GẶP PHẬT SÁT PHẬT, GẶP TỔ SÁT TỔ!
******
BÀI THỨ HAI MƯƠI TƯ
1. Tánh Không Nghĩa Là Gì?
Không của Thiền Định thì có, Vô Sắc, Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Không này là Không của trí tưởng tượng mà ra.
Nó khác với Không của tâm, hoàn toàn rỗng lặng trong sáng, hòa nhập vào với vũ trụ, mà không còn khái niệm, tư tưởng, quan niệm gì cả, thì lúc đó là Tánh Không.
Có hai bài kinh, mà nhiều vị sư đọc không hiểu. Đó là kinh Tiểu Không và Đại Không. Trong đó, Đức Phật nói, trước kia, ngài cũng từng nhập vào Không do tưởng sinh. Về sau, ngài mới thực sự Không Trú vào tâm, hoàn toàn rỗng lặng trong sáng, tức là, Không Trú đó, đồng nhất thể với Tánh Không của vũ trụ.
Vũ trụ chính là như vậy. Vũ trụ không như mình nghĩ. Vũ trụ chính là Không.
Ví dụ như bông hoa này. Hoa này là hoa thôi, chứ nó không như mình nghĩ, rằng hoa này mang ý nghĩa gì. Ý nghĩa ấy là do mình đặt vô, chứ còn nó vẫn là Không.
Tâm Không có nhiều tầng bậc.
Không thứ nhứt là Không, khi nghĩ rằng, do vô thường, cho nên không có cái gì là có thực, vì cái gì rồi cũng sẽ biến đổi, cho nên là Không.
Không thứ nhì là Không, khi nghĩ rằng, cái gì cũng có sinh có diệt, khi diệt, mọi thứ sẽ trở về Không
Thí dụ, mình trồng cây ổi, cây ổi chết, là thành Không, hoặc mình để ly nước ngoài trời, một lát sau, nước bị bốc hơi hết, là thành Không. Không này là Không do sinh diệt.
Không thứ ba là Không do nhiều yếu tố hợp lại mà thành.
Ví dụ, nơi mình đang ngồi đây là tháp. Tháp là tên gọi do mình đặt ra. Trên thực tế, nó do nhiều yếu tố tạo nên, gỗ, sắt, xi măng, rất nhiều thứ tổng hợp lại để ra một hình tướng, và mình gọi hình tướng đó là tháp.
Tháp là một khái niệm. Trên thực tế, mình không thể nào chạm cái tháp được. Tay ta chạm đây là chạm vào gỗ, tay ta chạm kia là chạm vào xi măng.
Loại Không thứ ba, Không do nhiều yếu tố tập hợp lại này, khi nó mất một yếu tố là mất luôn.
Thí dụ, nước bao gồm hydro và oxy. Nếu lấy đi oxy hay lấy đi hydro, thì không còn là nước nữa. Nghĩa là, do hợp lại thì thành, không hợp lại nữa thì mất.
Đó là ba cái Không.
Không thứ tư, là cái Không của đối tượng. Nó là nó, chứ nó không phải như mình tưởng là, cho là, muốn là, phải là, mong là, sẽ là. Nó chỉ là nó thôi. Đừng gán nó với bất kỳ cái gì khác.
Chúng ta có thói quen gán tất cả mọi thứ lên sự việc, sự vật.
Thí dụ, gán cho vật này là cây ổi, gán cho vật kia là cây xoài. Con người thì có vô số gán, anh này là anh A, anh kia là anh B, rồi anh C. Đủ thứ tên. Đủ thứ chụp mũ lên trên cái thực.
Nghĩa là, mình sống với nhau trên cái chụp mũ, chứ không phải là sống với nhau trên cái thực.
Không là Không bị chụp mũ. Không chính là Pháp như nó là.
Không thứ năm là Không chủ thể, nghĩa là, mình luôn cho mình có một cái tôi.
Nhưng khi tâm mình hoàn toàn rỗng lặng, trong sáng, thì không còn khái niệm, không còn tư tưởng, không có cái tôi, không có Phật, không có phàm, không có thánh. Tất cả chỉ là Không, hoàn toàn rỗng lặng, trong sáng.
Đức Phật nói, hồi xưa thì trú vào mấy cái Không kia, còn bây giờ mới thật sự là trú vào cái Không này. Đó là Không, mà khi ngài đã giác ngộ được. Nó không còn bản ngã, không còn khái niệm, không còn tư tưởng, tâm hoàn toàn trong sáng.
Đó chính là Tánh Không.
Tánh Không thật sự, không gán cho bản thân mình là ngã, không gán bất kỳ gì lên Pháp, nên Tánh Không này còn gọi là Không chấp ngã, Không chấp pháp.
******
2. Quả Thật Điều Nguy Hại, Người Ngu Sinh Đắc Tri, Hủy Phần Sáng Của Mình, Tự Chẻ Đầu Chính Nó
Ngày xưa, thầy vẫn thường hay đọc những câu, mà theo thầy, nó quá tuyệt vời này:
quả thật điều nguy hại
người ngu sinh đắc, tri
hủy phần sáng của mình
tự chẻ đầu chính nó
Tâm của mình, nếu không có gì che lấp, chi phối, thì tâm đó, vốn đã sáng rồi, đã hoàn hảo rồi, không cần phải đi tìm đâu nữa.
Tâm ta vốn sáng tự nhiên, hoàn hảo tự nhiên. Đó chính là Tâm Không, Tánh Không, và rỗng lặng một cách kỳ diệu. Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, chạm, đều là trung thực hết.
Nhưng mình lại không thấy Pháp đã hoàn hảo, mình lại khởi tâm, muốn đi tìm kiếm điều này điều kia, Sở Tri, Sở Đắc, thành thử làm hủy đi phần sáng tự nhiên đó.
Có người hỏi, tại sao mỗi người đều có Phật tánh, mỗi người đều có tánh giác, vậy thì tại sao lại vẫn cứ tham sân si, vẫn cứ phiền não khổ đau?
Cũng là Biết, nhưng thay vì buông ra để cho Biết tự chiếu, thì mình lại cố dùng Biết, để mà đầu tư, để mà thực hiện điều mình muốn, cho nên, mình mới bị kẹt, bị dính mắc vào đối tượng mình muốn đó, và làm mất đi phần sáng vốn tự nhiên của Biết.
Ví dụ, mình là người có nhiều tiền bạc, muốn mua gì cũng đều có thể. Nhưng mình mang tiền đó, đầu tư vào thị trường chứng khoán. Khi được, mình thích quá, dồn hết tiền vào đó, và rồi, mất hết trơn.
Tánh Biết, tánh Giác, Phật tánh của mình, cũng giống như vậy. Tiền đang có sẵn, nhưng lại đem hết đi đầu tư, quên hết mọi thứ.
Một ví dụ khác, anh A yêu cô B. Anh A đầu tư tất cả tinh thần, tình cảm, sức lực, tài sản, vào cô B đó. Khi yêu, anh A quên tất cả mọi thứ, cha mẹ, anh em, bạn bè, công việc.
Cả cuộc đời này là một vẻ đẹp hoàn hảo, thì anh ấy không thấy, anh ấy lại đem đầu tư hết vào chỉ một người mình yêu. Khi mất tình yêu đó, xem như anh A mất hết.
******
3. Gặp Phật Sát Phật, Gặp Tổ Sát Tổ
Câu, không có gì quý hơn độc lập, tự do, không chỉ có giá trị trong đời sống, mà trong đạo cũng có giá trị hệt vậy.
Khi nào mình hoàn toàn độc lập tự do, tức là, không bị ràng buộc, không bị chi phối bởi bất kỳ điều gì, thì khi ấy, mình mới đạt được hạnh phúc cao nhất.
Nói như vậy, không có nghĩa là mình phóng túng, muốn làm gì thì làm. Tự do ở đây, cần hiểu theo nghĩa, là được tự do sống với cái thực trọn vẹn. Ta và thực, là một.
Khi ta khởi lên bản ngã, muốn cái này, muốn cái kia, chính lúc ấy, ta đã tự che lấp, tự ràng buộc mình. Mình muốn tự do, mình phải cởi bỏ những che lấp, trói buộc đó đi: xả ly, ly tham, đoạn diệt.
Trong tu tập, nhiều người vẫn hiểu sai, thêm vô là tốt, mỗi ngày thêm vô một ít, thêm được chút nào hay chút đó.
Họ đã không hiểu, tu chính là buông, buông mỗi ngày thêm một ít, buông thêm được chút nào hay chút đó. Buông hết tất cả những gì mà trước nay, mình tự ràng buộc, mình tự trói buộc.
Cũng cần nhớ, mình đang sống trong pháp luật, thì mình phải sống đúng với pháp luật; mình đang sống trong giới luật, mình phải sống đúng với giới luật. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là mất tự do.
Tự do này cần hiểu cho đúng. Tự do, không có nghĩa là phóng túng, mà tự do, có nghĩa là tâm hồn không còn bị ràng buộc bởi điều gì nữa.
Tự do này là tự do khỏi những ảo tưởng, những ảo tưởng của tự con người nghĩ ra, và tự con người trói buộc mình vào đó.
Chính vì vậy, mà mới có câu để đời của một vị thiền sư: GẶP PHẬT SÁT PHẬT, GẶP TỔ SÁT TỔ!
Câu này có nghĩa là, mình không để mình bị lệ thuộc vào ai hết, mình chính là nơi nương nhờ của mình, chớ không nương nhờ bất kỳ ai khác.
Ngay cả vị thầy cũng vậy. Thầy không phải là người để chúng ta lệ thuộc. Thầy chỉ là người gợi ý, chỉ là người khai thị. Chính mình phải tự thấy.
Không còn bị ràng buộc, để thường trọn vẹn rõ biết, thấy ra những tự che lấp, những tự trói buộc của mình trong dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
Giải thoát, vì vậy, mang nghĩa, giải thoát tâm mình ra khỏi dục giới, sắc giới và vô sắc giới - do chính tâm con người tạo ra tam giới này (tam giới duy tâm) - để tâm được hoàn toàn rỗng lặng, trong sáng.
******
4. Chữ Phật Có Nghĩa Là Sáng Suốt Rõ Biết
Thông thường, ai cũng thích sự hòa hợp, như vừa rồi, có người hỏi thầy, là làm thế nào để có thể sống Lục Hòa.
Nhưng nếu cố sống Lục Hòa, thì nó lại sinh ra lủng củng. Cho nên Đức Phật mới dạy, mỗi người tự biết mình, điều chỉnh chính mình, thì cộng đồng sẽ tốt đẹp.
Giả sử, trong một khu phố, có một trăm gia đình. Tất cả mọi người trong một trăm gia đình này, đều giữ được sự tốt đẹp cho chính mình, thì tự nhiên, cả khu phố đó đều tốt đẹp.
Nhưng nếu khu phố, ngày nào cũng họp tất cả mọi người lại, rồi yêu cầu, phải là thế này, phải là thế kia, thì sẽ sinh ra rắc rối.
Trong công ty cũng vậy, khi làm việc, mình cần bình tĩnh, sáng suốt, phục vụ hết lòng cùng tâm tâm vị tha.
Ai nói gì mặc họ, ngay cả khi, có những người ích kỷ, họ nói, làm gì mà làm nhiều vậy, làm sơ sơ thôi, nghỉ ngơi cho khỏe, dại gì mà phục vụ cho mệt.
Khi mình làm việc, phục vụ hết lòng với một tâm vị tha như vậy, trước hết, chính bản thân mình sẽ nhận được hạnh phúc.
Mình vẫn lắng nghe ý kiến chung quanh, nhưng mình không để bị lệ thuộc vào những dư luận chung quanh đó.
Khi thầy đi thuyết pháp tại các đạo tràng, thầy nhận thấy, có một số người dẫn dắt đạo tràng rất chủ quan. Họ hay bắt buộc đạo tràng phải thế này, phải thế kia, phải thế nọ. Thành thử, thay vì giúp cho người ta giải thoát, thì ở đây, lại trói buộc thêm họ.
Trong Đạo Phật, vẫn là mỗi người phải tự điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt. Mỗi người mà đúng tốt, thì sẽ đóng góp cho cộng đồng, đóng góp cho xã hội đúng tốt.
Chữ Phật có nghĩa là sáng suốt, rõ biết, cho nên mục đích của Đạo Phật là, mình phải luôn sáng suốt, rõ biết mình, để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt. Khi mình đúng tốt, thì sẽ vừa an lạc cho mình, vừa an lạc cho đời.
Khi mình cứ muốn mọi người phải đúng tốt như thế nào đó, thì có khi nó sẽ sinh ra xung đột, cho nên, mình cần trọn vẹn, rõ biết mình là chính.
******
5. Cảm Nghĩ
Tôi kính trọng và yêu mến sư ông Viên Minh biết là bao.
Kính trọng vì sư ông là một bậc đức cao vọng trọng, kính trọng còn vì kiến thức, kiến văn, kiến Pháp của sư tột đỉnh, không thắc mắc nào mà sư ông không giải quyết rốt ráo, thấu lý, đạt tình.
Yêu mến là bởi sư ông giảng Pháp, nói Pháp rất hay, rất dễ hiểu; yêu mến còn là vì, sư ông luôn mong muốn, qua các giải đáp của mình, mọi người sẽ có được một cuộc sống đơn giản nhứt, dễ chịu nhứt, tự do nhứt, và, hạnh phúc nhứt.
Xin tán thán công đức của sư ông Viên Minh. Thân mến chúc các bạn vui vẻ và hạnh phúc.
Phạm Hiền Mây
******
Nguồn Bài Giảng
Đây là văn bản được chuyển từ bài nói chuyện của sư Viên Minh, trong video mang tên Vấn Đáp - Ngày 8 - Khóa Giảng Thiền Thứ 23 - HT. Viên Minh. Phát hành ngày 22.09.24, trên kênh YouTube Trà Đạo Bửu Long.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét