Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

NHÌN LẠI SAU LƯNG (16).

Khi còn trẻ ít khi muốn nhớ, ít khi nào muốn nhìn lại sau lưng. Khi cuộc đời cùn mòn theo năm tháng, người già mới lúng túng vội vàng ghi ghi chép chép lại những gì mình đã trải qua vì sợ ngày nào đó lên đường tay trắng. Nhưng về già rất hay nhớ nhớ quên quên.

Lúc già nhớ mài mại nhiều hơn nhớ đúng, thí dụ như một hôm tình cờ gặp lại em Vân hồi đó học chung lớp sáu mà cứ tưởng là em Thu học chung hồi lớp chín. Cười cười dê dê hỏi: Thu lúc này khỏe không? Chà! Anh thấy Thu vẫn đẹp như ngày nào. Còn chêm thêm mấy câu tiếng Hoa cho nó sang: Thu ngày càng pheo-leng (đẹp), anh thấy Thu không có gì biên-hoa (biến đổi) hết dù anh em mình xa cách đã khá lâu.

Em Vân bị nhìn nhầm nên tự ái, tỏ ra hết sức khó chịu: Thôi cha nội, tui là Vân chớ có phải tên là Thu đâu mà nãy giờ ông cứ thu-đạm-thu-đậm hoài vậy? Với lại tui đâu có đi lấy chồng Đài Loan hay Trung Quốc mà ông pheo-leng với biên-hoa. Ông có biết đàn bà con gái ghét nhất là cái gì không? Là bị đàn ông lấy thân xác bên ngoài của người này để tưởng tượng ra tâm hồn, sắc đẹp hay tình yêu dĩ vãng với người khác. Từ đây, hãy luôn nhớ tên tui là Vân, vì tui hơi nặng ký nên mấy ông hồi xưa gọi là Vân-ú nghe chưa. Cấm ông nói lái.

Mà rồi khi hùng hổ vừa xong, em Vân tư lự lạ lùng: Mà ông lầm từ Vân qua Thu cũng phải, tụi tui khi qua được bên đó vô mỹ viện sửa mặt, sửa mũi, sửa lung tung… theo đúng một model bầu bầu hồng hồng căng căng dễ thương… nên khi thẫm mỹ xong thì ai cũng giống ai, người ngoài khó mà phân biệt được. Nhưng nếu hồi đó ông có thương có yêu có để ý tui thì khi gặp lại ông sẽ nhận ra tui ngay dù có biên-hoa tới đâu đi nữa. Cũng chỉ vì hồi đó ông không chịu để ý tui nên ông mới lầm lẫn đó thôi.

Tắt đài, tôi ngượng ngùng hỏi thêm vài câu cụt ngủn cho đỡ quê rồi bỏ đi chỗ khác. Tôi chỉ biết trách trí nhớ của mình lúc về già sao tệ quá chớ không dám trách cô Vân-ú hay cô Thu-đạm nào hết.

Chuyện cũ Sài Gòn qua bốn mươi năm cũng “biên-hoa” nhiều lắm chớ không còn giống như những gì đã thực sự xảy ra. Một phần do cách viết sử theo định hướng chính trị hay theo sự thiên vị cá nhân, một phần do nguồn sử liệu bị mất mát nhanh chóng quá mà chưa ai lưu trữ một cách khoa học kịp, phần nữa do con người thích nêm mắm nêm muối vào lịch sử cho nó ngon lành.

Thế cho nên đối với những người kể chuyện đời xưa không chuyên nghiệp như tôi, chuyện nhớ mài mại rồi ghi lại sai tùm lum là chuyện rất thường tình. Những người đã từng sống ở Sài Gòn trước năm 1975 có thể phê bình: Nói chi mà nói quá vậy? Dóc tổ, ba xạo... Thôi, hãy thông cảm cho tôi.

Những năm cuối thời học sinh trung học của tôi cũng là những năm cuối của cuộc chiến hai mươi năm 1954-1975. Năm cuối lớp mười hai tôi chưa học hết hai ba bài học cuối. Vì tháng chín năm 1974 tôi mới được lên lớp mười hai, cuối tháng tư năm 1975 khi chưa kịp thi Tú tài (thường vào tháng bảy mỗi năm) thì tôi và các bạn học phải bỏ trường, bỏ lớp, bỏ Sài Gòn hết năm năm. Và cũng nhớ lại rằng có nhiều bạn đã bỏ học luôn. Cho nên những chuyện cũ của Sài Gòn trước năm 1975 tôi thường tìm cách ghi nhớ theo năm học.

Sau Tết 1971 khi tôi đang học lớp tám thì trung tướng Đỗ Cao Trí mất (nếu tôi nhớ không lầm) và ông được vinh thăng đại tướng. Đám tang của ông Trí được phát trên truyền hình Sài Gòn suốt mấy đêm liền. Ông Trí sinh ở Biên Hòa và khi còn sống luôn có nguyện vọng muốn được chôn cất ở Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa nếu chẳng may bị tử trận.

Ông Nguyễn văn Thiệu (tổng thống) và ông Nguyễn Cao Kỳ (phó tổng thống) trực tiếp lo đám tang. Hai ông tỏ ra buồn rầu, tư lự, lo lắng suốt buổi đám tang kéo dài gần nửa ngày. Có lẽ dù ghét hay thương thì sự ra đi của ông Trí chính là điềm báo trước cho hai ông sự hụt hẫng nhanh chóng của quân đội Sài Gòn trong những tháng năm kế tiếp.

Tôi mạo muội chép lại những chuyện có liên quan nhiều ít tới ông Trí và những người cùng thời với ông Trí như sau:

Ngày 23/02/1971 khi chiếc trực thăng chở trung tướng Đỗ Cao Trí vừa cất cánh khỏi sân bay dã chiến bộ tư lệnh tiền phương quân đoàn Ba ở Tây Ninh được chừng mười phút thì phát nổ. Tướng Trí và toàn bộ các binh sĩ, sĩ quan, phi công tháp tùng cùng ông trên chiếc máy bay trực thăng đó đều tử vong. Nguồn tin trong quân đội cho biết: Trước ngày máy bay nổ khoảng nửa tháng, tướng Trí đã ra lệnh thay thế toàn bộ phi công, sĩ quan tùy viên, cận vệ cũ… bằng các người mới tâm phúc hay cùng họ hàng với ông. Sau này ông dân biểu Võ Long Triều có viết lại: Có lẽ trước khi chết ông Trí đã linh tính hay biết trước một âm mưu nào nó sẽ xảy đến cho ông cũng không chừng.

Cho tới nay chưa tìm ra được nguyên nhân tại sao máy bay của ông Trí bị nổ. Một số người thì cho rằng đó là do sự tranh giành quyền lực giữa các tướng lãnh chỉ huy ở miền Trung với ông Trí do tin tức ông Trí sẽ được bổ nhiệm chức vụ tư lệnh quân khu và quân đoàn Một thay thế cho ông Hoàng Xuân Lãm (tư lệnh quân khu Một 1966-1972). Ông Lãm đã chỉ huy quân đội Sài Gòn tại miền giới tuyến từ giữa năm 1966 nhưng càng ngày càng không làm được việc. Ông Lãm thiếu tin tức tình báo nên để xảy ra tình hình quân sự tồi tệ ở ở Huế năm 1968 khi Hà Nội chiếm giữ Thành Nội gần một tháng ròng, và rồi lại tiếp tục sa lầy ở Hạ Lào ngay vào đầu tháng hai năm 1971 khi mới đem quân vượt qua biên giới Lào- Việt.

Hồi ký, hồi ức chiến tranh xuất bản ở Mỹ sau này (như của dân biểu Võ Long Triều và một số sĩ quan làm việc ở quân khu Ba trước năm 1975) cho rằng chính ông tổng thống Nguyễn văn Thiệu là tác giả vụ nổ máy bay để giết ông Trí vì sợ ông Trí với ảnh hưởng càng ngày càng lớn trong quân đội sẽ đứng ra tổ chức hay châm ngòi cho một cuộc đảo chính quân sự tại Sài Gòn nhằm ngăn ông Thiệu đứng ra tái ứng cử chức vụ tổng thống trong năm 1971.

Năm 1971 tình hình miền Nam dưới sự lãnh đạo của ông Thiệu xuống dốc do Mỹ rút quân và giảm viện trợ. Uy tín của ông Thiệu xuống rất thấp do ông và gia đình vắng mặt tại Sài Gòn ngày Tết Mậu Thân trong khi Cộng quân tấn công vào tận thủ đô. Uy tín xuống thấp do nhiều người nghi ngờ ông hấp tấp loại trừ những người thuộc của phe ông Kỳ bằng nhiều thủ đoạn khó chấp nhận, do điều hành kinh tế quá bết bát khi không biết xử dụng tốt đồng tiền viện trợ của Mỹ, do để xảy ra nạn buôn lậu hàng hóa triền miên trong quân đội. Ông Thiệu không hề khống chế được nạn tham nhũng, lại tìm cách tăng thuế và phí lên cao… Những điều đó làm những người đối lập thuộc phe thứ ba chỉ trích kịch liệt.

Đến đầu năm 1975 thì cả các tu sĩ thuộc giới Công giáo cực hữu trước giờ ủng hộ chính quyền Sài Gòn cũng lập phong trào chống tham nhũng chống lại ông Thiệu, đòi ông Thiệu từ chức để cứu vãn tình hình miền Nam.

Khi viện trợ Mỹ bắt đầu giảm dần và người Mỹ chủ trương rút quân Đồng Minh ra khỏi miền Nam, để bù đắp ngân sách bị thiếu hụt ông Thiệu đã cho ban hành luật Thuế Kiệm ước với thuế suất một trăm phần trăm đánh trên hàng hóa đang lưu hành trên thị trường, mới xuất xưởng, hay mới nhập khẩu. Ngay lập tức đồng tiền Việt Nam bị rớt giá thê thảm, người ăn lương cố định như binh lính, công chức, tư chức bị thiệt hại nặng nề.

Sau hai ba năm cầm quyền thì ngay cả quân đội trước đây luôn ủng hộ ông Thiệu cũng bắt đầu chán ông Thiệu. Năm 1971 dự định có bầu cử tổng thống, ông Thiệu lại muốn một mình một ngựa được làm tổng thống lần nữa nên đã tổ chức bầu cử độc diễn và rồi đã thắng với số phiếu bầu khó tin là chín mươi bốn phần trăm. Những tướng lĩnh và binh sĩ ngoài chiến trường sau vụ bầu cử gian lận này lại càng không thích ông Thiệu, do họ chẳng có mấy quyền lợi hay được ưu ái gì khi ông Thiệu tiếp tục không quan tâm tới tình hình quân sự mà chỉ lo thao túng chính trường.

Ngay cả ông Trí là người lúc ban đầu thuộc phe ông Thiệu cũng tỏ ra rất khó chịu khi biết ông Thiệu dự định sẽ ra tái ứng cử vào năm 1971.

Năm 1967 ông Trí quay trở lại quân đội và được phục chức trung tướng là nhờ ông Thiệu cất nhắc. Tuy nhiên với bản tính của một người miền Nam không khéo léo ăn nói và không biết làm chính trị như người Bắc hay người Trung, nên chỉ sau một thời gian ngắn làm việc dưới quyền ông Thiệu, ông Trí đã bắt đầu có những phát biểu không khôn khéo ngầm ý sẽ làm đảo chính để quân đội cải thiện tình hình ở miền Nam vì ông Thiệu quá lừng khừng, quá tính toán, không dứt khoát… dẫn tới không được việc.

Ông Thiệu luôn muốn chỉ huy trực tiếp các đơn vị quân đội nên thiết lập trong dinh tổng thống một hệ thống liên lạc quân sự thẳng tới tận các quân khu, các tiểu khu tỉnh và chi khu quận… mà không cần thông qua hệ thống liên lạc chính thức đặt trong bộ Tổng tham mưu của tướng Cao văn Viên. Nhưng vì không dành nhiều thời gian cho quốc phòng bằng dành thời gian cho những công việc chính trị linh tinh nên hậu quả là các đơn vị quân đội trên chiến trường thường không nhận được mệnh lệnh đúng và kịp thời từ ông Thiệu, điều đó gây ra nhiều thiệt hại, tạo ra sự bất mãn của binh lính với cấp chỉ huy.

Ông Thiệu thâm trầm bao nhiêu thì ông phó Kỳ phổi bò to tiếng bấy nhiêu. Còn ông Trí là dân Nam Bộ ruột bỏ ngoài da nên ưa nói những chuyện to tát mà chưa chắc gì ông dám làm. Tuy nhiên ông Thiệu nghĩ với uy tín trong quân đội quá lớn, phát biểu của ông Trí nhiều khi sẽ mang tính định hướng cho người khác chống lại ông Thiệu. Ông Thiệu có thể nghi ngờ: Cuộc đảo chính nếu xảy ra trong tương lai chắc chắn không phải do ông Trí chủ mưu, nhưng những người khác vì nghe lời công kích của ông Trí mà sẽ đứng ra thực hiện cho bằng được.

Suốt mấy chục năm nay chưa có một điều tra nào để giải thích nguyên nhân về cái chết đột ngột thê thảm của ông Trí cùng với đoàn tùy tùng trên bầu trời biên giới, nên mọi chuyện vẫn còn bỏ ngỏ với nhiều suy đoán khác nhau. Việt Cộng đã cho đặc công đặt thuốc nổ trước khi máy bay cất cánh hay máy bay bị trúng đạn phòng không? Một số tướng lĩnh miền Trung phe ông Lãm đã giết ông Trí? Ông Kỳ hậm hực chuyện cách chức ông Khang và chuyện ông Loan bị bắn què chân nên trả thù ông Thiệu bằng cách giết ông Trí? Người Mỹ đã giết ông Trí để tránh một cuộc đảo chính nữa sẽ làm miền Nam mất ổn định thêm? Ông Thiệu giết ông Trí vì sợ ông Trí cổ vũ đảo chính?

Thời gian trôi đi và rồi cũng có nhiều ý kiến từ những người có thời gian làm việc sâu sát với ông Thiệu, họ cho rằng ông Thiệu trong thời gian làm tổng thống do bản tính do dự và rất tin tưởng vào câu “ác giả ác báo” nên chưa bao giờ dám hại ai hay ra lệnh hại ai tới chết. Những cái chết đầy ẩn uất trong thời ông Thiệu như tướng Đỗ Cao Trí, tướng Nguyễn văn Hiếu, giáo sư Nguyễn văn Bông… lúc đó người ta thường nghi ngờ là do ông Thiệu làm. Tuy nhiên sau năm 1975 phía Hà Nội nhận làm vụ ông Bông, còn vụ tướng Hiếu và vụ tướng Trí thì càng ngày người ta càng có cảm giác rõ ràng là ông Thiệu không có động cơ mạnh đến nỗi phải ra tay vì điều đó hoàn toàn không có lợi cho ông Thiệu, vốn là một người ưa do dự tính toán thiệt hơn và khá lành tính.

Bốn mươi năm sau chiến tranh nhiều người tìm cách nhìn rõ lại tư cách, tính tình và hành động thường ngày và trong quá khứ mấy chục năm làm tướng hay làm chính trị của ông Thiệu, kết quả là những nghi ngờ về vai trò của ông Thiệu trong cái chết của tướng Trí cũng dần dần biến mất.

Cái chết của tướng Trí là một tổn thất lớn lao cho thế và lực của quân đội Sài Gòn ngay sau thất bại của trận Hạ Lào. Lúc đó ông Trí đang giữ chức tư lệnh quân khu và quân đoàn Ba, nơi tập trung mọi quyền lực tối cao của chính quyền miền Nam. Nếu tình hình quân khu Ba đi xuống do cái chết bất ngờ của ông, thì điều này sẽ ảnh hưởng nhanh chóng tới toàn bộ các quân khu khác tại miền Nam.

So sánh với các tướng tư lệnh quân khu cùng thời như tướng Hoàng Xuân Lãm ở khu Một, tướng Ngô Du khu Hai, tướng Ngô Quang Trưởng khu Ba… thì tướng Trí luôn được đánh giá cao hơn do thời gian tác chiến thâm niên, am hiểu và có thành tích quân sự ở mức chiến thuật và mức chiến lược hơn hẵn các vị tướng Sài Gòn thời đó. Cái chết của tướng Đỗ Cao Trí vào năm 1971 cùng với sự rút quân triệt để của người Mỹ đã thực sự gây ra ảnh hưởng lớn tới toàn thể chiến trường Đông Dương.

Sau năm 1971, phía Hà Nội bắt đầu thực hiện những tính toán, những kế hoạch quân sự lớn lao mà không cần phải dè dặt như trước nữa.

Ông Hoàng Xuân Lãm gốc Quảng Trị vào năm 1971 đang nắm quân khu Một. Ông này ăn nói văn hoa nhưng làm việc thiếu dứt khoát nên không được cấp dưới nễ trọng. Do thời gian tác chiến ít, chỉ chuyên quản lý chung chung nên khả năng quân sự của ông Lãm khá hạn chế. Năm 1971, ông làm tư lệnh cuộc hành quân Lam Sơn ở Hạ Lào nhưng đã không điều khiển được các sĩ quan và đơn vị dưới quyền, tới khi ra lệnh rút quân ra khỏi mặt trận lại mang tai tiếng là bỏ rơi binh sĩ.

Ngay khi trận Hạ Lào diễn ra được khoảng tuần lễ và rồi các đơn vị dưới quyền của ông Lãm bắt đầu bế tắc tiến không được mà lui cũng không xong, phía Sài Gòn manh nha có ý định (hay chỉ là tin đồn) sẽ đưa tướng Trí ra thay ông Lãm. Tuy nhiên, ngày 23/02/1971 khi đang chỉ huy một cuộc hành quân lớn ở khu vực Tây Ninh thì ông Trí tử trận.

Năm 1971 quân khu Hai và quân đoàn Hai nằm dưới quyền ông Ngô Du. Ông Ngô Du người gốc Bình Định xuất thân từ một gia đình chuyên buôn bán ngoại thương có qui mô toàn quốc từ thời Pháp. Chuyện đi lính với ông này có lẽ đơn thuần chỉ vì tuân thủ lệnh động viên của ông Bảo Đại đối những người có bằng cấp Tú tài nhằm đào tạo một lớp sĩ quan quân đội mới người Việt trẻ thay thế cho lớp sĩ quan cũ thường là người Pháp hay người bản xứ có quốc tịch Pháp. Khi đi lính ông Du ít có dịp xông pha trận mạc nên thiếu kinh nghiệm đối đầu với những trận chiến gai góc vùng rừng núi như ở quân khu Hai.

Địa bàn quân khu Hai khá rộng từ Bình Định cho đến tận Bình Thuận ven biển và bao trùm luôn vùng Tây Nguyên giáp giới với Lào và Campuchia. Vùng Tây Nguyên là vùng tranh chấp chiến lược do vị thế trung tâm của nó đối với Đông Dương. Ông Ngô Du không đủ tầm để quản lý khu Hai. Quá mệt mỏi vì chiến trận Mùa hè đỏ lửa ở Tây Nguyên, ông Du tỏ ra chán nản nên xin thôi chức tư lệnh khu Hai, và cuối cùng xin giải ngũ vào năm 1974 với lý do phải dành nhiều thời gian đi chữa bệnh tim.

Duy chỉ có tướng Ngô Quang Trưởng xuất thân từ lính nhảy dù thì có thâm niên và thành tích tác chiến khá dày. Tuy nhiên ông Trưởng chưa có cơ hội được đào tạo bài bản nghiệp vụ quân sự ở các trường nổi tiếng nước ngoài như ông Thiệu hay tướng Trí, ông Trưởng cũng ít kinh qua các trọng trách lớn trong quân đội nhiều năm như tướng Trí. Tuy vậy, tướng Trưởng được các sĩ quan và binh sĩ cấp dưới nễ trọng do sống rất thanh liêm và rất giỏi trận mạc, có khả năng điều động, phối hợp tác chiến cho các đơn vị quân đội từ cấp tiểu đoàn lên tới cấp quân đoàn.

Trong lịch sử chiến tranh 1954-1975, thực tế cho thấy có rất ít tướng lãnh có khả năng thay đổi tình thế chiến trận như đại tướng Đỗ Cao Trí và trung tướng Ngô Quang Trưởng. Những năm cuối chiến tranh có thêm tướng kỵ binh Trần văn Khôi và tướng bộ binh Lê Minh Đảo nhưng hai người này được đánh giá chỉ ở tầm giỏi chiến thuật chớ chưa có cơ hội thể hiện tài năng ở mức chiến lược như ông Trí và ông Trưởng.

Tóm lại: Cái chết của ông Đỗ Cao Trí tạo ra một lỗ hổng quá lớn về chiến thuật và chiến lược cho quân đội Sài Gòn.

Tướng Ngô Quang Trưởng không hề bị tai tiếng về vấn đề tiền bạc tham nhũng như nhiều tướng lãnh Sài Gòn cùng thời. Sài Gòn có cả trăm sĩ quan cấp tướng nhưng chỉ có bốn năm ông tướng sạch: Nhất Trưởng, nhì Thanh, tam Chinh, tứ Hiếu… hay: Nhất Thắng, nhì Thanh, tam Chinh, tứ Trưởng.

Khác với ông Trưởng, ông Đỗ Cao Trí khi làm tư lệnh quân khu Một dưới thời ông Diệm dính líu đầy tai tiếng vào việc giữ gìn giùm tài sản vàng bạc của ông Ngô Đình Cẩn ở Huế sau ngày đảo chính 01/11/1963. Ông Trí không chịu trả lại cũng không công khai sung vào công quĩ số tài sản của ông Cẩn mà ông nhận giữ giùm. Người ta nói ông Trí muốn ông Cẩn chết nên đã lobby với các tướng trẻ tử hình ông Cẩn để bịt đầu mối vụ giữ giùm tài sản đó.

Một số người Công giáo thì cho rằng có hai người rất muốn ông Cẩn chết, một người là ông Trí do muốn chiếm số tài sản giữ giùm ông Cẩn, người thứ hai là ông Thích Trí Quang do lo sợ ông Cẩn ở tù lâu quá rồi khai ra mối quan hệ giữa ông Quang và Đảng Cần Lao.

Cuối năm 1964 ông Trí bị ông Nguyễn Khánh cách chức rồi buộc phải giải ngũ do ông Khánh nghi ngờ ông Trí có liên quan tới cuộc đảo chính do tướng Dương văn Đức cầm đầu. Có thời gian ông Trí đi làm đại sứ tại Hàn Quốc.

Trong những tướng trẻ nổi lên sau ngày 01/11/1963 thì tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ về mặt hình thức tỏ ra có năng lực và quyết tâm làm chính trị nhiều nhất. Ông Kỳ bắt đầu tham gia chính trường sau ngày 01/11/1963 và lên làm thủ tướng năm 1966. Thành tích lớn nhất của ông Kỳ là xóa sổ phong trào Phật giáo miền Trung tranh đấu của ông Thích Trí Quang và đã tạo mọi cơ sở pháp lý nhằm tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống trong năm 1967.

Ông Kỳ ít chịu suy nghĩ, không thích nghiên cứu, học hành nếu so với nhiều tướng lĩnh Sài Gòn khác. Giới tướng trẻ nổi lên sau ngày đảo chính 01/11/1963 thường tốt nghiệp các trường đại học quân sự nước ngoài hay trong nước nhưng ông Kỳ thì thích ca hát nhảy múa và làm bạn với giới văn nghệ chớ không học thêm. Qua thực tiễn mấy năm tham gia chính trường người ta thấy ông Kỳ không hề có khả năng làm chính trị và cũng không thể vãn hồi tình hình an ninh quốc phòng đang rất xấu tại miền Nam.

Tình hình miền Nam bắt đầu trở nên hết sức tồi tệ sau đảo chính 01/11/1963. Người Mỹ lúc đầu thích tác phong nhanh nhẹn, khả năng nói tiếng Anh và tiếng Pháp lưu loát của ông Kỳ và hy vọng sự năng nổ của ông Kỳ sẽ làm nên việc… nhưng rồi họ khá thất vọng vì ông Kỳ ít làm việc cụ thể nhưng hay đề cập đến những kế hoạch viển vông không kết quả. Ông Kỳ hay chê bai những tướng lĩnh khác, nhất là chê bai ông Thiệu, nhưng ông cũng không làm được gì tốt hơn hay hơn những người bị ông chê bai.

Ông Kỳ cũng bị dư luận nghi ngờ trong khoảng thời gian 1963-1968 đã xử dụng các đơn vị vận tải của không quân và hải quân chuyên chở hàng cấm thông qua cửa khẩu phi trường Tân Sơn Nhất và Cảng Sài Gòn, rồi kết hợp với bọn tài phiệt người Hoa đem hàng ra thị trường bán giá rẻ lũng đoạn nền kinh tế. Một số lớn hàng hóa nhu yếu phẩm dạng này như thuốc lá, đường, thuốc tây... được bán vào khu kháng chiến. Phía ông Kỳ sau năm 1968 khi bị mất hết quyền lợi lại tố cáo những người thận cận của ông Thiệu như tướng Đặng văn Quang và tướng Chung Tấn Cang tổ chức buôn lậu.

Ông Kỳ sau này hay cay đắng kể lại chuyện chính ông đã hoạch định cuộc bầu cử tổng thống năm 1967 nhưng rồi phải làm phó cho ông Thiệu vì không được quân đội đề cử, người Mỹ không giúp và không thể cầm lòng trước sự bi lụy của ông Thiệu. Năm 1967 khi còn làm thủ tướng chính ông Kỳ đã sắp xếp tổ chức cuộc bầu cử tổng thống để lập ra nền Đệ nhị Cộng Hòa. Tuy nhiên trước cuộc bầu cử, ông Thiệu dùng mọi cách ép ông Kỳ phải đứng phó cho mình. Ông Thiệu đã thắng với sự hậu thuẫn của người Mỹ và do xử dụng các thủ thuật bầu cử, kiểm phiếu gian lận không minh bạch.

Lên làm tổng thống, ông Thiệu cần lôi kéo các tướng lĩnh có thực tài cũng như cần loại bỏ phe sĩ quan gốc Bắc hay gốc không quân thân cận với ông Kỳ. Đó là lý do vào cuối năm 1967 ông Đỗ Cao Trí được lệnh quay trở lại quân đội với chức tư lệnh quân khu Ba kiêm tư lệnh Biệt khu thủ đô thay cho ông Lê Nguyên Khang (phe ông Kỳ). Ông Khang quay trở lại nắm sư đoàn Thủy quân lục chiến.

Ông Trí nắm quân khu Ba chưa được mấy tháng thì xảy ra cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân…

Vào đợt hai của cuộc chiến trên đường phố Sài Gòn (tháng năm của năm 1968), các sĩ quan thân cận của ông Kỳ không hiểu sao tụ tập hết lại trong trường Phước Đức (cách chợ vãi Soái Kình Lâm khoảng 500 mét) để rồi trúng một quả rocket từ một máy bay Mỹ khiến nhiều người bị thương và nhiều người bị chết. Sau tai nạn bị bắn nhầm này phe ông Kỳ tan tác hết cả. Phe ông Kỳ không dám làm lớn chuyện vì trong số các sĩ quan bị thương hay bị chết có người không hề có trách nhiệm chỉ huy tác chiến như ông giám đốc Cảng Sài Gòn, ông Đô trưởng Sài Gòn, mấy ông sĩ quan quan thuế…

Nhiều suy đoán cho rằng những sĩ quan thuộc phe ông Kỳ hôm đó vào Chợ Lớn không phải để chỉ huy binh sĩ hành quân mà nhằm mục đích chính là để bảo vệ số hàng hóa nhập lậu mới bốc xếp từ Cảng Sài Gòn đem về gởi tạm trong các kho hàng của tài phiệt Chợ Lớn dịp trước và sau Tết.

Ông Kỳ sau năm 1968 dù làm phó tổng thống nhưng không còn một chút binh quyền nào do các cấp dưới đầy quyền uy như tướng tư lệnh cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan, tướng Lê Nguyên Khang, tướng Lưu Kim Cương, giám đốc Cảng Phó Ngọc Chụ đã bị loại ra khỏi cuộc chơi hay bị hạn chế quyền lực.

Tuy bị hai đợt tấn công tập trung của Hà Nội bao gồm quân chủ lực, du kích và biệt động khá nặng nề vào đầu năm và vào tháng năm 1968, tình hình các địa phương thuộc quân khu Ba cũng như ở thủ đô Sài Gòn được tướng Trí nhanh chóng ổn định. Trong khi đó đã có những thiệt hại quá lớn về người và mất mát lãnh thổ khá lớn ở Huế và miền Trung. Miền Trung và Cao nguyên thì tình hình biến động triền miên sau năm 1968 cho tới giữa năm 1975.

Nhiều người đánh giá cao khả năng ổn định tình hình quân sự nhanh chóng của tư lệnh quân khu Ba mới lên là ông Trí so với sự lộn xộn dưới thời ông tư lệnh Lê Nguyên Khang (1965-1967) hay dưới thời tướng Nguyễn Bảo Trị (1965). Người ta cũng nhấn mạnh ông Trị và ông Khang là người của ông Kỳ. Dư luận báo chí Sài Gòn nhân chuyện này cũng muốn rõ ràng rằng người chỉ huy quân sự phải thực sự biết làm quân sự chớ không phải được phân công bổ nhiệm theo kiểu phe nhóm mang chất chính trị như ông Kỳ đã từng làm.

Tình hình quân sự sau Tổng công kích Tết Mậu thân 1968 ở quân khu Ba khá ổn định, tuy nhiên kéo dài chưa được hai năm thì vào năm 1970 tới Campuchia biến động, rồi xứ này rơi vào một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài gần hai mươi năm mới tạm yên. Ông tướng Lonnol đảo chánh Quốc vương Sihanouk bên Miên dẫn tới việc tướng Trí đưa quân Sài Gòn từ quân khu Ba và quân khu Bốn vượt biên giới đánh vào các mật khu của Trung ương Cục R.

Nhưng thật là đột ngột, vai trò của tướng Đỗ Cao Trí trong cuộc chiến hai mươi năm 1954-1975 đã hoàn toàn chấm dứt vào ngày 23/02/1971.

Tới đầu năm 1972 người Mỹ chỉ còn giữ một quân số tượng trưng tại miền Nam là sáu mươi ngàn người bao gồm các đơn vị tác chiến bộ binh và thủy quân lục chiến, cố vấn quân sự và các đơn vị hậu cần. Nhưng lính Mỹ không được phép chiến đấu trực tiếp nữa mà chỉ hỗ trợ vận tải, phi pháo… cho các đơn vị quân lực VNCH. Người Mỹ gọi đó là Việt Nam hóa chiến tranh.

Một năm sau cái chết của tướng Trí tức vào ngày cuối của tháng ba năm 1972, phía Hà Nội đưa mười vạn quân tác chiến tinh nhuệ trang bị vũ khí tối tân và đầy đủ hơn cả quân đội Sài Gòn, có pháo hạng nặng và xe tăng hộ chiến, đồng loạt tấn công trên ba mặt trận Quảng Trị, Tây Nguyên và Bình Long.

Ngày đó tôi đang học lớp chín.

Trong ba mặt trận lớn của Mùa hè đỏ lửa năm 1972 thì mặt trận Quảng Trị kéo dài nhất, gây thương vong cho các bên tham chiến nhiều nhất. Sau bốn mươi năm xem xét lại, có thể nói về phía quân đội Sài Gòn chỉ duy nhất có một tư lệnh chiến trường đã thành công trong trận chiến mùa hè này, đó chính là tướng Ngô Quang Trưởng. Trong trận Quảng Trị, về phía Hà Nội có tướng Văn Tiến Dũng cùng tướng Trần Quí Hai chỉ huy trực tiếp.

Đối đầu với bốn mươi ngàn quân Hà Nội được bổ sung quân số liên tục băng ngang qua giới tuyến tấn công Quảng Trị, tướng Ngô Quang Trưởng (sau khi được bổ nhiệm thay thế tướng Hoàng Xuân Lãm) đã áp dụng chiến thuật “xa luân chiến” và “tao ngộ chiến” trên dãi đồng bằng miền Trung khá hẹp với các lực lượng tổng trừ bị thay phiên nhau lùi và tiến quân trên ba hướng tấn công. Hướng bắc tiến thẳng về thị xã Quảng Trị, hướng tây và hướng đông của Quốc lộ Một nhằm giải tỏa áp lực địch quân với sự yểm trợ tối đa về phi pháo của người Mỹ.

Và cuối cùng các tiểu đoàn lính thủy quân lục chiến dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông Trưởng đã lấy lại được Thành Cổ Quảng Trị vào ngày 16/09/1972.

Tuy nhiên, việc dụng binh chiếm lại Thành Cổ của ông Trưởng là thiệt hại lớn nhất về người và của mà phía Sài Gòn từng gánh chịu trong lịch sử chiến tranh 1954-1975. Sư đoàn Nhảy Dù thay máu gần hết, trên một lữ đoàn Thủy quân lục chiến bị xóa sổ, sư đoàn Ba bộ binh tan rã cùng với toàn bộ địa phương quân của tỉnh Quảng Trị. Hàng trăm xe tăng và pháo hạng nặng bị phá hủy hoàn toàn, nhiều căn cứ quân sự bị mất.

Dân thường thì có hơn hai vạn người chết trên đường khi di tản từ Quảng Trị về Huế, có gần năm trăm ngàn người mất nhà cửa phải tha phương vào miền Nam kiếm sống cho tới tận bây giờ.

Tới bây giờ chưa có báo cáo chính thức về những thiệt hại của phía Hà Nội. Và cũng không bên nào đứng ra nhận trách nhiệm ít nhiều về cái chết của hai vạn thường dân Quảng Trị trên con đường Quốc lộ Một khi họ di tản từ Quảng Trị về Huế.

Năm 1972 tại vùng chiến trận miền Nam có hai đại lộ kinh hoàng với xác người chất chồng thối rửa kéo dài cả chục cây số dưới sức nóng của ánh nắng mùa hè. Một là đoạn Quốc lộ Một từ Quảng Trị về Huế, hai là đoạn Quốc lộ 13 dẫn từ An Lộc về Bình Dương.

Những chuyện ấy qua đi đã bốn mươi lăm năm rồi, nay nhắc lại chắc nhiều điều sai lệch lắm. Đó gọi là lịch sử biên-hoa.

Ngày 10/03/2017.
MOMENTARY NOTE

Không có nhận xét nào: