Thứ Ba, 6 tháng 5, 2008

Thư gửi "ông" EVN đêm... mất điện

Chúng tôi nhận được hàng nghìn bức thư độc giả gửi đến bức xúc về chuyện cắt điện. Cũng có người thông cảm với EVN nhưng không ít người bày tỏ sự thất vọng. Chúng tôi xin đăng một trong những bức thư độc giả gửi cho ông Tổng giám đốc EVN.

Thư ngỏ gửi ông Thanh, TGĐ EVN

Kính gửi ông...

Thưa ông, 10 năm rồi, hôm nay tôi mới có một đêm tĩnh tâm, thư thái và thanh tịnh đến thế này. Những lo toan, ham muốn, buồn vui thường nhật trong tôi giờ đây tan biến.

Lòng tôi lúc này thanh thản và thuần khiết. Tôi không nghĩ đến cõi thiền, không nhìn sâu vào vũ trụ, không nghĩ đến những ngày thơ ấu, không nhớ cố nhân và không làm thơ... mà tôi viết thư cho ông, một người tôi chưa từng gặp mặt. Thư gửi ông, tôi đang viết trên giấy, bằng bút mực và dưới ánh nến sáng vàng leo lét.

Dien28.jpg

Ông có biết vì sao không? Vì ông đã cho tôi cái thiêng liêng đặc biệt của đêm nay. Cái thiêng liêng ấy đến được vì nhà tôi và cả khu phố này đang mất điện. Hàng quán đã đóng cửa trong những tiếng thở dài. Ánh đèn xanh đỏ và tiếng nhạc ồn ã thường ngày cũng tắt.

Gia đình tôi đã kết thúc bữa cơm trong ánh nến vàng. Máy tính của tôi không chạy được. Thằng con tôi thường ngày giờ này đang vui đùa thì nay nó giở chứng phụng phịu vì không được xem ti vi. Vì muỗi nhiều và mồ hôi dính ướt. Mẹ nó quát, lấy cái quạt giấy vụt vào mông nó rồi bỏ sang nhà hàng xóm xin mấy xô nước về rửa bát. Nó hờn và ấm ức đi ngủ với cái quạt giấy đáng nguyền rủa mẹ nó đem theo.

Vợ tôi dường như cố tình gây sự với tôi. Cô ta giận cá chém thớt vì giáo án đang soạn giở để trong cái máy tính đen ngòm. Cô ấy đâu có biết bản thiết kế của tôi mới vẽ được một nửa nên tôi phải thức cả đêm nay chờ ông cho điện thì tôi có cơ tránh được phen kỷ luật lần này.

Vợ tôi chì chiết về chuyện hồi đầu năm, tôi vay tiền anh trai mua thêm chiếc xe máy cho vợ đi làm. Anh tôi làm nghề bán hàng ăn cũng khấm khá. Ông ấy hứa cuối năm mới lấy nợ. Nhưng vụ mất điện tuần trước khiến ông ấy đổi ý, đòi tôi phải trả sớm để ông ta mua cái máy phát điện, mua xăng dầu cầm cự giữ khách mấy tháng hè. Vợ con tôi đã đi nằm. Khu phố đã yên ắng trong tối tăm. Chỉ còn tôi và cây nến cháy.

Viết thư cho ông, tôi hiểu, gần đây, có lẽ các ông đã phần nào thấu nỗi gian truân, cơ cực của dân nên cắt điện ở đâu thì các ông báo trước.

Khổ thân đứa em họ tôi, nó chưa mãn hạn tù để được biết sự tiến bộ ấy của ngành điện. Ngày trước, vợ chồng nó bán nhà, vay ngân hàng mở xưởng sản xuất khí ô xy. Làm ăn khấm khá, bạc tóc tranh giành, nó ký được một hợp đồng lớn hơn cả tổng tài sản của mình. Xưởng khí đang đỏ rừng rực thì người của ông cắt điện đột ngột.

Dien28a.jpg

Trẻ con trong một tối mất điện ở Hà Nội (Ảnh: Blog Thảo Bim Bim)

Thằng em tôi đóng cửa nhà máy, tiếp tục vay tiền thực hiện hợp đồng. Ông trời bạc ác quá, nó lại bị cắt điện lúc đang chạy máy... Mấy tháng sau tôi thấy nó được đăng ảnh trên báo vì công an bắt tội lừa đảo ngân hàng.

Thưa ông, tôi cũng không kêu gào khổ sở. Vì đất nước hơn 20 năm đổi mới. Cuộc đời tôi trước kia còn chẳng có dầu mà thắp đèn. Đài đóm, ti vi, quạt điện, tủ lạnh... chỉ nằm trong lời đồn thổi bên ngoài hàng rào của những nhà giàu.

Vậy thì nay thỉnh thoảng mới mất điện một lát, đâu dám kêu khổ. Nhưng ông ạ, không biết nhà ông ở phố nào, có mất điện bao giờ không? Chứ không muốn kêu, nhưng thực tình nhân dân cực khổ về cái ngành điện của ông lắm lắm.

Dien28b.jpg

Sinh viên chơi trong một đêm mất điện (Ảnh: VNN)

Nhất là những ai làm ra nhiều của cải vật chất nhất thì càng khổ. Những nhà máy, công xưởng, những bệnh viện, trường học, những văn phòng, những nhà hàng, khách sạn... đang khốn đốn, đang có nguy cơ vỡ nợ, phá sản vì điện ông biết không?

Nhân dân bây giờ biết ơn sâu của Đảng của Nhà nước đã lãnh đạo công cuộc đổi mới, đời sống tiện nghi, sự giàu có, học hành, giao lưu quốc tế, hội nhập làm ăn... mỗi ngày một sôi động, đi lên. Nhân dân và bạn bè đến Việt Nam đầu tư đã tin tưởng vào ông đã xây dựng một cuộc sống, một xã hội... có ông.

Thế mà cứ thỉnh thoảng ông lại chập chờn, đỏng đảnh, ốm yếu ho hen... để cuộc sống chúng tôi tăm tối oi bức thế này! Tôi có được tĩnh tâm thì cũng chỉ một đêm nay. Chứ nhiều đêm mất điện nữa (nhất là mùa hè sắp đến) thì có lẽ tôi hoá "tâm thần". Còn ông anh tôi, vợ con tôi, các nhà máy, công ty... họ sống ra sao?

Buổi tối, khi vợ gây sự, tôi nói với bà ấy: Oan có đầu, nợ có chủ. Cơ sự này là bởi vì cách làm ăn của ông và các cấp dưới của ông. Vợ tôi bặm môi lục tìm cái hợp đồng mà cấp dưới của ông đã từng ký bán điện cho tôi. Cô ta tưởng rằng bám vào đấy mà bẻ hành bẻ tỏi các ông như vẫn thường làm với tôi ư?

Cô ấy thật ngây thơ. Ở trên đời này, từ cổ chí kim, đông sang tay thì duy nhất ở Việt Nam mới có những cảnh mua bán giống như các ông với chúng tôi. Đó là bên bán tự soạn ra tất cả mọi điều khoản giá cả, chủng loại, chất lượng... rồi đưa cho bên mua chỉ được phép ký vào mà thôi. Cái sự ký của tôi đó cũng chỉ nhằm cho các ông cắt điện nhà tôi mỗi khi tôi chậm trả tiền chứ làm gì có ai trên đời này được các ông bồi thường hay xin lỗi mỗi khi các ông vi phạm hợp đồng.

Dien28c.jpg

Sinh viên học dưới ánh nến do... mất điện (Ảnh: VNN)

Tôi biết là nói đi thì phải nói lại. Ngành điện các ông cũng có biết bao nhiêu nỗi khổ mà các ông vẫn trình bày với Chính phủ với báo chí. Ấy là nhà máy điện của chúng ta ít, công suất thấp. Thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt nên nước về sông hồ không đủ làm ra điện. Rồi cơ quan, nhà máy, nhân dân sử dụng điện hoang phí. Rồi ngành điện phải đầu tư nhiều tiền cho miền núi, biên giới hải đảo để tạo công bằng xã hội và phải bù lỗ. Rồi chúng ta thiếu vốn đầu tư xây dựng nhà máy. Giá điện bán cho nhân dân thấp quá, không đủ tái đầu tư...

Vợ tôi hầu như không bao giờ xem các chương trình thời sự, chính trị trên ti vi trừ mỗi lần các ông doạ tăng giá điện. Ông nói: giá điện Việt Nam thấp hơn thế giới, không đủ tiền đầu tư "trước một bước", không đủ vốn đối ứng để đi vay nước ngoài.

Vậy thưa ông, giá điện Việt Nam cao hay thấp so với đời sống, so với mức phát triển xã hội thì tôi chưa tính đến. Tôi chỉ xin ông cho nói rõ cho tôi, vợ tôi, ông anh tôi và toàn dân được rõ là cái giá thành sản xuất ra mỗi số điện là bao nhiêu tiền? Các ông cộng trừ từ những cái gì? Xin ông cho biết lượng hao phí trong truyền tải là mấy phần?

Giá than, giá vận hành giá nhà máy thuỷ điện các tính ra sao? Tổng số lao động của ngành điện tương ứng với khối lượng công việc như vậy so với khu vực đã hiệu quả chưa? Tổng chi phí lương thưởng, phúc lợi của ngành là bao nhiêu? Tính bình quân mỗi cán bộ nhân viên là bao nhiêu? Tôi muốn ông cũng nói cho rõ cái khoản công ích, bù đắp bà con miền núi, hải đảo cụ thể là bao nhiêu? Trích từ nguồn nào? Tiền đâu xây dựng nguồn đó? Hay là các ông cứ "kéo con trâu xâu con bò" giữa công ích và kinh doanh?

Cái giá điện các ông đang bán cho tôi thì ai trình? Ai duyệt? Tại sao không cho chúng tôi được biết? Các ông kêu lỗ mà tôi đi bãi biển nào cũng thấy nhà nghỉ, khách sạn điện lực? Lương thưởng nhân viên ngành điện khiến cho con cháu chúng tôi đứa nào cũng muốn, cũng thèm.

dien28d.jpg

Một con đường mất điện ở Hà Nội (Ảnh: VNN)

Các ông kêu không có vốn đầu tư "trước một bước" hay vay nước ngoài khó khăn vậy tiền nào dư thừa mà các ông đem góp vốn với ngân hàng, kinh doanh mạng điện thoại di động? Cái ngân hàng có 1/3 vốn của các ông lại đem tiền đó đi ôm đất, ôm chứng khoán, buôn bán chung cư...

Biết rằng nước cạn, than đắt nên thiếu điện. Nhưng cán bộ của các ông đi nước ngoài liên tục đấy. Vậy ông có biết là hàng trăm năm trước người ta đã biết đảm bảo nguồn điện bằng khí, gió, mặt trời, bằng lò phản ứng hạt nhân chưa?

Đất nước Việt Nam tất cả những thứ ấy đều dồi dào, các ông không đổ sức lao động, đổ vốn liếng vào đó mà khai thác. Lại đem chơi chứng khoán, mở ngân hàng, kinh doanh điện thoại, buôn bán đất đai... Các ông đã không làm được các nhiệm vụ mà nhân dân trông cậy thì các ông cũng phải để cho nhân dân, cho người khác làm thay.

dien28e.jpg

Đằng này, các ông lại muốn ai làm ra điện cũng phải bán cho mình. Mình mua thì tự đặt giá, không ai được bàn cãi. Đến lúc mình bán cho dân mình cũng tự đặt giá. Đã độc quyền truyền tải, phân phối các ông lại khống chế cả sản xuất nên mới tới nông nỗi này.

Tôi xin nhắc lại với ông rằng: Nhà nước, tức là nhân dân chúng tôi đấy, lập ra tập đoàn điện các ông. Lấy tài sản quốc gia là đường truyền tải, là hồ nước, sông suối, là nhà máy là trụ sở các ông ngồi và rất nhiều thứ khác để các ông làm một việc. Một việc thôi, đó là sản xuất điện đủ phục vụ đời sống và sản xuất.

Các ông thử nghĩ xem ngoài việc tháo nước ở sông vào, đào than ở dưới lên làm điện, các ông đã nghĩ ra được một mô hình, công nghệ tiên tiến nào khác chưa? (mà thực ra không cần nghĩ, chỉ cần học nước ngoài thôi). Ngay cả cái chiến lược ngành điện, các ông suy nghĩ, chi phí bao nhiêu thời gian công sức mà đến nay, chưa áp dụng được bao nhiêu, nó đã lạc hậu.

Đã vậy năm nào đến mùa khô toàn dân cũng khốn khổ vì thiếu điện, cắt điện bất ngờ. Tiền kêu thiếu, bán điện kêu lỗ, chi phí, giá thành thì giấu kín như bưng. Thế mà các ông dám ôm tiền đi kinh doanh chứng khoán, đầu cơ bất động sản, kinh doanh viễn thông... mà không hỏi nhân dân lấy một câu.

Năm nay lạm phát giá cao, đi đâu ông cũng đề nghị Chính phủ cho tăng giá điện. Các ông cẩn thận đấy, đến quý III năm nay Kiểm toán Nhà nước sẽ đến hỏi thăm các ông. Họ sẽ hỏi chính những câu hỏi mà nhân dân muốn được trả lời từ lâu lắm rồi.

Thưa ông, tôi cũng biết, những điều tôi viết ra trong cái đêm không ánh điện này thì trách nhiệm không của riêng ông. Đó là toàn bộ hệ thống cơ chế, chính sách, là sản phẩm "lịch sử" để lại và cả những cơ quan lớn hơn các ông nữa.

Nhưng nếu như mấy năm nữa ông về hưu. Sống trong một căn nhà ở Hà Nội, trong đêm oi bức mà ông không có điện thì ông sẽ hiểu rằng không chỉ một người dân, một khách hàng là tôi mà toàn thể nhân dân, tất cả mọi bên B của ông đang rất khẩn thiết muốn viết thư cho ông, cho tất cả những ai liên quan, chi phối ngành điện của quốc gia này sẽ định làm gì với nền công nghiệp năng lượng như hiện nay?

Kính thưa ông, nến sắp cháy hết rồi. Điện chắc là chưa thể có ngay. Vợ con tôi cũng không thể nằm trong phòng ngủ đã dẫn nhau ra hè phố với bà con hóng gió, tránh muỗi. Thư của tôi cũng đã đủ dài. Tôi rất hi vọng nó được chuyển tới ông. Và mong ông đọc nó trong một căn phòng có ánh điện sáng.

Chúc ông và toàn thể tập đoàn dồi dào tâm lực phục vụ trọng trách quốc dân.

Kính thư,
Một người dân

Không có nhận xét nào: