SÀI GÒN MỘT THỜI… ĐỂ NHỚ (2/2)
TÀI DANH TÂN NHẠC CỦA
SÀI GÒN MỘT THỜI… ĐỂ NHỚ
(bài 2 tiếp theo và hết)
Một thời để nhớ có sự tái ngộ của diễn viên hài Xuân Phát, một “quái kiệt” trong làng hài kịch tại Sài Gòn trước năm 1975. Anh có lối chọc cười tưng tửng nhưng rất duyên dáng, ý nhị.
Xuân Phát cùng Mai Lệ Huyền góp vui trong một nhạc cảnh hát nhép theo đĩa ghi âm trước có tên là Bún bò giò heo Mụ Rớt. Đây là loại kịch lipsing, ngày nay gọi là hát nhép, đã được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ áp dụng trên sân khấu đại nhạc hội hoặc phòng trà ca nhạc từ trước khi Sài Gòn đổi chủ.
Xuân Phát tâm sự với khán giả, đây cũng là thời điểm cần giã từ sân khấu sau bao năm chọc cười thiên hạ. Giờ cũng là lúc anh dành thì giờ cho gia đình nhiều hơn bên người vợ là diễn viên múa Mỹ Lệ của Sài Gòn gần 40 năm về trước. Có điều ít người biết là con trai anh ngày nay cũng đang hoạt động trong lãnh vực điện ảnh Hollywood mà khán giả Việt Nam được biết đến trong phim hành động Dòng máu anh hùng qua tên Dustin Nguyễn.
Lần đầu tiên gia đình Xuân Phát sẽ xuất hiện trong phim Lửa Phật (Monk on Fire) do Dustin Nguyễn biên kịch và đạo diễn, phim ra mắt khán giả trong năm 2013.
Cùng thực hiện có sự hợp tác của Jimmy Phạm Nghiêm (nhà sản xuất phim Dòng máu anh hùng), hãng phim Chánh Phương và tài tử Johnny Trí Nguyễn.
Một giọng hát nam, khỏe ở tuổi gần 70, xuất hiện sau vở kịch không mấy thành công của Xuân Phát – Mai Lệ Huyền. Đó là người ca sĩ xưa khi vẫn hằng ái mộ Elvis Presley, vua nhạc rock-n-roll, đến độ ngay từ khi vào nghề đã lấy tên thần tượng để mang tên Elvis Phương cho đến ngày nay.
Elvis Phương có một cuộc đời ca hát khá thành công bên cạnh Kiều Nga, em của anh và cũng là ca sĩ nổi danh một thời tại Việt Nam và sau này tại hải ngoại. Cuộc đời tình ái của Phương lại không thuận lợi như sự nghiệp.
Elvis Phương kết hôn với một cô gái gốc từ Đà Lạt nhưng người vợ đầu tiên lại vắn số, qua đời sau một tai nạn giao thông năm 1970. Ngày đó Phương đã để trên mộ vợ tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi một câu khá tình tứ :
“Ngọc chết rồi Phương chơi với ai ?”.
Nhiều năm sau, khi định cư ở Hoa Kỳ, anh mới trả lời được câu hỏi ngày nào và tìm được người “chơi” chung:
Phan Lệ Hoa.
Trả lời một cuộc phỏng vấn của VnExpress về cuộc hôn nhân của mình, Elvis Phương tâm sự :
“Bạn có tin không, vợ chồng tôi suốt mấy chục năm nay chưa từng rời xa nhau. Chúng tôi nguyện được có nhau trọn đời.
Vợ tôi không quản ngại khó khăn cùng chồng đi lưu diễn khắp nơi.
Ngày trước Lệ Hoa là một doanh nhân nổi tiếng, chấp nhận gác bỏ công việc vì không muốn hai vợ chồng cách xa nhau quá lâu.
Nhờ vậy mà gia đình hạnh phúc, cuộc sống bình yên và tinh thần yên ổn. Đó là những xúc cảm để tôi có thể hát mãi cho người và cho đời”.
Phạm Ngọc Phương sinh năm 1945 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Anh học trường Tây nên thường hát những bản nhạc rock nước ngoài theo phong cách Elvis Presley.
Elvis Phương lần đầu xuất hiện trước khán giả năm 1962 tại trường dòng Regina Pacis với nhạc phẩn hoàn toàn Việt Nam:
Nửa đêm ngoài phố của nhạc sĩ Trúc Phương.
Phương tham gia nhiều ban như Rockin’ Stars, Les Vampires… và là một trong những ca sĩ tiên phong trong phong trào nhạc trẻ cùng ban Phượng Hoàng với Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà… Khi tuổi đã lớn, anh chuyển sang nhạc tình, nhạc quê hương.
Elvis Phương có rất nhiều các bài hát nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của anh. Người yêu nhạc nhớ đến anh qua Vết thù trên lưng ngựa hoang (trong đó có màn biểu diễn huýt sáo tuyệt vời), Mười năm tình cũ, Bài thánh ca buồn, Trả lại em yêu…
Nổi bật nhất phải kể đến những ca khúc của riêng nhóm Phượng Hoàng như Còn yêu em mãi, Yêu em, Tôi muốn… sáng tác bởi Nguyễn Trung Cang & Lê Hựu Hà luôn luôn được Elvis Phương trình diễn ra mắt lần đầu tiên trên sân khấu.
Trong cả hai phần 1 và 2 của live show Một thời để nhớ Elvis Phương đã chinh phục khán giả Melbourne với các nhạc phẩm Mười năm tình cũ, Đàn bà… xen lẫn nhạc ngoại quốc một thời được ưa thích như My Way, Si L’amour Existe Encore…
Anh còn làm phần trình diễn sống động hơn khi bước xuống giao lưu ở hàng ghế khán giả khiến các nhân viên bảo vệ phải hoạt động cật lực. Elvis Phương đã chiếm trọn cảm tình của khán giả, những người nghe nhạc muốn tìm lại… một thời để nhớ.
Một trong những ca sĩ được mong đợi nhất trong đêm Một thời để nhớ là Thanh Thúy.
Cô là người nữ ca sĩ miền sông Hương, núi Ngự có giọng hát một thời được giáo sư triết Nguyễn Văn Trung mệnh danh là “Tiếng hát Liêu trai” trong bài viết Ảo ảnh Thanh Thúy .
Đối với nhà văn Mai Thảo, người được mệnh danh là “Ông vua phòng trà” thời đó, Thanh Thúy là “Tiếng hát lúc 0 giờ” và nhạc sĩ Tuấn Huy lại gọi là “Tiếng sầu ru khuya”.
Thanh Thúy bắt đầu đi hát từ năm 1959 khi mới tròn 16 tuổi. Giọng hát Thanh Thúy trầm ấm, hơi khàn và cô có lối phát âm nhả chữ rất đặc biệt. Tiếng hát Thanh Thúy có lúc nghẹn ngào, đôi khi lại như nức nở. Ngoại hình Thanh Thúy mảnh mai đến độ gầy guộc với mái tóc dài buông xõa trên đôi vai gầy. Thanh Thúy lúc nào cũng xuất hiện trên sân khấu với tà áo dài truyền thống giản dị màu trắng hoặc màu lam nhạt.
Ngày nay tại Việt Nam có những ca sĩ cũng mang tên Thanh Thúy nhưng đối với những người lớn tuổi thì chỉ có một Thanh Thúy của những thập niên 60-70 và một Thanh Thúy sau năm 1975 tại hải ngoại.
Người ta còn nhớ thời Thanh Thúy của phòng trà Đức Quỳnh, Anh Vũ rồi vũ trường Queen Bee, International với những bài hát trữ tình như Nửa Đêm Ngoài Phố, Kiếp Nghèo, Người Em Sầu Mộng, Ngăn Cách, Tàu Đêm Năm Cũ, Giọt Mưa Thu, Tiếng Còi Trong Sương Đêm…
Cũng không thể nào quên được tiếng hát Thanh Thúy qua làn sóng điện, đài truyền hình hoặc trên các sân khấu đại nhạc hội…
Thanh Thúy là “người yêu trong mộng” của rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, đó là chưa kể đến số đông những người “vô danh tiểu tốt”.
Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay Ướt mi để dành tặng Thanh Thúy, nhạc sĩ Tôn Thất Lập có Tiếng hát về khuya cũng vì Thanh Thúy còn thi sĩ Hoàng Trúc Ly ca tụng Thanh Thúy qua những vần thơ:
“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô.”
Năm 1961 khán giả Sài Gòn được xem phim Thúy đã đi rồi của tài tử điện ảnh kiêm đạo diễn Nguyễn Long, ca sĩ Minh Hiếu thủ vai Thanh Thúy.
Trong phim khán giả còn được nghe bản nhạc cùng tên của Y Vân qua tiếng hát Hùng Cường.
Y Vũ, em ruột của nhạc sỹ Y Vân, kể lại:
“…Anh Y Vân đã viết ca khúc này thay cho tâm sự của một người bạn rất thân, đó là tài tử điện ảnh Nguyễn Long, còn gọi là Long Đất. Vào đầu thập niên 60, Nguyễn Long yêu say đắm ca sĩ Thanh Thúy… Nguyễn Long âm thầm sống trong đau khổ, cay đắng một mình.
Rồi một hôm, nhạc sĩ Y Vân bắt gặp anh chàng thất tình này trong quán cà phê với bộ dạng “ngó phát chán”, Y Vân hỏi han và Long Đất đã thổ lộ mối tình sâu kín.”
(bởi thời gian này Thanh Thúy vừa lên xe hoa với Ôn Văn Tài trung tá binh chủng không quân của Quân lực VNCH – admin)
Thương cảm mối tình đơn phương của người bạn thân, Y Vân đã viết Thúy đã đi rồi. Bài hát được khá nhiều ca sĩ trình bày, trong đó có cả ca sĩ Thanh Thúy.
Hát thì cứ hát nhưng con tim chẳng chút lay động vì đã yêu Trung tá Ôn Văn Tài thuộc binh chủng Không quân vào giữa thập niên 1960, họ có một cậu con trai.
Trong lần hội ngộ ở Melbourne, khán giả đã tặng Thanh Thúy bó hoa tươi nhất, đẹp nhất để thể hiện lòng ngưỡng mộ một người ca sĩ tuy đã bước vào tuổi 70 nhưng vẫn còn giữ một chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc.
Rất nhiều giấy của khán giả yêu cầu Thanh Thúy hát những bài hát mà họ ưa thích nhưng vì chương trình có hạn nên MC Nam Lộc phải lên tiếng cáo lỗi và hẹn vào một dịp khác.
Một sự tình cờ, người bước ra sân khấu tiếp theo Thanh Thúy lại là một ca sĩ tên cũng bắt đầu bằng chữ Thanh. Phải nói cô là người đã thành công trên cả 3 lãnh vực: âm nhạc, điện ảnh và kịch nghệ.
Về âm nhạc, cô nổi tiếng với những bản nhạc tiếng Pháp, về điện ảnh cô đã xuất hiện trong rất nhiều bộ phim và về kịch nghệ cô là diễn viên trong ban kịch Vũ Đức Duy.
Người nghệ sĩ đa tài đó là Thanh Lan.
Phạm Thái Thanh Lan có khiếu văn nghệ từ khi còn là nữ sinh Marie Curie và hát trên đài phát thanh Sài Gòn trong ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức.
Thanh Lan còn tham gia ban văn nghệ sinh viên học sinh Nguồn Sống và xuất hiện trên truyền hình khi Sài Gòn bắt đầu có TV vào năm 1967.
Thanh Lan bắt đầu trở thành một ca sĩ nổi tiếng khi cô học năm thứ nhất Đại học Văn khoa. Sở trường của cô là những ca khúc lời Pháp như La Plus Belle Pour Aller Danser (Phạm Duy chuyển sang lời Việt Em đẹp nhất đêm nay, bản nhạc này nổi tiếng một thời tại Pháp qua giọng ca Sylvie Vartan), Bang Bang (nguyên thủy Sheila hát, bài này cũng được Phạm Duy chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề Khi xưa ta bé), Come back to Sorrento (Trở về mái nhà xưa) và Mon amie la Rose do chính Thanh Lan soạn lời Việt với tựa đề Nụ Hồng Mong Manh.
Thanh Lan còn hát chung với Nhật Trường qua những tình khúc của Trần Thiện Thanh, họ là một trong những cặp song ca ăn khách nhất thời đó. Hai người còn đóng chung với nhau hai bộ phim truyền hình Trên đỉnh mùa đông và Mộng Thường do Nhật Trường viết kịch bản và đạo diễn, phát sóng trên đài truyền hình Sài Gòn.
Sự nghiệp điện ảnh của Thanh Lan bắt đầu vào năm 1970, khi cô đóng vai chính trong bộ phim Tiếng hát học trò của đạo diễn Thái Thúc Nha do hãng phim Alpha sản xuất.
Với vai diễn này, Thanh Lan đã đoạt giải nữ diễn viên nhiều triển vọng nhất của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật.
Cuối năm 1974, tại phòng khánh tiết khách sạn Continental, Thanh Lan đã nhận giải diễn viên đẹp nhất miền Nam Việt Nam do đạo diễn Lê Dân trao tặng.
Khi Sài Gòn “đứt phim”, thỉnh thoảng Thanh Lan cũng xuất hiện với các bài như Cô đi nuôi dạy trẻ, Đi qua vùng cỏ non, Phượng hồng, Em đi chùa Hương, Triệu đóa hoa hồng, Trưng Vương khung cửa mùa thu…
Đến cuối năm 1993 thì cơ hội tới qua lần đến Mỹ tham dự buổi ra mắt cuốn phim Tình người do đạo diễn gốc Việt quay cảnh tại Việt Nam và cô thủ vai chính, Thanh Lan đã xin tỵ nạn.
Thoạt đầu, phát ngôn của Thanh Lan bị cộng đồng người Việt tại hải ngoại phản đối nhưng rồi với thời gian … dư luận nguôi ngoai, Thanh Lan chiếm dần lại cảm tình của khán thính giả để tiếp tục sự nghiệp.
Ở hải ngoại, Thanh Lan diễn kịch nhiều hơn đóng phim. Cô đóng vai chính trong các vở kịch như Lá sầu riêng, Lôi vũ, Lồng đèn đỏ, Đoạn tuyệt, Sân khấu về khuya, Phù dung tự…
Những vở kịch này đã được lần lượt trình diễn tại các sân khấu Quận Cam, San Jose, Houston, Atlantic…
“Cô Bắc Kỳ nho nhỏ có nốt ruồi duyên trên môi” nay đã 65 tuổi nhưng vẫn còn trẻ trung trên sân khấu Melbourne trong đêm Một thời để nhớ. Cô hát với chất giọng như ngày nào cộng thêm với kinh nghiệm của một diễn viên từng trải khiến sân khấu sống động.
Vẫn những bài xưa:
La Plus Belle Pour Aller Danser, Bang Bang rồi Bảy ngày đợi mong…
nhưng phần trình diễn của Thanh Lan rất sống động. Để hát bài Bảy ngày đợi mong của Trần Thiện Thanh cô mời một khán giả tình nguyện lên làm… người yêu.
“Anh hẹn em cuối tuần. Chờ anh nơi cuối phố. Biết anh thích màu trời. Em đã bồi hồi chọn màu áo…” thay vì màu áo xanh như lời bài hát, Thanh Lan đã chỉ tay vào áo dài của mình rồi sửa lời… chọn màu áo… bông!!! Khán giả được dịp cười ồ vì tài ứng biến của một diễn viên kịch.
Ca sĩ cuối cùng trong đêm Một thời để nhớ và cũng là người lớn tuổi nhất xuất hiện trong chương trình. Sân khấu bỗng tối đèn và khán giả chỉ nghe tiếng hát cất lên…
“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống, đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông, đôi cánh chim bâng khuâng rã rời, cùng mây xám về ngang lưng trời… .”
Sau đoạn đầu bài hát Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, khán giả nhận ra ngay bản nhạc đã một thời đưa tên tuổi của Bạch Yến đến với những người yêu nhạc.
Bạch Yến sinh năm 1942, mới 10 tuổi đã giành huy chương vàng cuộc thi tuyển lựa những giọng ca nhi đồng do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức,
Năm 15 tuổi, chị bắt đầu được khán giả chú ý với ca khúc Đêm đông.
Năm 21 tuổi, Bạch Yến được mời qua Mỹ biểu diễn và trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình truyền hình Mỹ vào đầu năm 1965.
Chị là người đại diện cho Việt Nam tham gia Environment Show và biểu diễn cùng nhiều danh ca, ban nhạc nổi tiếng như Beatles, Bob Hoge, Bing Crosby, Pat Boone, Rolling Stones…
Ngoài tiếng Việt, Bạch Yến có thể hát tốt các bản nhạc tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Do Thái.
Năm 1978, chị kết hôn với nhạc sĩ Trần Quang Hải, con trai của Giáo sư Trần Văn Khê.
Cùng với chồng, trong 30 năm qua, chị đi hơn 70 nước trên thế giới để giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Trần Quang Hải lúc đó đã ly dị vợ, sống cùng con gái 5 tuổi, còn Bạch Yến ở cái tuổi 36, đang đứng trên đỉnh vinh quang của nghề hát, có nhiều người đàn ông ngưỡng mộ nhưng…vẫn cô đơn.
Bạch Yến kể về mối tình của mình trên VnExpress:
“Gặp nhạc sĩ Trần Quang Hải tại Paris, chưa đầy 24 giờ anh đã ngỏ lời cầu hôn tôi và sau đó gửi 400 thiệp cưới đến mọi người khiến tôi vừa xúc động, ngỡ ngàng, vừa buồn cười.
Lúc đó, tôi còn một hợp đồng biểu diễn ở Mỹ, phải 3 tháng sau mới hết hạn, nhưng anh bảo tôi không đi nữa. Và thế là tôi theo chồng”.
Trong giờ nghỉ giải lao, Bạch Yến được khán giả hâm mộ của Melbourne vây quanh. Họ là những người tuổi đời được thể hiện qua mái tóc, qua vóc dáng về chiều nhưng vẫn còn in rõ nét đam mê ca nhạc của một thời để nhớ và cũng là một thời vĩnh viễn không bao giờ trở lại.
Thời của tuổi trẻ ngày nào.
Duyên may đã đến với tôi qua lời mời đi dự Một thời để nhớ của Nguyễn Lương Năng, người bạn cùng dạy tại trường Sinh ngữ Quân đội ngày xưa.
Duyên may cũng đến với tôi để có dịp sống lại suốt 5 tiếng rưỡi ngồi nghe những tiếng hát mà mình một thời hâm mộ tại một sân khấu không phải là Việt Nam.
Và còn một duyên may cuối cùng : tấm hình trên đã được gửi đến các bạn cựu đồng sự tại trường Sinh ngữ Quân đội.
Một trong số những người đó, anh Nguyễn Phan Thanh, đã có nhã ý ghép hình 2 đứa chúng tôi vào tờ chương trình live show Một thời để nhớ.
Thành ra chương trình có tới 16 nghệ sĩ, trong đó có 2 nghệ sĩ “dzỏm”. Đó là chuyện khó quên trong đêm Một thời để nhớ.
-
Nguyễn Ngọc Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét