| ||
Chuỗi ngày giảm điểm kinh hoàng của TTCK Việt Nam cho tới thời điểm này của năm 2008 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong bối cảnh giá cả mọi hàng hoá tăng vọt, cổ phiếu tiếp tục là thứ hàng hoá duy nhất giảm giá mạnh. | ||
Tròn 3 tuần liên tiếp thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng tuột dốc không phanh, với VN-Index mất 94,31 điểm. Riêng trong tuần này, VN-Index đã mất 31,99 điểm, và đóng cửa ở mức 428,05 điểm. Tại sàn giao dịch Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index sụt giảm còn mạnh hơn VN-Index, và hiện chỉ còn một con số khiêm tốn 127,93 điểm. Chứng khoán đã thực sự trở thành một nỗi thất vọng lớn của nhiều "nhà đầu tư" cá nhân - mà đa phần trong số họ thuộc bộ phận trung lưu có thu nhập trung bình khá, bao gồm các doanh nhân, nhân viên ngành ngân hàng - tài chính hoặc công chức nhà nước. Điều đáng lo ngại hơn là dường như thời điểm xấu nhất vẫn còn ở phía trước. Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục tác động tiêu cực tới thị trường Trong vòng 2-3 tuần gần đây, chưa có những tin tức mới giúp các nhà đầu tư lạc quan hơn về bối cảnh kinh tế vĩ mô. Đi kèm với sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của lạm phát, của những bất ổn của thị trường bất động sản và của hệ thống tài chính ngân hàng. - Lạm phát trong tháng 5/2008 tiếp tục ở mức cao và có nguy cơ tăng mạnh trong các tháng tới. Giá dầu quốc tế đã leo tháng tới 135USD/thùng, tức tăng trên 30% so với mức giá nội địa hiện nay. - Quan trọng hơn, đó là vấn đề về cán cân thanh toán, khi thâm hụt thương mại đang gia tăng tới mức kỷ lục và các luồng vốn gián tiếp nước ngoài sẽ vào Việt Nam ít hơn, hoặc thậm chí có thể đảo chiều rời khỏi thị trường Việt Nam. Đi kèm với nó sẽ là nguy cơ phá giá của đồng nội tệ và rối ren của hệ thống tài chính. Tránh bi quan quá mức Tuy nhiên, khi đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô, theo chúng tôi các nhà đầu tư cần lưu ý những điều sau đây: - Lạm phát và khó khăn kinh tế đang xuất hiện trên quy mô toàn cầu. Ở nhiều nước, bao gồm cả các nước phát triển, lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong vòng 20-30 năm. Do vậy, lạm phát cao ở Việt Nam hiện nay (cao nhất kể từ 1996) chứa đựng các yếu tố khách quan và hợp với xu thế toàn cầu. - Tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư, đặc biệt là FDI, vẫn đang ở mức cao khả quan. Điều nay cho thấy tính cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao. - Hệ thống ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn, nhưng theo đánh giá riêng của chúng tôi, chưa có rủi ro khủng hoảng của hệ thống ngân hàng. Hệ thống giám sát và kiểm soát rủi ro của các ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn đang hoạt động khá tốt. Tỷ lệ nợ xấu vẫn đang trong tầm kiểm soát. - Hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, tuy gặp khó khăn nhất thời, nhưng vẫn có triển vọng phát triển tươi sáng. Tình trạng phá sản hàng loạt doanh nghiệp chưa xảy ra ở Việt Nam như đã và đang xảy ra ở nhiều nước khác. Quản trị doanh nghiệp: tiếp tục bộc lộ kẽ hở Quản trị doanh nghiệp tiếp tục là yếu kém chí mạng của hệ thống công ty cổ phần Việt Nam. Tiếp sau nhiều vụ việc như giám đốc công ty tự ý đầu tư chứng khoán bằng một khoản tiền lớn của công ty, cổ đông lớn chèn ép cổ đông nhỏ, lãnh đạo công ty mở công ty con vì lợi ích cá nhân, gần đây lại xuất hiện thêm một hiện tượng rất đáng được bàn luận, đó là phát hành cổ phiếu giá thấp với khối lượng lớn cho cán bộ, nhân viên công ty. Một ví dụ gần đây là một công ty lớn đã công bố kế hoạch phát hành trên 1,7 triệu cổ phiếu giá ưu đãi 10.000đ/cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên công ty. Công ty không công bố cụ thể tỷ lệ phân chia số cổ phiếu đó giữa lãnh đạo và nhân viên công ty. Do giá cổ phiếu của công ty này trên thị trường là khoảng 63.000 đ/cổ phiếu, thực chất của việc này là thưởng cho cán bộ, nhân viên công ty số tiền chênh lệch 53.000 đ/cổ phiếu. Đáng ra việc khen thưởng này nên trích từ quỹ khen thưởng, phúc lợi hoặc phải lấy từ nguồn cổ phiếu quỹ của công ty. Việc phát hành cổ phiếu thưởng cho một nhóm cá nhân như vậy là rất bất lợi đối với các cổ đông hiện hữu của công ty. Cho dù việc này có thể là hoàn toàn đúng luật, các cơ quan quản lý thị trường cần có những luật lệ và hành động giám sát chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số. Bởi vì bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số cũng tức là bảo vệ cho sự phát triển dài hạn của mỗi công ty và của cả thị trường. Cần trả lại biên độ giao dịch cho thị trường Cơ quan quản lý không cần quá lo ngại khi thị trường giảm điểm. Nhìn trên tổng thể, thị trường chứng khoán thứ cấp không sinh ra tiền mới và cũng không làm mất đi tiền cũ. Đó là một cuộc chơi có tổng bằng không (zero-sum game), với thua thiệt của người này chính là lợi ích của người khác. Tại thị trường Việt Nam hiện nay, chúng ta có cảm giác là tất cả các nhà đầu tư đang bị thua thiệt bởi vì thực ra trước đó, trong năm 2007, đã có nhiều người được lợi. Trong đó, một trong các đối tượng được lợi lớn chính là ngân sách nhà nước, với việc IPO các DNNN lớn đã lấy đi của thị trường hàng chục nghìn tỷ đồng thặng dư. Giá cổ phiếu sụt giảm sẽ không có ảnh hưởng trực tiếp ngắn hạn nào tới hoạt động của doanh nghiệp niêm yết và của nền kinh tế, ngoại trừ làm giảm khả năng huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Do đó, thay vì việc quá chú trọng vào ngăn cản đà giảm giá của thị trường (một nhiệm vụ bất khả thi), các nhà quản lý cần chú trọng hơn vào việc đảm bảo tính thanh khoản của thị trường. Biên độ giao dịch thắt chặt hiện nay cần được mở rộng ít nhất trở lại mức cũ (5-10%) để qua đó thị trường nhanh chóng xác định mức giá cân bằng mới, các nhà đầu tư lại có những cơ hội kiềm lời trên thị trường, luồng tiền sẽ đổ lại thị trường, tính thanh khoản được khôi phục và thị trường sẽ phục hồi nhanh hơn. Dự đoán tuần tới và kiến nghị Tuần tới tiếp tục trong xu hướng giảm điểm trường kỳ của thị trường. Tuy nhiên, sau 15 phiên giảm điểm liên tiếp, sẽ không có gì bất ngờ nếu thị trường có một đến hai phiên phục hồi. Nhìn về trung hạn, chúng tôi tiếp tục lạc quan một cách thận trọng về triển vọng phát triển của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam. Chính sách kiềm chế lạm phát đang được thực thi hợp lý và sẽ mang lại kết quả. Dù sao đi nữa, khi VNIndex giảm dần xuống mức 400 điểm, sức ép giảm giá sẽ yếu dần và lực mua vào sẽ tăng dần. Nhiều khả năng mốc 380-400 điểm là sẽ ngưỡng kháng cự tương đối mạnh của thị trường. Tuần sau và tuần sau nữa sẽ là các tuần nhạy cảm của thị trường. Vậy các nhà đầu tư nhỏ cần làm gì? Phương án tốt nhất là tiếp tục án binh bất động, tránh mua vào mọi cổ phiếu để chờ đợi các rủi ro được nhận định rõ hơn. * Khuyến cáo: Phân tích nêu trên chỉ có giá trị tham khảo. Để đảm bảo tính khách quan, chúng tôi không khuyến nghị việc mua và bán đối với các cổ phiếu cụ thể. Nhóm tác giả không chịu trách nhiệm về mọi hoạt động đầu tư của bạn đọc
|
Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2008
TTCK tuần 26-30/5/2008: Tuần nhạy cảm
Blogged with the Flock Browser
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét