Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Canh Le _ Thích Nhất Hạnh

Trên fb "canh le".

Thời chiến tranh Việt Nam, vì phản chiến mà không được về nước, phải sống lưu vong, khi được hỏi : Làm sao để có hòa bình ở Việt Nam ? Ông sư đã trả lời : Chỉ cần giải giới quân đội miền Nam.

Một ý nghĩ khá ngây thơ !

Như hai võ sĩ đang đấu trên võ đài, nếu trói tay một võ sĩ thì trận đấu có thể kết thúc, nhưng chưa chắc có an bình sau đó.

Như hai con hổ đang tranh nhau đàn nai, nếu hạ bớt một con thì cuộc tranh sẽ kết thúc, nhưng đàn nai vẫn bị săn đuổi.

Mà thực ra thì hầu hết những người phản chiến ở Miền Nam Việt Nam, nhất là giới "trí thức - văn nghệ sĩ", vẫn thường có ý nghĩ ngây thơ đó. Họ kêu gọi Miền Nam ngừng chiến, nhưng oái ăm thay, họ lại không kêu gọi Miền Bắc ngừng chiến.

Khi người Mỹ nhảy vào Miền Nam Việt Nam, mục đích chỉ là để tạo một tiền đồn ngăn chận "làn sóng đỏ" từ Đông Âu, Liên Xô, Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á, không có tham vọng tấn công Miền Bắc Việt Nam. Một vài ông tướng võ biền Miền Nam hô hào "Bắc tiến" chỉ là chuyện vặt. Người Mỹ đã có kinh nghiệm từ chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên, vẫn là Bắc Triều Tiên nhận viện trợ của Trung Quốc và Liên Xô tấn công Nam Triều Tiên trước, nhưng khi quân Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên thì Trung Quốc lập tức tung "chí nguyện quân" tràn qua ngăn chận. Trung Quốc cần Bắc Triều Tiên và Bắc Việt Nam làm hàng rào bảo vệ. Mỹ không muốn đụng độ với Trung Quốc, và cả Liên Xô, bằng chiến tranh nóng, tổn hao quá lớn.

Vậy thì thực ra, hỏi : Làm sao để có hòa bình ở Việt Nam ? Trả lời : Chỉ cần quân đội miền Bắc rút về bên kia giới tuyến tạm thời, vĩ tuyến 17, bên kia sông Bến Hải, cầu Hiền Lương.

Sau 30/4/1975, làm công việc cứu vớt người Việt Nam vượt biên tị nạn, có lẽ ông sư đã bớt ngây thơ. Chính ông cũng không được về nước, phải tiếp tục sống lưu vong, lại càng phải bớt ngây thơ.

Năm 2005, khi được về nước, hẳn ông phải nhận ra sự chăm sóc cẩn mật của cánh an ninh và sự ghẻ lạnh của giáo hội nhà nước, lại càng phải bớt ngây thơ.

Sống ở các nước văn minh quá lâu nên dù có kiến thức và "chánh niệm" nhưng vẫn có thể sinh ra huyễn tưởng, rằng có thể tự chủ tôn giáo và tự do tín ngưỡng, truyền bá pháp môn, hoặc thậm chí hoạt động chính trị trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật ở bất cứ nơi đâu. Nhưng khi về nước thì không, lại càng phải bớt ngây thơ.

...

Dường như, "trí thức - văn nghệ sĩ", "tu sĩ - giáo sĩ" thường ngây thơ. 

Có lẽ, chính trị gia có ý nghĩ chín chắn hơn :

"Chấm dứt chiến tranh Việt Nam không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả cho loại hòa bình đó là ngàn năm tăm tối cho thế hệ sinh ra tại Việt Nam về sau".

Canh Le

Không có nhận xét nào: