Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

BỂ DÂU


- Lê Vĩnh Huy - Vinhhuy Le 

Ta đã đi qua thế giới mù
Đất trời tao loạn tựa hoang vu (Trần Huyền Trân)

Gió. Gió lay. Gió quật. Gió gầm gào bất tận không ngơi, sông Cái chẳng khi nào yên nghỉ. Dải đất ven sông nay đã thành vô chủ, trớ trêu sao vẫn còn lại tụi chuối ken nhau dày mịt thành rừng như muốn chắn sóng lở bờ. Chuối ma mọc gần bít lối, không tàu chuối nào còn nguyên vẹn hình thù. Những tàu lá khô te tua rũ rượi bị gió giằng giật bốn phương tám hướng xao xác hòa điệu cùng tiếng sóng ầm ì. Trải ngần đó năm, chuối vẫn kiên trì tựa vào nhau đâm con nảy tược, giữ chút sắc xanh cho mảnh đất hoang tàn.

Trên mỏm đất nhô lên thoi loi trơ trọi ngoài vàm, hai bóng người đứng đâu lưng lặng lẽ, mặc gió quật phần phật như muốn giật tóc tuốt da.

Tề khoanh tay cười nhạt, để ánh mắt mơn man từng tàu chuối tua rua. Thiệt không dè chuối lại ngạo tang thương, vẫn tồn tại sau bao dâu bể kinh hồn.

Shirley Phạm chống nạnh ngó mông ra mịt mùng bọt sóng, con nhỏ cứ hít hà nhón gót nhảy tưng tưng, chỉ trỏ lung tung tám cõi:

– Sóng Thắm kìa, sóng Lên kìa, sóng Tươi kìa, sóng Tề kìa! Cậu ơi cậu ơi, nhìn đi nhìn đi, cả gia đình loi nhoi như bầy giòi kìa, ha ha ha!

Những con sóng hùng vĩ trồi hụp tung hoành trên khoảng rộng bao la, thi nhau hất tung bọt nước bịt bùng bao phủ chỗ hai đứa đứng. Bất chợt, một con sóng hung hãn chồm thẳng lên quá gối hai người. Shirley la lên oai oái:

– Ê, coi chừng cậu ơi! Có khi nào đất lại lở, hai đứa mình kể như tiêu!

* * *

Đó cũng là câu hăm mấy năm xưa Tề từng kêu lên với chị Thắm, bị chị nạt luôn:

– Thằng này, đất có lở thì cũng lở từ từ, có đâu tự dưng sụp cái rột được!

Chị Thắm trợn đôi mắt xếch âm dương hai tròng nạt ngang làm thằng Tề cụt hứng. Nó lặng thinh thò tay xuống khoang xuồng khẳm, quắp lấy cục đất đen thui chắc nịch bự bằng con heo con, giạng chân lấy thế quăng lên cao sát bờ ven. Chị Thắm cặm cụi na từng cục đất do Tề thẩy lên, quăng ập vô tường bờ bao, rồi dùng cả tay lẫn chân vừa đạp vừa đập vừa miết vừa vỗ vừa thoa, cho từng viên một dính khắng liền nhau, kết thành tấm tường dài dựng đứng hiên ngang chận sóng.

Tha xong mớ đất trên xuồng, Tề lóp ngóp bước vô, lại liệng tiếp đống đất đó chuyền lên chỗ cao hơn cho Thắm. Hai chị em cần mẫn liệng, chụp, thoa, đạp tới tấp không kịp đếm, cho tới chừng đống đất dẻ khắc hóa thân nhập hoàn toàn vô bờ bao.

Con nước đang lớn dâng lên lừng lững, sóng vỗ oàm oạp. Tề rẽ nước chồi ra sông Cái, nó bơi kiểu tự chế: duỗi thẳng hai tay chắp lại, xoay mình như mũi khoan chúi thẳng vào con sóng đang chồm lên. Tề gọi đây là kiểu bơi “Giao long giỡn sóng”, bà Thắm lại kêu là kiểu “Hà bá ngoáy trầu”.

Ngoái lại trên bờ, Tề thấy chị Thắm vẫn đang loay hoay o bế trường thành cho láng. Bộ bà ba lướt mướt bùn dính sát người, trông chị như cùng tiệp vào màu đất, hòa thành một với bờ bao.

Cẩn thận vuốt ve đoạn bờ vừa đắp lần nữa, rồi chị men theo con dốc, trèo lên chót vót mặt ven chống nạnh nhìn xuống, ý để ngắm công trình cho mãn nhãn.

Tề ngây người trật ót ngó lên. Sau lưng chị là vầng mặt trời đỏ ối. Nắng chiều xiên ngang đôi tay chống nạnh, làm nổi bật từng đường cong uốn lượn trập trùng. Bóng chị ngã dài như muốn trùm xuống ôm trọn bờ ven. Tề ngửa mặt, giơ hai nắm đấm lên thoi mạnh trời cao, cười dài lồng lộng. Cung Đâu Suất có bà Nữ Oa luyện đá vá trời, thì ở vàm rạch Đầu Trâu chiều nay, có bà Hai Thắm xắn quần bồi đất!

* * *

Hai chị em tình cờ quen nhau do một con “tàu tống”. Kêu bằng “tàu”, thiệt ra nó chỉ là chiếc bè chuối dài hơn nửa thước, trên chất đủ thứ trái cây nhang đèn với con gà luộc. Ở miệt này, “tàu tống” là thứ đáng sợ, được đan dệt nhiều đời thành đủ thứ chuyện ma quỷ ly kỳ. Người ta bảo nhau, đó là tàu tiễn ma quái. Ai lỡ dại ngoắc hay cất tiếng kêu thì nó liền tấp vô, người ngoắc sẽ bị ma dữ ám, không thầy bà nào trục nổi.

Bữa trưa đó, thoắt nhận ra tàu tống, Tề nhảy cỡn ngoắc lia lịa, nước miếng nhễu thiếu điều ngập họng khi thấy con gà luộc đang ngóc mỏ âu sầu phơi lườn béo ngậy trên tàu. Nhưng con tàu mắc dịch lại đách ứng khớp lời đồn, Tề càng ngoắc, nó càng lượn lờ trôi nhanh ra xa mong tháo chạy theo con nước ròng.

– Bớ tàu tống âm binh chó đẻ, mau mau đình thủy, bớ con tàu!

Vừa la làng chói lói, Tề vừa xách cây sào hớt hải băng bờ lướt bụi vọt theo chiếc bè chuối sắp đem con gà luộc tuôn ra sông Cái. Tới chỗ vườn nhà ông Tư Bìm Bịp ngoài vàm thì Tề bị ngoéo lại. Một chị nước da bánh mật, dáng người chắc lỏn, nhảy ra túm áo kéo nó:

– Nè thằng quỷ nhỏ! Mầy biết thứ gì đó hông mà dám rượt theo?

Tề xoay người nhẹ huơ tay một vòng giải cú chụp, cười khèng khẹc. Ước lượng trớn bơi còn kịp, nó lấy đà phóng đùng luôn xuống rạch lao theo con tàu ma, không quên quát lại chọc quê chị gái nọ:

– Khè khè, là “tàu tống” chứ giống ôn gì! Đ.mẹ con tàu kia chở yêu quái phương nào, lão Tôn ta kêu rát họng cũng đách thèm ghé động a, cha chả là tức mà!

Túm được con tàu, Tề lễ mễ chuyển hết phẩm vật trái cây, gà luộc lên bờ. Thấy chị kia tò tò lần theo gần đó, nó ra oai đạp thẳng giò, tiễn tàu tống ra sông rộng:

– Tốt, vậy thôi cũng tạm, lão Tôn ta cho phép bây lui!

Chiếc bè chỉ còn mớ cờ phướn với lư nhang bùa vẽ trơ trọi, tiu nguỷu “lui” thẳng, băng băng theo con nước xiết. Chị nọ bật cười, tiếng trong vắt vang vang như chuông vàng đổ hột:

– Mầy là thằng quỷ !
– Hổng dám, quá khen đa nghen! Dám hỏi quý nương cao nhân thần thánh phương nào?

Chị gái trợn trừng đôi mắt, ghé sát mặt nó:

– Ta là ma lai rút ruột, con gái ông Tư Bìm Bịp nè!

Tề sửng sốt nhận ra sự bất thường tà khí trong đôi mắt chị. Đúng như lời đồn về con gái ông Tư, đôi ngươi chị bên tròng đen bên tròng nâu, ánh nhìn sáng quắc dữ tợn đang long lên rừng rực, như có lửa đỏ bên trong.

Đôi bên giương mắt nhìn xoáy vào nhau “đấu nhãn”. Hơi thở chị thật gần, thoang thoảng mùi thơm ổi chín, cái đó khiến Tề bối rối cụp mắt lại.

– Thôi được, yêu nữ kia, nay ta phong ngươi làm áp trại phu nhơn. Nè, chị ăn gà luộc hông?

Chị Thắm bật cười:

– Thằng cốt đột nầy, mầy thiệt hổng sợ ta à?
– Ê nghỉ khỏe đi Tám! Tàu tống kia chở cả bầy ma ba sáu động còn bị tui rượt, bắt nạp mãi lộ, chị nhằm nhò gì mà hòng ngí ngố hả?

Từ đó cả hai thành quen biết, và ngày càng thân thiết nhau hơn.

* * *

Nếu tính theo vai vế bà con cốc đế, thì ông Tư Bìm Bịp là hàng chú bác của ông ngoại Tề. Có lần Tề thử gọi chị Thắm bằng dì, đang nói cười ngon trớn, chị khựng lại kinh ngạc, đá đít nó cái bốp:

– Thằng cốt đột! Miễn sao chị em mình thương nhau là đủ, cần đách gì nhận bà con họ hàng!

Đúng, nhận mà chi, khi bà con họ hàng thân thuộc nội ngoại đều từ bỏ chị. Ngày chị được sinh ra, đôi mắt hai tròng quái dị làm trong thân tộc thảy kinh hoàng. Cả tụi hè nhau làm áp lực, đòi ba má phải bỏ chị lên tàu tống vong, thả cho trôi ra sông Cái. Bà mẹ vừa mới sinh còn mềm như cua lột, phải gắng gượng một mình ẵm con bơi xuồng từ vàm Đại Ngãi bên Sóc Trăng qua chốn đầu đất cuối trời này của Trà Vinh để nương náu…

Và bờ bao hiên ngang ưỡn ngực chịu sóng hứng gió ngoài vàm này chống đỡ cho vườn tược núp phía sau kia, trong đó có vườn nhà thằng Tề, là do một tay bà Tư, mẹ chị Thắm, một mình đảm đương. Giờ đến lượt chị.

Bờ mỗi năm phải mỗi đắp, hổng hiểu do nước sông ngày một dâng cao hay đất đang ngày một chìm dần. Mỗi lần đắp thêm, chân bờ lại giang rộng ra cho thêm vững chãi; bề mặt bờ ven phải chịu hẹp lại, có đoạn chỉ còn bằng gang tay.

Nội chạy trên bờ ven đó thôi cũng đủ nguy hiểm, chỉ cần có cục đất mô lên làm vấp là té nhào gãy cổ như chơi. Có lần tắm dưới sông nhằm lúc nước ròng, ngó lên thấy bờ ven cao ngất, sóng vỗ dập dìu như mơn như ru, Tề hoảng hồn thấy bờ ven lắc lư cục cựa, như đang muốn hóa làm hòn, để được trôi ra giữa sông…

Chị Thắm trầm ngâm hồi lâu, gật đầu thủng thẳng:

– Bờ ven thì không biết chạy, nhưng nó có thể sụp đó Tề. Em có để ý không, khúc bên mình đang bị lở…

Đó cũng là điều Tề đã nhận thấy nhưng không dám nói ra. Đ.má, bờ bao này mà sụp thì cả vùng Đầu Trâu sẽ lênh láng nước thấy thương, vườn tược hoa màu coi như cúng Hà bá, làm sao bây giờ?

– Làm gì được nữa, mình đã cố hết sức rồi. Giờ chỉ còn nước phá vườn trồng tre. Tre chịu ngập, dễ trồng, giữ được bờ ven, không sợ rớt giá.

– Ừa giỏi, chị biết tre trồng bao lâu thì thu hoạch hông?
– Hai năm.
– Trong hai năm đó, chị chịu khó kết lá tre làm nón nha!
– Chi mậy?
– Đi ăn mày chờ tre lớn chớ chi!

Chị phì cười cốc đầu Tề:

– Đồ ngốc bày đặt tài lanh! Mình xen vô trỏng trồng chuối, tỉa bắp, đậu, lấy ngắn nuôi dài, ai cấm.

Nói là làm, hôm sau chị giựt máy Kô-le, băng ngang sông Cái mua máy cưa về phá vườn vú sữa xum xuê.

Phụ chị phá vườn mà Tề thất thần như bị ai cắt từng đoạn ruột. Những cành vú sữa gãy gục làm tối sầm cả giấc mơ của thằng nhóc.

* * *

Bờ đã đắp xong, tre chuối lên đều, chị Thắm vẫn thấp thỏm nhìn ra sông Cái, van vái nước năm nay từ sông Tiền san về đừng lên cao quá. Tề thì tí tớn chắp tay sau đít hút gió gọi thủy thần:

– Con nước rong ơi, về mau đi, dâng lên ngập mẹ hết đi! Lão Tôn đang hứng, muốn mượn Long vương vài món bửu bối!
– Nè thằng quỷ, phía trong kia còn vườn nhà mầy đa!
– Thì kệ, cho ngập luôn mà! Tui biểu ba mẹ phá vườn trồng tre, ổng bả hông nghe. Chuyến này nước vô mênh mênh mông mông, hả hả! Cho thành bình địa, tui làm lại từ đầu!

Chị Thắm xoa xoa lên mớ tóc cháy nắng như râu bắp của Tề:

– Em chưa biết nước ngập kinh hồn cỡ nào đâu Tề!

Tề làm thinh không chấp, nó chắp tay sau đít, lặng lẽ đếm từng con sóng lưỡi búa gầm gào.

Năm kỉa năm kia, nó đã từng thấy cảnh bể bờ bao bên vườn Năm Quăng. Sức nước lật tung cả đoạn đê bao, bóp vụn nó ra, chỉ trong nháy mắt, mương và vườn chan hòa thành một, nước láng lênh cuồn cuộn. Một loạt vườn rẫy liền kề đều tan tác, cây trái sau đó úa tàn rũ rượi, heo gà thảy được hóa kiếp vô nồi…

Nước rong rồi kém, lớn lại ròng. Bờ bao vẫn choãi chân ra sông Cái, như tấm giáp trước ngực chiến binh ngang ngạnh, cứ chìa ra hứng sóng chịu gió cho rạch Đầu Trâu. Mùa nước rong lên cao nhất, mực nước cũng chỉ lé đé cách mặt bờ non tấc. Khi con nước hạ dần, Tề bần thần ra đứng chỗ lượn bờ bao ưỡn ra sông Cái. Dân Đầu Trâu bỏ mặc bà Tư và chị Thắm trơ trọi ngoài vàm, độc lực trần thân móc sông bồi đất hứng mũi chịu sào, sao thủy thần lại có thể dung tha cho tụi đó chứ hả?

Chị Thắm đã đến phía sau tự lúc nào. Chị vòng tay ôm lấy nó, bộ ngực vun đầy áp sát vô lưng Tề chứa chan tin cậy.

– Tề thấy chưa, sông Cái cũng biết thương chị em mình…

Tề chầm chậm lắc đầu. Nước mắt nó ứa ra, rồi tuôn lã chã. Gió quạt hai hàng nước mắt xiên xẹo đâm bang trên đôi má bầu.

– Chị ơi chị ơi, mình còn phải đắp bờ tới chừng nào đây?
– Tới chừng nào Trời Phật còn thương…

Tề vùng ra, cởi phăng áo, quăng mình xuống sông theo tư thế “Hà bá ngoáy trầu”. Nó nín thở hả họng hớp đầy một họng nước để nuốt xuống một câu tàn nhẫn: “Vậy thì cầu cho Trời Phật đừng thương chị nữa đi!”

* * *

Trời Phật ghét thương sao đó mà xui khiến chị Thắm của Tề có bầu, cái bụng cứ chang bang chình ình ra. Chị không nói, Tề cũng không hỏi cha của đứa trẻ trong bụng chị là ai. Bà Tư sùi sụt khóc, bỏ đi mấy ngày rồi cũng về, lụi cụi săn sóc chị. Chị Thắm má hóp mắt thâm vẫn è ạch ra sông đắp bao chắn sóng. Bờ ven này có phải mối oan khiên chị gánh đâu từ đời kiếp trước, ven càng dày càng cao thì nghiệp chị mới mòn mới tiêu sao chị?

Nghe bà Tư nói chị cận ngày ở cữ, Tề khoét sừng trâu làm tù và, dặn:

– Chừng nào chỉ trở dạ thì bà thổi lên tù tu một dài một ngắn, để con ra phụ.

Nhưng nửa đêm chị sinh, thì đến sáng bạch tiếng tù và mới cất lên. Một mình chị đã lẳng lặng tự xuống xuồng nổ máy chạy mút qua rạch Quít kêu cửa bà mụ Liễu. Cũng may, dì Liễu cứ thấy sản phụ là ra tay hành nghề, không hạch hỏi oong-đơ, chừng lôi hai bé gái ra xong mới biết mình vừa đỡ đẻ cho ma lai, con gái ông Tư Bìm Bịp.

Từ đó, trong gian nhà kẽo kẹt ngoài vàm, mỗi đầu hôm sớm mai đều văng vẳng tiếng bà Tư thỉnh chuông gõ mõ. Tề không chịu nổi điệu chuông đó, mỗi lần nghe tiếng boong-boong, nó lại nhăn nhó khổ sở y như Ngộ Không bị niệm chú cẩn cô. Chịu hết xiết, nó van bà Tư đừng tụng nữa, kinh kệ gì nghe rầu rĩ thấy tía.

– Bà ăn chay niệm Phật là cầu cho hai đứa nhỏ, mong Trời Phật thương, phù hộ độ trì, để sau này không phải chịu khổ như đời mẹ đời bà tụi nó.

Tề cứng họng, đành chịu quen dần với tiếng chuông mõ, hai đứa nhỏ dễ thương quá mà!

Tuy chị Thắm không nói, nhưng Tề vẫn biết chắc: Việc đầu tiên chị làm khi vừa sinh con là vạch mắt cả hai ra, coi thử tròng mắt có gì khác lạ không. Ngay cả Tề, sau này nhiều lúc vẫn hay bất thần giật thột, bắt phải soi kỹ từng con ngươi tụi nó, coi có thay đổi pha màu lỗi nhịp gì hông. Đôi mắt Tươi và Lên sáng trưng lóng lánh đen như hột nhãn. Hai chị em giống nhau y chang từ điệu bộ mười hai bà mụ dạy chu môi tróc lưỡi cho tới tiếng khóc ngằn ngặt đòi bồng, thậm chí tới cái bớt ở khuỷu tay hai đứa cũng y chang, may là đứa bớt bên phải, đứa bớt trái, giống như ai đó đã đóng dấu giáp lai, vừa là gắn kết vừa giúp phân biệt hai chị em.

Chìa ngón tay cho hai đứa song sinh nắm chặt, Tề cười lâng lâng, quên kể với chị Thắm: Ngoài kia, khúc sông vàm Đầu Trâu đang ngày đêm lở lói ì đùng.

* * *

Chị Thắm đem con Tươi sang tay cho Tề rồi lật đật trở vô cho con Lên đang sốt uống thuốc. Con kia khóc quấy làm con này cũng ré theo. Nhà tự dưng có tới hai đám giặc, ai nấy quýnh quáng như gà mắc đẻ mỗi khi hai tụi nầy làm mình làm mẩy.

Tề nhường võng cho chị Thắm và Lên, nó đòng đưa con Tươi, tìm cách chọc cười con nhỏ.

– Tề ơi, chị định khi cứng cáp sẽ sang hết vườn tược để lên Sài Gòn, không ở đây nữa đâu!
– Hổng be bờ giữ đất nữa ha chị?
– Thằng khỉ, ở đó ngoắt ngoéo tao, trước khác giờ khác! Có hai đứa nhỏ rồi, chị phải bước ra đối mặt với nhân gian thôi.

Tiếng cặp ngỗng quàng quạc ầm ĩ hướng hàng tre Mạnh Tông làm Tề nhấp nhổm không yên. Giờ này, cặp ngỗng hộ vệ phải đi tuần quanh nhà, sao bỗng men ra lối đó? Mà tụi con Hạo, con Hực, con Tào, con Lao, bốn chó Phú Quốc tinh khôn dũng mãnh nữa, sao đều co ro cúm rúm ngoài sân, cụp đuôi ăng ẳng như rên như la?

Tề dợm đưa con Tươi cho bà Tư để ra ngoài xem xét nhưng thấy bà đang ngoáy trầu nên thôi, nó ẵm luôn con nhỏ chạy ra. Vừa bước khỏi ngạch cửa, không dưng Tề phóng gấp, con Tươi trong tay cứ nhẹ tênh. Ngoảnh lại đưa mắt nhìn về gian nhà, Tề thấy một làn sương kỳ cục mông lung bao trùm bên trong. Bà Tư đang ngước lên tính kêu gì đó. Rõ ràng bộ ván gõ bà ngồi đang cựa quậy, rồi nó nhảy lưng tưng chòng chành, bà Tư bị hất tung lên rồi biến mất tiêu. Chị Thắm vừa ẵm con Lên bật dậy thì toàn bộ căn nhà bị tháo rời, cột kèo bung hoát, ngói chạy vèo vèo lả tả. Cây cột cái ngã rầm ngang lưng hai mẹ con. Chị Thắm giương to đôi mắt hai tròng nhìn Tề như thảng thốt: “Vụ gì vậy, Tề?” Căn nhà với khoảnh sân trộn lộn vào nhau như bộ bài đang bị xóc. Tất cả bỗng quay tròn quay tròn rồi hô biến, xong phim.

Con Tươi cựa quậy, khóc thét lên, nó làm xấu ỉa phẹt bệt ra cả tay Tề. Chỉ trong chớp mắt, con nhỏ mất hết, mất mẹ, mất em song sinh, mất ngoại, mất luôn vườn đất, bờ ven, tới cái quần để thay cũng không còn.

* * *

Nước mắt Shirley Phạm ướt đẫm lưng áo Tề tự lúc nào. Tề thây kệ, để con nhỏ khóc cho ngon. Gã xoay người nhìn ra sông Cái, ngửa cổ hú dài làm tiếng sói tru dồn dập từng hồi. Đang tru ngon trớn, Tề bỗng giật thột như bị điện giựt vì Shirley vừa dán sát người vô lưng gã. Con nhỏ bật cười:

– Á ngộ, cha nội này còn trai tân nè, lêu lêu!
– Tân cái đầu mầy, đồ âm binh!

Shirley giương mười móng tay nhọn hoắt chờn vờn như muốn cào mặt Tề, nó trợn ngược tròng trắng lè lưỡi dài thoòng:

– Ta không phải âm binh, ta là ma lai, ta muốn rút ruột ngươi đây!

Tề mắc cười nhưng ráng kềm:

– Thôi đừng giỡn nữa, cậu nói cho nghe, còn một vụ nghiêm trọng thiên đình nữa, muốn nghe hôn?
– Muốn. Nói con nghe đi, vụ gì vậy cậu?
– Mầy không phải con Tươi, mà là con Lên. Con Tươi mới là đứa được mẹ nó ẵm theo bà ngoại!

Con nhỏ hoảng hồn nhảy dựng lên:
– Ê mầy điên rồi, thằng Tề cốt đột!

Lê Vĩnh Huy (Vinhhuy Le), Trà Vinh – 18/2/2016

Không có nhận xét nào: