Họ Nguyễn vượt mốc hơn 40 triệu người
Họ Lý đổi sang họ Nguyễn, họ Trần đổi qua họ Trình, họ Mạc chuyển thành nhiều họ… là những cuộc đổi họ lớn gắn với các cột mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
1. Từ họ Lý ra họ Nguyễn
Đầu năm 1226 (tháng 12 năm Ất Dậu), Trần Thủ Độ tổ chức đảo chánh lật đổ nhà Lý, đưa Trần Cảnh lên ngôi tức Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258), lập ra nhà Trần (1226-1400).
Nguyên Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông (trị vì 1211-1224) nhường ngôi cho người con gái mới sáu tuổi là Chiêu Thánh công chúa tháng Mười năm giáp thân (cuối 1224), tức Lý Chiêu Hoàng (trị vì 1224-1225). Lý Huệ Tông lên làm thái thượng hoàng, xuất gia đi tu tại chùa Chân Giáo, pháp danh là Huệ Quang thiền sư. Trần Thủ Độ sắp đặt cho con cháu của mình là Trần Cảnh, mới tám tuổi, cưới Lý Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng lại nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông.
Để củng cố nhà Trần, Trần Thủ Độ kiếm cách tiêu diệt tất cả con cháu nhà Lý. Việc đầu tiên là Trần Thủ Độ bức tử thượng hoàng Lý Huệ Tông. Một hôm ngang qua chùa Chân Giáo gặp thiền sư Huệ Quang đang nhổ cỏ trong vườn, Trần Thủ Độ nói rằng: “Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ cái”. Nghe thế thầy Huệ Quang trả lời: “Lời nhà ngươi nói ta hiểu rồi”. Sau đó, Trần Thủ Độ cho người mời thầy Huệ Quang vào triều bàn việc. Huệ Quang biết ý, vào sau chùa thắt cổ tự vận. (1)
Trần Thủ Độ ra lệnh đem gả các cung nhân và con gái họ Lý cho các tù trưởng các bộ tộc ít người ở các vùng núi xa xôi miền biên viễn. Tháng tư năm nhâm thìn (1232), nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần, ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ đưa ra biện pháp quyết liệt là buộc con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.
Gần cuối năm nhâm thìn (1232), tôn thất nhà Lý tập trung làm lễ tế tổ tiên ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm (nay thuộc Bắc Ninh). Trần Thủ Độ cho làm nhà tế lễ bằng tre lá trên một cái hầm, khi con cháu nhà Lý tập trung hành lễ, Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống hết con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề làm cho Trần Thủ Độ lo lắng bấy lâu nay. Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không còn dám về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và họ thay tên đổi họ sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt. (2)
Đặc biệt hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ của Lý Anh Tông đã bỏ nước ra đi năm 1226, cùng đoàn tùy tùng khoảng 40 người vượt biển sang lập nghiệp ở Triều Tiên hay Cao Ly tức Korea. Tám trăm năm sau, con cháu của hoàng tử này đã về Việt Nam thăm lại đất tổ. (3)
Một câu hỏi cần được đặt ra là tại sao triều đình nhà Trần buộc họ Lý đổi thành họ Nguyễn mà không qua họ khác ?. Điều này rất khó trả lời vì không có tài liệu cụ thể, chỉ biết được rằng họ Nguyễn là một dòng họ ít người bên Trung Hoa, và ngược lại họ Nguyễn có nhiều và có sớm ở nước ta. (4) Phải chăng Trần Thủ Độ muốn cho họ Lý hòa lẫn trong số đông người Việt rải rác khắp nước?
2. Họ Trần qua họ Trình
Để quân Minh chóng rút về nước, cuối năm 1427, Lê Lợi chấp nhận giải pháp hòa bình trong danh dự cho cả hai bên: trước đây quân Minh xâm lăng nước ta dưới chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”, nay Lê Lợi đồng ý đưa Trần Cao lên ngôi, xem như quân Minh viễn chinh đã đạt được mục đích ban đầu là đưa người họ Trần trở lại ngôi báu, nay rút về nước trong vinh quang. (5)
Sau khi quân Minh về nước, Trần Cao biết thân phận mình, bỏ trốn về châu Ngọc Ma (Nghệ An), nhưng bi bắt lại, và uống thuốc độc chết. Lê Lợi lên ngôi vua, tức Lê Thái Tổ (trị vì 1428-1433).
Lê Thái Tổ được nước không do một cuộc đảo chánh cung đình mà do công lao chiến đấu của chính ông và gia đình, nên ông ít có thái độ kỳ thị với họ Trần là họ cầm quyền trước đó. Ông có một sách lược rất khôn khéo là ban quốc tính rộng rãi cho các công thần. Ngay khi vừa lên ngôi năm 1428, Lê Thái Tổ ra sắc chỉ cho ghi chép công trạng của những người đã theo vua khởi nghĩa, ban chức tước và quốc tính (họ của nhà vua) cho 221 người. Đây là đợt ban quốc tính nhiều nhất trong lịch sử nước ta, đến nỗi vua Tự Đức đã lên tiếng chê rằng “… cho quốc tính nhiều quá như thế nầy thì nhàm lắm”. (6)
Việc làm này của Lê Thái Tổ bề ngoài xem ra là một đặc ân, nhưng thật sự là một thủ đoạn chính trị ràng buộc các công thần bằng cách đồng hóa các quan vào họ nhà vua để dễ kiểm soát nhằm tránh hậu hoạn. Lê Thái Tổ là một người rất đa nghi. Những công thần đã cùng ông dày công đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước mà có bất cứ một biểu hiện nào khả nghi tức thì bị Lê Thái Tổ tiêu diệt ngay.
Nạn nhân đầu tiên là Lê Hãn tức Trần Nguyên Hãn. Trần Nguyên Hãn dòng dõi Trần Nguyên Đán, lập nhiều chiến công thời kháng Minh, được phong Hữu tướng quốc và họ Lê năm 1428, sau khi Lê Thái Tổ cầm quyền. Lê Hãn cho rằng “nhà vua có tướng như Việt Vương Câu Tiễn, không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được”, nên ông bắt chước Trương Lương, xin rút lui về hưu dưỡng. “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, khi Lê Hãn về ấp Sơn Đông (Sơn Tây ngày nay) hưu dưỡng, ông vẫn bị gièm pha là mưu toan làm phản. Lê Thái Tổ ra lệnh cho người đến bắt. Khi thuyền đến bến sông Sơn Đông, Lê Hãn tự trầm mình qua đời (7) Dĩ nhiên việc trầm mình nầy cũng là một dấu hỏi lớn không bao giờ được trả lời.
Sau Lê Hãn đến Lê Văn Xảo tức Phạm Văn Xảo, bị Lê Thái Tổ nghe lời gièm pha ra lệnh phải chết và tịch thu nhà cửa cuối năm 1430. Dưới triều con của Lê Thái Tổ là Lê Thái Tông (trị vì 1434-1442), thêm ba vị đại công thần bị giết là Lê Nhân Chú (1434), Lê Sát (1437), và Lê Ngân (1437). Ngoài ra còn có Lê Khả và Lê Khắc Phục bị triệt hạ vào năm 1451 thời vua Lê Nhân Tông (trị vì 1443-1459).
Sau khi Lê Nghi Dân bị các tướng lãnh phản đảo chánh và lật đổ năm 1460, Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) được sử sách đánh giá là một minh quân, nhưng lại đi vào vết xe của nhà Trần. Vừa cầm quyền được hai tháng, Lê Thánh Tông hạ chiếu ra lệnh đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ huý của Cung Từ hoàng thái hậu. Bà nầy tên huý là Phạm Ngọc Trần, người làng Quần Lai, huyện Lôi Dương (Thanh Hóa), vợ của Lê Thái Tổ, mẹ của Lê Thái Tông, tức bà nội của Lê Thánh Tông. Nhà vua cho rằng bà nội của mình tên Trần nên yết thị cho dân chúng khắp nước, nơi nào có họ “Trần” đều phải đổi chép thành chữ “Trình”. (😎
Tại sao thời Lê Thái Tổ, rồi đến Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông, các vua không kỵ huý bà Cung Từ mà Lê Thánh Tông lại kỵ huý ? Phải chăng sau những biến động của triều đình kể từ khi Lê Thái Tông bất đắc kỳ tử năm 1442, và Lê Nhân Tông bị Lê Nghi Dân lật đổ và bắt giết năm 1459, Lê Thánh Tông đã dùng cách kỵ huý (như Trần Thủ Độ trước đây) để tách ảnh hưởng của họ Trần, hoặc để ngầm đe dọa con cháu họ Trần đừng kiếm cách lợi dụng tình hình để phục hồi triều đại cũ.
Dầu sao, Lê Thánh Tông chưa đi đến chỗ quyết liệt như Trần Thủ Độ, nghĩa là Lê Thánh Tông vẫn chưa tận diệt họ Trần, và để cho những người họ Trần giữ những chức quan nhỏ như trong đoàn sứ thần gởi sang nhà Minh năm nhâm ngọ (1462) có Trần Bàn, hoặc trong viện Khâm hình của triều đình lúc đó có Trần Phong, nhưng không thấy có nhân vật nào họ Trần giữ chức vụ quan trọng mãi đến thời kỳ loạn lạc sau khi Mạc Đăng Dung đảo chánh (1527) mới thấy vài nhân vật họ Trần xuất hiện trở lại trên sân khấu chính trị nước ta.
3. Họ Mạc đổi thành nhiều họ
Mạc Đăng Dung thuộc dòng dõi Mạc Đĩnh Chi, đỗ cử nhân võ và làm đô chỉ huy sứ năm 1508 (mậu thìn), nhờ thời thế dần dần được các vua nhà Lê tin dùng, thăng dần lên chức thái phó tiết chế các doanh quân thủy bộ, tước Nhân Quốc Công triều vua Lê Chiêu Tông (trị vì 1516-1522). Quyền hành càng ngày càng lớn, Mạc Đăng Dung lấn ép vua Lê và cuối cùng đảo chánh lật đổ vua Lê Cung Hoàng (trị vì 1522-1527), tự mình lên làm vua tức Mạc Thái Tổ (trị vì 1527-1530) lập ra nhà Mạc.
Nhà Mạc cầm quyền từ thời Mạc Thái Tổ đến thời Mạc Mậu Hợp (trị vì 1562-1592), truyền được năm đời trong 65 năm. Trong lịch sử, họ Mạc bị lên án về các lỗi lầm sau đây:
– Tổ chức đảo chánh lật đổ nhà Lê, không trung quân (1527).
– Đầu hàng nhà Minh và cắt đất chia cho nhà Minh (1540).
Trước hết, bất cứ một cuộc đảo chánh nào cũng đều có phản ứng cả. Từ Lê Hoàn, Trần Thủ Độ đến Lê Quý Ly, tất cả đều bị những cựu quan bảo thủ của triều trước, mất quyền lợi đứng lên phản đối. Mạc Đăng Dung cũng nằm trong trường hợp đó.
Thứ đến, chúng ta cần chú ý: ai là người đã lên án gắt gao họ Mạc ? Câu trả lời rất rõ ràng là các sử quan nhà Lê trung hưng là những người đầu tiên lên án họ Mạc. Việc nầy rất dễ hiểu vì nhà Mạc dẹp nhà Lê, nay trung hưng được thì nhà Lê kết tội nhà Mạc. Sau đó là các sử quan nhà Nguyễn vì nhà Nguyễn không muốn ai lật đổ ngôi báu của mình nên lên án tất cả những ai đã tổ chức đảo chánh cung đình.
Nhưng “ở đời muôn sự của chung”, một triều đại (chính quyền) yếu đuối, kém khả năng cần được thay thế bằng một triều đại (chính quyền) khác hữu hiệu hơn để cai trị nước, đó là lẽ tự nhiên, nên việc đảo chánh của Mạc Đăng Dung không đáng bị lên án như các sách vở trước đây đã làm.
Việc đầu hàng nhà Minh và cắt đất xin hàng cần được xét lại trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Sau khi nhà Lê mất ngôi, hai vị cựu thần nhà Lê là Trịnh Ngung và Trịnh Ngang chạy qua nhà Minh tố cáo hành động của Mạc Đăng Dung và xin nhà Minh đưa quân qua hỏi tội họ Mạc năm 1529 (kỷ sửu). (9)
Năm 1533 (quý tỵ), Nguyễn Kim tìm được con của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh, lập lên làm vua là Lê Trang Tông (trị vì 1533-1648) trong lúc đang lưu vong tại Ai Lao. Lê Trang Tông sai Trịnh Duy Liễu cùng hơn mười người đi đường biển từ Chiêm Thành theo thuyền buôn Quảng Đông tới Trung Hoa xin thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh nhà Mạc. Năm 1536 (bính thân), một lần nữa Lê Trang Tông sai Trịnh Viên yêu cầu nhà Minh đánh họ Mạc.
Hành động của vua Lê, kêu gọi người nước ngoài về đánh nước mình, trong đó có ý kiến cố vấn của Nguyễn Kim, không bị một sử gia nào lên án. Việc làm nầy đưa đến kết quả cụ thể là nhà Minh cử Cừu Loan làm tổng đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ đem binh mã sang ải Nam Quan năm 1540. Ngược lại, trong thế yếu, muốn tránh một cuộc chiến mà mình nắm chắc phần thất bại, đồng thời dân Việt sẽ một lần nữa bị đặt dưới ách thống trị trực tiếp của ngoại nhân như thời Mộc Thạnh, Trương Phụ, Mạc Thái Tổ, lúc đó đã lên làm thái thượng hoàng, đành chấp nhận đầu hàng và chấp nhận hy sinh danh dự cá nhân, lên ải Nam Quan (Lạng Sơn) chịu nhục. Nhờ sự nhẫn nhục của Mạc Thái Tổ, nước ta trên danh nghĩa là lệ thuộc Trung Hoa, nhưng trong thực tế vẫn độc lập một phương, vua Mạc vẫn cai trị đất đai từ Lạng Sơn trở xuống, đâu có viên tướng Tàu nào bén mảng sang cai trị. Ai cũng bảo Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh vì quyền lợi gia đình họ Mạc, nhưng giả thiết, một giả thiết không bao giờ có thể quay lại được, Mạc Đăng Dung chống cự quân Minh như họ Hồ, nước ta bị tái đô hộ, thì nhân dân ta còn khổ biết bao nhiêu nữa. Đàng nầy, Mạc Đăng Dung một mình chịu nhục cho trăm họ bình yên. Người ta ưa ca tụng Hàn Tín khi nghèo khổ đã lòn trôn tên bán thịt chợ Hoài Âm (Trung Hoa) như là một gương nhẫn nhục đáng noi theo, nhưng chẳng một ai chịu chia sẻ với nỗi nhẫn nhục vĩ đại của Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung rất buồn tủi về sự kiện Nam Quan (Lạng Sơn) nên về nhà chưa được một năm, ông nhuốm bệnh từ trần năm 1541.
Cuối cùng việc cắt đất nghe ra khá to lớn, nhưng đó chỉ là năm động của những sắc tộc ít người nằm ở vùng biên giới Hoa Việt: Ty Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, và La Phù thuộc châu Vĩnh An, ở Yên Quảng. Chúng ta cần chú ý là những sắc tộc ít người sinh sống trong các động dọc biên giới Hoa Việt không nhất định về theo chính quyền Trung Hoa hay Đại Việt, mà chỉ bên nào mạnh thì họ triều cống để được yên thân. Do đó, việc cắt đất nầy chỉ có tính cách giấy tờ chứ trên thực tế là bên nào mạnh họ theo.
Trong khi đó, sau khi trở về Thăng Long, năm 1596 vua Lê Thế Tông (trị vì 1573-1599) cử người đem hình dạng hai quả ấn của nhà Mạc và vua Lê lên Nam Quan cho đại diện nhà Minh khám xét, nhưng quan nhà Minh không chịu, bắt vua Lê phải thân hành đến gặp. Vua Lê phải chấp hành, nhưng khi đến nơi đợi lâu quá không được gặp quan nhà Minh, vua Lê đành trở về, rối năm sau (1597) lên một lần nữa mới được hội kiến. (10) Sự kiện nầy chẳng khá gì hơn việc Mạc Đăng Dung lên Nam Quan năm 1540.
Vì quá ham lên án nhà Mạc, sử sách lơ là những công trạng đáng nhớ của nhà Mạc. Sau khi Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, rồi chạy sang Trung Hoa. Trước khi từ trần năm 1594, đại tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn để thư lại dặn vua Mạc Kính Cung: “… Họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Còn như dân ta là người vô tội, sao lại nỡ để cho dân mắc vào vòng mũi tên hòn đạn lâu mãi như vậy! Chúng ta nên lánh ở nước khác, cốt phải cẩn thận giữ gìn, đừng lại cố sức chiến đấu với họ nữa. Lại dứt khoát chớ có đón rước người Minh kéo sang nước ta để đến nỗi dân ta phải lần than khốn khổ …” (11)
Đây không phải lời nói suông trong cảnh trà dư tửu hậu, nhưng đây là tâm huyết của một con người sắp nằm xuống trong cơn hoạn nạn cùng cực vì mất nước. Suốt trong lịch sử Việt Nam, chúng ta thường được nghe những lời nói của Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Đặng Dung, hào hùng như vó ngựa tổ tiên, nhưng ít khi được đọc những dặn dò như Mạc Ngọc Liễn, nhân bản, đầy tình tự dân tộc không khác gì lời ru êm ái trong những câu ca dao mộc mạc.
Điểm quan trọng nhất là con cháu nhà Mạc đã không kêu nài van xin người Minh đem quan sang đánh nước ta giống như nhà Lê đã làm. Họ chỉ yêu cầu nhà Minh can thiệp cho họ về sinh sống đất Cao Bằng. Chính họ đã góp công phát triển Cao Bằng, tạo thế đoàn kết kinh thượng và biến Cao Bằng thành một vùng biên giới vững chắc để chống lại Trung Hoa. Công trạng nầy tuy không rực rỡ như đường về phương nam của chúa Nguyễn, nhưng sử sách cũng không thể quên tuyên dương họ Mạc.
Khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, trung hưng nhà Lê (1593), con cháu họ Mạc tẩu tán khắp nước, một số lên Cao Bằng, một số chạy vào Thanh Hóa, Nghệ An ẩn trốn, và một số vào Nam theo chúa Nguyễn. Con cháu họ Mạc đổi ra rất nhiều họ khác nhau. Sách Thế phả ghi rõ là con của Mạc Đăng Doanh, em của Mạc Kính Điển là Mạc Cảnh Huống vào Nam theo Nguyễn Hoàng, sau con là Mạc Cảnh Vinh đổi là Nguyễn Hữu Vinh. (12)Không những chỉ một họ Nguyễn, mà chắc chắn còn nhiều họ khác nữa. Trước đây, những họ nầy không lên tiếng vì một mặt sợ các chính quyền quân chủ trả thù, và một mặt việc sử sách lên án triều đại nhà Mạc ít nhiều gây những ưu phiền cho con cháu họ nhà nầy. Hy vọng sẽ có một ngày nào đó, con cháu những họ nầy thấy rõ rằng nhà Mạc không đáng bị lên án như người ta đã làm xưa nay, bỏ qua những ưu phiền không đáng, sẽ lên tiếng để tìm về gốc gác ông bà mình.
Qua ba cuộc đổi họ trên đây, lý do chính đưa đến việc đổi họ là do tiên tổ các họ nầy đã lên nắm chính quyền, lập triều đại, sau bị truất phế và bị nghi ngờ nên con cháu bị bắt buộc phải đổi họ. Ngược lại, trong lịch sử nước ta, có một dòng họ lớn từ thời Ngô Quyền lập quốc cho đến nay không thay đổi mà mỗi ngày một phát triển, hưng thịnh. Đó là họ Nguyễn Phúc ở Gia Miêu ngoại trang, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thời điểm cực thịnh của họ Nguyễn Phúc là việc lên ngôi năm 1802 của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long (trị vì 1802-1819), đóng đô tại Phú Xuân, cai trị một đất nước rộng lớn nhất so với các triều đại trước, từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Theo thống kê, hiện nay có khoảng hơn 40 triệu người Việt cả ở trong và ngoài nước mang họ Nguyễn.
Gia Nguyễn
————————————
Chú thích:
A. Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, gọi tắt là Cương mục, bản dịch của Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tr. 448-449.
B. Cương mục, bản dịch, tr. 456.
C. Nguyệt san Làng Văn, Toronto, Canada, số 125, tháng 1-1995, tr. 17.
D. Chỉ cần xem lịch sử danh nhân Trung Hoa, chúng ta thấy rất ít người họ Nguyễn; trong các từ điển danh nhân Việt Nam, họ Nguyễn rất nhiều. Ngày nay, mở danh bạ điện thoại, chúng ta thấy họ Nguyễn chiếm khoảng gần 50%.
1. Thổ quan châu Ngọc Ma (Nghệ An), tên là Hồ Ông, tự xưng là cháu ba đời vua Trần Nghệ Tông (trị vì 1370-1372). Cuối năm bính ngọ (1426), để đáp ứng ý muốn của người Minh trong các cuộc thương thuyết, Lê Lợi cho đón Hồ Ông về, đổi tên là Trần Cao, đặt lên làm vua, lấy niên hiệu là Thiên Khánh. (Cương mục, bản dịch tr. 803-804).
2. Cương mục, bản dịch tr. 864-865.
3. Cương mục, bản dịch tr. 880.
4. Cương mục, bản dịch tr. 1013.
5. Cương mục, bản dịch tr. 1327.
6. Cương mục, bản dịch tr. 1418-1419.
7. Cương mục, bản dịch tr. 1411.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét