Lại thấy có một bài của ông VŨ HOÀNG TÂN về chuyện đang rùm beng. Xin chia sẻ để bạn đọc tùy nghi nghị luận:( Hơi dài nhưng cái chi cần minh bạch thì sao ...ngại dài nhỉ?)
CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI.
Tôi quen biết ông Nguyễn Lưu ở những năm 1979, 1980. Năm đó, ông đi dạy tại Đại học Tây nguyên, mà hình như dạy toán thì phải? những năm này, cũng có các ông Long, ông Huyên dạy ở trường Cao Đẳng Sư Phạm (Trường La San đồi trước 1975 tại Ban Mê Thuột)
Ngày ấy, các ông thường lùng mua các dàn máy nghe nhạc (mà các ông gọi là máy băng cối). Các dàn máy này có đủ thương hiệu và kiểu (model). Về đầu máy dùng cuộn băng lớn (Tape Reel) có các loại Tape Recoder hoặc Tape Deck như Akai, Sansui, Teac, Dokorder, Sony, Panasonic… Về Ampli thì có Sansui, Kenwood, Mazant, Pioneer, Fisher….Nhưng nói chung thì các ông đánh đồng gọi nó là AKAI cả! Cũng như xe gắn máy, cái nào cũng là HONDA, mặc dù xe gắn máy có nhiều thương hiệu: Goebel, Puch, Mobylette, Velo Solex, Bridgestone, Suzuki, Kawasaki, Honda….!
Điều đáng nói là khi mua, anh nào cũng nài nỉ xin thêm 1 cuốn băng “nhạc vàng”, có khi nhờ người bán máy mua giùm vài cuốn vì : nhạc trong Nam này hay quá, âm thanh thì khỏi chê, stereo đàng hoàng, nghe sướng lỗ tai. Vì trước đó các ông nào biết hiệu ứng âm thanh nổi Stereo là gì, nếu nói đến âm thanh nổi 4 chiều chuyển động (Quadraphonic) thì mấy ông càng mù tịt…!
Ngày ấy, ông Huyên dạy vật lý mà còn tranh luận với tôi về hệ thống 2 loa và 4 loa ở các ampli (A, B speaker system), đến khi tôi ghi công thức R= r1 x r2 / r1 + r2 ra để minh chứng cho tổng trở 2 loa nối song song thì ông ta….tịt!
Tản mạn chuyện xưa đôi dòng, bây giờ tôi đi vào ý chính.
I.- Không biết ông Nguyễn Lưu bỏ dạy năm nào và vì lý do gì? nhưng sau một thời gian tôi không còn chơi dàn máy nữa và tôi đi dạy học, nên cũng không còn qua lại với ông nữa. Bỗng nhiên, tôi thấy ông trên TV bình luận bóng đá, người ta gọi ông là nhà báo, mà không biết ông có học báo chí ngày nào không…? Rồi hôm nay, Đùng một cái, báo lại gọi ông là nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc…???
Khi tôi đọc bài báo: Trả lời phỏng vấn VTC, nhà phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Lưu gay gắt :
"Nên cấm việc phổ biến những ca khúc viết về lính Cộng hòa, tôi thấy nhiều ca khúc rất có vấn đề về tư tưởng"
Trước tiên, việc cho phép hay tạm dừng lưu hành các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả các bài hát là việc làm bình thường và thường xuyên của các cơ quan quản lý trên khắp thế giới, kể cả nơi tự do như Mỹ.
Tôi khẳng định, không chế độ nào trên thế giới này có thể cào bằng tất cả, từ nơi được coi là tự do nhất, họ cũng tỉnh táo trong việc cho lưu hành các sản phẩm văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật để phục vụ cho cộng đồng của họ.
Không quốc gia nào cho phép lưu hành những tác phẩm khiến cộng đồng sao nhãng việc bảo vệ thể chế của đất nước "(ngưng trích dẫn)
Theo tôi biết thì ông Lưu chưa ở Mỹ ngày nào, thế mà ông dám khẳng định như thế. Thế nào là những tác phẩm khiến cộng đồng sao nhãng việc bảo vệ thể chế của đất nước ?. Nếu thế thì nhiều tác phẩm được đặt vào tầm ngắm của ông lắm, thí dụ như :
- Chuông nguyện hồn ai ( For whom the bell tolls) là tiểu thuyết được xuất bản năm 1940 của nhà văn Mỹ Ernest Miller Hemingway), ông lại hỏi là hồn ai là hồn thằng nào! Nó trù ẻo ai đây?
- Những kẻ khốn nạn ( Les Misérables là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Les Misérables bản dịch đầu tiên tại Việt Nam của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản năm 1926, với tên "Những kẻ khốn nạn", của nhà Trung Bắc Tân Văn ở Hà Nội in song ngữ dài 10 tập khoảng 3000 trang. Phần lớn các bản dịch sau này là rút gọn. Sau này, các ông dịch là “Những người khốn khổ”. Tôi thích cách dịch của Nguyễn Văn Vĩnh hơn vì những kẻ khốn cùng mà còn bị hoạn nạn (chứ từ khốn nạn không phải xấu như ông nghĩ đâu). Chắc ông lại hỏi những kẻ khốn nạn là những kẻ nào?! Đất nước ta không dung túng cho những kẻ khốn nạn...! Sự soi mói của ông làm tôi cứ liên tưởng ông chính là viên thanh tra Javert trong truyện!
Thưa ông, nhân vật chính trong chuyện là người nông dân Jean Valjean. Đã bị 19 năm ngồi tù với số tù 24601 vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho con của người chị gái...Và Jean Valjean trong truyện của Victor Hugo chỉ có một, còn Jean Valjean trong xã hội ta hiện giờ nhiều lắm, những - người - cùng -khổ....Sao ông không nhìn thấy nhỉ? Họ phải lao động cực nhọc vì miếng cơm manh áo, chỉ có mấy bài hát làm "món ăn tinh thần" mà các ông cũng cấm...! Chỉ là những bài hát thông thường, có gì mà các ông gọi là "phản động, "có vấn đề về mặt tư tưởng"...???
- Vô gia đình (Sans famille) là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn hào Pháp Hector Malot, được xuất bản năm 1878. Với tác phẩm này, ông lại bảo: chết cha, xã hội ưu việt thế này mà có thằng lại viết không có gia đình.
- Bố già ( The Godfather) là tên một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn người Mỹ gốc Ý Mario Puzo được xuất bản lần đầu vào năm 1969 bởi nhà xuất bản G. P. Putnam's Sons. Nếu ông đọc xong ông lại bảo: bố già là cái thằng nào? Sách tuyên truyền cho Mafia thế này thì hỏng, cấm, và cấm…
Kể ra thì còn nhiều tác phẩm lắm lắm...!
- Tất cả đều được ông suy diễn và “nâng quan điểm” lên để rồi nó chịu chung số phân như những tác phẩm mà ông cho là phải cấm.
Và cũng vô cùng ngạc nhiên vì sao ngoại quốc họ không cấm nhỉ?
1.- Ông nói : Riêng đối với 5 ca khúc trên, tôi thấy có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng. "Con đường xưa anh đi" là con đường nào?"
Đối với câu này thì ông sai hoàn toàn. Vì bài hát “con đường xưa em đi” nhắc đi nhắc lại câu “con đường xưa em đi” chứ không hề có câu nào là “con đường xưa ANH đi” cả. Thế thì tại sao ông hỏi “con đường xưa anh đi là con đường nào”. Khiến cho người đọc hiểu rằng đây là sự đánh tráo từ ngữ dẫn đến đánh tráo khái niệm để rồi quy chụp cho bài hát là "có vấn đề về mặt tư tưởng".
2.- Trong bài hát này có câu “chiến trường anh bước đi”, và thế là ông lại hỏi:”chiến trường là chiến trường nào”. Xin thưa với ông rằng: bất cứ nơi đâu xảy ra chiến trận thì nơi đó là chiến trường. Tôi đang ở nhà tôi mà anh dẫn người đến đánh phá, chiếm dụng nhà tôi, tôi phải đánh lại để tự vệ, đó là chiến trường…
Tôi tự hỏi, vào cái ngày định mệnh 19.1.1974, khi Trung Cộng xua quân chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN thì ông đang ở đâu, trong khi 75 chiến sĩ Hải Quân VNCH đã chiến đấu quyết tử và anh dũng hy sinh theo tàu của mình. Sao ông không đề cập gì đến chiến trường này vậy?
Chiến tranh đã lùi xa 42 năm rồi mà ông vẫn mang tư duy cũ rích của những năm 80, 90 ra để áp dụng vào thời điểm hiện tại hay sao?
Chẳng lẽ ông không biết năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trở thành quan chức Mỹ cao cấp nhất đến thăm Cam Ranh kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Các nhà lãnh đạo của ông đã mời cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton, rồi ông Obama đến thăm VN, đồng thời ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến thăm Tòa Bạch Ốc (The White House) diện kiến Tổng Thống Obama. Rồi chiến hạm Mỹ USS John S.McCain do Hải Quân đại tá Lê Bá Hùng (một người Mỹ gốc Việt ra đi tháng 4/1975) chỉ huy, đến thăm Đà Nẵng. mà các sĩ quan cao cấp của các ông đã đứng dàn chào, trong chương trình giao lưu thường niên lần thứ 7 giữa Hải quân Mỹ và Việt Nam, diễn ra từ ngày 28.9 đến 1.10- 2016.
3.- Nhân đây, tôi cũng xin nhắc đến bài Ly Rượu Mừng của cố NS Phạm Đình Chương, nó bị các ông “giam cầm” đúng 40 năm chỉ vì câu “chúc người binh sĩ lên đàng, chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành, mừng người vì nước quên thân mình” do các ông tự đặt câu hỏi: người binh sĩ nào? Mãi cho đến khi các ông truy tìm xuất xứ bài hát được viết khoảng năm 1951-1953 và binh sĩ ở đây là binh sĩ chống Pháp, thì bài hát mới được trả tự do, nói trắng ra là “tạm hết ở tù” – tôi xin nhấn mạnh là “tạm - hết - ở tù” vì đối với các ông thì làm gì có thời hạn. Biết đâu một ngày nào đó chẳng biết buồn hay vui, cứ tìm một đại lý do nào đó, các ông thích là “nhốt” nó lại, thế là nó lại “ở tù”…!
Nói thật nhé, cấm thì cứ cấm, dân chúng vẫn cứ hát. Bởi vì các ông chỉ cấm biểu diễn công khai thôi, chứ làm sao cấm được một bài hát đã đi vào lòng người đã gần 70 năm rồi. Tết đến, nhà nhà hát, người người hát. Hàng ngày, đến các anh chị bán cà rem, kẹo kéo cũng hát dọc các con đường…cấm sao được!
Cũng nhờ các ông mà lớp trẻ sau này không biết “Con đường xưa em đi” là “con đường nào” nên họ đã tra Google, thế là từ chỗ cấm nó lại trở nên phổ biến hơn! Tôi nghe họ hát nhiều hơn…!
II.- Là một nhạc sĩ, một nhà phê bình âm nhạc mà ông lại rất sai lầm khi viết:
1.- "Đỉnh cao sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài "Mùa thu chết" (...) Ông đã từ bỏ tình yêu với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách mạng mùa thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam "(ngưng trích dẫn)
Thưa ông, những người từng ở miền Nam trước năm 1975 ai cũng biết rằng bài Mùa Thu Chết rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy viết năm 1965 là phổ thơ Guillaume Apollinaire, một nhà thơ Pháp (1880 – 1918). Bài thơ của Apollinaire mang tựa đề L'Adieu (Lời vĩnh biệt), dưới đây là nguyên tác:
L'adieu
J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends.
Dịch nghĩa
Anh đã hái nhành hoa thạch thảo
Mùa thu chết rồi, em nhớ cho
Dẫu chúng ta không còn gặp trên đời
Vẫn còn đây hương thời gian thạch thảo
Và em nhớ cho, anh vẫn chờ em.
Khi phổ nhạc, Phạm Duy vẫn giữ gần như nguyên vẹn, chẳng liên quan gì đến cuộc Cách mạng mùa thu vào tháng Tám năm 1945 của VN cả. Và nên nhớ là tác giả bài thơ là Apollinaire đã qua đời năm 1918, nghĩa là 27 năm trước khi có cách mạng mùa thu năm 1945.
Những lời thơ như vậy mà ông cho rằng liên quan đến cách mạng là sao?
2.- Ông cũng sai lầm khi cho là Phạm Duy là Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa của VNCH. Xin thưa rằng Phạm Duy chưa bao giờ là Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa của VNCH.
3.- Ông viết: "Và cái phải đến đã đến, Phạm Duy "dinh tê", bỏ kháng chiến vào thành, lập ra ban nhạc "Đêm màu hồng" với Thái Thanh, Thái Hằng, có cả Phạm Đình Chương, Duy Quang... Và từ đó trở thành tên tuổi hàng đầu trong đám văn nghệ sĩ chống Cộng." (ngưng trích dẫn)
Thưa ông, thời VNCH, không có ban nhạc nào tên là Đêm Mầu Hồng, mà chỉ có phòng trà ca nhạc Đêm Mầu Hồng ở 36 đại lộ Nguyễn Huệ Sài Gòn, do NS Phạm Đình Chương với nghệ danh Hoài Bắc thành lập năm 1970, với ban hợp ca Thăng Long, ban tam ca Đông Phương. Mà NS Phạm Duy thì chẳng dính dáng gì đến chỗ này như ông đã viết. Phòng trà này có 3 giọng ca nữ chủ lực là Mai Hân, Ngọc Minh và Mỹ Thể, mà tôi đoan chắc rằng ông chẳng biết tí gì về 3 ca sĩ này đâu!
4.- Ông viết: "Tôi đã thuộc lòng câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…” và sau này, lớn lên một chút mới hiểu ra rằng, cái tứ ấy, có gì giống với luận điểm của Nguyễn Văn Vĩnh (truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn – cách nói ấy là để biện minh cho việc ôm chân giặc xâm lược của Nguyễn Văn Vĩnh và bè lũ bán nước)". (ngưng trích dẫn)
Xin thưa với ông rằng: câu nói Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn” là của Phạm Quỳnh chứ không phải của Nguyễn Văn Vĩnh.
Tôi xin trích dẫn tiểu sử của ông Phạm Quỳnh:
Phạm Quỳnh (17 tháng 12 năm 1892 - 6 tháng 9 năm 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân.
Ông được xem là người chiến đấu cho tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến .
Ngày 28 tháng 5 năm 2016, hội đồng họ Phạm Việt Nam phối hợp cùng gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên tổ chức lễ khánh thành công trình trùng tu mộ phần và dựng tượng cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh tại Thành phố Huế. Bức tượng bán thân cụ Phạm Quỳnh do chính người cháu ngoại của cụ là kiến trúc sư Tôn Thất Đại thiết kế với chiều cao 60 cm, bề ngang 50 cm, được đặt ở bục cao gần 2m nằm ngay sau ngôi mộ cụ ở trước chùa Vạn Phước (phường Trường An, Thành phố Huế). Phía trước bia mộ cụ được ốp tấm bia đá đen khắc ghi câu nói nổi tiếng của cụ: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”. Nói thêm để ông rõ: Phạm Quỳnh là cha của NS Phạm Tuyên.
4.- 2 bài hát Thiên Thai và Trương Chi là của NS Văn Cao chứ không phải của Phạm Duy như ông đã viết. Phạm Duy có bài Tiếng Sáo Thiên Thai và Khối tình Trương Chi ông ạ.
5.- Ông đã viết : "Khai thác chất liệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ, khó có ai qua mặt Phạm Duy. Bài Ru con, Phạm Duy viết ở Việt Bắc có câu "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời giặc Pháp có thương dân mình", chuyển từ điệu "thứ" qua "trưởng" thật đắt. Còn nhịp ba trong Quê nhà em lại rất hay, dí dỏm và tố cáo giặc đốt nhà, phá đường..."(ngưng trích dẫn)
Về mục 5 này tôi có ý kiến:
a)- Không có ai gọi là “điệu thứ hay điệu trưởng”. Điệu là điệu nhạc như Boléro, valse, pasodoble, Tango… chỉ có cung thứ hoặc cung trưởng hay còn gọi là âm giai (gam mineure-majeure)
b)- Xin thưa rằng Phạm Duy không có bài Quê Nhà Em!…tôi cho rằng ông đã nhầm với bài Quê Em được viết với nhịp ¾ thể điệu Valse của NS Nguyễn Đức Toàn:
Quê em miền trung du,
Đồng suối lúa xanh rờn.
Giặc tràn lên thôn xóm.
Dâu bờ xanh thắm,
Nong tằm chín lứa tơ,
Không tay người chăm bón
Quê em đồng hoang vu
Chiều nay vắng bóng cờ
Giặc tràn lên đốt phá
Anh về thôn cũ, đi diệt thù giữ quê.
Lòng dân đón anh về (Giặc tan đón em về)
6.- Ông có cái tật nói rất nhanh, tôi cố tìm một lý do biện minh cho ông rằng do nói nhanh quá nên không kịp “uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói”. Nhưng xem ra lý do này không thuyết phục ai được. Tôi không dám nói là ông thiếu kiến thức. Dù sao thì ông cũng là nhà giáo, nhà báo, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc.
Tôi cho rằng ông đã bị "nhồi sọ" từ lâu vì những điều như thế, nay chỉ nói lại những gì người khác nói. Hoặc giả, ông buộc phải nói theo "định hướng" của một ai đó. Vì thế cho nên, sự thật đã bị "bóp méo". Rất tiếc, ít người nói ra sự thật này.
Mấy hôm nay, sau phát biểu của ông thì cộng đồng mạng cũng đã “tặng” cho ông một số “gạch đá” chắc cũng đủ xây cái nhà 3 tầng. Hy vọng ông sẽ tự mình diện bích trong căn nhà này mà suy ngẫm !
Tôi với ông không thù oán gì, nhưng buộc lòng tôi phải nói lên sự thật. Nửa ổ bánh mì là nửa ổ bánh mì, nhưng một nửa sự thật không bao giờ là sự thật. Ông với tôi tuổi trên dưới 70 cả rồi, hy vọng rằng chúng ta sống đúng như Khổng Tử đã nói: Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ.
Sống lâu trên đời, tôi mới nghiệm ra rằng: có những thứ chết rồi mà chưa chôn, có những thứ chôn rồi mà chưa chết...!
Ý tại ngôn ngoại vài hàng...
Kính chúc ông sức khỏe.
VŨ HOÀNG TÂN – 19.3.2017.
Lời bàn của VŨ :
Chuyện xảy ra lâu rồi nhưng nay đọc lại vẫn thấy hay. Xin nhắc lại ý kiến phê bình bài Mùa thu chết của nhạc sĩ Phạm Duy ly khai Cách mạng mùa thu nguyên thủy là bài viết của giáo sư Nguyễn Trọng Văn, một giáo sư dạy trung học ở Sài gòn trước 1975. Ông này cùng với TCS và nhiều văn nghệ sĩ khác từng ảo tưởng về cách mạng... Sau 75 nhiều người trong số họ đã trắng con mắt ra khi cs nhìn họ với con mắt như là những kẻ đầu cơ chính trị ( chủ nghĩa cơ hội )...
Dù sao thì đến từng tuổi này còn được đưa lên tv để khua môi múa mép ( dù là đạo nguyên si ý tưởng của ông gs Văn) thì cũng được xem là phúc ba đời rồi đấy...
Trò đời vẫn còn nhiều tấn tuồng để...diễn
TRẦN PHONG VŨ
22/3/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét