Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

CUỘC MẠN ĐÀM VỀ CHUYỆN HỌC SỬ XƯA VÀ NAY


      Hiện nay, môn lịch sử vẫn là một trong những vấn nạn lớn nhất trong giáo dục học đường. Bên cạnh đó, một số vấn đề lịch sử thời cận đại vẫn còn nhiều khía cạnh gây tranh cãi. Cuộc mạn đàm giữa nhà báo Song Chi, chủ bút trang Diễn Đàn thế kỷ và người điều hành trang này đã diễn ra xoay quanh chủ đề trên, xin mời các bạn theo dõi

* SONG CHI 
 Thưa anh, trưởng thành ở Miền Nam trước năm 1975, với những kinh nghiệm bản thân về nền giáo dục VNCH, anh có thể nêu lên những nhận xét, đánh giá khái quát của anh về cách dạy và học môn Sử hồi đó ở bậc tiểu học, trung học, đại học. Và xin anh so sánh với bây giờ, từ chương trình học và thi cử, thái độ tiếp thu của học sinh, yếu tố chính trị trong chương trình…?

*LÊ NGUYỄN (LN)
      Với tư cách một người được rèn luyện trong nền giáo dục miền Nam trước năm 1975, đồng thời là người quan sát thường xuyên nền giáo dục xã hội chủ nghĩa (XHCN) từ gần 50 năm qua, tôi xin trả lời về tình trạng dạy và học môn Sử tại miền Nam trước 1975 và tại Việt Nam hiện nay.
      Có lẽ Song Chi cũng như nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng sự khác biệt lớn nhất giữa giáo dục lịch sử ở hai miền Nam và Bắc, vào hai thời điểm khác nhau, là yếu tố chính trị. Trong khi tại miền Nam trước 1975, hoàn toàn không có sự lồng ghép yếu tố chính trị vào chương trình dạy và học môn sử thì tại miền Bắc trước 1975, cũng như tại cả nước hiện nay, yếu tố này chiếm một tỉ lệ rất đáng kể trong chương trình giáo dục hàng năm.
      Nói đến giáo dục tại miền Nam trước 1975, gần đây người ta nhắc nhiều đến ý niệm khai phóng. Đó là điều có thật. Trong suốt thời gian theo học các bậc Tiểu học, Trung học và Đại học, các học sinh, sinh viên được tự do tiếp cận với các nền văn hóa, các trào lưu tư tưởng trên thế giới, mà không hề bị lèo lái theo một xu hướng chính trị nào. 
       Vào giữa thập niên 1960, khi cuộc chiến Nam-Bắc đã bước vào giai đoạn khốc liệt, chính quyền miền Nam vẫn để cho các sách tìm hiểu về chủ nghĩa Marx-Lénine được phát hành rộng rãi trong công chúng. Bản thân tôi từng là độc giả của những quyển sách loại này, như Tìm hiểu triết học của Karl Marx của Trần Văn Toàn (Nxb Nam Sơn, 1965), Hành trình trí thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung (Nxb Nam Sơn, 1965), bài viết nhan đề “Cộng sản, người anh em của tôi”, của một cây bút Công giáo, in trên tạp chí Đất Nước .... Những văn hóa phẩm đó không phải là tài liệu tuyên truyền nhằm cổ động hay chống lại chủ nghĩa Marx-Lenine, mà đơn thuần là những tài liệu có tính học thuật, giúp người đọc bổ sung vào kiến thức sẵn có của mình.
      Trong khi đó, tại miền Bắc trước 1975, người dạy và người học sử bị gò ép trong một khuôn khổ chật hẹp về mặt học thuật pha lẫn các yếu tố chính trị, nhiều sự kiện lịch sử bị “uốn nắn” theo chiều hướng nhằm khêu gợi trong các tầng lớp thanh thiếu niên ở miền Bắc lòng yêu nước cuồng nhiệt, đồng thời kích động sự căm thù của họ đối với chính quyền đang tồn tại ở miền Nam. 
      Thực tế cho thấy hình thức giáo dục đó đạt được hiệu quả nhất định khi cuộc nội chiến đang tiếp diễn. Nhiều thanh thiếu niên miền Bắc đã lăn xả vào cuộc chiến với “lý tưởng” giải thoát đồng bào miền Nam “khỏi gông cùm của đế quốc Mỹ và chế độ Mỹ-ngụy”. Song sau năm 1975, khi chế độ đối nghịch không còn nữa, giang sơn đã nằm trong tay một chính quyền duy nhất, lẽ ra cách dạy và học sử cũ cần được thay đổi cho phù hợp với hiện thực của xã hội thì lại vẫn tiếp tục kéo dài, vẫn nhắc lại sự căm thù cũ, với những nhân vật hư cấu không còn tác dụng gì đối với cuộc sống đang đòi hỏi sự trung thực, sự hòa hợp của lòng người. 
     Chương trình giáo dục môn sử hiện nay không theo kịp đà phát triển của nhận thức chung trong xã hội, đặt học sinh trước ngả ba đường, trong sự mâu thuẫn và nghịch lý giữa nhiều sự thực lịch sử được truyền bá trong xã hội với những kiến thức giáo điều, lạc hậu họ được dạy dỗ ở học đường. Gần đây, học sinh năm cuối bậc trung học được dạy sử theo cách thức như để trở thành những nhà chiến lược quân sự, phải học thuộc từng chi tiết các trận đánh giữa quân đội Việt và Pháp vào cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, về quân số các bên, về ngày tháng, địa điểm xảy ra trận chiến, về thương vong của cả hai bên ... Những con số khô khan làm lùng bùng những cái đầu thơ trẻ đã dẫn đến tình trạng chán ngán chung của học sinh đối với môn sử, hậu quả là khi môn thi Sử trở thành môn nhiệm ý thì có trường thi chỉ có mỗi một thí sinh thi môn này...
     Hiện tượng đáng buồn đó đã không được các nhà giáo dục lưu tâm, có lúc còn chủ trương đưa môn Sử thành môn tự chọn, hạ thấp tính cần thiết và tầm quan trọng của một môn học mà hầu hết các nước trên thế giới luôn quan tâm rèn luyện cho thanh thiếu niên nước họ. 
     Những yếu tố trình bày trên đã góp phần giải thích cho tình trạng chán học môn lịch sử hiện nay.
    
*SONG CHI 
 Trước 1975, và cho đến gần đây, theo quan điểm của các nhà nghiên cứu và giáo dục XHCN, chế độ phong kiến là thối nát, nhà Nguyễn ươn hèn, bạc nhược, vua Gia Long “cõng rắn cắn gà nhà…” v.v…bỏ qua tất cả công lao mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước của nhà Nguyễn. Và còn nhiều nhân vật, sự kiện khác nữa cũng bị đánh giá cực đoan và thiếu khách quan như vậy. Thưa anh nghĩ gì về điều này?

*LN - 
      Trong suốt những thập niên 1960, 1970,  có lẽ môn học lịch sử tại miền Bắc đã dựa vào những nét cơ bản được xác định trong các tài liệu chính thống do nhà nước ban hành, tiêu biểu là bộ “Lịch sử Việt Nam”  do Ủy Ban Khoa học- Xã hội Việt Nam soạn thảo, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành tại Hà Nội năm 1971, trong đó, những dòng trích dưới đây có thể được xem là tuyên ngôn về triều Nguyễn: 
“Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài. Gia Long lên làm vua lập nên triều Nguyễn sau khi đàn áp cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân ... Triều Nguyễn là vương triều tối phản động ...Bản chất cực kỳ phản động của chế độ nhà Nguyễn bộc lộ rõ ngay từ đầu qua những hành động khủng bố, trả thù vô cùng đê hèn của Nguyễn Ánh đối với các lãnh tụ nông dân và những người thuộc phái Tây Sơn kể cả phụ nữ và trẻ em... "Chính quyển nhà Nguyễn hoàn toàn đối lập với nhân dân và dân tộc….” (hết trích).
      Trong cuộc chiến kéo dài vào những năm 1954 -1975, có thể các nhà sử học XHCN thời ấy xem chính quyền miền Nam từng đặt dưới quyền lãnh đạo của Quốc trưởng Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, cựu Thượng thư Bộ Lại triều Nguyễn, là sự kế thừa của vương triều Nguyễn, đả phá, lên án triều Nguyễn là cách chống lại chế độ kế thừa đang tồn tại ở miền Nam.
      Có thể đưa ra một nguyên nhân khác nữa: những người thực hiện cuộc cách mạng tại miền Bắc tự coi phong trào nổi dậy của mình từ đầu thập niên 1930 là hiện thân, là sự tiếp nối của phong trào Tây Sơn, vốn là tổ chức quân sự không đội trời chung với nhà Nguyễn.
     Thực tế cho thấy, quan điểm chính thức về nhà Nguyễn thể hiện trong bộ sách lịch sử phát hành tại miền Bắc vào đầu thập niên 1970 và các sách giáo khoa lịch sử được biên soạn trên tinh thần đó đã dẫn đến những hệ quả đáng tiếc trong nhận thức của giới học sinh, sinh viên và công chúng tiếp cận với lịch sử nhà Nguyễn. Bản thân tôi từng nghe hậu duệ của một vị đại thần triều Nguyễn, giữa chỗ đông người, đã gọi vua Tự Đức là “thằng”; mặt khác, nhiều độc giả hẳn biết chuyện một cận thần cũ của vua Bảo Đại viết sách về triều Nguyễn đã đơm đặt điều này, điều nọ, bêu xấu triều Nguyễn một cách hèn hạ như thế nào để lấy lòng chủ mới ….   
     Để củng cố cho chủ trương xem nhà Nguyễn là thế lực “thối nát, tối phản động”, người ta đã viện dẫn nhiều luận cứ, trong đó nổi bật là hai khái niệm “bế quan tỏa cảng” và “cõng rắn cắn gà nhà”. Chuyện bế quan tỏa cảng vẫn còn có nhiều điều cần được làm rõ, riêng chuyện “cõng rắn cắn gà nhà” chứng tỏ một hình thức “nói lấy được”. Người ta khoác tội cõng rắn cho chúa Nguyễn Ánh dựa vào hai sự kiện:
1) Việc chúa Nguyễn sử dụng dưới trướng của ông khoảng một chục cựu sĩ quan, chuyên viên người Pháp hoạt động độc lập, không dính líu gì với chính quyền Pháp và không hề giao cho họ một chức vụ quan trọng nào trong bộ máy chính trị và quân sự của ông. Đến thập niên 1800, sau khi chúa Nguyễn thống nhất giang sơn, phần lớn số người này đã rời Việt Nam, trở về nước.
2) Việc Nguyễn Ánh tiếp nhận hai vạn quân Xiêm tăng cường trong đạo quân còn suy yếu của ông, đặt lực lượng ngoại viện này dưới sự chỉ huy thống nhất của tướng Việt Châu Văn Tiếp. Đây là kết quả sự thỏa thuận của vua Xiêm và chúa Nguyễn, căn cứ vào sự cam kết “hoạn nạn thì cứu nhau” giữa đại thần Nguyễn Hữu Thụy (Thoại), đại diện chính quyền nhà Nguyễn và đại diện chính quyền Xiêm La vào năm 1783 (Đại Nam thực lục – Tập 1 – NXB Giáo Dục 2002, trang 221).
      Không thể có cái gọi là “cõng rắn cắn gà nhà” với một nhúm ngoại binh một hai chục người, cũng không thể gọi một lưc lượng ngoại viện là xâm lăng, khi người đứng đầu hai chính quyền Việt và Xiêm thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau khi hoạn nạn.
       Có lúc, để ý nghĩa của sự lên án nhà Nguyễn “cõng rắn cắn gà nhà” được trọn vẹn hơn, người ta đã liên kết sự hiện diện của nhúm người Pháp trên (vào cuối thế kỷ 19) với việc quân Pháp đánh chiếm Gia Định vào thập niên 1860, mà không hề lý tới việc người Pháp cuối cùng trong số trên đã rời hẳn Việt Nam từ năm 1824, và trong suốt 36 năm sau đó, không hề có người Pháp nào trong triều đình Huế cả.
     Với việc triều đình Huế để mất dần đất nước vào tay thực dân Pháp vào nửa sau thế kỷ 19, người ta lấy thắng lợi của các phong trào giải phóng dân tộc vào thế kỷ 20, với sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất của các phong trào quốc tế, làm chuẩn mực để lên án nhà Nguyễn, mà không hề lý tới việc có sự cách biệt quá lớn về vũ khí, kỹ thuật quân sự giữa một đế quốc sừng sõ phương Tây (Pháp) và một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị cô lập về mọi mặt ở phương Đông như Việt Nam. Khi lên án nhà Nguyễn để mất nước, họ cũng vô tình hay cố ý quên rằng, không riêng gì Việt Nam, Lào và Campuchia ở Đông Nam Á, nhiều nước ở Bắc Phi như Algérie, Tunisie, Maroc..., ở Tây Phi như Sénégal, Bali, Côte d’Ivoire… cũng từng là mồi ngon của đế quốc Pháp, nhiều nước như Ấn Độ, Miến Điện, Singapore, Malacca ...cũng từng là nạn nhân của đế quốc Anh.
    Khuynh hướng chung của giới sử học XHCN những thập niên 1960-1970 là lấy hiện tại làm chuẩn mực để phê phán quá khứ, tạo ra những khuôn mẫu nhất định, theo một định hướng nhất định và nhào nặn mọi yếu tố lịch sử vào trong những khuôn mẫu đó, theo những định hướng đó.
     Chính trong chiều hướng đánh giá lịch sử theo một khuôn mẫu nhất định này mà có một thời gian dài, những mặt tích cực của vua chúa nhà Nguyễn trong việc mở mang bờ cõi, phát triển xã hội, giao dịch với các lân bang (Lào, Chân Lạp, Xiêm la, Miến Điện ...) trên thế mạnh, đã không hề được nói đến.

* SONG CHI
Cuộc“Tọa đàm về các chúa Nguyễn – Những dấu ấn lịch sử và văn hoá trên vùng đất Phương Nam” với sự tham dự của các diễn giả, trong đó anh đảm nhận phần nói về Nguyễn Ánh–Tây Sơn và phần nhà Nguyễn–Pháp, do Hội đồng Nguyễn Phước tộc tổ chức gần đây và quay video đưa lên YouTube, phải nói rất thú vị, bổ ích. Thưa anh những cuộc tọa đàm “nói lại cho rõ” như vậy có hay được các tổ chức, nhóm tư nhân thực hiện không, hiệu quả tới đâu? Còn về phía nhà nước, cho tới nay quan điểm “chính thống” về nhà Nguyễn, các nhân vật lịch sử như Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) v.v…có chút gì thay đổi không thưa anh?

* LN 
       Theo những gì đả xảy ra cách nay gần nửa thế kỷ, chúng ta thấy rằng cái nhìn cực đoan về lịch sử đã được thể hiện ngay từ sau ngày 30.4.1975, khi người ta gỡ bỏ hết các bảng tên đường mang danh các công thần triều Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu ...., xóa bỏ tên các trường học kỳ cựu nhất của Sài Gòn và một số tỉnh như Petrus Ký, Gia Long, Phan Thanh Giản, Võ Tánh …
      Đề cập đến các buổi tọa đàm “nói lại cho rõ”, ít ai quên được cuộc hội thảo quy mô về nhà Nguyễn do những người có trách nhiệm cao nhất tại Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ở Thanh Hóa vào năm 2008. Cuộc hội thảo thổi một luồng gió mới vào không khí ngột ngạt vẫn còn bao trùm lãnh vực nghiên cứu, dạy và học môn lịch sử, song không lâu sau đó, những người tổ chức cuộc hội thảo, trong đó có nhà sử học Phan Huy Lê, đã hứng chịu không ít búa rìu tới tấp của những người còn chủ trương bảo tồn các định kiến cũ. Chính những điều đáng tiếc như thế đã khiến những ai có tâm huyết với lịch sử chùn bước, tìm cách thể hiện quan điểm của mình dưới những hình thức âm thầm hơn, “tế nhị” hơn.
      Gần đây, có những dấu hiệu cho thấy cái nhìn đối với lịch sử thời nhà Nguyễn của các cơ quan, giới chức có trách nhiệm về văn hóa-lịch sử đã có cởi mở hơn, công tâm hơn, chẳng hạn vào năm 2019, bản dịch tác phẩm The Tây Sơn uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn) của George Dutton, giáo sư sử học trường UCLA (Đại học Los Angeles, Mỹ), đã được phép phát hành nhằm phổ biến khối tư liệu phong phú và nhiều quan điểm khách quan về nhà Tây Sơn trong giai đoạn diễn ra cuộc nội chiến những năm 1771-1802. Bản dịch tác phẩm được in đến lần thứ ba chỉ trong vòng 2 tháng cho thấy sự hưởng ứng nồng nhiệt của công chúng yêu lịch sử, đồng thời phản ánh tính cởi mở trong quan điểm của các giới chức có trách nhiệm về văn hóa-lịch sử.       
      Tất nhiên, sự cởi mở, phóng khoáng như vừa kể trên chưa thể gọi là đầy đủ, thỏa đáng, trong một môi trường học thuật đòi hỏi sự cải tiến về nhận thức, sự xác định lại những giá trị chưa được công nhận trong một thời gian dài. Những con đường mang tên các công thần triều Nguyễn chưa được phục hồi tên cũ như là dấu hiệu của sự sửa sai, nhìn nhận lại lịch sử, việc dạy và học môn lịch sử vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể, vẫn là những kiến thức đã được định hình từ cách nay 5-7 mươi năm, khiến người học thường bị hụt hẩng khi so chiếu những hiểu biết của họ tại học đường và những gì họ tiếp thu được trong đời sống, qua mạng xã hội, qua sách báo phát hành trong thời gian gần đây.
      Dù sao, những chuyển biến về nhận thức các vấn đề lịch sử trong xã hội ngày nay đang có chiều hướng đi lên, dẫu có chậm, điều này cho phép chúng ta hi vọng vào những thay đổi, chuyển biến sâu sắc hơn, thực chất hơn, trong tương lai

* SONG CHI 
Về nhà Tây Sơn, sự đánh giá dưới chế độ VNCH và chế độ XHCN hiện nay rất khác nhau. Anh nhận thấy nội dung sự đánh giá của hai thời kỳ trước (tại miền Nam) và sau 1975 khác nhau như thế nào, quan điểm riêng của anh ra sao về vấn đề này?

*LN 
       Ở miền Nam trước 1975, sự đánh giá về nhà Tây Sơn gần như hoàn toàn dựa vào tính khách quan của lịch sử, song các hiểu biết về phong trào này từ giữa thập niên 1965 trở về trước vẫn còn khá phiến diện và thiếu sót. Phải chờ đến năm 1966, với sự ra đời của tập san Sử Địa do một số nhà nghiên cứu và sinh viên khoa Sử trường Đại học sư phạm Sài Gòn thực hiện, và sự xuất hiện của tác phẩm “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802” của Tạ Chí Đại Trường (1973) thì phong trào Tây Sơn mới được đánh giá đầy đủ và có thực chất hơn.
     Ở miền Bắc, từ thập niên 1970 trở về trước, sự nhận định và đánh giá về nhà Tây Sơn, chủ yếu dựa vào hai yếu tố cốt lõi:
- Tây Sơn là phong trào nông dân nổi lên đánh đổ nhà Nguyễn thối nát, chủ trương mang lại cơm no áo ấm cho dân nghèo
- Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn là hai thực thể hoàn toàn đối nghịch nhau, một bên tượng trưng cho tinh thần quật khởi, cho cách mạng xã hội, một bên là vương quyền thối nát, phản động, đầy rẫy áp bức, bất công, cần được loại bỏ nhanh chóng.
      Ngày nay, với những tư liệu và chứng lý mới, giới học thuật phủ nhận tính chất nông dân của phong trào Tây Sơn, vì tổ chức này thiếu hẳn 3 yếu tố cốt lõi của một phong trào nông dân:
1) Không được khởi xướng bởi người nông dân, chỉ là việc thực hiện tham vọng giành chính quyền trong tay nhà Nguyễn của anh em nhà Tây Sơn, vốn chẳng phải là nông dân.
2) Trong việc khởi phát cuộc nổi dậy và suốt cuộc nội chiến, không có bóng dáng người đại biểu nông dân nào trong bộ máy lãnh đạo của phong trào Tây Sơn.
3) Mục tiêu tối hậu và duy nhất của phong trào Tây Sơn là giành lấy chính quyền, không nhằm vào việc cải thiện đời sống của người nông dân. Dưới thời Tây Sơn, người nông dân vẫn bị áp bức, bị bóc lột sức lao động, đời sống vẫn nghèo đói, cơ cực, không khác chi dưới thời Lê-Trịnh hay thời các chúa Nguyễn, thậm chí có thời điểm còn tệ hại hơn. 
Về điều này, giáo sư sử học người Mỹ George Dutton, tác giả quyền “The Tây Sơn uprising” (Cuộc nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn) đã phân tích khá tinh tế như sau:
“Người nông dân thời kỳ Tây Sơn là những kẻ lót đường cho quân đội, là đối tượng của sự lao dịch, là nguồn tiếp tế và nguồn lợi tức cho phong trào. Những người đàn ông và đàn bà đó có thể nuôi ước vọng về một cuộc sống tốt hơn, điều này phản ánh trong sự ủng hộ đầy vẻ lạc quan của họ khi nhìn thấy những biểu hiện sớm sủa của cuộc nổi dậy, song những ước vọng đó sớm nhường chỗ cho một thực tế đầy thất vọng và theo những chứng cứ khả dĩ nhất, ít có người nông dân nào nhìn thấy một sự cải tiến đáng kể trong đời sống của họ phát xuất từ hành động của nhà Tây Sơn” (George Dutton, The Tây Sơn Uprising, University of Hawai’i Press, Honolulu, 2006, tr. 121-122, LN dịch)
      Nói tóm lại, chúng ta nêu lên những mặt tích cực và tiêu cực của nhà Tây Sơn không phải nhằm đánh đổ “thần tượng”, vì họ chưa bao giờ có thể là thần tượng, mà chỉ nhằm trả họ về với thực chất của họ, với những mặt mạnh, mặt yếu, những cái xấu, cái tốt hiển hiện của phong trào do họ khởi xướng. Tìm mọi cách triệt hạ họ hay tôn xưng họ như thần thánh đều mang tính cực đoan và xa rời với thực tế lịch sử.

*SONG CHI 
 Có phải vì nỗi niềm ưu tư khi thấy lịch sử được viết, được dạy một cách không trung thực mà anh trở thành nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, rất khác với ngành nghề anh đã học tại Học viện Hành chánh trước kia, hay còn vì lý do gì khác?

 *LN
         Trong mỗi con người đều có lòng yêu mến cội nguồn nơi mình sinh ra, và dù sống trong hoàn cảnh nào cũng không thể quên đi cội nguồn đó. Trong thời gian đảm nhiệm công việc của một viên chức hành chánh trước năm 1975, tôi có cơ duyên tiếp cận được nhiều tư liệu do người Pháp để lại khi họ rút khỏi Việt Nam, và qua đó, mình thu thập được nhiều kiến thức hữu ích về lịch sử cận đại của nước nhà. 
     Mặt khác, sự khác biệt, thậm chí đối nghịch giữa những gì mình hiểu biết qua sách vở, tài liệu, với những gì mà lịch sử “hiện đại” vạch ra cũng trở thành một thách thức thú vị để mình có dịp nói lên quan điểm và những hiểu biết cá nhân, nhằm giúp cho môi trường sử học ngày càng trong sáng, nhân bản hơn, các sự kiện và nhân vật lịch sử được đánh giá khách quan và công tâm hơn….
     Tất nhiên, đó chỉ là mong ước, còn việc mình làm được đến đâu, có hiệu quả như thế nào, thì lại là chuyện khác!

*SONG CHI 
Một câu hỏi cuối cùng, Anh có những mong muốn, đề xuất gì về việc viết sách Sử cũng như dạy và học Sử hiện tại?

*LN 
     Theo tôi, trong nền giáo dục hiện tại, cần trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức lịch sử theo ít nhất 3 tiêu chí: khách quan, trung thực và công bằng. Thiếu những yếu tố cốt lõi đó, lịch sử chỉ là những câu chuyện đùa, những dối lừa, gạt gẫm, khiến giới trẻ mất đi khả năng nhận thức đúng đắn nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử khác nhau.
- Cách dạy và học môn lịch sử hiện nay cần được thay đổi sâu sắc trên tinh thần phi chính trị hóa, bỏ đi những bài học xơ cứng, giáo điều, nêu bật những công lao to lớn của tiền nhân, giúp giới trẻ biết nhận thức, trân trọng và yêu quý những di sản do tiền nhân đã tạo ra bằng mồ hôi, máu và nước mắt. Các cuộc nội chiến, dù là ở thời nào, cũng cần được nhắc lại với thái độ nhân văn, trong tinh thần hòa hợp dân tộc, giảm đến mức tối thiểu tính kích động, chia rẽ và hận thù. Có như thế, sách giáo khoa lịch sử mới góp phần sản sinh ra những thế hệ người Việt sống có đạo lý, biết hòa hợp với nhau trong tinh thần dân tộc, biết yêu quý và bảo tồn di sản do tiền nhân để lại.
- Trong trường học, cần nâng cao hơn nữa trình độ về ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên, cụ thể là Hán ngữ, Pháp ngữ, Anh ngữ.., giúp họ có điều kiện tiếp cận với các nguồn sử liệu về Việt Nam viết bằng ngoại ngữ. Hiện nay, chỉ riêng trang Gallica của Tổng thư viện Pháp đã chứa hàng ngàn tài liệu khác nhau về lịch sử Việt Nam các thế kỷ 17,18, 19, 20,  người có vốn Pháp ngữ tương đối có thể khai thác nhiều nguồn sử liệu có giá trị.
      Gần đây, các công ty sách, các nhà xuất bản đã làm khá tốt việc dịch và phổ biến cho công chúng hàng chục tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của Paul Doumer, Silvestre, Philastre, Hocquart, L. Pallu …
      Mặt khác, các sinh viên tốt nghiệp ban Hán-Nôm bậc đại học cần được tạo điều kiện tiếp cận với kho sách cổ bằng tiếng Hán-Nôm, đặc biệt là khối lượng đồ sộ các châu bản triều Nguyễn, để nghiên cứu, dịch thuật, phục vụ cho cộng đồng …

Lê Nguyễn thuật lại
19.8.2023

https://www.diendantheky.net/2023/08/nhung-van-e-quanh-viec-day-va-hoc-su.html

Không có nhận xét nào: