm thấy bản thân phải hoàn thành những trách nhiệm trọng đại của mình, không dám trễ nại phút nào. Bà vừa mưu cầu phúc lợi cho người dân nghèo, trẻ nhỏ cùng người già, vừa bôn ba theo đuổi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Bà còn thành lập hội ngân sách “đệ nhất phu nhân” và trung tâm cứu trợ những người nghèo khổ, đã giúp đỡ vô số những người dân nghèo khổ.
Có một lần, chỉ trong thời gian 48 giờ đồng hồ, bà đã liên tục lên bục diễn thuyết 7 lần. Bác sĩ cố gắng khuyên bà hãy chú ý nghỉ ngơi, bà lại tự hào trả lời rằng: “Tôi nguyện hiến dâng sinh mệnh của mình cho những người nghèo khổ“.
Tuy nhiên ông trời đã không có cho bà quá nhiều thời gian, ngày 9/1/1949, Evita đã ngất xỉu ngay trong lúc đang cắt băng khánh thành. Bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư cổ tử cung, cũng tương đương với việc bà đã bị tuyên án tử hình.
Trên giường bệnh, bà vẫn kiên trì làm việc. Dưới sự cố gắng của Evita, tất cả phụ nữ Argentina đều được quyền bỏ phiếu bầu cử. Bà ngày càng mệt mỏi đến cực điểm, chỉ có thể dựa vào cái giá làm từ khung kim loại giữ cho thân thể thăng bằng.
8h 25 phút tối ngày 26/7/1949, bà gọi Perón đến bên cạnh, nói khẽ với ông rằng: “Cả một đời này của em, chỉ những lúc ốm đau mới chảy nước mắt, ‘cô bé còi’ không gắng gượng thêm được nữa, em phải đi rồi!“. Năm đó, bà mới 33 tuổi.
Trong đêm đó, truyền hình Argentina nghẹn ngào tuyên bố với người dân cả nước: “Linh hồn của đất nước chúng ta, người lãnh đạo tinh thần của dân tộc chúng ta đã qua đời rồi“.
Hôm diễn ra tang lễ, hơn 700 nghìn người dân cả nước đã đến thủ đô đưa tiễn bông hồng vĩnh hằng của lòng họ, có người khóc ngất ngay nơi hiện trường, có người ra sức chen lên phía trước chỉ để trao nụ hôn lên quan tài của bà.
33 tuổi, cuộc đời của Evita đã kết thúc, nhưng huyền thoại về bà vẫn sẽ luôn sống mãi. Trước đêm kỷ niệm tròn 60 năm ngày mất của bà, tờ tiền giấy kỷ niệm mệnh giá 100 đồng của Argentina đã được phát hành, chân dung in trên mặt của tờ tiền chính là Evita. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên xuất hiện trên tờ tiền giấy của Argentina.
“Sở dĩ chúng ta lựa chọn phu nhân của Tổng thống Juan Perón, không phải bởi vì bà ấy là bậc thánh nhân, cũng không phải bởi bà ấy chưa từng phạm phải sai lầm, mà bởi bà ấy là một người khiêm nhường và bác ái.
Một người phụ nữ mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng tầng thấp, dù cho bà ấy đã từng sa ngã, nhưng bà ấy vẫn là một thiên thần“.
Hoa hồng dù có rực rỡ hơn nữa, cũng sẽ có ngày khô héo, nhưng điều khiến Evita sống mãi trong lòng người Argentina chính là những giá trị nhân văn sâu sắc mà một đời bà theo đuổi. Cho đến nay, “Evita” vẫn là cái tên được đông đảo người dân Argentina ưa chuộng nhất khi đặt tên cho con gái của mình.

(Thi Thiên Nga Duong st)


Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

NHẠC SĨ BẢO THU

https://youtu.be/6YIPquf_dBU

Nhạc sĩ Bảo Thu tên thật là Nguyễn Trung Khuyến, ông sinh năm 1944, là một nhà ảo thuật đồng thời cũng là một nhạc sĩ nhạc vàng danh tiếng. Ông đã cho ra đời rất nhiều ca khúc giá trị như “Cho tôi được một lần”, “Nếu xuân này vắng Anh”, “Hoa Không Gian”, “Thương ca mùa hạ” v.v…
Nhạc sĩ mang gốc gác đạo Cao Đài, sinh trưởng trong gia đình trí thức, từ 8 tuổi đã được gia đình cho gửi đi học đàn mandolin. Nhưng sau đó bỏ dở vì việc học và sức khỏe không chó phép. Ông vốn mang hứng thú với ảo thuật từ các gánh Sơn đông mãi võ và nghiên cứu ảo thuật cùng với ông nội – một thầy giáo dạy Pháp văn, đồng thời cũng là nhà báo, nhà văn và thi sĩ.
Ông có thời gian biểu diễn ảo thuật từ 1959, lần diễn đầu tiên là cho đoàn Kim Cương, lấy nghệ danh là Nguyễn Khuyến, vì trẻ tuổi nhưng thành tài nên ông được báo chí đặt biệt danh là “Thần đồng ảo thuật Việt Nam”. Thời gian sau đó, ông nhận show biểu diễn các tiết mục ảo thuật cho ban nhạc của nhạc sĩ Lâm Tuyền cùng với Nguyễn Ánh 9, Duy Khiêm, v.v… đồng thời cũng làm thành viên dự bị tay trống và guitar. Sớm bộc lộ tài năng về âm nhạc, ông được nhạc sĩ Lâm Tuyền tặng cây đàn guitar và dạy nhạc miễn phí.
Ông hành nghề ảo thuật quanh các rạp chiếu phim, phòng trà cho diễn các tiết mục tạp kỹ. Mãi đến năm 1961, ông được Hội ảo thuật gia Pháp quốc cho gia nhập với danh là Ảo thuật gia tập sự tại Paris, năm 1962 được công nhận là Ảo thuật gia chuyên nghiệp. Trong giới ảo thuật, ông được mệnh danh là “Ông hoàng bồ câu” với nhiều tiết mục ảo thuật với chim bồ câu.
Ông bén duyên với âm nhạc từ năm 20 tuổi lúc thường hay đến đánh trống hoặc guitar dự bị khi đài phát thanh thiếu người do nhạc sĩ Nguyễn Đức, Tùng Lâm giới thiệu. Vào những Chúa nhật thường đến trợ giảng cùng các nhạc sĩ ban Việt Nhi dạy cho các em thiếu nhi ca hát. Ông sáng tác và giới thiệu tác phẩm đầu tiên là bài “Ước vọng tương phùng” vẫn để tên là Nguyễn Trung Khuyến, bản nhạc “Ước vọng tương phùng” được tình cờ viết khi mượn ý thơ của cô gái học trò nhạc sĩ Nguyễn Đức, sau ông gửi tác phẩm lên Đài phát thanh truyền hình quân đội, về sau này lại nhận được giải khuyến khích.
Nhạc sĩ Bảo Thu hiện nay.
Sau khi được mẹ của ca sĩ Xuân Thu gợi ý, ông bắt đầu nghĩ đến chuyện đặt nghệ danh; nghệ danh Bảo Thu được lấy từ các cô bạn gái tên Bích Bảo và Thanh Thu ở Đà Lạt và ca sĩ Xuân Thu (ban nhạc Blue Star) ghép lại và sau đó ông bắt đầu in bản demo bài hát “Ước vọng tương phùng” dưới tên Bảo Thu. Nối tiếp theo con đường âm nhạc, ông viết thêm bài hát “Đừng hỏi vì sao tôi buồn” mang âm hưởng Boston – mà theo ông là khá khó hát trong thời gian đó cho nên cũng không thành công lắm, ông có hợp soạn với Mạc Thế Nhân một vài bài nhạc lính: “Một lời cho em” và “Tôi thương tiếng hát học trò”.
Một năm sau khi nhận được giải thưởng từ Đài phát thanh Sài Gòn với bài “Ước vọng tương phùng”, ông cho ra đời nhạc phẩm “Giọng ca dĩ vãng” từ một mối tình buồn của mình với một cô học trò học đàn kém ông 6 tuổi. Ông gửi bài hát cho nhiều ca sĩ đi hát ở nhiều nơi, nhận được nhiều ý kiến bàn luận tích cực, nên vào năm 1967, ông đã tự xuất bản 5 ngàn bản dưới bản vẽ bìa của họa sĩ Sỹ Tâm cùng giọng ca ca sĩ Giao Linh và hãng đĩa Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Ông đem chào bán các nhà xuất bản Minh Phát, Duyên Hồng, Tinh Hoa, v.v… sau lại in thêm 10 ngàn bản bản dưới bìa là ca sĩ Kim Loan bán cho nhà xuất bản Duyên Hồng, 10 ngàn bản cho nhà xuất bản Tinh Hoa và sau đó nhạc sĩ được kí độc quyền với nxb Duyên Hồng 50 ngàn bản. Riêng với bài hát “Giọng ca dĩ vãng” tính từ ngày phát hành từ năm 1966 đến 1975, ông bán được gận 1 triệu bản. Nhạc phẩm sau đó được trình bày bởi nhiều ca sĩ thành danh như Thanh Tuyền, Thái Thanh, … Ông được mời phụ trách chương trình “Tiếng K thời đại”, sau đổi tên thành “Tiếng hát 20” rồi “Chương trình Bảo Thu”.
Bài hát “Cho tôi được một lần” được sáng tác vào khoảng năm 1967 trong tâm trạng mong muốn có một mối tình, một đám cưới mông mợ, ngoài ra còn thêm mơ ước được hòa bình, được “nghe tiếng sú.ng im hơi”. Bài hát được rất nhiều người đón nhận, được hang dĩa Việt Nam kí độc quyền tên Bảo Thu. Bài “Cho tôi được một lần” lúc đấy được hòa âm bởi dàn nhạc Văn Phụng và tiếng hát của ca sĩ Lệ Thu.

Sau đó ông có hợp soạn bài “Tôi thương tiếng hát học trò”, dưới tên Trần Anh Mai cho hãng đĩa Tri Âm, do nhạc sĩ Mạc Thế Nhân biên tập. Sau đó là bài “Lính và tình yêu” “Xuân trong rừng thẳm”.
[Bút danh Trần Anh Mai là tên viết tắt từ chữ T.A.M nghĩa là Tâm – những người có duyên với mình – theo như ông nói. Sau đó ông dùng bai hát “Cho tôi được một lần” làm sính lễ cầu hôn ca sĩ Thanh Tâm. Thanh Tâm là một ca sĩ từng được ông đào tạo, nổi tiếng một thời với nghệ danh Song Thanh (với ca sĩ Thanh Mai).]

Bài hát “Nếu xuân này vắng Anh” được viết tầm đầu Xuân 1968, theo như ông nói là viết cho một người tên Anh, và nhạc của ông được lồng rất nhiều tên nhiều bông hoa để tìm cảm hứng sáng tác trong tâm hồn mình. Bài hát được viết gấp rút khi ông vừa dạy ảo thuật cho học trò, vừa soạn nhạc cho hãng dĩa Việt Nam trong một buổi sáng vì trước đó khi đi uống cùng bạn bè, ông trót nói với người của hãng rằng ông đã soạn xong bài hát cho Cuốn dĩa Xuân (bao gồm 2 bài của nhạc sĩ Phạm Duy và 2 bài của nhã sĩ Bảo Thu; “Mai vẫn còn xuân”). Vì không trau chuốt phần sáng tác, nên bản nhạc được hãng dĩa Việt Nam phát hành dưới giọng ca của Xướng ngôn viên đài phát thanh quân đội, sau là ca sĩ Trúc Ly, vẫn dưới hòa âm của ban nhạc Văn Phụng. Ông chia sẻ lúc đấy ca sĩ Trúc Ly cảm nhạc vẫn chậm, vẫn xấp nhạc, tuy là thuộc lời, nên ông đã nghĩ ra cách đeo headphone nghe nhạc ra dấu cho cô hát vào những lần vào nhịp. Bài hát “Nếu xuân này vắng Anh” dưới giọng ca mộc mạc của ca sĩ Trúc Ly lại thành công và dẫn đầu bản in Xuân năm đó. Sau này, ông viết bài “Mong đợi” cũng để ca sĩ Trúc Ly trình bày nhưng không để lại nhiều dư âm.

“Thu qua đông tàn, nàng Xuân mới sang
Muôn sắc huy hoàng.
Xuân này nếu vắng Anh
Lạc bày chim Yến bay
Mùa xuân như đông buồn … “

Hiện nay ông có mở một phòng trà hát với nhau ở địa chỉ B5, hẻm 373 Nguyễn Trãi, Quân 1

Thiên Giang biên tập.

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Sướng khổ áo quần.



Học hành ngáp ngáp được ba năm, cuối năm 1983 tôi bị cô giáo chủ nhiệm cho ở lại lớp. Biết sao giờ, mình học dốt quá nên thi rớt đó mà! Buồn vì chuyện học hành bê trễ kéo dài, cơ hội xin việc sớm để có tiền tiêu càng khó khăn. Cũng rất lo khi phải đi học thêm một năm nữa thì lấy gì mà sống, quần áo mới đâu ra mà mặc?

Mình buồn cảnh có vui đâu bao giờ? Cuối năm 1983 thấy Sài Gòn tiêu điều nhợt nhạt do thiếu lương thực, thiếu viện trợ và nhất là thiếu điện chiếu sáng vào mỗi đêm suốt mấy năm liền, các con đường lớn và nhất là các hẻm nhỏ thường tối om om từ lúc mới chạng vạng tối.

Điện ở Sài Gòn bị cúp hay bị yếu thường không được thông báo trước, trong thuật ngữ ngành điện gọi là blackout (cúp điện) hay brownout (điện yếu), còn cúp luân phiên theo kế hoạch thì được gọi là rolling blackout.

Nghe người lớn kể lại: Tối om om do cúp điện hay thiếu điện ở Sài Gòn suốt thời chiến tranh 1954-1975 là rất hiếm khi xảy ra, chỉ trừ khi nào có chiến sự lớn hay có chính biến thì Sài Gòn mới phải cúp điện vài giờ. Sau vài giờ cúp thì đèn điện lại sáng tưng bừng. Sài Gòn ngày trước sáng như một viên ngọc chắc nhờ đèn điện sáng choang chứ chắc chưa hẳn vì nó là một viên ngọc thực, bởi suy xét lịch sử mới thấy trong lòng nó luôn chất chứa quá nhiều cát bụi.

Những ngày tháng đó, rất nhiều người Sài Gòn muốn ra đi, vì Sài Gòn u ám quá, chắc cũng một phần do cúp điện hay yếu điện. Nhưng muốn bỏ đi nước ngoài thì cũng phải có vàng, có tiền… mới đi được.

Thời gian trôi nhanh, những câu chuyện ngày cũ giờ đây đã trở thành những kỷ niệm buồn vui, có khi hằn sâu sắc trong ký ức hay có khi đã đi vào quên lãng. Những chuyện còn nhớ được, về già mỗi lần ai hay chính mình nhắc lại lòng bỗng thấy tưng tưng.

Nói chung, những dư vị buồn vui của một Sài Gòn khó nhọc sau ngày hòa bình sẽ khó mà quên được, bởi nó ấn tượng, có khi nó gây đau đớn, có khi nó làm mình buồn cười mà cũng có khi làm lòng mình buồn rười rượi... mỗi khi nhớ lại.

Mấy người chung ký ức Sài Gòn với tôi vào thời gian đó bây giờ có khi đã đi xa thật, xa không phải chỉ về không gian mà xa cả thời gian… Nay ngồi nghĩ lại, thấy đời người sao giống như những chiếc lá vàng rơi. Mình chắc cũng sắp rơi…

Áo quần thời khổ... 

Hồi về lại Sài Gòn cuối năm 1980 tôi có hai cái quần kaki cũ từ thời còn làm trong nhà nước cứ thế mà vá đụp vá chằng mặc đi học, áo cũng còn hai cái cũ. Hai bộ áo quần dù đã cũ và rách nhiều chỗ, nhưng suy nghĩ thế là cũng tươm tất lắm rồi. So với những người nghèo đói ở nông thôn miền Nam mà tôi biết vào lúc ấy… mình cũng còn chưa đến nỗi nào.

Năm 1980 tôi ghé ngang Bến Cầu tỉnh Tây Ninh nghỉ chân trên đường tìm về lại Sài Gòn, thấy có người đàn ông mặc quần đùi ngắn củn cởn may bằng vãi của bao bột mì Liên Xô. Lại chứng kiến có người đàn bà bán quán nước lớn tuổi đang cởi trần chắc vì phải nhường áo cho con gái mặc… Thằng bạn trời ơi làm bộ mắng yêu cô con gái: Lẽ ra em phải biết hy sinh để cho má được ăn mặc tươm tất một chút, em còn trẻ thì ăn mặc sao cũng được, sao lại giành áo của má để má phải cởi trần? Sao em không đưa áo cho má mặc?

Gặp cô gái thuộc loại không vừa, cô đốp chát lại ngay: Má em bắt em mặc áo đó, má nói má già rồi có cởi trần đưa vú ra ngoài cũng không sao. Còn nếu em cởi trần thì chắc mấy anh nổ con mắt thành thương binh hết, tội nghiệp cho mấy anh.

Hai mẹ con dựng quán bán thứ nước ngọt tổ hợp hổ lốn cùng các thứ bánh trái rẻ tiền trên con đường ven biên giới. Chắc họ quá nghèo nên không thể đi ra khỏi nơi đây. Hay là vì không thể cởi trần đi khỏi nơi đây?

Bà già nghe con gái đối đáp liền cười hềnh hệch giơ nguyên hàm răng sún góp lời: Mấy thằng mày ghê lắm, tao già háp cởi trần mà có thằng còn lén nhìn tao đăm đăm như muốn ăn tươi nuốt sống, con gái tao mà cởi trần chắc tụi bây thành quỉ quá! 

Nói xong bà già lấy bàn tay dơ chùi vào bộ ngực nhăn nheo đi bỏ đi vào phía trong. Thằng bạn nói lén: Tay bà già mới bốc bánh cho tụi mình ăn rồi bả chùi lên ngực tụi bây ơi!

Từng thấy những cảnh đó nên dù chỉ có hai bộ quần áo cũ để đi học, tôi vẫn tự an ủi hai bộ quần áo mà biết giữ gìn cho khéo thì cũng có cái thay ra thay vào đến trường đến lớp với người ta. Với lại, nhìn lại mấy đứa em trai ở nhà thì cũng chẳng đứa nào có đồ mới để mà mặc đi học, có đứa tuổi đã mười bảy mà phải mặc bộ đồ củn cởn của tuổi mười ba, thấy mình có hai bộ quần áo cũ để đi học cũng còn tốt chán.

Tôi mặc bộ áo quần kaki như thế tới trường. Các bạn trẻ thuộc các gia đình có điều kiện thì được mặc quần áo thay đổi liên tục. Mấy năm khó khăn đó thấy có chị đã biết mặc quần jean áo pull, có chị biết mặc đầm xòe đi học. Còn tôi thì năm năm 1980-1985 cứ đồ rách đồ cũ mà chơi.

Cuối năm 1981, bà chị bạn dì tình cờ gặp tôi lóc cóc đạp xe đạp đi học trên con đường Đinh Tiên Hoàng thơ mộng với cái quần kaki rách, bà thương hại nói để tao may tặng cho mày một cái quần tây đen và một cái áo sơ-mi mới để đi học với người ta. Ít gì cũng là sinh viên đại học, không nên mặc quần áo vá đùm vá chụp, cũng không nên mặc đồ may bằng vãi bao bột mì Liên Xô viện trợ, loại vãi bao bì này ưa sinh rệp cắn ở mấy khe kín rất ngứa ngáy. 

Bà chị bạn dì của tôi lúc ấy vừa đang học đại học, vừa học may vá quần áo cho đàn bà con gái trong xóm chợ Lăng Cha Cả nhằm kiếm chút đỉnh tiền xài.

Quần tây đen bà chị bạn dì mới may cho, mặc được một hai lần tới trường thì tôi phải bỏ ở nhà vì bạn bè cùng lớp cứ nhìn tôi mà cười cợt. Bà chị ấy may quần tây đen cho tôi giống y như quần lĩnh bóng của đàn bà, có gắn thêm cái dây kéo fermeture ở một bên hông, mỗi lần muốn đi tiêu đi tiểu tôi cũng chẳng biết phải làm sao cho tiện.

Cái áo màu đỏ nâu của bà chị tôi mặc đi học được suốt mấy năm, mặc hoài thành thương hiệu cho tới lúc tuổi già. 

Mấy chục năm sau tình cờ gặp lại một chị bạn cùng trường, chị còn nhắc: Hồi đó em nhớ anh có cái áo màu nâu đỏ mặc hoài suốt mấy năm học, tới bây giờ đã mấy mươi năm rồi mà em vẫn còn nhớ rõ cái màu là lạ của cái áo. Ủa, sao hồi đó ngày nào anh cũng mặc cái áo màu đỏ đó hoài được vậy?

Tôi thở dài: Tội nghiệp tôi lắm cô ơi. Hồi thời nghèo đói đó cứ tối tối là tôi phải cởi trần nhúng nước cái áo màu nâu đỏ rồi phơi hong ra gió cho kịp khô để sáng mai có cái áo khô mà đi học tiếp. Hồi đó nhà nghèo làm gì có xà bông để giặt đồ, chỉ dùng nước trơn để nhúng áo rồi phơi gió, thế nên áo lâu ngày phải có mùi hôi.

Hồi đó vô trường tôi ít dám đứng hay ngồi gần mấy cô bạn trẻ đẹp xinh cùng trường cùng lớp lắm, tôi thường ngồi một mình ở chiếc bàn cuối lớp, chắc ngồi một mình để tự ngửi mùi mình. Chắc cũng vì vậy mà suốt mấy năm học tôi không dám nói yêu ai, thậm chí riết rồi thành người xa lạ với đám bạn gái trong lớp trong trường. Tôi chỉ dám đứng xa xa nhìn ngắm người ta để rồi vẽ lại. Nhiều người không biết chuyện lại khen: Thằng này chỉ lo học, không tới trường để yêu đương gái gú bậy bạ, chắc nó phải học giỏi lắm đây.

Giỏi con khỉ gì! Hết năm thứ ba là tôi bị lưu ban đó cô. 

Cô bạn: Tội nghiệp anh quá đi! Ừ... mà anh nói anh đứng xa xa nhìn ngắm chúng em rồi anh vẽ. Vậy anh vẽ cái gì vậy?

Tôi: Thì vẽ bậy vẽ bạ đó mà! Giờ già quá rồi hết nhớ được.

Năm năm học trôi qua tôi luôn đứng xa xa ngắm đàn bà con gái. Ngày ra trường tôi ra chợ đồ cũ mua một bộ áo quần tàm tạm để có thể bỏ áo sơ-mi vô thùng mà đi xin việc. Cũng lăn qua lộn lại mấy cơ quan, từ Sài Gòn rồi xuống tỉnh tìm việc này việc kia hết mấy tháng, cuối cùng được nhận vô cảng Sài Gòn đi xà-lan.

Làm nghề sông nước thì được phép ăn mặc khá tự do, xà lan nóng nực nên tôi hay mặc trần xì cái quần xà-lỏn hay cái quần chip đi đi lại lại trên boong tàu kiểm tra hàng hóa hay thiết bị tàu. Lâu lâu về Sài Gòn mới phải khoác vội bộ áo quần bảo hộ lao động lên văn phòng ký giấy tờ. Suốt hai ba năm sau khi ra trường, chuyện ăn mặc quần áo cho chỉnh tề không quan trọng lắm vì ngoài hiện trường sông nước nóng bức chủ yếu là cởi trần.

Cởi trần hồi đi xà lan trên sông là vì nóng bức, chứ không phải vì hoàn cảnh nghèo bắt buộc phải cởi trần để nhường áo cho con gái như bà già bán nước ngọt ở Bến Cầu mà tôi biết năm nào.

Áo quần thời sướng...

Sau này… tôi được phân công lên bờ làm đại lý hàng hải để quản lý công việc xuất nhập cảnh các tàu biển nước ngoài đến Sài Gòn, Vũng Tàu bốc xếp hàng xuất nhập khẩu. Cơ quan bắt buộc tôi phải ăn mặc quần áo chỉnh tề để đi đối ngoại. Bắt đầu có chút tiền nên tôi có thể mua quần jean áo thun áo sơ-mi bỏ vào quần tây kéo fermeture phía trước. Biết thắt nịt da gọn gàng, biết mang giày tây đánh xi bóng để làm việc với người nước ngoài, biết mang cặp Samsonite.

Nhưng dù có tiền rồi tôi cũng còn giữ một thói quen rất kỳ cục từ thuở hàn vi là không thể thoải mái khi mặc đồ mới hay đồ lớn được, không thể mang cà-vạt lâu vì mỗi lần mang cà-vạt tôi có cảm tưởng như đang bị ai thắt cổ hay bóp cổ không nói tiếng Anh trơn tru được. Làm kinh tế đối ngoại nhiều năm nhưng suốt cuộc đời làm việc của tôi chỉ có một cái áo vest duy nhất hồi năm 1989 may để mặc trong đám cưới, lâu lắm khi nào có dịp rất quan trọng tôi mới lấy chiếc áo vest này ra mặc thêm một lần.

Thường tôi chỉ mặc chiếc áo vest khi nào ra phi trường Tân Sơn Nhất hay phi trường Nội Bài đón các đoàn đại biểu hàng hải ngoại thương sang làm việc hay sang ký hợp đồng với cơ quan.

Cái áo vest duy nhất để đối ngoại của tôi bị một lỗ thủng nhỏ, do vào ngày đám cưới khách uống nhiều rượu bị say, họ hút thuốc rồi vô ý gạt tàn thuốc vào, cái áo vest bị cháy một lỗ nhỏ nằm phía bên vạt áo trái phía trước. 

Hồi còn làm cho nhà nước vào năm 1990, tôi được cơ quan phân công tiếp đoàn đại biểu của một hãng tàu Pháp sang Việt Nam mở tuyến tàu container nối kết cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn của Việt nam và cảng trung chuyển Singapore. Nếu nối kết được thành công thì hàng xuất khẩu của Việt nam sẽ được chuyển đến tập trung tại Singapore, và rồi từ Singapore có thể đi khắp các cảng trên thế giới. Hãng tàu này cũng dự định xây mới cảng container Tân Thuận. Tôi mặc áo vest đón khách và làm việc mấy hôm.

Công việc đối ngoại tiếp khách của tôi cứ trôi trôi như vậy với cái áo vest duy nhất bị lủng một lỗ cho tới khi tôi bỏ nhà nước ra ngoài làm cho tư nhân vào năm 1995.

Năm 1997 tôi thay mặt cho hãng tàu Ben Line Agencies của Singapore đi tiếp đón ông giám đốc tiếp thị một hãng tàu container của khối Ả Rập muốn mở tuyến tàu nối Sài Gòn, Hải Phòng với mấy nước Trung Đông. 

Tôi lại mặc chiếc áo vest này đi ra phi trường đón khách.

Ông giám đốc tiếp thị của hãng tàu Ả Rập bây giờ té ra chính là ông giám đốc marketing của hãng tàu Pháp ngày trước đã gặp tôi năm 1990. Vừa check-in xong, ra khỏi phòng khách của phi trường gặp tôi đứng cầm bảng tên đứng đón, ông này ghé tai tôi nói nhỏ: Đã mấy năm rồi nhưng khi mới nhìn thấy ông tôi đã nhận ra ông ngay.

Tôi hỏi nịnh: Sao ông tài quá vậy? Tôi nghĩ nhận xét của ông tinh tế, trí nhớ của ông thật là tốt, chắc hồi nhỏ ông học hành giỏi lắm? Chắc ông chưa bao giờ thi rớt ở lại lớp?

Ông Tây cười hóm hỉnh trả lời: Chẳng có gì tài năng cả. Tôi nhận ra ông vì ông cũng còn mặc cái áo vest bị cháy một đốm ở vạt phía trước này. Nói xong, ông lấy tay chỉ vào chỗ lỗ thủng trên vạt áo trước của tôi. Rồi ông tiếp: Với lại ông chẳng bao giờ chịu mang cà-vạt cả. Người châu Âu tiếp khách lúc nào cũng ráng thắt cái cà-vạt. Người châu Âu rất ngạc nhiên khi thấy người ta trang trọng ra sân bay đón mình mà không thèm mang cà-vạt. Bảy tám năm rồi tôi thấy ông vẫn vậy.

Tôi nhột lắm nên định sau chuyến đó sẽ may một cái áo vest mới để thay cho cái áo vest cũ bị lủng một lỗ vì cháy tàn thuốc.  Cũng tự nhủ với lòng mình sẽ mang cà-vạt thắt cổ thường xuyên. 

Định vậy thôi chứ chưa bao giờ làm, vì năm nay là năm 2021 rồi, kiểm tra lại tủ quần áo tôi vẫn chỉ có một cái áo vest duy nhất mà thôi, áo này may vào năm 1989 khi tôi mới cưới vợ, cái áo bị lủng một lỗ.

Năm 1989 khi tôi lần đầu tiên biết mặc áo vest để đám cưới và sau đó biết mặc áo vest để đi đối ngoại tiếp đón khách nước ngoài… thì trong suy nghĩ của tôi: Sài Gòn sắp thay đổi, sắp bắt đầu một thời gian mới khởi sắc, sắp chấm dứt mười lăm năm tối om om.

Tôi theo dõi trong hồi hộp lo lắng và rồi thấy Sài Gòn bắt đầu từ năm 1989 đã bớt brownout và blackout, kinh tế Sài Gòn bớt u ám nên lượng người gốc Hoa và người Việt tìm cách vượt biên nhằm đi tìm một đời sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài đã bắt đầu giảm hẳn. Và một hai năm sau thì chuyện vượt biên có lẽ đã chấm dứt.

Năm 1991 khi có được đứa con trai đầu lòng, tôi nhủ lòng: Nhứt định không để cho thằng nhỏ này phải khổ sở vì quần vì áo như mình thời đi học 1980-1985. Nó sẽ có đủ quần đủ áo thay đổi mà đi học cho khỏi mặc cảm với bạn bè. Ta cũng sẽ nhớ rất kỹ, ta sẽ may cho mày một loạt quần tây mới toanh mà không có cái nào phải kéo fermeture ở bên hông.

Momentary Notes
27/5/2021

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Ne me quitte pas!

Momentary notes

Khi vào tiếp quản Sài Gòn vào tháng Năm 1975, có lẽ hai mặt hàng mà mấy người lính miền Bắc muốn tìm mua nhiều nhứt là cái đài chạy bằng transitor bán dẫn (là cái máy thu thanh, dân Sài Gòn gọi là cái ra-dô/ radio) và cái đồng hồ đeo tay. 

Lúc đầu tôi thấy lạ, cuối năm 1976 được phân công lên vùng cao công tác… tôi mới thấy rõ hai vật mình cần có nhứt vào lúc đó cũng chính là cái đồng hồ và cái radio. Chắc tôi giống như mấy anh bộ đội ngoài Bắc hồi giữa năm 1975 rồi. Nhưng có vài điểm khác biệt, người ngoài Bắc thích xài đồng hồ Seiko tự động automatic của Nhựt-bổn có cửa sổ ghi ngày tháng, còn tôi rất thích loại đồng hồ hiệu Poljot lên dây cót bằng tay của Nga, chắc do cái vỏ ngoài của Poljot trông cứng cáp bền chắc hơn Seiko, nghĩ mình có lỡ va chạm mạnh cũng sẽ không làm đồng hồ bị đứng kim.

Radio thì người vùng ngoài thường gọi là cái đài. Nghe nói trong thời gian chiến tranh 1954-1975 dân ngoài Bắc chỉ được nghe một đài Hà Nội do nhà nước độc quyền phát thanh thôi, nếu bị công an bắt quả tang đang lén nghe đài Sài Gòn hay nghe đài nước ngoài có khi bị đưa đi cải tạo mút chỉ cà tha. Có lẽ sau 1975 chính quyền có nhiều chuyện quan trọng hơn cần phải làm nên họ không còn để ý kiểm soát gắt gao chuyện dân lén nghe đài nào nữa. Nên cứ bỏ tiền ra mua một cái radio của Nhựt-bổn, của Mỹ hay của Hà Lan… rồi muốn nghe đài gì thì cứ một mình len lén mà nghe, nhưng nhớ vặn volume nho nhỏ đừng cho hàng xóm biết là được rồi. 

Đồng hồ để xem thời gian mà làm việc cho đúng qui định, như tôi hồi mấy năm đó cứ sáng sáng bảy giờ mở cửa làm việc cho tới mười một giờ trưa rồi chuẩn bị thu xếp đồ nghề gọn gàng để tự lo bữa ăn trưa, chiều làm việc từ một giờ tới bốn giờ… xong xuôi đóng cửa ra ngoài đi lang thang kiếm nhà quen quen nào đó gần gần trong vùng mình đang làm việc để xin góp gạo góp khoai ăn ké buổi chiều. 

Ăn một mình buồn lắm, ăn chung với nhiều người càng đông càng vui, có dịp nói chuyện qua lại với nhau cho mình đỡ cô đơn. 

Bữa cơm chiều vùng cao thời đó thiếu gạo và thiếu đạm. Ăn chung với người ta hay nghe người ta hỏi: Sài Gòn có gì lạ không? Chắc họ biết tôi có cái đài vặn eo éo suốt ngày ở chỗ mình đang làm việc.

Tôi trả lời: Nghe trên đài sáng nay nói tình hình không có gì lạ. Nhân dân đang hào hứng thi đua lao động sản xuất sáng tạo để xây dựng thành công... Người ta liền ngắt lời: Mấy cái đó tôi biết hết rồi! Ý tôi hỏi là Sài Gòn lúc này số người vượt biên có nhiều dữ hôn? Có thiếu ăn dữ hôn? Mấy người bị đưa đi học tập cải tạo được thả về nhà nhiều chưa?

Tôi: Trên đài có nói tới mấy cái chuyện đó đâu mà tôi biết để mà trả lời cho mấy người? Hỏi mấy câu dễ chết không à.

Nghe đài... ngoài việc để nghe những tin tức mà ai ai cũng đã biết theo ý muốn của chính quyền... còn để sáng sáng chúa nhật tôi đón nghe chương trình nhạc nước ngoài theo yêu cầu của thính giả. Suốt từ năm 1976 tới năm 1980, mỗi sáng chúa nhật đài phát thanh Sài Gòn có phát chương trình nhạc nước ngoài theo yêu cầu (không biết có ai yêu cầu thiệt hay không, hay là đài phát thanh tự nói vậy cho xôm tụ). 

Nhạc nước ngoài phát từ đài phát thanh nhà nước ở  Sài Gòn phát về các tỉnh suốt năm năm đó chỉ có mấy bài tủ cho tới nay tôi vẫn còn nhớ hoài: Triệu đóa hoa hồng, Kachiusa, Đôi bờ… và một hai bài nhà nước chọn của Tây của Mỹ như Đồng xanh, Ngôi nhà mặt trời mọc, Papa… Chương trình nhạc này thời lượng chỉ có nửa tiếng đồng hồ từ mười giờ sáng cho tới mười giờ rưỡi ngày chúa nhật. Phát đi phát lại mấy bài đó cho tới hết giờ rồi thôi. Suốt năm năm cũng chỉ có chừng đó bài. 

Quên nữa, còn có bài Thuở ấy tuổi thanh xuân, nhạc Liên Xô do anh Chung Tử Lưu ca... 

Nghe mấy bài hát đó tôi không thích chút nào nhưng cứ phải nghe mãi cho nó đỡ buồn. Bài tôi thích thì họ đâu có phát. Nói cho cùng, ở vùng sâu vùng xa không có gì để giải trí, một tuần nghe mấy bài đó phát đi phát lại trên đài mình cũng cảm thấy đỡ đỡ buồn. Có còn hơn không. Có thêm tiếng người dù là tiếng người từ cái radio mình cũng cảm thấy đỡ cô đơn...

Nhứt là vào mấy ngày mưa bão dầm dề, sống một mình mà không có cái đài phát tiếng e-e chắc mình chết sớm quá.

Ban ngày nghe đài nhà nước. Tới tối đóng kín cửa hay kiếm chỗ nào vắng vẻ nghe đài VOA hay đài BBC phát bằng tiếng Việt... để biết thêm đôi chút về mấy người nghệ sĩ Sài Gòn nổi tiếng, ai còn ở lại trong nước và ai đã bỏ đi nước ngoài. Biết thêm được chút đỉnh tình hình thế giới đang thay đổi ra sao. 

Mấy năm đó mấy đài đặt bên Trung Quốc phát sóng cực mạnh trên nhiều tần số, họ tuyên truyền chống đối chính quyền Việt Nam khá gay gắt. Có đêm nghe một đài lạ nói ông Nguyễn Cao Kỳ mới lén đi trực thăng từ Mỹ về Lâm Đồng rồi nhảy dù xuống Cầu Đất để chuẩn bị họp hành với các lãnh đạo dân tộc thiểu số của mặt trận Fulro… Tối đó tôi nín tiểu cả đêm không dám bước ra khỏi trạm đi vệ sinh vì lúc đó mình đang làm việc và ở ngay trong trạm y tế Cầu Đất.

“Trên đài có gì lạ không anh?”

Ở Cầu Đất, ở Bảo Lộc, ở Long Khánh, ở Bến Tre rồi Tây Ninh... suốt năm năm dài đã có bao nhiêu người hỏi tôi câu đó khi họ nhìn thấy tôi hay nghe đài. Khá nhiều người hỏi bởi vì họ không hề biết tôi vặn đài lên cho có tiếng người thôi chớ tôi đâu có lắng nghe được gì... Cho tới giờ tôi không nhớ hết được bao nhiêu người đã hỏi mình: Trên đài có gì lạ không anh? Nhiều người hỏi tôi câu đó đã không còn ở Việt Nam lâu rồi. Họ đã bỏ ra đi với nhiều lý do, không biết có ai ra đi vì muốn ra nước ngoài để được nghe tin tức radio thiệt là nhiều và nghe nhạc vàng cho nó đã? 

Có khi vì phải nghe đi nghe lại mấy cái tin tức một chiều ngày này qua ngày khác, phải nghe mấy bài nhạc cũ mèm dở ẹc không thể chịu đựng nổi nữa nên họ đã bỏ đất nước này mà ra đi? Tôi không gặp lại bọn họ nên tới giờ tôi không rõ lắm. 

Có nhiều người tôi không quan tâm tới chuyện họ đi hay họ ở, nhưng cũng có nhiều người khi họ bỏ ra đi đã làm tôi buồn rầu có khi buồn ít có khi buồn nhiều tới phát khóc... Hồi đó mình còn trẻ, còn sung nên tình cảm bạn bè khác phái hay tình cảm trai gái yêu đương lai láng có nhiều hơn mức bình thường một chút chắc cũng không có gì là lạ. 

Có người bỏ ra đi nhưng mình cảm thấy hết sức dửng dưng, có người bỏ ra đi đã làm mình nức nở gào lên như cố nhạc sĩ Jacques Brel: Đừng bỏ tôi ở lại một mình! Je ne quitte pas!

Cái đài và cái đồng hồ đeo tay thân thiết với tôi cho tới cuối năm 1980. Về tới Sài Gòn thì tôi không cần chúng nữa vì ở Sài Gòn phố xá lúc đó đông người qua lại, nhiều người vẫn còn đeo đồng hồ, mình không biết bây giờ là mấy giờ thì có thể hỏi thăm người này hay hỏi nhờ người khác. 

Ra ngồi ngoài quán cà-phê sẽ biết được nhiều tin tức hay ho sốt dẻo hơn là ngồi căng tai ra nghe tin tức của các đài nhà nước. Tại các quán cà-phê cóc hay các nơi bạn bè tụ tập đàn ca thường có máy cassette để mình nghe lại các bản nhạc vàng Sài Gòn thời trước 1975 hay nhạc tình của Tây. Ở đó, ngồi nghe những bài nhạc nước ngoài sướt mướt cảm thấy thoải mái hơn là nghe chương trình nhạc yêu cầu được phát trên đài. Năm 1980 Sài Gòn tuy rất nghèo tiền nghèo gạo nhưng các bài nhạc vàng trong dân gian đã phong phú khá tự do nhờ các băng nhạc cassette chui. Nói vậy chớ đừng hứng quá, vặn volume to quá là coi chừng có chuyện.

Nhạc trước 1975 hay sau 1975 đều có bài hay bài dở. Thời nào cũng có người hát hay và người hát dở ẹc. Mỗi người nghe cũng có các sở thích rất khác nhau... 

Có bài hát tôi thích nghe hoài mấy chục năm, nghe từ hồi còn học trung học cho tới lúc bị banh-ta-lông cũng còn rưng rưng nước mắt mỗi lần nghe. Đó là bài Đừng bỏ tôi ở lại một mình/ Ne me quitte pas! Chắc là vì bài hát đó hợp với tâm trạng cuộc đời mình, cả cuộc đời mình chưa hề biết bỏ rơi ai mà chỉ bị người khác xù.

Năm năm 1975-1980 tôi gắn bó với cái đài và cái đồng hồ. Năm năm 1980-1985 tôi gắn bó với trường với lớp...

Cuối năm 1980 tôi vào học chung một lớp Anh văn với mấy anh chị trẻ có già có. Bên nam lớn tuổi có anh Hậu, anh Xá, anh Lân, anh Lâm, tôi (Momentary Notes) và anh Nguyễn Tuấn trưởng lớp. Nam sinh viên trẻ tuổi hơn có các anh Nghiêm, Hiếu, Lượng, Thảo, Hùng, Hiệp, Bửu, Lương Tuấn. Sinh viên nữ khóa 1980 thường là từ lớp 12 thi lên thẳng đại học, họ ít tuổi hơn so với bên nam, có các chị Kim Nguyên, Bích Thu, Thu, Dung, Lý, Trầm Hương, Thanh Hương, Thanh Nhàn, Lan Hương, Đoan Hậu, Ngọc Nhâm, Mỹ Hạnh, Hạnh, Thanh Hoa, Vân Anh, Bích Ngân…

Nhiều bạn đã đi ra nước ngoài sinh sống, nhưng tính ra vẫn còn quá phân nửa ở lại Việt Nam.

Một người mất sớm do tai nạn giao thông là anh Hậu, còn đa số cả nam lẫn nữ nghe nói vẫn còn đang rất mạnh khỏe sống phây phây, chỉ một hai người ngáp ngáp giống như tôi.    

Các thầy cô dạy lớp Anh văn Tổng hợp năm học 1980... tôi vẫn còn nhớ rõ. Thầy Bách, thầy Xiêm đã bỏ Sài Gòn ra đi khá sớm, thầy Diệm ở lại dạy học và đã mất trên chục năm rồi. Các cô giáo đều trẻ tuổi. Đã ra nước ngoài sống như cô Hải, cô Loan, cô Thuý. Ở lại còn cô Nguyệt và cô Hạnh...

Các cô giáo dạy lớp chúng tôi vào năm 1980 khá trẻ tuổi, chắc tuổi họ chỉ xấp xỉ bằng tuổi của tôi thôi. Họ nhỏ tuổi hơn anh Hậu, anh Xá. Sau 1975 vì thiếu giáo viên tiếng Anh, trường đã đưa các sinh viên vừa mới tốt nghiệp xuống dạy học cho các lớp dưới. Còn mấy anh học trò già vì hoàn cảnh này khác sau năm 1975 phải bỏ học vài năm mới được cho đi học lại, nên khi bước vào lớp cuối năm 1980 có trò lớn tuổi hơn các cô giáo trẻ.

Cũng không biết khi các cô giáo trẻ bỏ trường bỏ lớp bỏ Sài Gòn ra đi, có anh học trò già nào đã gào lên nức nở: Ne me quitte pas!

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

VỀ BÀI THƠ SINH NGHI HÀNH

Giống như số phận bài thơ tình THIẾU NỮ, bài thơ đời SINH NGHI HÀNH cũng bị tam sao thất bổn nhiều dị bản khác nhau. Bài này từng đọc trực tiếp cho ông Võ Văn Kiệt, Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn nghe, sau khi ông được “mật báo” là có một nhà thơ ở Thành Đoàn làm “thơ đen”. Sau khi nghe xong, không những tác giả không bị bắt mà còn lãnh nhuận bút từ tay ông một bao thư dày cộm. 
Bài SINH NGHI HÀNH được in trong tập THƠ ĐỜI BÙI CHÍ VINH do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2007 nhưng lời thơ đã bị thay đổi và cắt xén vài chỗ. Bài thơ cũng được một số bạn bè giang hồ ngâm trong bàn tiệc nhưng lại bỏ đi chữ “cứt” vì sợ âm thanh bốc mùi nhậu mất ngon. Nay đăng lại để bảo đảm nguyên tác… 

BÙI CHÍ VINH 

SINH NGHI HÀNH

Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng, em út nghi anh
Cha nghi con cái, bè nghi bạn
Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm
Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh
Ngay ta khi viết bài in báo
Cũng nghi mình kiếm chác công danh
Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thiệt
Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành

Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành
Trẻ con khát sữa ai cho bú
Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh
Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành
Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố
Đoạn Trường ngồi sửa lại Tân Thanh
Thuý Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hoá lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Kẻ sĩ làm sao dám học hành

Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Lãnh tụ nói: đói quên nghi kỵ
Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh!
BCV 

Trong bữa tiệc chiêu đãi văn nghệ sĩ và báo chí, Bùi Chí Vinh ngồi cạnh ông Võ Văn Kiệt ở đầu bàn

PHƯƠNG PHÁP KHÍ CÔNG HIỆP KHÍ ĐẠO


Của Đại sư Tōhei Kōichi, 
Huyền đai Thập đẳng, hệ phái Ki-Aikido,
Đệ tử chính truyền của Tổ sư Uyeshiba Morihei (Nhật).

*
Người ta còn sống là còn thở. Nhưng trừ các thiền sư, các đạo sĩ, một số nhà võ học luyện tập khí công (hay nội công)… hầu hết người ta thường thở không đúng cách, và thường là không biết mình đang thở. Phải. Chúng ta thường quên mất là mình đang thở. Tức là quên rằng mình đang sống.

Có lẽ có nhiều phương pháp thở tùy theo mục đích và môn phái tập luyện, nhưng tựu trung là quán niệm hơi thở, biết mình đang thở (tức ý thức mình đang sống), và tập điều khiển hơi thở theo ý mình; hơi thở mang sinh lực của ta chan hòa vào vũ trụ, và mang sinh lực vũ trụ vào trong cơ thể của ta, biến ta thành một phần (không tách biệt) của vũ trụ, có thể sử dụng (một phần hoặc thậm chí toàn thể) sức mạnh của vũ trụ. 

Lý thuyết thì cao siêu như thế, sau khi tập đến một mức độ nào đó, người ta sẽ thấy hiệu quả là hết sức bình thường, kể cả khi đạt được khả năng phi thường nào đó. Ví dụ, các môn sinh Hiệp khí đạo có thể đưa thẳng cánh tay ra một cách bình thường, không lên gân, không vận sức, mà nhiều người hợp lực không thể nào bẻ gập nó lại được; hoặc  có người chịu cho chôn mình trong huyệt mộ hoặc nhấn chìm trong nước trong thời gian dài mà vẫn sống; hoặc hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi yên trong lửa đỏ cho đến khi lửa tàn, thân xác cháy đen, ngài gật đầu chào từ biệt mọi người rồi mới buông thả cho thân xác ngã ra… Đó là công phu làm chủ hơi thở, như trong thiền định của Phật giáo. (Vài năm trước đây có tin tại Mông Cổ người ta phát hiện nhục thân một vị sư viên tịch từ hàng trăm năm trước mà thân xác vẫn còn nguyên vẹn, và bác sĩ của đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết vị sư ấy đang trong trạng thái thiền định thật sâu, chớ thật ra ngài chưa chết! - http://baomai.blogspot.com/2015/02/nha-su-uop-xac-tai-mong-co-chua-chet.html ) (hình như link này chết rồi?)

Nhưng mục đích luyện tập của ta không phải để đạt được trạng thái siêu nhiên đó. Ta chỉ tập để trị bệnh và tăng cường sức khỏe. Phương pháp này có thể chữa lành một số bệnh, chủ yếu là các bệnh về phổi.

Ngoài ra, tập thở phương pháp này giúp ta chống chịu được cái lạnh, và chế ngự sự giận dữ, sợ hãi, tuyệt vọng…. CỰC KỲ HIỆU QUẢ. 

THỜI GIAN VÀ CÁCH THỰC HIỆN: Tập thở là tập làm chủ hơi thở và thở đúng phương pháp. Sau khi nắm vững kỹ thuật làm chủ và điều khiển hơi thở, người ta có thể tập bất cứ lúc nào trong ngày, trong mọi tư thế đi đứng nằm ngồi, vì người ta lúc nào cũng thở. 

Nhưng trước hết và quan trọng hơn hết, là tập ở dạng quỳ. Mỗi ngày tập ÍT NHẤT một lần. LIÊN TỤC , không ngày nào gián đoạn. Thời gian lần tập đầu tiên chỉ từ năm đến mười phút là đủ, vì quỳ chưa quen, đau chân. Nhưng mỗi lần tập nên phấn đấu vượt qua mức cuối cùng mình có thể chịu đựng được. Ví dụ tập được năm phút rồi, chân đau quá, nhưng cố gắng thêm một hay hai hơi thở nữa. Mỗi ngày cố thêm một chút. Sau một thời gian, mình sẽ thấy hứng thú, đam mê, có thể kéo dài buổi tập hàng giờ mà vẫn thấy phấn chấn và trong người càng nhẹ nhàng khỏe khoắn. 

Ban đầu mỗi chu kỳ thở (hít vào thở ra) chỉ khoảng mười giây. Dần dần theo thời gian về sau, hành giả có thể giữ một chu kỳ thở của mình (hít vào thở ra) đến một phút, hoặc lâu hơn thế. (Những người thợ lặn trần (skin diver) chuyên nghiệp có thể nín thở dưới nước từ ba đến năm phút).

CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI TẬP: 
Đây là buổi tập chính trong ngày, nên dành vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Trong phòng yên tĩnh  (và không có muỗi), ánh sáng vừa ý (để khỏi làm mình phân tâm)

Trước khi tập hãy:
-thu xếp công việc trong ngày (để tránh tình trạng đang tập bỗng nhớ ra một chuyện gì đó chưa làm!), 
-làm vệ sinh cá nhân, vì tập xong thì nằm xuống ngủ luôn.

TƯ THẾ NGỒI SEIZA CỦA NGƯỜI NHẬT:
Người Nhật ngồi trên hai chân gấp lại mà họ gọi là “Chính tọa” (Seiza), ta thường gọi là tư thế quỳ.
-Hai chân quỳ, khoảng cách giữa hai đầu gối bằng khoảng hai nắm tay, 
-hai bàn chân duỗi thẳng; 
-hai gót chân chụm lại. 
-Trong tư thế đó, hạ người xuống. Đặt mông trên hai gót chân. 
-Hai bàn tay đặt nhẹ trên hai đầu gối. 
-ĐẦU, CỔ VÀ SỐNG LƯNG NẰM TRÊN MỘT ĐƯỜNG THẲNG ĐỨNG. 
-Mặt hướng tới phía trước, hai mắt khép lim dim. 
-TOÀN THÂN THẢ LỎNG, không một chỗ nào lên gân. 

Bắt đầu bằng THỞ RA BẰNG MIỆNG. 
Do bình thường mình thở không đúng cách nên trong phổi bao giờ cũng còn lại nhiều khí ứ đọng, trước khi tập phải “trút” ra CHO THẬT HẾT không khí trong phổi. Cố gắng thở ra thật hết. Khi đã thở ra hết rồi, cố gằng thở hắt ra thêm một cái cuối cùng nữa.
Trong khi thở ra như thế, hơi thở kéo thân người mình hơi chúi tới trước, cho nên trước khi bắt đầu hít vào phải lấy lại thế thẳng đứng của đầu cổ và xương sống.

Bắt đầu hít vào. HÍT VÀO TỪ TỪ BẰNG MŨI. Thật CHẬM rãi. Sau khi đã thở ra như thế, không khi sẽ tự động ùa vào phổi mình, cho nên rất khó hít vào một cách từ từ chậm rãi. Nhưng tập dần dần sẽ quen và điều khiển được hơi thở theo ý muốn.

Trong khi hít vào, TƯ TƯỞNG MÌNH PHẢI ĐI THEO HƠI THỞ. Hãy tưởng tượng một luồng khí lực trong lành của vũ trụ theo hơi thở đi vào người mình. Tưởng tượng luồng khí lực đó đi vào mũi, đi thẳng ra sau ót. Khi hít vào đủ rồi hãy dùng tư tưởng đưa luồng khí lực đó đi dọc theo sống lưng xuống tới huyệt đan điền. Huyệt Đan điền nằm phía dưới rún, cách rún khoảng 5 phân. Giữ hơi thở (luồng khí lực) tại Đan điền từ ba đến năm giây. Đếm thầm trong trí một, hai, ba (bốn, năm). 

Trong khi giữ như thế, hơi trong phổi sẽ bật ra; khí lực ở đan điền sẽ dội lên. Nhưng nên dùng tư tưởng kềm giữ nó ở đó. Sau ba hay năm giây, bắt đầu THỞ RA TỪ TỪ BẰNG MIỆNG. Phải giữ HƠI THỞ RA TỪ TỪ, thật đều, “đều như sợ chỉ” đừng lúc dày lúc mỏng, đừng đứt quảng. 

Để kiểm soát độ đều của hơi thở ra, trong khi thở ra bằng miệng, hãy phát ra một âm thanh “Haaaaa…” nho nhỏ thật đều đi theo hơi thở. Nghe âm thanh đó ta sẽ biết hơi thở ra của mình có đều hay không. Khi thở ra, ta tưởng tượng mình xua cặn bã, thán khí trong người ra, cùng với luồng khí lực của mình theo hơi thở ra giao hòa với khí lực của vũ trụ. Khi thở ra hết rồi, nhớ cố gắng thở hắt thêm một cái cho thật hết. 

Khi mình hô hấp thì không khí đi vào phổi. Nhưng ta dùng tư tưởng để dẫn luồng khí lực của vũ trụ đi vào theo không khí. Trong khi không khí đi vào phổi, luồng khí lực được tư tưởng của ta dẫn đi dọc sống lưng, xuống đan điền, rồi sau đó khi không khí đã được tách bớt oxy, còn lại thán khí thở ra, thì luồng khí lực theo thán khí trở ra hòa nhập với vũ trụ.

Một lần hít vào thở ra là một chu kỳ hơi thở, cũng là một chu kỳ tuần hoàn của khí lực. Khi mới tập, một chu kỳ thở còn ngắn, tâm trí hành giả sẽ không có đủ thì giờ để vừa kiểm soát vửa làm chủ và điều khiển hơi thở và khí lực. Nhưng tập dần dần, hơi thở sẽ dài hơn, chu kỳ thở dài hơn, ta không còn phải lo chuyện kềm giữ nó nữa, mà sẽ điều khiển hơi thở của mình một cách thoải mái. Lúc đó, trong phổi mình không có không khí ứ đọng, mỗi lần hít vào ta đưa vào phổi rất nhiều không khí mới – khí lực mới của vũ trụ.

“Bí quyết” là TÂM TRÍ MÌNH LUÔN LUÔN ĐI THEO HƠI THỞ. Dừng bao giờ để tâm trí bay đi đâu đâu mà bỏ quên hơi thở. Đồng thời nhớ kiểm soát để THÂN THỂ BUÔNG LỎNG. Thân thể buông lỏng thì khí lực trong người sẽ lưu chuyển dễ dàng và thông suốt. 

Chỉ sau một thời gian ngắn, khi dẫn khí lực đi dọc sống lưng xuống đan điền, luồng khí lực đi tới đâu ta sẽ nghe cảm giác nóng ấm lan dần tới đó.

Lưu ý: Lúc đầu khi giữ khí lực tại đan điền, hơi thở trong phổi sẽ tự dội ra, khí lực cũng sẽ nảy bật lên. Nhưng hãy dùng tư tưởng giữ nó ở đó. Thời gian đầu mới tập chỉ cần ba hay năm giây là được. Về sau khi đã chế ngự được hơi thở, nó không dội ngược lên nữa, ta không còn phải đối phó với nó nữa, ta sẽ giữ hơi thở lâu hơn và dùng tư tưởng đưa hơi thở (khí lực trong lành của vũ trụ) lan tỏa thâm nhập khắp trong cơ thể mình, đồng thời xua đuổi những “cặn bã” trong người theo hơi thở đi ra. Trong lúc đó, các phế nang trong phổi có thêm thì giờ thấm hút hết lượng oxy trong hơi thở mà với cách thở bình thường phổi chỉ hấp thụ được rất ít, còn lại một lượng lớn oxy theo hơi thở ra ngoài.  Thời gian giữ hơi thở lâu hay mau tùy vào sự tiến bộ trong quá trình tập luyện của ta.
Sau khi dứt chu kì một, thân người ta bị hơi thở ra kéo chúi tới trước một chút. Sau khi thở hắt ra lần cuối cùng, ta ngồi thẳng người lên như lúc đầu, bắt đầu hít vào – từ từ. Và lập lại chu kỳ vừa rồi.

Chú ý: 
-Thở thật CHẬM
-Hít vào bằng MŨI
-Thở ra bằng MIỆNG. 
-Phát ra một tiếng “haaaaa…” trong khi thở ra để kiểm soát độ đều của hơi thở ra.

Đó là tư thế tập chính thức, mỗi ngày ít nhất một lần, liên tục không gián đoạn.

Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp thở này bất cứ lúc nào, trong mọi tư thế đi đứng nằm ngồi. 

Đi đứng là tư thể hoạt động linh động, ta chỉ cần nhớ đưa hơi thở vào mũi, dùng tư tưởng dẫn khí lực đi dọc sống lưng, xuống đan điền rồi thở ra bằng miệng. Khi lo âu, sợ hãi, giận dữ, ta thở như thế, lòng ta sẽ bình an rất nhanh, và tâm trí ta sẽ sáng suốt trở lại. Khi ta bị lạnh, cách thở đó sẽ làm ta hết lạnh ngay tức khắc. Ngay cả khi ta đang lạnh run, ta thở như vậy, cơn run sẽ dứt cùng với cảm giác lạnh. Giữ vững khí lực ở đan điền, thân người ta sẽ ấm lên.

TƯ THỂ NẰM.
Vì điều kiện cơ thể bất tiện thế nào đó mà ta không quỳ được với tư thế Seiza thì tập theo tư thế nằm.

Vì thở ở tư thế nằm là cách chữa mất ngủ rất hiệu quả cho nên không tập được lâu như tư thế quỳ. Chỉ sau năm bảy phút người tập có thể chìm vào giấc ngủ, không tiếp tục được nữa.

Trước khi tập cũng chuẩn bị như tập tư thế quỳ.
Cách thực hiện: NẰM NGỬA. ĐẦU KHÔNG KÊ GỐI (nguyên tắc đầu cổ và sống lưng nằm trên một đường thẳng). Mắt khép lim dim hay nhắm. Tay chân duỗi thẳng, BUÔNG LỎNG TOÀN THÂN. Nhớ kiểm soát xem bộ phận nào trên cơ thể chưa buông lỏng.

Bắt đầu HÍT VÀO BẰNG MŨI. Lần này, do mình nằm, phía sau ót tiếp xúc với nệm hay chiếu giường, không thông thoáng cho hơi thở đi thẳng ra sau. Ta dẫn hơi thở - khí lực - vào từ mũi, cũng đi dọc sống lưng, xuống đan điền, cũng giữ lại đó một thời gian tùy khả năng, 3 – 5 giây hoặc lâu hơn, rồi THỞ RA BẰNG MIỆNG. Nhớ phát ra một thiếng “haaaaa…” nho nhỏ để kiểm soát dòng hơi thở ra thật đều, và TƯ TƯỞNG CỦA TA PHẢI LUÔN LUÔN ĐI THEO HƠI THỞ. Khi thở ra thật hết rồi, ta cũng thở hắt ra lần cuối trước khi hít vào từ từ để bắt đầu chu kỳ tiếp theo. (Vì ta đang nằm nên hơi thở ra không kéo người ta tới trước như tư thế quỳ.)

Cách thở này đưa đến giấc ngủ sâu; khi thức dậy thân thể nhẹ nhàng, thoải mái, đầu óc tỉnh táo sáng suốt. Ngay cả với người “lờn thuốc ngủ”, cách thở này giúp ngủ dễ dàng như phép lạ. Sau một thời gian tập luyện, người tập có thể chìm vào giấc ngủ chỉ sau ba hơi thở. Nhiều lắm là năm. Phương pháp này đã được bày cho nhiều người mất ngủ kinh niên và hiệu quả luôn được xác nhận.

“Bí quyết” là THÂN THỂ BUÔNG LỎNG và TƯ TƯỞNG LUÔN LUÔN ĐI THEO HƠI THỞ. Luôn luôn dùng tư tưởng dẫn khí lực trong lành mạnh mẽ của vũ trụ vào cơ thể mình, giữ nó ở đan điền, và đưa luồng khí lực đó lưu chuyển trong cơ thể và giao hòa trở lại với vũ trụ.
Phương pháp rất đơn giản, nhưng hiệu quả rất lớn lao.

Thiếu Khanh.
(Với các con Nguyễn Hoàng Đông Phương, Nguyễn Thị Thanh Bình,  Linh Truong Hong, Nguyễn Hoàng Nam Phuong, Nguyễn Hoàng Yến Phương Moan)

CÁI CẦU DAO ĐIỆN

Một nhà sư bước vào một quán bar náo nhiệt. 
Mọi hoạt động trong quán đều ngưng lại khi thấy một sư ông bước vào quán!!! 
Nhạc ngừng chơi, các đôi ngừng nhảy!
Chủ quán bước đến hỏi:
- Bạch thầy, thầy muốn uống gì?
Nhà Sư đáp:
- Ấy chết, ta là nhà sư, đâu có thể uống gì trong một quán như thế này? Chẳng qua ta đang có việc rất gấp. Không hiểu thí chủ có thể cho ta… dùng nhờ WC được không?
- Dạ… có lẽ là không được...?
- Tại sao? Ta có thể trả tiền mà...
- Ấy không phải, khi nào tôi dám lấy tiền của thầy! Nhưng có một điều là trên đường đi vào WC có một bức tượng cô gái mà trang phục chỉ là một cái lá sen thôi ạ…
- Không sao, những cảnh như thế chỉ có tác dụng với những người phàm như các ngươi, còn với ta thì chẳng là gì, có hay không có cũng thế!
-Vậy mời thầy cứ tự nhiên đi thẳng vào trong. 
Năm phút sau, nhà sư quay ra đến bên chủ quán cảm ơn rồi hỏi:
- Ta có một điều thắc mắc là khi ta bước vào quán, mọi âm thanh đều im bặt. Sau đó, khi trên đường ta vào WC âm thanh lại im bặt lần nữa là sao?
Chủ quán cười:
- Dạ, lần thứ nhất là vì mọi người ngạc nhiên khi có một nhà sư bước vào quán. 
Còn lần thứ hai thì là vì cái lá sen đấy chính là cầu dao điện tổng của căn phòng này đấy ạ .

Sưu tầm

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Thơ Đời Của Tác Giả Bùi Chí Vinh

Vài Dòng Với Thơ Đời Của Tác Giả Bùi Chí Vinh

Với thơ đời của BCV dù tác giả viết ở thời điểm nào thì bây giờ đọc lại nó cũng mới như chưa hề ráo mực! Trích một đoạn trong bài Sinh Nghi Hành.

"Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng,em út nghi anh
Cha nghi con cái,bè nghi bạn 
Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm 
Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh"
BCV
Một đoạn thôi là đã đủ để nói lên một xã hội suy đồi,bát nháo! Không cần nói nhiều thì nó vẫn hiện ra trước mắt chúng ta,nhìn đâu cũng thấy bợ trên đạp dưới,tham ô hối lộ ,nhũng nhiễu tràn lan. Xung quanh toàn là ganh ghét đố kỵ ,mập mờ đen tối! Hình như người ta ăn nhau để tồn tại !
" thời buổi tình người đang khát sữa
Vú mẹ gầy,sâu rúc nồi canh"
BCV
Chỉ với hai câu trên cũng đủ nói lên "bức tranh" xã hội hiện thời ,mỗi ngày đài báo đưa tin đủ cho chúng ta tức thở. Thơ của anh nói lên những điều mà người dân thấp cổ bé miệng không thể kêu gào! Trích bài Đói Liên Tục

"Nhà hết gạo
Chung quanh một nồi cháo
Mười cái chén gục đầu
Bốn người thất nghiệp ,một người đau"
BCV
Và;
"Lúa miền nam gặp hạn 
Bình Trị Thiên bão về
Đồng bằng sông Hồng hồi hộp vỡ đê 
Sao đọc báo thấy bội thu lương thực 
Nghe đài thấy gạo Việt thành cơm tây cơm Nhật "
BCV
Có khác gì mấy trong lúc này đây,dân nghèo đói vẫn còn nhiều lắm! Mà lãnh đạo vẫn xây tượng đài nghìn tỷ,để rồi đổ sập xuống lòi ra bên trong khỏi diễn tả thì ai ai cũng hiểu! Và họ vẫn to mồm kiến nghị xây tiếp,họ đem hình ảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng và chủ tịch Hồ Chí Minh ra che mắt dân đen!
"Xem tivi thấy thóc nở đầy hình
Thóc tràn vào ngân khố vô danh 
Đất nước đang được mùa công trái
cho trên dưới rộng mồm ăn nói 
Diễn văn đầy ngũ vị hương
Ôi,hoa màu thần tiên trên các bích chương
Thứ hoa màu trên giây báo
Đương nhiên 
Nhà hết gạo
Và mười người hết máu"
BCV
Bài thơ cho ta thấy rõ một chế độ mà vua quan chỉ biết vơ vét sao cho đầy túi,coi mạng sống người dân như cỏ rác! Nhu yếu phẩm thì được phù phép bằng chất độc,làm tôi nhớ hai câu này của anh:
"Chào một ngày vong bản vì hèn
Sống chết mặc bây túi thầy vô cảm "
-bây giờ người ta giết người như cắt cổ con gà ,lạnh lùng và tàn bạo ( thời buổi tình người đang khát sữa) hình như tội ác mãi lên ngôi !
Tôi trích dẫn thêm ở bài Đói của tác giả 
"Mỗi ngày tôi lại ra đi
Mặt ngửa tay xin nhiều kiểu cầu kỳ 
Sân khấu hoá trang đứng ngồi lổm chổm
Tôi thấy văn học đục tường ăn trộm 
Hội hoạ ,thi ca ghé tiệm cầm đồ 
Tôi thấy xe hơi ,cầm lái là bò
Biệt thự mở ra khép vào đầy chó
Heo mặc áo vét cười rung cửa sổ 
Mệnh phụ tuột quần đứng ngóng ngã tư 
Tôi thấy mắt tôi đui,màng nhĩ tôi ù
Thấy tôi trở về nhà mang theo cơn đói
Ả điếm trở về nhà mang theo hơi thối
Ả điếm được no nhờ bước hai hàng
Tôi được làm người nhờ đói quanh năm "
BCV
Hiện nay đâu chỉ có những cô gái vì nghèo khó mà làm gái ăn sương, từ thôn nữ cho đến dân ăn chơi sành điệu,và cả thành phần vì muốn có danh tiếng cũng sẵn sàng đánh đổi để đạt cái họ muốn! Nhưng so với việc những kẻ hại dân hại nước thì chẳng là gì. Đáng tởm hơn là những kẻ "bán dâm tâm hồn" khi ai đó bị bắt vì hành vi bán dâm thì báo chí cứ vô tư khai thác tên tuổi gia cảnh của người bán với lời lẽ khó chấp nhận.chứ có bao giờ công khai tên một số kẻ mua dâm đâu!phải chăng họ có tiền có quyền nên họ được " độc quyền" mà độc quyền thì có nhiều quyền độc lắm.
Tôi chỉ là người yêu thơ và nói ra cảm nhận riêng mình,tôi không phải là nhà thơ ,càng không phải là nhà phê bình. Tôi thích những bài thơ gai góc ngang tàng và khinh bạc của tác giả. 
Thơ đời của BCV không thích hợp với những kẻ hợm mình! Một thái độ rất rõ ràng nhưng gần gũi , như bài xích lô hành của anh,dân đạp xích lô ngày trước sẽ khoái chí khi đọc bài thơ này và cũng không khỏi ngậm ngùi cay cay khoé mắt.
"Tưởng mình ta đạp xích lô 
Nào hay phố xá ngựa thồ như nêm
Buộc cho ta miếng băng đen
Để cho cặp mắt làm quen mù loà
Xỏ giàm vào mõm nữa cha
Để cho số tuổi ta già theo răng
Giật cương đi hỡi mấy thằng
Ê ,sao nước mắt chợt lăn xuống cằm"

Rồi thì:
"Ba đồng một cuốc mại dô
Có con ngựa đực vừa ho vừa gào
Ta thồ ngang động hoa đào
Thấy dăm kỹ nữ trắng phau trổ nghề
Thồ ngang đống rác thúi ghê
Thấy bầy tiểu tử chửi thề giành moi
Thồ ngang khách sạn em ơi
Chó ngồi ăn nhậu còn người ăn xin "
BCV
Bài thơ đâu chỉ nói riêng cho quãng đời sóng gió của tác giả,nó bình dân như vậy đó mà đọc lại nghe cay xè những mảnh đời cơ cực ! Tôi dừng lại ở đây và chép nguyên bài thơ tôi thích lên !

60 Giây Ở Việt Nam 

Trong một phút kiêu ngạo 
Ta viết lại đời mình
60 giây nói láo 
Máu loang đầy chúng sinh

Trong một phút thanh bình 
Ta ôm em mà khóc
60 giây chiến tranh 
Tù binh đầu cạo trọc

Trong một phút cô độc 
Ta uống rượu khinh đời
60 giây lũ ngốc
Bán quê nhà như chơi
BCV

12/8/2015 
Ảnh; google
Phong Cầm

VẬN MỆNH

Diêm Vương đối thoại cùng kẻ nghèo ?!
câu chuyện để suy ngẫm ?!
 ‐-------‐----------

Tận mắt thấy người chạy nạn ngày một nhiều, Vương Lão Lục cũng vác trên lưng tất cả tài sản của mình là một túi khoai lang, gia nhập vào dòng người chạy nạn.

Đi đến nửa đường, lão Lục gặp hai cha con đang đói lả, trên lưng người cha cũng cõng một cái túi rất nặng.

Người này thấy lão Lục cõng nhiều khoai lang trên lưng như vậy, liền hỏi xin lão một củ cho con ăn nhưng lão Lục không chịu.

Người này bèn nói: “Vậy ông bán cho tôi được không?”, vừa nói vừa đẩy toàn bộ túi bạc trên lưng mình xuống đất.

Lão Lục nhìn không chớp mắt vì cả đời lão ta nằm mơ cũng chưa bao giờ thấy nhiều bạc như vậy.

Lão liền vứt túi khoai lang xuống, cõng ngay túi bạc lên lưng vội vã lên đường vì sợ hai cha con người này đổi ý.

Vài ngày sau, rốt cục lão không đi được nữa vì quá đói, trên đường đi lão không tìm được bất kể thứ gì để mua ăn.

Hai cha con người đã mua khoai lang, rất nhanh đã vượt qua lão.

Lão nhìn túi khoai trên lưng của người kia thì bắt đầu hối hận, bèn bước lên phía trước hỏi mua lại số khoai lang trên, thế nhưng vô luận như thế nào người đó cũng không chịu bán.

Lão Lục thất vọng ngồi rạp xuống đất, ôm túi bạc trong người, đói khát mà chết.

Lão Lục đi gặp Diêm Vương.

Diêm Vương nói: “Ta vốn định cho ngươi một cơ hội phát tài, không muốn lấy mạng của ngươi. Thế nhưng, người thật sự là vì tiền mà chết, chim vì thức ăn mà vong mạng!”

Lão Lục nói: “Kiếp trước tôi nghèo kiết xác, kiếp này tôi không muốn lại làm người nghèo nữa”.

Diêm Vương nói: “Kỳ thực, kiếp trước của ngươi cũng không phải nghèo, bởi chỉ cần ngươi bán một nửa khoai lang và lấy nửa túi bạc kia. Ai bảo ngươi bán toàn bộ số khoai đó? Vậy thôi, nói chuyện kiếp này vậy, ta hỏi người, kiếp này ngươi có hai lựa chọn, một là vạn người nuôi sống một mình ngươi, hai là một mình ngươi nuôi sống vạn người, ngươi muốn cái nào?”

Lão Lục nghe xong, không lưỡng lự đáp: “Nhất định là người được vạn người nuôi sống!”. Sau đó, lão vui vẻ nghìn lần cảm tạ thiên ân mà rời đi.

30 năm sau, lão Lục lại trở lại trước mặt Diêm Vương, ca thán rằng Diêm Vương lừa gạt lão.

Diêm Vương cười nói: “Sao lại nói ta lừa gạt ngươi?”

Lão Lục nói: “Nghe lời của ngài, tôi cả đời là tên ăn mày”.

Diêm Vương nói: “Vậy là đúng rồi! Vạn người nuôi sống một người chẳng là ăn mày thì còn là gì! Ngươi không thể trách ta, chỉ có thể trách ngươi quá tham lam”.

Lão Lục nghe xong, liền cầu xin Diêm Vương: “Diêm Vương lão gia, đời kế tiếp của tôi, cầu xin ngài nhất định cho tôi những ngày tháng tốt lành!”

Diêm Vương nói: “Vậy nhé! Hiện nay ngươi có hai con đường: Một là trông coi một núi vàng, hai là trông coi một mảnh đất, ngươi muốn cái nào?”

Lão Lục lúc này cẩn thận chọn lựa, nghĩ ngợi, cảm thấy trông coi núi vàng vẫn là tốt hơn.

Diêm Vương nhìn bóng dáng lão Lục đã đi xa, bèn nói: “Con người này đúng là mệnh nghèo mà!”

Chúng tiểu quỷ hỏi tại sao? Diêm Vương liền nói: “Trông coi mảnh đất, trên thực tế là làm một vị quan lớn; mà trông coi núi vàng kia, lại chỉ là làm một con chuột, ngồi mà coi kho thóc thôi!”

***

Cuộc đời bạn do chính chính bạn mà ra. Trên cùng một con đường, có người đi chậm, có người chạy băng băng, có người thì đi xe,… Phương thức khác nhau, kết quả sẽ khác nhau. Vận mệnh giống nhau, có người cười mà chống chọi, có người lại khóc cầu xin, có người im lặng chấp nhận,… đều là thái độ khác nhau, kết quả sẽ khác nhau. Không ai có thể quy định cách sống của bạn, hết thảy đều là do bạn lựa chọn cho chính mình. Con người với tính cách khác nhau, lựa chọn sẽ khác nhau, lựa chọn khác nhau thì vận mệnh cũng sẽ theo đó mà khác nhau.

Fb Thanh Ly Hoàng chia sẻ

ĐỊCH CHẾT VÀI TÊN, TA CHẾT LA LIỆT PHE TA TOÀN THẮNG

Chúc mừng Ai Cập ! Ai Cập đã thành công trong việc làm trung gian giúp Israel và Hamas ngưng bắn vô điều kiện. Chỉ chờ có thế Hamas tuyên bố thắng lợi, khiến người ta nhớ đến câu dân gian mai mỉa : “ Địch chết ba ta chết bảy phe ta toàn thắng”. Tuy nhiên, trong trường hợp này Hamas còn không được như vậy. Bởi hầu hết rocket Hamas nả vào Israel đều bị vòm sắt Israel đánh chắn, số người Israel thiệt mạng đếm trên đầu ngón tay, ngược lại phía Hamas thiệt mạng hàng trăm người. Đó là chưa thống kê được số quân và chỉ huy Hamas bị vùi lấp dưới 15km địa đạo, ước tính có đến hàng ngàn người.

Bởi mục tiêu của Hamas, Iran, Qatar, Trung Cộng là, cho Hamas tấn công Israel để khẳng định số má hầu được người Palestine tín nhiệm công nhận Hamas là đại diện chính thức của nhà nước Palestine thay cho PLO, được chính danh để cộng đồng quốc tế rút tên Hamas khỏi danh sách khủng bố.

Song rất tiếc cuộc tấn công vừa rồi càng làm xấu hơn hình ảnh của Hamas với nhân dân Palestine và cộng đồng quốc tế. Đã vậy, không chỉ bị thiệt người, mất mát uy tín, mà còn mất cơ sở hạ tầng bao năm xây dựng cho cuộc chiến, đặc biệt là 15 km địa đạo quan trọng nhất, là nơi tiếp nhận, vận chuyển và cất giấu vũ khí, khí tài, là xưởng sản xuất vũ khí, kho chứa hàng viện trợ, bộ chỉ huy...và cũng là nơi ẩn nấp của hàng ngàn chiến binh thánh chiến. Bị Israel hủy diệt hầm ngầm này, xem như Hamas phơi bụng kiệt sức phải làm lại từ đầu. Cái duy nhất Hamas nhận được trong trận chiến này là được khen ngợi và viện trợ hậu hỉ của Iran, Qatar, Nga, Trung Cộng, và có thể cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Riêng Israel, đang tìm lý cớ tiêu diệt đường hầm của Hamas để bảo vệ an ninh từ xa cho Israel, thì bỗng dưng Hamas bắn rocket ồ ạt vào Israel thì còn gì ngon ăn hơn. Israel chụp cơ hội tự vệ hợp pháp để tiêu diệt tiềm lực chiến tranh của Hamas, trong đó hầm ngầm là mục tiêu quan trọng nhất. Khi tất cả mục tiêu cần tiêu diệt đã tiêu diệt xong, lúc này Hamas chỉ như con vịt què, thì việc gì Israel không đáp ứng đề xuất ngưng bắn vô điều kiện của Ai Cập.

Đúng là địch chết vài tên, ta chết lủ khủ phe ta toàn thắng.

Fb Nguyen Khan
21/5/21

TRẦN HOÀI THƯ VÀ NGỌC YẾN

TRẦN HOÀI THƯ VÀ NGỌC YẾN VỚI CON CHIM CHẰNG NGHỊCH VÀ NỖI NHỚ QUÊ (TÁC GIẢ NGÔ THẾ VINH -FROM VOA TIẾNG VIỆT ).BÀI VIẾT CÔNG PHU VỀ CUỘC ĐỜI  MỘT NHÀ VĂN ,NHÀ GIÁO ,NHÀ LÍNH 

Lời Dẫn Nhập: 

Trần Hoài Thư (THT) là một tên tuổi có trong danh sách các tác giả của Tuyển Tập Chân Dung VHNT & VH II, nhưng cũng để thấy rằng đây là một chân dung văn học rất khó viết, do đã có quá nhiều người viết về đủ mọi khía cạnh của THT. Hơn thế nữa cuộc đời và sự nghiệp của THT quá phong phú nên với một bài viết dù chỉ là phác thảo cũng vẫn là một thiếu sót. Gần đây, qua bao nhiêu biến cố dồn dập trong cuộc đời Trần Hoài Thư, đã đến lúc không thể không có một bài viết về người bạn văn, như một tấm thiệp mừng 50 năm ngày cưới – 50th Gold anniversary của đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Yến – Trần Hoài Thư, một “đám cưới nhà binh” của thế kỷ, với rất nhiều hạnh phúc cùng với nhiều khổ đau khi cả hai sắp bước vào tuổi 80. Cũng nhân đây, có một gợi ý với các bạn trẻ trong và ngoài nước đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn học, thì chân dung văn hoá của Trần Hoài Thư cùng với nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 là một đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn, rất xứng đáng để các bạn khám phá và dấn thân vào. Các bạn cũng không còn nhiều thời gian – nói theo cách ví von của nhà văn trẻ Trần Vũ, chiếc kim đồng hồ trên tay anh Trần Hoài Thư đã chỉ 12 giờ kém 5 phút sắp qua nửa đêm và chỉ sau năm phút phù du đó, khi Trần Hoài Thư trở thành “người của trăm năm cũ”, tất cả sẽ bị lớp bụi thời gian mau chóng phủ mờ.

TIỂU SỬ TRẦN HOÀI THƯ

Trần Hoài Thư tên thật Trần Quí Sách, sinh ngày 16/12/1942 tại Đà Lạt. Tuổi thơ bị thất lạc cha, theo mẹ sống khổ cực ở thành phố Nha Trang, có một thời gian sống trong cô nhi viện Bethlehem Hòn Chồng. Sau khi được đoàn tụ với thân phụ – là một ông đồ còn mặc áo lương đen, THT mới được theo học trường Quốc Học Huế, rồi vào đại học Khoa học Sài Gòn. Từ năm 1964-1966 là giáo sư Toán đệ nhị cấp trường trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ tỉnh Quảng Tín (nay đã sát nhập vào tỉnh Quảng Nam).

Năm 1967, nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Phục vụ tại đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 Bộ binh. THT bị thương 3 lần. Lần đầu tiên do một viên đạn AK VC bắn vào ngực trái khi đơn vị anh tới tăng viện cho mặt trận Quy Nhơn trong Tết Mậu Thân 1968, THT phải nằm Quân Y viện Quy Nhơn một thời gian. Hai lần sau đều là những vết thương miểng do lựu đạn trong hai cuộc giao tranh khốc liệt trên chiến trường Bình Định: một trên ngọn đồi Kỳ Sơn với 4 sĩ quan tử trận 2 sĩ quan còn lại bị thương trong đó có THT, một trên trận địa xứ dừa Bồng Sơn. THT rời đơn vị Thám kích sau 4 năm với 3 chiến thương bội tinh, rồi về làm phóng viên chiến trường ở vùng IV nơi anh mới có một người vợ đồng bằng – Ngọc Yến là một cô gái Cần Thơ mê văn anh, cho tới ngày 30/4/1975.

MỘT MỐI TÌNH VĂN CHƯƠNG

Trần Hoài Thư khởi sự viết văn từ năm 1964, có lẽ sớm hơn. Truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ được đăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn. Ngoài Bách Khoa, những năm sau đó THT còn cộng tác với Văn, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức...

Không biết cô gái Cần Thơ Nguyễn Ngọc Yến bắt đầu đọc và hâm mộ Trần Hoài Thư từ bao giờ. Trên Tạp chí Sóng Văn (1997), Ngọc Yến cho biết: “cũng vì yêu mến văn chương, nên duyên văn nghệ đã đưa chúng tôi gặp nhau, và nhà văn Nguyễn Lệ Uyên là ông mai”. Từ trước đến nay, tôi vẫn đinh ninh anh Lê Ngộ Châu chủ nhiệm Bách Khoa là ông mai. Qua Đỗ Nghê, tôi đã liên lạc được với Nguyễn Lệ Uyên, và anh đã mau mắn trả lời tôi ngay trong đêm qua một email [viết ngày 05.05.2021]:

“Chuyện là thế này: hồi học Sư Phạm Đại học Cần Thơ (1968), lúc làm hồ sơ nhập học bị trễ mấy ngày, bị làm khó. May sao gặp chị Yến làm ở phòng Hành Chánh của Viện nói giúp với ông Khoa trưởng. Sau đó thì thân nhau, bởi chị cũng biết tôi có võ vẽ mấy truyện ngắn trên Văn, Khởi Hành... mà chị thì mê văn chương, đọc nhiều, các tạp chí văn học chị hầu như ít bỏ sót, nên chúng tôi coi như chị em, chị lớn hơn tôi 7,8 tuổi. Những dịp nhận nhuận bút, tôi thường chở chị đi ăn món gì đó. Rồi trên số Văn chủ đề Những cây bút trẻ, lại có truyện của tôi và anh Trần Hoài Thư. Khi nhận nhuận bút, tôi mời chị đi ăn bún bò Huế ở quán ông Ba Mập ngoài Bình Thủy, trên đường đi Long Xuyên. Ăn, chị hít hà, chảy nước mắt và khen ngon. Trong lúc ăn, chị hỏi tôi có biết, quen anh THT không, có nhận xét gì về truyện anh Thư. Tất nhiên là quen nhiều, vì ảnh, từ Quy Nhơn hay vào chơi với anh em văn nghệ Tuy Hòa năm ba hôm, thường thì ăn uống rồi ở lại nhà tôi.

Thâm tâm, tôi chỉ nghĩ chị hỏi để hiểu rõ thêm về một tác giả, nhưng không ngờ, chị mê truyện anh Thư, mê các nhân vật khốn khổ của ảnh, như hiện thân của một THT được bê nguyên xi vào truyện rồi yêu cả truyện và người viết! Tới cuối năm 69 đầu 70, nhóm sinh viên chúng tôi thực hiện chương trình ca nhạc, đọc, ngâm thơ hàng tuần ở giảng đường lớn, chị mới biểu lộ tình cảm thật của chị đối với anh Thư. Chị hỏi tôi gia cảnh, sinh hoạt cá nhân, tính tình... Vậy là đã rõ. Tôi ra sức vẽ vời anh THT còn hay hơn truyện tôi viết. Tôi sơn phết anh Thư cho tròn trịa hơn một chút, bặm trợn, lãng mạn như cụ Hemingway một mình giữa biển khơi. Tối đó, tôi viết cho anh Thư đến 4, 5 tờ pelures về chị Yến. Kể thật về điều tai nghe mắt thấy, về nhan sắc, tính tình của chị trong gia đình gia giáo (ông cụ thân sinh chị là GS Tổng Giám thị trường Trung học Phan Thanh Giản). Với anh THT, tôi viết thư nói đây là một mẫu người lý tưởng để làm vợ, anh đừng để mất cơ hội. Chị Yến thì gần, gặp nhau hai chị em nói chuyện thơ văn, tán dương ông anh Qúi Sách, khuyến khích chị viết thư làm quen với các nhân vật của ảnh. Sau vài ba lần như vậy, tôi nói thẳng với chị: Anh Thư là một người tuy không hoàn hảo, nhưng sẽ là người chồng tốt…” [hết trích dẫn]

Từ đó địa chỉ Tòa soạn Bách Khoa, trở thành hộp thư để cô gái miền Tây làm quen và liên lạc với người lính lang bạt Trần Hoài Thư. Sau đó Bách Khoa cũng là điểm hẹn cho lần gặp gỡ đầu tiên của hai người. Rồi trong một chuyến về phép ngắn ngủi, Thư có hẹn lần đầu gặp Yến ở Bách Khoa. THT vui bạn bè nên trễ buổi hẹn với Yến. Khi Đỗ Nghê chở Thư tới 160 Phan Đình Phùng thì Yến đã giận bỏ đi. Và cũng chính anh Lê Ngộ Châu đã tất bật đuổi chạy kịp theo Yến đưa trở lại toà soạn gặp THT. Những kỷ niệm trân quý với anh Lê Ngộ Châu là điều mà mãi sau này THT không bao giờ quên. Rồi không lâu sau đó hai người nên duyên vợ chồng. Thư đã làm lễ thành hôn với Yến ngày 18/6/1971.

Nguyễn Lệ Uyên viết tiếp: “Cuối cùng, như duyên tiền định với tô bún bò Huế cay xè tôi đãi chị, hai người hẹn hò nhau ở tòa soạn Bách Khoa, đến tháng 6,1971 hai người làm đám cưới; khi ấy tôi đang ở quân trường Thủ Đức, nhận được thư chị viết mấy dòng ngắn: Chị và anh Thư cưới nhau, ngày... tháng... năm... Em gắng lấy giấy phép về dự, không anh chị buồn".

Đúng là một “đám cưới nhà binh” tại Sài Gòn không thể nào đơn giản hơn, chỉ với mươi người bạn nơi một căn nhà trong xóm Bàn Cờ, không có rước dâu cũng không có cả nhẫn cưới.

Một tuần lễ sau, ngày 23/6/1971 Cơ sở Xuất bản Ý Thức tổ chức một buổi ra mắt sách cho Trần Hoài Thư với tác phẩm đầu tay “Những Vì Sao Vĩnh Biệt” có Trần Phong Giao thư ký toà soạn Văn tới tham dự.

TIỂU ĐĂNG KHOA ĐẠI ĐĂNG KHOA

Trong tờ Văn 181 tháng 07/1971, nhà văn Trần Phong Giao viết: “Người xưa coi đại đăng khoa là thi đỗ, tiểu đăng khoa là cưới vợ. Đối với người cầm bút trẻ thời nay, phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung” thì đại đăng khoa không còn là thi đỗ, mà (có lẽ vậy) là có tác phẩm được in. Cây bút trẻ Trần Hoài Thư viết rất nhiều hiện nay, qua cả tiểu lẫn đại đăng khoa, cùng lúc. Ngày 18 tháng 6, anh đã làm lễ thành hôn với cô Nguyễn Ngọc Yến tại Sài Gòn trong vòng thân mật. Ngày 23 tháng 6, vào hồi 19 giờ 30, Cơ sở Xuất bản Ý Thức vừa tổ chức một buổi tiếp tân trình diện tập truyện đầu tay của Trần Hoài Thư “Những Vì Sao Vĩnh Biệt”. Tiểu đại đăng khoa xong, Trần Hoài Thư vội vã lên đường trở về đơn vị ở Quân khu II. Lính chiến chỉ có một tuần nghỉ phép. Chạy ngược chạy xuôi, không có tuần trăng mật, cũng như không kịp đem sách mới đi tặng anh em bà con. Vui vậy đó! Nhân dịp vui mừng này, chúng tôi xin có lời cầu chúc đôi bạn Thư -Yến một hạnh phúc bình dị, lâu dài và bền chặt, Cũng xin cầu chúc tác giả “Những Vì Sao Vĩnh Biệt” sẽ sớm có thêm nhiều tác phẩm mới khác, những tác phẩm não tuỷ và tinh tuỷ."

Một năm sau, đứa con trai đầu lòng Trần Qúi Thoại cũng là đứa con duy nhất chào đời. Đôi uyên ương Thư-Yến cho dù qua bao thăng trầm, họ đã có một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc bình dị, lâu dài và bền chặt cho tới bây giờ, đúng một nửa thế kỷ (1971 – 2021).

Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu và báo Bách Khoa, người chọn đăng truyện ngắn đầu tiên Nước Mắt Tuổi Thơ của Trần Hoài Thư trên Bách Khoa 1964.
Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu và báo Bách Khoa, người chọn đăng truyện ngắn đầu tiên Nước Mắt Tuổi Thơ của Trần Hoài Thư trên Bách Khoa 1964.
***

Phải, nhà văn Trần Phong Giao Thư ký Toà soạn báo Văn [ photo by Lê Phương Chi, Tin Sách Hội Bút Việt ]; giữa, bản tin trên báo Văn số 181, tháng 7/1971 loan tin THT cưới vợ: tiểu đăng khoa, và THT ra mắt tác phẩm đầu tay: đại đăng khoa; trái, bìa cuốn Những Vì Sao Vĩnh Biệt do Nhóm Ý Thức xuất bản 1971. [tư liệu Thư Quán Bản Thảo]
Phải, nhà văn Trần Phong Giao Thư ký Toà soạn báo Văn [ photo by Lê Phương Chi, Tin Sách Hội Bút Việt ]; giữa, bản tin trên báo Văn số 181, tháng 7/1971 loan tin THT cưới vợ: tiểu đăng khoa, và THT ra mắt tác phẩm đầu tay: đại đăng khoa; trái, bìa cuốn Những Vì Sao Vĩnh Biệt do Nhóm Ý Thức xuất bản 1971. [tư liệu Thư Quán Bản Thảo]
Sự thực tác phẩm đầu tay của Trần Hoài Thư là cuốn Nỗi Bơ Vơ của Bầy Ngựa Hoang cũng do cơ sở Ý Thức xuất bản năm 1969, tại Phan Rang một tỉnh lỵ nhỏ của miền Nam, dưới hình thức “phổ biến hạn chế” theo cái nghĩa không qua kiểm duyệt. Mẫu bìa 2 màu do Lê Ký Thương vẽ, bản kẽm bìa làm từ Cliché Dầu Sài Gòn, được in typo bằng máy đạp / pedal thô sơ, và in 2 lần, mỗi lần cho một màu chồng lên nhau. Ruột sách thì in ronéo và khi thực hiện trên giấy stencil, được chị Kim Phương bạn của Nguyên Minh canh lề bằng chân sao cho giống bát chữ typo. Đợt đầu 100 ấn bản được ra mắt và phát hành từ nhà sách Huy Hoàng Nha Trang, cũng là quê hương tuổi thơ nghèo khó của Trần Hoài Thư. Và kết quả Nỗi Bơ Vơ của Bầy Ngựa Hoang đã được độc giả miền Nam đón nhận trong sự ngạc nhiên và thích thú.

Như vậy, Những Vì Sao Vĩnh Biệt phải được kể là tác phẩm thứ hai của Trần Hoài Thư nhưng là tác phẩm thứ nhất hoàn toàn được in theo kỹ thuật typo.

Les Trois Mousquetaires – Ba Chàng Ngự Lâm ít nhiều có “hệ luỵ” với cuộc đời Trần Hoài Thư, từ trái: Lê Ký Thương, người vẽ bìa cho tác phẩm đầu tay Nỗi Bơ Vơ của Bầy Ngựa Hoang của THT do Ý Thức xuất bản (1969), Nguyễn Lệ Uyên, “ông mai” xe duyên cho đôi uyên ương Ngọc Yến-THT (1969), Đỗ Nghê người chở THT tới buổi hẹn đầu tiên của Ngọc Yến-Trần Hoài Thư tại toà soạn Bách Khoa (1970). [tư liệu Đỗ Nghê, hình do Cao Kim Quy vợ Lê Ký Thương chụp tại nhà LKT 09.05.2021]
Les Trois Mousquetaires – Ba Chàng Ngự Lâm ít nhiều có “hệ luỵ” với cuộc đời Trần Hoài Thư, từ trái: Lê Ký Thương, người vẽ bìa cho tác phẩm đầu tay Nỗi Bơ Vơ của Bầy Ngựa Hoang của THT do Ý Thức xuất bản (1969), Nguyễn Lệ Uyên, “ông mai” xe duyên cho đôi uyên ương Ngọc Yến-THT (1969), Đỗ Nghê người chở THT tới buổi hẹn đầu tiên của Ngọc Yến-Trần Hoài Thư tại toà soạn Bách Khoa (1970). [tư liệu Đỗ Nghê, hình do Cao Kim Quy vợ Lê Ký Thương chụp tại nhà LKT 09.05.2021]
PHÓNG VIÊN CHIẾN TRƯỜNG VÙNG IV

Trần Hoài Thư sống sót sau 4 năm trong một trung đội Thám kích, với 3 lần bị thương, được coi như một phép lạ. Sau khi lập gia đình, Trần Hoài Thư đã nghĩ tới dừng chân lại. Phải được sống và tiếp tục được viết như một nhân chứng. Rồi bằng một cách thế không giống ai, không tuân theo hệ thống quân giai, một lỗi rất nặng về quân kỷ, Trần Hoài Thư tự viết một thư riêng cho vị tướng cao cấp nhất trong Tổng cục Chiến tranh Chính trị, với nguyện vọng vẫn được ở trong quân ngũ nhưng chuyển ngành sang làm một phóng viên chiến trường. Trong phong thư riêng ấy, có những trang báo, những bài viết, những tác phẩm đã xuất bản và dĩ nhiên cả những tin tức liên quan tới ba lần bị thương cùng với các huy chương.

Không phải chờ đợi lâu, một sự việc lạ lùng nhất đã xảy ra. Trần Hoài Thư đã viết báo tin ngay cho Yến: “Không thể tưởng tượng cho một kẻ xuất thân từ đơn vị hai quản trị mà tờ sự vụ lệnh vẫn còn ghi: sĩ quan đương sự phải phục vụ ở đơn vị tác chiến, xa trục lộ giao thông. Nhưng cái công điện đánh lên từ Tổng cục Chiến tranh Chính trị, cho biết Tổng cục chấp thuận ý nguyện của anh và hỏi anh muốn về nơi nào: vùng I, II, III, IV hay thủ đô. Dĩ nhiên anh chọn vùng IV nơi có Yến, người nữ độc giả của anh, và nay trở thành người vợ mới cưới của anh. Có lẽ anh may mắn hơn cả những người may mắn, bởi vì khó có ai được quyền lựa chọn một đơn vị mình ưa thích trên toàn cõi miền Nam như anh.”

Như một tự sự, THT viết: “Xin cảm tạ văn chương. Nhờ văn chương mà tiếng chuông ngân vang, như những niềm vui lẫn tự hào kỳ diệu. Nhờ văn chương mà ta quên đi thân phận nhục nhằn, nhờ văn chương mà ta thấy ta cao lớn hơn bao giờ.”

Hành Phương Nam là những dòng chữ mới mẻ của một Trần Hoài Thư khác, của một người lính đang từ Cao nguyên nay xuống dưới Đồng bằng:

“Phương Nam. Tôi bắt đầu làm quen với những chiếc xe lôi hay những chiếc xuồng tắc ráng. Hay những cánh đồng mênh mông bạt ngàn. Hay những rừng tràm rừng đước. Tôi bắt đầu làm quen với những bãi đầm sình lún ngập đến cổ người. Những hàng ô môi, những chòm bông điên điển, những lời kinh giảng vang vọng trong đêm trăng, những tấm lòng hiền như đất, trọng tình trọng nghĩa mà tôi đã gặp. Tôi cám ơn, rằng cuối cùng Ơn Trên đã cho tôi một cõi nương tựa sau những tháng ngày lênh đênh trôi nổi… Cánh cửa đã mở ra như Phương Nam đã mở ra, đón tôi. Có mùi thơm khó có thể quên của bông lúa, hương cau, của mùi đất phù sa lan toả. Cánh cửa ấy đã được kết bằng những chùm mận trĩu nặng trên cành, rực đỏ giữa màu xanh của lá. Nơi nào, từ vườn sau nhà, hay bên dòng kênh, hay trước nhà, hay cạnh bờ ao, hai bên đường quốc lộ, những vườn mận sum suê trái quả. Có trái màu đỏ, có trái màu xanh, trái ửng hồng. Mời mọc ngọt lịm như đôi môi hồng muốn cắn, no đầy tròn trịa như bầu ngực con gái thanh tân, bầu bĩnh au au như đôi má ửng hồng của người gái quê quấn chiếc khăn sọc vằn chèo thuyền xuồng đưa người qua sông trong một ngày mùa hạ để bắt người khách không muốn về:

Qua sông mùa mận chín
Tháng nắng ngại đường xa
Em ra vườn sau nhà
Hái mời anh chùm mận
Bông mận rơi lấm tấm
Da mận hồng như môi
Ôi con mắt có đuôi
Má hồng đào ửng đỏ
Si em người em nhỏ
Ta ở mãi quên về
Trái mận nào dậy thì
Ta giữ hoài không cắn…

‘NGƯỜI VƯỢN’ TRẦN HOÀI THƯ

Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, tới ngày 30/4/1975 lại một đổi đời. Trần Hoài Thư bị bắt đi tù cải tạo khi thằng con trai mới 2 tuổi. Cây mận trước sân nhà bông đã nở trắng, trắng như tóc của bà ngoại nó.

Hơn 4 năm tù khổ sai, mấy tháng đầu bị giam tại Trung tâm Huấn luyện Chi Lăng cũ, thuộc huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang; sau đó THT bị chuyển qua trại tù Kiên Lương, trong một khu đầm lầy còn hoang vắng phía tây bắc tỉnh Kiên Giang gần biên giới với Cam Bốt.

Kiên Lương cũng như mọi trại tù cải tạo cộng sản khác, không bỏ tù nhân chết đói nhưng luôn luôn phải thiếu ăn. Thiếu ăn ngay giữa một vựa lúa ĐBSCL có thể nuôi sống cả nước.

Nhân danh nhân đạo, ban quản giáo trại cho phép đám tù nhân được lập thêm toán cải thiện: trồng rau trái và hái lượm để có thêm chất xanh. Vì Kiên Lương là vùng trũng [thuộc khu tứ giác Long Xuyên, vùng trũng thứ hai là Đồng Tháp Mười], giữa mênh mông rừng tràm với rất nhiều tôm cá, cua ốc. Với cơ duyên đó THT tình nguyện xung phong ngay vào nhóm đi câu, gọi là nhóm chứ đó là thứ lao động mà đám tù nhân muốn xa lánh: do sợ đỉa vắt và cả vô số trăn rắn trong khu rừng tràm; họ còn sợ nước phèn ăn da thịt và cả sợ sa chân vào vùng đất lún trong khu đầm lầy. Do nghĩ rằng chẳng có lối nào mà trốn thoát, nên lính canh trại cũng không cần phải đi theo canh gác. Với THT đó lại chính là cơ hội để có những khoảnh khắc sống tự do cho một tên tù thám kích đã quá quen với mưu sinh và thoát hiểm. Chàng Robinson Crusoe bất đắc dĩ thời hiện đại THT viết: “Tôi thì muốn tránh những con mắt. Tôi muốn trong rừng tôi có quyền la hét, hát hò, ỉa đái, cười ha hả. Tôi muốn ôm lấy đời tôi cùng thiên nhiên, mây trắng. Tôi muốn ngồi trên cây tràm như một con vượn người.”

Do nguồn cá thì ê hề: cá lóc, cá trê, cá rô… câu được với lưỡi câu tự chế với mồi trùn, những con trùn béo nhẫy rất dễ kiếm. Người tù khổ sai THT mỗi ngày dễ dàng “đạt chỉ tiêu” với số ký cá bỏ vào bao cát mang về nộp cho tổ anh nuôi. Dĩ nhiên phần cá ngon thì anh nuôi phải lựa ra nộp đem cho cán bộ quản giáo, phần còn lại mới là nguồn chất đạm / protein cải thiện cho anh em.

Hình ảnh mà THT không bao giờ quên là khuôn mặt đen đủi của Yến bám đầy bụi than mỗi lần đi thăm nuôi, do phải đi những chuyến xe đò cải tiến chạy bằng than củi.

Rồi cũng ra tù, THT trở về Cần Thơ quê vợ, với tấm thân xác nặng chưa tới 35 ký lô, để tiếp tục sống những ngày bị quản chế.

Ban ngày THT gò lưng trên chiếc xe đạp cũ nát với một thùng mốp cà-rem, đi vào các làng mạc, sáng chiều lắc chuông bán dạo, làm bầu bạn với đám con nít để kiếm sống. Cũng chính cái nghề rung chuông mua vui cho con nít ấy đã khiến một ông chủ ghe cảm kích, hơn nữa ông cũng đang cần một người dò đường mà đó cũng là nghề của chàng sĩ quan Thám kích THT. Ông cho Thư một vé xuống ghe “miễn phí” vì biết Thư quá nghèo. Chỉ có một chỗ, nhưng Thư thì còn vợ và một đứa con. Mãi sau này Thư mới được biết, chính Ngọc Yến vợ anh đã lén lút tìm đến ông chủ ghe năn nỉ. Ông chủ ghe nói: ‘Chị suy nghĩ lại, chúng tôi không muốn làm anh chị phải chia lìa’. Nhưng Yến vẫn cương quyết: ‘Tôi sẵn sàng để cho chồng tôi ra đi. Xin ông cứu giùm ảnh.’

Trần Hoài Thư viết: “Ở lại hay ra đi? Tôi đã sống trong sự giằng xé ghê gớm ấy. Ở lại thì ôm nhau mà chết, mà ra đi thì tôi sợ là một lần vĩnh viễn. Tôi đã thấy con thuyền ấy. Khoảng 20 thước bề dài, thuyền ván mong manh, chỉ dành đi trên sông sao lại đem nó ra thử với biển sóng hãi hùng?” Chính Yến giục giã chồng không thể bỏ qua cơ hội mà phải ra đi. THT viết tiếp: “Tôi chấp nhận. Tôi hèn nhát để chấp nhận. Ích kỷ để chấp nhận.

Rồi trước khi đi tôi phải đóng kịch, phải làm sao hàng xóm láng giềng biết việc tôi đào thoát không có sự đồng loã của gia đình. Nếu không Yến sẽ bị đuổi việc, vì sát bên vách là nhà của một mụ đảng viên. Không ai khác hơn chính bà mẹ Yến, một bà mẹ quá hiền quá tội, mẹ chưa một lần nói dối, lại là tác giả của vở tuồng cười ra nước mắt này. Bà khuyên hai con: “Con à, mình phải đóng tuồng. Hai vợ chồng con giả bộ gây lộn để hàng xóm biết, từ nay hai vợ chồng con mạnh ai nấy đi. Con hẳn biết, bên nhà hàng xóm là đảng viên.”

Tôi phải chứng tỏ rằng tôi bỏ bê, phụ bạc vợ con. Vở kịch chỉ có hai diễn viên. Người chồng và người vợ. Không gian là cái bếp. Thời gian là buổi chiều. Chỉ có chai đập nồi liệng, tiếng hét tiếng la, tiếng khóc, lớn chừng nào tốt chừng ấy. Với tiếng của Thư: Tao chán cái nhà này quá rồi. Tao sợ cái nơi này quá rồi. Tao đập hết, tao phá hết. Rồi với tiếng Yến: Tới nay thì liên hệ giữa tôi và anh kể như chấm dứt… Vai vợ chồng tôi đóng xuất sắc lắm. Đến nỗi thằng con trai 6 tuổi của tôi phải sợ hãi khóc oà. Và bà má vợ tôi phải sụt sùi nước mắt. Và chỉ có ba người biết rõ những gì trong lòng.

Tôi đi khi con tôi ngủ như một thiên thần. Tôi đi chỉ có một bộ đồ độc nhất. Vợ tôi đứng đầu ngõ dõi mắt nhìn theo. Sau đó nàng vào lại buồng chúng tôi ôm gối mà khóc ngất, khóc như chưa bao giờ khóc như vậy.” Và đó là một ngày cuối năm 1979, ngày anh đi cũng là ngày “xả chế”, chúng trả lại anh quyền công dân.

TỰ DO HAY LÀ CHẾT

Phải bỏ lại vợ con, Trần Hoài Thư vượt biển trên một chiếc ghe nhỏ đi sông dồn nén cũng chở được 93 người. Chuyến đi gian truân nhưng cuối cùng cũng tới được bến bờ tự do, đảo Pulau Bidong Mã Lai.

“Cuối cùng anh cũng quỳ xuống trên bãi cát để cảm tạ Ơn Trên. Tự do, mơ ước là đây. Biển bây giờ sao quá êm và quá xanh biếc. Sóng bây giờ sao quá đỗi hiền từ. Anh quỳ, dù hai tay anh đã che đỡ những cú đánh, cú thoi, cú đá từ người lính Mã Lai. Anh nhắm mắt lại, không kêu đau, không van xin. Để biết thêm về cái giá của một cuộc ra đi và thấm thía thêm thân phận của một người không có đất nước. ‘Này đất này là của vua ta, bãi biển này là bãi biển của vua ta… Còn ngươi, một thằng từ đâu lạc chợ trôi sông, mang bao khổ luỵ phiền toái tới đất nước này.’

… Cứ chửi, cứ rủa đi anh lính đội chiếc nón bê-rê đen, cầm thêm cây gậy, bên mình lủng lẳng khẩu súng ngắn. Tự do đâu phải quá dễ dàng như một lần du ngoạn. Bao nhiêu người đã không may. Bao nhiêu người đã nằm dưới lòng biển. Bao nhiêu người con gái đã bị hãm hiếp và bị bắt cóc. Và có người con gái tóc dài tung toé, nhảy ào xuống biển. Còn nữa, còn bao nhiêu người đã lênh đênh trong vô tận của ngày của đêm, không thức ăn, nước uống, trên những vùng đá ngầm san hô, cá mập… Tự do hay là chết. Chết hay là tự do. Anh cứ đập tôi đi, nhưng cơn đau bầm của tôi, bụm máu khạc ra từ cửa miệng tôi, đâu có thấm gì với cái bóng tối mà tôi bỏ lại. Tôi đã chờ đợi quá lâu, trong ngôi nhà mồ. Tôi đã muốn nhảy xuống biển tự tử khi nghĩ đến một lần họ bắt tôi trở lại. Bây giờ là ánh sáng rồi. Nó đã rực rỡ như muôn ngàn hào quang ân sủng. Nó vô hình vô dạng nhưng nó nồng nàn như mùi thuốc hồi sinh trong phòng cấp cứu. Tôi không buồn hay giận anh đâu. Bởi vì, tôi sẽ đứng lên, dù run rẩy đi nữa, dù đau tận cùng đi nữa.” (6)

Khi Tôi Đi Rồi, bài thơ đầy cảm xúc của Trần Hoài Thư khi phải cắn răng bỏ lại vợ con, lao mình ra biển khơi đi tìm tự do:

"... tôi ra đi thành thị sau lưng
chào từ biệt, quê hương mình lần cuối
tôi có thằng con chưa đầy bốn tuổi*
tôi có mẹ già tóc bạc tợ sương
tôi có vợ tôi cay đắng đoạn trường
đêm nay, đêm nay, trời ơi bỏ hết
khi tôi đi rồi một là chết biển
hai là bỏ xứ làm kẻ lưu vong
khi tôi đi rồi hai bàn tay không
giữa vùng mênh mông ngàn trùng bát ngát
khi tôi đi rồi, chắc hồn khó thoát
bởi quê hương cứ giữ chặt, không buông"
…​
(* Năm 1979, con của Trần Hoài Thư - Ngọc Yến lúc đó 6 tuổi)

Trên đảo, tuy phải mòn mỏi chờ đợi nhưng là của hy vọng. Khi có phái đoàn Mỹ tới phỏng vấn, THT được hỏi có gì chứng minh ông là sĩ quan hay lính miền Nam, THT cởi áo vạch ngực chỉ vết thương đạn với sẹo lớn cắt đứt một núm vú nơi ngực trái; sang câu hỏi thứ hai ông dự tính làm gì nếu được vào Mỹ, THT nói anh là nhà văn anh sẽ tiếp tục viết về những nỗi khổ của miền Nam trong và sau chiến tranh. Không hỏi gì thêm, người Mỹ phỏng vấn tươi cười bắt tay anh và chúc may mắn. Rất sớm sau đó, THT được đi định cư tại Mỹ, thời gian đầu anh được đưa tới Maryland, sống tạm bợ tá túc khi thì trong một ngôi chùa nhỏ, khi trong nhà thờ rồi lang bạt qua nhiều nơi khác nhau sau đó.

NGỌC YẾN NỖI KHỔ NGƯỜI Ở LẠI

Trước 1975, Ngọc Yến là nhân viên hành chánh của Viện Đại học Cần Thơ, là thư ký của Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Duy Xuân. Sau 1975, Gs Nguyễn Duy Xuân bị cộng sản bắt đi tù cải tạo 11 năm, cuối cùng chết tức tưởi ở trại tù Hà Nam Ninh, miền Bắc Việt Nam.

Chuyện chỉ được Yến kể lại về sau này, là sau 1975, chức thư ký cho Gs Viện trưởng của Yến ban đầu được “cách mạng” đánh giá là quan trọng: Ngọc Yến như là “bí thư” của Gs Nguyễn Duy Xuân, có thể là đối tượng bị thanh lọc để cho đi học cải tạo. Nhưng do ý kiến “nhân dân”, đám công nhân viên cũ bảo rằng Yến chỉ là một thư ký hiền lành lo giấy tờ, đánh máy trong văn phòng chứ chẳng có một quyền hành gì khác, và Yến đã không bị bắt đi cải tạo, không bị sa thải.

Nhưng vẫn chưa yên, sau khi chồng đi rồi, Yến là đối tượng được chăm sóc của đảng uỷ nhà trường. Yến luôn luôn được nhắc nhở rằng chồng chị là một tên sĩ quan Nguỵ phản quốc đã trốn đi, chị hãy quên nó đi để xây dựng cuộc đời mới. Khi ấy Ngọc Yến là gái một con, còn trẻ đẹp nên có nhiều cán bộ theo bám. Rồi Yến được đảng uỷ chuẩn bị tác thành cho lấy một tên Đại uý phục viên và cũng là cán bộ của trường. Đang là công nhân viên, tuy với đồng lương chết đói nhưng Yến cần phải giữ hộ khẩu với sổ lương thực cho hai mẹ con. Uất hận nhưng Yến không dám dứt khoát nói không và chỉ xin cho một thời gian nguôi ngoai.

Đầu năm 1980, khi biết được tin chồng đã đi thoát, Ngọc Yến quyết định bế đứa con trai chưa đầy 7 tuổi tìm ghe vượt biên, cũng lại là một “chuyến đi chùa” do một ông chủ ghe có tâm Phật cho đi. Thêm chuyến đi thừa sống thiếu chết với đói khát nhiều ngày trên biển cả, rồi gặp hải tặc và tiếp theo đó những ngày dài phải bồng con đi ăn xin nơi một ngôi làng hẻo lánh bên Thái Lan.

TỚI NGÀY MỘT GIA ĐÌNH ĐOÀN TỤ

Trần Hoài Thư kể lại, không hiểu bằng cách nào, Đại tá Nguyễn Bé nguyên chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn Chí Linh Vũng Tàu, có được số phone của THT. Ông báo cho Thư biết là có nhận được một phong thư gửi từ Thái Lan. Không chờ thư chuyển, Thư yêu cầu Đại tá Bé mở thư đọc qua phone, chỉ có vẻn vẹn một câu: “Em và con đã tới Thái Lan.”

Nhờ phước đức ông bà nay anh sẽ lại có một gia đình đoàn tụ. Sắp bước vào cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, THT thấy chỉ có một con đường tiến thân duy nhất là đi học trở lại. Từ Maryland, theo lời khuyên của một người bạn trẻ gặp được trong nhà thờ, THT quyết định đưa gia đình sang Philadelphia. Do không có tiền nên phải thuê một căn phòng giá rẻ trong một khu “slum” phía bắc thành phố, nghèo nàn mất an ninh, cư dân đa phần gồm nhóm người tỵ nạn Đông Dương như Lào, Cam Bốt và Việt Nam mới tới. Chỉ có một tay Đại Hàn hảo hớn là dám mở một tiệm Grocery store nơi đây. Đám tội phạm thường là từ bên ngoài đến, ra vào như chỗ không người. Có lần ban đêm, thấy cửa hàng Đại Hàn dưới lầu bị trộm phá cửa với các thùng hàng lớn nhỏ lũ lượt được khiêng ra. THT kêu 911, thì được sở cảnh sát cho biết: cửa hàng ấy đã có bảo hiểm, họ sẽ được bồi thường, và cảnh sát còn lưu ý là nên thận trọng, vì nếu tụi nó biết có người báo cảnh sát có thể bị trả thù. Hiểm nguy rình rập nhưng không có chọn lựa nào khác, gia đình THT vẫn phải tiếp tục sống trong khu ổ chuột ấy, trong một căn phòng chật hẹp với cửa sổ luôn luôn đóng kín, có đóng thêm cả đinh nhọn 10 phân làm chông.

Trần Hoài Thư đi học, vợ đi làm công nhân lắp ráp đồ điện tử với đồng lương tối thiểu. Thằng con trai thì được ba hoặc mẹ dẫn đến trường và hết giờ học thì nó phải tự về nhà một mình. Nó còn nhỏ và quá thấp để có thể với tới ổ khoá, vợ chồng Thư phải kê thêm hai cục gạch để nó có thể vói tới ổ khoá mở cửa vào nhà. THT lúc đó là sinh viên toàn thời gian ngành điện toán của Spring Garden College, ban ngày đi học, ban đêm thì làm janitor quét dọn phòng ốc để có thể trang trải cuộc sống.

Hai vợ chồng Thư đều biết luật pháp ở Mỹ, cho dù có lý do bận sinh kế đi nữa nhưng việc bỏ con nhỏ vị thành niên ở nhà một mình là phạm pháp. Vợ chồng vẫn phải luân phiên gọi điện thoại về thăm chừng con, khi không thấy ai lên tiếng, không biết chuyện gì xảy ra cho con, Thư phải tức tốc bỏ học về nhà nhưng đa phần là do nó ngủ quên không nghe chuông reng.

Rồi THT cũng xong học trình 4 năm, Thư tốt nghiệp điện toán với thứ hạng cao trong nhóm top five. Khi hãng AT&T tới trường tuyển chọn sinh viên vừa tốt nghiệp với thứ hạng cao, THT qua được cuộc Interview khó khăn, và ít lâu sau đó được nhận vào làm cho một chi nhánh của hãng này ở tiểu bang New Jersey. Đó là lý do gia đình THT dọn về đây, nơi có rất ít người Việt. New Jersey từ nay là nơi đất lành chim đậu. Ban đầu Thư ở nhà thuê, không còn phải lao động tay chân cực nhọc như một blue-collar worker, với đồng lương khá hơn hai vợ chồng dành dụm mua được căn nhà 4 buồng như hiện nay. Rồi thằng Thoại xong trung học, điểm cao nên được nhận vào trường Y khoa chương trình 7 năm, thuận buồm xuôi gió, nó tốt nghiệp bác sĩ y khoa.

Trong công việc của hãng, Thư chứng tỏ rất có khả năng và có sáng kiến, lại giỏi toán. Như một đầu tư lâu dài, hãng AT&T trả tiền cho Thư đi học thêm bán thời gian. Sau hai năm, Thư đậu thêm văn bằng Cao học Toán Ứng dụng / Master of Applied Mathematics. Nghiệp vụ tiếp tục thăng tiến. Khi chi nhánh của Thư được chuyển nhượng cho hãng điện toán IBM, Thư lên tới chức vụ Project Leader cho tới khi nghỉ hưu.

Từ trái, qua cơn bĩ cực, sau khi THT tốt nghiệp cử nhân điện toán, có công việc ổn định của một white-collar worker, hai vợ chồng Ngọc Yến và Trần Hoài Thư từ nay bắt đầu biết thế nào là vẻ đẹp muôn màu của mùa Thu miền đông bắc nước Mỹ. [ photo by Trần Quý Thoại 1990 Poconos, Pennsylvania ]; phải: Nguyễn Ngọc Yến và Trần Hoài Thư trong đám cưới của người bạn trẻ, đã từng đón gia đình THT bước đầu sang lập nghiệp ở Philadelphia, khi ấy Ngọc Yến còn rất trẻ, THT mái tóc chỉ mới ngả muối tiêu. [nguồn: Blog’s Trần Hoài Thư, ghi chú của Ngọc Yến]
Từ trái, qua cơn bĩ cực, sau khi THT tốt nghiệp cử nhân điện toán, có công việc ổn định của một white-collar worker, hai vợ chồng Ngọc Yến và Trần Hoài Thư từ nay bắt đầu biết thế nào là vẻ đẹp muôn màu của mùa Thu miền đông bắc nước Mỹ. [ photo by Trần Quý Thoại 1990 Poconos, Pennsylvania ]; phải: Nguyễn Ngọc Yến và Trần Hoài Thư trong đám cưới của người bạn trẻ, đã từng đón gia đình THT bước đầu sang lập nghiệp ở Philadelphia, khi ấy Ngọc Yến còn rất trẻ, THT mái tóc chỉ mới ngả muối tiêu. [nguồn: Blog’s Trần Hoài Thư, ghi chú của Ngọc Yến]
PHỤC HỒI DI SẢN VĂN HỌC MIỀN NAM

Từ năm 2001, tuy còn đi làm Trần Hoài Thư đã cùng với người bạn lính Phạm Văn Nhàn, người bạn văn thuở nào. Hai người sáng lập tạp chí Thư Quán Bản Thảo và nhà xuất bản Thư Ấn Quán.

Khi chi nhánh của công ty IBM outsourcing chuyển qua Ấn Độ, THT quyết định nghỉ hưu. Không còn bận bịu về sinh kế, đây cũng là thời điểm Thư có thể thực hiện điều mơ ước. THT có toàn thời gian bắt tay vào việc thực hiện tủ sách DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM.

Trần Hoài Thư có hùng tâm và gần như đơn độc trong suốt nhiều năm nỗ lực khôi phục lại những văn bản của một thời kỳ văn học bị CS Việt Nam trong nước đã không ngừng truy lùng và huỷ diệt.

Trái, Phạm Ngọc Lư, Trần Hoài Thư, Nguyễn Lệ Uyên, Phạm Văn Nhàn. [nguồn: tư liệu Nguyễn Lệ Uyên, hình chụp năm 1969]; phải, Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn, hai người bạn lính và cho đến nay 2021 vẫn là hai bạn đồng hành của Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quan, cả hai vẫn bền bỉ trên con đường phục hồi Di Sản Văn Chương Miền Nam; phải, Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn trên đỉnh ngọn núi Watchung Green Brook, N.J. là một cao điểm từng được tướng George Washington 1777 dùng để theo dõi các đạo quân Anh di chuyển, nay là Washington Rock State Park với con đường ngoạn cảnh 30 dặm tuyệt đẹp rất hấp dẫn du khách. [photo by Tô Thẩm Huy]
Trái, Phạm Ngọc Lư, Trần Hoài Thư, Nguyễn Lệ Uyên, Phạm Văn Nhàn. [nguồn: tư liệu Nguyễn Lệ Uyên, hình chụp năm 1969]; phải, Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn, hai người bạn lính và cho đến nay 2021 vẫn là hai bạn đồng hành của Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quan, cả hai vẫn bền bỉ trên con đường phục hồi Di Sản Văn Chương Miền Nam; phải, Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn trên đỉnh ngọn núi Watchung Green Brook, N.J. là một cao điểm từng được tướng George Washington 1777 dùng để theo dõi các đạo quân Anh di chuyển, nay là Washington Rock State Park với con đường ngoạn cảnh 30 dặm tuyệt đẹp rất hấp dẫn du khách. [photo by Tô Thẩm Huy]
ĐƯỜNG XA CHI MẤY: TỚI THƯ VIỆN CORNELL

Qua các thư viện Đại học lớn ở Mỹ, Thư có thể tìm ra một số sách báo miền Nam. Tương đối gần nhà là thư viện Đại học Yale, chỉ cách nhà 2 tiếng lái xe, nơi có học giả Việt Nam nổi tiếng Huỳnh Sanh Thông, người đã dịch truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Anh, ông cũng là người giúp nhà văn Võ Phiến tài liệu để hoàn thành bộ Văn Học Miền Nam. Rồi đến thư viện Đại học Cornell tuy xa hơn, cách nhà 5 tiếng lái xe, nhưng thư viện Đại học Cornell, khu Đông Nam Á châu phải nói là nơi có đầy đủ sách báo miền Nam nhất.

Thường thường Trần Hoài Thư chỉ lái xe ban ngày lúc trời còn sáng, còn Yến giúp lái xe ban đêm vì biết chồng dễ ngủ gục khi lái. Đường rất nguy hiểm, có đoạn là đường núi, nhiều khi tuyết băng đông đặc. Cũng hai lần suýt chết vì tai nạn khi đi Cornell trên những đoạn đường mưa tuyết trơn trợt. Và không thể tưởng tượng được, tại Cornell sách báo Tiếng Việt của miền Nam rất là dồi dào thế nào; họ có cả tờ truyền đơn chiêu hồi cũng được lưu trữ.

Có lẽ do bản chất của dòng máu thám kích nên THT rất liều lĩnh với những bước chân khai phá. Rời nhà lúc 4 giờ sáng trời còn tối Yến lái xe, khi trời sáng là phiên THT. Thường là tới nơi thư viện Cornel lúc 10 giờ sáng. Đằm mình trong khu thư viện Á châu, lục lọi tìm tòi, ghi chép, làm photocopy cho tới sẩm chiều – ngoài một lunch break ngắn của hai vợ chồng, cho tới giờ ra về. Không phải chỉ một ngày, mà nhiều ngày, không phải một tuần mà nhiều tuần, trong nhiều năm như vậy. Nhiều chục ngàn trang sách thơ văn miền Nam của Thư Ấn Quán là thành quả tích luỹ của công sức bền bỉ của vợ chồng Trần Hoài Thư trong nhiều tháng, nhiều năm, cho tới năm 2012.

Trần Hoài Thư ngồi trong thư viện Cornell từ khi mái tóc còn xanh đến khi tóc trắng bạc như sương. [nguồn: tư liệu Trần Hoài Thư]
Trần Hoài Thư ngồi trong thư viện Cornell từ khi mái tóc còn xanh đến khi tóc trắng bạc như sương. [nguồn: tư liệu Trần Hoài Thư]
Về máy móc thì THT lên Craigslist tìm ki(m đồ phế thải. Có khi họ cho không, có khi họ bán rất rẻ. Sau khi thỏa thuận, họ cho biết địa chỉ, mình đến, với cái screwdriver trong túi. Họ hỏi máy nặng cả tấn sao ông lại khiêng nổi? Tôi cười, tao biết cách. Rồi tháo máy ra, đến mức không thể tháo. Fuser, ngăn giấy, mực, assembly parts, khung… Mấy anh chàng Mỹ trố mắt nhìn, ngạc nhiên. Chỉ có mực là mới có vấn đề. Lên eBay mua, nhưng làm sao biết ống mực tốt hay xấu?

Vậy mà đã 46 năm qua đi 1975-2021, với đời người như một cơn gió thoảng, với lịch sử chỉ là một chớp mắt, nhưng lại là một chặng đường rất dài trải nghiệm những tang thương. Thêm một chớp mắt nữa, thế hệ những người cầm bút 1954-1975 đều trở về với cát bụi, một số có thể còn được nhắc tới qua tác phẩm nhưng rồi cũng phải kể tới cuộc sống đầy đoạ và cả những cái chết tức tưởi của họ trong các trại tù cộng sản. Nói tới Văn Học Miền Nam, không thể không có một “cuốn sách trắng / livre blanc” về thời kỳ đó, một Wikipedia mở, như một “bộ nhớ” cho các thế hệ Việt Nam tương lai.

Trái, địa chỉ 719 Coolidge Street, Plainfield, New Jersey 07062 là ngôi nhà vợ chồng Trần Hoài Thư đã sống ngót 30 năm, cũng là địa chỉ của Thư Ấn Quán, và là Toà Soạn Thư Quán Bản Thảo; phải, nhà văn Trần Hoài Thư đang còng lưng cắt xén những số báo Thư Quán Bản Thảo. Ước mong sao, rồi ra nơi đây sẽ là một landmark văn hoá của Thế hệ thứ Nhất cần được lưu giữ cho các thế hệ Việt Nam tương lai. [photo by Phạm Cao Hoàng]
Trái, địa chỉ 719 Coolidge Street, Plainfield, New Jersey 07062 là ngôi nhà vợ chồng Trần Hoài Thư đã sống ngót 30 năm, cũng là địa chỉ của Thư Ấn Quán, và là Toà Soạn Thư Quán Bản Thảo; phải, nhà văn Trần Hoài Thư đang còng lưng cắt xén những số báo Thư Quán Bản Thảo. Ước mong sao, rồi ra nơi đây sẽ là một landmark văn hoá của Thế hệ thứ Nhất cần được lưu giữ cho các thế hệ Việt Nam tương lai. [photo by Phạm Cao Hoàng]
Một phần của tủ sách Di sản Văn học Miền Nam của Thư Ấn Quán, bộ Văn Miền Nam 4 tập: I, II, III, IV (2013); bộ Thơ Miền Nam trong thời chiến 2 tập: I, II (2017); bộ Thơ Tình Miền Nam (2017); Một Thời Lục Bát Miền Nam (2008); Thơ Tự Do Miền Nam (2009). Tất cả đều do Trần Hoài Thư thực hiện bằng phương pháp thủ công và có thể nói THT là người đi tiên phong trong kỹ thuật POD / Print On Demand trong lãnh vực sách báo tiếng Việt ở hải ngoại. [photo by Phạm Cao Hoàng] (3)
Một phần của tủ sách Di sản Văn học Miền Nam của Thư Ấn Quán, bộ Văn Miền Nam 4 tập: I, II, III, IV (2013); bộ Thơ Miền Nam trong thời chiến 2 tập: I, II (2017); bộ Thơ Tình Miền Nam (2017); Một Thời Lục Bát Miền Nam (2008); Thơ Tự Do Miền Nam (2009). Tất cả đều do Trần Hoài Thư thực hiện bằng phương pháp thủ công và có thể nói THT là người đi tiên phong trong kỹ thuật POD / Print On Demand trong lãnh vực sách báo tiếng Việt ở hải ngoại. [photo by Phạm Cao Hoàng] (3)
Tác phẩm đã xuất bản:

Trước 1975

1. Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang; 2. Những vì sao vĩnh biệt; 3. Ngọn cỏ ngậm ngùi; 4. Một nơi nào để nhớ.

Sau 1975

VĂN

1. Ra biển gọi thầm (Tập truyện); 2. Ban Mê Thuột ngày đầu ngày cuối (Tập truyện ); 3. Về hướng mặt trời lặn (Tập truyện); 4. Mặc niệm chiến tranh (Tập truyện); 5. Đại đội cũ, trang sách cũ (Tập truyện); 6. Thế hệ chiến tranh (Tập truyện); 7. Thủ Đức gọi ta về (Tạp bút); 8. Đánh giặc ở Bình Định (tự truyện); 9. Hành trình của một cổ trắng (truyện vừa); 10. Ở một nơi trên Trường Sơn (tập truyện); 11. Truyện từ Bách Khoa (Tập truyện); 12. Truyện từ Văn (Tập truyện); 13. Truyện từ Trình Bầy, Văn Học, Khởi Hành... (Tập truyện); 14. Truyện từ Vấn Đề (Tập truyện); 15. Tản mạn văn chương (tập I); 16. Giấc mơ Giáng Sinh (Tập truyện); 17. Cảm tạ Văn chương (Hồi ức).

THƠ

1. Thơ Trần Hoài Thư; 2. Ngày vàng; 3. Nhủ đời bao dung; 4. Ô cửa; 5. Xa xứ; 6. Quán; 7. Vịn vào lục bát
HAI TÁC PHẨM THẤT LẠC SAU CHIẾN TRANH

1. Của Chiến Tranh; 2. Một Ngày Gạo Ba Ngày Hành Quân.

Trong quân ngũ và ngay cả giai đoạn bỏ ngũ, Trần Hoài Thư viết rất khoẻ. Chỉ trong hai tháng sống ở Tháp Chàm với Phạm Văn Nhàn, Thư đã viết xong một truyện vừa có nhan đề Của Chiến Tranh, giao cho Thầy Từ Mẫn Võ Thắng Tiết * giám đốc nhà xuất bản Lá Bối lúc đó nhưng không sao qua được kiểm duyệt, và sau tháng Tư 1975 thì bản thảo duy nhất bị thất lạc.

[ *Sau 1975, anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết cũng là một thuyền nhân, đi cùng chuyến tàu với nhà văn Nhật Tiến, ban đầu sinh sống ở Alaska, rồi xuống ở Nam California, anh thành lập nhà xuất bản Văn Nghệ rất có uy tín ở hải ngoại trong nhiều năm trước khi anh nghỉ hưu ].

Tác phẩm thứ hai, Một Ngày Gạo Ba Ngày Hành Quân cũng là một truyện dài, được giao cho nhà văn Thế Uyên lúc đó đang trông coi nhà xuất bản Thái Độ và Tủ sách Văn Nghệ Xám.

[Thái Độ cũng đã từng in cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh của Ngô Thế Vinh]. Cho dù Thế Uyên rất xông xáo nhưng cũng vẫn không vượt qua được hàng rào “phối hợp văn học nghệ thuật” của bộ Thông Tin, cho tới Tháng Tư 1975, bản thảo duy nhất cũng bị thất lạc.

Cả hai cuốn sách trên đã được quảng cáo trên báo chí nhưng không bao giờ được ra mắt. Đó là những tác phẩm bị thất lạc, thêm vào những tổn thất trong chiến tranh, vĩnh viễn đi vào sự quên lãng.

Những tổn thất nhân mạng trong chiến tranh đã được thống kê và nói tới. Thế còn những tổn thất trong văn học, liệu đây có phải là phần trách nhiệm của các sử gia?

Trái, Trung uý Thám Báo Trần Hoài Thư với hạnh phúc được bồng con (1974); phải,Trần Qúi Thoại con trai Trần Hoài Thư tại Hội chợ Science Fair do Bell Lab bảo trợ và tổ chức. Thoại đang thuyết trình về công trình nghiên cứu khoa học “The magnetic field of a Superconductor” được một giải thưởng cho công trình nghiên cứu này. Trần Hoài Thư và Ngọc Yến có mặt và hãnh diện với đứa con của mình. Rồi không thể không chạnh nghĩ, Thoại với gốc là con một sĩ quan “nguỵ” nếu như còn kẹt lại ở Việt Nam, chắc nó chỉ là một đứa trẻ chăn trâu. Nay tới được một lục địa mới, một đất nước mới, nó có cơ hội làm đủ mọi điều để phát triển. Trần Qúi Thoại nay đã là một bác sĩ y khoa. [ nguồn: tư liệu Trần Hoài Thư ]
Trái, Trung uý Thám Báo Trần Hoài Thư với hạnh phúc được bồng con (1974); phải,Trần Qúi Thoại con trai Trần Hoài Thư tại Hội chợ Science Fair do Bell Lab bảo trợ và tổ chức. Thoại đang thuyết trình về công trình nghiên cứu khoa học “The magnetic field of a Superconductor” được một giải thưởng cho công trình nghiên cứu này. Trần Hoài Thư và Ngọc Yến có mặt và hãnh diện với đứa con của mình. Rồi không thể không chạnh nghĩ, Thoại với gốc là con một sĩ quan “nguỵ” nếu như còn kẹt lại ở Việt Nam, chắc nó chỉ là một đứa trẻ chăn trâu. Nay tới được một lục địa mới, một đất nước mới, nó có cơ hội làm đủ mọi điều để phát triển. Trần Qúi Thoại nay đã là một bác sĩ y khoa. [ nguồn: tư liệu Trần Hoài Thư ]
Trái, các trang trí trên đĩa xứ của Trần Qúi Thoại, vẽ tặng cha; giữa, tranh của Trần Qúi Thoại vẽ cảnh “Con Vịn Cha”; phải, bức hình mới nhất, nay thì cảnh “Cha Vịn Con”.
Trái, các trang trí trên đĩa xứ của Trần Qúi Thoại, vẽ tặng cha; giữa, tranh của Trần Qúi Thoại vẽ cảnh “Con Vịn Cha”; phải, bức hình mới nhất, nay thì cảnh “Cha Vịn Con”.
Con Vịn Cha

Lan can ba, ba thẳng lưng
Ba dạy con chân đạp bùn mà đi
Con nhón chân, con đưa tay
Con vịn ba với cái đầu ngẩng lên!

Cha Vịn Con

Bây giờ ba lại vịn con
Tay trong tay con dẫn ba qua đường
Ba đi từng bước ngập ngừng
Bỗng nghe hơi ấm chảy rần trong ba

Trái, Trần Hoài Thư, bán cà-rem nay nhận bằng Cao học Toán Ứng dụng tại Viện Kỹ thuật Steven New Jersey ngày 24.05.2005; phải, gia đình Trần Hoài Thư vui mừng đoàn tụ trong ngày lễ tốt nghiệp: Nguyễn Ngọc Yến, Trần Hoài Thư và con trai Trần Quý Thoại. Thoại tốt nghiệp bác sĩ.
Trái, Trần Hoài Thư, bán cà-rem nay nhận bằng Cao học Toán Ứng dụng tại Viện Kỹ thuật Steven New Jersey ngày 24.05.2005; phải, gia đình Trần Hoài Thư vui mừng đoàn tụ trong ngày lễ tốt nghiệp: Nguyễn Ngọc Yến, Trần Hoài Thư và con trai Trần Quý Thoại. Thoại tốt nghiệp bác sĩ.
NGỌC YẾN ĐỘT QUỴ SAU TRẬN BÃO SANDY

Chỉ một tháng sau cơn bão tố Sandy tàn phá nhiều nơi trong đó có New Jersey, Ngọc Yến bị tai biến mạch máu não / stroke tháng 12/2012. Hurricane Sandy thì được đài khí tượng báo trước, nhưng trận bão stroke của Ngọc Yến thì không. Với Trần Hoài Thư, thì đó là một trận động đất / earthquake, mà động đất thì không có dấu hiệu gì báo trước và Yến rất bất ngờ bị một cơn stroke đánh gục, bị liệt nửa người bên trái. Tay trái, chân trái không thể cục cựa. Nhìn Yến không thể ngồi, đứng, một nửa thân người không còn cử động, Với Thư thì Yến vợ anh đã bị đóng đinh khổ nạn từ đây.

Quan sát những gì người ta làm cho Yến ở nhà thương, Trần Hoài Thư tự tay biến đổi căn nhà với thêm bậc thềm, tay vịn sao cho thích nghi với người vợ tàn phế. Thư cũng mau chóng học được cách đưa người bệnh từ xe lăn lên giường, chuyển từ giường xuống ghế ngồi, rồi cả những công việc vệ sinh cá nhân cho Yến như tắm rửa, thay quần, thay áo, thay tã và những thao tác tập vật lý trị liệu cơ bản cho người bệnh liệt bán thân. Tất cả nhanh và gọn mà ngay cả những therapists và home caregivers cũng phải trố mắt ngạc nhiên. Thư cố tạo một cảnh sống gia đình gần như bình thường cho Yến. Thấy Yến ăn ngon, ngủ ngon, luôn miệng nói mình vui quá là Thư vui. Chấp nhận như số phận đã an bài và anh nghiệm ra là: hạnh phúc càng lớn khi nó được nẩy sinh từ khổ nạn. Thư trải lòng mình trên trang giấy: “Mỗi ngày tôi cố mang cho Yến niềm vui. Cũng mỗi ngày tôi giấu Yến nỗi buồn của tôi.”

Nhưng rồi chưa yên, Yến còn bị giáng thêm một trận stroke thứ hai, rồi thứ ba, đến tháng 05/2015, Yến không còn có thể sống ở nhà mà cần được chăm sóc 7/24 trong một nursing home, bác sĩ bảo đó là cách duy nhất để cứu Yến và cứu cả Trần Hoài Thư.

Trong suốt 11 năm [từ 2001 tới 2012], Ngọc Yến – người bạn đời của THT, đã đồng hành giúp anh rất nhiều trong việc thực hiện các công trình phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam.

“Yến giúp tôi lái xe khi đi xa trong những lần tới Thư viện Đại học Cornell, rồi đóng bằng chỉ những cuốn sách dày cả ngàn trang, hay phụ với tôi khiêng những thùng giấy tôi mua với giá rẻ. Yến giúp tôi viết địa chỉ, bỏ sách báo vào phong bì, dán tem, hay nhắc tôi về những sơ xuất. Khi một người hỏi order một cuốn sách, Yến luôn luôn nói là tặng, đừng lấy tiền. Tâm Yến là tâm Phật. Mất Yến là mất cả cánh tay phải, tôi như hết chỗ vịn.”

Rồi đều đặn như vậy, trong nhiều năm, ngày hai lần, Trần Hoài Thư nội trợ nấu thức ăn Việt Nam nóng đem vào cho Yến. Yến không chịu ăn đồ ăn Mỹ. Mỗi ngày Thư tìm cách kéo dài thời gian ngồi túc trực bên giường Yến. Đứa con trai bác sĩ thì đi làm xa, nhưng mỗi cuối tuần đều về để đi với ba vào thăm mẹ. Nó biết cách làm cho mẹ nó vui, cả gây cho mẹ mối ghen tuông với ba nó.

CHUYỆN ÔNG TRẦN HOÀI THƯ “CƯỚI CON PHƯƠNG”

Mỗi lần hai cha con vào thăm, bình thường thì Yến gọi Thư là “ba Thoại”, Trần Qúi Thoại là tên đứa con trai. Bỗng một hôm, chẳng rõ tại sao, Yến xoay lưng không thèm nói chuyện với Thư. Không biết chuyện gì đã xảy ra, Yến đổi hẳn cách xưng hô. Thay vì là “ba Thoại” thì hôm nay gọi anh là “ông Trần Hoài Thư”. Yến nói “Ông đang chờ tôi chết để cưới con Phương, có phải không?” Nghe Yến nói vậy, Thư tá hoả tam tinh, hỏi Yến: “Con Phương nào?” Một cái tên không thể nào Thư có thể nhớ ra. Thế là Yến giận, quay mặt vào tường không thèm nói chuyện với ba thằng Thoại nữa.

Nằm bệnh bao năm sau ba lần bị tai biến, chuyện mới thì Yến không nhớ, nhưng các chuyện cũ thì vẫn nhớ như in. Nhưng Thư thì vẫn nghĩ không ra “con Phương” là ai, hay là Yến ghen với một nhân vật nào đó trong các truyện đã viết của mình. Thế là về nhà suốt đêm vào máy tìm kiếm. Eureka! Cuối cùng Thư đã có câu giải đáp, thì ra “con Phương” là tên một cô gái giang hồ, một nhân vật trong truyện “Cơn Giông” được viên thiếu uý thám kích gặp trong một động điếm và đem lòng yêu thương, truyện mà chính Thư không còn nhớ, đã đăng trên báo Bách Khoa số 288 (1969) (5). Tuy bị Yến giận và ghen tuông vô lý nhưng Thư lại cảm thấy vui vì biết được phần trí tuệ còn sắc sảo của Yến.

NHỚ QUÊ NHỚ CHIM CHẰNG NGHỊCH

Trước đại dịch Covid-19, hầu như mỗi ngày 2 lần Thư được phép tới Nursing Home thăm Yến với thức ăn Việt nấu từ nhà đem vào. Nhưng rồi một hôm, các cô y tá cho biết, Yến không chịu ăn từ mấy ngày nay.

Yến không ăn đồ Mỹ điều ấy Thư đã biết nên Thư đã học nấu các món ăn Việt Nam từ Internet và cả biết Yến thích ăn món gì. Bác sĩ tới khám tổng quát cho biết tình trạng Yến vẫn ổn định và không mắc thêm một căn bệnh gì. Thư hỏi, vậy Yến thích ăn món gì để anh nấu. Yến trả lời: muốn ăn món chim chằng nghịch. Từ ngày về Vùng IV làm phóng viên chiến trường suốt 2 năm mà THT cũng chưa biết chim chằng nghịch là gì. Như mọi lần, Dr. Google đã giúp anh, và bây giờ Thư mới được biết, chim chằng nghịch hay còn gọi là gà nước vằn, mỏ dài chân đen là loại chim thiên nhiên chỉ có ở miền Tây Nam Bộ. Nhưng có lẽ chim chằng nghịch sau này quá hiếm và gần như biến mất khỏi đồng ruộng miền Tây rồi. Ngay cả bây giờ, nếu còn sống ở Cần Thơ quê Yến, thì cũng chẳng biết kiếm chim chằng nghịch ở đâu ra, huống chi đang ở Mỹ. Giải thích cho vợ hiểu nhưng Thư cũng thấm thía hiểu rằng, chẳng qua là Yến nằm bệnh quá lâu, quá nhớ quê mà nhớ ra tên con chim chằng nghịch từ một tuổi ấu thơ xa xưa nào.

Chim chằng nghịch hay nỗi nhớ quê, còn gọi là gà nước vằn, tên khoa học Gallirallus striatus, xưa kia có ở đồng ruộng miền Tây ĐBSCL nay hầu như không còn nữa, nhưng chưa thấy trong Danh mục sách đỏ động vật Việt Nam. [ nguồn: birdwatchingvietnam ]
Chim chằng nghịch hay nỗi nhớ quê, còn gọi là gà nước vằn, tên khoa học Gallirallus striatus, xưa kia có ở đồng ruộng miền Tây ĐBSCL nay hầu như không còn nữa, nhưng chưa thấy trong Danh mục sách đỏ động vật Việt Nam. [ nguồn: birdwatchingvietnam ]
Cũng sáng hôm đó, từ California tôi phone thăm Trần Hoài Thư. Lúc ấy Thư đang ở trong Nursing Home với Yến. Tôi bảo Thư đưa phone cho tôi được nói ít câu thăm chị. Thư giới thiệu tên tôi Ngô Thế Vinh thì chị nhớ ngay và nói “chào bác sĩ”. Tôi nhắc chị Yến, tôi là bạn của Thư, chị đừng gọi tôi là bác sĩ, nhưng lúc đó trong lòng thực sự có niềm vui, vì biết với cách xưng hô đó chứng tỏ trí nhớ chị còn rất tốt cho dù đã hơn 6 năm nằm bệnh. Tôi cũng nói với chị Yến qua phone, là mới đây tôi có về thăm miền Tây, và cũng chẳng còn thấy một con chim chằng nghịch nào. Và rồi Yến cũng quên đi chuyện con chim chằng nghịch và trở lại ăn uống bình thường với những món Thư tự tay nấu, trong nỗi vui mừng của cả hai cha con.

CÙ HUY HÀ VŨ THĂM ANH CHỊ TRẦN HOÀI THƯ 2016

Cù Huy Hà Vũ, là con trai của nhà thơ Huy Cận, nhỏ hơn Trần Hoài Thư 15 tuổi. Năm 1968, khi Thư là sĩ quan Thám kích đang lặn lội trong chiến tranh ở miền Nam thì Vũ mới là một cậu bé 11 tuổi, còn thập thò nơi cửa hang nơi đi sơ tán, xem phi cơ Mỹ từ xa oanh kích miền Bắc đạn bắn như pháo bông.

Văn kỳ thanh, nghe tiếng nhà văn Trần Hoài Thư, lại yêu thích văn học, hai vợ chồng Vũ đang sống ở Chicago, bay sang Boston, cùng với người bạn lái xe đi New Jersey thăm anh chị Trần Hoài Thư. Vũ xin được cùng THT đi thăm chị Ngọc Yến. Khi nghe Thư giới thiệu là có Cù Huy Hà Vũ là con trai của nhà thơ Huy Cận tác giả Lửa Thiêng, tới thăm, Yến kết nối được được ngay. Cũng ngay tại Nursing Home, Cù Huy Hà Vũ đã lấy giấy bút chớp nhoáng vẽ xong bức ký hoạ cùng với dòng chữ đề “Tặng Chị Nguyễn Ngọc Yến nhân Ngày của Mẹ Mother’s Day May 8, 2016”.

Vũ có nét vẽ tài hoa, bắt được ngay cái “thần” của Chị Yến, với đôi mắt đẹp thông minh và một vầng trán cao bướng bỉnh. Thấy Yến vui và cảm động, Thư cũng vui lây, cảm giác

Bài viết do Phan Trần chia sẻ trên fb tháng 5/21 mùa dịch hoành hoành