Giáo sư Nguyễn Huy Bảo sinh năm 1908. Ông du học tại Pháp, tốt nghiệp cử nhân triết học, rồi về nước dạy học tại Huế từ trước thế chiến II. Một số đông các trí thức miền Trung là học trò của ông. Ông làm khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn cho tới năm 1964, rồi rời Việt nam làm chuyên viên cho Liên Hiệp Quốc và thực hiện nhiều công tác văn hóa giáo dục tại các nước châu Phi. Kinh nghiệm sống của ông đã giúp ông hiểu tại chỗ lý do khiến nhiều quốc gia không phát triển được. Là một người hoạt động không ngừng nghỉ, dầu tuổi đã ngoài chín mươi, tương lai của Việt nam không còn một quan trọng nào đối với ông nữa, ông vẫn còn tham gia tích cực vào các hoạt động của nhóm Thông Luận. Ông là một người Việt nam yêu nước thực sự và nồng nàn. Trong một buổi thuyết trình tại Câu Lạc Bộ Thân Hữu Thông Luận về đề tài “Việt nam có thể có dân chủ được không?”, ông đã phân tích những nhược điểm của người Việt nam. Ông kể lại rằng khi ông còn trẻ vừa tới Pháp du học, một giáo sư người Pháp có kinh nghiệm nhiều về Việt nam đã nói về người Việt nam rằng: “Ils ne s’aiment pas” (Họ không ưa nhau). Câu nói đó chắc là ông Nguyễn Huy Bảo đã phải kiểm chứng thấy trong cuộc đời của ông và đã phải làm ông đau lòng lắm, để đến nỗi 60 năm sau, ông vẫn còn ấm ức và nhắc lại một cách rất thất vọng.
Phải giải thích người Việt nam không yêu nước vì họ không quí mến nhau, hay người Việt nam không quí mến nhau vì họ không yêu nước? Hai tình cảm đó luôn luôn đi đôi với nhau, hoặc có cả hai hoặc không có cả hai chứ không thể có một trong hai.
Ca dao ta có hai câu mà hầu như mọi người đều biết “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” và “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Thực là ai oán. Hai câu ca dao đó hình như đã xưa lắm rời. Tôi có đọc một cuốn sách nói rằng câu “bầu ơi thương lấy bí cùng…” có từ thời Hai Bà Trưng? Tôi không phải là một nhà nghiên cứu văn học để có thể có ý kiến về thời điểm xuất phát của những câu ca dao này, nhưng mọi người có thẩm quyền về văn học mà tôi quen biết đều xác nhận đó là những câu ca dao đã có từ rất lâu. Như thế có nghĩa là từ lâu rồi người Việt tệ bạc với nhau tới độ có những người phải đau lòng thốt ra những lời nhắn nhủ não nùng như thế.
Nguyễn Văn Thanh, người anh kết nghĩa trong tù của tôi nam nay đã 76 tuổi và sống tại Los Angeles, kể cho tôi nghe thời anh học trường Bưởi, giáo sư Đỗ Trí Lễ dạy Vật Lý, mỗi lần bực bội với học trò thường đi đi lại lại trong lớp và lẩm bẩm: “Les Annamites sont des menteurs, des voleurs ét des assassins” (Người Việt nam là bọn dối trá, trộm cắp và sát nhân). Sau này do những liên hệ hôn phối tôi được biết về giáo sư Đỗ Trí Lễ. Ông là một nhà giáo hiền lành, đức độ. Câu ông nói không phải do ông sáng tạo ra mà ông chỉ nhắc lại bởi vì tôi cũng đã được nghe nhiều lần ở miệng người khác. Thật khó tin là người Việt nam có thể khinh ghét nhau đến thế được.
Người Việt nam tìm đủ mọi lý do để ghét nhau. Người thành thị thì gọi người nông thôn một cách khinh bỉ là “bọn nhà quê” với ngụ ý nói là những người dốt nát, đần độn, ngớ ngẩn. Còn người nông thôn thì `gọi người thành thị là “kẻ chợ” với hàm ý là gian trá, lật lọng. Người ta mạt sát nhau vì lý do nghề nghiệp: “đồ hàng cá, hàng thịt!”. Khi còn ở ngoài Bắc, tôi đã được nghe câu “tục ngữ”: “bạc quân xứ Huế, tệ quân xứ Nam”. Xứ Huế đây là để chỉ miền Trung. Như vậy là người Trung và người Nam đều tệ bạc, chỉ có người Bắc là chung thủy thôi sao? Nhưng vào tới trong Nam, tôi lại thấy phần đông người miền Nam coi người Bắc và người Trung là không ngay thẳng. Ra tới Huế, tôi lại có thể nhận thấy rõ ràng người Huế tự nghĩ mình có văn hóa và có chiều sâu hơn người miền Nam và miền Bắc. Tuy họ không nói trắng ra nhưng tôi có thể cảm thấy rõ ràng rằng theo họ, trừ một vài ngoại lệ, nói chung người Bắc và người Nam tuy có khác nhau nhưng đều hời hợt và phù phiếm.
Thế nhưng một ông vua nhà Nguyễn (Minh Mạng hay Tự Đức) lại mạt sát xứ Huế của chính ông là “sơn bất cao thủy bất thâm, nam đa trá nữ đa dâm” (Núi không cao, sông không sâu, con trai gian trá, con gái đa dâm). Đó là mạt sát theo thành kiến của một thời đại thôi chứ đa dâm thực ra là một tính tốt, nó chứng tỏ con người giàu sinh lực, nhạy cảm và thông minh. Như vậy rõ ràng là người Việt nam khinh ghét nhau giữa những người khác miền với nhau và ngay cả giữa những người cùng sống một nơi. Khác biệt địa phương, cũng như mọi khác biệt, đều chỉ là những lý cớ để người Việt biểu lộ sự khinh ghét lẫn nhau đã sẵn có ở trong lòng.
Claude Renaud là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông là người úc gốc Pháp, học chính trị tại Pháp, quen một cô bạn Việt nam xinh đẹp và lịch duyệt rồi cưới nhau. Renaud là một nhân vật cao cấp tại bộ ngoại giao và ngoại thương úc, từng làm cố vấn tòa đại sứ úc tại Việt nam, rồi cố vấn tòa đại sứ úc tại Pháp. Trong ngành ngoại giao cố vấn có hàm bộ trưởng.
Claude Renaud kể cho tôi nghe một cách thú vị những gian truân của anh trong việc chinh phục người đẹp. Gia đình vợ anh không hài lòng lắm để cho con gái lấy chồng ngoại quốc, nhưng trở ngại lớn nhất là bà nội vì bà rất bảo thủ. Sau cùng sự kiên nhẫn và khôn khéo của nhà ngoại giao cự phách đã thuyết phục được bà cụ. Bà cụ đành nói: “Thôi, thà để nó lấy chồng Tây còn hơn là để nó lấy chồng Bắc Kỳ”. Bà cụ là người hiền lành, không hiểu sao cụ ghét người Bắc đến thế. Có lẽ đó là một thành kiến, nhưng nó chứng tỏ người Việt nam không ưa nhau.
Yếu tố “cùng là người Việt nam” có lẽ chỉ có một trọng lượng rất nhỏ, nên người Việt khi kết hợp với nhau thường dựa trên một mẫu số chung nào đó ngoài sự kiện cùng là người Việt. Cứ nhìn ngay những tổ chức chính trị, mà mục đích là tranh đấu cho một nước Việt nam thống nhất và đoàn kết. Không cần phải là một nhà quan sát tinh tường cũng đủ thấy. Người ta thường kết hợp với nhau trên một mẫu số chung địa phương, hay thành phần xã hội, hay tôn giáo: người Bắc, người Nam, người Trung, cựu hải quân, cựu học viên Quốc Gia Hành Chánh, Công Giáo, Phật Giáo, Hòa Hảo v.v… Rất ít thấy nhưng tổ chức vượt ra ngoài được những yếu tố đó.
Dĩ nhiên là cũng có. Đảng cộng sản có cả Bắc Trung Nam, nhưng họ có một mẫu số chung khác là chủ nghĩa cộng sản và họ cũng chỉ kết hợp giai cấp vô sản. Việt nam Quốc Dân Đảng cũng hiện diện tại cả Bắc Trung Nam, nhưng những hệ phái Bắc, Trung, Nam trên thực tế là những đảng riêng biệt với nhau. Một thí dụ cụ thể là năm 1967, ông Vũ Hồng Khanh, chủ tịch Việt nam Quốc Dân Đảng miền Bắc, ra ứng cử tổng thống thì ông Nguyễn Hòa Hiệp (Việt nam Quốc Dân Đảng miền Nam) cũng ra tranh cử. Các hệ phái Việt nam Quốc Dân Đảng tại ba miền không phải là những chi nhánh của một đảng mà là những đảng riêng biệt, không những không liên kết với nhau mà còn chống nhau vì hệ phái nào cũng cho mình là chính thống.
Khi miền Nam đang lâm nguy trước sự tiến công của cộng sản, một kết hợp chính trị ra đời, nhóm Liên Trường, kết hợp những người có một mẫu số chung là đã từng học các trường trung học miền Nam trước đây. Biết Nguyễn Ngọc Huy cũng tham gia, dù là một cách kín đáo, tôi có lần bực bội chất vấn: “Nước sắp mất, không có lý tưởng nào để kết hợp hay sao mà lại kết hợp nhảm nhí như vậy?”, ông Huy phân trần: “Đó là mấy thằng bạn nó làm, mình không tham gia thì kỳ quá!”.
Chính cá nhân tôi cũng đã từng được kiểm chứng cái tính ghét nhau của người Việt. Tôi có viết một số bài báo, trình bày quan điểm chính trị của tôi. Quan điểm đó không được sự tán thành của một số người. Điều đó không hề làm tôi buồn lòng, trái lại về một khía cạnh nào đó tôi còn vui lòng vì sự kiện nhiều người không đồng ý với mình chứng tỏ ý kiến của mình là mới. Tôi quan niệm đưa ra mười ý mới trong đó có chín ý sai và một ý đúng vẫn còn hơn là nói mười điều đúng cả mười nhưng chỉ là những ý cũ. Vậy thì khi người ta đả kích tôi, tôi không buồn. Nhưng sao những lời lẽ lại có thể hằn học và nặng nề đến thế! “Bọn”, “tên”, “chúng”, “phản bội”, “cơ hội chủ nghĩa”, “đón gió trở cờ”, “phải vạch mặt chỉ tên”, “phải có thái độ”, v.v...
Xét cho cùng không phải người ta phản đối những điều tôi viết ra, bởi vì họ bịa đặt ra những điều tôi không hề viết hay nói, cắt xén những câu viết hay câu nói làm đổi hẳn ý nghĩa rồi dựa vào đó mà lên án. Lý do thực sự là họ có nhu cầu cần phải thóa mạ và đả phá một ai đó.
Phần lớn nhưng người viết bài đả kích tôi đều không biết tôi là ai cả vì lý do giản dị là tôi chẳng làm được gì đáng để được biết tới và cũng không thuộc một gia đình lớn nào để họ có thể lục lọi nguồn gốc, tôi chỉ là đứa con của những ruộng đồng không tên, không tuổi. Dầu vậy họ có thể viết tôi là “đồ mất gốc, dòng dõi bán nước, một câu Kiều và một chữ Bình Ngô Đại Cáo không biết”. Có người còn quả quyết tôi là cộng sản nằm vùng, có bài còn tả tôi là người điên, mặt mũi láo liên, chân đi hai hàng!
Rồi một số người biết tôi rất rõ cũng làm ngơ trước những xuyên tạc mà họ biết chắc chắn là sai, dù phần lớn có cảm tình với tôi. Tôi tự hỏi tại sao? Câu trả lời của tôi là tuy không diễn tả ra dược nhưng trong bản năng của họ, họ đều nghĩ rằng sự độc ác của người Việt trong cách đối xử với nhau là một chuyện thường, chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Nguyễn Gia Kiểng
(Trích Tổ Quốc Ăn Năn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét