Trong bài phát biểu tại Quốc hội ngày 9/5 vừa qua, GS Nguyễn Lân Dũng có "kêu gọi" các đại biểu QH, các đồng chí lãnh đạo đọc tác phẩm "Trinh tiết Xóm Chùa" của nữ sĩ Đoàn Lê để thấy phần nào hiện trạng nông thôn sau từ ngày "Mở cửa".
GS có gửi cho chúng tôi bài " Ai cứu Xóm Chùa?". Thiết nghĩ, nó vượt qua lời giới thiệu cuốn sách thông thường mà câu hỏi, trăn trở của đại biểu QH Nguyễn Lân Dũng nói lên tâm nguyện của cả triệu cử tri tới những nhà hoạch định chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Xóm Chùa là tên một làng quê được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn của nữ tác giả Đoàn Lê (trong tập Trinh tiết Xóm Chùa, NXB Hội Nhà văn). Có thể đó không phải là một địa danh thật và không phải mọi câu chuyện ở đây đều xảy ra tại một làng quê cụ thể nào.
Nhưng với cái nhìn sắc sảo và nhân ái của tác giả, tôi tin là những câu chuyện xảy ra liên quan đến cái Xóm Chùa này đều là những chuyện có thật tại nông thôn nước ta từ ngày "Mở cửa". Nữ sĩ Đoàn Lê đã làm cho người đọc không thể không khắc khoải suy nghĩ và lo âu cho tương lai của nông thôn nước ta trước những diễn biến đi ngược lại với truyền thống nhân văn, nhân ái qua hàng nghìn năm qua.
Xóm Chùa hay Xóm Chùa Ông là nơi dân chúng tụ tập lại sống quanh khu lăng mộ của một liệt sĩ dòng tôn thất nhà Trần. Xóm Chùa đang yên lành thì náo động lên bắt đầu từ cái cát-sét có được sau ngày giải phóng. Nó làm đủ mọi nhiệm vụ trong đám cưới, đám tang. Không ngày nào không có người tìm đến chủ nhân với hàng đống các loại băng khóc cha, khóc mẹ, loại dành riêng cho con dâu, con rể, con nuôi, có cả loại kinh Phật dành cho đối tượng đang "thập tử nhất sinh".
Cú sốc lớn hơn là từ ngày cái Nhớn được tuyển làm diễn viên ở Trung ương quay về làng với hai mắt xanh lè, mí mắt rắc nhũ óng ánh, mặt mũi chỗ đỏ, chỗ nâu, quần áo miếng xanh, miếng tím... Rồi lại xuất hiện cái ti-vi cho cả xóm xem chung. Tiếp đến bà Chiu bán rượu nếp bị chiếc xe của Tây móc vào đòn gánh kéo lê một quãng gây xây xát nhẹ mà được đền tới 400 đô-la, khiến cho nhiều người ao ước được vướng vào xe của Tây như bà (!). Rồi chuyện cô gái lai đen tên Mừng chuyên hủ hóa với trai làng và quy đổi ra...gạo.
Nhưng chưa có gì đáng xáo trộn bằng chuyện mở đường cao tốc qua làng làm tha hóa cả một tầng lớp cán bộ thất học và tham lam. Chủ tịch xã Quang sau bốn năm cầm quyền, bằng cách nhử mồi câu cá, sợi dây "bảo hiểm" cho gã hoạn lợn đã dài tận huyện, tận thành phố, gã cóc sợ ai nữa. Gã thường bật cười bảo dân xóm Chùa: Các vị đi xe đạp lên tỉnh kiện tôi sao nhanh bằng tôi đi xe máy(!).
Thế là lão bán đứt Khu vườn cây của các cụ cho Viện cây giống. Nhưng sự thật là “Viện đứng nhận lấy danh nghĩa thôi. Họ chỉ có ba suất. Còn bác Thái (bí thư) lo cho bảy suất con cháu anh em trong nhà…Còn mười suất phía ông Quang chủ tịch mặc ông ấy lo… Ông biết Viện trưởng Viện cây giống là ai không? Chồng con Cúc gọi nhà dượng Tám gọi chúng tôi bằng bác họ” …
Thế đấy, họ Đào vươn ngành, vươn chi như vòi bạch tuộc, bám vào đất xóm Chùa chưa thỏa, sao còn dây mơ rễ má, cốt che mắt thiên hạ ăn cướp với nhau. Họ tranh cướp nhau mặt đường đến nỗi lão Hớn đã nói: “Để có rẻo mặt đường dưới âm, cần phải chết sớm tranh đất, tôi xin chết ngay”.Thiêng thật, sau khi bị mất trộm ba cây vàng có được do bán hớ mảnh đất đáng giá mười ba cây lão đã thắt cổ tự vẫn.
Đáng sợ hơn là thời kỳ cô Khờ (có ông nội là mõ làng, bố đi đánh dậm nuôi cả nhà) lấy người Đài Loan đổi tên là Lầy Lầy và với dáng điệu đung đưa háng với bộ váy xẻ ngược, xẻ xuôi, để lộ đến tận khúc đùi nõn nà, đập cửa ô tô đánh sầm rồi điềm nhiên lắc mông đi về làng. Lầy Lầy mừng tết Trung Thu cho mỗi người 1 đô-la, trẻ con mỗi đưa mỗi gói bánh quy kèm mấy viên kẹo Tàu. Cả làng được dịp rộ lên kéo nhau đi nhận quà như đi nhận phát chẩn. Lầy Lầy về làng để tuyển con gái đi Đài Loan mà tiêu chuẩn phải xinh xắn, dễ coi, trẻ, khỏe…lại còn phải "xịn". Lầy Lầy dám bảo bà Duệ lo cho khoản tiền kha khá để vá màng trinh cho con bà trước khi đưa đi xuất ngoại. Và bi thảm nhất là chuyện cả làng há hốc mồm ra khi biết kết quả khám nghĩa vụ quân sự có tới một nửa thanh niên xóm Chùa bị loại vì máu có khoản dương tính với con "Hít" (HIV) (!).
Lão Bản ngậm ngùi: Còn đâu Xóm Chùa ngày xưa nữa. Giờ tha hồ con gái đóng mác xuất ngoại, con giai đu đưa ma túy,ca-ve lẻn vào tận làng hoạt động kiếm tiền. Cái tha hóa len lỏi đến cả nhà ông lão đại tá về hưu có thằng con phá hang làm Khu Du lịch sinh thái rởm Hang Dơi. Nó đưa ba gái về nhà nói dối là để chờ lớp đào tạo nhà buồng, không ngờ một cô khiêu khích được lão già đến nỗi làm ông chết vì nhồi máu cơ tim ngay trên giường (!).
Đọc xong 16 truyện trong tập sách, lòng tôi đau xót quá. Đành rằng không phải chỗ nào cũng như Xóm Chùa này, nhưng rõ ràng ở nhiều nơi nông thôn hiện đã không còn bình yên nữa. Tôi thường xuyên trả lời trên báo cho nên hàng ngày nhận được khá nhiều thư. Bên cạnh những thông tin đáng mừng về thành công của đổi mới cây trồng , vật nuôi và phát triển nghề thủ công, còn không ít những lá thư tâm tình về sự nghèo đói, bỏ học, buồn chán và cả những thư hỏi rất nhiều về chuyện tình dục trước hôn nhân. Nông thôn đang chuyển động.
Cái tốt đang về với làng quê nhưng không ít cái xấu cũng đang len lỏi về theo. Nhà nghỉ, quán Karaokê, cắt tóc thư giãn, Game online …đang tỏa dần đến tận các xóm làng vốn bao đời thanh bình, êm ả. Không ít những cán bộ cơ sở hy sinh việc nhà để gánh vác biết bao công tác giúp đỡ dân làng chỉ với những đồng tiền lương hay phụ cấp quá ít ỏi. Nhưng những Xóm Chùa vẫn hiện diện nơi này nơi nọ với những biến tướng khác nhau, nhưng đều giống nhau ở sự tha hóa của cán bộ cơ sở, sự tê liệt hoạt động của Đảng và các đoàn thể quần chúng, sự bóp nghẹt dân chủ, trù giập người cương trực và sự tiếp nhận dễ dãi những lối sống hưởng thụ không lành mạnh.
Ai cứu những Xóm Chùa nói trên? Câu hỏi đó cần được mọi người suy nghĩ trước khi để tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu. Đừng quên rằng trên 70% cư dân nước ta còn đang sống ở nông thôn và nguồn lực lao đồng để công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đang trông chờ vào lớp trẻ còn đang chưa rời khỏi đồng ruộng hôm nay.
Theo GS. Nguyễn Lân Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét