Cái nào ông bà mình đã bỏ thì nó là hủ tục!
Phân biệt rõ giữa phong tục và hủ tục:
風俗 phong tục là thói quen từ lâu.
腐俗 hủ tục là thói quen lâu đời nhưng có tánh không tiến bộ.
Thí dụ như nhìn tấm hình một ông cai tổng ở Gò Công 1920 để móng tay trái dài thòng… Tay để móng vậy thì làm sao làm việc, rồi còn mất vệ sinh, chuyện đơn giản là đi... ị... cũng bó tay!
Thành ra thời hiện đại cắt sạch móng tay, ai để móng tay dài cỡ ông cai tổng này là quái dị.
Ông bà mình xưa búi tóc, sau cũng tự cắt tóc ngắn vì tóc ngắn cơ động, sạch sẽ, nhìn nó lanh lợi hơn búi tóc củ tỏi.
Cái câu "cái râu cái tóc là gốc con người" đã lỗi thời, tóc cắt ngắn thì râu cũng phải cạo.
Ngày nay ai để tóc búi tó, móng tay dài, râu dài rậm rạp là theo hủ tục.
Có vô số hủ tục đã bị ông bà mình bỏ.
Bên Trung Quốc xưa, những nam nữ thanh niên chưa kết hôn không may chết sớm thì cha mẹ bắt buộc phải tổ chức âm hôn cho họ. Minh hôn là đám cưới giữa một người đã mất hoặc vừa mất với một người vẫn còn sống. Ngày nay họ cũng đã bỏ.
Theo hôn nhơn truyền thống ở nước ta từ xưa, tục cưới hỏi phải trải qua 6 lễ:
- Lễ nạp thái.
- Lễ vấn danh.
- Lễ nạp cát.
- Lễ nạp chánh, còn gọi là lễ nạp tệ.
- Lễ thỉnh kì, tức là lễ xin cưới.
- Lễ thân nghinh.
Còn có vụ thách cưới và trả giá…
Xưa, trong lễ nạp tệ nhà gái có quyền đòi hỏi yêu cầu nhiều thứ, từ các đồ quí về trang sức như: vòng, xuyến, hoa tai, xà tích… tới quần áo, bạc trắng, tiền giấy, gạo, lợn, rượu…
Đã gọi là “thách” thì nhà gái thường có những yêu cầu rất cao về các đồ sính lễ. Nhà trai cò kè bớt một thêm hai.
Ngày nay đã bỏ cảnh trả giá, cưới chỉ còn hai tới ba lễ kiểu rút gọn. Nhà gái nào đòi 6 lễ thì… khỏi gả con gái, đem dú ép làm mắm ăn luôn đi. 😊
Xưa đám ma Nam Kỳ rất phức tạp. Trước khi tẩm liệm, người ta phải trét quan tài cho kỹ ở bên trong. Xưa dùng ổ mối đâm nhuyễn ra trộn với nếp nấu. Dân Nam Kỳ thì xài dầu chai là thứ hay trét ghe mà ém cho kỹ.
Đám tang nhà khá giả để rất lâu, có khi hai tuần, một tháng, thì chuyện bịt quan tài cho kín càng quan trọng. Nếu lỡ có xì hơi người chết ra ngoài rồi lúc di quan hơi nó phụt mạnh làm văng nắp quan tài gọi là bứt néo. Đám nào bị bứt néo rất khổ con cháu, vừa hôi hám dơ dáy vừa bị mang tiếng là con cháu bất hiếu, ông bà không vừa lòng nên động đậy làm hòm bứt néo.
Tuy nhiên do để quá lâu, xác phân hủy sanh ra hơi độc, hòm lại là gỗ không tốt, hoặc trét còn hỡ đâu đó nên nó xì hơi ra, có chổ bị chảy nước. Mùi hôi nồng nặc xông ra…
Gặp vậy thì chủ tang, tức nhiên là thằng trưởng nam – ở Nam Kỳ là anh hai – sẽ phải đi vòng quanh quan tài tìm cho ra cái lổ mọt xì nước đó rồi... cúi xuống lè lưỡi ra liếm lấy dòng nước đó. Và người xưa nói rằng trưởng nam liếm một cái sẽ ngừng xì nước và hết mùi hôi do lòng hiếu thảo của con cháu làm động lòng vong linh người chết nên họ ngừng xì.
"Trai trưởng nam le lưỡi rà hòm,
Gái tiểu nhi than khóc từ chòm cỏ may."
Còn câu “Gái tiểu nhi than khóc từ chòm cỏ may” là mấy cô con gái trong nhà phải rũ rượi xõa tóc lăn xuống đất khóc than khi quan tài đi qua, đầu bẹp xuống đất ngang với cây cỏ may thì mới là con gái hiếu thảo.
Hủ tục này nay cũng không còn vì quá ghê!
Sau 1874, Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp nên Nam Kỳ đã theo cái mới, bỏ những những cái cũ không cần thiết.
Chúng ta xài chữ Quốc Ngữ, bỏ bớt những cái luộm thuộm kiểu Tàu xưa, thí dụ viết văn, ăn nói bỏ bớt điển tịch kiểu Tàu, bớt ông Khổng nói, ông Tử khuyên, rồi kiểu thư pháp, viết câu đối chữ Tàu treo đầy nhà cũng bỏ.
Ngày nay thấy nhiều bạn viết liễn đối treo đầy nhà, gần WC cũng treo, rồi bày bàn thờ đầy nhà nhìn cứ như cái chùa, cái cốc của bà bóng.
Rồi các bạn trẻ làm phong trào mặc áo dài xưa, miệng lảm nhảm những câu không ai hiểu.
Họ lôi hủ tục cho sống dậy trong cưới và tang.
Nhiều bạn để râu tóc dài thườn thượt quất nguyên bộ bà ba nhìn ớn da gà. Rồi lập bàn thờ tứ hướng, nhang khói mù mịt, đụng đâu lạy đó, rồi làm gì cũng bói, cũng coi ngày giờ tốt xấu.
Chuyện cần nói cứ nói ngắn gọn, đằng này không làm, bưng khay rượu trịnh trọng “thưa trình".
Đó ko phải là lễ, đó là “diễn” kiểu cải lương, kiểu hát đình hát miễu, kiểu đầu môi chót lưỡi, đạo đức giả.
Cái lễ ngày nay là sự tộn trọng nhau tối thiểu trong học thức, trong ứng xử, chứ không phải lễ kiểu màu mè, cải lương.
Đó không phải là cách sống của dân Nam Kỳ!
Theo Nguyễn Gia Việt
(Tựa do “Sài Gòn trong tim tôi” đặt lại, bài gốc không có tựa.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét