Khanh Truong
11 tháng 5 lúc 20:56
Đọc lại một số bài viết tào lao để gom thành tập CHUYỆN BAO ĐỒNG sẽ xuất bản nay mai.
Nhớ Cao Đông Khánh, một tửu đồ tôi vô cùng yêu quí.
Đăng lại bàI viết như một nén tâm hương. Mười tám năm đã trôi qua, rưng rưng nhớ bạn, Cao Đông Khánh.
*
CAO ĐÔNG KHÁNH, THƠ VÀ RƯỢU
Vài năm gần đây, chúng ta liên tiếp mất đi nhiều tài năng, trong nhiều lĩnh vực. Nhà văn Mai Thảo, thi sĩ Nguyên Sa, nhà báo Lê Đình Điểu, nhà văn Nghiêm Xuân Hồng, họa sĩ Ngọc Dũng, nhạc sĩ Lê Uyên Phương... Văn học nghệ thuật Việt Nam trên quê người vốn khó khăn, vì điều kiện kinh tế, môi trường nuôi dưỡng, cũng như thiếu hẳn những gạch nối kế thừa, càng trở nên khó khăn hơn, khi chúng ta cứ phải, vài tháng, một năm, chứng kiến những cuộc ra đi vĩnh viễn. Gần đây nhất, (ngày 12/12/2000), thi sĩ Cao Đông Khánh lại vừa từ giã chúng ta!
Qui luật vận hành của thời gian và lẽ tử sinh của kiếp người, quả thực, quá đỗi khắc nghiệt. Cao Đông Khánh vừa từ giã chúng ta. Cái gã xem cuộc đời như ngọn rau muống ấy, cái kẻ, nếu tình cờ vài ba năm gặp lại, ở đâu đó, thay cho lời vấn an cũ mòn, đến khách sáo: “Khỏe không ?”, là cái hất hàm kèm tiếng chửi thề và câu hỏi ngắn gọn: “Còn nhậu được chứ?”
Còn nhậu được, đồng nghĩa với còn khỏe, còn tráng kiện, còn phong độ. Cụ thể, giản dị, cực kỳ Lương Sơn Bạc.
Nhớ đến Cao Đông Khánh, là nhớ đến hình ảnh một gã đàn ông rất giang hồ, rất “tay chơi”, rất “công tử Bạc Liêu”, và tất nhiên, rất thi sĩ.
Trong đời, tôi được may mắn biết ba người làm thơ, theo tôi, chất “thi sĩ” hiển lộ rõ rệt nhất, không những qua ngôn ngữ thi ca, mà ngay trong đời sống và cung cách xử kỷ tiếp vật của họ. Đó là Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, và Cao Đông Khánh.
Cả ba, mỗi người một cách, đã ném cả sinh mệnh, cuộc đời, buồn vui giận ghét của mình đến chỗ tận cùng, quyết liệt, tan hoang!
Dĩ nhiên tôi không phiến diện kết luận phải sống như thế, phải là như thế, thì tác phẩm của họ mới hay, mới tinh lọc, mới trở thành trân chu bảo ngọc. Trong lịch sử văn học Việt Nam, nào thiếu gì những thi sĩ xuất chúng, tên tuổi được hậu thế nhắc đến như những thành tựu viên mãn nhất của thơ ca tiếng Việt, thế nhưng đời sống cá nhân của họ lại là những tấm gương cực kỳ gương mẫu. Hình ảnh những tên đàn ông đầu bù tóc rối, áo quần xộc xệch, rượu chè, hút sách, nói năng gàn dở ngông nghênh, mặt mày đăm chiêu lãng đãng, yêu đương mê đắm cuồng si... mà người đời vẫn hình dung, vẫn vẽ ra, để chỉ chủng loại nghệ sĩ (văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ...) thường ít nhiều làm méo mó chân diện mục thực sự của họ. Cuộc đời muôn màu muôn vẻ, con người cũng thiên hình vạn trạng, ở bất cứ lĩnh vực nào, không cứ gì nghệ sĩ, sự sinh động và đa dạng của con người đều hiển lộ đầy đủ. Nhưng sở dĩ bọn nghệ sĩ bị lưu ý nhiều, trở thành hình tượng tiêu biểu, có lẽ vì họ là người của quần chúng. Nhiều chuyện quá tầm thường, quá phổ biến (yêu nhau, bỏ nhau chả hạn), nhan nhãn hàng giờ hàng ngày ở mọi nơi trên trái đất, không ai để tâm, ngoài một số bà con bè bạn thân gần. Thế nhưng cũng sự cố đó, nếu xảy ra trong giới nghệ sĩ, lập tức trở nên ồn ào. Báo chí, sách vở, truyền thanh, truyền hình... viết, nói về, tường thuật về, với những suy diễn, phỏng đoán, kết luận... có khi chính kẻ trong cuộc nghe, đọc, cũng phân vân không hiểu có phải hình ảnh người ta tô vẽ kia có phải là mình chăng?
Viết những điều trên, tôi cốt chứng minh gã "tay chơi" Cao Đông Khánh, tên bợm nhậu kỳ phùng địch thủ này đã là như thế, cứ là như thế, từ lúc biết cầm ly rượu, đến khi từ giã cõi đời. Hắn làm thơ, và hắn nhậu. Tách bạch, Không vì hắn làm thơ nên phải nhậu, hoặc nhờ nhậu mới làm được thơ. Thi sĩ Du Tử Lê cả đời chưa từng nhấp một ngụm rượu, dù chỉ rượu khai vị, thức uống duy nhất của "chàng", tứ thời bát tiết, là cà phê đen. Sáng "đen" trưa "đen" chiều "đen" tối "đen", còn thức còn "đen"... Thế nhưng thơ họ Du lúc nào cũng chếnh choáng hơi men - men tình -, ngất ngây, ngất ngư đến.... tội!
Cao Đông Khánh làm thơ. Lịch sử văn học Việt Nam sau này hẳn nhiên sẽ gắn liền tên tuổi hắn với những thành quả thi ca do hắn tạo tác. Hắn là bợm nhậu cừ khôi hay chỉ quanh năm trà đá chanh đường. Hắn vợ con đàng hoàng, công ăn việc làm nghiêm chỉnh hay độc thân lang bạt, rong chơi giỏi, kiếm tiền dở... Tất cả râu ria này chỉ là chuyện phụ. Không làm cho thơ hắn hay hơn hoặc tệ ra.
Vậy, thơ và nhậu, hai "phạm trù" độc lập.
Giữa tôi và Cao Đông Khánh từng có giao tình khá mật thiết. Thế mà hắn vừa từ trần. Tôi nhớ hắn. Điều tôi nhớ nhất về hắn, không phải thơ, mà là hình ảnh tôi vừa hình dung, một tửu đồ.
Một tửu đồ!
Tôi từng nhiều lần, rất nhiều lần, cùng Cao Đông Khánh giang hồ vặt, từ hàng quán này, sang điểm nhậu nọ, suốt đêm, suốt ngày. Cách đây trên dưới mười lăm năm, thuở hắn còn ngụ cư ở Bolsa, Cao Đông Khánh là một trong vài hảo thủ của làng nhậu. Hắn nhậu khủng khiếp, hũ chìm hũ nổi, túy lúy càn khôn, nghiêng ngửa thiên địa. Càng nhậu, chất Nam bộ trong hắn càng hiển lộ rõ rệt. Bạt mạng, hào sảng, ngang ngược, bất cần, và (xin lỗi các vị nữ lưu) chửi thề, văng tục như máy. Điểm đặc biệt nhất, làm nên con người Cao Đông Khánh, tạo thành dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn bè cũng như những ai từng có dịp tiếp xúc với hắn, đó là, khi say, hắn đọc thơ. Càng say, càng đọc hay. Cực hay. Đặc biệt hơn nữa, hắn chỉ đọc thơ của mình (tất nhiên), và thơ Tô Thùy Yên. Tôi chưa từng thấy có ai lột tả được trọn vẹn cái bức bối, cái hào sảng, cái bi tráng của thơ Tô Thùy Yên, ngoài Cao Đông Khánh. Cũng như chưa từng biết có ai đủ khả năng biến những con chữ vốn dĩ rất dung tục, rất đầu đường xó chợ, rất ngã ba Hàng Xanh, rất ngã năm Chú Ía... trong thơ Cao Đông Khánh, ngoài chất giọng và cách đọc của chính hắn, tác giả.
Cao Đông Khánh đọc thơ của mình hay, đọc thơ Tô Thùy Yên hay, có lẽ vì cả hai cùng sinh trưởng tại miền Nam. Trong tác phẩm của họ, từ ngôn ngữ đến phong cách, đều ăm ắp chất Nam bộ. Dù, nếu phân tích kỹ lưỡng hơn, chúng ta vẫn thấy ở thơ Tô Thùy Yên còn tồn tại cái óng ả, cái “trí thức” (xin độc giả hiểu chữ trí thức ở đây trong ngoặc kép) của ngôn ngữ văn học miền Bắc. Ở thơ Cao Đông Khánh, thứ chữ nghĩa óng chuốt, điệu đàng ấy bị khai tử triệt để.
Ngôn ngữ thơ của Cao Đông Khánh là ngôn ngữ nói, giữa anh Sáu Mỹ Tho với chị Tư Cầu Muối. Đại loại theo kiểu: “Nhớ em như nhớ nhà”, mộc mạc, trần trụi, thô vụng, bộc trực, tỉnh rụi. Không màu mè riêu cua, không thêm mắm dặm muối, không hành ngò ớt tỏi.
Nhớ em như nhớ nhà. Bốn chữ này, nếu đứng độc lập một mình, tất nhiên không thể gọi là thơ. Thế nhưng kỳ lạ thay, qua phù phép của mình, Cao Đông Khánh đã biến chúng thành thơ, đã thổi vào chúng một linh hồn, một sứ mệnh, khiến chúng phập phồng thở. Sinh động, gợi mở và thi vị.
Đêm. Gió. Cây. Trời. Hồn nhiên
tình cờ ngọn lá quạt giọt nước nhẹ
khắp nơi nào cũng nhớ em như nhớ nhà
Nhớ em như nhớ nhà
Cố nhiên điều anh nói chẳng ai tin, kể cả, khi em lang chạ với người đàn ông đó cùng một kiểu như với anh; căn phòng ám khói than củi nấu ăn, tấm kính to soi hai đứa nằm đối và kể cả cái giường và bất cứ cái gì... cũng đổi, thay áo rách em mặc thời trang.
Nhớ em như nhớ nhà.
Cũng có khi nhớ em như hồi mới gặp nhau, rất nhiều điều đâu cần tỏ rõ, mà yêu em tận tường, buổi sớm mai hôn em trong vườn trái cây, dụ dỗ em, chỉ dạy em ân ái.
Nhớ em như nhớ nhà.
Em chạy xuyên qua nhiều nhân vật mặc quân phục, ngơ ngác gọi tên anh, nắng là nơi em đứng hồn nhiên giữa thành phố công bố, “anh ơi em nhớ anh”. Bởi vì trong cùng cực dĩ vãng đã tận tường, chẳng phải chỉ những ám ảnh nhục thể sung sướng; còn ví dụ như, quyển sách trên đầu giường, em ngủ như đứa bé, ví dụ như, anh giận dữ sau những cúi đầu gật gật dạ dạ thưa thưa làm em khóc.
Nhớ em như nhớ nhà.
Bằng vào thiện tâm và bằng vào thù hận, cùng một lúc với sự chính xác của anh yêu em không tưởng được, thông qua, anh ghi nhận, là chính nơi sự suy vi của ngôi nhà đã đổi chủ.
Một bài thơ
Chẳng thể như một sự tình cờ chút nào,
Mà sự thật rằng
Anh nhớ em như nhớ nhà em ơi.
(Từ nơi yêu dấu, tr 5. Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn, 1997)
Không dừng lại ở cách dùng chữ mộc mạc, thô vụng, tỉnh rụi..., Cao Đông Khánh đi xa hơn, hắn thoải mái ném vào thơ một số từ ngữ ngay cả những độc giả “cấp tiến” nhất cũng giật thót mình, để rồi lập tức sau đó, đỏ mặt xấu hổ. Độc giả đỏ mặt xấu hổ không phải vì những chữ dùng ấy thô lỗ tục tĩu quá, mà chỉ vì cảm thấy có lỗi do cái tâm đục của mình, trong lúc chính tác giả, chủ nhân của những từ ấy, lại rất đỗi hồn nhiên, trong sáng. Đối với Cao Đông Khánh, mọi từ đều có giá trị như nhau, vấn đề không phải nên hay không nên dùng, mà giản dị là dùng như thế nào, dùng với mục đích gì, dùng ở đâu.
Mở cửa New York, San Francisco, Seattle, Houston
Mở cửa Đồng Tháp Mười, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, Cái Răng, Cái Tắc, Cái Vồn
Trên nóc cao ốc trùng trùng đàn ông.
Chót vót điệp điệp đàn bà, Cái Lớn, Cái Bé những bái vật muôn năm trong gốc gác con người
Cái Răng, Cái Tóc. Cái Lồn. Cái Hồn Vía còn tươi
Kẻ di tản đã ra khỏi đường chân biển
Và bao nhiêu đường chân trời.
Không ai nhớ rõ
Đi hết ánh sáng. Đốt lửa ngoài giới hạn...
(Cánh đồng trầm thủy, tr. 311. Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn)
Xin lỗi, tôi vừa đẩy ngòi bút phiêu lưu khá xa ra “ngoài giới hạn”.
Nhắc lại, mục đích của tôi không nhằm viết về thơ Cao Đông Khánh. Tôi chỉ muốn đề cập đến con người hắn, cá tính hắn, cung cách sống của hắn. Đó là một con người, một cá tính và một cách sống, theo chủ quan tôi, thật đẹp. Đẹp và giàu có. Đẹp và mầu mỡ như đất đai miền Nam, nơi hắn đã sinh ra, lớn lên.
Trở lại chủ đề chính.
Ngoài “đức” nhậu và khả năng mê hoặc khi đọc thơ, Cao Đông Khánh còn một “đức” khác, độc đáo không kém. Đó là “đức”... đập lộn. Tuy nhiên, xin độc giả yên tâm, thi sĩ của chúng ta chỉ đấu võ mồm, tuyệt chưa bao giờ tôi thấy hắn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với ai, kể cả... tôi, một kẻ rất dễ bị đập, vì thường phát ngôn không lấy gì làm cẩn thận cho lắm!
Một lần tại nhà tôi, giữa cuộc nhậu, trong lúc đọc thơ, Cao Đông Khánh cao hứng lý giải thơ của mình.
Khi hắn đọc đến đoạn thơ:
Sài Gòn Chợ Lớn mưa như chớp
nát cả trùng dương một khắc thôi
chim én bay ngang về Xóm Chiếu
nước ròng ngọt át giọng hàng rong
hỡi ơi con bạn hàng xuôi ngược
Trái cây quốc cấm dấu trong lòng
Hỏi thăm cho biết đường ra biển
Nước lớn khi nào tới cửa sông
rồi giải thích đại ý rằng sau bảy lăm, những người đàn bà đi buôn lậu từ miền Tây lên Sài Gòn, thường qua mặt công an kinh tế bằng cách dấu mọi thứ hàng hóa trong người. Ví dụ nếu buôn trái cây, họ sẽ dấu các loại trái vào ngực giả làm ... vú. Lần ấy tôi đã nổi sùng la lối: “Đoạn thơ hay như thế, gợi mở như thế, khoáng đạt như thế, sao mày nỡ bó chúng lại bằng cái cách lý giải nhà quê không chịu được của mày, hử?” Thế là Cao Đông Khánh điên tiết, chửi thề văng tục không thua bất cứ tên du đãng cầu Ông Lãnh chính hiệu nào, và, như hàng trăm lần khác, hùng hổ đòi... đập lộn, rồi đùng đùng vào xách va li, quần áo, giày dép bước ra khỏi cửa, sau khi ném lại một câu xanh dờn: “Đụ mẹ, mày ngu như con bò, tao nể mặt anh em, tha không đập mày vỡ mặt. Từ nay nhớ cạch tao ra...”...Nhưng ra đến lề đường, đứng lơ ngơ chừng mươi mười lăm phút, nhìn ngược nhìn xuôi, chẳng thấy ai đoái hoài, bạn bè bên trong tiếp tục chén chú chén anh, tiếp tục đấu hót tưng bừng, người hùng của chúng ta tức tối khăn gói... qui hồi vị trí cũ, mặt mày đằng đằng sát khí, dõng dạc: “Cóc nhậu với chúng mày nữa, ông ngủ”. Và lăn đùng ra thảm, nửa phút sau, ngáy như sấm. Riêng khoản ngáy và nghiến răng, Cao Đông Khánh có thể so tài ngang ngửa với nhà văn Cao Xuân Huy. Khiếp, nếu chẳng may ban đêm bị nhốt chung phòng với hai vị này, chúng ta có rất nhiều khả năng thức trắng !
Một lần khác, trong quán nhậu, sau khi đã đổ vào bao tử chừng nửa tá Budweiser, Cao Đông Khánh đòi đọc thơ. Tôi can: “Trong quán, toàn bọn trẻ, chúng chả biết gì thơ với thẩn đâu, đọc làm quái gì”. Người hùng tất nhiên không cho lời khuyên ấy hữu lý. Anh xiêu vẹo đứng lên, ngẩng mặt, khoa tay, bắt đầu “tra tấn” thiên hạ bằng cái chất giọng miền Nam rặc, đã mềm nhão hơi men.
Bàn bên cạnh, một đám trẻ nhìn qua. Có đứa lên tiếng: “Thôi đi ông ngoại, làm ơn ngồi xuống cho chúng con nhờ”. Ông ngoại cụt hứng, ném tia nhìn Võ Tòng sát tẩu vào đám trẻ: “Có câm họng không, nhóc tì.” Đấng nhóc tì bị chạm nọc, đứng bật dậy, xổ tiếng Đức ngọt lịm: “Fuck you, ông ngoại nói gì nói lại coi?” Tôi hoảng vía. Không xong rồi, dù từng xuất thân đầu đường xó chợ, nhưng sau mấy mươi năm văn không ôn võ không luyện, tuổi tác lại đã xấp xỉ ngũ tuần, chân yếu tay run, chỉ cần một nhóc tì vung nắm đấm, thì dù song thủ hợp bích, tôi với người hùng cũng sẽ nhanh chóng văng bắn ra cửa như hai bịch gạo rách! Trầm trọng hơn, tôi đoán chín mươi chín phần trăm trong thắt lưng của mỗi nhóc tì làm gì cũng có một con chó lửa, cương với chúng, rất nhiều khả năng về chầu ông bà ông vải, mang theo mấy hòn đạn chì trong người! Bèn vội vàng kéo người hùng ngồi xuống, rồi sà qua bàn các đấng nhóc tì, trổ tài thuyết khách. Đầu tiên, tôi gọi chủ quán đưa gấp ra một “xâu” bia mới, mỗi đấng một chai, kể cả tôi. Xong, tôi nâng chai hồ hởi: “Anh em cả mà. Ông bạn goa tửu lượng cóc cắn, say bét nhè nên phát ngôn bừa bãi, mặc mẹ thằng chả, lát goa đưa thằng chả về. Giờ, nhậu tiếp cái đã. Nào, mình nâng chai cùng một phát làm quen nhé.” Không khí bớt căng thẳng, các nhóc tì chịu ngồi xuống, nâng chai. Cao thi sĩ dĩ nhiên nào đã chịu yên, hắn nhào qua, tiếp tục quậy. Tuy nhiên, dân nhậu vốn dễ cảm thông và đa phần đều hào sảng, rộng lượng. Sau khi tôi đã kết nghĩa đào viên được với đám trẻ, chúng dễ dàng chấp nhận trò chơi mới: chịu khó ngoan ngoãn ngồi nghe ông ngoại đọc thơ. Dứt bài, chúng cũng vỗ tay chí chát, cũng "Tới quá ông ngoại, cạn đi rồi tiếp tục ông ngoại", dù tôi biết tỏng, với khả năng tiếng Việt giả cầy của chúng, chửi tục hẳn không thua ai, nhưng nghe và hiểu thơ thì coi bộ... tuyệt vọng!
Tóm lại, trong Cao Đông Khánh có hai con người. Con người thi sĩ và một gã giang hồ. Con người thứ nhất, xin để văn học sử đánh giá, xếp loại. Tôi không đủ khả năng lượng định, dù tôi vẫn tin thơ hắn đã ghi dấu mốc cực kỳ quan trọng cho một giai đoạn của nền thơ ca Việt Nam, cả trong lẫn ngoài nước. Cao Đông Khánh tạo được cho riêng mình một bản sắc, một ngữ vựng, một phong cách. Thơ hắn không thể lẫn với bất cứ ai, từ trước. Điều ấy tưởng dễ dàng, lại hết sức khó khăn. Chúng ta vẫn thường thấy xảy ra trong văn học mỗi thời đại, mỗi giai đoạn, một số nhà văn nhà thơ cùng có với nhau một mẫu số chung, hít thở với nhau một bầu khí, sử dụng cùng nhau một loại ngữ vựng, chia xẻ với nhau một phong cách, cũng như thói quen chọn lựa rập khuôn một số đề tài sáng tác. Hầu hết những nhà văn nhà thơ này vì không có bản sắc riêng, họ dễ dàng bị thời gian đào thải. Chỉ số ít người vượt thoát được sự đồng dạng, đồng phục ấy, bằng tài năng vượt trội, bằng nỗ lực khai phá thực sự, mới tồn tại được.
Kẻ thứ hai, gã giang hồ trong Cao Đông Khánh, như tôi đã trình bày, là một tay chơi đúng nghĩa, một tên bạt mạng thượng thừa.
Vì cảm tình riêng, tôi lệch lạc nghĩ, con người thứ hai này quan trọng hơn, thắm thiết hơn,nghĩa tình hơn. Dù tôi hiểu rất rõ hai con người này luôn bổ túc, hổ tương cho nhau, làm nên nhân cách người, cũng như nhân cách thơ Cao Đông Khánh.
Trong nghĩa ấy, Cao Đông Khánh và thơ và rượu, là một.
*
Chị Ngọc Anh,
cho tôi chân thành gửi lời chia buồn đến chị. Lẽ ra, tôi phải sang với anh ấy ngay khi nghe hung tin. Nhưng khổ nỗi, trước anh ấy một tuần, tôi cũng đã vào nhà thương vì “tai nạn” giống như anh ấy. May mắn, “tai nạn” của tôi không đến nỗi trầm trọng, tuy nhiên, sức khoẻ chưa hồi phục hẳn, đi xa, khó khăn quá. Không đi được, đành ngồi đây, gõ những dòng này, xin chị xem bài viết như nén tâm hương, tôi bùi ngùi thắp trước bia mộ anh.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, trong nhiều trận nhậu, chị ngồi cạnh khi Cao Đông Khánh đọc thơ, thỉnh thoảng anh ấy vấp váp ngập ngừng vì quên. Chị nhanh nhẹn và nhỏ nhẹ nhắc chậm từng chữ, từng câu. Hình ảnh thực âu yếm, cảm động.
Hẳn nhiên, chưa có ai thuộc thơ anh ấy bằng chị, mê thơ anh ấy bằng chị. Và cũng hẳn nhiên, trân trọng yêu mến con người cùng tài năng của anh ấy bằng chị.
Thơ ca, văn học, nghệ thuật Việt Nam thành tựu, tồn tại đẹp đẽ như ngày hôm nay, một phần rất lớn, nhờ những người đàn bà, những người vợ như chị.
Cảm ơn chị, cảm ơn những người vợ nghệ sĩ đa phần bất hạnh nhưng cực kỳ trân quí, như chị... Chị đã "chịu đựng" anh ấy bằng tấm long thủy chung và rộng lượng của một người vợ yêu chồng. Cao Đông Khánh làm việc kiếm tiền dở, nhưng rong chơi lại rất giỏi. Mọi chuyện, từ kinh tế đến tề gia nội trợ, nuôi dạy con cái, một tay chị gánh vác!
Tôi lẩn thẩn nghĩ, hàng năm, ở mọi nơi trên thế giới, người ta thường tổ chức trao giải thưởng văn xuôi, thơ ca, hội họa, âm nhạc...cho những thành tựu xuất sắc của các tác giả. Lẽ ra, bên cạnh những giải thưởng này, phải có thêm một giải thưởng nữa, cho những đóng góp âm thầm của các bà vợ, như chị. Không có những bà vợ như chị, có lẽ những nỗ lực của các tác giả, sẽ gian nan hơn.
KHÁNH TRƯỜNG
(Hợp Lưu số 57 tháng 2&3 năm 2001)
Cao Đông Khánh vẽ bởi Đinh Cường
****
Các nghệ sĩ ăn nói kỳ thú lắm
Một nhà văn đi uống bia chỉ ngồi quay mặt vào tường không cùng ai cả
Tôi thấy vậy hỏi một ông nhà thơ là ông đó sao vậy
Ông này nói đó là cái thú riêng mếu như ông ấy trèo lên cây uống cũng vậy thôi
Lại có một lần ông nhà văn ấy đang độc ẩm bia có một chàng bặm chợn khó chịu khoe doạ mình mới mãn hạn mười hai năm tù
Ông khẽ trả lời là cậu tù it hơn tôi nhiều
Tôi đã tù 70 năm nay rồi
Hoàn Đỗ
****
Lần gặp nó lần cuối trong một buổi đọc thơ ngồi uống rượu bàn chót ..lặng lẽ nó rót cho mình một ly.. tới phiên tao ...nó lên đọc thơ ... xuống uống .
Mày có. biết tại sao tại sao tao đọc lớn không ...không ..tụi nó chê thơ tao dở..
Mày có biết tao là ai không...không !
Tao là L.A .. bạn mày... Nó quì xuống sàn lạy Tao lậy mày...bạn tao mày mới mang tao về nhà mày uống rượu ..tao điên rồi..
Thẳng bạn học hay chửi đù mẹ
Con Cao Đồng Hưng chuyên bán rễ nhàu ...
Lê Anh Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét