Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

TRỜI SINH RA NÓ VẬY !!!



Xưa có một ông nhà giàu sinh được 2 cô con gái, cô chị gả cho người làm ruộng, cô em gả cho người học trò. 

Một hôm thong thả, cha vợ cùng 2 con rể đưa nhau đi chơi, cha nghe tiếng ngỗng trời kêu, mới hỏi:
- Làm sao tiếng nó to vậy  hả?
Người học trò nói:
- Trường cổ tắc đại thanh.
Người làm ruộng nói:
- Trời sinh ra nó vậy!

Đi được một quãng, thấy con vịt đang bơi dưới ao, cha lại hỏi:
- Tại sao nó nổi?
Người học trò nói:
- Đa mao thiểu nhục tắc phù.
Người làm ruộng lại nói:
- Trời sinh ra nó vậy !

Đi được một quãng nữa, thấy có tảng đá bị nứt đôi, cha hỏi:
- Tại sao nó nứt?
Người học trò lại nói:
- Phi nhân đả tắc thiên đả.
Người làm ruộng nói:
- Trời sinh ra nó vậy !

Đến lúc về nhà, 3 cha  con ngồi uống rượu 
 Cha khen con rể học trò hay chữ mà chê con rể làm ruộng dốt. 
Người con rể làm ruộng tức mình mới tới gần hỏi người học trò:

- Tôi thì dốt thật, mà chú nói: “Trường cổ tắc đại thanh” nghĩa là làm sao?
Người học trò đáp:
- Nghĩa là cổ dài thì tiếng to.
Người làm ruộng mới bẻ:
- Thế con ếch, con ễnh ương cổ dài đâu mà tiếng cũng to?

Rồi lại hỏi:
- Chú nói: “Đa mao thiểu nhục tắc phù” nghĩa là làm sao?
Người học trò đáp:
- Nghĩa là nhiều lông ít thịt thì nổi.
Người làm ruộng lại bẻ:
-Thế thì con thuyền lông đâu, thịt đâu mà cũng nổi? 

Rồi lại hỏi:
- Chú nói: “Phi nhân đả tắc thiên đả” nghĩa làm sao?
Người học trò đáp:
- Nghĩa là không phải người đánh thì do trời đánh.
Người làm ruộng lại bẻ:
-Thế cái L … mẹ mày thì ai đánh mà nứt, hả ?

Lúc đó, ông cha mới gật đầu, nói:

- Ừ, ra dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng !!!

Võ Nhậm

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

NGƯỜI NHẬT DẠY CON.



1. Trẻ em không cần phải quá thông minh. Thông minh, học giỏi không hẳn là một điều tốt, cái chính là cần có nhân cách tốt.

2. Môi trường nuôi dạy con cái là rất quan trọng. Khó có thể dạy dỗ một đứa trẻ nên người trong một gia đình hay xung đột, một trường học nhiều trẻ hư hay một khu phố có tệ nạn.

3. Không bao giờ hình thành cho trẻ một thói quen xấu. Không thỏa hiệp lợi ích ngắn hạn để hình thành thói quen xấu cho con. Ví dụ như: đứa trẻ không ăn, đừng bao giờ bật tivi cho con xem để xúc cơm. Để đạt được mục đích cho con ăn được thêm vài thìa gạo, mẹ sẽ phải đánh đổi bằng một thói quen xấu rất khó bỏ.

4. Tôn trọng trẻ em, biết đồng cảm với trẻ.

5. Luôn nói sự thật với con. Chỉ cần chú ý đến kỹ năng nói và cách nói là được. Không bao giờ tỏ ra “ngoại giao”, nói dối với người khác trước mặt con trẻ.

6. Không bao giờ thỏa hiệp với con dù biết trẻ sẽ mè nheo, phản đối. Thỏa hiệp chỉ khiến kết quả tồi tệ hơn.

7. Chế độ ăn uống cho con phải cân bằng.

8. Trẻ con không bao giờ để mình bị chết đói. Không cần ép con ăn, lo con đói.

9. Bữa ăn phải được diễn ra trong ghế ăn. Không ngồi thì không ăn.

10. Bổ sung canxi cho trẻ nếu không thiếu thì không cần. Chỉ cần cho con chạy nhảy dưới ánh mặt trời, tắm nắng thường xuyên là được.

11. Cho trẻ mặc quần áo nên mặc nhiều lớp. Như vậy khi con nóng có thể cởi bớt, lạnh có thể khoác thêm. Chơi thể thao toát mồ hôi có thể bỏ ra.

12. Xác định con lạnh hay không bằng cách kiểm tra cổ.

13. Cho trẻ ăn trái cây thường xuyên và mỗi ngày.

14. Con có quyền quyết định những việc liên quan đến con.

15. Khi con được 4,5 tuổi, hãy dạy con cách tiêu tiền và cho con tiền tiêu vặt hàng tuần.

16. Ai cũng có thể bị bệnh, bị ốm. Do vậy khi một đứa trẻ bị cảm lạnh, bệnh nhẹ, đừng hoảng sợ. Không cần quá hoang mang.

17. Nếu việc con làm không ảnh hưởng đến sự an toàn của con, đến lợi ích của người khác, thì không được quá can thiệp vào hành vi của con.

18. Để trẻ chơi thoái mái, không giục giã.

19. Không phải cứ cái gì nguy hiểm cũng cấm con không được tiếp cận. Nên cho con biết nguy hiểm là như thế nào, xảy ra ở đâu, làm thế nào để tránh. Cho con tiếp cận với nguy hiểm trong phạm vi kiếm soát.

20. Cần để con có cơ hội tư trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Không nên nói trước kết quả với con. Hãy để bé tự khám phá, biết hậu quả, biết cách thành công, biết cả thất bại.

21. Dạy trẻ học cách chờ đợi.

22. Dạy trẻ chịu trách nhiệm về hành động của mình.

23. Dạy trẻ cách cho đi và nhận lại là quá trình hai chiều. Người nhận cũng phải biết ơn.

24. Hiện nay trong xã hội có rất nhiều phương pháp giáo dục sớm. Nếu không thực sự hiểu, không biết làm thế nào thì đừng làm và đừng ép con.

25. Phải đảm bảo mỗi ngày đều có thời gian dành cho con, chơi với con.

26. Luôn có cách khiến con cười ít nhất vài lần một ngày để duy trì tâm trạng tốt.

27. Dạy trẻ cách đối mặt với thất bại. Con có thể không hài lòng, có thể bỏ cuộc, có thể cố gắng làm tiếp một lần nữa. Nhưng dứt khoát không khóc, không được suy sụp.

28. Không bao giờ được đánh, tấn công bạn trước. Trong nhà trẻ, có thể thu hút sự chú ý của cô giáo và các bạn khác bằng cách hét lên.

Sưu tầm từ Thông điệp cuộc đời

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

TIẾNG "DẠ".

Nghe tiếng "Dạ" sao mà thương đến lạ. Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ "dạ" khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ "vâng". Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ "vâng". Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói "vâng!" là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt.

Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ "dạ" vào mỗi câu nói:
''Mày ăn cơm chưa con ?
- Dạ, chưa!"
"Mới dìa/dzề hả nhóc?
- Dạ, con mới!"…

Cái tiếng "dạ" đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó "thương" lạ...dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng "dạ" là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẵng hay...

Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói:
"Từ bữa đó đến bữa nay", còn người Sài Gòn thì nói: "Hổm rày", "dạo này"…
Người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ "ghê" phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng.

Tiếng "ghê" đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là "nhiều" là "lắm". Nói ''Nhỏ đó xinh ghê!", nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy. Lại so sánh từ "hổm nay" với "hổm rày" hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ "hổm rày, miết…" là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất miền Nam chung mà.

Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem… "Nhỏ đó dễ thương ghê!", "Nhỏ đó ngoan!"… Tiếng "nhỏ" mang ý nghĩa như tiếng "cái" của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi "nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên" thì cũng như "cái Thuý, cái Uyên, cái Lý" của người Hà Nội thôi.

Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu "Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề… nhìn phát bực!" Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm.
Một người lớn hơn gọi:
"Ê, nhóc lại nói nghe!"
Hay gọi người bán hàng rong:
"Ê, cho chén chè nhiều nhiều tiền ít coi!"…
"Ê" là tiếng Sài Gòn đó, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người SàiGòn.

Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường quên mất từ "bán", chỉ nói là:
"Cho chén chè, cho tô phở"…
"Cho" ở đây là mua đó nghen.
Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này:
"Lấy cái tay ra coi!"
"Ngon làm thử coi!"
"Cho miếng coi!"
"Nói nghe coi!"…
"Làm thử" thì còn "coi" được, chứ "nói" thì làm sao mà "coi" cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ "coi", cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà.

Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi:
"Mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?"
– Mà "dzậy ta" cũng là một thứ "tiếng địa phương" của người Sài Gòn à.
Người Sài Gòn có thói quen hay nói:
"Sao kỳ dzậy ta?"
"Sao rồi ta?"
"Được hông ta?"…
Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà...hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.

Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… "bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!"
Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang "màu sắc" riêng.

Người Sài Gòn có cái kiểu gọi "Mày" xưng "Tao" rất "ngọt".  Một vài lần gặp nhau, nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.

Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi.
Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó... tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như "cậu cậu - tớ tớ" của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.

Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy "tụi nhỏ" sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng "con" ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn "ưa" tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện.

Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì:
“Dì ơi dì...cho con hỏi chút...!" -
Còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác..." rồi.
Những tiếng mợ, thím, cậu,... cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím.
Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng "con" chứ không phải "cháu cháu" như một số vùng khác.

Cái tiếng "con" cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền. Nói tiếp chuyện xưng hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :
Ông đó = Ổng
Bà đó = Bả
Dì đó = Dỉ
Anh đó = Ảnh
Chị đó = Chỉ
Cô đó = Cổ
Còn nữa:
Ở bên đó = Ở bển
Ở trong đó = Ở trỏng
Ở ngoài đó = Ở ngoải
Hôm đó = Hổm.

Nói chung, khi cần lược bỏ chữ "đó", người ta chuyển thanh ngang hoặc thanh huyền thành thanh hỏi. Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng... ngộ nghĩnh dzậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất miền Nam - Sài Gòn á nghen. Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo... số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm... Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào.

Thành ra có cách gọi: Chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng... Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng "anh-chị-em" đôi khi được...giản lược mất luôn, trở thành:
"Hai ơi Hai, em nói nghe nè..." và "Gì dzạ Út ?"... Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi...con nhờ chút!" hoặc với mấy chị tôi thì "Hai ơi Hai... em nói nghe nè!".

Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi... rối. Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc trưng của cả một mảnh đất miền Nam sông nước. Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Kinh Thành, cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào của sông nước miền Nam, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái "chất Sài Gòn" chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn.

Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng "Dạ!" cùng những tiếng "hen, nghen" lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương... ❤

Quý Nguyễn
@ Phuong Tran

VÔ THƯỜNG

Mình vừa đọc được câu chuyện về 1 cây cầu "vô dụng" nhất thế giới: Đó là cây cầu Puente Sol Naciente (Cầu mặt trời mọc), ở Choluteca, Honduras. Nó không có đường đến, cũng không có đường đi, nó nằm ở kế bên con sông mà mình cần bắc qua. KẾ BÊN! (như hình)

Không hề có một lỗi kĩ thuật nào của kỹ sư cả, tất cả đều hoàn hảo. Nó từng là cây cầu hiện đại nhất, lớn nhất, tự hào nhất, được người Nhật xây dựng ở Mỹ Latin năm 1996. 

Nhưng, chỉ vài tháng sau khi cây cầu được khánh thành năm 1998, thì cơn bão Mitch lịch sử ập đến. Mưa liên tiếp, dồn dập trong 4 ngày đêm, lượng nước mưa lên đến 1905mm, giông bão gió giật cấp, cướp đi sinh mạng của 7000 người, cuốn trôi nhà cửa, của cải, làng mạc, đường đi. 

Một thứ duy nhất còn nguyên vẹn: cây cầu.

Nhưng vấn đề cũng nằm ở đó. Khi đường xá đều bị phá hủy, thì lấy gì để đi đến cây cầu đây? 
Chưa dừng lại ở đó, cơn bão còn làm thay đổi cả dòng chảy của con sông, làm nó chảy chệch sang một hướng khác, kế bên cây cầu. Từ đó cây cầu bị cô lập, không có đường đến, cũng không có đường đi, không bắc qua được con sông cần bắc, cây cầu không đi đến đâu cả. Hiện đại và kiên cố quá, cũng trớ trêu…

Mọi thứ thật vô thường. 
Ta tập trung quá nhiều vào giải pháp hoàn hảo cho vấn đề, mà quên rằng chính vấn đề cũng sẽ thay đổi. Năm Covid này, có ai nhận ra những tính toán chắc nịch của mình bất ngờ trở nên vô nghĩa?

Hôm nhìn bức hình này trên mạng, mình đã muốn khóc. Đâu có gì là mãi mãi. Vô thường là bình thường. Mình miên man nghĩ tới tình yêu. Có những điều mình đã nỗ lực biết bao, mà khi nhìn lại thì hóa ra đề bài đã thay đổi rồi! 
Miên man nghĩ tới nuôi dạy con, có khi nào những điều mà bây giờ mình đang thấy vô cùng quan trọng, những điều mà mình vật vã vì nó, sống chết vì nó, đắm đuối vì nó, chiến đấu và hi sinh vì nó...  bỗng trở nên vô nghĩa hay ko? 

Ví dụ như chúng ta kỳ công dạy trẻ viết đẹp, đúng ô ly, dạy làm toán, dạy ghi nhớ, dạy nghe lời, dạy giải đúng đáp án, dạy trả lời đúng câu hỏi... rồi chắc gì 20 năm nữa những câu hỏi đó, bằng cấp đó, kỹ năng đó, còn quan trọng, với con? Liệu có giúp con cạnh tranh được với robot, với trí tuệ nhân tạo, với big data, với sự biến đổi bất ngờ của tương lai ko? 

Thế giới thay đổi, thời thế thay đổi, và chúng ta cũng phải thay đổi thôi.

Fb Trần Thu Hà

VỀ BỌN "PHẢN ĐỘNG ĐẾ QUỐC MỸ"



Tiểu Vũ

Có thể bạn không quan tâm tới nước Mỹ, coi người Mỹ như kẻ thù thì Mỹ vẫn ảnh hưởng chi phối rất nhiều đến mọi sinh hoạt bình thường của bạn đấy. 

Cùng thống kê một vài cái của Mỹ mà người Việt chúng ta hay dùng nhất nha: 

- Khi bạn đọc status này có nghĩa là bạn đang dùng một sản phẩm của Mỹ đấy - Mạng xã hội Facebook được thành lập vào năm 2004, người sáng lập ra mạng này là Mark Zuckerberg, cùng với các sinh viên Đại học Harvard và bạn cùng phòng là Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz, Chris Hughes (tất cả đều là công dân Mỹ). Facebook thuộc sở hữu của Meta Platforms có trụ sở tại Menlo Park, California. Mỹ. 

- Câu thơ vui của dân mạng nói rằng: "Dân ta phải biết sử ta/Cái gì không biết thì tra Google" mà Google là một phát minh vĩ đại của Mỹ. Google được thành lập vào năm 1998 bởi Larry Page và Sergey Brin trong khi họ là nghiên cứu sinh đã có bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford,  California. Mỹ. 

- Mạng internet bạn đang dùng hiện nay là một phát minh của Mỹ.  Internet khởi nguyên từ năm 1960 bởi quân đội Mỹ. Họ giữ kín dùng riêng suốt 20 năm, mãi đến những năm 1980 thì bắt đầu thương mại hóa và 1990 trở đi thì bắt đầu phủ kín toàn cầu.

 - Mỗi ngày bạn nhận và gửi email cho người khác. Trời ơi lại đụng tới Mỹ luôn. Email được nghĩ ra từ năm 1971 bởi lập trình viên Ray Tomlinson của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm giúp nhân viên trong cơ quan trao đổi thông qua một mạng lưới liên kết thay cho việc trực tiếp cầm thư từ văn bản "giao tận nơi". 

 - Đang đi đường mà thấy đèn xanh đèn đỏ là của Mỹ đó. Đây là phát minh được tạo ra vào năm 1912 của người Mỹ nhằm giúp giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông cũng như nạn ùn tắc xe cộ. 

- Nóng quá bật máy lạnh lên cái nào. Chiếc máy điều hòa nhiệt độ đầu tiên được chế tạo bởi kỹ sư người Mỹ Willis H. Carrier vào năm 1902. 

- Về nhà bật lò vi sóng lên để hâm đồ ăn. Thôi rồi cũng gặp Mỹ.  -Năm 1945, kỹ sư Percy Spencer đã chế tạo ra một thiết bị phát cao tần cho radar cho công ty Raytheon, nhằm giúp radar nhạy hơn qua các bước sóng khác nhau. Cuối cùng ông vô tình nhận ra thanh chocolate bị biến dạng và nấu chảy khi được đặt bên trong thứ mà sau này chúng ta gọi là lò vi sóng.

- Nếu trên tay của bạn đang dùng iPhone thì cũng là của Mỹ. Chiếc Smartphone đầu tiên được hãng IBM chế tạo năm 1992 với tên Simon Personal Communicator. Chiếc điện thoại di động cầm tay đầu tiên trên thế giới là chiếc Motorola DynaTAC 800x được chế tạo năm 1983 tại Mỹ. 15 năm sau, iPhone mới ra đời ở Mỹ.

- Nếu bạn không dùng iPhone vì nó là của Mỹ mà chuyển qua dùng Samsung của Hàn Quốc... nhưng cách này cũng không thoát Mỹ được vì Sangsung phải sử dụng hệ điều hành Android của Mỹ đó. Android là một hệ điều hành dựa trên nền tảng Linux thiết kế dành cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ban đầu, Android được phát triển bởi Android Inc một công ty của Mỹ với sự hỗ trợ tài chính từ công ty lớn khác của Mỹ là Google và sau này Android Inc được chính Google mua lại vào năm 2005.

Android ra mắt vào năm 2007 cùng với tuyên bố thành lập Liên minh thiết bị cầm tay mở: một hiệp hội gồm các công ty phần cứng, phần mềm, và viễn thông với mục tiêu đẩy mạnh các tiêu chuẩn mở cho các thiết bị di động. Chiếc điện thoại đầu tiên chạy Android được bán vào năm 2008 tại Mỹ.

- Các kênh truyền hình và TV màu bạn đang xem là phát minh của người Mỹ đó à nha. Hệ thống truyền hình màu đầu tiên thiết kế bởi công ty Radio Corporation of America bắt đầu phát sóng ngày 17.12.1953. 
- Chiếc TV màu đầu tiên cũng được chế tạo bởi hãng này được xuất ra thị trường năm 1954 tại Mỹ. 

 - Bạn giải trí bằng cách xem video nghe nhạc trên nền tảng Youtube cũng là của Mỹ luôn nè.

- Soạn thảo văn bản bằng Word, Excel, trình chiếu Power Point trong bộ Microsoft Office cũng là của Mỹ đó nha. 

- Đi đường bị lạc bấm Google Maps lên cũng là đang dùng sản phẩm người của Mỹ đó. 

-  Các bộ phim, video bạn đang xem đa số đều dùng phần mềm Adobe Premiere của Mỹ để dựng đó à nhà. 

- Photoshop để chỉnh sửa ảnh cũng của Mỹ luôn đó nghe. 

- Bất kể chiếc máy tính bạn dùng nhãn hiệu gì, sản xuất ở đâu thì "bộ não" CPU của nó chỉ có thể là sản phẩm của Intel hoặc AMD, hai hãng điện tử của Mỹ. Nếu không có nó thì bó tay. 

- Bạn đi máy bay là nhờ phát minh của ngườ Mỹ. Vào năm 1903 hai anh em nhà Wright sống tại Dayton, bang Ohio, Mỹ đã làm thay đổi lịch sử thế giới bằng sự phát minh ra chiếc máy bay đầu tiên.

- Đèn điện mà bạn đang thắp là phát minh của ông Thomas Edison một người Mỹ. Chính phát minh này đã mang lại ánh sáng và sự văn minh cho cả thế giới loài người, đồng thời đã khai sinh cho ngành công nghiệp điện của thế giới.

Tiểu Vũ


Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

MƯỜI PHÉP DƯỠNG SINH CỦA VUA CÀN LONG

 
( Tui chôm y chang từ 1 bạn trên facebook, làm theo nhé, hay lắm đó )

Phần đông các ông vua trong lịch sử đều rượu chè, trụy lạc nên tuổi thọ rất ngắn. Duy chỉ có vua Càn Long đời nhà Thanh thọ tới 89 tuổi. Bí quyết của ông là suốt đời kiên trì nghiêm ngặt thuật dưỡng sinh “mười điều thường trực” đến già không bỏ. Mười điều dưỡng sinh ấy có thể diễn đạt vắn tắt là: 

1/ Răng thường đánh: Hai hàm răng đánh vào nhau thành tiếng. Đó là cách luyện cơ chân răng cho chắc, khỏe, giúp răng bền chắc, tránh các bệnh về răng, răng khó rụng, lại giúp cả cơ mặt hoạt động, góp phần làm tăng lưu thông máu lên não...  

2/ Bọt thường nuốt: Vì nước bọt giúp điều hòa dịch vị, tăng khả năng hấp thụ thức ăn, tránh được bệnh viêm loét dạ dày cũng như nhiều bệnh đường tiêu hóa...

3/ Tai thường rung: Hai bàn tay áp vào hai tai, vỗ nhẹ liên hồi; Hoặc hai ngón tay nút vào hai lỗ tai rồi rút mạnh ra, cứ thế liên tiếp nhiều lần. Như thế màng nhĩ thường được rung, tránh được trạng thái chùng màng nhĩ khi có tuổi, khiến cho tai thính cả lúc tuổi già.

4/ Mũi thường vuốt: Hai bàn tay xát nóng, vuốt hai bên mũi nhiều lần, có thể phòng cảm mạo, viêm mũi. 

5/ Mắt thường đảo: Ngưng mắt nhìn xa, đảo nhãn cầu nhiều lần, tiếp đến lại ngưng mắt chăm chú, rồi lại đảo nhãn cầu. Luyện tập như thế giúp tăng thị lực, phòng được các chứng hoa mắt, suy giảm thị lực...

6/ Mặt thường xát: Hai bàn tay xoa vào nhau cho nóng lên rồi xoa mặt nhiều lần. Xoa mặt làm tăng lưu thông huyết dịch ở mặt, tránh hoặc giảm được nếp nhăn, lại có thể phòng các bệnh về da mặt.

7/ Chân thường vuốt: Thường xoa vuốt chân từ bàn chân tới đùi, có thể làm giảm tình trạng đọng máu, phòng được nhiễm lạnh cơ thể từ chân, nên phòng được các bệnh ở chân cũng như chứng mất ngủ...

8/ Bụng thường xoa: Dùng bàn tay xoa trên vùng bụng, giúp dạ dày, ruột được vận động nhẹ, tăng khả năng tiêu hóa, ăn ngon miệng, phòng được các chứng chướng bụng, bí trung tiện...

9/ Chi thường duỗi: Tứ chi thường co vào duỗi ra nhiều lần, có thể giúp khí huyết toàn thân lưu thông, phòng được các chứng thiểu năng tuần hoàn não cũng như các chứng về mạch...

10/ Hậu môn thường động: Mỗi ngày dành vài lần tập trung tinh thần làm co duỗi hậu môn, có thể phòng được viêm tuyến tiền liệt cũng như các bệnh đi lỏng mãn tính...

Fb Ruby Tran

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

NGƯỜI VIỆT NAM KHÔNG ƯA NHAU.


 
Giáo sư Nguyễn Huy Bảo sinh năm 1908. Ông du học tại Pháp, tốt nghiệp cử nhân triết học, rồi về nước dạy học tại Huế từ trước thế chiến II. Một số đông các trí thức miền Trung là học trò của ông. Ông làm khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn cho tới năm 1964, rồi rời Việt nam làm chuyên viên cho Liên Hiệp Quốc và thực hiện nhiều công tác văn hóa giáo dục tại các nước châu Phi. Kinh nghiệm sống của ông đã giúp ông hiểu tại chỗ lý do khiến nhiều quốc gia không phát triển được. Là một người hoạt động không ngừng nghỉ, dầu tuổi đã ngoài chín mươi, tương lai của Việt nam không còn một quan trọng nào đối với ông nữa, ông vẫn còn tham gia tích cực vào các hoạt động của nhóm Thông Luận. Ông là một người Việt nam yêu nước thực sự và nồng nàn. Trong một buổi thuyết trình tại Câu Lạc Bộ Thân Hữu Thông Luận về đề tài “Việt nam có thể có dân chủ được không?”, ông đã phân tích những nhược điểm của người Việt nam. Ông kể lại rằng khi ông còn trẻ vừa tới Pháp du học, một giáo sư người Pháp có kinh nghiệm nhiều về Việt nam đã nói về người Việt nam rằng: “Ils ne s’aiment pas” (Họ không ưa nhau). Câu nói đó chắc là ông Nguyễn Huy Bảo đã phải kiểm chứng thấy trong cuộc đời của ông và đã phải làm ông đau lòng lắm, để đến nỗi 60 năm sau, ông vẫn còn ấm ức và nhắc lại một cách rất thất vọng.
Phải giải thích người Việt nam không yêu nước vì họ không quí mến nhau, hay người Việt nam không quí mến nhau vì họ không yêu nước? Hai tình cảm đó luôn luôn đi đôi với nhau, hoặc có cả hai hoặc không có cả hai chứ không thể có một trong hai.
Ca dao ta có hai câu mà hầu như mọi người đều biết “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” và “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Thực là ai oán. Hai câu ca dao đó hình như đã xưa lắm rời. Tôi có đọc một cuốn sách nói rằng câu “bầu ơi thương lấy bí cùng…” có từ thời Hai Bà Trưng? Tôi không phải là một nhà nghiên cứu văn học để có thể có ý kiến về thời điểm xuất phát của những câu ca dao này, nhưng mọi người có thẩm quyền về văn học mà tôi quen biết đều xác nhận đó là những câu ca dao đã có từ rất lâu. Như thế có nghĩa là từ lâu rồi người Việt tệ bạc với nhau tới độ có những người phải đau lòng thốt ra những lời nhắn nhủ não nùng như thế.
Nguyễn Văn Thanh, người anh kết nghĩa trong tù của tôi nam nay đã 76 tuổi và sống tại Los Angeles, kể cho tôi nghe thời anh học trường Bưởi, giáo sư Đỗ Trí Lễ dạy Vật Lý, mỗi lần bực bội với học trò thường đi đi lại lại trong lớp và lẩm bẩm: “Les Annamites sont des menteurs, des voleurs ét des assassins” (Người Việt nam là bọn dối trá, trộm cắp và sát nhân). Sau này do những liên hệ hôn phối tôi được biết về giáo sư Đỗ Trí Lễ. Ông là một nhà giáo hiền lành, đức độ. Câu ông nói không phải do ông sáng tạo ra mà ông chỉ nhắc lại bởi vì tôi cũng đã được nghe nhiều lần ở miệng người khác. Thật khó tin là người Việt nam có thể khinh ghét nhau đến thế được.
Người Việt nam tìm đủ mọi lý do để ghét nhau. Người thành thị thì gọi người nông thôn một cách khinh bỉ là “bọn nhà quê” với ngụ ý nói là những người dốt nát, đần độn, ngớ ngẩn. Còn người nông thôn thì `gọi người thành thị là “kẻ chợ” với hàm ý là gian trá, lật lọng. Người ta mạt sát nhau vì lý do nghề nghiệp: “đồ hàng cá, hàng thịt!”. Khi còn ở ngoài Bắc, tôi đã được nghe câu “tục ngữ”: “bạc quân xứ Huế, tệ quân xứ Nam”. Xứ Huế đây là để chỉ miền Trung. Như vậy là người Trung và người Nam đều tệ bạc, chỉ có người Bắc là chung thủy thôi sao? Nhưng vào tới trong Nam, tôi lại thấy phần đông người miền Nam coi người Bắc và người Trung là không ngay thẳng. Ra tới Huế, tôi lại có thể nhận thấy rõ ràng người Huế tự nghĩ mình có văn hóa và có chiều sâu hơn người miền Nam và miền Bắc. Tuy họ không nói trắng ra nhưng tôi có thể cảm thấy rõ ràng rằng theo họ, trừ một vài ngoại lệ, nói chung người Bắc và người Nam tuy có khác nhau nhưng đều hời hợt và phù phiếm.
Thế nhưng một ông vua nhà Nguyễn (Minh Mạng hay Tự Đức) lại mạt sát xứ Huế của chính ông là “sơn bất cao thủy bất thâm, nam đa trá nữ đa dâm” (Núi không cao, sông không sâu, con trai gian trá, con gái đa dâm). Đó là mạt sát theo thành kiến của một thời đại thôi chứ đa dâm thực ra là một tính tốt, nó chứng tỏ con người giàu sinh lực, nhạy cảm và thông minh. Như vậy rõ ràng là người Việt nam khinh ghét nhau giữa những người khác miền với nhau và ngay cả giữa những người cùng sống một nơi. Khác biệt địa phương, cũng như mọi khác biệt, đều chỉ là những lý cớ để người Việt biểu lộ sự khinh ghét lẫn nhau đã sẵn có ở trong lòng.
Claude Renaud là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông là người úc gốc Pháp, học chính trị tại Pháp, quen một cô bạn Việt nam xinh đẹp và lịch duyệt rồi cưới nhau. Renaud là một nhân vật cao cấp tại bộ ngoại giao và ngoại thương úc, từng làm cố vấn tòa đại sứ úc tại Việt nam, rồi cố vấn tòa đại sứ úc tại Pháp. Trong ngành ngoại giao cố vấn có hàm bộ trưởng.
Claude Renaud kể cho tôi nghe một cách thú vị những gian truân của anh trong việc chinh phục người đẹp. Gia đình vợ anh không hài lòng lắm để cho con gái lấy chồng ngoại quốc, nhưng trở ngại lớn nhất là bà nội vì bà rất bảo thủ. Sau cùng sự kiên nhẫn và khôn khéo của nhà ngoại giao cự phách đã thuyết phục được bà cụ. Bà cụ đành nói: “Thôi, thà để nó lấy chồng Tây còn hơn là để nó lấy chồng Bắc Kỳ”. Bà cụ là người hiền lành, không hiểu sao cụ ghét người Bắc đến thế. Có lẽ đó là một thành kiến, nhưng nó chứng tỏ người Việt nam không ưa nhau.
Yếu tố “cùng là người Việt nam” có lẽ chỉ có một trọng lượng rất nhỏ, nên người Việt khi kết hợp với nhau thường dựa trên một mẫu số chung nào đó ngoài sự kiện cùng là người Việt. Cứ nhìn ngay những tổ chức chính trị, mà mục đích là tranh đấu cho một nước Việt nam thống nhất và đoàn kết. Không cần phải là một nhà quan sát tinh tường cũng đủ thấy. Người ta thường kết hợp với nhau trên một mẫu số chung địa phương, hay thành phần xã hội, hay tôn giáo: người Bắc, người Nam, người Trung, cựu hải quân, cựu học viên Quốc Gia Hành Chánh, Công Giáo, Phật Giáo, Hòa Hảo v.v… Rất ít thấy nhưng tổ chức vượt ra ngoài được những yếu tố đó.
Dĩ nhiên là cũng có. Đảng cộng sản có cả Bắc Trung Nam, nhưng họ có một mẫu số chung khác là chủ nghĩa cộng sản và họ cũng chỉ kết hợp giai cấp vô sản. Việt nam Quốc Dân Đảng cũng hiện diện tại cả Bắc Trung Nam, nhưng những hệ phái Bắc, Trung, Nam trên thực tế là những đảng riêng biệt với nhau. Một thí dụ cụ thể là năm 1967, ông Vũ Hồng Khanh, chủ tịch Việt nam Quốc Dân Đảng miền Bắc, ra ứng cử tổng thống thì ông Nguyễn Hòa Hiệp (Việt nam Quốc Dân Đảng miền Nam) cũng ra tranh cử. Các hệ phái Việt nam Quốc Dân Đảng tại ba miền không phải là những chi nhánh của một đảng mà là những đảng riêng biệt, không những không liên kết với nhau mà còn chống nhau vì hệ phái nào cũng cho mình là chính thống.
Khi miền Nam đang lâm nguy trước sự tiến công của cộng sản, một kết hợp chính trị ra đời, nhóm Liên Trường, kết hợp những người có một mẫu số chung là đã từng học các trường trung học miền Nam trước đây. Biết Nguyễn Ngọc Huy cũng tham gia, dù là một cách kín đáo, tôi có lần bực bội chất vấn: “Nước sắp mất, không có lý tưởng nào để kết hợp hay sao mà lại kết hợp nhảm nhí như vậy?”, ông Huy phân trần: “Đó là mấy thằng bạn nó làm, mình không tham gia thì kỳ quá!”.
Chính cá nhân tôi cũng đã từng được kiểm chứng cái tính ghét nhau của người Việt. Tôi có viết một số bài báo, trình bày quan điểm chính trị của tôi. Quan điểm đó không được sự tán thành của một số người. Điều đó không hề làm tôi buồn lòng, trái lại về một khía cạnh nào đó tôi còn vui lòng vì sự kiện nhiều người không đồng ý với mình chứng tỏ ý kiến của mình là mới. Tôi quan niệm đưa ra mười ý mới trong đó có chín ý sai và một ý đúng vẫn còn hơn là nói mười điều đúng cả mười nhưng chỉ là những ý cũ. Vậy thì khi người ta đả kích tôi, tôi không buồn. Nhưng sao những lời lẽ lại có thể hằn học và nặng nề đến thế! “Bọn”, “tên”, “chúng”, “phản bội”, “cơ hội chủ nghĩa”, “đón gió trở cờ”, “phải vạch mặt chỉ tên”, “phải có thái độ”, v.v...
Xét cho cùng không phải người ta phản đối những điều tôi viết ra, bởi vì họ bịa đặt ra những điều tôi không hề viết hay nói, cắt xén những câu viết hay câu nói làm đổi hẳn ý nghĩa rồi dựa vào đó mà lên án. Lý do thực sự là họ có nhu cầu cần phải thóa mạ và đả phá một ai đó.
Phần lớn nhưng người viết bài đả kích tôi đều không biết tôi là ai cả vì lý do giản dị là tôi chẳng làm được gì đáng để được biết tới và cũng không thuộc một gia đình lớn nào để họ có thể lục lọi nguồn gốc, tôi chỉ là đứa con của những ruộng đồng không tên, không tuổi. Dầu vậy họ có thể viết tôi là “đồ mất gốc, dòng dõi bán nước, một câu Kiều và một chữ Bình Ngô Đại Cáo không biết”. Có người còn quả quyết tôi là cộng sản nằm vùng, có bài còn tả tôi là người điên, mặt mũi láo liên, chân đi hai hàng!
Rồi một số người biết tôi rất rõ cũng làm ngơ trước những xuyên tạc mà họ biết chắc chắn là sai, dù phần lớn có cảm tình với tôi. Tôi tự hỏi tại sao? Câu trả lời của tôi là tuy không diễn tả ra dược nhưng trong bản năng của họ, họ đều nghĩ rằng sự độc ác của người Việt trong cách đối xử với nhau là một chuyện thường, chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Nguyễn Gia Kiểng 
(Trích Tổ Quốc Ăn Năn)