Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2008

Tìm thấy nguyên bản chiếu Cần Vương


TTCT - Một nguyên bản chiếu Cần Vương vừa được tìm thấy tại bảo tàng gia đình ông Thierry d'Argenlieu tại Pháp.

Ông Thierry d'Argenlieu là viên cao ủy Pháp đến Đông Dương theo chân lực lượng quân sự quốc tế (Trung Quốc và Anh), đến giải giới quân đội Nhật đã đầu hàng sau Thế chiến 2, giai đoạn năm 1945 (chính viên cao ủy này chủ trương quân đội Pháp sẽ tái chiếm Việt Nam).

Bức chiếu có bề ngang 70cm, cao 57cm; các con dấu trên đó gồm có: dấu triện hoàng đế hình chữ nhật gần vuông, ngang 115mm, cao 110mm. Có chín đôi triện nhỏ 18x18mm đóng dấu từng phần nội dung và chín triện tròn đường kính 43mm.

Phần nội dung, nguyên bản tiếng Hán:
Hoàng du đại cáo Nam trung quan viên lê thứ tuân tri.
Giá đại cáo mật chiếu tối chính hiệp kính tuyên cáo.
Hàm Nghi ngũ niên lục nguyệt sơ lục nhật.

Trẫm toản thừa đại thống, thiệu thuật hồng cơ, quốc vận truân mông, kỳ tặc tử kình thôn, thế thậm tiệm bất khả thâu an. Tư yên mật triệu chư thần nhập Cơ Mật viện sáp huyết cáo thệ: kỳ tiên công phá kim thành, thứ tắc trường khu Gia Định. Bất ý Văn Tường hoài nhị nhi Cam Lộ giá thiên. Ư thử quân thần tái tương cáo thệ dĩ đồ khôi phục, kế quyết tha bang du viện. Trẫm hề tích vi khu, cố bất tỵ sơn hải chi lao, mạo tử thân lâm Đại Đức quốc cầu viện sự, mông y quốc chuẩn doãn.

Kính hồi Quảng Đông, tiếp kiến quan viên hội giả biện bạch, trẫm tâm hội ủy mông ân, nhưng mệnh tối chính hiệp kính phụng chỉ mật cáo: phàm tại nhĩ mục, cọng tất kiến văn, tắc thủy tổ chi đồng cừu, bất cọng đái thiên, phương nghị hiền nhân quân tử mẫn thời chí khí, trẫm kim diệt Quắc giả Ngu, kế định thanh di, tảo bằng vu ngoại quốc, đệ tụ đắc đa nhân, vô tài hà dưỡng. Trẫm độc ưu chi. Như Nam trung thần thứ nghĩa nghi xuất tư trợ quốc, tương danh số liệt vu kim tịch, tha nhật công thành, chiếu số bội hoàn, nhi thường kim phong hộ, bất lận nguyên ân. Miễn tai tướng sĩ, thể thử trẫm tâm. Khâm tai!

Đại phương ấn: Hàm Nghi bảo ấn
Viên ấn: Phúc Minh chi ấn
Tiểu ấn: “Hoàng Đế”.
Tạm dịch:

Bài đại cáo về mưu lược của hoàng đế, quan viên và nhân dân trung nghĩa ở miền Nam tuân hay.

Bản mật chiếu đại cáo này phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Hàm Nghi năm thứ năm, ngày mồng sáu tháng sáu.

Trẫm vâng noi đại thống, nối tiếp cơ đồ lớn lao, nhưng vận nước gian truân, bọn giặc thôn tính, thế thậm lan dần, không thể tạm yên. Vì thế đã mật triệu các bề tôi vào viện Cơ Mật uống máu ăn thề, hẹn trước hết đánh phá tại kinh thành, sau đó đuổi dài vào Gia Định. Chẳng ngờ Văn Tường hai lòng, nên xa giá phải dời đi Cam Lộ.

Bởi thế, vua tôi lại phải ăn thề lần nữa để lo khôi phục, mưu định đi nước khác cầu viện. Trẫm nào tiếc thân hèn, nên chẳng ngại lao nhọc vượt núi non biển cả, xông pha chỗ chết, đích thân sang nước Đại Đức cầu sự giúp đỡ. Đã được nước ấy chuẩn thuận.

Khi về thẳng Quảng Đông đã tiếp kiến các quan viên hội họp biện bạch, lòng trẫm an ủi gấp bội, đã ban mệnh vâng theo một cách nghiêm ngặt mật cáo rằng: phàm có tai mắt ắt cùng nghe thấy, thì cùng mối thù của đất nước chẳng đội chung trời nên bàn rằng: bậc hiền nhân quân tử có chí khí đau xót cho thời thế, nay trẫm mượn nước Ngu để đánh nước Quắc, mưu định dẹp loài mọi rợ, phải sớm dựa vào nước ngoài, đã tụ họp được nhiều người, nhưng không tiền của sao nuôi dưỡng (lực lượng) được. Trẫm riêng lo vậy. Nếu như các bề tôi trung, người dân có nghĩa ở miền Nam hẵng xuất của cải giúp nước, thì sẽ đem họ tên, số tiền ghi vào sổ vàng, đợi ngày sau sự nghiệp hoàn thành, chiếu theo số mà hoàn trả gấp bội và đền bù vàng, phong hộ (phong thực ấp) chẳng dè sẻn gì đối với ơn xưa. Hãy cố gắng thay tướng sĩ! Hãy thấu cho lòng trẫm. Kính thay.

Đóng ấn: (Đại phương ấn): Hàm Nghi bảo ấn
(Viên ấn): Phúc Minh chi ấn
(Tiểu ấn): Hoàng đế
(Bản dịch của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế).

Được biết từ trước đến nay gần như chưa ai xác định được bản gốc chiếu Cần Vương, và việc tiếp cận với bản chữ Hán lại càng hiếm. Các bản dịch sang tiếng Việt chiếu Cần Vương hiện phần lớn xuất xứ từ các tài liệu tiếng Pháp, trong đó quan trọng từ các tác phẩm của đại úy người Pháp là Gosselin, được dẫn đi dẫn lại nhiều lần, gần như trong tình trạng “tam sao thất bản”. Cũng đã có một số người công bố “bản gốc” chiếu Cần Vương, nhưng phần lớn thì xuất xứ cũng như bản thân bức chiếu có độ tin cậy không cao.

Với bản chiếu vừa tìm được, giáo sư Léon Vandermeersch (Pháp) sau khi khảo sát tường tận đã xác nhận một cách quả quyết rằng đây là bức chiếu thật.

THÁI LỘC

Blogged with the Flock Browser

Không có nhận xét nào: