Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

KIỀU CỦA THÁI BÁ TÂN

Cho người chưa đọc
TRUYỆN KIỀU

1
Cuốn “Kim Vân Kiều Truyện”
Của Thanh Tâm Tài Nhân
Được Nguyễn Du viết lại
Thành thơ Việt, có vần.

Tức là thơ lục bát,
Ba nghìn hai trăm câu,
Bằng chữ Nôm mộc mạc,
Âm vang mãi trong đầu.

Tên gốc của tác phẩm
Là “Đoạn Trường Tân Thanh”,
Còn “Kiều”, do người đọc
Gọi ngắn gọn mà thành.

Ôi, “Tiếng Kêu Đứt Ruột”.
Ôi, Thúy Kiều, Thúy Kiều,
Đọc mà lòng tê tái,
Viết chắc đau hơn nhiều.

Sách viết khi Cụ Nguyễn
Đi sứ nhà Thanh về,
Đi ba năm ròng rã,
Vất vả đủ trăm bề.

Thơ chữ Hán của Cụ,
Tôi dịch cũng khá nhiều,
Bây giờ xin viết lại
Nội dung cuốn Truyện Kiều.

Số là nay giới trẻ
Sống trong thời a còng,
Nhiều đứa không chịu đọc -
Mất thì giờ, tốn công.

Chúng bảo, thơ dài quá,
Đầy điển cố nước Tàu,
Rằng hay thì hay thật,
Nhưng khó hiểu, đau đầu.

Đúng là bọn ưa dễ,
Thích văn hóa ăn liền.
Cháu con tôi cũng thế,
Hời hợt và vô duyên.

Chúng bảo tôi viết lại,
Hay tóm lược nội dung,
Đơn giản và dễ hiểu -
Một việc làm điên khùng.

Vậy mà tôi chiều chúng.
Giờ bố mẹ, than ôi,
Con nói gì, không cãi,
Bảo ngồi đâu cứ ngồi.

Và đây, xin tóm lược
Rất nôm na, Truyện Kiều.
Được, chỉ có cốt truyện,
Mất thì nhiều, rất nhiều.

Nên tóm thì cứ tóm,
Nhưng bọn trẻ chúng mày
Phải đọc Kiều nguyên bản
Được đính kèm theo đây.

Một áng thơ tuyệt đẹp,
Một viên ngọc lung linh
Trong vườn thơ quốc nội,
Về chữ hiếu, chữ tình.

Có lẽ người dân Việt,
Không ai không từng yêu
Hoặc ngâm nga, học thuộc
Một vài câu trong Kiều.

Thế mà, thưa Cụ Nguyễn,
Lớp trẻ giờ ít người
Đọc và yêu thơ Cụ.
Đơn giản vì chúng lười.

Thành ra con mạn phép,
Tóm lược Kiều ra đây.
Kính mong Cụ lượng xá
Tha cho tội láo này.

2
Thời nhà Minh, Trung Quốc,
Có gia đình họ Vương,
Sống hòa thuận, thanh bạch,
Gia sản cũng “thường thường”.

Bố mẹ già đáng kính,
Ba người con trưởng thành.
Vương Quan là con út,
Chuyên lo chuyện học hành.

Lo nữ công gia chánh,
Hai cô chị đáng yêu,
Nổi tiếng rất xinh đẹp -
Thúy Vân và Thúy Kiều.

Thúy Kiều là chị cả,
Đẹp nết, đẹp cả người,
Như Nguyễn Du đã nói,
Đúng “mười phân vẹn mười”.

Một hình mẫu lý tưởng
Người đẹp thời bấy giờ,
Dịu dàng và trong trắng,
Tiết nghĩa và ngây thơ.

Cô em nàng cũng đẹp,
Kiểu nhí nhảnh, hồn nhiên,
Kiều thì đẹp kiểu khác,
Buồn buồn và dịu hiền.

Lại mùa xuân nữa đến,
Hoa lá rợp trên cành.
Cả nhà đi dự hội,
Tên hội là Đạp Thanh.

Vốn là người đa cảm,
Khi thấy mộ Đạm Tiên,
Nàng khóc người kỹ nữ,
Một tài sắc kiếp tiền.

Thế mà giờ nấm mộ,
Không hương khói, úa tàn,
Ôi, đớn đau, chua xót
Kiếp “bạc mệnh hồng nhan”. 

Đêm, Đạm Tiên báo mộng,
Bảo đời Kiều sau này    
Sẽ long đong nhiều nỗi,
Đầy oan nghiệt, chua cay.

Vốn thường buồn, tư lự,
Kiều hay tin, bần thần,
Thấp thỏm lòng đa cảm
Kiếp bèo bọt, trầm luân.

Cũng buổi chiều hôm ấy,
Khi bóng đã xế tà,
Nàng gặp chàng Kim Trọng,  
“Phong nhã” và “hào hoa”.

Chàng thư sinh Kim Trọng
Vốn “thuộc nhà trâm anh”.
Bạn Vương Quan từ nhỏ,
Quen nhau qua học hành.

Chàng từ lâu nghe tiếng,
Đã thầm yêu Thúy Kiều,
Giờ may mắn được gặp,
Yêu lại càng thêm yêu.

Không một lời trao đổi,
Hai người còn rụt rè,
Nhưng “tình trong như đã”
Tuy “mặt ngoài còn e”.

Nàng Kiều thì tự vấn:
Chao, “gặp gỡ làm chi”,
Như Đạm Tiên bạc mệnh,
Liệu “biết có duyên gì?”

Kim Trọng thì mê mẩn
Quên mọi chuyện vì yêu,
Chàng tìm cớ dọn đến
Ở cạnh nhà Thúy Kiều.

Một hôm chàng nhặt được
Chiếc kim thoa, và chàng
Lấy đó làm cái cớ
Để trò chuyện với nàng.

Rồi hai người hò hẹn.
Rồi nàng Kiều, thật ghê,
Vốn bẽn lẽn, gia giáo,
Thế mà “buông rèm che”,

Nàng “xăm xăm băng lối”
Sang nhà chàng Kim Lang.
“Bóng trăng vàng đã xế”
“Giấc mộng xuân mơ màng”.

Rồi hai người thề thốt,
Trao kỷ vật cho nhau,
Nguyện suốt đời chung thủy
Đến răng long, bạc đầu.

Để chiều lòng Kim Trọng,
Nàng đã đàn một bài,
Bài “Bạc Mệnh” day dứt,
Não lòng và bi ai.

Tiếng đàn buồn đến mức
Kim Trọng “lúc chau mày,
Lúc ôm đầu, tựa gối”
Thấy “ngậm ngùi, đắng cay”.

Rồi tình nồng, duyên đượm,
Đêm, lại chỉ hai người,
Nên “xem ra Kim Trọng
Đã có phần lả lơi”.

Nhưng nàng Kiều lúc ấy
Nghĩ tới chuyện Trương Quân
Và Oanh Oanh ngày trước
Mà không chịu trao thân. 

Mới lần đầu gặp mặt,
Mà Kim Trọng, ghê chưa,
Đã lả lơi chuyện ấy.
Cũng là tay không vừa.

Hôm sau, có tin khẩn
Nhắn Kim Trọng, rằng chàng
Có ông chú vừa mất,
Phải về nhà chịu tang.

Than ôi, tình mới bén,
Giờ đã phải chia tay.
Lại thề non, hẹn biển,   
Lại dài ngắn dãi bày.

3
Rồi bất ngờ tai họa
Ập xuống đầu Vương gia:
Các em và bố mẹ
Vừa ăn cỗ, về nhà

Thì bỗng bọn nha lại
Kéo đến bắt Vương ông.
Toàn một lũ trâu ngựa,
Đánh đập rất đau lòng.

Hỏi ra thì mới biết
Do một thằng bán tơ
Đã dựng chuyện vu cáo,
Thật vô lý, bất ngờ.

Chẳng còn cách nào khác,
Nàng bán mình, chuộc cha.
Ôi, chua xót, đau đớn,
“Đau đớn phận đàn bà.”

Thúy Kiều ôm mặt khóc:
“Kim Lang hỡi, Kim Lang,
Thôi thôi, thế là thiếp
Phải phụ bạc tình chàng!”

Nàng gọi Thúy Vân lại,
Cúi thấp lạy, ân cần:
Em hãy lấy Kim Trọng,
Hằng sửa túi, nâng khăn.

Romeo, Juliet,
Yêu đến thế là cùng,
Nhưng theo tôi được biết,
Chưa đến mức chồng chung. 

Đúng, người xưa nhân nghĩa.
Ta, hiện đại, cũng yêu,
Say đắm nữa là khác,
Nhưng mấy ai bằng Kiều?

4
Bỏ ra bốn trăm lạng,
Mã Giám Sinh mua Kiều.
Hắn là tên vô lại,
Gian tà và rất kiêu.

Hứa lấy nàng làm lẽ,
Thực ra hắn lõi đời
Mua nàng làm kỹ nữ
Để tiếp khách làng chơi.

Còn Tú Bà, vợ hắn,
Chủ thanh lâu Lâm Truy,
Sai nàng ra tiếp khách,
Nhưng Kiều không chịu đi,

Nói, nàng là vợ lẽ
Của ngài Mã Giám Sinh.
Mụ Tú Bà nghe vậy
Liền “nổi cơn tam bành”.

Mụ bảo nàng quyến rũ
Thằng chồng mụ, và rồi
Cho đánh nàng tàn nhẫn
Bằng gậy và bằng roi.

Nhục nhã và phẫn uất,
Nàng liền rút con dao,
Đinh tự vẫn thì ngất,
Và trong cơn chiêm bao

Kiều gặp lại người cũ,
Tức là nàng Đạm Tiên.
Nàng dặn, khoan, chưa chết,
Hẹn gặp ở sông Tiền.

Còn Tú Bà thì nghĩ
Mất nàng là mất lời,
Cho ra lầu Ngưng Bích
Để nàng tạm nghỉ ngơi. 

Một mình trên lầu vắng,
Sông nước bốn xung quanh,
Kiều thực sự mừng rỡ
Khi gặp chàng Sở Khanh.

Hắn có vẻ nho nhã,
An ủi rất ân cần,
Còn hứa giúp trốn thoát,
Nên nàng đã trao thân.

Mấy hôm sau, trời tối,
Hắn đưa ngựa đón nàng,
Giữa đường, bỏ nàng lại,
Lo sợ và hoang mang.

Tú Bà liền xuất hiện
Cùng một lũ đầu trâu,
Bắt nàng vì tội trốn,
Còn đánh đập rất đau.

Nàng đã phải van khóc
Xin Tú Bà ngừng tay,
Hứa nhẫn nhục tiếp khách,
Không trốn khỏi nơi này.

“Thân lươn đâu sợ bẩn”,
Xin hầu hạ sớm trưa.
“Ôi tấm lòng trinh bạch,
Nguyện từ nay xin chừa”.

Thì ra chính mụ Tú
Đã thuê thằng Sở Khanh,
Lừa nàng, đưa vào bẫy.
Thôi, trót nhỡ thì đành.

Tên hắn kể từ đấy
Có thêm nghĩa xấu xa,
Tức là thằng chim gái,
Kẻ thù các cô, bà.

5
Vậy là Kiều cam chịu
Để số phận an bài,
Ở thanh lâu nổi tiếng
Cả về sắc, về tài.

“Sớm tiễn đưa Tống Ngọc”,
“Chiều vui với Tràng Khanh”,
“Lúc tiệc tan, tỉnh rượu,
“Giật mình, lại thương mình”.

Ở thanh lâu, Kiều gặp,
Tiếp một khách làng chơi,
Rất hào hoa, phong nhã,
Tử tế và thương người.

Lúc đầu chỉ ong bướm,
Người ấy, tên Thúc Sinh,
Sau yêu Kiều thực sự,
Thương cảm và chân tình.

Định lấy Kiều làm lẽ,
Đưa tiền cho Tú Bà,
Chàng đem Kiều giấu kín,
Sau khi chuộc nàng ra.

Vốn người huyện Vô Tích,
Chàng cùng cha, Thúc ông,
Đến Lâm Truy buôn bán,
Khá ý hợp, tâm đồng.

Cha chàng, khi biết chuyện,
Trách mắng rất nặng nề,
Bắt trả về nhà chứa,
Nhưng chàng không chịu nghe.

Với Kiều, ông kết tội,
Đã quyến rũ Thúc Sinh,
Rồi nhờ quan xét xử
Thật chí lý, chí tình.

Quan sai đem Kiều đánh,
Nhưng Thúc Sinh vội vàng,
Đứng ra bênh, biện bạch
Đủ điều tốt về nàng.

Nghe nói nàng gia giáo,
Lại am tường thơ văn,
Quan bảo nàng thử vịnh
Chiếc cùm đeo dưới chân.

Nàng đọc thơ, quan huyện
Rất khâm phục trong lòng,
Bèn xử cho nàng thắng,
Lựa lời khuyên Thúc ông.

Thúc ông đành chịu nhún,
Không cản trở hai người,
Phần vì “thương nết hạnh”,
Phần vì sợ chê cười.

Sau nửa năm chung sống,
Kiều khuyên chàng về quê
Nói mọi chuyện với vợ,
Rồi tính kế, liệu bề.

6
Hoạn Thư, vợ chàng Thúc,
“Ăn ở, nết cũng hay”,
Về khoản ghen mà nói
Thì nàng rất cao tay.

Biết chồng có vợ lẽ,
Tỉnh bơ, không nói gì,
Lại chiều chồng nhất mực,
Không mảy may hoài nghi.

Vì thế chàng do dự,
Không dám kể sự tình
Như nàng Kiều đã dặn.
Ôi, ôi, chàng Thúc Sinh.

Tiễn chồng quay trở lại
Với vợ hai, Thúy Kiều,
Hoạn Thư liền sang mẹ,
Than và khóc khá nhiều.

Rồi họ sai Ưng, Khuyển
Cùng một bầy lâu la
Kíp đến gặp Kiều trước
Rồi phóng lửa đốt nhà. 

Chúng ném một xác chết
Vào nhà nàng, thật ghê,
Đưa nàng tới Vô Tích
Trước khi Thúc Sinh về.

Thấy nhà mình bị cháy,
Lại thêm một xác người,
Tưởng rằng Kiều đã chết,
Chàng ôm mặt kêu trời.

Lại nói bọn Ưng, Khuyển,
Đưa nàng Kiều về quê,
Nàng bị Hoạn Thư mẹ
Đánh một trận ê chề,

Rồi bắt nàng hầu hạ
Như con ở trong nhà,
Luôn bị đánh, bị chửi,
Ngẫm mà lòng xót xa.

Mỗi lần Hoạn Thư đến,
Nàng cũng phải theo hầu.
Nàng kia cười, ngon ngọt,
Không trách cứ một câu.

Đàn bà ghen, không lạ,
Thường vẫn thế xưa nay,
Nhưng Hoạn Thư ghen khác,
Thật cao tay nàng này.

Cứ công bằng mà nói,
Ấy cũng là sự thường.
Hoạn Thư, ghét thì ghét,
Nhưng cũng thấy thương thương.

Hỏi bây giờ, thậm chí,
Thời bình đẳng, bình quyền,
Mấy ai đủ bình tĩnh
Như nàng này khi ghen?

Một năm sau, chàng Thúc
Về quê thăm vợ hiền.
Nàng Hoạn Thư cười nụ
Trong bữa tiệc đoàn viên,       

Rồi vẫy tay cho gọi
Mời Kiều ra hầu chàng,
Phải rót rượu cung kính,
Phải đi đứng nhẹ nhàng.

Thúc Sinh lòng tê tái,
Biết mình là nạn nhân
Một âm mưu thâm độc,
Ngồi đực mặt, bần thần.

Sợ vợ, chàng gạt lệ,
Không dám nhận nàng Kiều,
Vẫn cười cười, nói nói
Với bà vợ thân yêu.

Tất nhiên chàng đáng trách,
Nhưng xin hỏi thực lòng,
Nếu ta, gặp cảnh ấy,
Ta làm khác được không?

Làm nhục thế chưa đủ,
Hoạn Thư còn bắt nàng
Ngồi phệt xuống, rũ tóc,
Cầm đàn gẩy tình tang.

Và Kiều, ôi, nhẫn nhục
“Trước rèm the, vặn đàn”,
“Bốn dây kêu như khóc”
Khiến “cõi lòng nát tan”.

Cho những người trong cuộc,
Cùng “một tiếng tơ đồng”,
Người thì “ngoài cười nụ”,
Người “khóc thầm bên trong”.

Cả Hoạn Thư, tôi nghĩ,
Như Kiều, cũng xót xa,
Vì cùng chung một phận,
“Xót xa phận đàn bà.”

Một thời gian sau đó,
Khi thấy Kiều chịu thua,
Hoạn Thư cho nàng sống
Và chép kinh trong chùa.

Một lần, vợ đi vắng,
Thúc Sinh lén thăm Kiều,
Lại mừng mừng, tủi tủi,
Lại thề thốt thương yêu,

Mà không biết ngoài cửa
Hoạn Thư đang cả cười,
Rồi bước vào, nhỏ nhẹ,
Khen, vỗ về hai người.

Thế mới thật đáng sợ,
Thế mới là cao tay.
Lần nữa phải nhắc lại:
Hiếm ai như nàng này!

Kiều thì lại càng sợ,
Để mất - chẳng còn gì,
Nên ngay tối hôm ấy
Nàng vượt tường trốn đi.

7
Thương cho Kiều bạc mệnh,
Phiêu dạt kiếp thăng trầm.
Dài, còn dài trước mặt
Bể khổ mười lăm năm.

Ôi, vì sao số phận
Luôn cay đắng, phũ phàng?
Nàng chạy trốn? Thử hỏi,
Cái gì đang chờ nàng?

Lần nữa trời dun dủi
Kiều bước vào cửa thiền.
Đó là chùa Chiêu Ẩn,
Trụ trì là Giác Duyên.

Sư trụ trì rộng lượng
Cho nàng trú nơi này,
Tưởng nàng người nhà phật,
Lại từ xa đến đây.

Khi trốn khỏi Vô Tích,
Nàng lấy của nhà chùa
Chiếc chuông và chiếc khánh,
Gọi là để làm bùa.

Một hôm có thí chủ
Nói với sư trụ trì,
Chiếc chuông và khánh ấy
Giống hệt, chẳng khác gì

Với chuông khánh chùa nhỏ
Trong vườn nhà Hoạn Thư.
Sư bà gọi Kiều đến
Để làm rõ thực hư.

Kiều đành phải thú thật
Tung tích mình, thế là
Được Giác Duyên cho đến
Sống tạm với Bạc bà.

Bạc bà là phật tử,
Hay đến chùa dâng hoa,
Thấy Thúy Kiều xinh đẹp,
Liền nảy ý gian tà.

Mụ đánh nàng, dọa dẫm,
Cũng có lúc van nài
Lấy cháu mụ, Bạc Hạnh,
Một người ở châu Thai.

Bạc Hạnh vờ cưới, hỏi,
Đưa nàng về Thai châu.
Ở đấy, lại lần nữa,
Kiều rơi vào thanh lâu. 

8
Trong may có cái họa,
Trong họa có cái may.
Sự đời thường vẫn vậy,
Cả xưa và cả nay.

Số là nơi mới đến,
Khi tiếp khách làng chơi,
Kiều ngẫu nhiên được gặp
Rất đặc biệt, một người.

Người đó là Từ Hải,
Đúng một “đấng anh hào”,
Loại “râu hùm, hàm én”,
Vai rộng, “mười thước cao.”

Chàng là một chiến tướng
Người thuộc vùng Việt Đông,
Thích “đội trời, đạp đất”,
“Vùng vẫy khắp non sông”.

Anh tài và giai nữ
Thế là được gặp nhau,
Bén tình và bén nghĩa,
Rất ý hợp tâm đầu.

Từ Hải bỏ tiền chuộc,
Thúy Kiều về nhà chàng,
Nửa năm sống hạnh phúc,
Đậm đà tình tao khang.

Rồi một mình, một ngựa,
Từ Hải lại lên đường,
Hẹn ngày quay trở lại
Với người mình yêu thương.

Xong đại sự, Từ Hải,
Tức khoảng một năm sau,
Cho người về đón vợ
Theo nghi lễ vương hầu.

Thanh thế chàng lúc ấy
Lừng lẫy một phương trời.
Một võ tướng phản loạn,
Thu phục trăm vạn người.

Một hôm, nhân rỗi việc
Kiều kể lại với chồng
Cảnh hàn vi ngày trước,
Nước mắt chảy hai dòng.

Từ Hải nghe, phẫn nộ,
Liền cho người đi ngay
Tới Lâm Truy, Vô Tích,
Lo nhanh chóng việc này.

Khi mọi người có mặt,
Ngồi cao giữa trung quân,
Kiều công bằng xét xử,
Báo oán và đền ân.

Nàng hậu thưởng chàng Thúc,
Cụ Giác Duyên nhân từ,
Bà quản gia tốt bụng
Trong nhà mẹ Hoạn Thư.

Rồi nàng ra lệnh chém
Tú Bà, Mã Giám Sinh,
Bạc Bà và Bạc Hạnh,
Bọn Ưng Khuyển, Sở Khanh.

Ân oán thế là rõ,
Nhưng máu đổ cũng nhiều.
Đành rằng ác trả ác,
Ôi ôi, nàng Thúy Kiều.

Còn Hoạn Thư, đáng lẽ
Phải chết như Tú Bà,
Vì “chính danh thủ phạm”,
Thế mà Kiều lại tha.

Vì nàng kia khôn khéo
Tự bào chữa cho mình.
Rằng “đàn bà nhẹ dạ,
Ghen tuông cũng thường tình.”

Rằng “càng cay nghiệt lắm,”
Thì “càng oan trái nhiều.”
Rằng “chồng chung ai dễ
Nhường cho ai khi yêu...”

Kiều nghe nàng nói vậy,
Phải chép miệng mà rằng:
Dẫu trong lòng độc ác,
Nhưng “giỏi bề nói năng”;

Rằng giết thì đáng giết,
Có ác, phải có đền,
Nhưng giết khi nói phải,
“E là người nhỏ nhen.” 

Vậy là Hoạn Thư thoát.
Thật đúng là cao tay.
Nói rồi, xin nói lại:
Hiếm ai như nàng này!

9
Quyền uy của Từ Hải
Cứ lớn dần, lớn dần.
Chàng xưng vương, lập quốc,
Cai trị cả muôn dân.

Chàng chia đôi thiên hạ
Với vương triều nhà Minh,
Triết Giang và Phúc Kiến
Coi như đất của mình.

Rồi năm năm sau đó,
Vua nhà Minh vội vàng
Sai tướng Hồ Tôn Hiến
Đem quân đến đánh chàng.

Biết Từ Hải dũng mãnh,
Đấng anh hùng vô biên,
Khó dùng binh mà thắng,
Nên hắn lập kế hèn.

Hắn cho người mang lễ
Gồm rất nhiều bạc vàng
Cùng lời hứa trọng dụng
Để dụ chàng ra hàng.

Hắn còn sắm lễ vật
Dành riêng cho Thúy Kiều,
Cốt nhờ nàng nói hộ -
Cũng hứa hẹn rất nhiều.

Phần vì lễ quá hậu,
Phần chưa hiểu sự tình,
Nàng đã khuyên Từ Hải
Ra đầu hàng triều đình,

Để muôn dân đỡ khổ,
Để thành quan đại thần,
Để nàng về quê cũ
Mong gặp lại người thân.

Dẫu còn nghi, Từ Hải
Vẫn nghe vợ, tiếc thay.
Các ông chồng có lẽ
Nên học bài học này.

Từ Hải mặc nhung phục
Rời doanh trại, đầu hàng.
Hồ Tôn Hiến lập tức
Cho quân ra giết chàng.

Ôi, “râu hùm, mày én”,
Ôi, một “đấng anh hào”,
Từng “đội trời đạp đất”,
Thế mà chết buồn sao.

Lại thêm bài học nữa:
Không được tin chính quyền.
Xưa hay nay cũng vậy.
Chúng, một lũ đê hèn.

10
Đêm ấy, Hồ Tôn Hiến
Mở tiệc mừng rất to.
Hắn bắt Kiều rót rượu,
Hết vò lại đến vò.

Khi ngà ngà quá chén,
Hắn bắt nàng chơi đàn.
Cả “bốn dây nhỏ máu,”
“Gió thảm, mưa tuôn tràn.”

Hắn ngồi nghe, tư lự,
Rượu và đàn cùng say.
“Thật lạ cho mặt sắt,
Cũng vì tình, biết ngây.”

Rồi lâng lâng, loạng choạng,
“Vì rượu và vì tình,”
Hắn giữ Kiều ở lại,
Bắt ăn nằm với mình.    

Sáng hôm sau, tỉnh dậy,
Nghĩ mình bậc cao sang,
Vướng vào Kiều không tiện,
Hắn quyết định gả nàng

Cho một thổ quan nhỏ,
Và rồi lễ tơ hồng
Giữa Kiều và quan thổ
Được tổ chức trên sông.

Lòng ê chề nhục nhã,
Hận chồng chết vì mình,
Nàng Thúy Kiều bạc mệnh
Quyết một lòng quyên sinh.

“Ôi, Đạm Tiên, nàng hỡi,
Dưới suối vàng có hay,
Nàng hẹn ta, thì đấy,
Xin đón ta nơi này!”

Và rồi, giữa sông nước,
Khi trời còn đầy sương,
Nàng ôm hận, lặng lẽ
Nhảy xuống sông Tiền Đường.

11
Lại nói, sau hậu thưởng,
Sư trụ trì Giác Duyên
Gặp đạo cô Tam Hợp,
Một tín đồ Đạo thiền.              

Tam Hợp báo sư biết
Chuyện ở sông Tiền Đường,
Khuyên nhanh chóng đến đấy
Cứu nàng Kiều đáng thương.

Sư Giác Duyên vội vã
Thuê ngư phủ nhiều giờ
Rà quét khúc sông ấy,
Vớt được nàng lên bờ.

Thật may, Kiều còn sống.
Nằm bất động trên thuyền,
Trong cơn mê nàng thấy
Bóng hình nàng Đạm Tiên.

Nàng báo: Trời đã thấu
Nỗi khổ và lòng nàng,
Và rằng đã đến lúc
Cuộc đời mới sang trang.

Kể từ đấy sư cụ
Và cháu bà, nàng Kiều,
Bên sông, trong am cỏ
Cùng vui vầy sớm chiều.

12
Vậy là biển cũng lặng,
Và trời cũng ngớt giông.
Sóng gió không còn nữa,
Sóng cũng lặng trong lòng.

Đời Kiều nay đã khác,
Như vừa nói - sang trang 
Thư thản và yên tĩnh
Ta hãy mừng cho nàng.

Lại nói chàng Kim Trọng,
Sau khi chịu tang về,
Hay tin Kiều bị bán,
Mà nước mắt dầm dề.

Vương ông cho chàng biết
Rằng Kiều đã buộc lòng
Nhờ Thúy Vân thay chị
Lấy Kim Trọng làm chồng.

Sau nhiều lần từ chối,
Tìm Kiều không thấy đâu,
Cuối cùng, bị thúc dục,
Hai người đã cưới nhau.

Rồi Kim Trọng thi đậu,
Được bổ về Lâm Truy,
Nơi Thúy Kiều ngày trước
Buộc phải làm ca nhi.

Ở đấy, các nha lại
Kể chàng nghe một phần
Cuộc đời Kiều đã chịu,
Cơ cực và gian truân.

Chàng không biết lúc ấy
Ở tít vùng Thai Châu
Thúy Kiều và Từ Hải
Đang vui sống bên nhau.

Khoảng năm năm sau đó,
Nhận được chiếu triều đình,
Chàng đi nhậm chức mới,
Làm quan huyện Nam Bình.

Vương Quan thi, cũng đỗ,
Được bổ về Phú Dương,
Nên hai người lần ấy
Đi cùng lúc, cùng đường.

Đến Hàng Châu, bất chợt
Họ hay tin, rùng mình,
Rằng Từ Hải bị giết,
Còn Kiều thì quyên sinh.

Họ quay về, lập tức
Hai gia đình Kim, Vương
Soạn lễ, mang đến cúng
Bên bờ sông Tiền Đường.

Giác Duyên, nhân có việc,
Đi ngang, thấy tên Kiều
Trên bài vị giải oán,
Dừng lại hỏi đôi điều.

Hóa ra Kiều còn sống!
Kiều còn sống, mừng sao!
Mắt mở, nhìn thấy rõ,
“Mà những tưởng chiêm bao!”

Vậy là dẫu chìm nổi
Số phận một cuộc đời,
Vẫn có cái kết hậu
Cho nàng và mọi người.

Trong buổi tiệc đoàn tụ
Thúy Vân ép chị mình
Phải lấy chàng Kim Trọng,
Mới hợp lý, hợp tình.

Kiều thoạt đầu không chịu,
Bảo “tấm thân ngọc ngà”
Giờ không còn trong trắng
Mà “dư thừa xấu xa.”

Cuối cùng nàng chấp nhận,
Nhưng trong đêm động phòng
Nàng không cho Kim Trọng
Ân ái như vợ chồng.

“Tấm thân thiếp ô uế,
Không đáng được gần chàng.”
Biết làm sao, đành vậy.
Tội nghiệp chàng Kim Lang.

Từ đấy họ hạnh phúc
Sống bên nhau trọn đời,
Chàng Kim cùng hai vợ
(Thực ra chỉ một người!)

Mười lăm năm lưu lạc,
Mười lăm năm trầm luân,
Giờ lòng Kiều phẳng lặng
Như nước lặng hồ xuân.

Và đều đều cứ chảy
Dòng nước sông Tiền Đường,
Rửa sạch bao oan trái
Một kiếp sống đoạn trường...

13
Thế là tôi kể hết,
Giản dị và trung thành
Truyện “Tiếng Than Đứt Ruột,”
Tức “Đoạn Trường Tân Thanh.”    

Truyện có nhiều bài học,                  
Về thế thái, nhân tình.
Đọc đi, các bạn trẻ,
Rồi ngẫm người, ngẫm mình.

Sông Tiền Đường, Tô Châu, TQ, nơi Thúy kiều trẫm mình.


Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

BÁO THÙ

Anh bạn văn hôm nọ buồn tình, rinh chai rượu đỏ đến viếng tệ xá của người viết! Thiệt là rồng đến nhà tôm! Hai đứa vểnh râu rồng, râu tôm kéo nhau ra sau vườn, ngồi hong tóc trụi lủi trong buổi chiều mùa Xuân tháng Mười! Quá đã!
Anh nói: “Hồi xưa đi vượt biên ở cửa Ba Động, Vĩnh Bình bị thằng bán dầu điềm chỉ gài công an bắt giải về khám lớn Cây Điệp, Vĩnh Long, nhốt chung với mấy thằng tù hình sự. Trong tù, có một đứa ở trần xăm mình: ‘Hận kẻ tình ngu! Thù nầy phải trả!’ Nó vác dao phay thẻo em hết một cái lỗ tai cho em hết đeo bông chơi rồi xách chiếu đi tù. Thiệt là ngu quá xá là ngu vì ‘tẩn’ một kẻ không xứng đáng với tình ta rồi phải bị ở tù. Lãng xẹt!”
Người viết thì đỡ lời anh: “Thù cũng có nhiều loại! Tình thù là một! Thù kẻ chơi cha, chơi gác, sỉ nhục mình, làm mất danh dự của một chàng võ sĩ đạo cũng có luôn!” 
Tình thù! ‘Hận kẻ tình ngu! Thù nầy phải trả!’ ở đâu mà không có. Nó xảy ra hà rầm từ cổ chí kim; từ Đông sang Tây, đàn ông báo thù đàn bà; đàn bà báo thù đàn ông!
Ngay tại cái đất nước Ba Lan mùa tuyết tan, anh đi giữa nắng tràn; còn em nha sĩ Anna Mackowiak bị tình phụ! Anh yêu, Marek Olszewski, 45 tuổi, bỏ em để chạy theo một bóng hồng khác mới được vài ngày. 
Cái thằng cha đã 45 tuổi đầu rồi mà còn ngu hết biết! Nhức răng thì đi nha sĩ khác không chịu; lại mò về người xưa, quay lại phòng khám của nàng để nhổ cái răng sâu.
(Chắc thằng chả là trùm sò, hà tiện, sợ tốn tiền chăng?!)
Hận lòng nung nấu, nàng cho chàng một mũi thuốc tê ‘novocain’ cực mạnh. Xong nhổ hết trọi 32 cái răng; cả hàm trên lẫn hàm dưới trụi lủi. 
Đẹp trai cỡ ‘Alain Delon’; giờ còn ‘lông’ không… chớ không còn cái răng nào để cắn! 
Mà chữ rằng ‘yêu nhau lắm cắn nhau đau’; giờ chàng không còn cái răng nào nữa thì lúc yêu nhau lắm làm sao mà cắn nhau đây? Nên em ‘mới’ cũng phụ phàng người bỏ người ra đi! Hết chuyện!
Cái vụ ân oán giang hồ, báo thù nầy người viết không bao giờ nghĩ tới! Cho dù tình thù rực nắng đi nữa! Tánh người viết rất là ‘easy-going’ (phè phè, dễ chơi lắm!) như Tây nó thường nói. 
Đúng ra để dẹp mối thù qua một bên, quẳng gánh thù đi cho nhẹ để mà vui sống, cũng phải trải qua một thời gian học hỏi và rèn luyện mới được như bây giờ.
Nhớ chuyện xưa, người viết cũng như quý anh em mình từ nhỏ tới lớn, hồi đi học tới lúc đi lính, đi làm; không bị tình thù, không bị Lan Huệ sầu nhau, bèn đè xuống nhổ hết răng thì lâu lâu cũng thù vì bị hiếp đáp hoài hà! Cũng tức lắm chớ! Cũng muốn báo thù cho đã tức; nhưng sau đắc đạo: ‘Oán thù nên mở chớ không nên buộc!’ hay ‘Ai tát mình má bên phải thì mình đưa má bên trái cho nó tát luôn; cho nó đã giận’. Mình có đau một chút cũng hổng có sao đâu. 
Chữ rằng ‘dĩ hòa vi quý!’ Từ đó lòng thanh thản cách chi!
Mà sở dĩ người viết đắc đạo như thế chẳng qua là nhờ một bài học từ thằng bạn học cũ năm lớp đệ tứ, đệ tam, thời Trung học Nguyễn Đình Chiểu của cái tỉnh Mỹ Tho mà chữ gọi là cái tỉnh Định Tường.  
Tên nó là Đinh Viết Liết. Bố nó tên là Đinh Viết Đích. Còn mẹ là Nguyễn Thị Sẻ. Nó là dân Bắc 54. Rất dễ chơi (easy-going), vì mình chưa hề thấy nó giận đứa nào hết dù bị mấy thằng du côn, du kề hơn, hiếp đáp mà bên nầy Tây hay gọi là bị ‘bú li’ (bully)! Một hôm, trong lớp nó thò mặt qua bàn mình nói chuyện khào chơi trong khi chờ thầy, cô từ phòng giáo sư xuống dạy. Nó đang ‘đía’ rân trời; thì có một thằng bự con ngồi cuối lớp chõ mỏ lên, la lớn: “Liết ơi! Mầy không nín… tao ‘Sẻ Đích’ (phát âm kiểu văn minh miệt vườn của Sơn Nam) mầy bây giờ”. 
Hổng biết thằng nầy nó xem trộm khai sanh của thằng bạn tui ở đâu mà giỡn chơi hỗn hào như vậy chớ? Mấy đứa khác nghe vậy cười ồ! Mà thằng bạn tui vẫn tỉnh bơ. 
Tan học, trên đường về tui hỏi: “Mấy đứa đó đem tên ba má mầy ra chọc, hỗn quá mà mầy hổng có giận sao?” 
Nó từ tốn trả lời: “Tên bố mẹ mình mà nó đem ra nó giỡn; tao giận chớ sao không?” 
“Giận rồi mầy làm gì?” 
“Thì tao hái trái mắt mèo trét lên băng ghế nó ngồi cho cha con nó gãi một bữa đã đời!”
 Vậy mà cái tật cà chớn hỗn hào vô phép đó, nó đâu có bỏ; nên một bữa tan học tao gởi cho nó một tối hậu thơ hẹn ra cổng trường để giải quyết! 
“Kết quả ra sao?” 
“Tao bị nó cắn một phát đau thấy bà tiên tổ! Từ đó nghĩ thôi trả thù làm chi cho bị nó cắn. Nó hỗn tên bố mẹ tao cũng như nó hỗn tên bố mẹ nó vậy đó! He he!”
Sau nầy qua Úc, người viết đi làm trong sở cũng có quen với một thằng bạn Việt Nam khác, thằng bạn mới nầy không có được cái nền văn hóa ‘chín bỏ làm bù’ như thằng Liết bạn học cũ ngày xưa thân ái của mình đâu! Thì cũng dễ hiểu thôi… Chín người mười ý mà! Ai chơi nó; là nó chơi lại tới cùng!
Có lần con bồ cũ, một em tóc vàng sợi nhỏ, mỏ đỏ mắt xanh, rặt ri Úc đá nó, chạy theo người tình mới vậy mà còn cà chớn, chọc tức nó chơi. Em gởi cho nó một tấm hình em nóng bỏng, trần (văn) truồng với thằng kép mới cho nó xem. Nó xem xong rồi chuyển (forward) cái hình nóng bỏng đó cho Tía của em xem! Ha ha!
Thiệt là một cách báo thù của Tây độc Âu Dương Phong, tàn chi quái đao và xỏ lá hết biết! Nhưng cách trả thù dưới đây theo lời ‘giả’ kể, nếu có thiệt, thì phải nói tui phải ‘nhứt bộ nhứt bái’ vì nó đã đạt tới đẳng cấp thượng thừa!
Thỉnh thoảng quý bạn đọc thân mến có chuyện bực mình vì cuộc sống căng thẳng quá, tiền nong, tình cảm vợ chồng lục đục; thì cũng đừng nên đem trút cơn nóng giận của mình vào một người mình quen biết mà chi! Hãy ‘cà chớn’ với những người chưa quen biết để nó quạu nó dợt mình chơi!
Cách mình quản lý việc nóng giận là như thế! Và rất hiệu quả! Chớ tính người viết, xin thưa, xưa giờ là hiền như cục đất, nhân chi sơ tính bổn thiện, người viết không bao giờ chơi ‘ác’ với ai cả! Ngay cả bị vợ ăn hiếp còn ngậm miệng nín khe nữa huống hồ chi là với người dưng nước lã!

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2023

ĐỌC VÀ BÌNH LỊCH SỬ

Hãy bình sử với tư cách là người tử tế,tôn trọng sự thực,sòng phẳng và tiến bộ 

Anh tôn trọng người khác để nhận được sự tôn trọng ngược lại 

Nhiều người đang bụm miệng vì một ông tiến sĩ kinh tế nhận định về lịch sử Miền Nam,ông ta cho rằng Miền Nam là "tinh hoa Bắc Việt tụ lại ,dồn vào theo dòng khai phá Phương Nam" 

Thiệt là...! Bậu không hề hiểu câu “Ăn theo thuở, ở theo thời” gì hết 

Dân gian Bắc Hà có câu: 

"L.. bà bà tưởng l.. ai
Bà cho ông Lý mượn hai tháng liền" 

Tự nhận mình là "người liêm chính" và giảng moral ,nói về năng lực,đạo đức và khơi về dòng họ mà đại bác thụt không tới 

Lý thuyết là cùng một dân tộc, cùng chữ viết, cùng tiếng nói ,điều đó không ai phủ nhận 

Nhưng trời ơi! Thực tế Nam và Bắc hoàn toàn khác nhau về cách sống,tư duy,văn hóa,ẩm thực.Bây giờ nói về "bà con" thì có lẽ chắc không ai còn nhớ đâu

Máu pha nhiều quá

Thí dụ như người Mỹ,nếu người Anh nói người Mỹ là người Anh thì dân Huê Kỳ sẽ cười vô mặt liền 

Cũng như danh xưng "Việt kiều",người VN ở hải ngoại đời đầu,khi mà họ còn sanh đẻ và lớn lên ở VN rồi di tản ra hải ngoại thì còn dính chữ Việt Nam.Nhưng qua thế hệ thứ hai,thứ ba,thứ tư thì con cháu đã thành người Mỹ,người Úc,người Châu Âu rồi,nói nó là người VN thì nó cười vô mặt.Nhìn bà con rồi kêu cháu hãy làm nghĩa vụ gửi tiền về VN cho họ hàng là cái không bao giờ có vì nó không thể có trách nhiệm như cha mẹ nó được,đây là sự thực 

Miền Bắc từng có 1000 năm Bắc thuộc,khi đó người Tàu di cư qua hàng hà sa số đặng cai trị,nhưng người Tàu không làm sao đồng hóa Lạc Việt được vì tinh thần dân quá cứng cỏi,thậm chí người Tàu di cư qua ở vài đời thành người Việt cũng đòi độc lập,dính mẫu hệ cả dòng

Nếu nhìn họ hàng thì Bắc Kinh giờ làm như Putin với Ukraine,nói rằng người VN ở Miền Bắc giờ là con cháu của "tinh hoa người Hoa Hạ xưa" thì nghe có vui không?

Mà ngẫm lại Bắc và Nam như âm với dương vậy,thời tiết Nam nóng thì Bắc lạnh và Bắc luôn dính cái lòng thòng từ Trung Hoa,bên đó có cái gì Bắc có cái đó,rõ nhứt là sĩ diện hảo và rất thích làm "anh cả" 

Vũ trụ là một dòng sông dài,cả một quá trình lịch sử cũng dài,con người qua bao khúc nhoi ,thăng trầm có đủ hết ,Nam Kỳ và Bắc Kỳ cũng vậy

Mà ngộ!

Rất nhiều người cứ thắc mắc, tại sao kêu Nam Kỳ,Trung Kỳ, dân hai xứ này cười hề hề, không để ý gì hết.Còn kêu người Bắc nào là Bắc Kỳ, nếu người Bắc di dân vào nam 1954, hay gọi là Bắc 54 thì cũng không sao, nhưng Bắc 75, Bắc đang ở phên dậu thì đa số họ sẽ đưng đửng lên như bị con gì cắn, rồi chửi người kêu là phân biệt vùng miền, chửi người kêu là miệt thị

Kỳ chỉ là đất một cõi mà ta?Thành đô một nước còn có tên là "Kinh Kỳ" đó thôi 

Trong lịch sử Việt Nam ta có một cái huyện được sử Nguyễn ghi chép là "Qúy huyện" ,trong đó có một ngoại trang gọi là "Qúy hương" 

Vùng đất đó là Gia Miêu ngoại trang thuộc tổng Thượng Bạn huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa,là nơi phát tích của vương triều Nguyễn 

Là nơi quê nhà lão tướng Nguyễn Kim đã trung hưng thành công nhà Lê Trung Hưng 

Cũng là quê của Quận Công Nguyễn Hoàng ra đi trấn thủ xứ Thuận Hóa năm 1558 ,ông về Phương Nam, tiên khởi hùng mạnh khởi lập lên xứ Đàng Trong với 9 chúa, 13 vua 

Xin lật lịch sử vào những năm 1558-1600 

Chúng ta nghe giai thoại rằng chúa Nguyễn Hoàng vì "nghe lời" Trạng Trình "Hoành sơn nhứt đái, vạn đại dung thân" nên xuôi về Nam

Tôi thì đọc giai thoại cho vui thôi,cái đám sĩ phu Bắc Hà rất thích đặt giai thoại,thiệt ra là tầm nhìn chánh trị của chính chúa Nguyễn Hoàng mà thôi,ông nhìn xa ra cái hướng mà dung thân ,phát triển khi anh rể Trịnh Kiểm đã nuốt hết cơ nghiệp nhà vợ rồi giết anh trai Nguyễn Uông,sẽ giết tới Nguyễn Hoàng 

Đi vô vùng "Ô châu ác địa", "Biên viễn xa xôi" là một cuộc thử thách thực sự chứ không phải đi du lịch chơi chơi như thời nay.Cái duyên này là Trời định,là Thiên Mệnh,để Việt tộc phát triển dài ra cương thổ 

Năm 1558 Nguyễn Hoàng ôm theo nhiều anh em, bà con ,tùy tùng quê ở Tống Sơn 

Ta phải kể ra ba ông lớn có tiếng trong đời Nguyễn Hoàng mà lịch sử ghi là: Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị và Mạc Cảnh Huống

Con cháu Nguyễn Ư Dĩ sau này đổi sang họ Nguyễn Khoa,với Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng 

Dòng thứ hai là họ Tống của ông Tống Phước Trị.Tống Phước Trị là người mang họ Tống của chính "Qúy huyện " Tống Sơn .Khi Nguyễn Hoàng vào Nam thì ông đã có danh phận chức tước ngang hàng với chúa Nguyễn Hoàng ,tước Luân Quận Công,làm Trấn thủ Thuận Hóa trước cả Nguyễn Hoàng 

Dòng Tống Phước Trị là đệ nhị công thần của chúa Nguyễn Hoàng 

Ông Tống Phước Trị là tổ của hai ông Tiền Hiền Tống Phước Hiệp, Tống Phước Hòa là bậc danh tướng ,có công gìn giữ Vĩnh Long và Sa Đéc 

Đất Trung Kỳ là đất của Chàm. Người Việt kêu người Champa là người Cham, Chăm, Chàm, Chiêm, Thổ, Mọi , Hời

Cham Pa gồm 5 tiểu quốc là:

- Indrapura (vùng Quảng Bình, Quảng Trị - tương đương với lãnh thổ Lâm Ấp) 
- Amaravati (vùng Quảng Nam, Thừa Thiên) 
- Vijaya (Bình Ðịnh) 
- Kauthara (Phú Yên, Khánh Hòa)
- Panduranga (Phan Rang, Phan Rí)

Vua Chàm Chế Bồng Nga đánh Đại Việt 12 lần.Từ 1371 đến 1383, quân Chiêm Thành 4 lần chiếm đóng Thăng Long và năm 1390, lúc đang tiến vào Thăng Long lần thứ tư, thì Chế Bồng Nga bị tử trận.Cái chết vô cùng lãng nhách , thằng đầy tớ phản chủ qua bên Việt chỉ chiếc thuyền Chế Bồng Nga có một vết sơn xanh nhỏ và Trần Khắc Chân chỉ tập trung hỏa lực bắn vô thuyền nầy là Chế Bồng Nga tử trận

Người Chàm rất xui khi lập quốc cạnh người Việt vì nằm ngán đường của người Việt .Bắc là Tàu,tây là dãy Trường Sơn cao ngút,đông là biển,chỉ còn hướng Nam là con đường sanh tồn của Việt tộc.Nên Chàm bị vong quốc 

Nhưng Chàm vẫn còn đâu đây trong huyết quản người Miền Trung

Khi ông Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng Thống VNCH nhiều người già nói sấm ám chỉ có một ngày một người có máu Chàm làm vua người Việt 

Nhiều người hỏi,vậy dân Chàm hồi xưa ở VN đi đâu mất tiêu hết vậy?

Chiến tranh,loạn lạc,có những vụ đánh nhau ,kể cả tận diệt,nhưng người Việt không thể nào giết hết dân tộc này như nhiều người kết tội,dân tộc này không có nhỏ

Thực ra người Chàm nào chịu ở lại định cư chung với người Việt đã bị đồng hóa,pha máu từ từ,lần hồi thành người Việt hết ráo.Trước tiên đàn ông Việt lấy vợ Chàm,cái phụ hệ của Việt khuất phục mẫu hệ Chàm ,rồi đàn bà Việt lấy chồng Chàm,cái “mẫu hệ” ngầm trong gia đình Việt cũng khuất phục luôn dân tộc này

Nói về đồng hóa bằng hôn nhân thì dân Tàu cũng quỳ lạy dân Việt chúng ta.Người Việt không nề hà,đụng đâu lấy đó ,Chàm quất tuốt,Miên không tha,Tàu quất sạch 

Người Trung mang nhiều máu Chàm trong người.Người Trung có da ngăm đen,vai ngang,mặt vuông, tóc dợn sóng, mắt sâu, má cao,mắt một mí , mũi cao, môi dầy, miệng kín. Rồi cái âm Trung lơ lớ với mô,tê,răng,rứa,hè...ảnh hưởng rõ rệt người Chàm 

Một nhúm Chàm ở Phan Rang ,Phan Thiết do co cụm,sống tách biệt nên vẫn còn bản sắc

Thế hệ đầu tiên ngoài Bắc  vô Trung của Nguyễn Hoàng thành dân Trung Kỳ đã phai lợt từ từ "gốc gác",tới những thế hệ sau thì họ đã là người Đàng Trong,khác hoàn toàn tâm tánh,ăn ở,văn hóa Đàng Ngoài 

Chưa kể lại đối nghịch nhau về chánh trị 

Lịch sử Việt Nam ta có cuộc Trịnh,Nguyễn phân tranh rất nhiều giai thoại thú vị 

Khi họ Nguyễn tạo ra xứ Đàng Trong ly khai vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài thì hiểu rằng người ở phía Nam đã muốn độc lập,cắt đứt với người phía Bắc

Trịnh ,Nguyễn đánh nhau từ 1627 tới 1672 với 7 lần đánh nhau với đại quân 

Trong bảy lần đó quân Trịnh chủ động tấn công đánh quân Nguyễn tới sáu lần,quân Nguyễn chỉ chủ dộng tấn công quân Trịnh trong lần giao tranh thứ năm (1655-1660)

Họ Trịnh dựa vua Lê,người Bắc rất lơ láo ,họ chuyên lấy vua Lê ra làm bình phong cho sự chính danh của họ khiến quân Đàng Trong rất ghét 

Tương truyền trong một trận đánh,hai bên dàn trận rồi mà Đàng Ngoài còn chơi trò lấy lông gà làm lịnh tiễn “vua Lê” 

Một ông quan Bắc chạy xe ngựa có cờ lộng uy nghi ra giữa trận tay giơ cao tờ chiếu la lớn”Chiếu chỉ vua Lê tới đây,quân họ Nguyễn nghênh đón” 

Thoáng ngỡ ngàng , quan bên Nguyễn thấy rằng hai bên đang đánh nhau thì mang chiếu chỉ vua Lê ra làm chi,Đàng Trong đã thực tế là đất của chúa Nguyễn 

Quan Bắc vẫn gân cổ, là thần tử vua Lê thì phải nhận chiếu 

Rốt cuộc súng của quân Nguyễn chỉa thẳng vô ông quan cầm chiếu vua Lê  ngay giữa trận 

Nhớ tới Quốc Phụ xứ Đàng Trong Đào Duy Từ nửa đêm ôm bè chuối vượt sông giới tuyến vô Nam giúp chúa Nguyễn giữ đất Đàng Trong độc lập 

Đào Duy Từ hay Nguyễn Hoàng là bỏ xứ ra đi rồi,bỏ luôn rồi,kiểu "Người ra đi đầu không ngoảnh lại"

Thuận Quảng là đất chó ăn đá gà ăn muối lúc bấy giờ .Kinh tế thấp kém,đất đai rộng nhưng hoang vu,lam sơn chướng khí,lại bị người Chàm đánh miết để đòi lại ,vô đó chỉ có nước chết mà Nguyễn Hoàng tồn tại được là cái không ai ngờ 

Bản thân Nguyễn Hoàng từ năm 1600 đã từng đốt quán trọ,hạ nhục sứ họ Trịnh là Lê Nghĩa Trạch để phản kháng.Sự bất mãn ,phân ly và phản kháng đã từ từ phát diện 

Rốt cuộc, Phú Xuân (Huế) từ năm 1687 thành kinh đô của Đàng Trong 

Chúa Trịnh vua Lê ở Đàng Ngoài.Đàng Ngoài năm nào cũng có đói, thời chúa Trinh các năm 1557, 1559, 1570, 1571, 1572, 1577 hàng loạt trận đói xảy ra 

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các vị sau đó còn làm bộ nhún nhường thần tử,song tới đời Võ vương Nguyễn Phước Khoát (1714-1765 ) mở ra một thời kỳ mới

Năm 1744 lên ngôi vương xưng là Võ Vương cho đúc ấn Quốc Vương với cương vực từ sông Gianh tới Cà Mau ,vạch rõ san hà Nam-Bắc khác nhau 

Ta nhớ tới bài thơ của Đào Duy Từ viết thay chúa Nguyễn trả lời cho chúa Trịnh 

Năm 1762 chúa Trịnh bắt họ Nguyễn Đàng Trong phải thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc vua Lê vào phong cho Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên và đòi Sãi Vương phải cho con về Thăng Long chầu, đồng thời phải nộp 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền làm lễ vật cống nạp nhà Minh

Sãi Vương không chịu nhận chiếu chỉ,không thuận theo điều gì hết ,Đào Duy Từ viết bài thơ trả lời 

Mâu nhi vô dịch,
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch

Phùng Khắc Khoan phải ra tay dịch ra bốn chữ: Dư bất thụ sắc (ta không nhận sắc phong)

Họ Nguyễn không chịu thần phục triều đình,không nhận sắc vua Lê cho nên làm ra bốn câu thơ đó

Đào Duy Từ là người Đàng Ngoài,giỏi nhưng bị chà đạp,nửa đêm ôm bè chuối vượt sông Gianh vô Nam làm Lộc Khuê Hầu giúp chúa Nguyễn độc lập ,cắt đứt Đàng Ngoài 

Họ Trịnh biết,tiếc nên cho người ôm vàng bạc vô Nam dụ họ Đào về Bắc,chúa Trịnh viết thư ưỡm ờ 

“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay”

Đào Duy Từ trả lời rằng: 

“Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

Tháng 1 năm 1775 khi Tây Sơn nổi dậy đánh chúa Nguyễn ,quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc cầm quân đã tiến vô nam đánh chiếm Phú Xuân

Quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân trong 11 năm với 3 vạn quân,cai trị mạnh tay,dân Thuận Hóa ná thở ,oán khí ngập trời 

Nếu coi nhau là đồng bào thì đã không có sự cai trị kinh khủng như vậy 

Năm 1786 quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ tiến ra đánh bật quân Trịnh giải phóng Phú Xuân .Tây Sơn xua quân giết quân Trịnh ,tàn sát gần hết ,một số chạy thoát ra khỏi thành thì bị dân Huế bản địa căm thù ra tay giết 

Trong một ngày khắp Phú Xuân xuất hiện ăn mày nhưng toàn là á khẩu,câm để giấu cái giọng Bắc ,tìm đường chạy ra Bắc thoát thân 

"Lịch Triều Tạp Kỷ" của Ngô Cao Lãng ghi rằng:

"Các lính thủ chạy đi các xóm làng để xin trú ngụ đều bị thổ dân giết sạch......giết hại tất cả đến vài vạn người, chỉ còn vài trăm người là qua được sông Gianh trở về Bắc Hà thôi"

Nguyễn Hữu Chỉnh,Ngô Thời Nhiệm,Đặng Trần Thường đều đã về Nam tìm gió mới ,Nguyễn Du cũng từng đi nhưng không thành công 

Đặng Trần Thường một nho sanh Bắc Hà xuất sắc cũng đã vượt đường cái quan,qua sông núi biển xa vạn dặm vào đến Gia Định 

Đất Bắc với nạn nhân mãn, anh cả,nhà thờ họ,lũy tre làng ,những con đê khổng lồ chặn hết phù sa ,những ông lý như tiểu vương đã là nỗi ám ảnh của nhiều người Việt lúc đó 

Xuôi Nam là con đường mà họ chọn để theo nước đẩy thuyền

"Tiếng ai than khóc nỉ non
Là vợ chú lính trèo hòn Cù Mông"

Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, lập phủ Gia Định gồm hai huyện: Phước Long kể từ tả ngạn sông Sài Gòn ra bờ biển Đông và Tân Bình kể từ hữu ngạn sông Sài Gòn tới sông Vàm Cỏ Đông

Người Miền Nam là con cháu Nam Kỳ,vốn là xứ của lưu dân Ngũ Quảng hiệp cùng người Minh Hương,Chàm,Khmer và bổn địa như Stieng tạo ra 

Cái máu Bắc trong người Miền Nam khai hoang không có bao nhiêu 

Ông bà ta nói đất sanh ra người,người là hoa của đất,là tinh túy của xứ sở , đất tạo ra tâm tánh người dân 

Chúa Nguyễn áp dụng những chánh sách cai trị rất khôn khéo,trước khuyến khích tạo điều kiện cho dân vào Nam khai hoang lập ấp,nói chung làm ăn ổn định cuộc sống trước đã.Sau khi cuộc sống của dân cư đi vào ổn định, Chúa Nguyễn bắt đầu áp dụng chính sách thuế trên đất Miền Nam

Người Nam Kỳ là dân khai hoang tứ xứ,vì kinh hoàng với xứ Bắc nên họ tạo ra văn hóa Nam Kỳ khác văn hóa Bắc  rất nhiều,ví dụ chuyện dòng tộc,lũy tre làng là không có ở xứ Nam 

Miền Nam không có Thị Mầu, không có Chị Dậu, không có Chí Phèo, không có cảnh người dân ngụ cư, làng này đánh làng khác 

Người Miền Nam  không lập gia phả,không có chế định nhà thờ họ.Nam Kỳ thời chỉ thờ cúng trực hệ tổ tiên trong 4 đời.Nam Kỳ bỏ "cả",chỉ công nhận "hai" ,cũng không lấy cái đình làng làm nơi dọa nạt người dân 

Lịch sử lưu dân Nam Kỳ quá trẻ,quá gần ,không có nhiều quá khứ ,nhưng quá khứ huy hoàng 

Bản chất dân Nam Kỳ đôn hậu mộc mạc.Tánh Nam Kỳ lửa rơm dễ nóng ,dễ cháy.Sông rạch và đất nước bao la vì vậy đã tạo cho dân Nam Kỳ tánh khẳng khái, bộc trực, ít chịu cúi lòn, kém thủ đoạn.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mượn chén ăn cơm
Mượn ly uống rượu mượn đờn kéo chơi” 

Đất Nam Kỳ không dễ dàng mà có ,ông bà cũng nẻ chưn tét da,rướm máu,mẻ xương,mất mạng mà giành nó,giữ nó và xây dựng,phát triển nó .Qúa trình dài và đầy máu,nước mắt,ai đọc sử cũng sẽ biết quá trình này 

Một hột giống gieo xuống đất ,đất đó phải xới,phải vun bồi,tưới tẩm,phải dẫn nước ,xẻ mương,mưa thuận gió hòa qua sự điều hòa của trời đất thì hột mới nẩy mầm cho ra cái cây,sanh bông kết trái 

Miền Nam có những mùa hạn khô queo không còn một miếng nước cực khổ thấu trời.Có những vùng nước tù đọng muỗi mòng rắn rít,những vùng phèn vàng khè cháy da cháy tóc .Ông bà Miền Nam phải đổ xương máu ra khai phá,đào kinh,xẻ mương,lên liếp 

Nói gọn lại là đất Nam Kỳ không phải tự dưng trên trời rớt xuống cái chủm cho người Việt ,đất này gốc của Phù Nam rồi Cao Miên ,người Việt phải trầy vi tróc da giữ nó,khai phá nó mới có cơm gạo

Prei NoKor,Phiên Trấn,Gia Định,Phan An,Sài Gòn đã thành một đô thị an vui,no ấm,thạnh vượng của Nam Kỳ Lục Tỉnh,là đô thành của Lục Tỉnh 

"Phủ Gia Định, phủ Gia Định, nhà đủ người no chốn chốn
Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi.
Lạc thổ nhóm bốn dân: sĩ nông công thương ngư tiều canh độc"

Đất Nam Kỳ từ khi lưu dân cắm đất khai phá và Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược thì cha ông chúng ta luôn hướng tới tự do,dân chủ,tôn trọng và muôn đời là như vậy

Sài Gòn là sản phẩm của người yêu chuộng tự do,của tinh hoa Nam Kỳ Lục Tỉnh

"Sài Gòn dễ ở khó về
Trai đi có vợ, gái về có con"

Sài Gòn là cái đỉnh cao của văn minh kiểu Lục Tỉnh,cách chơi Lục Tỉnh,tâm hồn Lục Tỉnh 

Tây Sơn tràn vào,không phải tự dưng mà có "Thảm sát cù lao Phố","Thảm sát Chợ Lớn" ,"Hủy diệt Mỹ Tho đại phố".Mục đích là kiếm một mớ rồi nhân tiện tiêu thổ luôn 

Những ngày đầu từ Phú Xuân vô Nam thì chúa Nguyễn Ánh cũng không là cái gì ,chẳng có danh gì ngoài cái danh “cháu Chúa Nguyễn” 

Lúc này Nam Kỳ đã có quân đội ,dân và hào phú Ba Giồng vì chống sự cướp bóc,giữ an xóm làng đã hùn tiền của,góp con cháu lập ra đạo quân Đông Sơn 3.000 người do Đỗ Thanh Nhơn chỉ huy 

“Năm nầy Thanh Nhơn mới có 42 tuổi, khí lực cường tráng, tánh nết thẳng ngay, dám nói dám làm, không kiêng không vị”(Đỗ Nương Nương báo oán-Tác giả: Hồ Biểu Chánh)

Khi Tân Chánh Vương lẫn Thái Thượng Vương bị Tây Sơn bắt giết ở Sài Gòn thì chúa Nguyễn Ánh nổi lên như người kế thừa khôi phục sự nghiệp của họ Nguyễn
 
Năm 1777 Đỗ Thanh Nhơn đưa Nguyễn Phước Ánh lên làm tôn chủ cho chánh danh.Năm 1780 chúa  Nguyễn Ánh xưng vương

Và chúa Nguyễn Ánh lập mưu giết Đỗ Thành Nhơn đặng đoạt binh quyền 

Chúa Nguyễn Ánh đụng ngay sự phản kháng và bất hợp tác của thuộc hạ ông Nhơn là Võ Nhàn, Đỗ Bảng là những phó tướng,đầu lãnh của ông Nhơn ,họ dẫn quân đi gần hết,cát cứ vùng khác 

Một thời gian dân Nam Kỳ tẩy chay chúa Nguyễn Ánh.Tây Sơn lại hành quân vào,chúa Nguyễn Ánh đánh không thắng được trận nào,chỉ biết chạy lòng vòng

Võ Tánh là em Võ Nhàn,Võ Nhàn chống lại Nguyễn Ánh và cũng bị giết chết,vì vậy Võ Tánh phải bỏ đi chổ khác,sau cùng dẫn binh về cát cứ ở Gò Tre Gò Công 

Từ năm 1784, quân đội Võ Tánh với đạo quân "Khổng Tước nguyên võ" là lực lượng duy nhứt dám dàn trận công khai đánh chận Tây Sơn ở Gia Định.Chúa Nguyễn Ánh nhiều lần “chiêu dụ” Võ Tánh nhưng ông làm ngơ,không thèm nhìn vì thù anh ,ông tự mình đánh Tây Sơn 

Năm 1788 Võ Tánh nghe theo lời các tướng thân cận như Mạc Văn Tô,Nguyễn Văn Hiếu mới đồng ý theo Nguyễn Ánh vì hai chữ “chính danh” 

Tức là Võ Tánh bỏ qua tình riêng 

Nhà Nguyễn được thành lập là nhờ dân Miền Nam 

Chúng ta hiểu rằng với dân Nam Kỳ, họ Nguyễn Phước là họ tượng trưng nhưng không phải là số một 

Tỷ dụ vua Gia Long biết ông Lê Văn Duyệt là người ít học nhưng thẳng thắn và làm kinh tế giỏi nên đối với ông Duyệt có sự biệt đãi,ông Duyệt trung thành nhưng lại có cái cách “thinh thang’” kiểu Nam Kỳ khi Nam Kỳ cho tự do  tôn giáo,mua bán,thông thương, dân an vui no đủ 

Vua Minh Mạng tìm cách phá bỏ ảnh hưởng của phe Nam Kỳ trong Gia Định sau cái chết của ông Duyệt 

Vua đã đưa vào đất Nam “người của mình”,đám này chủ yếu có quê gốc ở Trung và Bắc để thực hiện những đường lối chánh sách mới,kiểm soát và nắm kinh tế,bỏ những ảnh hưởng của phái Gia Định và xóa bỏ mọi uy tín của vị Tả Quân trong dân chúng

Dân Nam Kỳ đã trả lời bằng cuộc đảo chánh của Lê Văn Khôi.Bộ sậu có con cháu Nguyễn Văn Tồn,Nguyễn Văn Thoại,Mạc Cửu ....những vị khai quốc công thần xưa 

Mắc cười thay! Lê Văn Khôi là người gốc Bắc.Điều này chứng tỏ rằng người Miền Nam không bao giờ câu nệ xuất thân,gốc gác,máu mủ.Cứ cùng chung suy nghĩ,cùng bảo vệ quyền lợi thì cứ mặc sức mà thể hiện 

Cuộc đảo chánh này không có phương hướng rõ,do dự,chần chừ và bị vài phần tử phản bội do “hèn” sau lưng nên rốt cuộc không thành công 

Dù trấn áp được cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi thành công,nhưng từ thời Minh Mạng triều đình Huế đã không còn “uy tín” như thời  vua Gia Long
 
Sau 1862 Nam Kỳ thành thuộc địa của Pháp 

Nghị định 82 ký ngày 6. 4. 1878 toàn Nam Kỳ phải chuyển sang chữ Quốc Ngữ,tức chữ La Tinh 

Tức là thủ tiêu chữ Hán và phải học chữ Quốc Ngữ

Năm 1878 chữ Quốc Ngữ áp dụng ở Nam Kỳ đầu tiên,các “tổ sư” chữ Quốc Ngữ áp dụng đầu tiên toàn dân Nam Kỳ như :Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Tống, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản...

“Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Phải như thế vì lợi ích và sự tiến hóa. Vậy, người ta nên tìm cách phổ biến thứ chữ này bằng mọi phương tiện..."(Trương Vĩnh Ký “Vần quốc ngữ” xuất bản năm 1876)

Trong văn hóa Việt tộc ta ,vì xài chữ Quốc Ngữ nên Việt Nam được coi là nước theo hệ chữ La Tinh ,nhưng Việt khác các quốc gia Tây khác như Anh hay Pháp là chữ Quốc Ngữ có rất nhiều dấu

Chúng ta đã có chữ viết,chữ La Tinh tuy là "vay mượn" Tây,nhưng nó thể hiện đúng nhứt về cấu trúc cách nói,ngữ âm của dân tộc Việt,chỉ có 24 chữ ráp lại ,thêm dấu là xong,thể hiện đúng hình và thanh của dân tộc Việt 

Tờ báo quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo, do Pháp lập năm 1865, với chủ bút Trương Vĩnh Ký, rồi Huỳnh Tịnh Của. Tiếp đó đến tờ Nam Kỳ Nhật Trình (số 1 ra ngày 21/10/1897), Nông Cổ Mín Đàm (số 1: 1/8/1901), Lục tỉnh tân văn (số 1: 15/1/1907) v.v... 

Theo tài liệu của Nguyễn Văn Trung (công bố năm 1987), cuốn tiểu thuyết quốc ngữ sớm nhứt viết theo lối Tây phương là "Thầy Lazzaro Phiền" của Nguyễn Trọng Quản, xuất hiện ở trong Nam ngay từ 1887 và bản dịch Tam Quốc Chí đầu tiên, cũng khởi đăng trên Nông Cổ Mín Đàm, số một. (Nguyễn Văn Trung, Lục Châu Học)

Ông Phạm Quỳnh vào Nam năm 1918 hết hồn thấy báo chí,nhựt trình trong Nam nhiều quá 

Người Bắc 54 vô Nam ngạc nhiên khi có cảnh người đạp xe xích lô ở Sài Gòn, buôn gánh bán bưng vào buổi trưa tìm chỗ mát nghỉ ngơi, ngồi gác chân đọc nhựt trình, cảnh không thể có ở ngoài Bắc

Sở dĩ có hiện tượng này bởi vì Miền Nam có truyền thống đọc sách báo của người bình dân mà ở ngoài Bắc không có,bởi Miền Nam đã là vùng đất của quốc ngữ và báo chí, tiểu thuyết, ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khiến nền văn chương bình dân phát triển mạnh ở trong Nam, trong khi ngoài Bắc, sách vở, báo chí phần lớn chỉ dành cho người có học trung lưu 

Tới năm 1910 chánh phủ Đông Pháp mới áp dụng chữ Quốc Ngữ ở Bắc Kỳ 

Nhớ hồi năm 2009  dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội,nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng muốn hiến tặng tượng cha A Lịch Sơn Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) cho Hà Nội 

Linh Mục Alexandre de Rhodes (1591 - 1666) là người có công lớn nhứt với chữ “Quốc Ngữ” Việt Nam ta 

Tuy nhiên sau đó ông Phạm Văn Hạng đã bị một số người lên án thất kinh.Trong khi Sài Gòn đã có đường Alexandre de Rhodes từ xưa rồi

Hà Nội không thể chấp nhận một con đường mang tên Alexandre de Rhodes nhưng lại có đường Mạc Đăng Dung thì cũng đã thể hiện suy nghĩ Nam Bắc khác nhau rồi 

Đi sau Miền Nam nhưng vẫn thích ta đây là anh cả, vẫn thích bố đời 

Thí dụ nữa là ,đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho có từ năm 1885 (ngưng chạy năm 1958).Dân Nam Kỳ kêu và đặt tên là “xe lửa” là từ chuẩn 

Xe vì nó chạy trên bộ,nhưng nó chạy bằng đường ray sắt và đầu máy hơi nước phun ra khói lửa nên kêu là xe lửa,trúng bài 

Sân bay Tân Sơn Nhứt xây ở Nam Kỳ đầu tiên,dân Nam Kỳ kêu sân bay là phi trường,phi cơ,phi công

Không biết vì sao từ máy bay thành tàu bay, từ xe lửa thành tàu hỏa?

Bắc thời đó là xứ kém văn minh,bị bỏ quên,tới những năm 1900 vì toàn quyền Paul Doumer muốn lấy Hà Nội làm bàn đạp tấn công qua Vân Nam nên mới dời thủ đô từ Sài Gòn về Hà Nội và bắt đầu xây hạ tầng

Nên nhớ thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Vilers và ông Paul Blanchy,Chủ tịch Hội đồng quản hạt Nam Kỳ đều chống đối chuyện đem ngân sách Nam Kỳ đầu tư ra Bắc 

Hà Nội toàn đi sau Nam Kỳ 

Nam Kỳ định hình,khái niệm xe lửa,dầu hôi,xe hơi,phi trường,phi cơ là của người Nam đặt ra đầu tiên 

Bắc  đi sau nhưng rất khoái dạy đời,sửa chữ 

Sửa sạch sẽ,từ “nhựt” thành nhật,”bịnh” thành bệnh,”bổn” thành bản,”lộ” thành đường,”nhứt” thành nhất,"bịnh" thành "bệnh","dòng" thành "giòng" 

Cái gì mà tàu bay,tàu hỏa,cảng hàng không,dầu hỏa? 

Và nay lại sửa chữ Quốc Ngữ theo âm Bắc,dám nói đọc kiểu Nam  là sai?Bắc đứng ở chuẩn nào mà dám nói mình chuẩn nhứt ?

Trong gần 100 năm dân Nam Kỳ chỉ biết có Paris mà không nhớ Huế chứ đừng nói tới Hà Nội 

Vua Nguyễn chỉ là một chút hoài niệm của người Nam Kỳ.Dân Nam Kỳ chỉ biết có Thống Đốc,quan chủ tỉnh,chủ quận,đốc phủ sứ,ông hội đồng 

Thành ra giai đoạn Quốc Gia VN,Quốc trưởng Bảo Đại đâu có ở Sài Gòn lâu,ông thích ở Đà Lạt nhiều hơn,ông thích ở bên Pháp,bên Cannes nhiều hơn VN 

Đến độ lúc bị ông Ngô Đình Diệm làm trưng cầu dân ý lật đổ mà Bảo Đại có mặt ở Sài Gòn đâu

Quốc trưởng Bảo Đại dính với Nam Kỳ nhờ lấy bà Nam Phương hoàng hậu ,nếu soi kỹ ông không có dấu ấn nào với đất Nam Kỳ Lục Tỉnh 

Quốc trưởng Bảo Đại không đủ uy tín để cầm đầu đất Nam Kỳ 

Sử  dạy cho chúng ta trước nhứt là kinh nghiệm vì lịch sử không chỉ có quá khứ,sử nối liền quá khứ với hiện tại và tạo ra nền tảng tương lai

Bạn nhìn quá khứ ,cảm nhận hiện tại, hiểu hiện tại và hình dung ra tương lai ,hết thảy nó đi theo một quy luật nhứt quán

Lịch sử chánh trị Việt Nam xưa nay là lịch sử của biến động,chánh trị của binh đao,máu và nước mắt

Nhứt là khi xuất hiện xứ Đàng Trong,xứ Nam Kỳ thì người Bắc hết còn vai trò “độc quyền” trong chánh trị nữa,sĩ phu Bắc Hà không thể khua môi múa mép nữa 

Nam,Bắc,ta có nhiều điều vui và buồn từ ngày đó

Sài Gòn là đô thành,đẹp tuyệt vời,đẹp từ những cái tên đường

Một nhạc sĩ đã viết rằng :

"Cùng nhau đi tới Saigon
Cùng nhau đi tới Saigon
Thủ đô yêu dấu nước Nam tự do
Dừng chân trên bến Cộng Hòa
Người Trung Nam Bắc một nhà
Về đây chung sống hát khúc hoan ca"

Xin ghi nhớ  Trần Đại Định, Võ Tánh,Tả Quân Lê Văn Duyệt,Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy,Cha Cả Bá Đa Lộc ,Lê Quang Định,Trịnh Hoài Đức,Tôn Thọ Tường,Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hui Bon Hoa,Quách Đàm....đã ghi dấu ấn ở đất này 

Đất Miền Nam là đất dân chủ,tự do,biết vị nhân tâm ,hễ ai theo luật chơi thì cứ ở lại

Người Miền Nam không bao giờ nhìn họ hàng xa,cũng không bao giờ lấy số đông dòng họ ra "đè" người ta 

Người Miền Nam không quan trọng huyết thống kiểu "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" 

Ai cũng biết câu đặc tánh Miền Nam  “Bán bà con xa mua láng giềng gần”.Đi đám hay đi ra đường tự dưng có người lạ hoắc xấn xổ nhào lại nhìn bà con xa thì người ta sẽ cảnh giác liền,muốn cái gì đây? 

Mà giàu mới bị nhìn bà con, nghèo thì nó khi dễ phun nước miếng chứ làm gì nhìn bà con.Coi kịch Kim Cương sẽ thấy 

Miền Nam cũng như Huê Kỳ là một hợp chúng quốc tứ xứ,ai có khả năng ,tôn trọng luật chơi,biết giữ đạo lý,biết giữ quyền lợi là cứ chơi . Cái kiểu "Một người làm quan cả họ được nhờ"người Miền Nam không ưng bụng 

Vũ Tài Lục nói rằng :”Không đọc sử không đủ tư cách nói chuyện chánh trị” nên chúng ta phải siêng tìm sử 

Và thêm một câu nữa  xin góp là: “Hãy đọc sử với tư cách của người tử tế “

Lịch sử dân tộc này khá phức tạp,Nam Bắc vốn đã từng  là hai quốc gia riêng và cách suy nghĩ cũng có nhiều khác biệt 

"Tinh hoa" Bắc V gì mà "tụ lại","dồn vào" khi mà văn hóa,cách sống,hát xướng,cấu trúc xóm làng,cúng tế ,lễ nghi Nam Bắc đều khác nhau 

Bà bóng và cách thức lên đồng Nam Bắc cũng khác nhau mà 

Nội ẩm thực,ăn uống cũng khác nhau nữa.Hãy nhớ,đoàn kết là sự tôn trọng,tử tế chứ không phải dạy đời và áp đặt 

Không bàn tới yêu hay ghét kiểu lý tính,không nói ý thức hệ,bỏ hết,cũng không làm “phản động”như người ta hay nói,cứ nhìn lịch sử thôi và so sánh,ai không dám nhìn là đã thua nặng

Lịch sử rất công bằng,nếu cứ cố níu kéo,cứ phá,cứ làm nó nát bấy tất sẽ có sự trừng phạt,khi đó còn tàn khốc hơn trong thực tế 

Lịch sử đã cho người đọc sử thấy rõ ràng là xứ Bắc thời cuối nhà Lê trung hưng đã rất uể oải và không còn cái gì thì lấy đâu ra "tinh hoa" xuôi Nam.Khi mà Lê Chiêu Thống ôm Tàu về ,khi mà một anh "sơn dã" người phía nam sông Gianh như Nguyễn Huệ vô Thăng Long,một anh buôn trầu như Nguyễn Nhạc nhìn vua tôi nhà Lê khinh khỉnh coi thường trước hình ảnh ông vua già tàn tạ Lê Hiển Tôn lê lết lấy hơi lên sắp chết 

Thiệt là dở khi cố đào mồ mả tìm cho ra huyết thống.Để làm gì? Mọi sự là con người thực tại, là đầu óc thực tại, nó không phải chỉ là quá khứ 

Không ai cạp quá khứ ra ăn hoài để no bụng 

Thế giới văn minh luôn xiển dương sự tôn trọng nhau,có tôn trọng mới hiểu biết được.

@hunguyen06
Safechat

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

BA CUỘC ĐỔI HỌ LỚN TRONG SỬ VIỆT



Họ Nguyễn vượt mốc hơn 40 triệu người
Họ Lý đổi sang họ Nguyễn, họ Trần đổi qua họ Trình, họ Mạc chuyển thành nhiều họ… là những cuộc đổi họ lớn gắn với các cột mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam.

1. Từ họ Lý ra họ Nguyễn
Đầu năm 1226 (tháng 12 năm Ất Dậu), Trần Thủ Độ tổ chức đảo chánh lật đổ nhà Lý, đưa Trần Cảnh lên ngôi tức Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258), lập ra nhà Trần (1226-1400).
Nguyên Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông (trị vì 1211-1224) nhường ngôi cho người con gái mới sáu tuổi là Chiêu Thánh công chúa tháng Mười năm giáp thân (cuối 1224), tức Lý Chiêu Hoàng (trị vì 1224-1225). Lý Huệ Tông lên làm thái thượng hoàng, xuất gia đi tu tại chùa Chân Giáo, pháp danh là Huệ Quang thiền sư. Trần Thủ Độ sắp đặt cho con cháu của mình là Trần Cảnh, mới tám tuổi, cưới Lý Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng lại nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông.
Để củng cố nhà Trần, Trần Thủ Độ kiếm cách tiêu diệt tất cả con cháu nhà Lý. Việc đầu tiên là Trần Thủ Độ bức tử thượng hoàng Lý Huệ Tông. Một hôm ngang qua chùa Chân Giáo gặp thiền sư Huệ Quang đang nhổ cỏ trong vườn, Trần Thủ Độ nói rằng: “Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ cái”. Nghe thế thầy Huệ Quang trả lời: “Lời nhà ngươi nói ta hiểu rồi”. Sau đó, Trần Thủ Độ cho người mời thầy Huệ Quang vào triều bàn việc. Huệ Quang biết ý, vào sau chùa thắt cổ tự vận. (1)
Trần Thủ Độ ra lệnh đem gả các cung nhân và con gái họ Lý cho các tù trưởng các bộ tộc ít người ở các vùng núi xa xôi miền biên viễn. Tháng tư năm nhâm thìn (1232), nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần, ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ đưa ra biện pháp quyết liệt là buộc con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.
Gần cuối năm nhâm thìn (1232), tôn thất nhà Lý tập trung làm lễ tế tổ tiên ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm (nay thuộc Bắc Ninh). Trần Thủ Độ cho làm nhà tế lễ bằng tre lá trên một cái hầm, khi con cháu nhà Lý tập trung hành lễ, Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống hết con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề làm cho Trần Thủ Độ lo lắng bấy lâu nay. Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không còn dám về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và họ thay tên đổi họ sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt. (2)
Đặc biệt hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ của Lý Anh Tông đã bỏ nước ra đi năm 1226, cùng đoàn tùy tùng khoảng 40 người vượt biển sang lập nghiệp ở Triều Tiên hay Cao Ly tức Korea. Tám trăm năm sau, con cháu của hoàng tử này đã về Việt Nam thăm lại đất tổ. (3)
Một câu hỏi cần được đặt ra là tại sao triều đình nhà Trần buộc họ Lý đổi thành họ Nguyễn mà không qua họ khác ?. Điều này rất khó trả lời vì không có tài liệu cụ thể, chỉ biết được rằng họ Nguyễn là một dòng họ ít người bên Trung Hoa, và ngược lại họ Nguyễn có nhiều và có sớm ở nước ta. (4) Phải chăng Trần Thủ Độ muốn cho họ Lý hòa lẫn trong số đông người Việt rải rác khắp nước?

2. Họ Trần qua họ Trình
Để quân Minh chóng rút về nước, cuối năm 1427, Lê Lợi chấp nhận giải pháp hòa bình trong danh dự cho cả hai bên: trước đây quân Minh xâm lăng nước ta dưới chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”, nay Lê Lợi đồng ý đưa Trần Cao lên ngôi, xem như quân Minh viễn chinh đã đạt được mục đích ban đầu là đưa người họ Trần trở lại ngôi báu, nay rút về nước trong vinh quang. (5)
Sau khi quân Minh về nước, Trần Cao biết thân phận mình, bỏ trốn về châu Ngọc Ma (Nghệ An), nhưng bi bắt lại, và uống thuốc độc chết. Lê Lợi lên ngôi vua, tức Lê Thái Tổ (trị vì 1428-1433).
Lê Thái Tổ được nước không do một cuộc đảo chánh cung đình mà do công lao chiến đấu của chính ông và gia đình, nên ông ít có thái độ kỳ thị với họ Trần là họ cầm quyền trước đó. Ông có một sách lược rất khôn khéo là ban quốc tính rộng rãi cho các công thần. Ngay khi vừa lên ngôi năm 1428, Lê Thái Tổ ra sắc chỉ cho ghi chép công trạng của những người đã theo vua khởi nghĩa, ban chức tước và quốc tính (họ của nhà vua) cho 221 người. Đây là đợt ban quốc tính nhiều nhất trong lịch sử nước ta, đến nỗi vua Tự Đức đã lên tiếng chê rằng “… cho quốc tính nhiều quá như thế nầy thì nhàm lắm”. (6)
Việc làm này của Lê Thái Tổ bề ngoài xem ra là một đặc ân, nhưng thật sự là một thủ đoạn chính trị ràng buộc các công thần bằng cách đồng hóa các quan vào họ nhà vua để dễ kiểm soát nhằm tránh hậu hoạn. Lê Thái Tổ là một người rất đa nghi. Những công thần đã cùng ông dày công đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước mà có bất cứ một biểu hiện nào khả nghi tức thì bị Lê Thái Tổ tiêu diệt ngay.
Nạn nhân đầu tiên là Lê Hãn tức Trần Nguyên Hãn. Trần Nguyên Hãn dòng dõi Trần Nguyên Đán, lập nhiều chiến công thời kháng Minh, được phong Hữu tướng quốc và họ Lê năm 1428, sau khi Lê Thái Tổ cầm quyền. Lê Hãn cho rằng “nhà vua có tướng như Việt Vương Câu Tiễn, không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được”, nên ông bắt chước Trương Lương, xin rút lui về hưu dưỡng. “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, khi Lê Hãn về ấp Sơn Đông (Sơn Tây ngày nay) hưu dưỡng, ông vẫn bị gièm pha là mưu toan làm phản. Lê Thái Tổ ra lệnh cho người đến bắt. Khi thuyền đến bến sông Sơn Đông, Lê Hãn tự trầm mình qua đời (7) Dĩ nhiên việc trầm mình nầy cũng là một dấu hỏi lớn không bao giờ được trả lời.
Sau Lê Hãn đến Lê Văn Xảo tức Phạm Văn Xảo, bị Lê Thái Tổ nghe lời gièm pha ra lệnh phải chết và tịch thu nhà cửa cuối năm 1430. Dưới triều con của Lê Thái Tổ là Lê Thái Tông (trị vì 1434-1442), thêm ba vị đại công thần bị giết là Lê Nhân Chú (1434), Lê Sát (1437), và Lê Ngân (1437). Ngoài ra còn có Lê Khả và Lê Khắc Phục bị triệt hạ vào năm 1451 thời vua Lê Nhân Tông (trị vì 1443-1459).
Sau khi Lê Nghi Dân bị các tướng lãnh phản đảo chánh và lật đổ năm 1460, Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) được sử sách đánh giá là một minh quân, nhưng lại đi vào vết xe của nhà Trần. Vừa cầm quyền được hai tháng, Lê Thánh Tông hạ chiếu ra lệnh đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ huý của Cung Từ hoàng thái hậu. Bà nầy tên huý là Phạm Ngọc Trần, người làng Quần Lai, huyện Lôi Dương (Thanh Hóa), vợ của Lê Thái Tổ, mẹ của Lê Thái Tông, tức bà nội của Lê Thánh Tông. Nhà vua cho rằng bà nội của mình tên Trần nên yết thị cho dân chúng khắp nước, nơi nào có họ “Trần” đều phải đổi chép thành chữ “Trình”. (😎
Tại sao thời Lê Thái Tổ, rồi đến Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông, các vua không kỵ huý bà Cung Từ mà Lê Thánh Tông lại kỵ huý ? Phải chăng sau những biến động của triều đình kể từ khi Lê Thái Tông bất đắc kỳ tử năm 1442, và Lê Nhân Tông bị Lê Nghi Dân lật đổ và bắt giết năm 1459, Lê Thánh Tông đã dùng cách kỵ huý (như Trần Thủ Độ trước đây) để tách ảnh hưởng của họ Trần, hoặc để ngầm đe dọa con cháu họ Trần đừng kiếm cách lợi dụng tình hình để phục hồi triều đại cũ.
Dầu sao, Lê Thánh Tông chưa đi đến chỗ quyết liệt như Trần Thủ Độ, nghĩa là Lê Thánh Tông vẫn chưa tận diệt họ Trần, và để cho những người họ Trần giữ những chức quan nhỏ như trong đoàn sứ thần gởi sang nhà Minh năm nhâm ngọ (1462) có Trần Bàn, hoặc trong viện Khâm hình của triều đình lúc đó có Trần Phong, nhưng không thấy có nhân vật nào họ Trần giữ chức vụ quan trọng mãi đến thời kỳ loạn lạc sau khi Mạc Đăng Dung đảo chánh (1527) mới thấy vài nhân vật họ Trần xuất hiện trở lại trên sân khấu chính trị nước ta.

3. Họ Mạc đổi thành nhiều họ
Mạc Đăng Dung thuộc dòng dõi Mạc Đĩnh Chi, đỗ cử nhân võ và làm đô chỉ huy sứ năm 1508 (mậu thìn), nhờ thời thế dần dần được các vua nhà Lê tin dùng, thăng dần lên chức thái phó tiết chế các doanh quân thủy bộ, tước Nhân Quốc Công triều vua Lê Chiêu Tông (trị vì 1516-1522). Quyền hành càng ngày càng lớn, Mạc Đăng Dung lấn ép vua Lê và cuối cùng đảo chánh lật đổ vua Lê Cung Hoàng (trị vì 1522-1527), tự mình lên làm vua tức Mạc Thái Tổ (trị vì 1527-1530) lập ra nhà Mạc.
Nhà Mạc cầm quyền từ thời Mạc Thái Tổ đến thời Mạc Mậu Hợp (trị vì 1562-1592), truyền được năm đời trong 65 năm. Trong lịch sử, họ Mạc bị lên án về các lỗi lầm sau đây:
– Tổ chức đảo chánh lật đổ nhà Lê, không trung quân (1527).
– Đầu hàng nhà Minh và cắt đất chia cho nhà Minh (1540).
Trước hết, bất cứ một cuộc đảo chánh nào cũng đều có phản ứng cả. Từ Lê Hoàn, Trần Thủ Độ đến Lê Quý Ly, tất cả đều bị những cựu quan bảo thủ của triều trước, mất quyền lợi đứng lên phản đối. Mạc Đăng Dung cũng nằm trong trường hợp đó.
Thứ đến, chúng ta cần chú ý: ai là người đã lên án gắt gao họ Mạc ? Câu trả lời rất rõ ràng là các sử quan nhà Lê trung hưng là những người đầu tiên lên án họ Mạc. Việc nầy rất dễ hiểu vì nhà Mạc dẹp nhà Lê, nay trung hưng được thì nhà Lê kết tội nhà Mạc. Sau đó là các sử quan nhà Nguyễn vì nhà Nguyễn không muốn ai lật đổ ngôi báu của mình nên lên án tất cả những ai đã tổ chức đảo chánh cung đình.
Nhưng “ở đời muôn sự của chung”, một triều đại (chính quyền) yếu đuối, kém khả năng cần được thay thế bằng một triều đại (chính quyền) khác hữu hiệu hơn để cai trị nước, đó là lẽ tự nhiên, nên việc đảo chánh của Mạc Đăng Dung không đáng bị lên án như các sách vở trước đây đã làm.
Việc đầu hàng nhà Minh và cắt đất xin hàng cần được xét lại trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Sau khi nhà Lê mất ngôi, hai vị cựu thần nhà Lê là Trịnh Ngung và Trịnh Ngang chạy qua nhà Minh tố cáo hành động của Mạc Đăng Dung và xin nhà Minh đưa quân qua hỏi tội họ Mạc năm 1529 (kỷ sửu). (9)
Năm 1533 (quý tỵ), Nguyễn Kim tìm được con của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh, lập lên làm vua là Lê Trang Tông (trị vì 1533-1648) trong lúc đang lưu vong tại Ai Lao. Lê Trang Tông sai Trịnh Duy Liễu cùng hơn mười người đi đường biển từ Chiêm Thành theo thuyền buôn Quảng Đông tới Trung Hoa xin thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh nhà Mạc. Năm 1536 (bính thân), một lần nữa Lê Trang Tông sai Trịnh Viên yêu cầu nhà Minh đánh họ Mạc.
Hành động của vua Lê, kêu gọi người nước ngoài về đánh nước mình, trong đó có ý kiến cố vấn của Nguyễn Kim, không bị một sử gia nào lên án. Việc làm nầy đưa đến kết quả cụ thể là nhà Minh cử Cừu Loan làm tổng đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ đem binh mã sang ải Nam Quan năm 1540. Ngược lại, trong thế yếu, muốn tránh một cuộc chiến mà mình nắm chắc phần thất bại, đồng thời dân Việt sẽ một lần nữa bị đặt dưới ách thống trị trực tiếp của ngoại nhân như thời Mộc Thạnh, Trương Phụ, Mạc Thái Tổ, lúc đó đã lên làm thái thượng hoàng, đành chấp nhận đầu hàng và chấp nhận hy sinh danh dự cá nhân, lên ải Nam Quan (Lạng Sơn) chịu nhục. Nhờ sự nhẫn nhục của Mạc Thái Tổ, nước ta trên danh nghĩa là lệ thuộc Trung Hoa, nhưng trong thực tế vẫn độc lập một phương, vua Mạc vẫn cai trị đất đai từ Lạng Sơn trở xuống, đâu có viên tướng Tàu nào bén mảng sang cai trị. Ai cũng bảo Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh vì quyền lợi gia đình họ Mạc, nhưng giả thiết, một giả thiết không bao giờ có thể quay lại được, Mạc Đăng Dung chống cự quân Minh như họ Hồ, nước ta bị tái đô hộ, thì nhân dân ta còn khổ biết bao nhiêu nữa. Đàng nầy, Mạc Đăng Dung một mình chịu nhục cho trăm họ bình yên. Người ta ưa ca tụng Hàn Tín khi nghèo khổ đã lòn trôn tên bán thịt chợ Hoài Âm (Trung Hoa) như là một gương nhẫn nhục đáng noi theo, nhưng chẳng một ai chịu chia sẻ với nỗi nhẫn nhục vĩ đại của Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung rất buồn tủi về sự kiện Nam Quan (Lạng Sơn) nên về nhà chưa được một năm, ông nhuốm bệnh từ trần năm 1541.
Cuối cùng việc cắt đất nghe ra khá to lớn, nhưng đó chỉ là năm động của những sắc tộc ít người nằm ở vùng biên giới Hoa Việt: Ty Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, và La Phù thuộc châu Vĩnh An, ở Yên Quảng. Chúng ta cần chú ý là những sắc tộc ít người sinh sống trong các động dọc biên giới Hoa Việt không nhất định về theo chính quyền Trung Hoa hay Đại Việt, mà chỉ bên nào mạnh thì họ triều cống để được yên thân. Do đó, việc cắt đất nầy chỉ có tính cách giấy tờ chứ trên thực tế là bên nào mạnh họ theo.
Trong khi đó, sau khi trở về Thăng Long, năm 1596 vua Lê Thế Tông (trị vì 1573-1599) cử người đem hình dạng hai quả ấn của nhà Mạc và vua Lê lên Nam Quan cho đại diện nhà Minh khám xét, nhưng quan nhà Minh không chịu, bắt vua Lê phải thân hành đến gặp. Vua Lê phải chấp hành, nhưng khi đến nơi đợi lâu quá không được gặp quan nhà Minh, vua Lê đành trở về, rối năm sau (1597) lên một lần nữa mới được hội kiến. (10) Sự kiện nầy chẳng khá gì hơn việc Mạc Đăng Dung lên Nam Quan năm 1540.
Vì quá ham lên án nhà Mạc, sử sách lơ là những công trạng đáng nhớ của nhà Mạc. Sau khi Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, rồi chạy sang Trung Hoa. Trước khi từ trần năm 1594, đại tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn để thư lại dặn vua Mạc Kính Cung: “… Họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Còn như dân ta là người vô tội, sao lại nỡ để cho dân mắc vào vòng mũi tên hòn đạn lâu mãi như vậy! Chúng ta nên lánh ở nước khác, cốt phải cẩn thận giữ gìn, đừng lại cố sức chiến đấu với họ nữa. Lại dứt khoát chớ có đón rước người Minh kéo sang nước ta để đến nỗi dân ta phải lần than khốn khổ …” (11)
Đây không phải lời nói suông trong cảnh trà dư tửu hậu, nhưng đây là tâm huyết của một con người sắp nằm xuống trong cơn hoạn nạn cùng cực vì mất nước. Suốt trong lịch sử Việt Nam, chúng ta thường được nghe những lời nói của Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Đặng Dung, hào hùng như vó ngựa tổ tiên, nhưng ít khi được đọc những dặn dò như Mạc Ngọc Liễn, nhân bản, đầy tình tự dân tộc không khác gì lời ru êm ái trong những câu ca dao mộc mạc.
Điểm quan trọng nhất là con cháu nhà Mạc đã không kêu nài van xin người Minh đem quan sang đánh nước ta giống như nhà Lê đã làm. Họ chỉ yêu cầu nhà Minh can thiệp cho họ về sinh sống đất Cao Bằng. Chính họ đã góp công phát triển Cao Bằng, tạo thế đoàn kết kinh thượng và biến Cao Bằng thành một vùng biên giới vững chắc để chống lại Trung Hoa. Công trạng nầy tuy không rực rỡ như đường về phương nam của chúa Nguyễn, nhưng sử sách cũng không thể quên tuyên dương họ Mạc.
Khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, trung hưng nhà Lê (1593), con cháu họ Mạc tẩu tán khắp nước, một số lên Cao Bằng, một số chạy vào Thanh Hóa, Nghệ An ẩn trốn, và một số vào Nam theo chúa Nguyễn. Con cháu họ Mạc đổi ra rất nhiều họ khác nhau. Sách Thế phả ghi rõ là con của Mạc Đăng Doanh, em của Mạc Kính Điển là Mạc Cảnh Huống vào Nam theo Nguyễn Hoàng, sau con là Mạc Cảnh Vinh đổi là Nguyễn Hữu Vinh. (12)Không những chỉ một họ Nguyễn, mà chắc chắn còn nhiều họ khác nữa. Trước đây, những họ nầy không lên tiếng vì một mặt sợ các chính quyền quân chủ trả thù, và một mặt việc sử sách lên án triều đại nhà Mạc ít nhiều gây những ưu phiền cho con cháu họ nhà nầy. Hy vọng sẽ có một ngày nào đó, con cháu những họ nầy thấy rõ rằng nhà Mạc không đáng bị lên án như người ta đã làm xưa nay, bỏ qua những ưu phiền không đáng, sẽ lên tiếng để tìm về gốc gác ông bà mình.

Qua ba cuộc đổi họ trên đây, lý do chính đưa đến việc đổi họ là do tiên tổ các họ nầy đã lên nắm chính quyền, lập triều đại, sau bị truất phế và bị nghi ngờ nên con cháu bị bắt buộc phải đổi họ. Ngược lại, trong lịch sử nước ta, có một dòng họ lớn từ thời Ngô Quyền lập quốc cho đến nay không thay đổi mà mỗi ngày một phát triển, hưng thịnh. Đó là họ Nguyễn Phúc ở Gia Miêu ngoại trang, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thời điểm cực thịnh của họ Nguyễn Phúc là việc lên ngôi năm 1802 của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long (trị vì 1802-1819), đóng đô tại Phú Xuân, cai trị một đất nước rộng lớn nhất so với các triều đại trước, từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Theo thống kê, hiện nay có khoảng hơn 40 triệu người Việt cả ở trong và ngoài nước mang họ Nguyễn.

Gia Nguyễn 

————————————
Chú thích:
A. Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, gọi tắt là Cương mục, bản dịch của Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tr. 448-449.
B. Cương mục, bản dịch, tr. 456.
C. Nguyệt san Làng Văn, Toronto, Canada, số 125, tháng 1-1995, tr. 17.
D. Chỉ cần xem lịch sử danh nhân Trung Hoa, chúng ta thấy rất ít người họ Nguyễn; trong các từ điển danh nhân Việt Nam, họ Nguyễn rất nhiều. Ngày nay, mở danh bạ điện thoại, chúng ta thấy họ Nguyễn chiếm khoảng gần 50%.
1. Thổ quan châu Ngọc Ma (Nghệ An), tên là Hồ Ông, tự xưng là cháu ba đời vua Trần Nghệ Tông (trị vì 1370-1372). Cuối năm bính ngọ (1426), để đáp ứng ý muốn của người Minh trong các cuộc thương thuyết, Lê Lợi cho đón Hồ Ông về, đổi tên là Trần Cao, đặt lên làm vua, lấy niên hiệu là Thiên Khánh. (Cương mục, bản dịch tr. 803-804).
2. Cương mục, bản dịch tr. 864-865.
3. Cương mục, bản dịch tr. 880.
4. Cương mục, bản dịch tr. 1013.
5. Cương mục, bản dịch tr. 1327.
6. Cương mục, bản dịch tr. 1418-1419.
7. Cương mục, bản dịch tr. 1411.

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

Nắng hạn gặp mưa rào??


(Tự sự của một người vợ nhân ngày sinh nhật chồng)

Vậy là hôm nay đã đến ngày sinh nhật Lão Mèo già. 

Cầm tinh con Mèo, Lão hơn mình 7 tuổi, nhưng trông già…khú, gọi vậy nhưng lão chẳng giận.

Hồi mình đồng ý lấy lão, hai đứa ra phường đăng ký kết hôn. Với người Việt,  đám cưới dù ko phải là thủ tục pháp lý thì rất linh đình, nhưng với đăng ký kết hôn, lắm khi chỉ có cô dâu, chú rể.

Đăng ký xong, lão đèo mình về gian phòng tập thể nơi lão ở rồi nhanh chóng…cài cửa lại.

- Giờ mình là vợ chồng hợp pháp rồi, anh…xin phép nhé. Vừa nói, lão vừa làm tới…

Ai ngờ lần đó cũng là thời điểm làm mình bị ngừng cái... chu kỳ. 

Về sau nhớ lại, Lão bảo:

- Em đúng là cái đồ… ruộng hạn lâu ngày.

- Còn anh thì khác gì cơn mưa rào sa mạc? - mình cũng đấu lại, chẳng ngán!

Rồi hai đứa lại ôm nhau, cười như hai đứa trẻ…nhiều năm tuổi.

Được cái, Lão đọc nhiều, nên cũng biết nhiều. Cái gì không biết, mình lại hỏi Lão. Tuy nhiên, Lão lười làm việc nhà nên khi cáu lên, mình mắng Lão: “Anh chỉ được cái chém gió là tài”. Nói cho đúng thì cũng có lúc lão xung phong rửa bát, lau nhà. Nhưng thấy lão làm vừa chậm, vừa không…sạch, nên mình bảo, thôi để em làm cho nhanh, rồi sau chẳng thèm nhờ nữa.

Thương nhất cái khoản Lão trông già trước tuổi. Một hôm mình bảo lão đến trường đón con gái sớm (lớp 2) để về quê. Lúc về nhà lão điên lắm. Hỏi ra thì lão bảo, cô giáo gọi con gái ra cửa bảo “có ông đón về”. Lão bảo cô giáo cấp một rất trẻ mà sao mắt mũi lại kèm nhèm thế!

Lần khác, mình cùng Lão đi bộ quanh nhà. Đang đến đoạn nhà N11B thì có một con bé đi xe máy dừng lại, hỏi Lão, “ông ơi nhà N11B ở đâu vậy ạ?”. Lão điên tiết, bảo đi thẳng đến đầu ngõ rồi hỏi tiếp nhé. Mình bảo con bé, “chính là nhà này em ơi”. Nó rối rít, “em cảm ơn chị ạ”. Lúc đó mình thấy Lão rảo bước rất nhanh, bỏ mặc mình phía sau.

Tối về, Lão trách mình sao lại “bóc mẽ” chồng. Ý Lão là con bé mắt mũi kém thì phải chỉ sai đường cho nó sáng mắt ra. Mình bảo lâu nay mọi người bảo anh già em không tin, nhưng hôm nay thì em thấy rất đúng. Lão giận luôn cả mình, xách gối ra sofa nằm. 

Sau 3 đêm, thấy cũng tồi tội, mình ra nhận lỗi “hôm nọ em hơi quá lời, thực ra anh có già đâu, chẳng qua anh hay đùa. Thôi vào giường ngủ với em đi”. Mình vừa dứt lời, Lão bảo nói thế còn “nghe được”, rồi nhanh chân cắp gối vào giường. Mình là mình đi guốc trong bụng Lão. Lão cũng muốn vào lắm, nhưng sĩ diện, nên khi mình vừa gợi ý phát là lão ok liền (!).

Tối hôm sinh nhật năm ngoái, khi mình đang đứng cửa sổ phòng ngủ xem trời sao thế nào, thì lão bảo, hôm nay mây nhiều (!), chắc chắn có mưa (!) em ạ. Ngó làm gì, vào giường đi…

Tuy hơi ít đọc, mình cũng hiểu ngay ý lão, nhảy tót lên giường.

Nhân ngày sinh nhật năm nay, chúc Lão khỏe mạnh, chăm tập thể dục, chịu khó cạo râu và mặc áo quần màu sáng để trông trẻ ra đôi chút, đỡ gặp phải những người mắt kèm nhèm hoặc đục thủy tinh thể (!) sẽ rất phức tạp. Rồi Lão bảo gì mình sẽ nghe nấy, không cần xem thời tiết mưa, nắng ra sao nữa…

ThanhHuy Trinh

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

AI LÀ TÁC GIẢ HỒ TRƯỜNG?

TỪ KẾ TƯỜNG


"Hồ trường" là một bài thơ cổ nổi tiếng lâu nay vẫn được biết tác giả là Nguyễn Bá Trác, bài thơ "khẩu khí" theo kiểu bất đắc chí của người xưa vẫn thường được anh em trong giới văn chương, báo chí  ngâm nga hoặc đọc cho vui trong bàn nhậu, cùng với bài "Hành phương Nam" của nhà thơ Nguyễn Bính cũng gần một giọng thơ "khẩu khí: tương tự.

Nhưng hoá ra Nguyễn Bá Trác không phải là tác giả mà chỉ là người dịch lại bài "Hồ trường" và đã đăng lần đầu tiên trên tờ báo Nam Phong thời Pháp. "Hồ trường" vốn không phải là bài thơ mà là một khúc ca đặc trưng của vùng đất phương Nam bên... Trung Hoa  không biết tác giả là ai được lưu truyền trong nhân gian rồi tình cờ trong một cuộc rượu Nguyễn Bá Trác (lúc luân lạc bên Trung Hoa) nghe được người bạn mới trong cuộc rượu đọc rồi ghi chép lại.

Lâu nay tôi cũng thường nghe nhiều người bạn "trong giới" ngâm nga hoặc đọc "Hồ trường" trong bàn nhậu lúc xỉn xỉn bằng giọng hào sảng, và cũng được giới thiệu là của Nguyễn Bá Trác. Nay, có tài liệu cho biết rất cặn kẽ về nguồn gốc của bài "Hồ Trường", so lại với "Hồ trường" mà tôi nghe bạn bè đọc trong các cuộc nhậu về tổng thể vẫn vậy nhưng có một vài câu, chữ "tam sao thất bổn". Nếu tài liệu này chính xác, cũng là dịp trả lại "Hồ trường" về nguyên gốc và minh định lại Nguyễn Bá Trác không phải là tác giả mà chỉ là người dịch "Hồ trường".

Âu cũng là điều thú vị về một giai thoại của thi ca, về một bài thơ nổi tiếng lâu nay trong... bàn nhậu.

TÀI LIỆU VỀ HỒ TRƯỜNG

Liem Mai.
𝗕𝗮̀𝗶 𝘁𝗵𝗼̛ 𝗛𝗼̂̀ 𝗧𝗿𝘂̛𝗼̛̀𝗻𝗴
Hồ Trường là tựa một bài thơ nhiều người đọc và yêu mến. Thậm chí một số giáo sư Việt văn đã đọc hay ngâm bài thơ này trong các lớp văn chương bậc trung học ở miền Nam trước 1975. Cuốn Việt Nam Văn học sử Giản ước Tân biên của Phạm Thế Ngũ in năm 1965 tại Sài Gòn cũng có ghi lại bài thơ này. Điều đáng tiếc là ít người biết rõ về nguồn gốc bài thơ. Nguyễn Bá Trác là dịch giả hay tác giả? Tựa bài Hồ Trường là một từ Việt hay Hán Việt? Hồ Trường nghĩa là gi? Đáng tiếc hơn nữa là cho đến tận ngày nay, bài thơ được chép lại tam sao thất bản, nguồn này khác nguồn kia và ít có nguồn nào thật đúng, kể cả từ các nghệ sĩ ngâm bài thơ này. Bài viết này cố gắng giải đáp các thắc mắc này.
Trước hết xin nói về nguồn gốc. Bài thơ này xuất hiện lần đầu trên Nam Phong tạp chí, bản chữ Hán năm 1919, còn bàn Quốc văn năm 1920 do Nguyễn Bá Trác đăng tải. Nguyễn Bá Trác sinh năm 1881 tại Quảng Nam. Ông đậu cử nhân năm 1906, nhưng sau đó quay sang học chữ Pháp, hưởng ứng phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, sang Nhật năm 1908. Để dập tắt phong trào Dông du, Pháp đã tạo sức ép lên Nhật trục xuất các du học sinh người Việt khỏi đất Nhật. Nguyễn Bá Trác sang Trung Quốc, lưu lạc một thời gian rồi trở về nước, ban đầu chịu sự kiểm soát của nhà cầm quyền Pháp, nhưng sau lại cộng tác với Pháp. Khi Nam Phong Tạp chí xuất bản năm 1917, ông là chủ bút phần Hán văn của tạp chí này, còn Phạm Quỳnh là chủ bút phần Quốc văn. Năm 1932 cùng với Phạm Quỳnh, ông tham chính, chức vụ cuối cùng là Tổng đốc Bình Định. Và cũng như Phạm Quỳnh ông bị Việt Minh giết năm 1945.
Bài thơ nguyên tác chữ Hán, là một phần trong bài Hạn mạn du ký (汗 漫 游 記) đăng nhiều kỳ trên Nam Phong tạp chí phần Hán văn. Hạn 汗 (còn đọc là hãn) nghĩa là mồ hôi, Mạn 漫 nghĩa là đầy. Hạn mạn du ký nghĩa là lời kể lại một chuyến đi gian khổ. Sau đó chính ộng Nguyễn Bá trác dịch và đăng lại trong Nam Phong Tạp chí phần Quốc văn, dịch là “Lời ký của một người đi chơi phiếm”. Trong bài ký nhiều kỳ này, Nguyễn Bá Trác kể lại việc một lần tại Trung Hoa, ông gặp một người Việt đồng hương (Nguyên quân), hợp ý, rủ nhau đi uống rượụ. Nguyên Quân mới cất lời ca bài này, theo giọng Quảng Đông. Một người thứ ba, một võ quan Trung Hoa người Trực Lệ họ Lưu, đang uống rược gần đó, vốn có dịp biết Nguyên quân trước đây ở Tokyo (Đông Kinh nước Nhật) thấy bài ca “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái” lấy làm lạ, hỏi về bài thơ. Nguyên quân cho biết đây là một điệu đặc biệt ở phương nam (Nam phương ca khúc), mà chính Nguyên quân cũng hông rõ tác giả. Võ quan họ Lưu mới xin Nguyên quân viết bài ca ra. 

Bài thơ nguyên tác chữ Hán :

Bài thơ chữ Hán bên dưới được chép lại từ Nam Phong tạp chí, phần Hán văn, số 30, có tham khảo bản chuyển ngữ sang Hán Việt của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.

南 方 歌 曲
丈 夫 生 不 能 披 肝 折 檻 爲 世 扶 綱 常
逍 遙 四 海 胡 爲 乎 此 鄕
回 頭 南 望 邈 無 極 兮 天 雲 一 色 徒 蒼 蒼
立 功 不 成 學 不 就 少 壯 有 幾 辰 兮 坐 視 百 年 身 世 驅 陰 陽
撫 掌 狂 歌 問 斯 世 茫 茫 天 地 安 得 知 一 知 己 兮 試 來 對 酌 祐 予 觴.
予 觴 擲 向 東 溟 水 東 溟 之 水 萬 隊 啓 狂 瀾
予 觴 擲 向 西 山 雨 西 山 之 雨 一 陣 何 汪 洋
予 觴 擲 向 北 風 去 北 風 揚 沙 走 石 飛 殊 方
予 觴 擲 向 南 天 霧,霧 中 有 人 開 口 一 飮 蘧 然 醉
天 地 宇 宙 渾 相 忘 予 不 醉 矣 予 行 予 志
男 兒 自 古 事 桑 蓬 何 必 窮 愁 泣 枌 梓 

Nam phương ca khúc (Khúc ca phương nam)
1. Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Giải nghĩa: Kẻ trượng phu khi sống không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời. Phi can 披 肝 nghĩa là xé gan, vạch gan ra cho đời biết lòng trong của mình. Hạm 檻 (bộ Mộc, 18 nét) là cây cột gỗ dùng làm rường nhà hay rường mái hiên. Chiết Hạm 折 檻 nghĩa là bẻ cột, lấy tích Chu Vân thời Hán Thành Đế dâng sớ hạch tội gian thần. Vua bắt tội, Chu Vân uất ức ghì lại gãy cả rường điện. Nhiều bản Quốc văn bài thơ này lại ghi sai thành Bẻ Cật.
2. Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
Giải nghĩa: (Sao lại) rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu? 
3. Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Giải nghĩa: Quay đầu nhìn về phía nam xa xôi, mịt mù hề, bầu trời một màu xanh xanh. Chữ Thương 蒼 (bộ Thảo 14 nét) nghĩa là sắc có xanh. Thiều Chửu giảng Thương Thương (蒼 蒼) là trời xanh.
4. Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thần hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương.
Giải nghĩa: Công không lập thành được, học không xong, trai trẻ còn được bao lâu nữa hề, ngồi nhìn lại thân thế trăm năm chạy theo tháng ngày.
5 Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối hước hữu dư thương.
Giải nghĩa: Vỗ tay mà hát điên cuồng, hỏi đời rằng, đất trời mờ mịt vậy, tìm ở đâu một người tri kỷ, mà đến cùng ta rót chén rượu này. Thương 觴 (bộ Giác 18 nét) nghĩa là chén rượu đã rót đầy.
6. Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan.
Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy vào nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng dữ. Cuồng lạn hay cuồng lan là cơn sóng dữ. Nhiều bản Quốc văn ghi sai thành cuồng loạn.
7. Dư thương trịch hướng tây sơn vũ tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy vào mưa núi tây, núi tây mưa một trận nước lênh láng.
8. Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy theo gió bắc, gió bắc tung cát bay đá chạy mọi phương.
9. Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy.
Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có người há miệng uống say.
10. Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hỉ, dư hành dư chí.
Giải nghĩa: Vũ trụ trời đất đều mất hết, sao ta không say, mà ta làm theo chí ta
11. Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử 
Giải nghĩa: Xưa nay nam nhi đều làm theo chí tang bồng, sao ta lại buồn khổ nhớ cố hương. Phần tử 枌 梓 ghép từ chữ Phần Du và Tử Ly, các loại cây chỉ quê cũ, như cây đa của làng quê Việt.

Bản Quốc Văn (Nguyễn Bá Trác dịch)

Dưới đây là nguyên văn, kể cả dấu nối và dấn chấm câu từ Nam Phong tạp chí, phần Quốc văn. Bài có chữ Xé, viết sai chánh tả thành Sé, và Thân Thế có lẽ in lầm là Thân Thể, xin giữ nguyên.

Hồ Trường

Trượng-phu không hay sé gan bẻ cột phù cương-thường;
Hà-tất tiêu-dao bốn bể, luân-lạc tha-hương.
Trời nam nghìn dậm thẳm; mây nước một mầu sương.
Học không thành, công chẳng lập, trai-trẻ bao lâu mà đầu bạc; trăm năm thân-thể bóng tà-dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang-mang, ai là tri-kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ-trường.
Hồ-trường! Hồ-trường! ta biết rót về đâu?
Rót về đông-phương, nước bể Đông chẩy xiết sinh cuồng-lạn;
Rót về tây-phương, mưa Tây-sơn từng trận chứa-chan;
Rót về bắc-phương, ngọn bắc-phong vì-vụt, đá chạy cát dương;
Rót về nam-phương, trời nam mù-mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết lòng ta hay;
Nam-nhi sự-nghiệp ở hồ-thỉ, hà-tất cùng-sầu đối cỏ cây.

Kết luận : 

Như vậy, Nguyễn Bá Trác là dịch giả chứ không phải là tác giả. Bài nguyên thuỷ chữ Hán là một bài ca đặc biệt phương nam (vùng Lĩnh Nam), không rõ tác giả. Tựa bài ca chữ Hán (Nam phương ca khúc) hay chữ Việt (Hồ Trường) đều do độc giả sau này đặt ra.
Qua bài thơ chữ Việt thấy chữ hồ trường là chữ Việt, do Nguyễn Bá Trác đặt ra. Trước ông chưa ai dùng mà sau ông cũng chưa ai dùng lại chữ này trong thi ca. Chữ Thương trong nguyên tác chữ Hán thì như đã giải thích bên trên, nghĩa là chén rượu đã rót đầy. Có người giải thích chữ mới Hồ Trường là để chỉ một loại bình rượu (một loại bầu hồ lô, phơi khô khoét ruột làm một thứ bình rượu bình dân). Nhưng tôi cho không phải thế. Các nhà Nho xưa thường giữ nguyên tác, ít khi thay đổi khi không có lý do cần thiết. Ta thường nói cạn chén rượu này hơn là cạn bình rượu này. Điểm độc đáo ở đây là từ chữ Thương 觴 (gốc Hán, cũng đọc là tràng hay trường), phát âm theo tiếng Quảng Đông là soeng) ông đã kết hợp với chữ Hồ (chữ Hồ 壺 cũng có gốc Hán, nghĩa là hồ rượu), tạo một hình ảnh lãng tử với hồ lô rượu trên vai.
Tôi có dịp nói chuyện với nhà phê bình văn học Đặng Tiến. Ông cũng đồng ý với tôi về cách hiểu chữ Hồ Trường là chén uống rượu. Ông cho biết thêm là ông có dịp nói chuyện với con cháu của Nguyễn Bá Trác, và họ cũng có cùng ý như thế. Vậy xin ghi lại như một nén hương muộn cho nhà phê bình Đặng Tiến, qua đời hơn ba tháng trước.
Tham khảo trong phần bình luận bên dưới.
Liêm
(08/2023)
Ghi chú: 
Bản Quốc văn bài thơ được chép lại theo cách viết ngày nay: chỉnh lỗi chánh tả (Xé vs sé) chỉnh lỗi đánh máy (Thân thế vs Thân thể, bản tiếng Hán ghi Bách niên thân thế khu âm dương) và bỏ đâu gạch nối (miền Nam bỏ dần từ thập niên 60s, ngoài Bắc có lẽ trước đó)

Hồ Trường

Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường;
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương.
Trời nam nghìn dặm thẳm; mây nước một mầu sương.
Học không thành, công chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc; trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ-trường.
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
Rót về đông phương, nước bể Đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;
Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan;
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết lòng ta hay;
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

 St trên fb Trần Bá Đại Dương