Fb Jimmy Nguyen Nguyen
Cô về VN hát. Cũng như bao nghệ sĩ khác. Dĩ nhiên cũng nhận bao nhiêu lời khen chê. Khen ít mà chê nhiều. Không chỉ với những người chính trị đối kháng với cộng sản mà ngay cả với những người cs. Họ mỉa mai " về kiếm tiền "!
Cái cảm giác của phe ta ( tỵ nạn ) thì đau đớn. Sao mà mình luôn luôn bị phản bội.
Thật sự nghệ sĩ trong đó có các ca nhạc sĩ , đơn thuần chỉ là mang niềm vui đến cho khán giả. Sau đó là phổ biến một nét văn hoá. Cuối cùng mới là một thần tượng, trong đó có chút chính trị.
Tui nhớ Hùng Cường những năm 63,64. Khi hát anh luôn mặc quân phục người lính nhảy dù với chiếc mũ đỏ nhét vào cầu vai. Hát bài em ơi 100% , không ai hay hơn được. Anh không thể hát bài ấy mà mặc... veston. Trường Vũ hay Đan Nguyên...v...v.... cũng vậy thôi. Chỉ là cách thể hiện bản nhạc, không phải là thể hiện suy nghĩ chính trị như phe ta thần tượng. Do đó mới có cảm giác bị phản bội. Ở Úc, nghệ sĩ nào đã về VN trình diễn thì sẽ không được mời hát ở bên này. Và các ca sĩ từ VN sang trình diễn, thường hay bị phản đối. Không bàn chuyện đúng sai ở đây. Tui chỉ nghĩ sao thời này làm nghệ sĩ khó đến vậy.
Năm 2006, tui về VN chỉ để nghe Duy Quang hát. Những bài Em hiền như...., hay Hai năm tình lận đận..... Nghe băng nhão luôn rồi. Cả đời mới có thể được nghe anh hát live. Ở Úc thì chờ biết bao giờ ảnh mới ghé? Về VN là có thể. Và như vậy anh hát ở VN, chớ thực sự hát cho mọi người nghe ở khắp nơi. Từ Nhật, từ Đài Loan hay từ một nước bên Đông Âu. Có tiền đó, nhưng để thấy và nghe thần tượng của mình hát một lần trong đời. Họ phải về VN. Năm đó, vé có chỗ ngồi là 50 đô ( một triệu ). Có bạn nói giọng bắc rặc. Than rằng mua vé khứ hồi Hà Nội, Saigon. Chiều đi từ Hà Nội, nghe hát xong,sáng ra sân bay TSN về sớm cho kịp giờ đi làm. Tiền nhằm nhò gì ở đây. Xin đừng coi thường người Việt. Lần đó tui tỉnh ngộ nhiều điều. Đâu đó vẫn còn có người thèm khát văn hoá. Để hưởng thụ hoặc để phê bình hoặc để biết xem nhạc " nguỵ " nó ra sao. Tất cả điều ấy đều làm con người ta xích lại gần nhau hơn. Tạm thời quên đi những khó khăn trong cuộc sống hay những mâu thuẫn đối nghịch cuộc đời. Anh chị không rung cảm, không yêu thương ai được thì.... lỗ. Lỗ chắc luôn. Dù yêu là khổ. Những văn nghệ sĩ trẻ lâu là vậy. Họ luôn có tình yêu. Anh bắc kỳ mua vé hát kèm vé máy bay để nghe " cô Bắc Kỳ nho nhỏ" . Cái bài hát mà cả một nửa nước VN chưa từng được thấy cái đẹp xa xưa ấy. Bắc kỳ mà tóc demi garcon.... Tui nghĩ ảnh sẽ trẻ mãi....
Những năm ấy. Chế Linh và Hương Lan đang hát ngoài bắc. Mỗi lần diễn là cả tháng ,vẫn không hết người xem. Khán giả lặn lội từ Thanh Hoá hay tận Thái Nguyên. Sau đêm diễn thì vạ vật ở đường phố để mai về tiếp tục cày cuốc. Có thể những người giàu có , có điều kiện thì thích nhạc cổ điển mà lúc ấy Đặng Thái Sơn đang trình diễn gần đó. Tuy nhiên những nông dân chân lấm tay bùn, họ chỉ rung cảm được khi nghe " chuyện tình Lan và Điệp ". Làm sao cấm người ta rung động với những gì gần gũi.
Nửa thế kỷ trôi qua. Những bản nhạc bị cấm ở VN , đến nay dường như... cấm không nổi. Nó được hát khắp nơi. Cũng bị sửa lời đôi chút. Tuy vậy vẫn không mất sự hấp dẫn. Người ta vẫn thích nghe original ca sĩ một lần. Chớ nghe cover thì đầy rẫy. Khánh Ly nói nhiều người hát nhạc TCS còn hay hơn cổ. Nhưng để được nghe và thấy cô hát chỉ một bài trong hàng trăm bài của cố nhạc sĩ, cũng là hạnh phúc rất lớn cho nhiều người. Còn rất nhiều người cùng thế hệ. Đã từng là sv VK hay đã từng ngửi lựu đạn cay từ cảnh sát dã chiến đóng quân ngay bên tường rào trường đại học. Giờ họ đã mất hoặc còn sống. Cũng phải cho họ một lần nghe " giọng hát KL" dù biết rằng "Saigon ơi, ta đã mất người trong cuộc đời...."
(Xin đừng comments chính trị ở đây dù tui " dư " trả lời . Lâu lâu cho thật lòng chút. Cám ơn)
Jimmy Nguyen
( trích trong Salut Saigon)
Nguồn ảnh Dautu online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét