.
Trưa ngày 30/4/1975 tại dinh Độc Lập, ông Dương văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn nói rằng ông muốn “bàn giao” chính quyền Sài Gòn cho phía cách mạng nhưng các cán bộ quân đội Hà Nội đã nói: Các ông chỉ có thể đầu hàng vô điều kiện, chính quyền của các ông còn cái gì nữa mà đòi bàn giao?
Các cán bộ cách mạng khác còn loanh quanh phía ngoài dinh Độc Lập đã lên kế hoạch tiếp quản ngay các cơ sở hành chính công quyền, giáo dục, y tế… cũng như các cơ sở kinh tế quốc doanh của chính quyền Sài Gòn. Họ cũng tiếp quản luôn các sản nghiệp tư nhân mà các ông chủ cũ đã bỏ chạy hay kịp di tản khỏi miền Nam. Một thời gian ngắn sau nữa thì hầu như toàn bộ các cơ sở kinh tế tư nhân đều bị quốc doanh hóa, hay được đưa vào “công tư hợp doanh” như một bước chuyển tiếp trước khi thuộc về nhà nước hoàn toàn.
Rất ít hay hầu như không hề có “bàn giao” công việc giữa người quản lý công ty, xí nghiệp cũ cho người mới tới. Chắc có lẽ người mới cũng cho rằng công việc và tài sản của các xí nghiệp chẳng có gì để phải bàn giao, chỉ ra lệnh nộp đủ là được. Người mới đến dù chưa am hiểu tình hình kinh tế chung của miền Nam hay cách quản lý xí nghiệp nhưng họ cũng đã không thèm học hỏi hỏi han gì mấy, chỉ ra mệnh lệnh cho những nhân viên cũ còn được lưu dụng phải làm cái này hay làm cái kia cho phù hợp với ý mình.
Trong hai mươi năm chiến tranh 1954- 1975, miền Bắc tập trung toàn lực vào quân sự và chính trị để mong chiến thắng, đã áp dụng một nền kinh tế thời chiến quốc doanh phục vụ quốc phòng nên không đào tạo và không có cán bộ quản lý xí nghiệp tư nhân (vì chẳng hề có khu vực kinh tế tư nhân). Số lượng cán bộ quản lý xí nghiệp quốc doanh cũng ít vì số lượng và qui mô của các công ty xí nghiệp nhà máy quốc doanh tại miền Bắc vào thời chiến cũng không có nhiều.
Số lượng các công ty xí nghiệp cả công lẫn tư ở miền Nam vào năm 1975 thì nhiều hơn hẳn miền Bắc, mà số lượng cán bộ quản lý xí nghiệp chuyên nghiệp từ miền Bắc được chỉ định vào miền Nam tiếp quản không nhiều, nên chính quyền mới buộc phải lấy thêm rất nhiều các cán bộ chính trị, sĩ quan bộ đội hay các cán bộ hành chính trái ngành trái nghề vào tiếp quản các xí nghiệp tại miền Nam cho đủ số. Rất ít các nhà quản lý xí nghiệp người Sài Gòn được lưu dụng hay họ chỉ được phép làm việc thêm một thời gian rất ngắn rồi bị cho thôi việc bởi nhiều lý do, lý do lớn nhất là lý lịch chính trị.
Đến năm 1980 coi như miền Nam không còn xí nghiệp, nhà máy hay công ty tư nhân. Toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh được xếp từ thấp lên cao là hộ cá thể, tổ hợp, hợp tác xã, xí nghiệp công ty hợp doanh (nhưng thực sự tư nhân chẳng có quyền hạn gì trong đó) và xí nghiệp hay công ty quốc doanh.
Quản lý nhân sự theo lối mới hoàn toàn: công nhân làm chủ tập thể, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, bộ tứ hiệp thương để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh từ trên đưa xuống. Chỉ có đảng viên mới được bố trí làm cán bộ quản lý cấp trưởng phòng trở lên tới bậc quản đốc hay giám đốc, còn nếu không phải là đảng viên thì suốt đời chỉ làm nhân viên chuyên môn quèn thôi. Mà muốn vào đảng thì lý lịch ba đời phải không dính líu tới một loạt các điều cấm kị. Thế nên, sau mấy chục năm hòa bình số lượng đảng viên gốc miền Nam là rất ít so với số lượng các đảng viên gốc miền Bắc. Cán bộ quản lý kinh tế nhà nước cũng như quản lý xí nghiệp quốc doanh hay quản lý tổng công ty, tập đoàn trung ương… tính tới nay cũng rất ít người gốc miền Nam.
Các bậc lương xếp theo hướng lao động chân tay càng nặng thì lương càng cao, thâm niên hoạt động cách mạng, chính trị, quân sự hay có nhiều tuổi đảng thì được hưởng lương cao hơn. Rồi mới tính tới lương xếp theo bậc đào tạo quản lý hay kỹ thuật chuyên môn sơ, trung, cao cấp… Thế nên các nhân viên quản lý của chế độ cũ (được coi là nhân viên văn phòng không sản xuất trực tiếp) dù có được lưu dụng làm việc trở lại trong các xí nghiệp cũ thì hưởng lương và chế độ lương thực nhu yếu phẩm rất thấp, có khi thua một anh tài xế mới chuyển ngành từ bộ đội sang.
Phương cách quản lý tài chính xí nghiệp thay đổi hoàn toàn do môi trường và chính sách thay đổi từ nền kinh tế thị trường chuyển sang nền kinh tế chỉ huy. Trước đây các xí nghiệp công cũng như tư ở miền Nam phải luôn đi tìm lợi nhuận (profit), phải luôn giữ gìn dòng tiền (cash flow) thông suốt trong hoạt động, phải luôn trong trạng thái tài chính cân bằng lành mạnh (healthy financial balance) thì sau năm 1975 coi như không cần nữa. Xí nghiệp chỉ cần làm đúng kế hoạch trên giao xuống, không đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa, không để bị “diễn biến” theo chiều hướng kinh doanh tư bản là được.
Các cán bộ quản lý xí nghiệp mới vào Nam cũng không mấy quan tâm học hỏi cách quản lý xí nghiệp mà chỉ lo tuân thủ thực hiện các kế hoạch từ trên đưa xuống, đa phần theo các tiêu chí chính trị để tự đảm bảo cán bộ không bị kỷ luật hay giáng chức. Các kế hoạch sản xuất bên trên đưa xuống cho xí nghiệp thì xa vời thực tế, nhưng người quản lý xí nghiệp có thể báo cáo lại với cấp trên để xin điều chỉnh kế hoạch bằng đủ mọi cách bổ sung sao cho phù hợp với điều kiện của xí nghiệp hơn. Do đó, năm nào các xí nghiệp cũng làm lễ nhận kế hoạch, cũng làm tổng kết hoàn thành tốt đẹp kế hoạch, nhưng trong thực tế thì cả nền kinh tế chẳng đạt được kết quả gì tốt đẹp hết. Từ đó dẫn đến lạm phát rồi đổi tiền.
Sau năm năm dưới cách quản lý mới, gần tám mươi phần trăm các nhà máy xí nghiệp cũ của miền Nam đã rơi vào một tình trạng khủng hoảng không lối thoát. Một phần do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất, một phần do máy móc hư hỏng không thể sửa chữa, mà phần lớn nhất nguyên nhân bị thất bại là do người quản lý mới không biết cách quản lý và không đi theo các mục tiêu tài chính như ngày xưa: có lợi nhuận, có đủ tiền mặt, có tài chính cân bằng. Tới năm 1986 coi như kinh tế miền Nam kiệt quệ do chỉ trông chờ vào quốc doanh, mà quốc doanh thì thua lỗ triền miên.
Từ năm 1986 trở đi, nhận thấy lỗ hỗng lớn trong trình độ văn hóa lẫn chuyên môn của các cán bộ quản lý xí nghiệp nên nhà nước lại đặt ra tiêu chuẩn bằng cấp: lãnh đạo hay giám đốc phải là đảng viên, phải tốt nghiệp đại học (mà đại học nào cũng được, chuyên tu hay tại chức cũng được). Cái này dẫn tới chuyện học thay, thi thay, chạy chọt bằng cấp, đút lót giáo viên, mua bằng… kéo dài cho đến tận ngày hôm nay.
Các cơ sở kinh tế của miền Nam trước 1975 đang vận hành theo cơ chế thị trường với qui luật cung-cầu và cung cách quản lý tư bản, chỉ sau một thời gian quá ngắn bị chuyển ngay sang cơ chế kế hoạch và cách quản lý duy ý chí. Vài tháng đầu do vật tư nhập trước đây vẫn còn nằm trong kho nên còn hoạt động còn chút hiệu quả, sau vài tháng thì tất cả đảo lộn do đầu vào không có đủ nên chẳng thể có đầu ra tốt.
Thiếu việc làm nhưng định phí (fixed costs) của xí nghiệp không thể giảm do số “công nhân làm chủ” quá đông mà năng suất quá thấp kém. Đa phần lao động trong lãnh vực kinh tế quốc doanh không có việc làm hay có rất ít việc làm, ngày ngày đi đến chỗ làm việc uống trà tán phét, lại nói: Làm cho lắm tắm cũng ở truồng.
Trước năm 1975 lao động có hai tình trạng, một là có việc làm (employment) hay thất nghiệp (unemployment). Sau năm 1975 có thêm tình trạng rất phổ biến và khá nguy hiểm, đó là tệ nạn thất nghiệp trá hình (underemployment). Underemployment tức là đi làm cũng như đi chơi, làm tà tà tới tháng xếp hàng lãnh những đồng lương chết đói. Nó gây ra bất ổn xã hội và làm băng hoại đạo đức nghề nghiệp lẫn đạo đức kinh doanh.
Kết quả kinh doanh của xí nghiệp quốc doanh thường là lời giả (untrue profit, để báo cáo với cấp trên) và lỗ thật (real loss, do trong thực tế sản xuất kinh doanh quá yếu kém). Về tình trạng bại hoại của xí nghiệp quốc doanh tại miền Nam vào năm 1990, có báo cáo ghi lại: Mười xí nghiệp thì thua lỗ hết chín, một xí nghiệp có lãi không thể bao sân cho chín xí nghiệp còn lại làm ăn chẳng ra sao. Mà đến năm 1990 thì trong chính sách kinh tế của Việt Nam, xí nghiệp quốc doanh vẫn được coi là cốt lõi hay nòng cốt của nền kinh tế. Quốc doanh luôn đóng vai trò chủ đạo trong lý thuyết cho đến ngày hôm nay.
Sau năm 1992 do kinh tế lụn bại buộc nhà nước phải thay đổi chính sách: Khuyến khích kinh tế tư nhân, khuyến khích đầu tư nước ngoài. Số lượng xí nghiệp công ty ngoài quốc doanh mới thành lập đông đảo hẳn lên, nhất là sau năm 2000 khi nhà nước bãi bỏ việc cấp giấy phép con. Các công ty xí nghiệp quốc doanh nhỏ và vừa cũng được khuyến khích cổ phần hóa hay tư nhân hóa.
Tuy vậy qua rất nhiều lần kế hoạch năm năm, nền kinh tế vẫn luôn coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo trong khi phần đóng góp của nó thì quá bé nhỏ.
Mười mấy năm gần đây nhà nước lại thành lập thêm các tập đoàn được gọi là các “cú đấm thép” của nền kinh tế.
Bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, làm nghĩa vụ thuế bên trọng bên khinh, cơ hội kinh doanh tốt không chia đều… giữa quốc doanh và ngoài quốc doanh. Dù hoạt động hiệu quả và đóng góp ngân sách nhiều hơn nhưng khu vực ngoài quốc doanh luôn chịu thiệt thòi nhiều hơn quốc doanh.
Không phải chờ tới năm 2018 mà nhiều năm trước đó, người ta rất sửng sốt khi nhận ra các tập đoàn, các tổng công ty quốc doanh đang đóng vai trò các cổ máy tiêu tiền ngân sách và nghiền nát các đóng góp tài chính từ khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Sự phung phí trong quản lý và thâm lạm công quỹ cùng vốn liếng nhà nước một cách vô tội vạ của các tập đoàn và tổng công ty quốc doanh dẫn tới việc nhà nước phải tận thu thuế má từ khu vực ngoài quốc doanh để bù lỗ cho khu vực quốc doanh. Nợ nước ngoài của các tập đoàn quốc doanh là gánh nặng vô cùng lớn cho nền kinh tế vốn èo uột của nước ta. Sau sự phá sản của Vinashin rồi thua lỗ của Vinaline, lùm xùm tài chính của Petro… mới đây, tập đoàn Than Khoáng sản cho biết họ đang vấp phải một món nợ xấu gần một trăm ngàn tỉ đồng…
Việc thành lập doanh nghiệp quốc doanh (creation of entreprises) quá cẩu thả và việc đào tạo doanh nhân quản lý (formation of entrepreneurs) không bài bản chuẩn mực. Cấp trên chỉ dựa vào những tiêu chí phi kinh tế để bổ nhiệm cán bộ và ủy nhiệm các cấp điều hành chớ ít khi dựa vào khả năng quản lý. Cán bộ quản lý quốc doanh giỏi làm chính trị hơn quản lý sản xuất kinh doanh. Thế nên nền kinh tế rớt vào một cái vòng lẩn quẩn (vicious circle) vì người làm người phá.
14/5/2018.
Momentary notes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét