Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

BỂ DÂU


- Lê Vĩnh Huy - Vinhhuy Le 

Ta đã đi qua thế giới mù
Đất trời tao loạn tựa hoang vu (Trần Huyền Trân)

Gió. Gió lay. Gió quật. Gió gầm gào bất tận không ngơi, sông Cái chẳng khi nào yên nghỉ. Dải đất ven sông nay đã thành vô chủ, trớ trêu sao vẫn còn lại tụi chuối ken nhau dày mịt thành rừng như muốn chắn sóng lở bờ. Chuối ma mọc gần bít lối, không tàu chuối nào còn nguyên vẹn hình thù. Những tàu lá khô te tua rũ rượi bị gió giằng giật bốn phương tám hướng xao xác hòa điệu cùng tiếng sóng ầm ì. Trải ngần đó năm, chuối vẫn kiên trì tựa vào nhau đâm con nảy tược, giữ chút sắc xanh cho mảnh đất hoang tàn.

Trên mỏm đất nhô lên thoi loi trơ trọi ngoài vàm, hai bóng người đứng đâu lưng lặng lẽ, mặc gió quật phần phật như muốn giật tóc tuốt da.

Tề khoanh tay cười nhạt, để ánh mắt mơn man từng tàu chuối tua rua. Thiệt không dè chuối lại ngạo tang thương, vẫn tồn tại sau bao dâu bể kinh hồn.

Shirley Phạm chống nạnh ngó mông ra mịt mùng bọt sóng, con nhỏ cứ hít hà nhón gót nhảy tưng tưng, chỉ trỏ lung tung tám cõi:

– Sóng Thắm kìa, sóng Lên kìa, sóng Tươi kìa, sóng Tề kìa! Cậu ơi cậu ơi, nhìn đi nhìn đi, cả gia đình loi nhoi như bầy giòi kìa, ha ha ha!

Những con sóng hùng vĩ trồi hụp tung hoành trên khoảng rộng bao la, thi nhau hất tung bọt nước bịt bùng bao phủ chỗ hai đứa đứng. Bất chợt, một con sóng hung hãn chồm thẳng lên quá gối hai người. Shirley la lên oai oái:

– Ê, coi chừng cậu ơi! Có khi nào đất lại lở, hai đứa mình kể như tiêu!

* * *

Đó cũng là câu hăm mấy năm xưa Tề từng kêu lên với chị Thắm, bị chị nạt luôn:

– Thằng này, đất có lở thì cũng lở từ từ, có đâu tự dưng sụp cái rột được!

Chị Thắm trợn đôi mắt xếch âm dương hai tròng nạt ngang làm thằng Tề cụt hứng. Nó lặng thinh thò tay xuống khoang xuồng khẳm, quắp lấy cục đất đen thui chắc nịch bự bằng con heo con, giạng chân lấy thế quăng lên cao sát bờ ven. Chị Thắm cặm cụi na từng cục đất do Tề thẩy lên, quăng ập vô tường bờ bao, rồi dùng cả tay lẫn chân vừa đạp vừa đập vừa miết vừa vỗ vừa thoa, cho từng viên một dính khắng liền nhau, kết thành tấm tường dài dựng đứng hiên ngang chận sóng.

Tha xong mớ đất trên xuồng, Tề lóp ngóp bước vô, lại liệng tiếp đống đất đó chuyền lên chỗ cao hơn cho Thắm. Hai chị em cần mẫn liệng, chụp, thoa, đạp tới tấp không kịp đếm, cho tới chừng đống đất dẻ khắc hóa thân nhập hoàn toàn vô bờ bao.

Con nước đang lớn dâng lên lừng lững, sóng vỗ oàm oạp. Tề rẽ nước chồi ra sông Cái, nó bơi kiểu tự chế: duỗi thẳng hai tay chắp lại, xoay mình như mũi khoan chúi thẳng vào con sóng đang chồm lên. Tề gọi đây là kiểu bơi “Giao long giỡn sóng”, bà Thắm lại kêu là kiểu “Hà bá ngoáy trầu”.

Ngoái lại trên bờ, Tề thấy chị Thắm vẫn đang loay hoay o bế trường thành cho láng. Bộ bà ba lướt mướt bùn dính sát người, trông chị như cùng tiệp vào màu đất, hòa thành một với bờ bao.

Cẩn thận vuốt ve đoạn bờ vừa đắp lần nữa, rồi chị men theo con dốc, trèo lên chót vót mặt ven chống nạnh nhìn xuống, ý để ngắm công trình cho mãn nhãn.

Tề ngây người trật ót ngó lên. Sau lưng chị là vầng mặt trời đỏ ối. Nắng chiều xiên ngang đôi tay chống nạnh, làm nổi bật từng đường cong uốn lượn trập trùng. Bóng chị ngã dài như muốn trùm xuống ôm trọn bờ ven. Tề ngửa mặt, giơ hai nắm đấm lên thoi mạnh trời cao, cười dài lồng lộng. Cung Đâu Suất có bà Nữ Oa luyện đá vá trời, thì ở vàm rạch Đầu Trâu chiều nay, có bà Hai Thắm xắn quần bồi đất!

* * *

Hai chị em tình cờ quen nhau do một con “tàu tống”. Kêu bằng “tàu”, thiệt ra nó chỉ là chiếc bè chuối dài hơn nửa thước, trên chất đủ thứ trái cây nhang đèn với con gà luộc. Ở miệt này, “tàu tống” là thứ đáng sợ, được đan dệt nhiều đời thành đủ thứ chuyện ma quỷ ly kỳ. Người ta bảo nhau, đó là tàu tiễn ma quái. Ai lỡ dại ngoắc hay cất tiếng kêu thì nó liền tấp vô, người ngoắc sẽ bị ma dữ ám, không thầy bà nào trục nổi.

Bữa trưa đó, thoắt nhận ra tàu tống, Tề nhảy cỡn ngoắc lia lịa, nước miếng nhễu thiếu điều ngập họng khi thấy con gà luộc đang ngóc mỏ âu sầu phơi lườn béo ngậy trên tàu. Nhưng con tàu mắc dịch lại đách ứng khớp lời đồn, Tề càng ngoắc, nó càng lượn lờ trôi nhanh ra xa mong tháo chạy theo con nước ròng.

– Bớ tàu tống âm binh chó đẻ, mau mau đình thủy, bớ con tàu!

Vừa la làng chói lói, Tề vừa xách cây sào hớt hải băng bờ lướt bụi vọt theo chiếc bè chuối sắp đem con gà luộc tuôn ra sông Cái. Tới chỗ vườn nhà ông Tư Bìm Bịp ngoài vàm thì Tề bị ngoéo lại. Một chị nước da bánh mật, dáng người chắc lỏn, nhảy ra túm áo kéo nó:

– Nè thằng quỷ nhỏ! Mầy biết thứ gì đó hông mà dám rượt theo?

Tề xoay người nhẹ huơ tay một vòng giải cú chụp, cười khèng khẹc. Ước lượng trớn bơi còn kịp, nó lấy đà phóng đùng luôn xuống rạch lao theo con tàu ma, không quên quát lại chọc quê chị gái nọ:

– Khè khè, là “tàu tống” chứ giống ôn gì! Đ.mẹ con tàu kia chở yêu quái phương nào, lão Tôn ta kêu rát họng cũng đách thèm ghé động a, cha chả là tức mà!

Túm được con tàu, Tề lễ mễ chuyển hết phẩm vật trái cây, gà luộc lên bờ. Thấy chị kia tò tò lần theo gần đó, nó ra oai đạp thẳng giò, tiễn tàu tống ra sông rộng:

– Tốt, vậy thôi cũng tạm, lão Tôn ta cho phép bây lui!

Chiếc bè chỉ còn mớ cờ phướn với lư nhang bùa vẽ trơ trọi, tiu nguỷu “lui” thẳng, băng băng theo con nước xiết. Chị nọ bật cười, tiếng trong vắt vang vang như chuông vàng đổ hột:

– Mầy là thằng quỷ !
– Hổng dám, quá khen đa nghen! Dám hỏi quý nương cao nhân thần thánh phương nào?

Chị gái trợn trừng đôi mắt, ghé sát mặt nó:

– Ta là ma lai rút ruột, con gái ông Tư Bìm Bịp nè!

Tề sửng sốt nhận ra sự bất thường tà khí trong đôi mắt chị. Đúng như lời đồn về con gái ông Tư, đôi ngươi chị bên tròng đen bên tròng nâu, ánh nhìn sáng quắc dữ tợn đang long lên rừng rực, như có lửa đỏ bên trong.

Đôi bên giương mắt nhìn xoáy vào nhau “đấu nhãn”. Hơi thở chị thật gần, thoang thoảng mùi thơm ổi chín, cái đó khiến Tề bối rối cụp mắt lại.

– Thôi được, yêu nữ kia, nay ta phong ngươi làm áp trại phu nhơn. Nè, chị ăn gà luộc hông?

Chị Thắm bật cười:

– Thằng cốt đột nầy, mầy thiệt hổng sợ ta à?
– Ê nghỉ khỏe đi Tám! Tàu tống kia chở cả bầy ma ba sáu động còn bị tui rượt, bắt nạp mãi lộ, chị nhằm nhò gì mà hòng ngí ngố hả?

Từ đó cả hai thành quen biết, và ngày càng thân thiết nhau hơn.

* * *

Nếu tính theo vai vế bà con cốc đế, thì ông Tư Bìm Bịp là hàng chú bác của ông ngoại Tề. Có lần Tề thử gọi chị Thắm bằng dì, đang nói cười ngon trớn, chị khựng lại kinh ngạc, đá đít nó cái bốp:

– Thằng cốt đột! Miễn sao chị em mình thương nhau là đủ, cần đách gì nhận bà con họ hàng!

Đúng, nhận mà chi, khi bà con họ hàng thân thuộc nội ngoại đều từ bỏ chị. Ngày chị được sinh ra, đôi mắt hai tròng quái dị làm trong thân tộc thảy kinh hoàng. Cả tụi hè nhau làm áp lực, đòi ba má phải bỏ chị lên tàu tống vong, thả cho trôi ra sông Cái. Bà mẹ vừa mới sinh còn mềm như cua lột, phải gắng gượng một mình ẵm con bơi xuồng từ vàm Đại Ngãi bên Sóc Trăng qua chốn đầu đất cuối trời này của Trà Vinh để nương náu…

Và bờ bao hiên ngang ưỡn ngực chịu sóng hứng gió ngoài vàm này chống đỡ cho vườn tược núp phía sau kia, trong đó có vườn nhà thằng Tề, là do một tay bà Tư, mẹ chị Thắm, một mình đảm đương. Giờ đến lượt chị.

Bờ mỗi năm phải mỗi đắp, hổng hiểu do nước sông ngày một dâng cao hay đất đang ngày một chìm dần. Mỗi lần đắp thêm, chân bờ lại giang rộng ra cho thêm vững chãi; bề mặt bờ ven phải chịu hẹp lại, có đoạn chỉ còn bằng gang tay.

Nội chạy trên bờ ven đó thôi cũng đủ nguy hiểm, chỉ cần có cục đất mô lên làm vấp là té nhào gãy cổ như chơi. Có lần tắm dưới sông nhằm lúc nước ròng, ngó lên thấy bờ ven cao ngất, sóng vỗ dập dìu như mơn như ru, Tề hoảng hồn thấy bờ ven lắc lư cục cựa, như đang muốn hóa làm hòn, để được trôi ra giữa sông…

Chị Thắm trầm ngâm hồi lâu, gật đầu thủng thẳng:

– Bờ ven thì không biết chạy, nhưng nó có thể sụp đó Tề. Em có để ý không, khúc bên mình đang bị lở…

Đó cũng là điều Tề đã nhận thấy nhưng không dám nói ra. Đ.má, bờ bao này mà sụp thì cả vùng Đầu Trâu sẽ lênh láng nước thấy thương, vườn tược hoa màu coi như cúng Hà bá, làm sao bây giờ?

– Làm gì được nữa, mình đã cố hết sức rồi. Giờ chỉ còn nước phá vườn trồng tre. Tre chịu ngập, dễ trồng, giữ được bờ ven, không sợ rớt giá.

– Ừa giỏi, chị biết tre trồng bao lâu thì thu hoạch hông?
– Hai năm.
– Trong hai năm đó, chị chịu khó kết lá tre làm nón nha!
– Chi mậy?
– Đi ăn mày chờ tre lớn chớ chi!

Chị phì cười cốc đầu Tề:

– Đồ ngốc bày đặt tài lanh! Mình xen vô trỏng trồng chuối, tỉa bắp, đậu, lấy ngắn nuôi dài, ai cấm.

Nói là làm, hôm sau chị giựt máy Kô-le, băng ngang sông Cái mua máy cưa về phá vườn vú sữa xum xuê.

Phụ chị phá vườn mà Tề thất thần như bị ai cắt từng đoạn ruột. Những cành vú sữa gãy gục làm tối sầm cả giấc mơ của thằng nhóc.

* * *

Bờ đã đắp xong, tre chuối lên đều, chị Thắm vẫn thấp thỏm nhìn ra sông Cái, van vái nước năm nay từ sông Tiền san về đừng lên cao quá. Tề thì tí tớn chắp tay sau đít hút gió gọi thủy thần:

– Con nước rong ơi, về mau đi, dâng lên ngập mẹ hết đi! Lão Tôn đang hứng, muốn mượn Long vương vài món bửu bối!
– Nè thằng quỷ, phía trong kia còn vườn nhà mầy đa!
– Thì kệ, cho ngập luôn mà! Tui biểu ba mẹ phá vườn trồng tre, ổng bả hông nghe. Chuyến này nước vô mênh mênh mông mông, hả hả! Cho thành bình địa, tui làm lại từ đầu!

Chị Thắm xoa xoa lên mớ tóc cháy nắng như râu bắp của Tề:

– Em chưa biết nước ngập kinh hồn cỡ nào đâu Tề!

Tề làm thinh không chấp, nó chắp tay sau đít, lặng lẽ đếm từng con sóng lưỡi búa gầm gào.

Năm kỉa năm kia, nó đã từng thấy cảnh bể bờ bao bên vườn Năm Quăng. Sức nước lật tung cả đoạn đê bao, bóp vụn nó ra, chỉ trong nháy mắt, mương và vườn chan hòa thành một, nước láng lênh cuồn cuộn. Một loạt vườn rẫy liền kề đều tan tác, cây trái sau đó úa tàn rũ rượi, heo gà thảy được hóa kiếp vô nồi…

Nước rong rồi kém, lớn lại ròng. Bờ bao vẫn choãi chân ra sông Cái, như tấm giáp trước ngực chiến binh ngang ngạnh, cứ chìa ra hứng sóng chịu gió cho rạch Đầu Trâu. Mùa nước rong lên cao nhất, mực nước cũng chỉ lé đé cách mặt bờ non tấc. Khi con nước hạ dần, Tề bần thần ra đứng chỗ lượn bờ bao ưỡn ra sông Cái. Dân Đầu Trâu bỏ mặc bà Tư và chị Thắm trơ trọi ngoài vàm, độc lực trần thân móc sông bồi đất hứng mũi chịu sào, sao thủy thần lại có thể dung tha cho tụi đó chứ hả?

Chị Thắm đã đến phía sau tự lúc nào. Chị vòng tay ôm lấy nó, bộ ngực vun đầy áp sát vô lưng Tề chứa chan tin cậy.

– Tề thấy chưa, sông Cái cũng biết thương chị em mình…

Tề chầm chậm lắc đầu. Nước mắt nó ứa ra, rồi tuôn lã chã. Gió quạt hai hàng nước mắt xiên xẹo đâm bang trên đôi má bầu.

– Chị ơi chị ơi, mình còn phải đắp bờ tới chừng nào đây?
– Tới chừng nào Trời Phật còn thương…

Tề vùng ra, cởi phăng áo, quăng mình xuống sông theo tư thế “Hà bá ngoáy trầu”. Nó nín thở hả họng hớp đầy một họng nước để nuốt xuống một câu tàn nhẫn: “Vậy thì cầu cho Trời Phật đừng thương chị nữa đi!”

* * *

Trời Phật ghét thương sao đó mà xui khiến chị Thắm của Tề có bầu, cái bụng cứ chang bang chình ình ra. Chị không nói, Tề cũng không hỏi cha của đứa trẻ trong bụng chị là ai. Bà Tư sùi sụt khóc, bỏ đi mấy ngày rồi cũng về, lụi cụi săn sóc chị. Chị Thắm má hóp mắt thâm vẫn è ạch ra sông đắp bao chắn sóng. Bờ ven này có phải mối oan khiên chị gánh đâu từ đời kiếp trước, ven càng dày càng cao thì nghiệp chị mới mòn mới tiêu sao chị?

Nghe bà Tư nói chị cận ngày ở cữ, Tề khoét sừng trâu làm tù và, dặn:

– Chừng nào chỉ trở dạ thì bà thổi lên tù tu một dài một ngắn, để con ra phụ.

Nhưng nửa đêm chị sinh, thì đến sáng bạch tiếng tù và mới cất lên. Một mình chị đã lẳng lặng tự xuống xuồng nổ máy chạy mút qua rạch Quít kêu cửa bà mụ Liễu. Cũng may, dì Liễu cứ thấy sản phụ là ra tay hành nghề, không hạch hỏi oong-đơ, chừng lôi hai bé gái ra xong mới biết mình vừa đỡ đẻ cho ma lai, con gái ông Tư Bìm Bịp.

Từ đó, trong gian nhà kẽo kẹt ngoài vàm, mỗi đầu hôm sớm mai đều văng vẳng tiếng bà Tư thỉnh chuông gõ mõ. Tề không chịu nổi điệu chuông đó, mỗi lần nghe tiếng boong-boong, nó lại nhăn nhó khổ sở y như Ngộ Không bị niệm chú cẩn cô. Chịu hết xiết, nó van bà Tư đừng tụng nữa, kinh kệ gì nghe rầu rĩ thấy tía.

– Bà ăn chay niệm Phật là cầu cho hai đứa nhỏ, mong Trời Phật thương, phù hộ độ trì, để sau này không phải chịu khổ như đời mẹ đời bà tụi nó.

Tề cứng họng, đành chịu quen dần với tiếng chuông mõ, hai đứa nhỏ dễ thương quá mà!

Tuy chị Thắm không nói, nhưng Tề vẫn biết chắc: Việc đầu tiên chị làm khi vừa sinh con là vạch mắt cả hai ra, coi thử tròng mắt có gì khác lạ không. Ngay cả Tề, sau này nhiều lúc vẫn hay bất thần giật thột, bắt phải soi kỹ từng con ngươi tụi nó, coi có thay đổi pha màu lỗi nhịp gì hông. Đôi mắt Tươi và Lên sáng trưng lóng lánh đen như hột nhãn. Hai chị em giống nhau y chang từ điệu bộ mười hai bà mụ dạy chu môi tróc lưỡi cho tới tiếng khóc ngằn ngặt đòi bồng, thậm chí tới cái bớt ở khuỷu tay hai đứa cũng y chang, may là đứa bớt bên phải, đứa bớt trái, giống như ai đó đã đóng dấu giáp lai, vừa là gắn kết vừa giúp phân biệt hai chị em.

Chìa ngón tay cho hai đứa song sinh nắm chặt, Tề cười lâng lâng, quên kể với chị Thắm: Ngoài kia, khúc sông vàm Đầu Trâu đang ngày đêm lở lói ì đùng.

* * *

Chị Thắm đem con Tươi sang tay cho Tề rồi lật đật trở vô cho con Lên đang sốt uống thuốc. Con kia khóc quấy làm con này cũng ré theo. Nhà tự dưng có tới hai đám giặc, ai nấy quýnh quáng như gà mắc đẻ mỗi khi hai tụi nầy làm mình làm mẩy.

Tề nhường võng cho chị Thắm và Lên, nó đòng đưa con Tươi, tìm cách chọc cười con nhỏ.

– Tề ơi, chị định khi cứng cáp sẽ sang hết vườn tược để lên Sài Gòn, không ở đây nữa đâu!
– Hổng be bờ giữ đất nữa ha chị?
– Thằng khỉ, ở đó ngoắt ngoéo tao, trước khác giờ khác! Có hai đứa nhỏ rồi, chị phải bước ra đối mặt với nhân gian thôi.

Tiếng cặp ngỗng quàng quạc ầm ĩ hướng hàng tre Mạnh Tông làm Tề nhấp nhổm không yên. Giờ này, cặp ngỗng hộ vệ phải đi tuần quanh nhà, sao bỗng men ra lối đó? Mà tụi con Hạo, con Hực, con Tào, con Lao, bốn chó Phú Quốc tinh khôn dũng mãnh nữa, sao đều co ro cúm rúm ngoài sân, cụp đuôi ăng ẳng như rên như la?

Tề dợm đưa con Tươi cho bà Tư để ra ngoài xem xét nhưng thấy bà đang ngoáy trầu nên thôi, nó ẵm luôn con nhỏ chạy ra. Vừa bước khỏi ngạch cửa, không dưng Tề phóng gấp, con Tươi trong tay cứ nhẹ tênh. Ngoảnh lại đưa mắt nhìn về gian nhà, Tề thấy một làn sương kỳ cục mông lung bao trùm bên trong. Bà Tư đang ngước lên tính kêu gì đó. Rõ ràng bộ ván gõ bà ngồi đang cựa quậy, rồi nó nhảy lưng tưng chòng chành, bà Tư bị hất tung lên rồi biến mất tiêu. Chị Thắm vừa ẵm con Lên bật dậy thì toàn bộ căn nhà bị tháo rời, cột kèo bung hoát, ngói chạy vèo vèo lả tả. Cây cột cái ngã rầm ngang lưng hai mẹ con. Chị Thắm giương to đôi mắt hai tròng nhìn Tề như thảng thốt: “Vụ gì vậy, Tề?” Căn nhà với khoảnh sân trộn lộn vào nhau như bộ bài đang bị xóc. Tất cả bỗng quay tròn quay tròn rồi hô biến, xong phim.

Con Tươi cựa quậy, khóc thét lên, nó làm xấu ỉa phẹt bệt ra cả tay Tề. Chỉ trong chớp mắt, con nhỏ mất hết, mất mẹ, mất em song sinh, mất ngoại, mất luôn vườn đất, bờ ven, tới cái quần để thay cũng không còn.

* * *

Nước mắt Shirley Phạm ướt đẫm lưng áo Tề tự lúc nào. Tề thây kệ, để con nhỏ khóc cho ngon. Gã xoay người nhìn ra sông Cái, ngửa cổ hú dài làm tiếng sói tru dồn dập từng hồi. Đang tru ngon trớn, Tề bỗng giật thột như bị điện giựt vì Shirley vừa dán sát người vô lưng gã. Con nhỏ bật cười:

– Á ngộ, cha nội này còn trai tân nè, lêu lêu!
– Tân cái đầu mầy, đồ âm binh!

Shirley giương mười móng tay nhọn hoắt chờn vờn như muốn cào mặt Tề, nó trợn ngược tròng trắng lè lưỡi dài thoòng:

– Ta không phải âm binh, ta là ma lai, ta muốn rút ruột ngươi đây!

Tề mắc cười nhưng ráng kềm:

– Thôi đừng giỡn nữa, cậu nói cho nghe, còn một vụ nghiêm trọng thiên đình nữa, muốn nghe hôn?
– Muốn. Nói con nghe đi, vụ gì vậy cậu?
– Mầy không phải con Tươi, mà là con Lên. Con Tươi mới là đứa được mẹ nó ẵm theo bà ngoại!

Con nhỏ hoảng hồn nhảy dựng lên:
– Ê mầy điên rồi, thằng Tề cốt đột!

Lê Vĩnh Huy (Vinhhuy Le), Trà Vinh – 18/2/2016

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

NGOẠI TÌNH

Tôi và vợ tôi đã từng tranh luận rất gay gắt về chủ đề ngoại tình: Đàn ông và phụ nữ khi đến tuổi trung niên, ai ngoại tình nhiều hơn ai? Lúc đó tôi tự tin khẳng định rằng tôi sẽ chẳng bao giờ tham gia vào cái trò ngoại tình ngu ngốc đó. Còn vợ tôi thì một hai cho rằng tôi chưa ngoại tình vì chẳng qua chưa có cơ hội mà thôi, biết đâu "trẻ không chơi già đổ đốn". Cơ hội tức là hoặc mình tạo ra hoặc người khác đưa đến.

Tôi nói với vợ rằng tôi còn sống với cô ấy cả đời, nếu tôi nói sai, cô ấy có thể đối xử với tôi thế nào cũng được và không cần phải tha thứ. Sở dĩ tôi dám nói vậy vì biết bản thân mình xưa nay không có tính lăng nhăng, cũng không thích mấy trò nhăng cuội đó. Còn vợ tôi thì lúc nào cũng đánh đồng đàn ông đều một phường như nhau.

Rồi một ngày khi tôi gặp sự cố trong công việc, vợ tôi thay vì chia sẻ với tôi thì lại tỏ ra trách tôi cẩu thả, không lường trước hậu quả… Chán nản, tôi viết một dòng trạng thái lên trang cá nhân. Không lâu sau xuất hiện một cái tên lạ vào bình luận động viên. Nghe câu chữ có vẻ là phụ nữ nhưng tôi chẳng tìm được thông tin gì nhiều ngoài bức ảnh đại diện là một cô gái đang cúi mặt, nước mắt nhỏ xuống.

Dần dần tôi nhận ra hầu như tôi viết gì lên trang cá nhân cô ấy cũng đều vào comment. Cô ấy còn tế nhị nhắn vào hộp thư và chúng tôi đã có cả tá chuyện để nói trong đó. Theo như cách cô ấy tâm tình, và theo như tôi thấy thì đó là một phụ nữ nhân hậu, hiểu lẽ đời. Cô ấy nói cô ấy đã ly hôn được 10 năm và có một cô con gái nhỏ.Tôi lúc đầu chỉ xem nó là trò giải trí, dần dần như một thói quen. Ngày nào lên mạng không thấy nick cô ấy sáng đèn xanh là thấy bần thần chộn rộn. 

Tôi bắt đầu nhận ra mình nghĩ nhiều về người phụ nữ bí ẩn đó. Tôi đổi mật khẩu facebook, tôi xóa hết những cuộc trò chuyện để đề phòng nhỡ may vợ sờ tới máy mình. Những cuộc trò chuyện ngày càng nhiều hơn. Tôi kể với cô ấy về bản thân, về những suy nghĩ của mình và cả sự vô tâm của vợ tôi nhiều khi khiến tôi cô đơn khủng khiếp.

Người phụ nữ ấy hình như sinh ra là để giải tỏa mọi nỗi niềm cho tôi vậy. Cô ấy như đọc hết được những suy nghĩ của tôi, biết lúc nào thì tôi cần một lời khuyên, biết lúc nào tôi muốn có một người lắng nghe mình nói. Cô ấy còn nói đỡ cho vợ tôi rằng phụ nữ có trăm điều lo nghĩ, vậy nên chồng muốn vợ hiểu cũng phải dũng cảm mở lòng.
Chính xác là tôi đã “ngoại tình tư tưởng”. 

Đôi lần tôi gợi ý một cuộc gặp mặt cô ấy đều khéo léo gạt đi. Cô ấy nói thương tôi, quý tôi nhưng không muốn gây ảnh hưởng gì đến gia đình tôi cả. Cô ấy một mình không sao, nhưng tôi thì có vợ. Cô ấy càng không muốn gặp, tôi lại càng khát khao.
Vợ tôi thỉnh thoảng lại bóng gió: “Dạo này em thấy anh hay lên mạng lắm đấy nhé, hay là tán tỉnh đong đưa với con nào”. Tôi đưa điện thoại dí vào tay vợ bảo: “Đây, em kiểm tra đi, gớm, chỉ em là đủ mệt rồi, còn ai dám đèo bòng nữa”. Vợ tôi mỉm cười nhưng vẫn buông lời dọa dẫm: “Léng phéng với đứa nào thì biết tay em đấy”.

Bẵng đi hai tuần liền cô ấy không xuất hiện, dù tin nhắn tôi đã nhắn đầy trong hộp thư cô ấy có xem nhưng không trả lời. Tôi buồn bực buông lời giận dỗi. Cuối cùng cô ấy nhắn: “Em nghĩ là mình không nên gặp nhau dù chỉ là trên mạng. Em đã cố tình không trả lời. Nhưng càng làm vậy em càng nhận ra mình nhớ về anh nhiều hơn. Liệu chúng ta có thể gặp nhau dù chỉ một lần không?”
Tôi như chỉ chờ có thế liền vội vàng hẹn gặp. Em hẹn tôi tối thứ 7. Vậy là ngay lập tức tôi thông báo với vợ cuối tuần tôi có chuyến công tác cơ sở. Vợ tôi xưa nay vốn cũng quen với những bận tôi vắng nhà vì công việc, chỉ ậm ừ hỏi tôi có cần mua gì mang đi không.

Trước cuộc hẹn, lòng tôi nôn nao kinh khủng. Tôi đứng ngồi không yên khi cố hình dung về người phụ nữ bao lâu "thầm thương trộm" nhớ sắp xuất hiện. Vừa rời khỏi nhà thì tôi gặp cậu em vợ. Nó hỏi tôi có việc gì, hai vợ chồng đi đâu mà vợ tôi gọi điện nhờ tối gửi hai đứa nhỏ cho ông bà ngoại. Tôi thầm nghĩ có lẽ vợ tôi cũng nhân lúc tôi đi vắng muốn tụ tập bạn bè một chút.

Tôi cố tình đến muộn hơn so với giờ hẹn, chủ đích muốn thăm dò xem người phụ nữ sẽ mặc váy xanh chấm bi hôm nay như thế nào. Tôi kín đáo đứng một góc quán, nhìn khắp lượt không thấy người phụ nữ nào mặc váy xanh như nàng đã hẹn.
Nhưng đáng sợ hơn, tôi thấy vợ tôi mặc chiếc váy xanh chấm bi ngồi ở một chiếc bàn góc khuất nhất của quán. Vợ tôi, cô ấy làm gì ở đó, hay là đã phát hiện ra tôi có chuyện mờ ám?

Tôi vội vã trở về, lòng hoang mang tột độ. Tôi xâu chuỗi lại mọi thứ và nghi rằng người phụ nữ bí ẩn đó chính là vợ tôi. Không ai có thể hiểu tôi rõ như cô ấy, còn đọc được tâm trạng tôi mỗi ngày chuẩn xác như vậy. Là vợ tôi đã cố tình bày ra cái bẫy tình này để tôi vướng vào.

Vợ tôi về nhà, thấy tôi chễm chệ ở nhà thì ngạc nhiên. Cô ấy còn phân bua là cô ấy đi thăm chị đồng nghiệp mới sinh, đưa hai đứa nhỏ đi không tiện nên gửi nó bên ông bà ngoại. Vợ tôi, chắc chắn là cô ấy chứ không ai khác, cô ấy đúng ra phải làm diễn viên mới đúng chứ không phải là một nhân viên văn phòng bình thường. Nền điện ảnh nước nhà đã bỏ phí mất một tài năng rồi.
Mấy hôm nay tôi không dám bén mảng vào trang cá nhân. Vợ tôi thì vẫn bình thường như mọi khi. Nhưng tôi có chút lo sợ. Tôi đã ngoại tình mà lại ngoại tình với chính vợ mình, chuyện tưởng là chỉ xảy ra trong phim. Trong đó tôi còn nói xấu vợ mình nữa chứ.

Dù sao thì vợ tôi cũng chưa biết là tôi đã phát hiện ra mọi chuyện do cô ấy bày ra. Có cao thủ nào giúp tôi xoay chuyển tình thế được không, đặc biệt là cánh chị em hiểu nhiều tâm lý phụ nữ./.😀😀😀😀
——-
Sưu tầm
Dieu Le
Những câu chuyện nhân văn

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

QUY TẮC HỎI NGÃ

Các bạn nhớ quy tắc này để tránh việc sai chính tả nhé.
Hỏi — Sắc — Ngang
Ngã — Huyền — Nặng

“Chữ Việt” Thời Sài Gòn xưa

DÙNG DẤU HỎI – NGÃ

chỉ nhắc cái cơ bản dễ nhớ để viết chính tả tương đối ổn và hạn chế lỗi ở mức thấp nhất .

1 . DÙNG TỪ LÁY THEO QUI ƯỚC :

– Dấu Hỏi đi với Sắc và Ngang .
– Dấu Ngã đi với Huyền và Nặng .

HỎI + SẮC :

– Gởi gắm , thổn thức , rải rác , khoảnh khắc , rẻ rúng , tử tế , cảnh cáo , sửng sốt , hảo hán , phản phúc , phản kháng , rửa ráy , quả quyết , khủng khiếp , khỏe khoắn , nhảm nhí , lở loét , lảnh lót , bảo bối , thưởng thức , thẳng thắn , thảng thốt , hiển hách , nhỏ nhắn , chải chuốt , rả rích , phảng phất , lả lướt , bổ báng , sản xuất .

– Mát mẻ , sắc sảo , mắng mỏ , vất vả , hối hả , hớn hở , xối xả , bóng bẩy , nóng nảy , sắp sửa , sắm sửa , hớt hải , lấp lửng , khúc khuỷu , tá lả , rác rưởi , trống trải , cứng cỏi , sáng sủa , sến sẩm , xấp xỉ , lém lỉnh , láu lỉnh , ngắn ngủi , chống chỏi , hốt hoảng , rắn rỏi , tức tưởi , chúi nhủi , nhắc nhở , nức nở , sấn sổ , ngất ngưởng , thắc thỏm , thấp thỏm , trắc trở , tráo trở , béo bở , ngái ngủ , gắt gỏng , kém cỏi , khấp khểnh , cáu kỉnh , kháu khỉnh , thất thểu , khốn khổ , tán tỉnh , ngúng nguẩy .

HỎI + NGANG :

– Nhỏ nhen , nhởn nhơ , ngẩn ngơ , vẩn vơ , lẳng lơ , lẻ loi , hỏi han , nở nang , nể nang , ngổn ngang , dở dang , giỏi giang , sửa sang , thở than , mỏng manh , chỉn chu , dửng dưng , trả treo , tả tơi , bỏ bê , mải mê , chở che , bảnh bao , hẩm hiu , phẳng phiu , khẳng khiu , rủi ro , mỉa mai , trẻ trung , nghỉ ngơi , ngủ nghê , tỉ tê , xỏ xiên , ngả nghiêng , đảo điên , hiển nhiên , lẻ loi , thảnh thơi , sản sinh .

– Dư dả , chăm chỉ , năn nỉ , thư thả , thon thả , thoang thoảng , trong trẻo , trăn trở , vui vẻ , thơ thẩn , thanh thản , mơn mởn , xăm xỉa , lêu lổng , hư hỏng , căng thẳng , dai dẳng , xây xẩm , san sẻ , xoay sở , hăm hở , xa xỉ , ngoe nguẩy , phe phẩy , đông đủ , tanh tưởi , chưng hửng , tiu nghỉu , sang sảng , nham nhở , chao đảo , gây gổ , sơ hở , cơ sở , tin tưởng , năng nổ , cưa cẩm , thăm thẳm , đưa đẩy , tưng tửng , say xỉn

NGÃ + HUYỀN :

– Bẽ bàng , vẫy vùng , nõn nà , vững vàng , đẫy đà , phũ phàng , bão bùng , sỗ sàng , vỗ về , rõ ràng , vẽ vời , sững sờ , ngỡ ngàng , hỗn hào , hãi hùng , sẵn sàng , kỹ càng , não nề , khẽ khàng , mỡ màng , lỡ làng .
 Gần gũi , liều lĩnh , lầm lỗi , gìn giữ , buồn bã , tầm tã , suồng sã , rầu rĩ , thờ thẫn , hờ hững , sàm sỡ , xoàng xĩnh , phè phỡn , bừa bãi , thừa thãi , nghề ngỗng , lừng lẫy , ruồng rẫy , lờ lững , đằng đẵng , mò mẫm , lầm lũi , nhàn nhã, bằng hữu.

NGÃ + NẶNG :

– Lãng mạn , lũ lụt , hãm hại , nhẫn nhịn , lễ lộc , lỗi lạc , rũ rượi , lưỡng lự , chễm chệ , nhã nhặn , mẫu mực , chững chạc , dõng dạc , dữ dội , cãi cọ , nhão nhoẹt , kẽo kẹt , kĩu kịt , nhễ nhại , rõ rệt , lẫn lộn

– Gọn ghẽ , ngạo nghễ , vạm vỡ , lặng lẽ , lạnh lẽo , bạc bẽo , sặc sỡ , rực rỡ , rộn rã , vội vã , nghiệt ngã , hậu hĩ , hậu hĩnh , ngộ nghĩnh , gạt gẫm , hụt hẫng , dựa dẫm , nhẹ nhõm , bập bõm , chập chững , mạnh mẽ , chặt chẽ , sạch sẽ , ngặt nghẽo , khập khiễng , đục đẽo , ruộng rẫy , giặc giã , giặt giũ , giận dỗi , bụ bẫm , dạy dỗ , gặp gỡ , dụ dỗ , lạ lẫm , rộng rãi , tục tĩu , nhục nhã , dạn dĩ , rạng rỡ , rệu rã .

* TỪ KÉP LÀ TỪ THƯỜNG ĐI MỘT CẶP DẤU HỎI HOẶC NGÃ .

– Lã chã , bỗ bã , bẽn lẽn , bỡ ngỡ , mỹ mãn , dễ dãi , cũn cỡn , lững thững , ngẫm nghĩ , lỗ lã , lẽo đẽo , nhõng nhẽo , mũm mĩm , mẫu mã , vĩnh viễn , nhễu nhão .

– Thỏ thẻ , đỏng đảnh , lẻ tẻ , của cải , lẩm bẩm , lẩm cẩm , lảm nhảm , hể hả , kể lể , nhỏng nhảnh , lủng củng , thỉnh thoảng , lảo đảo , tỉ mỉ , thủ thỉ , lảng vảng , rủng rỉnh , loảng xoảng , hổn hển , lủng lẳng , lỏng lẻo , lải nhải , tủm tỉm , bủn rủn , xởi lởi , tẩn mẩn , lẩn quẩn , thỏn mỏn , chỏn lỏn , giả lả , bải hoải , bổi hổi , lẩn thẩn , lởm chởm , rỉ rả , thủng thẳng , bỏm bẻm , nhỏm nhẻm , xiểng niểng , lẩy bẩy

2 . TỪ NGUYÊN ÂM : DẤU HỎI

Ủa , ổi , ổng , ẩu , ủng , ỷ , ổn , ửng , ổ , ủy , ỏn ẻn , ong ỏng , im ỉm , âm ỉ , ấp ủ , ảo ảnh , ăn ở , êm ả , oi ả , yên ả , óng ả , ẩn ý , an ủi , ỉ ôi , ẩm ướt , ủ ê , uể oải , ít ỏi , ủn ỉn , oan uổng , ăng ẳng , ư ử , oẳn tù tì , ẻo lả , ủ rũ , yểu điệu , ỉu xìu , ảm đạm , uyển chuyển , quan ải , oản xôi , yểm trợ ( trừ : ễnh , ưỡn , ẵm , ỡm )

3 . TỪ HÁN VIỆT BẮT ĐẦU LÀ M , N , NH , L , V , D , NG THÌ DẤU NGÃ , CÁC CHỮ KHÁC DẤU HỎI .

Ghi nhớ 7 chữ này bằng câu “ Mình Nên Nhớ Là Viết Dấu Ngã “
 – M : Mỹ nhân , Mẫu giáo , Mã đáo , Mãn nguyện , Mãng xà , Mãnh lực , Mẫn cán , Miễn nhiệm , Mão mũ
– N : Não bộ , Nữ nhi , Noãn hoa , Nỗ lực , Nã ( truy nã )
– NH : Nhẫn tâm , Nhãn tiền , Nhiễu loạn , Nhũ mẫu , Nhã nhạc , Nhã nhặn , Nhuyễn thể , Nhĩ ( mộc nhĩ ) , Nhưỡng ( thổ nhưỡng)
– L : Lão gia , Lễ nghi , Lĩnh hội , Lỗi lạc , Lữ khách , Lãng tử , Lưỡng tính , Lãnh địa , Luỹ thành , Lãm nguyệt , Lẫm liệt
– V : Vãn hồi , Viễn xứ , Vĩ đại , Võ sư , Vũ trang , Vĩnh hằng , Vững chãi
– D : Diễm phúc , Dũng khí , Dưỡng dục , Dĩ nhiên , Dõng dạc , Diễu hành , Dã ngoại , Dã tâm , Diễn thuyết
– NG : Nghĩa hiệp , Ngũ cốc , Ngữ hệ , Ngẫu nhiên , Nghiễm nhiên , Ngưỡng mộ , Ngã ( bản ngã )

4 . HỌ VÀ TRẠNG TỪ : DẤU NGÃ

– Họ Nguyễn , Võ , Vũ , Đỗ , Doãn , Lữ , Lã , Mã , Liễu , Nhữ
– Cũng , vẫn , sẽ , mãi , đã , những , hỡi , hễ , lẽ ra , mỗi , nữa , dẫu …

5 . DÙNG DẤU BẰNG CÁCH SUY LUẬN THEO NGHĨA . Ví dụ :

NỔI – NỖI :

– Chỉ sự trổi lên hơn mức bình thường thì dấu hỏi ( nổi trội , nổi bật , nổi danh , nổi tiếng , nổi mụn , nổi gân , nổi điên , nổi giận , nổi xung , nổi hứng , nổi sóng , nổi bọt , nổi dậy , chợ nổi , nông nổi , làm nổi , trôi nổi , hết nói nổi , chịu hết nổi , gánh không nổi )

– Cái nào mang tính biểu cảm thì dấu ngã ( khổ nỗi , đến nỗi nào , làm gì nên nỗi , nỗi lòng , nỗi niềm , nỗi ước ao , nỗi nhục , nỗi oan , nỗi hận , nỗi nhớ )

NGHỈ – NGHĨ :

– Liên quan đến sự dừng lại một hoạt động thì dấu hỏi ( nghỉ ngơi , nghỉ học , nghỉ việc , nghỉ hè , nghỉ lễ , nghỉ mệt , nghỉ dưỡng , nghỉ chơi , nghỉ mát , nghỉ thở , nghiêm nghỉ , nhà nghỉ , an nghỉ )

– Thể hiện cảm xúc suy nghĩ thì dấu ngã ( nghĩ ngợi , suy nghĩ , ngẫm nghĩ , nghĩ cách , thầm nghĩ , nghĩ quẫn , nghĩ bậy , cạn nghĩ )

MẢNH – MÃNH :

– Cái nào gợi hình dáng thì dấu hỏi ( mảnh trăng , mảnh ruộng , mảnh vườn , mảnh đất , mảnh xương , mảnh sành , mảnh vỡ , mảnh khảnh , mảnh mai , mảnh khăn , mảnh áo , mảnh vá , mảnh tình , mỏng mảnh )

Thể hiện tính chất thì dấu ngã ( dũng mãnh , mãnh liệt , ranh mãnh , ma mãnh , mãnh hổ , mãnh thú , mãnh lực ..)

KỶ – KỸ :

– Gắn với bản thân con người thì dấu hỏi ( kỷ vật , kỷ niệm , kỷ luật , kỷ lục , kỷ yếu , ích kỷ , tự kỷ , vị kỷ , tri kỷ , thế kỷ , thập kỷ )

– Gắn với kỹ thuật , trình độ thao tác thì dấu ngã ( Kỹ nghệ , kỹ năng , kỹ xảo , kỹ thuật , kỹ sư , kỹ nữ , kỹ lưỡng , kỹ càng , kỹ tính , nghĩ kỹ , giấu kỹ , tuyệt kỹ )

CHÚ Ý :

Qui ước cơ bản chứ không tuyệt đối , vẫn có một số từ ngoại lệ không theo qui ước trên như :

HỎI + NẶNG : – Hủ tục, hủ bại.

chữ “nữa” viết dấu ngã trong đa số trường hợp, chỉ khi nói về số lượng chia hai như ” phân nửa”, “một nửa”, thì viết dấu hỏi.
 Bài viết có thể hữu ích cho những ai thường phạm lỗi chính tả “hỏi ngã”. Tuy nhiên, phải nên nói rõ hơn là luật “trắc, bằng” thường đi kèm theo với dấu “hỏi” và “nặng huyền” thì thường đi kèm với dấu “ngã” thì chỉ nên áp dụng với chữ kép “thuần” Việt mà thôi. Còn nếu là những từ kép Hán Việt thì “quy luật” đó không có được hiệu nghiệm cho lắm. Tôi xin cho thí dụ:
Ví dụ như chữ “sản xuất” ở trên là tiếng Hán Việt và “tình cờ” nó đi theo cái luật “bằng, trắc”. Tuy nhiên, nếu là “cộng sản” hay “tài sản” thì nó lại không có hợp với luật “huyền nặng”!

Lý do là vì chữ Hán Việt không hề thay đổi từ “hỏi” sang “ngã” hay ngược lại, khi cái chữ đó đi kẹp với những chữ có những dấu khác nhau.

Một khi chữ “sản” đã được viết với dấu “hỏi” rồi thì cho dù nó có đi kẹp với dấu gì đi nữa thì nó vẫn phải viết với dấu hỏi mà thôi.

Giống như chữ “phản ứng” thì là đúng với quy luật, dấu “hỏi” đi kèm với dấu “sắc”, nhưng “phản hồi” thì không theo quy luật vì viết với dấu hỏi, nhưng lại đi kèm theo với dấu “huyền” !
Sưu tầm

Măng Đen 

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

IM LẶNG

IM LẶNG ĐÚNG LÚC _ SỨC MẠNH THẬT SỰ.

Nói thì dễ, nhưng im lặng đôi khi lại là một thử thách lớn. Chúng ta thường nghĩ rằng im lặng là yếu đuối, là sợ hãi. Nhưng thật ra, người biết im lặng mới là người có bản lĩnh và kiểm soát tốt nhất.

- Im lặng khi những gì mình nói chẳng còn ý nghĩa với họ.
- Im lặng khi lời nói chỉ làm mọi chuyện thêm rối ren.
- Im lặng để cho đối phương thấy mình không dễ bị lung lay bởi những lời thiếu chân thành.
- Im lặng để hỏi lại trái tim mình, xem mình thực sự muốn gì.
- Im lặng để nhắc nhở người khác suy ngẫm, cân nhắc trước khi nói hay hành động.
- Im lặng khi không muốn người không quan trọng xen vào cuộc sống của mình.
- Im lặng để giữ gìn mối quan hệ, dù là tình bạn, tình yêu, hay tình thân.
- Im lặng khi không còn gì để nói.
- Im lặng để biết đối phương có thật sự cần mình hay không.
- Im lặng để lắng nghe, hiểu rõ hơn về người đối diện.
- Im lặng để tìm lại bình yên cho chính mình.
- Im lặng để kết thúc một câu chuyện mà không làm tổn thương ai.

Cốt lõi là liệu bạn có đủ bản lĩnh để im lặng đúng lúc, hay chỉ muốn nói để chứng minh rằng mình không sợ ai, hay nói chỉ để giành phần thắng?

Người khôn ngoan và mạnh mẽ không phải là người nói nhiều, mà là người biết im lặng đúng thời điểm.

Love,

Linh Nguyễn 

TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO

GẶP PHẬT SÁT PHẬT, GẶP TỔ SÁT TỔ!

******

BÀI THỨ HAI MƯƠI TƯ

1. Tánh Không Nghĩa Là Gì?

Không của Thiền Định thì có, Vô Sắc, Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Không này là Không của trí tưởng tượng mà ra. 

Nó khác với Không của tâm, hoàn toàn rỗng lặng trong sáng, hòa nhập vào với vũ trụ, mà không còn khái niệm, tư tưởng, quan niệm gì cả, thì lúc đó là Tánh Không.

Có hai bài kinh, mà nhiều vị sư đọc không hiểu. Đó là kinh Tiểu Không và Đại Không. Trong đó, Đức Phật nói, trước kia, ngài cũng từng nhập vào Không do tưởng sinh. Về sau, ngài mới thực sự Không Trú vào tâm, hoàn toàn rỗng lặng trong sáng, tức là, Không Trú đó, đồng nhất thể với Tánh Không của vũ trụ.

Vũ trụ chính là như vậy. Vũ trụ không như mình nghĩ. Vũ trụ chính là Không.

Ví dụ như bông hoa này. Hoa này là hoa thôi, chứ nó không như mình nghĩ, rằng hoa này mang ý nghĩa gì. Ý nghĩa ấy là do mình đặt vô, chứ còn nó vẫn là Không.

Tâm Không có nhiều tầng bậc. 

Không thứ nhứt là Không, khi nghĩ rằng, do vô thường, cho nên không có cái gì là có thực, vì cái gì rồi cũng sẽ biến đổi, cho nên là Không.

Không thứ nhì là Không, khi nghĩ rằng, cái gì cũng có sinh có diệt, khi diệt, mọi thứ sẽ trở về Không

Thí dụ, mình trồng cây ổi, cây ổi chết, là thành Không, hoặc mình để ly nước ngoài trời, một lát sau, nước bị bốc hơi hết, là thành Không. Không này là Không do sinh diệt.

Không thứ ba là Không do nhiều yếu tố hợp lại mà thành.

Ví dụ, nơi mình đang ngồi đây là tháp. Tháp là tên gọi do mình đặt ra. Trên thực tế, nó do nhiều yếu tố tạo nên, gỗ, sắt, xi măng, rất nhiều thứ tổng hợp lại để ra một hình tướng, và mình gọi hình tướng đó là tháp.

Tháp là một khái niệm. Trên thực tế, mình không thể nào chạm cái tháp được. Tay ta chạm đây là chạm vào gỗ, tay ta chạm kia là chạm vào xi măng.

Loại Không thứ ba, Không do nhiều yếu tố tập hợp lại này, khi nó mất một yếu tố là mất luôn.

Thí dụ, nước bao gồm hydro và oxy. Nếu lấy đi oxy hay lấy đi hydro, thì không còn là nước nữa. Nghĩa là, do hợp lại thì thành, không hợp lại nữa thì mất.

Đó là ba cái Không.

Không thứ tư, là cái Không của đối tượng. Nó là nó, chứ nó không phải như mình tưởng là, cho là, muốn là, phải là, mong là, sẽ là. Nó chỉ là nó thôi. Đừng gán nó với bất kỳ cái gì khác.

Chúng ta có thói quen gán tất cả mọi thứ lên sự việc, sự vật.

Thí dụ, gán cho vật này là cây ổi, gán cho vật kia là cây xoài. Con người thì có vô số gán, anh này là anh A, anh kia là anh B, rồi anh C. Đủ thứ tên. Đủ thứ chụp mũ lên trên cái thực. 

Nghĩa là, mình sống với nhau trên cái chụp mũ, chứ không phải là sống với nhau trên cái thực.

Không là Không bị chụp mũ. Không chính là Pháp như nó là.

Không thứ năm là Không chủ thể, nghĩa là, mình luôn cho mình có một cái tôi.

Nhưng khi tâm mình hoàn toàn rỗng lặng, trong sáng, thì không còn khái niệm, không còn tư tưởng, không có cái tôi, không có Phật, không có phàm, không có thánh. Tất cả chỉ là Không, hoàn toàn rỗng lặng, trong sáng.

Đức Phật nói, hồi xưa thì trú vào mấy cái Không kia, còn bây giờ mới thật sự là trú vào cái Không này. Đó là Không, mà khi ngài đã giác ngộ được. Nó không còn bản ngã, không còn khái niệm, không còn tư tưởng, tâm hoàn toàn trong sáng. 

Đó chính là Tánh Không.

Tánh Không thật sự, không gán cho bản thân mình là ngã, không gán bất kỳ gì lên Pháp, nên Tánh Không này còn gọi là Không chấp ngã, Không chấp pháp.

******

2. Quả Thật Điều Nguy Hại, Người Ngu Sinh Đắc Tri, Hủy Phần Sáng Của Mình, Tự Chẻ Đầu Chính Nó

Ngày xưa, thầy vẫn thường hay đọc những câu, mà theo thầy, nó quá tuyệt vời này: 

quả thật điều nguy hại
người ngu sinh đắc, tri
hủy phần sáng của mình 
tự chẻ đầu chính nó 

Tâm của mình, nếu không có gì che lấp, chi phối, thì tâm đó, vốn đã sáng rồi, đã hoàn hảo rồi, không cần phải đi tìm đâu nữa.

Tâm ta vốn sáng tự nhiên, hoàn hảo tự nhiên. Đó chính là Tâm Không, Tánh Không, và rỗng lặng một cách kỳ diệu. Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, chạm, đều là trung thực hết.

Nhưng mình lại không thấy Pháp đã hoàn hảo, mình lại khởi tâm, muốn đi tìm kiếm điều này điều kia, Sở Tri, Sở Đắc, thành thử làm hủy đi phần sáng tự nhiên đó. 

Có người hỏi, tại sao mỗi người đều có Phật tánh, mỗi người đều có tánh giác, vậy thì tại sao lại vẫn cứ tham sân si, vẫn cứ phiền não khổ đau?

Cũng là Biết, nhưng thay vì buông ra để cho Biết tự chiếu, thì mình lại cố dùng Biết, để mà đầu tư, để mà thực hiện điều mình muốn, cho nên, mình mới bị kẹt, bị dính mắc vào đối tượng mình muốn đó, và làm mất đi phần sáng vốn tự nhiên của Biết.

Ví dụ, mình là người có nhiều tiền bạc, muốn mua gì cũng đều có thể. Nhưng mình mang tiền đó, đầu tư vào thị trường chứng khoán. Khi được, mình thích quá, dồn hết tiền vào đó, và rồi, mất hết trơn.

Tánh Biết, tánh Giác, Phật tánh của mình, cũng giống như vậy. Tiền đang có sẵn, nhưng lại đem hết đi đầu tư, quên hết mọi thứ. 

Một ví dụ khác, anh A yêu cô B. Anh A đầu tư tất cả tinh thần, tình cảm, sức lực, tài sản, vào cô B đó. Khi yêu, anh A quên tất cả mọi thứ, cha mẹ, anh em, bạn bè, công việc.

Cả cuộc đời này là một vẻ đẹp hoàn hảo, thì anh ấy không thấy, anh ấy lại đem đầu tư hết vào chỉ một người mình yêu. Khi mất tình yêu đó, xem như anh A mất hết.

******

3. Gặp Phật Sát Phật, Gặp Tổ Sát Tổ

Câu, không có gì quý hơn độc lập, tự do, không chỉ có giá trị trong đời sống, mà trong đạo cũng có giá trị hệt vậy.

Khi nào mình hoàn toàn độc lập tự do, tức là, không bị ràng buộc, không bị chi phối bởi bất kỳ điều gì, thì khi ấy, mình mới đạt được hạnh phúc cao nhất.

Nói như vậy, không có nghĩa là mình phóng túng, muốn làm gì thì làm. Tự do ở đây, cần hiểu theo nghĩa, là được tự do sống với cái thực trọn vẹn. Ta và thực, là một.

Khi ta khởi lên bản ngã, muốn cái này, muốn cái kia, chính lúc ấy, ta đã tự che lấp, tự ràng buộc mình. Mình muốn tự do, mình phải cởi bỏ những che lấp, trói buộc đó đi: xả ly, ly tham, đoạn diệt.

Trong tu tập, nhiều người vẫn hiểu sai, thêm vô là tốt, mỗi ngày thêm vô một ít, thêm được chút nào hay chút đó. 

Họ đã không hiểu, tu chính là buông, buông mỗi ngày thêm một ít, buông thêm được chút nào hay chút đó. Buông hết tất cả những gì mà trước nay, mình tự ràng buộc, mình tự trói buộc.

Cũng cần nhớ, mình đang sống trong pháp luật, thì mình phải sống đúng với pháp luật; mình đang sống trong giới luật, mình phải sống đúng với giới luật. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là mất tự do. 

Tự do này cần hiểu cho đúng. Tự do, không có nghĩa là phóng túng, mà tự do, có nghĩa là tâm hồn không còn bị ràng buộc bởi điều gì nữa. 

Tự do này là tự do khỏi những ảo tưởng, những ảo tưởng của tự con người nghĩ ra, và tự con người trói buộc mình vào đó. 

Chính vì vậy, mà mới có câu để đời của một vị thiền sư: GẶP PHẬT SÁT PHẬT, GẶP TỔ SÁT TỔ!

Câu này có nghĩa là, mình không để mình bị lệ thuộc vào ai hết, mình chính là nơi nương nhờ của mình, chớ không nương nhờ bất kỳ ai khác.

Ngay cả vị thầy cũng vậy. Thầy không phải là người để chúng ta lệ thuộc. Thầy chỉ là người gợi ý, chỉ là người khai thị. Chính mình phải tự thấy.

Không còn bị ràng buộc, để thường trọn vẹn rõ biết, thấy ra những tự che lấp, những tự trói buộc của mình trong dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

Giải thoát, vì vậy, mang nghĩa, giải thoát tâm mình ra khỏi dục giới, sắc giới và vô sắc giới - do chính tâm con người tạo ra tam giới này (tam giới duy tâm) - để tâm được hoàn toàn rỗng lặng, trong sáng.

******

4. Chữ Phật Có Nghĩa Là Sáng Suốt Rõ Biết

Thông thường, ai cũng thích sự hòa hợp, như vừa rồi, có người hỏi thầy, là làm thế nào để có thể sống Lục Hòa.

Nhưng nếu cố sống Lục Hòa, thì nó lại sinh ra lủng củng. Cho nên Đức Phật mới dạy, mỗi người tự biết mình, điều chỉnh chính mình, thì cộng đồng sẽ tốt đẹp.

Giả sử, trong một khu phố, có một trăm gia đình. Tất cả mọi người trong một trăm gia đình này, đều giữ được sự tốt đẹp cho chính mình, thì tự nhiên, cả khu phố đó đều tốt đẹp.

Nhưng nếu khu phố, ngày nào cũng họp tất cả mọi người lại, rồi yêu cầu, phải là thế này, phải là thế kia, thì sẽ sinh ra rắc rối.

Trong công ty cũng vậy, khi làm việc, mình cần bình tĩnh, sáng suốt, phục vụ hết lòng cùng tâm tâm vị tha.

Ai nói gì mặc họ, ngay cả khi, có những người ích kỷ, họ nói, làm gì mà làm nhiều vậy, làm sơ sơ thôi, nghỉ ngơi cho khỏe, dại gì mà phục vụ cho mệt.

Khi mình làm việc, phục vụ hết lòng với một tâm vị tha như vậy, trước hết, chính bản thân mình sẽ nhận được hạnh phúc.

Mình vẫn lắng nghe ý kiến chung quanh, nhưng mình không để bị lệ thuộc vào những dư luận chung quanh đó.

Khi thầy đi thuyết pháp tại các đạo tràng, thầy nhận thấy, có một số người dẫn dắt đạo tràng rất chủ quan. Họ hay bắt buộc đạo tràng phải thế này, phải thế kia, phải thế nọ. Thành thử, thay vì giúp cho người ta giải thoát, thì ở đây, lại trói buộc thêm họ.

Trong Đạo Phật, vẫn là mỗi người phải tự điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt. Mỗi người mà đúng tốt, thì sẽ đóng góp cho cộng đồng, đóng góp cho xã hội đúng tốt.

Chữ Phật có nghĩa là sáng suốt, rõ biết, cho nên mục đích của Đạo Phật là, mình phải luôn sáng suốt, rõ biết mình, để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt. Khi mình đúng tốt, thì sẽ vừa an lạc cho mình, vừa an lạc cho đời.

Khi mình cứ muốn mọi người phải đúng tốt như thế nào đó, thì có khi nó sẽ sinh ra xung đột, cho nên, mình cần trọn vẹn, rõ biết mình là chính.

******

5. Cảm Nghĩ

Tôi kính trọng và yêu mến sư ông Viên Minh biết là bao.

Kính trọng vì sư ông là một bậc đức cao vọng trọng, kính trọng còn vì kiến thức, kiến văn, kiến Pháp của sư tột đỉnh, không thắc mắc nào mà sư ông không giải quyết rốt ráo, thấu lý, đạt tình.

Yêu mến là bởi sư ông giảng Pháp, nói Pháp rất hay, rất dễ hiểu; yêu mến còn là vì, sư ông luôn mong muốn, qua các giải đáp của mình, mọi người sẽ có được một cuộc sống đơn giản nhứt, dễ chịu nhứt, tự do nhứt, và, hạnh phúc nhứt.

Xin tán thán công đức của sư ông Viên Minh. Thân mến chúc các bạn vui vẻ và hạnh phúc.

Phạm Hiền Mây

******

Nguồn Bài Giảng

Đây là văn bản được chuyển từ bài nói chuyện của sư Viên Minh, trong video mang tên Vấn Đáp - Ngày 8 - Khóa Giảng Thiền Thứ 23 - HT. Viên Minh. Phát hành ngày 22.09.24, trên kênh YouTube Trà Đạo Bửu Long.

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

ĂN ỐC NÓI MÒ...

Ốc hương, anh khoái nấu với bầu

Nguyên Sa trước tác hai câu thơ thiệt ‘ngầu’: “Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc,/ áo nàng xanh, anh mến lá sân trường…” Rồi còn được ông Ngô Thụy Miên phổ nhạc… Ông ấy nhiều chữ nghĩa thiệt tình. Tôi không đủ chữ nghĩa chỉ biết đặt tựa cho bài là “Ốc hương, anh khoái nấu với bầu”.

Có một lần, ở Cần Thơ, được ăn con ốc mà dân nhậu Tây Đô gọi là ‘bu lót’. Mò mẫm trên internet mới biết đó là con ‘bulot’ (buy lô) theo tiếng Pháp. Đọc thêm nữa để đủ tư liệu viết bài, té ra Tây chỉ biết ăn con ốc ‘escargot’ mà dân ta gọi là ốc sên. Họ chê con ốc bulot ngon thua con escargot. Có thể kết luận mà chẳng sợ bị ‘ném đá’:  Tây chỉ có hai thứ ốc, và hạng nhứt chỉ có ốc escargot. Con ốc này giống con ốc ma ở Việt Nam. Trước 1975, ai thấy con ốc ma cũng bắt gớm. Sau 1975, đói cơm lẫn đói mồi, tôi nghĩ ốc nào chẳng là đạm. Thế là bắt ốc ma làm mồi nhậu. Con ốc làm sạch nhớt, xào lên, ăn ngon thiệt. Đúng là ốc nào chẳng là đạm! Có nguồn tin nói ốc ma là escargot Tây bắt qua Việt Nam nuôi để ăn thời đô hộ, rồi bị hoang dã hóa. Thật khó mà xác định.

Ốc hương nấu bầu, bầu ngọt, ốc thơm ngọt.
Nói như trên, để có thể khẳng định, người Việt mình ăn nhiều thứ ốc nhứt trên trần đời. Có thể kể sơ một số con. Vùng Phú Yên, Khánh Hòa nổi tiếng nhất là con ốc nhảy. Nhưng chẳng ai nghĩ đến đặt tên cho nó là ‘vũ loa’ cho văn chương. Ốc nhảy bị họng không đáy ở Sài Gòn làm tuyệt chủng. Đến độ khi tôi về quê Vạn Giã, mấy đứa em mua ốc nhảy về, con nhỏ xíu. Tụi nó nói đó là ốc nhảy đực vì ốc nhảy con to chở đi Sài Gòn hết rồi. Vùng Cà Mau, dân Sài Gòn ai chẳng ghiền con ốc len xào dừa bắt ở xứ nầy. Vùng Phan Thiết, tới mà không ăn con ốc giác, con ốc hương coi như chưa tới đó. Chỉ biết ăn, nên các hàng quán bán cho họ con ốc vôi, biểu là ốc giác, dân Sài Gòn tin sái cổ. Ốc giác khác ốc vôi ở cái vỏ. Ốc giác to con, vỏ có vân thiệt đẹp, ốc vôi vỏ trắng nhách nhỏ con bằng cái nắm tay. Mực tuộc thông minh hơn dân Sài Gòn. Nên dân đảo Thổ Chu ở Kiên Giang phải dùng vỏ ốc giác con nhỏ mới câu được. Vỏ ốc vôi trắng nhách, mực không thèm chui vô ở, để bị bắt.

Ngoài ra, dân Việt còn ăn nào là ốc giấm, ốc bàn tay, ốc cà na, ốc mỡ, ốc tỏi, ốc đắng, ốc xà cừ, ốc bươu, v.v. Bến Tre nổi tiếng với món bánh xèo ốc gạo. Gọi là ốc gạo, vì con ốc này mang ốc con trong bụng. Khi ăn, hay nhai phải những con ốc con như hột gạo. Đồng Tháp Mười có nơi chuyên bán ốc lác gác bếp. Người ta bắt con ốc lác đem treo trên bếp suốt mấy tháng trời, giống như nó ngủ khô trong hang ở ruộng. Khi ăn, cho nó uống sữa pha hột gà, thịt con ốc ngon đến nỗi để dành viết riêng một bài khác.

Ly kỳ hơn cả là ốc bướm. Có quán trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ở Sài Gòn chuyên bán ốc này, lấy tên là quán ‘Ốc Ấy’. Nhưng nguồn ốc không nhiều, nên vào quán, có khi không có món đặc sản ‘ốc ấy’ và trả lời câu hỏi ‘chừng nào có’ là ‘dạ thưa không biết’. Ốc bướm có tên khoa học là Cyprea tigris, tên tiếng Anh là tiger cowrie. Người Việt đặt tên nó vì nó giống cái bướm, cái ấy. Tây đặt tên nó vì vân trên vỏ nó giống vằn cọp.

Chuyện ăn ốc của người Việt ly kỳ nói cả cuốn sách không hết. Chưa nói đến vụ ăn ốc đổ vỏ. Nên xin quay lại với đề tài ốc hương. Con ốc này trùng tên với ông Tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa vào sau ngày 21-4-1975, trước khi ông Tổng thống tay sai và đầu hàng lên vào những ngày cuối tháng tư cùng năm. Có thể nói ốc hương [1] là con ốc ngon nhứt xứ Việt. Thịt vừa ngọt, vừa có mùi hương riêng.

Ốc hương được gọi tên theo mùi của ốc. Ngay cả khi còn sống, loại ốc này có tỏa ra hương tự nhiên và có người cho rằng ‘còn hấp dẫn hơn cả khi được nấu chín’. Cũng giống như những người có mùi hương nách đặc thù. Ốc hương được nhiều người phong cho ‘nữ hoàng ốc’. Tại sao không là ‘quân vương ốc’ thì không biết. Nhứt là ở xứ Việt Nam, tại sao nó giống cái, trong khi bên Pháp ốc toàn giống đực. Lại nữa, cọp chết để da, ốc hương ăn thịt rồi còn để vỏ, bán cả đô la một cái.

Ốc hương được kể là đặc sản Phan Thiết, vì con ốc tự nhiên ở xứ này nhiều lắm. Tới mùa gió bấc về là người dân thôi lưới lộng, chuyển sang đi rập ốc hương. Lộng có nghĩa là vùng biển giáp vùng bờ và vùng khơi. Nghề lộng thường dùng thuyền thúng. Để bắt ốc hương, ngày xưa, ngư dân uốn hai thanh tre cong thành chữ ‘U’ bắt tréo với nhau. Bốn mũi tre nhằm căng một miếng lưới. Trong lưới đó thả mồi cá sình thúi để dụ ốc vào. Bây giờ người rập ốc dùng thép làm thành hộp lưới hình cái trống, có chừa cửa cho ốc vào.

Ốc hương là giống có chu kỳ lớn trong vòng một năm là vừa ăn, từ mùa bấc này sang mùa bấc kia. Có lẽ vì đi rập mùa bấc nên người Tàu gọi tên nó là ‘đông phong loa’. Ốc hương tự nhiên nhờ vậy mà năm nào cũng có. Con ốc tự nhiên, theo một người dân Phan Thiết bày cho tôi để phân biệt với con ốc hương nuôi là các đốm màu nâu sậm của nó rất sậm.

Khi ốc hương thiên nhiên giảm đi, giá ốc hương tăng vùn vụt, người ta nghĩ đến việc nuôi chúng. Quê Vạn Ninh của tôi lại trở thành nơi đầu tiên nuôi ốc hương từ năm 1999. Thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng trước đó nổi tiếng với những chiếc lồng nuôi tôm hùm. Nhưng tôm hùm nuôi tốn vốn đầu tư cao hơn ốc hương, người người chuyển sang nuôi ốc hương. Nhờ vậy mà cái họng ngốn ốc Sài Gòn được hưởng ốc hương giá có khi rất thấp.

Lâu nay, thú thật tôi chỉ biết món ốc hương luộc hoặc hấp. Có khi gặp đợt ốc nuôi không lớn, đem rang muối ớt vừa lấy ngon vừa ăn chậm lại, đỡ tốn mồi. Lần đầu tiên, tôi ăn món ốc hương nấu bầu là ở bếp nhà chef Võ Quốc. Mới phát hiện ra bầu ngọt làm sao. Một ông bạn dân biển Bình Định nói xào bầu chất ngọt bị bầu hút hết còn gì. Còn chớ, mùi hương ‘nách’ con ốc làm sao bay đi đâu! Thịt ốc thơm, dòn, ngọt. Thêm vào đó là bầu ngọt hơn, nước húp cũng đã gì đâu!

Chẳng biết con spotted babylon snail, của Thái, con đông phong loa của Tàu ngon thể nào. Có bằng con ốc hương xứ Việt không? Có hạp khi vừa ăn vừa nghe Rivers of Babylon của Boney M không?

[1] Tên khoa học của nó là Babylonia areolata.

Ngữ Yên Tran Cong Khanh

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

TRUNG QUỐC


( lấy từ trang Khoa Trần)

Ngay khi lập nước, họ gọi tên nước là Trung Quốc, nước ở trung tâm thế giới. 

Đến đời nhà Chu, có thêm từ Trung Hoa, xứ văn minh ở trung tâm 
Còn nhiều tên khác nữa, như Trung Nguyên, Trung Hạ, Thần Châu... đều có ý nghĩa chỉ xứ trung tâm trời đất. 

Dân Việt gọi họ là Tàu. Từ này xuất hiện cuối Minh đầu Thanh, khi những người Trung Quốc di cư sang Việt Nam trên những con tàu biển. Xuất hiện hai cụm từ : Tàu ô, chỉ những con tàu sắt màu đen kịt, và Tàu khựa ( do người Việt để răng đen, người Trung Quốc để răng trắng nên có chữ này, khựa nghĩa là răng trắng) 

Phương Tây gọi họ là China. Nguyên do vào đời Minh, đồ gốm Trung Quốc chủ yếu sản xuất tại trấn Cảnh Đức, Giang Tô, đồ gốm khi xuất sang châu Âu, chỉ ghi hai chữ Cảnh Đức, người Anh phiên âm thành China, từ đó họ gọi nước Trung Quốc là China 

Đầu tiên, đó chỉ là một bộ tộc Hoa Hạ trên lưu  vực sông Hoàng Hà, sau mấy ngàn năm, bộ tộc ấy nuốt vào bụng không biết bao nhiêu quốc gia lớn nhỏ, thành Trung Quốc hôm nay. Cũng có lúc họ bị xâm lược, nhưng đấy là cái bẫy của họ. Điển hình hai trường hợp : Mông Cổ và Mãn Thanh. Thế kỷ 13,  Hốt Tất Liệt xâm lược Trung Quốc, lập nhà Nguyên, kết quả toàn bộ người Mông Cổ vào Trung Nguyên biến thành người Hán, Mông Cổ mất một nửa đất nước cho Trung Quốc, đó là Khu tự trị Nội Mông hiện nay. Mãn Thanh còn bi thảm hơn. Năm 1644,  họ tràn qua Sơn Hải Quan, diệt Minh, lập Thanh triều, vài trăm năm sau, người Mãn thành người Hán tất, cái duy nhất còn lại là cái đuôi sam cũng bị cắt nốt sau 1911.  Đến giờ, chỉ còn lại độ 10000 người Mãn sống ở vùng đông bắc, ngồi tưởng nhớ quá khứ huy hoàng của dòng họ Ái Tân Giác La ngày xưa. 

Nước duy nhất Hoa Hạ không đồng hoá được, là xứ Giao Chỉ, dù nó cai trị trên dưới 1000 năm,với nhiều thủ đoạn dã man, hèn hạ. Có ba nhân tố làm cho dân Việt giữ được nước, đó là làng xóm, luỹ tre xanh và thói quen lười học ngoại ngữ của người Việt. 

Cũng có lúc Trung Quốc định giăng bẫy, khi các thủ đoạn đồng hoá vô tác dụng. Đó là thời kỳ Tây Sơn. Càn Long hứa trả cho Quang Trung hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Thật may mắn, Quang Trung mất sớm, nên ý định đó không thực hiện được. Nên nhớ Lưỡng Quảng có diện tích và số dân gấp hai lần Việt Nam. 

Tất nhiên, họ phải có đầu óc sáng tạo. Sáng tạo đầu tiên của người Trung Quốc chính là chữ viết. Trên thế giới, không có thứ chữ tượng hình nào phong phú như chữ tượng hình Trung Quốc. Đằng sau mỗi chữ là một khái niệm. Đọc một bài thơ bằng chữ Hán như xem một bức tranh. Trong chữ hưu (hưu trí)  có ông già ngồi dưới gốc cây. Trong chữ An, có người phụ nữ ngồi trong ngôi nhà. Trong chữ Tửu (rượu)  có 3 giọt nước bên cạnh cái bình......... Chính chữ viết đã kết nối các tiểu quốc thành quốc gia vĩ đại Trung Hoa. 

Từ Tần Thuỷ Hoàng, ông vua phong kiến đầu tiên, đến Phổ Nghi, ông vua cuối cùng, tổng cộng Trung Quốc có 494 Hoàng Đế, với vài chục triều đại, 6 kinh đô. Nhà Tần khởi đầu, và không có ấn tượng gì ngoài Vạn Lý Trường Thành. Nhà Hán bắt đầu định hình cơ cấu xã hội phong kiến, kéo dài hơn 400 năm, giữ vai trò quan trọng nhất lịch sử Trung Quốc, không triều đại nào so sánh được. Nhà Đường đạt mức độ thịnh trị nhất thế giới về mọi mặt từ kinh tế đến chính trị văn hoá, đồ gốm sứ đi đến tận châu Âu, thơ Đường là đỉnh cao của ngôn ngữ văn minh nhân loại, bằng Tiến Sĩ thời Đường là học vị cao nhất thế giới. Thời Tống nổi tiếng với các phát minh. Nguyên, ngoại lai, nhạt nhẽo. Minh triều, bắt đầu có sự kết nối Trung Quốc với thế giới qua cuộc hành trình của Trịnh Hoà đầu thế kỷ 15,  và mầm mống tư bản xuất hiện. Và khi người Mãn Thanh vào Trung Nguyên, Trung Quốc bắt đầu ngủ yên. 
Trong sân khấu chính trị ấy, xã hội Trung Quốc có đủ các gương mặt. Có tiểu nhân và quân tử. Có bọn thái giám và ngoại thích. Có Nhạc Phi ngồi cạnh Tần Cối, Đổng Trác cùng Gia Cát Lượng. Có tứ đại mĩ nhân, tứ đại kỳ thư, tứ đại phát minh. Người ta vừa kính phục, vừa sợ, vừa căm ghét. 

Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, có bóng dáng của một con người vĩ đại, dù ông chưa một ngày làm Vua, nhưng là ông Vua tư tưởng : Khổng Tử. Tư tưởng của ông là cơ sở tinh thần cho xã hội phong kiến Trung Quốc. Giống như Mĩ, cơ sở tinh thần là văn minh Thiên Chúa giáo. 
Tư tưởng Khổng Tử có tác dụng đảm bảo cho xã hội cân bằng, nhưng có nhược điểm là bảo thủ, hướng nội, khó tiếp thu cái mới. 

Thế kỷ 17,  châu Âu bắt đầu bừng tỉnh, với các cuộc cách mạng tư sản và các nhà khai sáng như G.Ruxo, Đidoro, Kand, Vonte, Decac, Paxcan..... thì Trung Quốc đang trong giấc mộng. Họ đang say sưa với Trường An, Lạc Dương, những thành phố lớn nhất thế giới  say sưa với 4 phát minh, mà có biết đâu, châu Âu đã lợi dụng thuốc súng của họ, chế ra đại bác, chuẩn bị bắn vào đầu họ. 
Trung Hoa đã trở nên vô cùng lạc hậu vào giữa thế kỷ 19.  Lúc ấy, các nước phương Tây đến mở cửa, giống như họ đã mở Nhật Bản. Nhưng thành trì Trung Quốc quá vững. Văn minh phương Tây chỉ như lớp sơn bề ngoài. Một Trung Quốc đầy chia rẽ và bệnh hoạn. Phương Tây giống như một lão già bệnh tật, hãm hiếp nền văn minh Trung Quốc, không đem lại sự sinh sản, mà gây ra bệnh tật và sự khổ đau. 

Văn minh phương Tây không có đất sống ở Trung Quốc. Họ phải có con đường riêng. Tam quyền phân lập, lưỡng viện Quốc Hội, khẩu hiệu  tự do bình đẳng bác ái, chế độ đa nguyên.. hầu như không hợp với Trung Quốc. 
Chỉ đến khi họ bị dìm đến đáy, họ mới vùng dậy. Cái đáy này là năm 1978,  khi Trung Quốc trở thành gã nghèo khổng lồ của thế giới. 

Tư tưởng dân chủ tư sản, chủ nghĩa Mac đều không phù hợp với họ. Họ cần con đường riêng. Người xây con đường riêng ấy là Đặng Tiểu Bình  Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình. 

Nhưng xuyên suốt lịch sử Trung Quốc từ cổ đến kim, là tư tưởng Đại Hán, xâm lược, cướp giật. Đó là bi kịch của các nước xung quanh. Nếu khôn ngoan, hãy chung sống hoà bình, và lợi dụng con hổ này để kiếm tiền. 
Dại dột thì đối đầu, như đối đầu với Mĩ. 
Trong tương lai, Trung Quốc có trở thành một nước dân chủ như phương Tây hay không?  Chắc chắn không. 

Bài học lớn nhất từ lịch sử Trung Quốc là : nếu chính quyền trung ương suy yếu thì đất nước sẽ bị chia cắt, mà đã chia cắt là kéo dài vài trăm năm. 
Vậy tương lai Trung Quốc sẽ thế nào?  
Tôi tin theo lời Ngài Lý Quang Diệu, khi ông cho rằng, có thể Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mĩ về kinh tế, nhưng không bao giờ Trung Quốc đuổi kịp Mĩ về khoa học và quân sự. 
Vì sao vậy?  

Vì Trung Quốc vướng cái rào cản ngôn ngữ. Chữ Hán là thứ chữ của nghệ thuật, thơ ca. Còn tiếng Anh mới là ngôn ngữ của khoa học và kỹ thuật. 

Vậy, cứ để cho họ mơ giấc mơ Trung Hoa. 
Mọi giấc mơ đều đẹp

CHUYÊN GIA TÀI CHÍNH TRUNG QUỐC BÀN VỀ VINFAST, VINGROUP VÀ KINH TẾ VIỆT NAM

Bài rất hay. Ai quan tâm đến tình hình kinh tế Việt Nam, đặc biệt là chính sách kinh tế vĩ mô thì nên đọc.

CHUYÊN GIA TÀI CHÍNH TRUNG QUỐC BÀN VỀ VINFAST, VINGROUP VÀ KINH TẾ VIỆT NAM

 FAN TONG HUANG LAO BAN

Ngày 15/8/2023, hãng ô tô Việt Nam VinFast được niêm yết tại Mỹ với giá trị vốn hóa ở mức cao nhất lên tới 200 tỷ USD.

Tuy không có danh tiếng lẫy lừng nhưng VinFast lại được nhà nhà biết đến ở Việt Nam, công ty mẹ của hãng xe này là Tập đoàn Vingroup, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Công ty này có vô số điểm tương đồng với Evergrande: Ông chủ Phạm Nhật Vượng cũng là người giàu nhất giống như Hứa Gia Ấn, hoạt động kinh doanh chính của họ là bất động sản, cả hai đều thích làm bóng đá và có tư duy “cái gì ra tiền thì làm cái đó”. Nhìn tổng thể thì VinFast gần như là phiên bản Việt Nam của Evergrande.

Hiểu như thế nào về khái niệm vốn hóa thị trường 200 tỷ USD? Nếu xếp hạng thì con số này đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Tesla và Toyota. Trên thực tế, khi Phố Wall xếp hạng VinFast, đó cũng là lúc lý thuyết về sự trỗi dậy của Việt Nam đang ở vào thời đỉnh cao. Ở một mức độ nào đó, điều này phản ánh trí tưởng tượng đẹp đẽ của thế giới về việc Việt Nam sẽ thay thế vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc, ngay cả khi chưa có ai trên thế giới ngoài người Việt được chiêm ngưỡng xe của VinFast.

Vào cuối tháng 7, tôi đến TP.HCM công tác và có ghé thăm một cửa hàng VinFast. Giống như các thế lực mới trong nước, VinFast cũng mở cửa hàng trải nghiệm tại các trung tâm mua sắm cao cấp. Một người bạn Trung Quốc ở Việt Nam cùng tôi đi khảo sát cho biết, xe điện VinFast về cơ bản được lắp ráp từ linh kiện Trung Quốc: Pin của Gotion High-Tech, động cơ của Dalian Haosen, radar của Shanghai Baolong và cảm biến nhiệt của Jiangsu Kingfield…

Vì vậy, chiếc xe này đem lại cảm giác có chút “giả”.

Lịch sử đã chứng minh Việt Nam không mấy phù hợp với vị trí thứ ba thế giới. VinFast nhanh chóng bị đưa trở lại giá trị thực và vốn hóa đã giảm 95% so với mức đỉnh. Tuy nhiên, khi thảo luận với người bạn Việt Nam về công ty này, chúng tôi nảy ra một câu hỏi thú vị: VinFast đã dựa vào sự thổi phồng của Phố Wall để trở thành thương hiệu Việt đầu tiên vươn tầm toàn cầu, nhưng ngoài nó ra, Việt Nam đã từng có thương hiệu đẳng cấp thế giới hay đẳng cấp châu Á nào?

Bối cảnh của câu hỏi này là: Việt Nam đã bước sang năm thứ 38 kể từ cuộc cải cách vào năm 1986, ít nhất cũng phải có một số công ty trong nước có tên tuổi.

Thế là người bạn Việt Nam của chúng tôi kể ra một loạt cái tên: Vinamilk, Viettel, VietinBank… Một người bạn Singapore cùng ngành đã làm việc ở Việt Nam hơn mười năm ngắt lời anh ấy và nói rằng, có rất ít người dân ở các nước láng giềng Đông Nam Á của Việt Nam từng nghe nói đến những thương hiệu này, chứ đừng nói đến đẳng cấp thế giới hay đẳng cấp châu Á.

Chúng ta cũng có thể đưa ra các ứng cử viên của “mô hình Đông Á” và tiến hành một so sánh thống nhất:

Với Nhật Bản, nếu bắt đầu tính từ năm 1946 thì 38 năm sau là 1984, nước này đã có các hãng lớn như Sony, Toyota, Panasonic, Toshiba… Sản phẩm của họ bán chạy trên toàn thế giới, ngay cả người Mỹ cũng hét lên rằng “Nhật Bản là số 1”.

Đài Loan bắt đầu xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu vào năm 1958. 38 năm sau, tức năm 1996, Acer, Formosa Plastics, Asus và Uni-President đã nổi tiếng khắp châu Á. Ngay cả TSMC, một doanh nghiệp mới thành lập chưa đầy 10 năm, cũng đang chuẩn bị lên sàn.

Chính phủ Park Chung-hee của Hàn Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên vào năm 1962. 38 năm sau, vào năm 2000, các doanh nghiệp chaebol như Samsung, LG, Hyundai, KIA đã trở thành tấm danh thiếp quốc gia của Hàn Quốc với danh tiếng vươn tầm thế giới.

Điều này cũng đúng với Trung Quốc đại lục. Nếu tính từ năm 1978 thì 38 năm sau, tức năm 2016, có 110 công ty Trung Quốc nằm trong top 500 công ty hàng đầu thế giới. Huawei, Haier, Lenovo, Tencent và Alibaba đã tạo dựng được danh tiếng trên toàn cầu.

Nếu nói quy mô của Trung Quốc đại lục lớn hơn Việt Nam rất nhiều và không thể so sánh thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều có cùng tầm cỡ (hoặc nhỏ hơn) với Việt Nam về cả dân số và diện tích, nhưng Việt Nam lại có khoảng cách rất lớn so với cả ba.

Nếu đặt câu hỏi này với giới tinh anh Việt Nam, chỉ cần bạn đủ khéo léo, họ sẽ không cảm thấy bị xúc phạm, mà sẽ kể với bạn không ngừng: Một số người quy cho việc chính phủ thiếu hành động, phàn nàn về việc quan chức tham nhũng; có người bàn đến thói hư tật xấu của dân tộc và việc người dân sính ngoại, chỉ yêu thích thương hiệu Nhật, Hàn; có người trách cứ các công ty không có khát vọng, chỉ biết bóc lột công nhân trong cuộc chiến giá cả rồi chuyển tài sản sang Mỹ…

Những lời này nghe có chút quen thuộc. Thậm chí, tôi còn tự hỏi liệu chúng có được trích từ một trang web tiếng Trung hay không. Tất nhiên, việc phàn nàn chỉ có thể trút bỏ cảm xúc chứ chẳng thể nào cho ra được đáp án. Vẫn cần dựa vào số liệu và thực tế để trả lời câu hỏi này: Việc Việt Nam vắng bóng thương hiệu nội địa là kết quả của sự mất cân bằng cơ cấu kinh tế trong thời gian dài, hay nói cách khác, là do sự thất bại trong việc học hỏi “mô hình Đông Á”.

Đằng sau câu hỏi này ẩn chứa sự thực về nền kinh tế Việt Nam. Chỉ khi hiểu được nó, bạn mới có thể thực sự hiểu về Việt Nam.

01.

Nhìn bề ngoài, Việt Nam là người bạn siêng năng cùng học hỏi “mô hình Đông Á” và là đại diện tiêu biểu cho việc “níu lấy Trung Quốc để qua sông”.

Nhịp độ của Việt Nam cách Trung Quốc khoảng 6 đến 10 năm: Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa từ năm 1978, Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện cải cách đổi mới từ năm 1986; năm 1980, Trung Quốc bắt đầu thực hiện “hệ thống khoán hộ gia đình”, Việt Nam thực hiện chính sách tương tự năm 1988; năm 1982, Trung Quốc công nhận địa vị pháp lý của kinh tế tư nhân, Việt Nam thông qua Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990; Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, Việt Nam cũng gia nhập WTO năm 2007.

Chúng ta coi cuộc cải cách của hai bên làm xuất phát điểm và vẽ ra tốc độ tăng trưởng GDP của hai nước trong 20 năm qua. Có thể thấy rằng, cả Trung Quốc và Việt Nam đều trải qua hai chu kỳ tăng trưởng, nhưng tốc độ của Trung Quốc nhanh hơn. Từ năm 1978 đến năm 1998, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Trung Quốc là 9,8%, trong khi từ năm 1986 đến năm 2006, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam là 7,1%. Từ góc độ dữ liệu, thành tích của Việt Nam trong 20 năm đầu của cuộc cải cách là khá chuẩn mực.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào cơ cấu kinh tế của hai nước, chúng ta sẽ nhận thấy sự khác biệt to lớn.

Từ cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc năm 1998 có thể thấy, các sản phẩm cơ điện tử đã vượt qua dệt may và trở thành sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Còn với cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam năm 2006, có thể thấy sau 20 năm cải cách, nhiên liệu (chủ yếu là xăng dầu) chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất, và trong số các sản phẩm công nghiệp, dệt may và giày dép xếp trên các sản phẩm cơ điện tử.

Tổng kết đơn giản như sau: Trong kỳ đầu, Trung Quốc và Việt Nam đều xây dựng nền kinh tế “định hướng xuất khẩu” theo mô hình Đông Á. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ đầu của cuộc cải cách mở cửa, Trung Quốc đã chuyển từ các ngành cấp thấp như dệt may sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như điện và cơ khí, trong khi Việt Nam vẫn dừng lại ở tài nguyên khoáng sản và các sản phẩm công nghiệp cấp thấp. Nhìn bề ngoài, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gần giống với số liệu của Trung Quốc nhưng lại có những lỗ hổng nhất định trong cơ cấu.

Không phải Việt Nam không có cơ hội sửa chữa sự lạc hậu về cơ cấu, mà thực tế là họ đã sớm nhận được cơ hội thứ hai.

Tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO, hàng loạt công ty có vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam. Đặc biệt, năm 2008, Samsung đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh và sau đó triển khai kế hoạch “kiến chuyển nhà”, liên tiếp đóng cửa các nhà máy ở Thâm Quyến, Thiên Tân và Huệ Châu để chuyển đến Việt Nam, kèm theo một lượng lớn các nhà sản xuất linh kiện thượng nguồn và hạ nguồn. Việt Nam nghênh đón nhà đầu tư lớn nhất trong lịch sử.

Hiện nay, Samsung sản xuất điện thoại di động, đồ gia dụng, máy tính, linh kiện chip, linh kiện điện tử và các sản phẩm khác tại Việt Nam. Đặc biệt, sản lượng điện thoại di động của Samsung Việt Nam đã vượt quá một nửa sản lượng toàn cầu của Samsung, đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai trên thế giới. Giá trị sản lượng hằng năm của Samsung tại Việt Nam chiếm tới hơn 20% GDP của nước này. Thậm chí, một lãnh đạo cấp cao của Samsung cũng từng đảm nhận chức Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.

Trong Chiến tranh Việt Nam, chính phủ Park Chung-hee đã phái tổng cộng 320.000 người đến Việt Nam để giúp đỡ quân đội Mỹ. Dưới sự thúc đẩy của Samsung, các doanh nghiệp Hàn Quốc kéo nhau tới. LG đổ bộ vào Đà Nẵng, SK vào Hải Phòng, Hyundai khai thác Ninh Bình, Lotte cắm cờ ở Thành phố Hồ Chí Minh, POSCO ngụ ở Bà Rịa Vũng Tàu… Các doanh nghiệp Hàn Quốc kết thành một dải từ Nam ra Bắc, thực hiện giấc mơ còn dang dở của quân đội Mỹ hồi đó.

Vốn sản xuất theo mô hình Đông Á sẽ không bỏ sót bất kỳ quốc gia nào có nhân công giá rẻ. Các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Đài Loan lần lượt vào Việt Nam, còn TCL và Haier của Trung Quốc đại lục cũng vào Nam mở nhà máy từ rất sớm. Vì vậy, với sự giúp đỡ của các chủ doanh nghiệp nước ngoài, nền xuất khẩu của Việt Nam cũng dần rời xa thời đại của nguyên liệu thô và dệt may, các sản phẩm cơ điện có giá trị gia tăng cao đã chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2023.

Theo kinh nghiệm của mô hình Đông Á, việc tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lên chuỗi cung ứng bản địa, cùng sự tiếp thu và hấp thụ các công nghệ tiên tiến có thể giúp nuôi dưỡng một lượng lớn các doanh nghiệp thuộc chuỗi công nghiệp bản địa. Các thương hiệu bản địa này có thể hoàn thành cuộc phản công chống lại các doanh nghiệp nước ngoài, trước tiên là thay thế hàng nhập khẩu, tiếp đó là tiến hành cạnh tranh với các ông trùm nước ngoài trên toàn cầu và cuối cùng trở thành thế lực xuất khẩu lớn. Có rất nhiều công ty ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể làm được điều này.

Vậy Việt Nam có làm được điều này không? Hãy nhìn thẳng vào số liệu.

Hình 2 là biểu đồ về tỷ trọng doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu của Việt Nam. FDI là viết tắt của Đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh. Có thể thấy, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tỷ trọng FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên qua từng năm và tỷ trọng của doanh nghiệp nội địa cũng giảm dần theo thời gian. Đến năm 2023, tỷ trọng FDI đã tăng lên mức khoảng 74%.

Khi phân tích sâu hơn, có thể thấy, trong các lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính, đồ gia dụng và linh kiện điện tử, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngay cả trong lĩnh vực dệt may ở cấp tương đối thấp, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa thể đánh bại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc). Chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu các ngành chế biến nông sản và thủy hải sản, doanh nghiệp nội địa của Việt Nam mới có thể áp đảo doanh nghiệp vốn nước ngoài.

Nếu nghiên cứu sâu hơn sẽ phát hiện ra rằng, chỉ có 13% doanh nghiệp FDI là liên doanh, còn lại là 100% vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đầu tư nước ngoài bị siết chặt, Việt Nam khó có thể nuôi dưỡng được các doanh nghiệp nội địa có đủ năng lực cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam giống như một trạm trung chuyển sản xuất cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở Đông Nam Á và để lại rất ít không gian cho các doanh nghiệp trong nước. Nhiệm vụ tham gia và cạnh tranh toàn cầu còn khó thực hiện hơn nữa.

Do vậy, khó có thể coi Việt Nam là “học sinh xuất sắc” trong lớp học mô hình Đông Á. Rõ ràng rằng, Việt Nam đã không sao chép đúng một vài vấn đề lớn.

02.

Đầu tiên là chi tiêu R&D có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cấp công nghiệp.

Hình 3 là biểu đồ về tỷ trọng đầu tư cho R&D trong GDP của 4 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Trung Quốc (không bao gồm Hồng Kông, Macao và Đài Loan). Có thể thấy rõ khoảng cách giữa Việt Nam và 3 nước còn lại là rất rõ ràng. Nó là một đường thẳng trong một thời gian dài, vẫn nằm ở đáy và khoảng cách này vẫn chưa được thu hẹp mà ngày càng bị nới rộng, ngay cả khi nền kinh tế đã cất cánh.

Năm 2023, đầu tư cho R&D của Việt Nam chỉ chiếm 0,43% GDP. Trong mối tương quan với 4,91% của Hàn Quốc, 3,3% của Nhật Bản, 3,96% của Đài Loan, 2,43% của Trung Quốc đại lục, 0,95% của Malaysia và 0,65% của Ấn Độ, Việt Nam chỉ nhỉnh hơn một chút so với một nước sản xuất khác là Mexico (0,27%) và chỉ tương đương với trình độ của Trung Quốc vào đầu những năm 1990.

Hãy lấy ví dụ về một trường hợp mà ngay cả chính người Việt cũng phải tiếc nuối, đó là Orion Hanel, doanh nghiệp liên doanh lớn nhất Việt Nam.

Doanh nghiệp này thành lập vào năm 1993, là liên doanh do doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cùng góp vốn. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp này sản xuất bóng đèn hình và phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau năm 2000, khi toàn bộ ngành công nghiệp chuyển đổi sang LCD, Orion Hanel đã không kiên quyết đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển màn hình, cuối cùng đã hoàn toàn tụt lại phía sau rồi tuyên bố phá sản vào năm 2009.

Trên thực tế, cũng trong năm 2009, khi mà khu nghỉ dưỡng của Vingroup ở Nha Trang thường xuyên “cháy” phòng và Sun Group đang xây dựng dự án quy mô lớn ở Đà Nẵng, thì Việt Nam lại để doanh nghiệp liên doanh lớn nhất của mình phá sản. Nói một cách đơn giản, điều này tương đương với việc vào lúc Evergrande, Sunac đang phát triển điên cuồng thì Trung Quốc lại để SAIC Motor phá sản. Trong con mắt người Trung Quốc, có lẽ đây là điều khiến người ta phải kinh ngạc.

Kết quả, Việt Nam hiện là quốc gia lắp ráp TV lớn trên thế giới nhưng mức giá mà người tiêu dùng phải chi trả cho TV lại cao hơn ở Trung Quốc. Dù là thị trường trong nước hay thị trường xuất khẩu thì cũng đều là “địa bàn” của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, TCL và LG. Việt Nam không có chỗ đứng trong lĩnh vực màn hình ở thượng nguồn và chỉ có thể kiếm được chi phí lắp ráp ở cấp thấp.

Một số người có lẽ sẽ đặt ra câu hỏi: Nếu Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài đến vậy, chẳng lẽ không có chút lực đẩy nào đối với các doanh nghiệp trong nước?

Hãy lấy Samsung làm ví dụ và cũng sử dụng dữ liệu để đánh giá. Samsung Electronics là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Giá trị sản xuất tại Việt Nam của họ từng chiếm đến 28% GDP của nước này. Doanh nghiệp này tuyển dụng gần 100.000 nhân viên tại Việt Nam, có 1.600 xe buýt đưa đón nhân viên đi làm mỗi ngày. Vậy Samsung có bao nhiêu nhà cung cấp bản địa ở Việt Nam?

Theo danh sách các nhà cung cấp được Samsung Electronics công bố năm 2023, doanh nghiệp này có tổng cộng 103 nhà cung cấp cốt lõi trên toàn thế giới, 27 trong số đó có cơ sở sản xuất tại Việt Nam và có thể cung cấp tại bản địa. Tuy nhiên, trong số 27 doanh nghiệp này, có 23 doanh nghiệp Hàn Quốc, 2 doanh nghiệp Nhật Bản và 2 doanh nghiệp Trung Quốc. Không có bất kỳ doanh nghiệp bản địa nào của Việt Nam.

Lẽ nào không có bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào lọt vào chuỗi cung ứng của Samsung? Cũng không hẳn vậy, ba công ty Việt Nam sau đây là nhà cung cấp bản địa khá lớn của Samsung tại Việt Nam:

Ngân Hà Printing (in bao bì)

Phước Thành Plastic (linh kiện nhựa)

Goldsun (linh kiện nhựa)

Có thể thấy, các doanh nghiệp bản địa của Việt Nam về cơ bản chỉ có thể cung cấp hộp đựng và linh kiện nhựa cho Samsung.

Giáo sư Thi Triển kể câu chuyện sau trong cuốn Lan tỏa: Ông đến thăm Nguyễn Đức Thành (tên tiếng Anh là Felix), viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và là một chuyên gia về kinh tế Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện giữa hai người họ, có một đoạn như sau:

Tôi hỏi ông: “Việt Nam đang thu hút các ngành sản xuất một cách mạnh mẽ, vậy Việt Nam có chính sách công nghiệp của riêng mình không?”

Điều khiến tôi kinh ngạc là Felix đã khẳng định thẳng thừng rằng: “Chúng tôi không cần chính sách công nghiệp vì chúng tôi đã có Quảng Châu rồi!”

Tôi choáng váng: “Ông nói có Quảng Châu là có ý gì?”

“Nếu thiếu thứ gì đó trong quá trình sản xuất, chúng tôi có thể đến Quảng Châu để mua. Đâu cần đến chính sách công nghiệp”.

Quả là rất thuận tiện khi đến Quảng Châu để mua sắm – khoảng cách từ Quảng Châu đến Hà Nội là 850 km, trong khi khoảng cách từ Hà Nội đến TP.HCM là 1.150 km. Tuy nhiên, “Quảng Châu” ở đây chỉ vùng duyên hải phía Đông Nam Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam, nơi đây có chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh nhất thế giới. Nếu Việt Nam bằng lòng với việc chỉ làm lắp ráp thì đúng là không cần hỗ trợ cho chuỗi cung ứng bản địa.

Câu chuyện này nghe có chút giống như chuyện đùa, nhưng giả dụ đối phương không kiêm chức vụ trong Cục Chiến lược, vậy thì điều này hẳn đã phản ánh nhận thức của một số người Việt Nam về chuỗi cung ứng bản địa. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp bản địa của Việt Nam tiếp tục vắng mặt trong các công đoạn cốt lõi của chuỗi công nghiệp, nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ có thể là phần mở rộng của chuỗi kinh tế Trung, Nhật, Hàn, chứ không thể là đối thủ cạnh tranh độc lập với ba nước này. Giới hạn trên của sự phát triển đã bị khóa chặt.

Thế nhưng lịch sử đầy rẫy những điều trớ trêu. Sau khi Việt Nam bỏ lỡ hai cơ hội chiến lược liên tiếp, một miếng bánh khổng lồ lại rơi vào tay nước này.

03.

Năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ và Việt Nam trở thành một trong những nước được hưởng lợi nhất từ đó.

Năm 2016, trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Việt Nam đã đề xuất chiến lược “ngoại giao cây tre”, nghĩa là gốc rễ phải vững chãi nhưng phần ngọn thì phải linh hoạt, uyển chuyển trước gió giống như cây tre. Dựa trên ý tưởng này, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia. 16 FTA mà Việt Nam tham gia chiếm tới 90% GDP thế giới và bao trùm các nền kinh tế chính trên toàn cầu.

Quan trọng hơn, nhằm lách qua rào cản thương mại, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đổ xô vào Việt Nam với tốc độ chưa từng thấy. Theo trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đại lục đã vượt qua Hàn Quốc về số dự án được phê duyệt mới, chiếm 29,1%, và con số này chưa bao gồm tỷ trọng “mượn danh” Hồng Kông và Singapore.

Mượn lời của một ông chủ từng sang Việt Nam: Các doanh nghiệp Trung Quốc đang điên cuồng gửi vốn, nhà máy, đơn hàng, công nghệ và nhân tài sang Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng trưởng tới 20,6%. Nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ. Nước này kiếm được một khoản lớn “phí quá cảnh”.

Liệu Việt Nam có nắm bắt cơ hội thứ ba này và chuyển hóa sản lượng đầu ra từ Trung Quốc thành sự trỗi dậy của các doanh nghiệp trong nước?

Cũng chính vào lúc đề xuất “ngoại giao cây tre” năm 2016, Việt Nam đã ban hành “Quy hoạch tổng thể ngành điện tử”, trong đó đề xuất rõ ràng việc tạo ra 500.000 việc làm mới, “trong đó hầu hết là kỹ sư, kỹ thuật viên và quản lý cấp trung”, và “bổ sung những việc làm này thông qua phát triển năng lực nghiên cứu bản địa”.

Mục tiêu là mục tiêu, Việt Nam sẽ lựa chọn con đường nào để thực hiện nó? Mặc dù mô hình của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có những điểm tương đồng nhưng cũng tồn tại nhiều điểm khác biệt:

- Mô hình Nhật Bản: Thực thi mạnh mẽ các chính sách và trợ cấp công nghiệp, phát triển hệ thống công nghiệp một cách độc lập, đồng thời dùng “giá trị địa chính trị” để đổi lấy sự ưng thuận ngầm của phương Tây (chủ yếu là Mỹ) đối với chính sách và trợ cấp.

- Mô hình Hàn Quốc: Sử dụng mô hình chaebol (tài phiệt) để tập trung đột phá ở một số ngành có giá trị gia tăng cao, đồng thời sử dụng “giá trị địa chính trị” để đổi lấy tư cách xâm nhập những thị trường nhất định.

- Mô hình Trung Quốc: Học hỏi Nhật Bản, Hàn Quốc về chính sách công nghiệp, phát triển hệ thống công nghiệp một cách độc lập, đồng thời xây dựng thị trường nội địa có tính thống nhất và sử dụng việc mở cửa thị trường quy mô lớn để loại bỏ một số thế lực đối địch.

Mặc dù đáp án ở ngay trước mắt nhưng đối với Việt Nam, “thời thế nay đã khác”.

Một mặt, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chặn đứng nhiều ngành công nghiệp, khiến các nước lạc hậu khó bắt kịp hơn gấp bội; mặt khác, vào thời đại mà Trung, Nhật, Hàn theo “mô hình Đông Á”, toàn cầu hóa vẫn là một xu hướng không thể ngăn cản. Nhưng trong bối cảnh chống toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam khó có thể sao chép hoàn toàn chính sách công nghiệp của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trên thực tế, chính bởi ngành công nghiệp của Việt Nam tập trung vào công đoạn lắp ráp và có tương đối ít sự hỗ trợ công nghiệp ở cấp chính phủ nên nước này mới có thể thiết lập thành công quan hệ thương mại tự do với rất nhiều thị trường nước ngoài. Nếu hiện giờ Việt Nam quay trở lại con đường trợ cấp và hỗ trợ công nghiệp, nhiều khả năng sẽ bị thiết lập các rào cản thương mại, từ đó ảnh hưởng đến mô hình thu phí quá cảnh hiện tại.

Vì vậy, con đường khả dĩ nhất mà Việt Nam có thể lựa chọn hiện nay là mô hình chaebol của Hàn Quốc, cũng chính là mô hình tài phiệt.

Cái gọi là mô hình tài phiệt, chỉ sự hỗ trợ cho các ông trùm nắm trong tay nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Chính phủ trợ cấp cho “bộ phận phi thương mại” của một doanh nghiệp lớn thông qua “trợ cấp không liên quan”, sau đó doanh nghiệp chuyển tiền tới “bộ phận thương mại” thông qua phân bổ theo chiều ngang, từ đó có được khả năng đầu tư quy mô lớn nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi theo định hướng.

Hãy lấy một ví dụ. Vào thời điểm đó, chính phủ Park Chung-hee của Hàn Quốc muốn phát triển mạnh mẽ ngành đóng tàu nhưng không muốn các đối thủ chính là Nhật Bản và châu Âu nói ra nói vào, vậy nên đã tìm đến Tập đoàn Hyundai, trợ cấp cho mảng cơ sở hạ tầng – một “bộ phận phi thương mại” – và cung cấp cho họ các đơn hàng đường cao tốc khổng lồ. Thông qua cuộc chuyển đổi, Tập đoàn Hyundai đã chuyển sang ngành đóng tàu trên quy mô lớn và cuối cùng dựng nên công ty đóng tàu át chủ bài Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc.

Mô hình Hàn Quốc dường như là câu trả lời duy nhất. Vậy cần hỗ trợ doanh nghiệp nào trở thành tài phiệt? Vingroup vào thời kỳ đầu rõ ràng là “kẻ được chọn”.

Nhìn vào báo cáo tài chính mới nhất của Tập đoàn Vingroup, có thể thấy tập đoàn này tham gia vào tất cả các lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, ô tô… Người Việt Nam không chỉ có thể mua ô tô Vingroup, đến các khu nghỉ dưỡng, mua sắm tại trung tâm thương mại và sử dụng thanh toán điện tử của Vingroup, mà còn có thể đến các bệnh viện và trường học của Vingroup để chữa bệnh và học tập.

Sau khi người sáng lập tập đoàn, Phạm Nhật Vượng, kiếm được hũ vàng đầu tiên nhờ bán mì ăn liền ở Đông Âu, ông trở lại Việt Nam vào năm 2000 và nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ chính phủ Việt Nam, từ đất đai, tín dụng cho đến chính sách. Thậm chí, khi lãnh đạo Việt Nam sang thăm Lào cách đây không lâu, họ đã mang theo 20 chiếc xe điện VinFast để làm quà cho nước bạn.

Chỉ khi trực tiếp đến Việt Nam, bạn mới cảm nhận được sự hiện diện khắp nơi của Vingroup. Vào cuối tháng 7, tôi có một bài phát biểu ở Việt Nam, địa điểm là tòa Landmark 81 cao 461 mét, công trình mang tính biểu tượng của TP.HCM. Tòa nhà cao thứ hai Đông Nam Á này là “trung tâm Thượng Hải” của TP.HCM và các căn hộ cao cấp nằm bên cạnh (tương đương với Tomson Riviera) đều thuộc về Vingroup đang ở thời hưng thịnh.

Vì vậy, tuy mẫu xe điện VinFast được nêu ở phần đầu lỗ tới 2,3 tỷ USD vào năm 2023 nhưng mảng kinh doanh bất động sản và bán lẻ của Vingroup vẫn đang liên tục hái ra tiền. Trong bối cảnh bất động sản Việt Nam suy giảm vào năm ngoái và án tử hình của bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2023 của Vingroup đã đi ngược lại xu hướng và tăng trưởng 49%, lợi nhuận cũng tăng 14%. Có thể coi đây là một “phép màu trong kinh doanh”.

Dù mô hình chaebol là liều thuốc độc nhưng đối với Việt Nam, có lẽ không uống cũng không được.

Chỉ khi bù đắp được những lỗ hổng của chuỗi công nghiệp trong nước, Việt Nam mới có thể thực sự trở thành đối thủ của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, nếu mô hình chaebol không hoạt động, ông Phạm Nhật Vượng sẽ trở thành ông Hứa Gia Ấn, tức là sẽ không có Samsung, Sony, Toyota hay Huawei, Xiaomi, BYD phiên bản Việt Nam và nước này chỉ có thể tiếp tục đóng vai trò là cơ sở sản xuất.

Vận mệnh của Việt Nam quả thực đã khởi sắc trong hai năm qua, nhưng không còn đủ thời gian nữa rồi. Năm 2023, dân số Việt Nam đã vượt mốc 100 triệu người, tổng tỷ suất sinh cũng đã giảm xuống dưới mức 2. Cùng nằm trong vòng văn hóa Nho giáo, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những căn bệnh dai dẳng về giá nhà đất, sự trì trệ và suy giảm tỷ suất sinh. Chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Thực ra đây mới là cơ cấu thực sự của nền kinh tế Việt Nam: Một mặt, được hưởng lợi lớn từ lợi thế địa lý, có lợi thế lớn về chi phí lao động, cả nước vẫn đang cất cánh và đời sống vật chất của người dân vẫn còn nhiều không gian phát triển. Nhưng mặt khác, nền kinh tế còn tồn tại những bất cập về cơ cấu, quá phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp nội địa đang tụt hậu nghiêm trọng. Còn phải quan sát xem liệu họ có vượt qua được “mức trần” hay không.

Sự thật này cũng cho chúng ta biết rằng: Có một số bài tập tưởng chừng như khá dễ sao chép nhưng thực ra lại rất khó thực hiện. Chiếc bánh nâng cấp công nghiệp chưa bao giờ từ trên trời rơi xuống.

04.

Trên thực tế, tình hình hiện nay ở Việt Nam mang lại nhiều yếu tố thuận lợi cho Trung Quốc.

Một mặt, do sự yếu kém của chuỗi cung ứng trong nước, Việt Nam sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, điều này được thể hiện rõ qua tỷ trọng các nước nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này cho phép Trung Quốc duy trì được giá trị gia tăng cao của chuỗi công nghiệp và các công nghệ cốt lõi. Nhìn vào mức chi cho R&D hiện dưới 0,5% của Việt Nam, sự phụ thuộc này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa.

Mặt khác, chính sách “ngoại giao cây tre” và chính sách công nghiệp yếu kém của Việt Nam đã cho phép nhiều nước phương Tây mở rộng cánh cửa với họ, khiến nước này trở thành trạm trung chuyển quan trọng cho ngành sản xuất của Trung Quốc, đây là điều có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Ví dụ, Mỹ gần đây đã khôi phục lại việc đánh thuế đối với các sản phẩm quang điện của Việt Nam. Bên phải chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc này không phải các doanh nghiệp Việt Nam, mà là các doanh nghiệp Trung Quốc.

Do chi phí trong nước tăng, việc chuyển giao công nghiệp là điều khó tránh khỏi, nhưng vấn đề là chuyển tới đâu? Nó sẽ được chuyển giao sang Việt Nam, quốc gia vốn phụ thuộc vào chuỗi công nghiệp của Trung Quốc, nằm trong phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc và khó có thể xây dựng được doanh nghiệp nội địa trong ngắn hạn? Hay nó sẽ được chuyển sang Ấn Độ, quốc gia không ngừng “kiếm chuyện” về chính trị, tìm mọi cách để hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc và điên cuồng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước? Tôi tin rằng không khó để lựa chọn câu trả lời.

Trung Quốc quả thực không còn trẻ nữa, nhưng chúng ta thực sự không muốn nhìn thấy dáng vẻ trước đây của chính mình trong vô số kẻ theo sau.

----

* Nguồn tiếng Trung: Fan Tong Huang Lao Ban, 饭统戴老板|西贡河畔的谜题:越南的三星和比亚迪在哪里?, Guancha, 10/09/2024. Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

* Nguồn tiếng Việt: Nghiên cứu Quốc tế; Ngày 17/9/2024.

CHIẾN TRANH TÌNH BÁO THỜI CÔNG NGHỆ CAO VÀ KINH DOANH TRONG THẾ GIỚI PHẲNG ...

Máy nhắn tin nổ là do Israel sản xuất từ tận 2022 — NYT

NEW YORK TIMES
Ngày 20/09/2024

Vũ khí giết người hàng loạt từ xa núp dưới hình dạng thiết bị cầm tay vô hại, theo New York Times, là do cơ quan tình báo của Israel sản xuất. 
Thủ đoạn tinh vi mưu sâu kế hiểm này đã được trình diễn một cách ngoạn mục ra cho công chúng chiêm ngưỡng  vào 3:30 chiều Thứ Ba tại Lebanon.
 Như đã đưa tin, vụ kích nổ từ xa ngàn máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah hôm Thứ Ba và Thứ Tư đã giết chết ít nhất 37 người, trong đó có 4 trẻ em, và làm bị thương hơn 3.000 người.

DIỄN BIẾN SỰ VIỆC

Đó là lúc sau 3:30 chiều một chút tại Lebanon  các máy nhắn tin pager của các thành viên Hezbollah cùng vang lên các giai điệu chuông bíp, tựa như họ nhận được lời nhắn của thượng cấp và cần phải đọc gấp, các thành viên khủng bố vội vàng đưa lên xem,,.
Nhưng mà, đó không phải các tin nhắn từ thủ lĩnh, mà là hiệu lệnh đòi mạng gửi từ kẻ thù không đội trời chung của Hezbollah,  và chỉ trong nháy mắt những tiếng nổ, tiếng kêu la trong đâu đớn nổi lên khắp nẻo đường, cửa hàng, và gia đình ở Lebanon .

HÀNG NGÀN THÀNH VIÊN HEZBOLLAH BỊ LỘ DIỆN

Chỉ bằng vài chục gam chất nổ cài trong máy nhắn tin, khi được kích nổ, nó có thể đánh bay một người đàn ông khỏi chiếc xe máy đang lao nhanh và đập vào tường, như được thấy trong các đoạn phim hành động. Có những kẻ  đổ gục xuống đất, rên xiết trong đau đớn quằn quại máu mê đầy mặt .
Mohammed Awada, 52 tuổi, cùng con trai nhỏ của anh  đã chứng kiến một người đàn ông đang lái xe máy khi máy nhắn tin của anh ta bị nổ. “Con trai tôi hoảng loạn và kêu toáng liên khi nó thấy bàn tay của người đàn ông đó bị văng ra và bay về phía nó,” ông Awada kể.

TOEEPS TỤC ĐẾN MÁY BỘ ĐÀM NỔ

Kinh hoàng chưa kịp qua đi, thì hôm sau, Thứ Tư, các máy bộ đàm walkie-talkie của Hezbollah lại phát nổ hàng loạt. Có chiếc phát nổ ngay trong đám tang đông đúc.
Ít nhất 37 người đã chết, trong đó 4 trẻ nhỏ, và hơn 3.000 người bị thương. Nạn nhân không chỉ là những thành viên của nhóm nửa quân sự Hezbollah do Iran hậu thuẫn, mà còn có cả các chỉ huy của Iran 

CÚ LÙA NGOẠM MỤC CỦA ISRAEL

Tại sao Hezbollah lại lựa chọn máy nhắn tin? Trong khi cả thế giới ngày nay đã đổi sang công nghệ điện thoại di động?
“Các vị hỏi tôi gián điệp ở đâu?” thủ lãnh tối cao của Hezbollah Hassan Nasrallah từng nói trên truyền hình hồi tháng 2. “Tôi nói với các vị rằng đó chính là các điện thoại trong tay của các vị, của vợ các vị, của con các vị. Chúng chính là gián điệp.”
“Hãy cất kỹ chúng, ví như cho vào cái hộp sắt rồi khóa lại,” ông Nasrallah nói.
Điện thoại di động và các thiết bị thông minh hiện nay là quá dễ dàng bị hack, bị nghe lén, bị định vị, bị cài mã độc. Giới lãnh đạo Hezbollah lâu nay đã quyết định từ bỏ chúng, và quay về công nghệ cũ là máy nhắn tin.
Nếu Israel nhờ Mỹ có công nghệ cao, thì Hezbollah chúng ta chơi công nghệ thấp và thế là,,
.Nhưng mà, tờ báo đưa tin, thậm chí cả từ trước khi  thủ lĩnh  Nasrallah thúc ép cấp dưới của mình phổ cập sử dụng máy nhắn tin thay cho điện thoại, thì đối thủ của ông ta , Israel đã triển khai kế hoạch thành lập một công ty vỏ bọc, để triển khai việc tạo các quả bom tí hon, với vài chục gam chất nổ, dưới dạng những chiếc máy nhắn tin vô hại rồi.

B.A.C. CONSLTING CHÍNH  LÀ CÔNG TY VỎ BỌC CỦA ISRAEL 

Nhìn bề ngoài, thì B.A.C. Consulting là một công ty có trụ ở tại thủ đô Budapest của Hungary, đạt được thỏa thuận cho phép dùng nhãn hiệu của hãng Đài Loan, Gold Apollo, để sản xuất và tiêu thụ máy nhắn tin. Nhưng về thực chất, B.A.C. là một trong những vỏ bọc cho hoạt động của cơ quan tình báo Israel, theo NYT đưa tin, dẫn nguồn của 3 quan chức tình báo có liên quan đến hoạt động này.
B.A.C. trên thực tế đúng là nhận các đơn hàng máy nhắn tin, và cung cấp sản phẩm một cách bình thường cho các khách hàng của mình. Nhưng riêng với các lô hàng liên quan tới Hezbollah, thì chúng được chế tác khác biệt, chúng có pin gắn chất nổ PETN, theo 3 quan chức cho hay.
Những chiếc máy nhắn tin kèm ‘gia vị’ ấy lần đầu tiên được gửi cho Hezbollah từ mùa Hè 2022. Nhưng mà, lượng lớn máy được sản xuất và gửi cho Hezbollah là sau khi thủ lĩnh nhóm này quyết định từ bỏ điện thoại di động.

Và thủ lĩnh  Nasrallah  đã dính tròng 
Kể từ mùa Hè năm nay, đơn hàng máy nhắn tin từ Hezbollah tăng vọt, lên tới hàng ngàn chiếc được nhập khẩu.
Và thế là sự việc diễn ra như được thế giới chứng kiến.

Theo tờ báo miêu tả, hiện nay dân chúng Lebanon  đã và đang rất  sợ. Họ rất nhạy cảm trước các thiết bị vô tuyến cầm tay.
“Tắt ngay điện thoại! Ngay lập tức!” tiếng loa phát lên trong một đám tang. “Tất cả mọi người hãy tháo pin ra!”
Như tin đã đưa, CNN dẫn nguồn của mình nói rằng Israel sở dĩ kích nổ máy nhắn tin, là vì họ cảm thấy họ đã bị lộ. Nếu không kích nổ sớm, thì Hezbollah sẽ vứt bỏ các máy nhắn tin này.
Khi các phóng viên đổ xô tới Gold Apollo Đài Loan để tìm hiếu sự việc, Hsu Ching-Kuang, nhà sáng lập công ty, đã nói rằng việc sản xuất và tiêu thụ lô máy nhắn tin là thực hiện bởi BAC Consulting ở Hungary.
....
Chia sẻ từ fb Son Hongha
https://www.facebook.com/share/p/SrbAiwZYUYy44KWQ/?mibextid=oFDknk