* truyện ngắn
OAN HỒN TRÊN BIỂN
(Kể về chuyện người vượt biển đánh nhau với Hải tặc Thái)
Ông Quốc Vinh (Trưởng ban Việt ngữ SBS) muốn "nghe lại" cuộc phỏng vấn Chủ bút VNTB về chuyến vượt biên "đánh thắng hải tặc". Một số thính giả trong đó có cô con gái của cố Đại úy Nguyễn Hoàng Lương (đang làm việc tại ngân hàng St George ở Cabramatta), muốn biết về người cha của mình mà cô chưa từng biết mặt. Vì mẹ của cô mang bầu cô đã ở lại, không đi cùng chồng và 2 đứa con trai trong chuyến đi định mệnh! Cô cùng mẹ đến Úc đoàn tụ sau này, và chuyện kể sau đây cũng như là một lời tri ân của những người đã được Đại úy Lương cứu sống từ tay hải tặc!
Vào năm 1979 một chiếc tàu dầu Anh quốc cứu được 150 người tị nạn Việt Nam sắp chết vì cạn kiệt lương thực sau 22 ngày lênh đênh trên biển. Nhóm người này trước đó đã phải đánh nhau một trận sống mái với hải tặc Thái. Họ chiến thắng, đoạt được thuyền của bọn cướp biển - nhưng thuyền bất khiển dụng - trôi dạt qua nhiều quốc gia, và họ chỉ được cứu vớt khi tàu sắp chìm trong vùng đảo Borneo thuộc Nam Dương.
Trong cuộc hỗn chiến với hải tặc Thái, bên ghe tị nạn chết 3 và một người sau đó chết vì đói là 4. Phía hải tặc trên chiếc thuyền đánh cá mang số T.003 có 8 tên, một nửa bị chết trên thuyền và một nửa bị đánh rơi xuống biển. Hôm ấy gió bão cuồng nộ và chiếc ghe vượt biên bị vùi dập tả tơi như chiếc lá, thế mà họ vẫn sống, vẫn thoát. Sau này một số người sống sót trong chuyến đi tin rằng họ đã được phù trợ bởi những người đồng hành đã bị chết oan vì hải tặc...
oOo
Khi bọn cướp lục xét để cướp vàng bạc xong, chúng đuổi những người đã leo qua được tàu chúng trở về ghe cũ. Không ai dám nhấc chân vì thấy chiếc ghe vượt biên đã bị bọn hải tặc húc bể khoang đầu và chúi mũi sắp chìm. Trong lúc tên đầu đảng nóng giận và ra dấu cho đồng bọn kéo từng người ném xuống biển, là lúc ông Đại úy tài công của chiếc ghe tị nạn quyết định đánh trả lại bọn hải tặc để dành sự sống. Dù bất ngờ ôm chặt được một tên cướp, nhưng sức ông đã yếu sau nhiều ngày đói khát, nên tên cướp đã vùng ra được và đâm ông những nhát dao trí mạng. Ông ngã qụy ngay trên tàu hải tặc, máu phun thành vòi. Chính nhờ sự hy sinh đi đầu của ông, mà những người khác đã đồng lòng lao vào cuộc chiến sinh tử khi không một tấc sắt trong tay. Chỉ trong vòng hơn nửa tiếng, nhóm người tị nạn đã làm chủ tình hình khi loại đủ 8 tên hải tặc dữ dằn và có trang bị vũ khí ra khỏi chiếc tàu đánh cá. Kiểm soát lại, chuyến đi còn mất thêm hai thanh niên, họ bị đâm và rơi xuống biển mất tích. Có người nói còn trông thấy một hay hai người khác chết mất xác, nhưng không có ai là thân nhân chứng nhận, nên mọi người đều đồng ý là phe vượt biên chỉ mất có ba người.
Cuộc giao tranh đẫm máu giữa phe tị nạn và bọn hải tặc đã chấm dứt, trên thuyền còn loang đọng từng vũng máu tươi của những người bị chết. Không ai ngửi thấy mùi tanh, vì mùi biển, vì những cuộn sóng vẫn ào ạt đập vào mạn thuyền, và tạt vào khoang những tảng nước mặn làm xóa tan dần đi những vết tích. Không ai cảm thấy sợ sệt vì họ vừa dành được sự sống từ những tay thần chết, vừa từ cõi âm ty trở ngược lại trần gian, nên ai cũng nghẹn ngào, cũng nước mắt lưng tròng nhìn nhau sung sướng mà không nói nên lời.
Để xem ai còn ai mất, tiếng gọi inh ỏi tìm nhau vang lên từ đầu thuyền đến cuối thuyền, xen lẫn là tiếng khóc rú thật não lòng của hai người đàn bà lớn tuổi, họ không thể nào nén lòng đau khi biết hai người con của họ đã mất xác vì hải tặc. Hai người thanh niên bị chết đều có mẹ già và anh chị em trên thuyền, riêng ông Đại úy Hải quân Nguyễn Hoàng Lương lái ghe lại đi với hai cậu con nhỏ nên không thấy có tiếng khóc nào bên cái xác chưa khô lạnh của ông.
Những người có đóng góp sức lực trong việc diệt hải tặc tự động đã kết thành một nhóm, họ lớn tiếng đề nghị nhưng thực sự cũng là ra lệnh:
-Đàn bà con nít vào khoang sau buồng lái. Đàn ông thì xuống các hầm cá hoặc lên ca-bin phía trên mà ở...
So với chiếc ghe dài 14 mét thì đây là chốn thiên đường, ai cũng có chỗ dựa lưng nằm xoạc cẳng, tha hồ đi lại, và nhất là không phải lo đến chuyện nước uống vì đã có tới 2 bể sắt chứa đầy nước ngọt nằm sừng sững ở hai bên thuyền.
Tàu hải tặc chắc là mới hạ thủy nên máy móc và mọi phương tiện trên tàu còn mới tinh. Trong phòng lái và hầm máy dưới tàu đều có bàn thờ và dán đủ loại bùa kỳ bí với khói nhang vẫn còn quanh quất. Không ai dám đụng vào mấy bàn thờ này và những gói bùa, nhưng có người tò mò đi lục lọi tìm được xấp hình chụp những tên hải tặc trẻ đứng bên cạnh những cô gái xinh đẹp. Có người ra vẻ hiểu biết nói:
-Đây là mấy con điếm ở Vọng Các chứ đâu! Chắc là bọn chúng đi "ăn chọi" khi cướp được vàng của người vượt biên chứ gì!
Có tiếng đàn bà chen vào:
-Vứt hết xuống biển đi, đừng giữ lại trên tàu làm gì mấy thằng ác nhân thất đức đó, gớm ghiếc lắm!
Tay thanh niên cầm xấp hình bào chữa:
-Thì xem một chút thôi! Ai mà dám giữ hình cái bọn quỷ này!
Câu chuyện bỗng xoay quanh những tên hải tặc bị giết:
-Tụi nó còn trẻ, có đứa cũng bảnh trai, lại có chiếc tàu đánh bắt cá bằng ra-đa như thế này... mà lại đi làm hải tặc làm gì?
Một ông ra vẻ hậm hực:
-Ông nói chuyện ngu bỏ mẹ! Đánh cá làm sao mà giầu nhanh bằng đi ăn cướp! Bọn này đi biển cả mấy tháng, không biết trước đó đã cướp ghe nào chưa. May mà đánh thắng chứ thua thì mấy bà... chỉ có nước chết...
Một bà sồn sồn trề môi:
-Tụi tôi mà chết, thì mấy ông sống được sao?
Bỗng có bà lớn giọng đổi đề tài:
-Vậy chớ, có ai tìm lại được số vàng mà bọn cướp thu được của ghe mình không?
Bà khác ra điều nắm rõ tình hình:
-Tôi thấy thằng nào cũng đeo cái túi nhỏ trước ngực, có hai thằng bị chết trên tàu thì ít nhất cũng còn lại hai bịch chứ...
Mấy tay đàn ông xông xáo nhất trong việc lục soát con tàu ngay sau khi không còn bóng hải tặc bỗng ngồi im thim thít. Một ông coi bộ ngầu nhất trong đám bực mình nói mỉa:
-Mẹ kiếp! Chưa biết ơn tụi này thì thôi lại còn bày đặt nghi ngờ này kia. Muốn tìm lại vàng thì nhảy xuống biển theo bọn nó mà đòi! Ai tôi không biết, chứ tôi chỉ có trần xì cái quần đùi thôi, có mẹ nào muốn khám không?
Có giọng ông lão ôn tồn:
-Nói vậy thôi chứ vàng bạc mà làm gì lúc này, sống được tới bến tới bờ mới là chuyện quan trọng. Có ai rảnh thì tới đọc kinh hay thắp nhang cho ông Đại úy còn nằm kia kìa, có bà nào đi một mình làm ơn chăm sóc dùm hai đứa nhỏ con của ổng...
Lúc ấy mọi người mới quay về thực tại, ông Đại úy lái ghe chết sau vài tiếng giao tranh, xác ông trắng bệch vì chảy không còn một giọt máu. Hai đứa nhỏ đã được người nào đó dẫn đến ngồi bên xác chết, tụi nó thút thít khóc và có đứa ngồi xuống lay gọi bố:
-Hu hu... bố ơi... dậy đi bố... bố đừng chết, bố ơi...
Một đám người tụ lại nhưng không dám đến gần, rồi có người lên tiếng xướng kinh và cả nhóm rầm rì đọc theo:
-Lạy Chúa tôi, tôi ở dưới vực sâu kêu lên Chúa tôi...
Có bà tìm đâu được hai cây nhang đem lại cắm gần bên xác chết, chắp tay xá lạy mấy lần rồi luôn miệng:
-A Di Đà Phật! A Di Đà Phật... Quan Thế Âm Bồ Tát... cứu khổ cứu nạn...
Có bà thực tế hơn cầu xin:
-Ông sống khôn chết thiêng, làm ơn dẫn chúng tôi tới bờ tới bến, tôi hứa cúng giỗ và làm lễ cầu siêu cho ông, và chăm sóc hai đứa con cho ông... những người khác cũng không quên ông đâu...
Chợt có bà rú lên và chỉ vào xác chết:
-Ổng chết oan ức... Ổng chết linh...
Mấy người đàn ông tiến đến gần xác ông Đại úy, họ thấy cặp mắt của ông vẫn còn mở, từ miệng và mũi ông trào ra một dòng máu đỏ tươi trên khuôn mặt trắng bệch. Một người quỳ xuống lâm râm nói điều gì đó rồi đưa tay lên vuốt mắt ông, khi người này ngừng tay thì thấy cặp mắt trợn trừng của ông đã khép lại.
Trong không khí buồn u uất đó, bỗng có tiếng anh thanh niên nói lớn làm phá tan mọi suy nghĩ:
-Tụi em tìm thấy một hầm chứa đầy nước đá, hay là mình mang xác ông tài công xuống đó?
Mọi người đồng ý ngay, và đám người quanh đó xúm lại khiêng xác ông Đại úy Hải quân đặt vào hầm nước đá nằm ở khoang đầu, rồi đậy nắp hầm lại cẩn thận.
Chiếc thuyền của bọn hải tặc có tới 8 khoang, khoang đầu chứa toàn đá chế từ nước biển dùng để ướp cá, hai khoang kế tiếp đã có một mẻ cá đang được ướp, còn 5 khoang kia còn trống và nay đã trở thành nơi tạm trú của đám đàn ông tị nạn.
Đêm trên biển xuống rất nhanh, chung quanh âm u và mờ mịt như cõi âm ty. Phần lớn đều chìm vào giấc ngủ, đó đây đã có những tiếng ngáy, rồi tiếng mơ sảng, nhưng cũng có nhiều người khác không sao ngủ được và vẫn còn chong mắt cầm canh. Phần lớn những người này đều tập trung ở phòng lái, họ vẫn còn ra sức mày mò và tìm hiểu các dụng cụ trang bị trên tàu. Có tiếng hỏi:
-Mấy cái nút này dùng để làm gì vậy anh?
Ông đứng cầm bánh lái nói:
-Tôi cũng chưa biết nó là cái gì. Chỉ nội chuyện quay cái bánh lái này cho tới khi nó ăn vào số tôi cũng chưa biết hết! Cái tàu này tối tân ghê, muốn sang số phải ra lệnh cho thằng ngồi dưới hầm máy chứ không phải tự mình sang được... May mà mấy ngày trên biển, ông Đại úy cũng dạy cho mấy chiêu nên bây giờ cũng đỡ, giá mà ổng còn sống thì chẳng phải lo...
Người thanh niên đứng cạnh:
-Thảo nào, lúc tụi em vây bắt hai thằng còn trốn dưới hầm máy, xuống đó mới thấy cái máy tàu mà khoái, vì nó còn mới toanh lại có tới cả chục cái bu-ri... chạy khoẻ phải biết...
Một ông mặt choắt và đen đủi liến thoắng kể:
-Loại tàu này dưới quê tôi đã có lần trông thấy rồi. Tụi nó khai là dân đánh cá lỡ trớn vào hải phận bị Hải quan Việt cộng bắt, nhưng ai cũng biết là tụi nó đi cướp vì trên tàu chẳng có lưới có cá chi cả! Trông thấy cái mũi tàu bọc sắt của tụi nó cao ngất, ai cũng mơ có nó để mà vượt biên thì hết xẩy...
Có người chen vào:
-Thảo nào mà nhiều người vượt biên bị bắt kể, rõ ràng là tàu đánh cá kiểu Thái rượt mà khi đến gần lại thấy toàn hải quân bộ đội Việt cộng lái. Họ nói là tàu Thái mà rượt thì không ghe nào thoát được, vì tốc độ nó nhanh không thua gì tàu tuần...
Đang say sưa bàn tán, bỗng có người nhìn ra đằng sau, hốt hoảng chỉ trỏ:
-Chết mẹ! Hình như có mấy chiếc tàu đang đuổi theo bọn mình kìa!
Mọi người đều quay lại, quả thật có tới ba chiếc tàu đang pha đèn sáng rực cả một vùng biển. Ánh sáng mỗi lúc mỗi tỏ hơn, làm ai nấy đều rùng mình hoảng sợ:
-Chắc là đồng bọn của chúng, vì trước khi thằng tài công Thái bị giết tôi thấy nó đã nhấc máy liên lạc để cầu cứu...
Ông đứng cầm lái vò đầu bứt tai:
-Thế mà nãy giờ chẳng ai chịu cắt dùm cái máy liên lạc, thế này thì bọn nó dư biết mình đang ở đâu rồi!
Nói xong ông vung tay giật đứt đám dây điện nối với cái micro đặt trước mặt. Ông hò hét tắt hết đèn trên tàu và tống ga cho thuyền lao về phía trước. Những người đang gà gật ngủ cũng đã choàng tỉnh dậy vì tiếng la báo động, mấy đứa nhỏ léo nhéo khóc rí đòi ăn cũng tự dưng im bặt. Ai nấy đều lo sợ, nhiều người đã chắp tay cầu nguyện, vì nếu tàu bị đồng bọn của chúng bắt lại được thì chắc chắn chẳng ai có thể toàn thây!
Trong lúc ánh đèn pha của tàu hải tặc mỗi lúc một gần, có người tuyệt vọng hét to:
-Một chiếc đã khổ rồi, nay tới mấy chiếc bao vây thì sống sao nổi hở trời! Các ông ơi làm ơn chạy nhanh đi... nhanh nữa đi...
Trong lúc ông tài công mới cảm thấy bất lực và mọi người buồn bã cho số mệnh khi thấy chiếc thuyền của mình chạy chậm hơn trong cuộc rượt đuổi, thì bỗng dưng hai trong ba chiếc tàu của bọn hải tặc đánh vòng bỏ cuộc, chiếc thứ ba đơn độc đuổi theo thêm một lúc nữa rồi cũng quay đầu trở ra. Nhìn ánh đèn trên các con tàu săn đuổi xa dần, nhóm người tị nạn trên tàu hoàn hồn sung sướng. Không ai hiểu vì lý do gì mà bọn hải tặc tha con mồi, vì chỉ cần đuổi thêm độ mươi phút nữa chắc chắn bọn chúng sẽ tóm cổ được nhóm người to gan, đã dám ra tay sát hại đồng bọn của chúng.
Đang lúc mọi người còn hân hoan mừng rỡ và bàn tán huyên thuyên thì tiếng máy tàu bỗng dưng khục khặc như người khó thở, rồi cà xạch cà đụi thêm một lúc nữa... rồi tắt ngấm. Ông lái tàu bối rối thấy rõ khi vặn công tắc đề thêm mấy lần mà thấy máy vẫn im re. Ông lắc đầu chặc lưỡi nói:
-Không hiểu tại sao có chuyện này, máy tàu đang nổ ngon lành mà!
Ông đội mũ đứng cạnh nói nhanh:
-May mà tàu bọn chúng ngừng đuổi! Có tay nào rành máy nổ xuống hầm máy coi dùm chút coi?
Ông tài công ngăn lại:
-Bây giờ tối mù, dưới đó xăng dầu tùm lum đốt lửa lên không tiện, thôi thì ráng đợi đến khi trời sáng cái đã...
Dầu nói thế nhưng mấy tay đàn ông trên tàu cũng chạy ngược chạy xuôi để cố tìm ra nguyên nhân tại sao máy tàu lại không chịu nổ, và đèn điện trên tàu cũng chẳng còn ngọn nào chịu sáng. Một người ra vẻ rành rẽ về máy móc nói:
-Tôi chắc là hệ thống dẫn điện bị cắt, khiến điện không còn dẫn tới các hệ thống.
Ông mặt choắt gạt ngang:
-Máy đang nổ mà tắt là vì hết dầu chứ không vì chuyện gì khác! Không tin tới sáng các ông cứ dò tìm mà coi.
Ông lái tàu bực mình gằn giọng:
-Tôi không tin là hết dầu, cái tàu bự như thế này mà hết dầu ngang xương vậy sao! Chắc phải có chuyện gì khác...
Người ra vẻ rành rẽ về máy móc lại lên tiếng:
-Đúng, tôi không tin là hết dầu, mà chỉ vì dòng điện bị cắt, chứ nếu điện không bị cắt thì các đèn đóm trong tàu cũng còn phải sáng, điện yếu thì sáng mờ mờ chứ không thể nào tắm ngúm như vậy!
Ông lái tàu ra vẻ đồng tình:
-Chắc là vậy! Nhưng tôi không hiểu tại sao máy tàu vẫn nổ từ lúc mình cướp được tàu hải tặc đến giờ?
Mọi người lại chìm vào những suy nghĩ miên man, không ai buồn lên tiếng nữa vì ai cũng mệt, cũng căng thẳng, họ đã gần như không nhắm mắt nghỉ ngơi được chút nào từ khi ghe gặp tàu hải tặc cho đến khi thoát được cuộc rượt đuổi sinh tử. Với lại bây giờ có lo cũng chẳng làm được gì vì trời tối đen như mực, và thực tế là chẳng có ai rành rẽ gì về các phương tiện ở trên tàu.
Ở biển đêm xuống nhanh thì trời cũng mau sáng. Ánh sáng còn trong màn sương mỏng của buổi ban mai cũng đủ để mọi người nhìn thấy dễ dàng cảnh vật chung quanh. Có người đang dán mắt vào ống dòm mừng rỡ kêu lên:
-Hình như đằng kia có đảo, lại có khói nữa chắc là có người ở...
Đám đàn ông dựa lưng ngủ quanh buồng lái giật mình choàng dậy, có người chưa nhìn thấy gì ở xa nhưng lại nhìn thấy những cái ở gần:
-Có rác trôi quanh tàu mình, chắc là gần bờ lắm rồi.
Một người lấy khúc cây, nhoài mình ra ngoài be thuyền và khều lên được một cái lon đồ hộp đã rỗng, bên dưới có hàng chữ "Made in Malaysia" bèn lên tiếng:
-Chắc là mình vào tới hải phận Mã Lai rồi, thảo nào mà bọn hải tặc không dám đuổi theo tàu mình nữa.
Ai nấy đều rộn lên niềm vui mừng vì chắc chắn đã thoát khỏi vùng nguy hiểm, lại nhìn thấy bến bờ trước mắt. Khi ánh mặt trời lên cao, những người trên tàu tị nạn còn nhìn thấy cả những cánh buồm nhiều màu sắc đang đua lượn quanh đảo, nhưng không ai có cách gì để tàu tiến đến gần hơn.
Trong lúc vài người tìm cách ra dấu hiệu cầu cứu, một nhóm đàn ông bắt đầu xuống hầm máy để tìm nguyên nhân tại sao tàu chết máy. Sau một hồi quan sát và mày mò, cũng vẫn người ra vẻ là rành máy móc lên tiếng:
-Chết mẹ rồi! Tụi nó khóa ống dẫn dầu, lại còn cắt dây dẫn điện từ mấy bình ắc quy, thảo nào khi hết dầu máy tắt là không đề lại được.
Có người lên tiếng:
-Vậy mau nối lại mấy cọc bình, rồi mở van dầu là xong chứ gì?
Nhưng chuyện không đơn giản như vậy, mấy cái bình ắc quy đều không được xạc trong khi máy nổ, nên cứ yếu dần sau mỗi lần đề và cuối cùng rơi vào tình trạng bất khiển dụng. Bình điện không chạy thì không có cách nào hút dầu lên, nên mức dầu cứ nằm im lìm tại cuối ống dẫn như thách thức mọi người.
Bên ngoài hầm máy có anh thanh niên đòi ôm phao nhảy xuống biển để bơi vào đảo tìm người đến cứu, nhưng ai cũng can ngăn vì quãng đường còn khá xa, chỉ sợ phải bỏ mạng giữa đường. Anh này là người lúc đánh nhau với hải tặc đã bị rớt xuống biển, nhưng nhờ biết bơi lại vớ được cái can nhựa nên đã thoát chết và leo lại được lên thuyền. Thấy mọi người bàn ra quá nên cuối cùng anh cũng nản lòng gạt bỏ ý định.
Con thuyền từ khi bị chết máy đã nghiêng hẳn qua một bên, khiến ai nấy đều phải thay đổi vị trí tạm trú. Hơn phân nửa những người ẩn thân trong buồng để tránh nắng gió là những người đầu tiên bò ra ngoài, vì họ không chịu được cảnh người này trôi tuột xuống đè lên mình người kia. Dù cả trăm người tràn về ở chỗ cao, con tàu cũng không lấy lại được thế cân bằng, khiến phần nghiêng thấp sát sạt mực nước biển chỉ cần một ngọn sóng nhỏ cũng đủ làm nước tràn ập vào tàu.
Mực nước thủy triều lên xuống mỗi ngày không làm cho con tàu tiến vào gần bờ thêm chút nào, mà nó lại có khuynh hướng lôi thuyền trở về với biển. Sau một đêm ngủ quên và sống vật vờ trên biển, sáng ra mọi người đã thấy chiếc tàu không còn ở vị trí cũ, bóng dáng hải đảo đã mất hút, dòng rác rưởi cuốn ra khơi từ bờ cũng không còn, mầu nước biển ngày một xanh đậm chứng tỏ tàu đã xa bờ lắm rồi.
Trong cơn tuyệt vọng ấy, nhiều người đã cật vấn ông tài công:
-Tại sao ông cho nhổ neo? Cứ để neo thì thể nào cũng có người ra cứu, chứ đi xa thế này thì... nguy to rồi!
Ông tài công ra sức chống đỡ:
-Tàu mình lớn, không như cái ghe nhỏ nên không có cách nào nhờ thủy triều mà vào gần bờ được. Nhổ neo để tàu trôi may ra còn gặp các tàu khác, chứ mấy ngày qua nằm ở chỗ ấy có ai héo lánh tới cứu đâu!
Bỗng có người chỉ về phía xa và la lớn:
-Có nhiều tàu đang đi lại đằng kia kìa...
Cuộc tranh luận chợt chuyển hướng hoàn toàn có lợi cho ông tài công. Không ai còn nhớ tới tội ông đã cho nhổ neo để tàu trôi dạt ra khơi nữa, và có người còn coi ông là người có hành động sáng suốt:
-Tàu trôi ra đây thì người ta mới thấy mà cứu chớ! Bọn mình nằm đúng ngay hải lộ của các thương thuyền rồi, thể nào cũng được thuyền đến cứu thôi...
Đúng là tàu chở người tị nạn đang nằm ở gần vùng di chuyển của các tàu hàng thật. Nhưng họ chỉ nhìn thấy các con tàu đang "xì khói" thẳng hướng ra khơi rồi dần mất hút ở cuối chân trời, chứ không có chiếc nào đi về phía họ để họ có thể ra dấu hiệu cầu cứu. Đang lúc buồn bã não lòng ấy, một anh thanh niên rụt rè nói:
-Em thấy hầm đá đã tan gần hết, xác ông Đại úy đã có mùi, các anh tính làm sao đây?
Bấy giờ mọi người mới nhớ đến cái xác ông Đại úy để dưới hầm đá đã nhiều ngày, nếu tàu còn nổ máy thì chẳng lo gì đến việc này, vì hầm lạnh có khả năng ướp cả những con cá mập đến cả tháng trời lênh đênh trên biển cũng không ươn khi cặp bến. Thế là một đám thanh niên liền leo xuống hầm để đưa xác ông Đại úy tài công lên. Xác ông tím ngắt trông thật bi thảm, và ủng nước vì những tảng đá lạnh sau cùng đã tan gần hết. Có người đem đến mấy cái bao tải phủ lên xác ông và dùng dây thừng quấn lại, rồi nhẹ nhàng đẩy cái xác xuống biển. Một ông ngày xưa cũng là lính Hải quân khóc ròng, đứng nghiêm đưa tay chào kính thật lâu, trong khi cái xác trôi dật dờ trên biển và khuất dần sau làn nước biếc.
Một hôm, khi những người còn sức đang dốc toàn lực để tát nước ra khỏi hầm máy, nhằm tránh cho tàu khỏi bị chìm, thì có người chạy xuống mừng rỡ báo tin:
-Có chiếc ghe nhỏ đang tiến đến gần mình.
Cả bọn quăng thùng, quăng áo chạy lên. Có bà ráng sức thều thào:
-Coi chừng tàu hải tặc đó...
Một ông cầm ống nhòm lên và nói:
-Không phải hải tặc, trên tàu có cả đàn bà và con nít.
Ai nấy thở phào yên tâm. Chiếc thuyền đánh cá đang lượn sát tàu tị nạn, mọi người nhìn rõ họ là một gia đình trông có vẻ hiền hòa gồm cặp vợ chồng và hai đứa con trai khoảng 14, 15 tuổi đang đứng vẫy tay chào. Một ông người Tàu trên thuyền nói:
-Chắc họ là người Hoa ở Mã Lai, để tôi nói tiếng Hoa với họ.
Sau vài tiếng í ới qua lại, ông người Tàu tươi hẳn nét mặt, giọng run run như người mới bắt được vàng:
-Họ nói là đảo gần đây thôi. Vậy bây giờ tính sao?
Ai nấy trên tàu bàn tán nhặng xị, trong khi mấy người biết tiếng Hoa ồn ào dùng tay làm loa hỏi chuyện những người trên tàu đánh cá. Ông tài công đề nghị:
-Mình thu ít vàng rồi nhờ họ kéo tàu tới đảo, được không?
Có ông không còn vật gì quý giá trên người cũng góp ý:
-Bảo họ, khi mình lên được đảo sẽ cho họ luôn cái tàu đánh cá này.
Trong khi ông người Tàu thương lượng, trên tàu đã quyên đâu được mấy chỉ vàng, bỏ vào cái lon rồi vứt qua thuyền đánh cá của gia đình người Mã. Người đàn ông sau khi nhận vàng, ném qua tàu tị nạn cuộn giây thừng rồi buộc chặt vào cây cọc cái phía sau thuyền. Đến lúc này những người tị nạn trên tàu mới thấy thương cái thuyền đánh cá của gia đình người Mã, nó chỉ bằng chiếc ghe mà họ đã dùng để vượt biển trước đó, và chưa bằng một phần ba chiếc tàu mà họ đã đoạt được từ tay bọn hải tặc Thái.
Chiếc thuyền đánh cá rồ máy tăng tốc độ và phóng về phía trước, sợi dây cột vào đầu tàu tị nạn căng cứng và con tàu bắt đầu chuyển động. Khi thấy con tàu đứng dựng lên không còn nghiêng như cũ và đang chầm chậm lướt sóng thì ai nấy đều reo lên hỉ hả:
-Thế là mình thoát rồi! Họ nói từ đây đến đảo rất gần. Thật là trời xui đất khiến họ đến cứu, chứ cứ nằm đây hoài thì vài ngày nữa cũng chết đói cả lũ.
Có bà trung niên, dù mấy ngày phơi thân trên biển mà mặt mày vẫn còn trắng hồng, đến lúc này mới hào hứng khai thật:
-Khi nào đến bờ tôi sẽ tặng họ thêm mấy chỉ nữa...
Ông mặt choắt nãy giờ im lặng, chợt xuất hiện bằng một tràng sỉ vả:
-Bà này hay thiệt, lúc tôi ngửa nón đi xin vàng để nhờ họ kéo tàu mình thì không thấy bà đâu hết, giờ sắp đến bến bờ thì mới thấy bà "mở lòng từ bi"... thiệt là...
Ông mặt choắt đang nói dở dang, bỗng dưng mọi người hốt hoảng la toáng khi thấy sức nặng của tàu tị nạn đã nhổ bưng cả cây cọc chốt đằng sau của thuyền đánh cá chạy phía trước. Mọi người thất vọng khi thấy chiếc thuyền của gia đình người Hoa chạy luôn không quành lại, và càng não lòng hơn khi thấy chiếc tàu chở họ lắc lư vài cái, chầm chậm rồi ngừng hẳn khiến tàu lại trở về tình trạng nghiêng một bên như cũ.
Một bà chắp tay ngửa mặt lên trời than:
-Trời ơi là Trời! Sao ông không cho chúng tôi đến bờ đến bến? Ông đã phái họ đến sao lại để họ bỏ đi giữa đường?
Ông người Tàu giọng nhỏ nhẹ an ủi:
-Bà không thấy ghe họ tanh banh khi kéo tàu mình sao? Họ cũng cố giúp mà giúp không được đấy chứ, đâu phải họ gạt mình để lấy vàng đâu!
Quả thật, khi chiếc cọc cái đằng sau chiếc thuyền đánh cá bị nhổ bung lên trời, người ta nhìn thấy rõ một mảng ván thuyền đằng sau bị vỡ tan theo. Chiếc tàu đánh cá của bọn hải tặc Thái lớn quá, nặng quá, nên chiếc ghe đánh cá nhỏ của gia đình người Mã Lai kia dù có quay lại cũng chẳng biết cột dây kéo vào chỗ nào...
Rồi bóng đêm lại phủ chụp xuống con tàu tị nạn. Đêm trên biển hoang vắng một cách lạnh lùng, chỉ còn lại những cơn gió rít và tiếng sóng nước đập đều nhịp vào ván thuyền. Trong bóng đêm, có người giật mình vì thấy bóng một người đàn bà đang lầm lũi đi ngược lên mũi tàu. Sợ bà này loạn trí sau nhiều ngày lênh đênh đói khát trên biển, và định tự tử nên đã la lên:
-Bà ơi! Ngồi xuống đi, đêm tối không thấy đường coi chừng lọt xuống biển không ai thấy mà cứu đâu!
Người đàn bà vẫn tiến tới, hai tay đưa ra phía trước như tìm đường, thều thào nói nhẹ như hơi sương:
-Mẹ ở đây nè con ơi! Mẹ ở đây nè... Lại đây với mẹ...
Nghe giọng nói những người còn thức biết ngay đây là bà cụ có đứa con bị hải tặc đâm chết trong cuộc hỗn chiến. Một người đàn ông từ trong hầm cá thò đầu lên, rồi dơ tay nắm chặt lấy ống chân khẳng khiu của người đàn bà đang gọi con rồi la lớn:
-Có ai ở trên làm ơn ôm chặt bà cụ lại dùm cái, tui giữ không nổi...
Bà cụ như có sức mạnh từ cõi vô hình, rút chân ra được đôi tay cầm giữ của người đứng dưới hầm cá. Nhưng đúng vào lúc bà sắp lao mình xuống biển thì đã có người đè ngã được bà xuống khoang thuyền. Lúc này trên tàu láo nháo vì có nhiều người gọi nhau để hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Một ông cột giẻ vào khúc cây nhúng dầu rồi đốt lên, ánh sáng tỏa lan làm mọi người dễ dàng nhìn thấy sự việc.
Trên sàn tàu phía gần mũi thuyền, hai người thanh niên đang ghì hết sức mới giữ được bà cụ nằm xuống. Bó đuốc rọi sáng khuôn mặt bà cụ, làm những người đứng gần hốt hoảng:
-Miệng sùi bọt... coi chừng bà cụ cắn đứt lưỡi...
Có người mau mắn tìm được cái muỗng, đem chấn ngang vào miệng khiến lưỡi của bà cụ lè ra trông như người bị bóp cổ. Thấy vậy người này tính lấy cái muỗng ra nhưng bị cản lại:
-Cứ để nguyên, dù bà cụ có đau nhưng còn hơn để bị cắn đứt lưỡi...
Những người hiếu kỳ tản mát dần, ai cũng thương bà cụ vì thương nhớ con mà có hành động khác thường, nhưng ở vào tình thế này muốn giúp nhau cũng chẳng biết phải làm sao. Có người trước khi bỏ đi còn buông lời bâng qươ:
-Nhiều khi chết được cũng là điều hay...
Hai người nắm giữ tay chân của bà cụ mãi cũng mệt, họ bảo nhau dùng dây thừng cột tay và chân bà cụ vào mấy cây cột giữa thuyền, rồi nằm gần đó để ngủ. Chỉ một lúc sau, cả hai người đều nhỏm dậy, một anh run run sợ hãi:
-Anh có thấy gì không?
-Có, tôi nghe thấy tiếng bà cụ như đang nói chuyện với đứa con đã chết...
-Tôi cũng vậy... tôi đã trùm mấy cái bao bố mà vẫn còn lạnh run lên đây này...
Nói xong cả hai nhoài người về phía hầm cá, tụt xuống rồi kéo nắp hầm lại cẩn thận, bỏ mặc bà cụ nằm phơi mình giữa sương gió.
Đến sáng, việc đầu tiên của hai người trốn dưới hầm cá là ngoi lên coi tình trạng của bà cụ như thế nào. Một anh rờ vào người bà cụ và nói:
-Người lạnh quá, ông đi xin coi ai có miếng dầu thoa cho bà cụ...
Người thanh niên bỏ đi và trở lại với một chị phụ nữ cầm lọ dầu xanh và cái muỗng trên tay. Vừa trông thấy bà cụ nằm giữa thuyền mà quần áo phong phanh, cô này la lớn:
-Anh làm ơn mượn dùm cái mền, đắp ngay để lấy lại hơi ấm cho bà.
Nói xong, chị phụ nữ lật lưng bà cụ, vén áo lên, xoa dầu và bắt đầu cạo gió. Những vùng máu bầm nổi lên mau chóng trên làn da nhăn nheo và gầy đét của bà lão. Chị vừa cạo vừa than với anh thanh niên đứng cạnh:
-Mấy ông ác nhân ác đức vừa vừa chứ. Ai đời lại để bà già nằm ngoài sương gió như thế này mà chẳng kiếm cái gì đắp. Sức bà yếu lắm rồi, gặp gió độc là đi luôn chẳng ai cứu được đâu...
Chợt bà cụ hé miệng giọng thều thào:
-Đúng rồi, chẳng ai cứu được đâu... chẳng ai cứu được đâu...
Thấy bà cụ đã tỉnh, có anh thanh niên đem lại cho bà chút cháo loãng nấu từ túi gạo mà bọn hải tặc để lại trên thuyền. Vừa đút cho bà cụ người này vừa mếu máo kể:
-Mẹ tôi đó, bà ấy đêm nào cũng mê sảng, cũng nhớ tới đứa em của tôi bị hải tặc đâm chết! Mẹ tôi thương nó nhất nhà, nó còn ham chơi đâu muốn đi vượt biên khiến bà lừa mãi mới đưa nó được xuống ghe, nay nó chết chắc bà ấy thấy có lỗi nên chỉ muốn đi theo nó...
Ánh mặt trời lên cao, nắng cháy và gió biển là hai điều trái nghịch nhưng hầu như lúc nào cũng hiện diện bên nhau, trừ khi đêm xuống. Đám người tị nạn khi mặt trời lặn thì ẩn thân dưới hầm cá, trong khoang tàu để tránh gió, nhưng khi nắng lên thì lại lục tục kéo nhau ra ngoài. Vài bà phụ nữ không có việc gì làm đè mấy đứa con ra bắt chí, trong khi mấy tay thanh niên tìm mấy con cá ươn để làm mồi câu cá. Trong không khí uể oải và nóng bức của biển, thỉnh thoảng vẫn có người "lo bò trắng răng":
-Trời ơi, mày gầy đét như thế này là vì ổ chí rận trên đầu đây nè! Con nào con nấy mập ú bắt không xuể...
Nói xong bà ta đưa đứa con xuống mé nghiêng của thuyền, dìm đầu con xuống nước biển rồi dùng tay cào gãi trên mớ tóc rối bù của nó, những người ở gần có thể trông thấy cả đám chấy đen nổi lên mặt nước xanh rì. Tay đang buông mồi câu cá gần đó nói đùa:
-Chí gì mà nhiều dữ vậy? Trông như dúm mè đen rắc trên nắm xôi!
Vừa nói xong, người thanh niên dơ tay vung mạnh sợi dây cước:
-Dính rồi! Dính rồi! Con cá này tôi căn mãi mới câu được!
Con cá lớn hơn gang tay, trông giống như một con cá mập nhỏ nằm giẫy dụa trong bàn tay run lên vì sung sướng của người bắt được nó:
-Tối nay đem nướng ăn ngon phải biết...
Rồi anh huyên thuyên kể về món canh chua cá bông lau khoái khẩu của anh:
-Dưới quê tôi cá nhiều lắm, nên bà già tôi chỉ chọn loại cá ngon và tươi mới ăn. Tôi thì ưa món canh chua lắm nên bả hay nấu cá bông lau với đủ thứ gia vị me, ớt, củ hành, khi gần chín bả cho vô bạc hà và cà chua, rồi nêm nước mắm, bột ngọt... Khi sắp núc ra tô bả còn dìm thêm giá, rau om, rắc thêm lên trên rau thơm xắt nhỏ, ngò gai và mấy lát ớt... ăn với cơm trắng thiệt đã đời hết sức...
Nghe cậu thanh niên kể mà ai nấy đều nuốt nước miếng ừng ực. Cách kể chuyện của cậu thật có duyên, có lớp lang, khiến ai nấy đều như đang được ngửi mùi cá thơm lừng bay lên quyện với mùi cơm chín tới. Tuy có người thích thú và đang thả hồn về những bữa cơm no đủ ở gia đình hay những dĩa cơm đường cháo chợ, thì cũng có người phản đối:
-Đói thấy mẹ mà mày còn kể chi ba cái chuyện tào lao ấy! Nghe mày kể cái bụng tao đã đói càng thêm cồn cào, mệt thêm mệt thêm, có lợi cái con mẹ gì đâu? Kiếm con dao lắt đôi con cá mà mày câu được, đem phơi rồi tối hãy nướng...
Trong lúc đám người buông câu thả mồi quanh thuyền với hy vọng tối nay có cá đem nướng, thì người thanh niên tối qua ngủ gần bà cụ có đứa con bị hải tặc đâm chết kể:
-Vào khoảng nửa đêm, hai đứa tụi tao giật mình thức giấc vì thấy lạnh quá và không tài nào nhắm mắt ngủ lại được. Lúc ấy bà cụ bị cột nằm im mà miệng thì cứ y như đang nói chuyện huyên thuyên với ai, rồi có lúc bà cụ la lên "cứu mẹ đi con, cứu mẹ đi con" rồi lại rưng rức khóc. Tôi chắc là hồn ma của thằng con bả hiện về, rồi bả xin nó cứu mà nó không có cách, nên đến sáng tôi thấy chính miệng bả nói đi nói lại "chẳng ai cứu được đâu, chẳng ai cứu được đâu"!
Không ngờ trong số người đứng thả dây câu cá, cũng có người con trai lớn của bà cụ mê sảng đêm qua. Anh nói:
-Hồi sáng tôi an ủi má tui, bả kể chuyện tối qua gặp thằng con út hiện về, nó khóc lóc thê thảm lắm, nó nói nó muốn tìm tàu đến cứu gia đình nhưng không được, vì bọn ma hải tặc dữ quá cứ mỗi lần nó định trồi lên là lại bị bọn chúng kéo chân dìm xuống biển... Tôi không tin chuyện ma quái, nhưng nghe mẹ tôi kể thấy rõ thằng đầu đảng hải tặc cười nhe ra hàm răng vàng, đeo cái nanh heo rừng và túi vàng trước ngực. Bả kể khi dơ tay ra kéo thằng út xuống biển bả còn trông rõ trên tay nó có xâm hình con hổ nhe nanh múa vuốt... Bà già tôi lúc đánh nhau còn bên ghe nhỏ còn trốn dưới hầm, làm sao biết mặt thằng hải tặc dài ngắn ra sao, đằng này bả kể không sai mấy thứ đặc biệt trên người thằng chúa đảng... làm tôi thấy lạnh cả người!
Chị phụ nữ thoa dầu cho bà cụ lúc sáng cũng đang kể chuyện với một đám đàn bà ngồi quanh:
-Bà ấy kể nhiều chuyện rùng rợn lắm không biết có nên tin hay không? Nhưng nghĩ lại thiệt cũng tội nghiệp cho ba người bị chết trôi dưới biển, họ ở dưới đó mà cũng còn bị tụi hải tặc vây lại hành hạ nữa chớ!
Có người tò mò hỏi thêm:
-Vậy bà cụ có mơ thấy ông Đại úy và các người khác bị hải tặc đâm chết ở dưới biển không?
Một bà co ro trong chiếc bao bố đã được khoét lỗ để thò đầu và hai tay ra ngoài, nhỏ nhẹ nói:
-Tôi là người đạo Chúa, không tin ma cỏ, nhưng tin việc người chết phải qua lửa luyện ngục rồi mới được lên Thiên đàng. Vì vậy muốn họ được mát mẻ, mau siêu thoát và giúp lại được mình thì chỉ có cách cầu nguyện cho họ mà thôi.
Chị phụ nữ "cạo dầu" gật gù ra vẻ đồng ý rồi đề nghị:
-Thế thì mấy chị tối nay đọc kinh cho họ đi. Còn tôi cũng kêu mấy bà Phật giáo cầu kinh cho họ, để họ mau được đi đầu thai... Kẹt cái ở trên tàu này chẳng có đồ ăn hay nhang đèn gì để cầu cúng cho họ...
Thế là đêm đó, thay vì tản mát ẩn dưới các hầm cá để trốn những cơn gió lạnh cắt da, trên tàu bập bùng ánh lửa để những nhóm cùng tôn giáo quay quần bên nhau để cầu nguyện. Tiếng cầu kinh nhè nhẹ lan đi trong gió, nghe như tiếng nỉ non ai oán của những oan hồn, nhưng thực ra là của những con người đang cận kề nỗi chết. Có nhiều tiếng khóc nấc đã nổi lên giữa bài kinh cầu, giữa bản thánh ca... làm như có ai đã đụng phải nỗi sầu bi mà mọi người đã tự dồn nén nơi tận đáy lòng và giờ đây mới có cơ hội bày tỏ.
Sáng ra, khi mặt trời chưa soi rõ mặt mọi người thì đã có tiếng khóc rú lên từ một hầm cá, rồi hai ba tiếng khóc khác cùng hòa điệu theo:
-Ba ơi... Ba ơi... Sao ba bỏ má, bỏ con...
-Ông ơi là ông ơi! Ông đi sao chẳng một lời gì nói với tôi...
Một đám người ào tới bên hầm cá, nhìn xuống mới biết người chết là ông cụ đói ăn lại bị đi ỉa chảy suốt mấy ngày liền, nằm bẹp một chỗ và sáng nay hồn lìa khỏi xác. Xác chết được hai thanh niên mau chóng đưa lên trên mặt thuyền, trong khi mấy người khác đã đem lại hai cái bao bố và một khúc lưới cá.
Họ đặt mấy cái bao tải lên xác rồi dùng lưới cá quấn tròn ông cụ lại như đòn bánh tét. Mặt ông gầy đét nhô xương, mắt ông lõm xuống như người đã chết từ lâu. Một người đề nghị:
-Bà cụ và mấy đứa con tới nhìn mặt cụ lần cuối đi. Rất tiếc không để xác ông cụ trên thuyền được, vì ông cụ chết bịnh, và chết từ hôm trước rồi mà không ai hay biết...
Không ai lên tiếng phản đối, kể cả những người thân của ông cụ, họ chỉ đứng gạt lệ nhìn theo để thấy mấy người đàn ông nhẹ nhàng đẩy xác ông cụ ra khỏi lòng thuyền. Xác cụ trôi dập dềnh trên biển một lúc rồi dần khuất mất nơi xa...
Lúc này trên thuyền mọi người đã rã mệt vì đói, những người câu được cá không còn dám mổ đem phơi vì sợ mất trộm, có người vừa câu vừa trông chừng con cá đang phơi nắng thế mà vẫn mất. Lúc đói người ta có thể làm bất cứ chuyện gì, kể cả dằng ngay miếng cá của kẻ đang cầm trên tay để đút vào miệng mà chẳng màng đến hậu quả.
Trong cơn đói, do bao tử hối thúc, có người đã nảy sinh ra nhiều sáng kiến. Một trong những sáng kiến ấy là hốt hết đống cá sình ươn dưới hầm để làm cá... chà bông. Nhờ lửa, nhờ mùi khét, và cũng nhờ người đứng bên chảo quấy nát mà mớ cá tưởng rằng không thể ăn được, cũng đã được đem chia đều cho những người đang đói. Đang đói mà có cái bỏ vào miệng ai cũng quý, và họ giữ gói cá "chà bông" ấy trong tay như một báu vật dùng để ăn dần.
Người lớn ăn cá "chà bông" thì không sao, nhưng những đứa bé ăn vào đi ỉa chảy đến xanh cả mặt. Có bà đang mang bầu đứa con trong bụng đã gần tới ngày sanh, dù đói ăn nằm bẹp một chỗ mà vẫn bị cái thai hành đến độ bỏ cái gì vào miệng sau đó cũng ói ra thành vòi. Bà này luôn miệng cầu xin mau cho tới bờ tới bến, để đứa con sinh ra còn cơ hội sống sót, chứ cứ lênh đênh giữa biển thế này thì chắc có ngày nó chết ngay trong bụng mẹ.
Trong đám người xanh xao gầy rộc vì thiếu ăn ấy cũng có những người chẳng màng đến việc chia chác thức ăn trên tàu. Mấy bà ưa chuyện thầm thì:
-Chắc gia đình con nhỏ đó có ngậm sâm, nên chẳng bao giờ thấy chị em nó ăn uống cái gì.
Người khác góp chuyện:
-Ban ngày thì chị em nó nằm bẹp dí, nhưng tối tới thì lục xục cả đêm. Tôi nghĩ là họ còn giữ được "cao lương" trong mấy cái túi mà họ giữ khư khư không rời nửa bước, lúc đi cầu cũng thấy họ mang theo, chắc chắn là phải còn của quý hoặc thức ăn gì đây.
Có ông ngồi gần nóng nảy đề nghị:
-Vậy chị tới xin thử miếng sâm cho bà có bầu xem họ có cho không? Có miếng sâm mà ngậm có thể cứu được đứa nhỏ trong bụng, bởi bả nói là mấy ngày nay nó nằm im rơ không còn quậy đạp như mấy ngày trước! Nếu cái thai mà chết trong bụng rồi, thì bả cũng khó mà sống được lâu.
Chị đàn bà ưa chuyện nói mỉa:
-Lúc này ai cũng thủ ông ơi. Cứ tin tôi đi sức mấy mà họ cho!
Tiếng người đàn ông:
-Thì cứ đi xin thử, nếu họ không cho thì thôi, với lại cũng là dịp để coi bà nào đoán đúng xem họ còn cái gì ăn trong cái túi đồ cất giữ như mả tổ ấy!
Một bà má hóp trơ ra hàm răng vẩu xung phong:
-Để tôi, chuyện đó có gì khó chớ!
Nói xong bà xiêu vẹo bước đi đến căn buồng phía sau phòng lái. Có tiếng nói qua nói lại một hồi rồi thấy bà khươ tay lên trời ra vẻ thất vọng lần đi trở lại chỗ cũ:
-Nhà họ nói không có gì để ăn cả, cũng không có sâm siếc gì để ngậm. Tui gặng hỏi có gì trong túi mà cứ giữ khư khư thì con chị nói là "đồ gia bảo", có cho cũng chẳng ai dám nhận! Mấy bà nghĩ coi đó là thứ gì, chứ vàng bạc lúc này mà cho thì cũng có người chìa tay ra nhận liền, chứ chê nỗi gì?
Người đàn bà ưa chuyện bỉu môi:
-Nó không muốn cho thì nói như vậy. Đúng là thứ bần tiện! Thử hỏi nếu không có những người đánh nhau với hải tặc, thì giờ chị em nó đã mang thứ đồ ấy xuống âm phủ mà ăn...
Vẫn ông có điệu nóng nảy, nghiến răng kèn kẹt:
-Nếu mà bà bầu ấy chết cùng với đứa con thì tôi sẽ tới vạch cái túi ấy coi mấy người đó đang thủ cái gì! Tôi cũng nói trước với mấy bà biết, tôi chẳng có họ hàng quen biết gì với bà bầu này cả, thấy bả như vậy cầm lòng không đậu thôi...
Rồi lại thêm những ngày dài đăng đẳng trên tàu mà không có dấu hiệu gì được ai đến cứu. Có lúc tàu trôi qua một vùng biển có cả đàn chim dữ, chúng sà xuống tìm mồi và mổ mấy người bị thương máu chảy dầm dề. Những người bị chim mổ là những người đói lả nằm im như người chết trên tàu, và trở thành mục tiêu tấn công của đàn chim háu đói.
Mỗi lần chúng sà xuống xoè ra những móng vuốt cực kỳ bén nhọn, thì cũng là lúc những người trên tàu tìm cách đối phó. Có mấy người còn sức giăng lưới đánh cá và bất ngờ tung chụp lên đàn chim, khiến mấy con bị vướng lưới. Không ngờ trong lúc không còn thức ăn, chuyến tàu lại có thực phẩm từ trời rơi xuống khiến nhiều người xả thân lăn vào cuộc săn bắt đàn chim trời.
Đêm đó, mùi thịt chim nướng thơm lừng đánh thức cả hàng trăm người trên tàu. Có 6 con chim bị bắt, con nào con nấy nặng cả một hai ký, to như con gà. Trước khi đem nướng, họ đã cắt cổ từng con chim để uống máu, rồi để cả lông đem nướng, họ không muốn vứt đi bất cứ thứ gì trên con vật mà họ bắt được. Có tí thịt sống đắp vào bụng làm nhiều người bớt uể oải, có ông khi xé miếng thịt chim đưa lên miệng không ăn vội mà còn hít hà:
-Chỉ thiếu xị đế là đủ quên đời! Hồi bọn tôi đi lính nhiều khi có đế mà không có mồi, còn bây giờ có mồi thì lại thiếu đế, thiệt thèm hết sức!
Ông mặt choắt nhai liến láu cái đầu chim còn đỏ hoe và nói:
-Sáng mai tụi mình chuẩn bị sẵn lưới rồi nằm giả chết giữa sàn tàu, bất ngờ đánh úp thế nào cũng bắt được chim.
Một người đề nghị:
-Muốn bắt được chim phải có mồi nhử, nhất là phải kêu mấy người nằm trên tàu trốn bớt dưới hầm cá thì may ra chim mới dám sà xuống. Nếu nhử nó xuống cả bầy thì bọn mình trúng mối to...
Có ông chặc lưỡi than:
-Biết vậy mình giữ lại một con, cắt cánh cột chân nó xuống giữa tàu, đồng bọn của nó nghe thấy tiếng kêu chắc chắn sẽ đến cứu. Dưới quê tôi những người đánh bắt chim đều làm theo phương pháp này, chứ loại chim dữ như diều hâu mà dùng người để nhử thì nguy hiểm lắm, có thể bị nó móc mù mắt như chơi!
Đến sáng, mọi dự tính của những người trên tàu đều tan thành mây khói vì tàu đã trôi qua vùng biển khác, không ai nhìn thấy bóng dáng của đàn chim dữ hôm qua. Đã thế, càng về chiều những đám mây đen hợp cùng gió biển đã giáng xuống con tàu một cơn mưa bão lớn chưa từng thấy. Con tàu lắc lư, chòng chành qua lại mỗi lúc một dữ dội, đám người trên tàu ướt như chuột và ai dù mệt mỏi và lười biếng đến đâu cũng phải dùng hết sức tàn để lê thân chạy trốn, bởi những hạt mưa đá bị gió mạnh quất xuống không thua gì những làn roi da đánh xuống đám tội nhân!
Trong lúc mọi người đang chèn nhét nhau tránh bão ở dưới các hầm cá, hầm máy, thì trên sàn tàu tuy hoang vắng, nhưng vẫn còn một bà cụ già đang lom khom bò ra từ trong một "ổ chuột" được che dựng bằng những thùng gỗ đựng cá. Bà bò lết ra gần giữa tàu một cách chậm chạp và mấy lần bà bị gió thổi lăn ngược trở lại mà bà vẫn không bỏ cuộc. Đúng lúc bà vịn vào chiếc cột và định đứng lên thì gió bão đổi hướng, nó thổi bà té lăn xuống mé nghiêng của thuyền, và hất bà văng xuống biển...
Đến khi biển êm mưa tạnh, thì cũng là thêm một ngày mới bắt đầu. Chiếc thuyền đã không bị nhận chìm xuống đáy biển trong cơn bão chiều qua, và mọi người đã thiếp đi trong bóng đêm sợ hãi. Bây giờ họ lại lục tục ngoi lên để phơi nắng, để quần áo được hong khô dưới ánh nắng mặt trời, và cũng để chiếm lại các chỗ mà họ đã cư ngụ trong những ngày qua. Trong lúc thu dọn lại các thùng gỗ, ông lái tàu đột nhiên la hoảng:
-Có ai thấy bà già nằm ở đây đi đâu rồi không?
Không có tiếng ai trả lời! Một vài người còn sức đi rà soát lại trên tàu và sau đó xác nhận bà cụ đã mất tích trong cơn bão đêm qua!
Rồi lại thêm những ngày dài tuyệt vọng và đói khát trên biển. Cả ngày lẫn đêm, đâu đó thường vang lên những tiếng cười khan, những giọng kể lể, những cái chép miệng thèm thuồng, của những người đã lâm vào tình trạng mê sảng. Không còn sự hoạt động nào trên thuyền, kể cả việc tiểu tiện, vì không ai còn gì trong bụng để mà tiêu hóa, để mà có sức đi lại, nên không khí trầm lặng và hoang vắng như một bãi tha ma.
Đúng lúc ấy lại có một con tàu buôn tiến đến, ngày càng gần, rồi tới lúc gần đến độ người bên thuyền tị nạn nhìn thấy rõ những người đang đi lại trên tàu. Có vẻ họ tiến gần đến thuyền vì sự tò mò hơn là để cứu nên không tỏ ra bất cứ dấu hiệu nào tích cực hơn. Thấy thế, một vài người còn khoẻ mạnh bên thuyền tị nạn bèn nổi lửa đốt phần tầng trên của thuyền, với hy vọng chiếc tàu buôn sẽ đến cứu. Thế nhưng kết quả thật thảm hại, chiếc tàu buôn thấy lửa lại càng không dám tiến đến gần, sợ bị vạ lây, nên đã quay đầu tống ga bỏ chạy! Thế là đám tị nạn đau khổ trên tàu lại phải gom hết tàn hơi để dập tắt ngọn lửa!
Vào một ngày mà mọi người trên tàu đều nằm rũ liệt vì đói, thế mà vẫn có một người ráng hết sức để loan tin:
-Sắp có tàu đến cứu chúng ta rồi! Tối hôm qua ông thuyền trưởng của ghe mình hiện về nói là họ đã thoát khỏi vòng kềm hãm của bọn hải tặc, và bảo đảm là sẽ tìm tàu đến cứu. Tôi biết ông thuyền trưởng sẽ phải làm điều này, nếu không chỉ vài ngày nữa là hai đứa con của ổng sẽ chết, vì tụi nó đã bị tiêu chảy và nằm ọp một chỗ đã mấy ngày nay rồi!
Không ai hưởng ứng nguồn tin sốt dẻo này của người đàn bà vừa kể, họ đã trông mong nhiều rồi, hy vọng nhiều rồi mà cũng chưa bao giờ nhìn thấy kết quả. Cách đây mấy ngày, có tàu tiến đến sát gần thế mà cũng bỏ đi, như vậy có ai còn dám mơ mộng là sẽ có người khác đến đem họ ra khỏi vòng tay thần chết?
Dầu thế, cũng có người tin tưởng vào lời kể trên, với hy vọng sống còn. Ông mặt choắt tiến đến gần người đàn bà kể chuyện và hỏi:
-Bà có chắc là ông Đại úy đã hứa sẽ gọi tàu đến cứu hay không?
-Tôi tin chứ, vì ổng không cứu mình thì cũng phải cứu hai đứa con ổng chứ!
Ông mặt choắt với giọng thành khẩn:
-Thế thì mọi người phải cầu nguyện cho ổng có thêm sức mạnh, chứ không thì mình ổng làm sao lại với đám quỷ ma dưới biển!
Người đàn bà đưa tin quả quyết:
-Ổng sống khôn thác thiêng! Ổng là người chỉ huy khi sống thì khi chết phải thành thần! Đêm qua tôi thấy ổng mặt mày sáng láng vui vẻ lắm, không giống với khi ổng mới chết...
Một bà khác nằm gần đó, giọng thều thào đứt quãng:
-Bà già có đứa con bị hải tặc đâm chết... cũng kể cho tôi nghe... là con bả không còn hiện về nữa... chắc nó được đi đầu thai rồi... Lạy Trời, lạy Phật... cứu nạn chúng sinh...
Một anh thanh niên xen vào:
-Thế họ đi đầu thai hết rồi, thì còn ai mà dẫn tàu đến cứu?
Bà gần chết vẫn giọng thều thào:
-Họ sẽ... kể khổ với thần linh... Họ sẽ nhờ thần linh...
Mọi người có vẻ an tâm với lời giải thích của người đàn bà nói giọng yếu ớt. Nắng cháy của biển cũng không dấu được vẻ mặt xanh như tàu lá, quắt queo và héo hắt vì đói của người đàn bà này. Bà ta có vẻ yếu lắm rồi, nhưng vẫn gắng gượng sống trong niềm hy vọng...
Ngày thứ 22 trên biển, con thuyền mà người tị nạn chiếm được từ tay của bọn hải tặc vẫn cứ nghiêng một bên và trôi bất định trên biển cả! Mọi nguồn lương thực trên tàu như cá ươn và nước ngọt đã cạn kiệt, trên tàu lúc này đúng là một bãi tha ma với đây đó những thân người ẻo lả và yếu đuối nằm la liệt trong lòng thuyền. Vào đúng cái lúc thập tử nhất sinh ấy thì đột nhiên một phép lạ đã xảy ra...
Sáng hôm ấy, viên thuyền trưởng của chiếc tàu dầu dài hàng trăm thước của Anh quốc đang vượt qua vùng biển Nam Dương, nơi có vô số các đảo nhỏ trước khi tiến đến vùng Bắc Úc (Darwin) của Úc Đại Lợi để xuống dầu - thì được viên phụ tá báo cho biết là có một chiếc thuyền nằm chấn ngang giữa hải lộ mà tàu dầu sẽ băng qua. Nhân viên trên tàu đã liên lạc và đánh tín hiệu nhiều lần nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào đáp trả, có thể đây là chiếc thuyền hoang và không có người nào trên thuyền!
Ông thuyền trưởng bỏ dở buổi tập thể dục buổi sáng trên tàu, và trở lại phòng chỉ huy. Ông ra lệnh cho tàu tiến đến gần chiếc thuyền lạ, và dùng ống dòm theo dõi.
Trong khi chiếc tàu cứu tinh càng lúc càng tiến đến gần, mà chẳng mấy ai hay biết. Điều này càng làm cho viên thuyền trưởng cảm thấy có trách nhiệm khi thấy trên thuyền nằm la liệt "những xác người". Ông quyết định cho cặp tàu vào sát chiếc thuyền đánh cá để xem xét.
Và khi chiếc thang giây đầu tiên được thả xuống, viên thuyền trưởng đã được báo cáo qua máy liên lạc là "còn rất nhiều người còn sống, họ chỉ yếu sức vì đói"... Thế là các cuộn lưới được thả xuống để cho người tị nạn bám vào để leo lên, nhiều người run rẩy đến độ tuột tay rơi xuống nhưng đều được những tấm lưới này cứu mạng.
Thế là người mạnh dìu người yếu, trong khi các thủy thủ trên tàu làm việc không ngừng nghỉ để kéo họ lên boong tàu. Viên thuyền trưởng rất đỗi ngạc nghiên khi thấy số người được cứu cứ tăng dần, vì ông không đoán trước được là đa số người tị nạn đang ẩn mình dưới các hầm cá, và số người nằm "giả chết" trên mặt thuyền chỉ độ mươi người...
150 người được cứu đưa lên tàu dầu, họ ngồi chỉ hết một góc nhỏ ở đầu con tàu cứu tinh! Trông họ như những thây ma vừa được lôi lên từ đáy mộ, ai cũng lem luốc bẩn thỉu, rách rưới và hôi tanh... Có khoảng hai chục người phải đưa vào phòng cấp cứu trên tàu để chữa trị cấp tốc, vì sức khoẻ quá yếu, số còn lại được đưa qua phòng ăn...
Các thủy thủ và đầu bếp trên tàu đã nấu xong những tô cháo thịt nóng hổi. Họ không dám cho đám người tị nạn ăn ngay các loại thức ăn khác, và cháo được chọn là để cho bao tử của mọi người dần thích hợp lại sau nhiều ngày đói khát. Có lẽ trong cuộc đời của họ, họ sẽ chẳng bao giờ có thể quên được chén cháo thơm ngon và tuyệt vời nhất trong lúc này...
Chỉ tới buổi chiều hôm đó, gần như mọi người đã dần phục hồi lại sức khoẻ. Nhiều người đã tự đi tắm rửa cho sạch sẽ, và được các thủy thủ trên tàu cho mượn các bộ quần áo công nhân để mặc đỡ. Sau khi tắm rửa và bận áo quần khác trông họ có vẻ tươm tất và sạch sẽ hơn nhiều, đây đó đã có tiếng cười và những nhóm người tụm lại để kể về lúc được cứu vớt:
-Tui biết tàu của họ đến chớ, nhưng mà tui ra dấu nói anh em đừng có đứng lên hò hét xin cứu mần chi, để họ thấy chết mới cứu, chứ tàu mình to chần dần thế này thì ai dám cứu!
Một bà lên giọng:
-Chứ không phải nhờ tụi tôi và mấy đứa nhỏ nằm dang nắng trên thuyền sao?
Chị phụ nữ kể chuyện giấc mơ sẽ có tàu đến cứu, giọng rõ mồn một:
-Tôi đã nói rồi, chính ông thuyền trưởng của ghe mình và mấy người mất mạng vì hải tặc đến cứu mình chứ không ai khác. Ông ấy đã thề hứa như vậy, và hướng dẫn tàu dầu đến cứu, chứ các lần trước không có ổng thúc dục họ, họ cứ đi tỉnh bơ cả chục chiếc chứ có ít oi gì đâu! Mới đó mà mấy ông mấy bà đã quên ơn họ, tôi nói thiệt, lên bờ là tôi cúng họ không chỉ một bữa mà là cả năm cũng chưa đủ để đền ơn này...
Mọi người có vẻ đồng tình bằng sự im lặng bất chợt. Bỗng có bà rề lại nói nhỏ:
-Vậy có ai thấy mấy chị em cái con nhà độc địa, lúc nào cũng ôm khư khư cái túi trước ngực đâu không? Tui bảo đảm là trong túi đó đến khi được cứu vẫn còn có thức ăn! Thế mà tụi nó ác nhân không chịu chia cho bà bầu chút xíu để giữ sức cầm hơi!
Ông mặt choắt đang nằm vắt tay lên trán ngồi bật dật với giọng nhân từ:
-Lúc đói người ta có thể giết nhau vì miếng ăn, thế mà tạ ơn trời đất trên tàu mình chưa xảy ra chuyện này! Nếu mà đói thêm vài ngày nữa thì chắc cũng khó mà tránh khỏi, vì tôi biết có người đã dự định việc ấy rồi... Tôi cũng kể thiệt cho mọi người hay, cái túi mà mấy chị em nhà kia cứ ôm giữ khăng khăng đó đã bị liệng xuống biển cách đây mấy ngày rồi!
Người đàn bà ưa chuyện hỏi dồn:
-Tại sao lại liệng xuống biển? Vậy chứ trong đó có cái gì mà chị em nó phải dấu mọi người?
Ông mặt choắt ra dấu xin mọi người im lặng rồi nói:
-Tôi kể chuyện này ra nhưng xin mấy người giữ kín dùm. Tay thanh niên nằm bên cạnh tôi đói quá nên đang đêm mò đến chỗ ngủ của mấy chị em đó, dùng dao cắt lấy được cái túi rồi mang về hầm cá mở ra! Tụi nó thất kinh khi nhìn thấy vật ở trong túi, và đó là lý do tôi biết chuyện... cái túi bị đem quăng xuống biển...
Mọi người lại ồn ào, nhốn nháo:
-Cái gì trong túi mà sợ đến độ phải quăng xuống biển?
-Không có vàng thì cũng phải có sâm, có sữa bột... gì chớ!
Chờ cho mọi câu hỏi qua lại không còn nữa, ông mặt choắt mới nhẹ nhàng phán:
-Trong túi chỉ có lọ tro cốt mà thôi!
Có tay không dằn được, chửi thề:
-Đù mẹ! Đi vượt biên mà còn đem theo tro cốt làm gì? Đem theo hũ đường coi bộ còn có lý hơn!
Người đàn bà ưa chuyện xía vào:
-Thảo nào mà tàu mình xui bỏ mẹ! Gặp toàn chuyện gì đâu không hà! Chắc là nhờ ném hũ cốt đó xuống biển nên tàu mình mới "nhẹ" đi mà được cứu không chừng!
Người đàn bà kể chuyện giấc mơ trái lại ôn tồn hơn:
-Nói gì thì nói, mình được cứu là nhờ người "cõi âm", người chết đựng trong hũ tro cốt cũng vậy, họ có người nhà thì cũng phải tìm cách góp phần vào việc cứu thoát cho tàu mình. Như vậy, đừng ai còn giận hờn hay nghi oan gì cho gia đình mấy chị em đó nữa. Cũng đừng ai kể chuyện lọ tro cốt đã bị ném xuống biển, kẻo lại sinh ra oán hận lôi thôi, vì một khi họ muốn đem tro cốt đi thì cũng muốn tro cốt ấy được có chỗ để cúng giỗ phụng thờ. Giữ mãi không sao mà khi được lên bến bờ thì lại để mất chắc họ sẽ đau đớn lắm, và họ sẽ không tha cho người ném cái hũ cốt ấy xuống biển đâu!
Ông mặt choắt xuống giọng:
-Tôi lỡ kể ra chuyện này cũng chỉ với mục đích xin mọi người đừng nghĩ xấu đến mấy chị em nhà đó, chứ tôi không có ý chỉ chứng người nào ăn cắp cái túi rồi vứt xuống biển! Vậy mấy ông bà làm ơn giữ kín và tìm cách an ủi họ để tàu mình không xảy ra chuyện xích mích khi lên bờ. Và nếu có ai đưa chuyện này tới tai họ, thì tôi cũng phủ nhận câu chuyện mà tôi vừa mới kể, và tôi xin mọi người ở đây đừng nhìn mặt...
Mọi người đều ra dấu đồng tình, cam kết là không để thêm ai biết chuyện, rồi chuyển qua chuyện khác. Vẫn ông mặt choắt lên tiếng:
-Bà bầu và đứa con trong bụng an toàn rồi. Y sĩ trên tàu cấp cứu và truyền nước biển ngay khi bà ấy vừa lên boong tàu. Bây giờ bà ấy da dẻ hồng hào, khác hẳn lúc nằm bẹp dí dưới hầm tàu...
Một chị phụ nữ nhất định không cho ai trở lại chuyện cũ nên đặt một câu hỏi rất "thời sự" mà ai cũng muốn biết:
-Không hiểu họ sẽ đưa mình đi đâu? Nghe nói tàu dầu này mới từ Singapore ra, và đang trên đường đến Úc thì cứu được tàu mình...
Bà ưa chuyện chen ngay vào:
-Úc là nước nào vậy? Từ bé tới lớn tôi chưa hề nghe thấy tên nước này! Hay là mình lên yêu cầu ông Thuyền trưởng cho quay tàu trở lại Singapore đi, vì tôi nghe nói ở đó sướng lắm, được phát tiền đô mỗi ngày rồi lại được đi định cư sớm nữa...
Một ông trung niên đeo cặp kính cận dày cộm tình cờ đi ngang nghe chuyện dừng lại lên giọng ra vẻ hiểu biết:
-Tàu người ta đang trên đường đến Úc, thì cứ để người ta đến Úc! Các ông các bà có biết một ngày trễ nải của họ là tốn bao nhiêu tiền không? Vài chục ngàn Mỹ kim đó, chứ không phải tiền Lèo đâu! Họ cứu mình là hy sinh quá sức rồi! Xin lỗi, họ có đưa mình đến đảo hoang mà liệng tôi cũng quỳ xuống cảm ơn chứ đừng nói đưa mình tới Úc... Không biết thì thôi, nói ra chỉ tổ để cho người ta thấy sự vô ơn của mình...
Bà ưa chuyện khi không bị mắng vốn, tức mình hỏi lại:
-Vậy chớ anh biết gì về nước Úc đây?
Gỡ cặp kính cận ra khỏi mắt, người đàn ông trung niên nói:
-Tôi đọc sách nhiều nên biết Úc là Úc Đại Lợi, là nơi đất rộng người thưa, biển nhiều, khí hậu ôn đới và đa số dân Úc sống bằng nghề nông nên rất thích hợp với người Việt Nam chúng ta...
Bà ưa chuyện dề môi:
-Xì tưởng gì! Ông còn sức thì đến Úc mà làm nghề nông, còn tụi tôi già rồi chắc phải xin đi nước khác thôi! Nói thiệt! Nghe đất rộng người thưa làm tôi nhớ tới vùng Kinh tế mới Lê Minh Xuân quá, giờ này nhắc tới chỗ đó tôi vẫn còn ớn lạnh tới tận xương sống...
Ông đeo cặp kính cận tỏ vẻ bực bội:
-Nói chuyện với bà này chán bỏ mẹ! Bà có biết là các nông gia trại chủ ở Úc giàu có đến mức nào không? Người ta dùng máy móc hết chứ không dùng sức người như bà tưởng đâu! Đến Úc cho tôi ăn táo rụng, nho thừa cũng sung sướng cả đời... dễ gì mà có chuyện "chân lấm tay bùn" như bà nghĩ!
Câu chuyện đang tới hồi sôi nổi bởi bên binh người chống, thì bỗng có người chạy vào các phòng la lớn báo tin:
-Có ai muốn ra coi họ đánh đắm tàu hải tặc thì ra mà xem...
Ở cuối boong tàu đã có một đám người đứng sẵn, họ chờ coi đám thủy thủ trên tàu dầu đánh đắm chiếc thuyền mà người tị nạn đã lấy được từ tay hải tặc. Trước đó viên Thuyền trưởng đã hỏi ý một số người, và không một ai muốn kéo chiếc thuyền ma quái ấy theo vì ai cũng hãi nó quá rồi! Chiếc tàu dầu tăng tốc độ, kéo chiếc thuyền hải tặc băng băng lướt sóng, bất thần sợi dây kéo được thả bung, làm chiếc thuyền lắc lư qua lại mấy lần tưởng như sắp bị lật úp, thế mà nó vẫn gượng dậy như cây sậy ngả nghiêng trước gió! Có người ôm mặt kêu:
-Ghê quá! Ghê quá! Nó không chịu chìm, nó vẫn còn nổi...
Ông tài công lại có ý nghĩ khác:
-Chiếc tàu này cũng đáng giá lắm, nếu nó không chìm, dân chài trong vùng sẽ ra kéo về sửa sang lại chút đỉnh là lại có thể ra khơi đánh cá...
ĐOẠN KẾT:
Chuyến tàu trên đi tại Cần Thơ ngày 8.11.1979, sau 22 ngày lênh đênh trên biển, họ được cứu vào lúc 10g trưa ngày 29.11.1979 trong lúc đã cạn kiệt lương thực, và nhiều người có thể chết trong những ngày kế tiếp. Con tàu dầu mang tên "Entalina London" do thuyền trưởng Anh tên Norman Sloan cho biết, ông đã cứu 150 người kể trên trên tại vùng biển Borneo, và ngày 4.12.1979 tàu đã ghé bến Darwin (Bắc Úc) để đưa số người này lên bờ. Một số đã được đưa đi định cư tại Anh vì do tàu Anh vớt, nhưng đa số đã xin định cư tại Úc và họ đã được chuyển đến định cư tại hai tiểu bang chính là Melbourne và Sydney. Trong số người được cứu từ con thuyền này, có gia đình của chủ bút VNTB.
*Nguyễn Vy Túy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét