Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Canh Le _ Thích Nhất Hạnh

Trên fb "canh le".

Thời chiến tranh Việt Nam, vì phản chiến mà không được về nước, phải sống lưu vong, khi được hỏi : Làm sao để có hòa bình ở Việt Nam ? Ông sư đã trả lời : Chỉ cần giải giới quân đội miền Nam.

Một ý nghĩ khá ngây thơ !

Như hai võ sĩ đang đấu trên võ đài, nếu trói tay một võ sĩ thì trận đấu có thể kết thúc, nhưng chưa chắc có an bình sau đó.

Như hai con hổ đang tranh nhau đàn nai, nếu hạ bớt một con thì cuộc tranh sẽ kết thúc, nhưng đàn nai vẫn bị săn đuổi.

Mà thực ra thì hầu hết những người phản chiến ở Miền Nam Việt Nam, nhất là giới "trí thức - văn nghệ sĩ", vẫn thường có ý nghĩ ngây thơ đó. Họ kêu gọi Miền Nam ngừng chiến, nhưng oái ăm thay, họ lại không kêu gọi Miền Bắc ngừng chiến.

Khi người Mỹ nhảy vào Miền Nam Việt Nam, mục đích chỉ là để tạo một tiền đồn ngăn chận "làn sóng đỏ" từ Đông Âu, Liên Xô, Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á, không có tham vọng tấn công Miền Bắc Việt Nam. Một vài ông tướng võ biền Miền Nam hô hào "Bắc tiến" chỉ là chuyện vặt. Người Mỹ đã có kinh nghiệm từ chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên, vẫn là Bắc Triều Tiên nhận viện trợ của Trung Quốc và Liên Xô tấn công Nam Triều Tiên trước, nhưng khi quân Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên thì Trung Quốc lập tức tung "chí nguyện quân" tràn qua ngăn chận. Trung Quốc cần Bắc Triều Tiên và Bắc Việt Nam làm hàng rào bảo vệ. Mỹ không muốn đụng độ với Trung Quốc, và cả Liên Xô, bằng chiến tranh nóng, tổn hao quá lớn.

Vậy thì thực ra, hỏi : Làm sao để có hòa bình ở Việt Nam ? Trả lời : Chỉ cần quân đội miền Bắc rút về bên kia giới tuyến tạm thời, vĩ tuyến 17, bên kia sông Bến Hải, cầu Hiền Lương.

Sau 30/4/1975, làm công việc cứu vớt người Việt Nam vượt biên tị nạn, có lẽ ông sư đã bớt ngây thơ. Chính ông cũng không được về nước, phải tiếp tục sống lưu vong, lại càng phải bớt ngây thơ.

Năm 2005, khi được về nước, hẳn ông phải nhận ra sự chăm sóc cẩn mật của cánh an ninh và sự ghẻ lạnh của giáo hội nhà nước, lại càng phải bớt ngây thơ.

Sống ở các nước văn minh quá lâu nên dù có kiến thức và "chánh niệm" nhưng vẫn có thể sinh ra huyễn tưởng, rằng có thể tự chủ tôn giáo và tự do tín ngưỡng, truyền bá pháp môn, hoặc thậm chí hoạt động chính trị trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật ở bất cứ nơi đâu. Nhưng khi về nước thì không, lại càng phải bớt ngây thơ.

...

Dường như, "trí thức - văn nghệ sĩ", "tu sĩ - giáo sĩ" thường ngây thơ. 

Có lẽ, chính trị gia có ý nghĩ chín chắn hơn :

"Chấm dứt chiến tranh Việt Nam không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả cho loại hòa bình đó là ngàn năm tăm tối cho thế hệ sinh ra tại Việt Nam về sau".

Canh Le

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

VỀ THÍCH NHẤT HẠNH

Lính Muc Phêrô Nguyễn Văn Khải phân tích và nhận định về Thiền Sư Nhất Hạnh qua cái nhìn trung dung và hiểu biết về Tôn Giáo và chia sẻ những điều này cho Cộng Đồng Người Việt, trong cũng như ngoài Nước được hiểu rõ hơn 

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH TRONG MẮT TÔI

Về đời sống của Thiền sư TNH: ông xuất tu khỏi GHPGVNTN, ông lập môn phái riêng của ông, ông có gia đình, có vợ con. Ông chỉ nhận là Thiền sư chứ không nhận là người tu hành, là thượng tọa hay hòa thượng. Về mặt này, ông là người thẳng thắn! 

Về sách vở của Thiền sư TNH: xét trên quan điểm tâm linh tôn giáo, cụ thể là phương diện triết học và Phật học, tôi không thấy có tư tưởng gì cao sâu, độc đáo.

Về cách tu tập: các trung tâm Làng Mai đã bắt chước theo cách tổ chức của Taizé và các đan viện Kitô giáo, tất nhiên có cải biên và thích nghi, nhưng mang nặng yếu tố tình cảm và tâm lý hơn là dựa trên một nền tảng triết học và Phật học uyên thâm.  

Giới trí thức thiên tả nửa nạc nửa mỡ ăn chơi sa đọa ở Tây Phương, chẳng còn biết gì đến đức tin là gì, muốn chứng tỏ mình cũng là con người nhân bản và quan tâm đến tôn giáo thì thích sách ông và cách tu của ông như một cái mode thời thượng. Một vài ngày hay một vài tuần vào Làng Mai giống như một kiểu đi vào resort hạng sang khác lạ vậy thôi. 

Giới trí thức Phật giáo và những nhà tu Phật giáo uyên thâm, những người dấn thân thật trong lãnh vực tâm linh thấy tư tưởng, những bậc thầy về thiền ở Tầu, ở Nhật, ở Hàn thấy tư tưởng của ông nhạt như nước ốc, cách tu tập của ông như trò trẻ con. Ở những nơi ấy sách vở và cách tu của ông không có đất sống. Các  bạn có thấy có Trung tâm Làng Mai nào ở Nhật không? Không! Cả ở Hàn Quốc, Đài Loan cũng không! 

Về đời sống dấn thân của Thiền sư: trước sau ông chỉ lợi dụng nỗi đau của đồng loại để làm lợi cho ông và môn phái của ông. Ông dường như không quan tâm đến vận mệnh dân tộc và đất nước. Trước 1975, ông chống VNCH, ông "phản chiến" cuộc chiến bảo vệ tự do và độc lập của Miền Nam. Ông không phản đối cuộc xâm lược của cộng sản Bắc Việt. Ông thân cộng và làm lợi cho cộng sản. Chính quyền VNCH nhân đạo nên chỉ trục xuất ông.
Ông đi đêm với CS bao nhiêu lần. Trước sau 1975 CS lợi dụng ông và ông lợi dụng CS được bao nhiêu lần. Năm 2005 CS thấy cần sớm được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo (CPC), họ tổ chức cho ông một cuộc hồi hương như là "quốc sư" từ Bắc chí Nam  với cả một bộ máy tuyên truyền của CS vào cuộc tung hô. Tưởng đã đến lúc thể hiện được vị thế của mình, sau đó ông đề nghị nọ kia dạy khôn CSVN, nhưng bị CSVN dạy cho ông một bài học. 
Năm 2006, trước khi đến Việt Nam dự Hội nghị APEC, Tổng thống Bush đã  đưa VN ra khỏi danh sách CPC. Thế là đến năm 2008, Thiền viện Làng Mai của ông ở Bảo Lộc, Lâm Đồng bị cộng sản thôn tính. Đến lúc ông bệnh gần chết, ông muốn được hồi hương, biết ông chẳng làm gì ở VN được nữa và CS cũng còn lợi dụng được chút tên tuổi của ông nên cho ông về...
Trước sau ông vẫn là người chỉ tìm quyền lợi của ông và môn phái ông. Ông lợi dụng Mỹ và lợi dụng cộng sản để làm điều ấy. Ông đánh bóng tên tuổi qua nỗi đau của đồng bào, đồng loại. Nhưng đến năm 2001 thì ông bị "hors-jeux" vụ bị khủng bố 11 tháng 9, từ đó ông mất điểm trong con mắt của những người Tây Phương vốn thích ông. 

Thích ông là quyền của các bạn. Tôn vinh ông là quyền của các bạn.  Phần tôi, tôi thích và tôi tôn vinh những người dám hy sinh vì dân vì nước bất kể họ là ai, cộng sản hay cộng hòa, Công giáo hay Phật giáo, người Việt hay người ngoại quốc. 

Tuy nhiên, trong tư cách là linh mục Công giáo tôi lấy làm xấu hổ và đau đớn khi có người Công giáo chẳng biết gì cũng ăn theo "phong thánh" cho ngông, cả một trang mạng Công giáo cấp giáo phận cũng có bài về ông. Phần tôi, tôi tin thờ Chúa và tôi đi theo giáo lý của Ngài. Tôi không theo thói đời a dua a tòng tôn thờ thần tượng nhảm nhí!  

Một người tu hành dấn thân thì lời nói và việc làm, tư tưởng và cuộc sống phải đi đôi với nhau và phải biết thương yêu và chia sẻ thân phận với đồng bào mình. Đức Đạt Lat Lạt Ma là người như vậy. Còn Thiền sư NTH tôi không thấy được như vậy và vì vậy ông cũng không có chỗ trong lòng người Việt quốc gia chân chính và hiểu biết. Ngay cả trong lòng các Phật tử quốc gia cũng không! 

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

PS.  Hình Thiền sư Nhất Hạnh tại chùa ở SG năm 2007. AFP Photo. Hình lấy từ: 
https://www.rfa.org/.../Zen-master-calls-for-political...

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Chông chênh tuổi 25



"Con là T.A, năm nay 25 tuổi, độ tuổi chông chênh nhất của đời người. Ở lứa tuổi này, người ta mới đủ trưởng thành để biết cuộc đời mình ra sao, nhưng cũng bàng hoàng nhận ra hiện tại có quá nhiều lối rẽ. Rẽ trái, phải hay đi thẳng bây giờ? Ai có được misssion, biết ham muốn tột bậc của mình là gì thì mới kiên định con đường đi, trở nên xuất chúng. Còn lại, cứ nhấp nha nhấp nhổm với đa mục tiêu, rồi thành hạng xoàng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, không xuất chúng được. 

Con học chuyên Anh ở một trường cấp 3 nổi tiếng ở Sài Gòn, rồi vào ĐH ngoại thương. Khi ra trường, con đậu vào chương trình quản trị viên tập sự của một công ty đa quốc gia. Họ cho con 2 năm rèn luyện ở mọi phòng ban, nhằm đào tạo cán bộ quản lý. Họ đào tạo vô cùng tốt, nhiều bài học vô cùng hay. Các sếp đến từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh,…với lịch sử cơ chế thị trường hàng trăm năm, nên chiêu trò của họ cũng lắm. Người tiêu dùng một quốc gia nông nghiệp mới đi lên như nước mình, chỉ biết rơi vào vòng xoáy của các chương trình quảng cáo PR hát hò của họ, chỉ biết dốc hầu bao để mua và mua. Lương tháng của công nhân nhà máy ở mình chỉ có 5-6 triệu chứ sẵn sàng bỏ nửa tháng lương mua mấy sản phẩm của công ty con, dù không phải là hàng hoá thiết yếu.

Tình cờ con đọc cuốn Trên đường băng trên một chuyến bay. Có một câu dượng viết mà làm con bàng hoàng, đó là sinh viên ngoại thương tức được đào tạo về xuất nhập khẩu, ra trường không làm xuất khẩu giúp người dân mình bán hàng Made in Vietnam với giá cao, mà cứ lao vô các phòng marketing các công ty nước ngoài để nhận lương tháng mấy trăm đô. Mà đúng thế thật, con học xuất nhập khẩu, cũng bill tàu, cũng thư tín dụng, cũng vận tải này nọ…nhưng quên hết rồi. Nước mình tới 70% là nông dân, nông sản làm ra cứ đổ đống, hoặc lũ lượt chờ ở cửa khẩu Tân Thanh, điệp khúc được mùa mất giá. Suy nghĩ điều này khiến con day dứt mãi. Lớp con, các bạn phần lớn đi làm tài chính ngân hàng kiểm toán, marketing, dạy tiếng Anh, đi làm sale cho các hãng tàu, còn lại đi du học lên thạc sĩ. Tụi con được đào tạo để trở thành cán bộ XNK mà sinh viên tốt nghiệp phần lớn làm trái nghề hết dượng ơi. 

Hai năm qua, con thật sự là trải qua một công việc mà bạn bè mơ ước, nhưng con thấy tẻ nhạt. Hàng ngày lên ngồi họp hành với sếp Tây sếp Tàu, các buổi uống rượu trong các khách sạn 5 sao với đối tác với hoá đơn cả chục triệu, các buổi tập huấn ở nước ngoài gọi là team-building chứ thật ra là đi du lịch, xài tiền…. Nhiều lúc con nghĩ đến những cô gái chàng trai trong các công xưởng hầm hập nắng, tăng ca ngày đêm, tháng cầm mấy triệu bạc và vui mừng khôn xiết, sao con thấy chạnh lòng. Rồi con đi các tỉnh chơi, thấy bà con hái thanh long cho bò ăn, cà chua đổ đống, điều tiêu xơ xác tiêu điều, cà phê bao bao chất cao ngất…chỉ vì phụ thuộc vài thương lái bán cho các thành phố lớn và xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc. Một bác nông dân ở Di Linh nói với con sao mấy cô học cao hiểu rộng, tiếng Tây tiếng Tàu rành rẽ vậy mà không giúp tụi tui. Tụi tui là nông dân ít chữ, một nắng hai sương, cắm mặt vô đất làm ra những cái này, nhưng giờ không biết bán cho ai. Tụi tui biết là thế giới ngoài kia rộng lớn, người ta mua nhiều, nhưng không dám đi. Tiếng không biết, thủ tục không rành,...

Sau chuyến đi Di Linh đó, con về suy nghĩ để chọn một lối rẽ khác. Ngày con nhận được thông báo là chương trình tập sự kết thúc, được vô phòng marketing làm với mức lương cao…thì cũng là ngày con thông báo xin nghỉ việc. Mấy sếp ngạc nhiên lắm, vì thấy con đủ năng lực, cống hiến trong 2 năm đó hết mình, đóng góp khá nhiều cho công ty. Các sếp chỉ cho con thấy gương thành đạt của thế hệ các anh chị các khoá trước đang làm cho các tập đoàn đa quốc gia, ai cũng có xe hơi, chung cư cao cấp, ăn mặc sành điệu…Nhưng con không thấy đam mê như vậy nữa. Con muốn xuất khẩu nông sản, đồng thời tạo dựng một cơ sở vững chắc để mình nghỉ hưu khi tuổi bước qua 40. Con nghĩ đã đến bên kia con dốc của khả năng lao động, mình nên đầu tư có một mức thu nhập ổn định, chứ tóc bạc rồi mà phải vật lộn với báo cáo, giờ bấm thẻ, ăn trưa vội vã vào làm, 10h giờ đêm còn ở văn phòng bàn bạc kế hoạch này kế hoạch kia, rồi đi nhậu đi nhảy với các agency (công ty quảng cáo)…sao con thấy mệt quá. Nhường lại cho đàn em nó làm, mình chỉ tham gia quản lý, hoặc đi dạy, hoặc nghỉ hưu, rong chơi chăm lo gia đình. 20 năm quần quật cho công ty nước ngoài, nghỉ hưu ở tuổi 44-45 là được rồi dượng ơi. Bữa nhậu đó con nói hết tâm tư của mình. Sau khi nghe con nói, ông sếp người Ấn Độ trầm ngâm không nói gì, còn ông sếp Mỹ thì nâng ly lên chúc mừng con, ổng nói đó là sự trưởng thành về tư duy của mày rồi đó. Chỉ có chị sếp người Việt, sau khi uống 1 hồi, chị bắt đầu xỉn và khóc khi con đề cập đến sứ mạng (mission) của cuộc đời. Chị nói chị từng có suy nghĩ như vậy, nhưng vòng xoáy cơm áo gạo tiền không cho phép chị dứt bỏ công việc hiện tại để theo giấc mơ. Chị còn 2 đứa con đang học trường quốc tế với mấy trăm triệu đồng/năm, còn cha mẹ già phải chăm sóc, còn mấy cái chung cư trả góp. Chị quen với tháp ngà ở đây, giờ lăn lộn từ đầu theo mission ngày xưa cũng khó....

Con đậu vào một Văn phòng đại diện công ty nông sản của Mỹ ở quận 1, nhưng không làm. Vì làm ở văn phòng trên phố, cái mình biết chỉ là phần ngọn. Con quyết định xuống một tỉnh miền Tây làm cho một công ty xuất khẩu nông sản, bắt đầu từ con số không tròn trĩnh. Ai cũng nói con khùng. Ba mẹ con cũng nghĩ con bị thần kinh nặng. Bạn trai con cũng nói con đi là ảnh bỏ, ảnh không thể rời xa Sài Gòn, ảnh nói đã bỏ quê lên đây học rồi thì có điên mới trở về quê, đi Mỹ thì trốn bên Mỹ có thẻ xanh mới về, mình phải khôn, lo cho mình trước, ai nói gì nói, đầu óc chim sẻ, thóc ở đâu ngon thì tìm tới mà ăn thôi. Ảnh nói “có nhà lầu ở quê cũng không bằng ngồi lê ở phố”, dù ngột ngạt khói bụi chen lấn nhưng mình tranh thủ, chen lấn với người ta, chờ thời. Bạn trai con ảnh ra trường 3 năm rồi, lương cũng có mấy triệu, chả có tương lai gì nhưng kiên quyết không đi tỉnh khác, có đổi công việc cũng xoay vòng ở trung tâm quận 1 để “chờ thời”. Con thì không rõ là thời gì nên quyết tâm đi. Kệ, bỏ hết. Con biết con đường trở thành doanh nhân là con đường cô độc, mấy ai hiểu mình. Con lặng lẽ đón xe xuống dưới đó, thuê nhà gần công ty và bắt đầu một cuộc sống mới.

Hàng ngày, con đọc tài liệu hướng dẫn nông dân trồng xoài, trồng nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, rau củ quả…. theo tiêu chuẩn GlobalGAP và ký hợp đồng bao tiêu. Con tiếp các đối tác nước ngoài sang mua hàng, dắt nó đi ăn uống, hỏi cho ra lẽ quy chuẩn hàng đủ tiêu chuẩn vô siêu thị Âu Mỹ Nhật Trung Đông. Rồi con làm chứng từ xuất nhập khẩu, lên phòng thương mại xin giấy chứng nhận xuất xứ, giấy khử trùng này nọ. Con tham gia coi việc xử lý sơ chế đóng gói, đã nắm được bí mật vì sao nông sản để cả tháng trên tàu đi sang tới nước ngoài vẫn không bị chín rục hay hư hỏng…Con còn theo cả mấy anh tài xế xe container chở hàng lên cảng Sài gòn để xuất khẩu, ai cũng nhìn con ái ngại vì thân gái dặm trường mà bản lĩnh quá, người ta tưởng con phóng viên không đó dượng. Con lao vô làm thủ tục xuất, rành rẽ 6 câu chỉ trong có 3 tháng thui. Làm việc dưới tỉnh, nhiều lúc cũng buồn, cũng nhớ thành phố quay quắt. Sài Gòn là nơi con sinh ra lớn lên, đã quá quen thuộc với hàng cây góc phố quán cà phê và bao nhiêu bè bạn. Nhưng con suy nghĩ lại, mình ấp ủ làm một cái gì đó lớn lao, một tập đoàn xuất khẩu nông sản của riêng mình, mình phải bắt đầu từ dưới bưng biền, từ cánh đồng, từ nhà máy, từ một cô công nhân xếp loại đóng gói. Chứ nào có ai làm chủ nhà máy mà bước ra từ bàn phím và cao ốc máy lạnh bao giờ?  Có vài ba cơ hội du học nhưng con cũng không quan tâm vì phải toàn tâm toàn ý cho sứ mạng lớn lao của đời mình. Con bỏ gia đình, bỏ bồ, bỏ các cơ hội khác....để theo đuổi 1 mục tiêu duy nhất thôi đó dượng. Con thấy ai "đa mục tiêu" cái gì cũng muốn thì đều chỉ có thể đạt được "những thành công nho nhỏ" mà thôi. Hồi đi học, học sinh nào mà học tiếng Anh 1 h gấp sách học toán 1h, rồi đàn 1h, bơi 1h, võ 1h,...thì đều nhàn nhạt hết. Còn ai giải toán 12/24h không chán mới thành Ngô Bảo Châu, ai đánh đàn say mê 14/24h mới thành Đặng Thái Sơn, cả ngày trên sân tập mới thành Messi, Ronaldo,....NĂNG LỰC CỦA 1 NGƯỜI LÀ KHẢ NĂNG TỰ HỌC, TỰ ĐAM MÊ. Ai đợi training mới biết, có thầy mới học được là còn dở. Còn ai mà bị gia đình ép, nhắc nhở việc học hay làm thì thua. 

Con mới trở về từ hội chợ nông sản châu Âu. Con bận áo dài, đội nón lá, nói tiếng Anh như chim hót và vui vẻ như hình ảnh của Dượng ở London á. Con gặp ai cũng "ú oà, cút hà" cho khách hết hồn rồi nói “welcome to Vietnam”. Một tuần ở bển, con toàn hẹn gặp khách Tây để tiếp thị. Ăn sáng cũng hẹn tiếp khách, sau đó ra gian hàng, ăn trưa cũng hẹn khách, rồi quay lại gian hàng, ăn tối hẹn 2-3 khách luôn. Con về khách sạn lúc 1h đêm, may mà thành phố lớn ở châu Âu 1h sáng cũng như 1h chiều, vẫn nhộn nhịp. Con chốt được 10 hợp đồng, mức cao nhất mà công ty con làm được xưa nay ở một kỳ hội chợ. Tự dưng, con nể mình quá cơ, sao ở đâu ra một đứa con gái vừa giỏi lại vừa xinh đẹp (cái này con bị lây từ dượng, dượng cắt đoạn này kẻo con bị ném đá).

Bữa nay con rảnh, đang ngồi quán chờ khách xuống đây ăn trưa, mà khách bị kẹt xe ở cao tốc Trung Lương nên con mới có thời gian viết như vầy á. Miền Tây đóng góp tới 90% nông sản và thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam, mà có mỗi độc đạo quốc lộ 1A chật chội thì kẹt xe kinh khủng. Nước mình cần phải bỏ ngân sách đầu tư cả chục cao tốc ở miền Tây thì sẽ giúp xuất khẩu nông sản gấp chục lần, rồi đóng góp lại cho ngân sách nhanh chóng. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho miền Tây, nước mình sẽ có nhiều đô la hơn. 

Và cuối thư, con xin cám ơn hai cuốn sách của dượng. Có dượng, con đã tìm đúng mission của cuộc đời mình. Có dượng, tuổi 25 của con đã không còn chông chênh”.

Nguồn: Tony
Fb Hồng Thắng

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

PHÙ DU

Đời phù du quá mà tôi sống chiêm bao
Nên tình thơ cũng tan nguồn cảm xúc
Chợt nhớ lại những phút giây cày cục
Muốn vò xé thơ vất vào khoảng không cùng

Tôi lại về sống giữa không trung 
Chiêm nghiệm sự đời dối gian mộng ảo
Xin dừng hát những lời rỗng sáo
Mê hoặc người, ra rả chữ yêu thương.

Tôi tìm hoa hít thở mấy làn hương
Cho đôi mắt xanh lại màu hy vọng 
Hoa cỏ hoa trang cả hoa đồng vọng
Trong vườn phây tôi cũng gặp nhiều hoa

Mỗi sáng nhìn hoa rửa lòng rửa mắt
Mấy đứa em tôi lúc lắc cười chào 
Thơ đứa nào cũng gửi mộng lên cao
Chẳng biết về sau có như tôi bây giờ không nhỉ?

LÊ THỊ QUỲNH DUNG
9/1/2022
Mod Võ Trần Minh Hà
.

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

DOÃN QUỐC SỸ- NHÀ VĂN BUỔI GIAO THỜI

Khoảng năm 1995 ! Sau khi được thả khỏi nhà tù CS thầy Doãn Quốc Sỹ đoàn tụ gia đình tại Mỹ. Các bạn bè mời thầy đi du lịch một vòng thăm bạn bè và học trò cũ.
Thầy Cô đi cùng thầy Nguyễn Duy Linh, thầy Nguyễn Quý Bổng qua thăm Canada , ở nhà tôi 1 tuần.
Chúng tôi tổ chức một buổi nói chuyện với CĐNV tại Montreal.
Ở tuổi trên 70 thầy vẫn khỏe ! Tôi hỏi thầy : Khoảng thời gian 13 năm trong tù thầy có đau bịnh không ?
Thầy trả lời : Chả bệnh gì...Thiền là hết.
Đến nay thầy gần 100 tuổi vẫn khỏe manh, cô Doãn Quốc Sỹ đã mất !
Theo Cô Doãn Quốc Sỹ...tất cả những tác phẩm của Thầy đều viết theo kinh nghiệm sống thật của Thầy.
Tối qua đọc lại chuyện : Người Vái Tứ Phương ... không ngừng được tới gần 3 giờ mới ngủ.
Mời các bạn cùng đọc nữa nhé 


Người Vái Tứ Phương 

Doãn Quốc Sỹ
 
Chương Một 
Phải cố tìm hiểu giáo sư Hoàn đến “cùng kỳ lý”! – Tôi vẫn tự nhủ vậy.
Vâng, đã đành thám hiểm nội tâm của chính mình nhiều khi còn tự thấy chìm nghỉm mất hút, huống chi lại thám hiểm nơi người. Nhưng mặc chứ, gắng hiểu xa được tới đâu hay tới đó, miễn hào hứng nơi việc mình làm là được rồi. Mà việc tôi làm rõ ràng hào hứng đến nỗi tôi nhiệt thành chia sẻ niềm vui đó với các bạn bằng cách kể lại đầy đủ chi tiết.
Giáo sư Hoàn tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Sinh vật học tại Đại học Connecticut năm 1968, nếu tôi nhớ không lầm. Năm 1970 tôi tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Sài Gòn. Hai năm sau – 1972 – tôi được cử đi tu nghiệp thêm một năm về Vi trùng học, cũng tại Đại học Connecticut. Vì vậy mối liên hệ của tôi với giáo sư Hoàn thoạt là tình đồng môn. Giáo sư Hoàn hơn tôi dễ đến bảy, tám tuổi. Tôi kính trọng giáo sư, người thuộc thế hệ đàn anh; giáo sư cũng coi tôi như em, thường gọi tôi bằng “cậu” khi nói chuyện. Thật thân mật! Chẳng bao giờ khách khí! Những điều tôi tự hứa tìm đến “cùng kỳ lý” về giáo sư Hoàn tựu trung cũng chỉ quanh quẩn ba vấn đề này:
- Nguyên nhân vì sao từ sau năm 1975, không được mời tiếp tục dạy tại Đại học Khoa học, giáo sư lại chuyển sang tiêu khiển bằng cách xem tướng?
- Nghệ thuật xem tướng của giáo sư ra sao mà đạt được kết quả rõ ràng như vậy? Giáo sư thường nói với tôi: “Xem tướng không chỉ là một khoa học, còn là một nghệ thuật. Có thể nói Chân Thiện Mỹ quy tụ nơi đó!” Tôi vẫn thường thắc mắc tự hỏi không biết vũ trụ quan, nhân sinh quan của giáo sư khi xem tướng ra sao.
Tôi nhớ lần đầu tôi hỏi:
- Thưa, cái gì làm giáo sư có hào hứng đi sâu vào tướng số như ngày nay? Dĩ nhiên trừ việc giáo sư không bận dạy học.
Giáo sư Hoàn trả lời ngay:
- Nguyên nhân xa, nguyên nhân gần, biết nói sao cho hết? Tôi chỉ nói cái gì chợt đến ngay trong trí: đó là chuyện một con chó chết.
- Thật vậy sao, thưa giáo sư?
- Vậy đó! Con chó thiệt… thiệt khôn. Cửa đóng, có tiếng chuông bấm. Nó rít lên, vẫy đuôi mừng, vậy là đúng người quen rồi; nó sủa hung hãn: người lạ đó! Ông chú, bà bác có khi ba, bốn tháng mới tới một lần, nó vẫn rít lên, vẫy đuôi mừng khi chưa mở cửa. Chuyến tôi đi Mỹ lần thứ hai lấy xong Ph.D. về, sau bốn năm vắng nhà, nó vẫy đuôi, nó rít lên, cuống quýt đứng trên hai chân sau, còn hai chân trước như hai bàn tay vụng dại đặt lên khoảng ngực tôi.
Bà giáo sư cũng vừa có mặt ở phòng khách lúc đó, bà nói:
- Con Bốp – tên nó là Bốp – khôn lắm bác sĩ ạ. (Ngược lại với ông, bà luôn luôn gọi tôi trịnh trọng như vậy.) Nó già rồi. Chừng một năm, sau ngày nhà tôi ở Mỹ về, nó bắt đầu rụng lông. Tôi vẫn tắm đều cho nó nên biết không phải là ghẻ. Tôi hy vọng nó sớm thay lông, vì trông con chó già rụng lông tội nghiệp lắm. Nó suy nhược trông thấy. Tuy yếu nhưng ngày vẫn nằm dưới gầm giường, đêm vẫn nằm gần bờ cửa để trông nhà. Chó khôn bao giờ lưỡi cũng lấm tấm đốm đen, bốn chân móng đen tức móng huyền đề, lúc nằm cả bốn chân sõng soài. Đợi mãi không thấy nó thay lông mới, chợt một hôm nó khục khặc ho rồi đi tiêu chảy. Tôi biết hỏng mất rồi, bác sĩ ạ. Nó nằm gục suốt ngày, không hẳn là ngủ mà như một ông già suy ngẫm. Tôi tán thuốc Ganidan thành bột, hòa với nước đường đổ vào đĩa cho nó liếm – nó bỏ đấy. Một lần tôi gọi “Bốp, Bốp” nó cố gắng run rẩy đứng dậy, đuôi cố ve vẩy một chút rồi khuỵu xuống ngay. Tôi thương quá, bác sĩ ơi! Tôi quét rửa chỗ tiêu chảy, tanh vô cùng, mà nó như biết ngượng ngùng vì đã làm phiền chủ. Tội không, bác sĩ?!
- Phải công nhận nó khôn thật, thưa bà. – Tôi trả lời bà để điểm xuyết câu chuyện.
- Tối hôm đó, tôi dẫn nó vào buồng tắm, trải bao tải cho nằm để tránh gió. Suốt đêm cả hai vợ chồng tôi đều không ngủ được, bác sĩ ạ. Nghe tiến nó rên thê thảm quá, thỉnh thoảng hoặc tôi hoặc nhà tôi lại từ trên gác xuống ngó nó ở buồng tắm một lần, không khác gì ngó con, ngó cháu mình ốm đau bác sĩ ạ.
Tôi cúi mặt lắc đầu thương hai con chó trong dĩ vãng. Quả thực bà giáo sư kể tới đó không giấu được xúc động nơi giọng nói. Bà ngừng chút xíu rồi tiếp:
- Bác sĩ ơi, khoảng bốn giờ sáng thấy bặt tiếng nó rên, nhà tôi nói khẽ: “Con Bốp chết mất rồi!” Cả hai vợ chồng cùng xuống, tôi hấp tấp mở cửa buồng tắm ngó vào. Quả thực con Bốp đã chết, bác sĩ ạ. Nó chết gục sát bên vũng máu nó thổ ra đã tím đen.
Giáo sư Hoàn đỡ lời bà:
- Tôi bèn liệm con chó bằng chính tấm bao tải nó nằm. Bưng nó ra xe – lúc đó tôi có chiếc Daihatsu – tôi có cảm tưởng thân nhiệt con Bốp còn tiết ra ấm tay. Tôi chở nó xuống tận Ngã ba Cây Thị, Gia Định, chôn dưới gốc cây khế trong khu vườn của ông chú.
Bà chép miệng: cũng bị mất cắp luôn. Dạo đó loại camionnette Daihatsu rất tiện lợi trong việc chuyên chở trên các ngả đường Lục tỉnh và miền Trung, nên một mất là biệt tăm luôn, đừng hòng cớ bóp tìm ra hay chuộc lại. Tôi theo bà bạn tới một cô thầy bói nổi tiếng ở chợ Phú Nhuận. Cô gieo quẻ rồi nói: “Nhà bà vừa có cái tang.” Tôi đáp là không có, chỉ có con chó khôn vừa chết. Cô thầy bói cho hay là chính con chó khôn đó đã gánh hết tai nạn cho chủ. Mà bác sĩ ạ, ngẫm ra đúng. Chúng tôi có hai vợ chồng người bạn bác sĩ, anh ấy bằng tuổi tôi, chị ấy bằng tuổi nhà tôi, cũng vào năm đó, người con trai lớn nhất của anh chị bị ung thư chết, anh đương là y sĩ trưởng một quân y viện, chỉ vì quá thanh liêm nên vừa bị tụi tham nhũng đẩy đi, mất chức.
Bà đã lên gác, giáo sư Hoàn nói với tôi:
- Hãy gác sang một bên những chuyện tạm cho là mê tín của đàn bà, tôi có thể nói với cậu, một trong những nguyên nhân đã làm cho tôi khoái xem tướng chính là cái chết của con Bốp. Sự thông cảm giữa người và vật há chẳng lấy mẫu từ người với người sao? Tôi xem tướng trên cơ sở sự thông cảm đó. Cuộc sống đầy dẫy những khác biệt và đụng chạm. Hãy cảm thông và bao dung những vui buồn, phải trái của nhau. Tôi xem tướng trên cơ sở cảm thông và bao dung đó.
Một lần khác nhân ôn lại chuyện trên, giáo sư Hoàn thủ thỉ với tôi thành lời tâm sự:
- Người ta bảo tôn giáo nào trên thế giới cũng hướng về giải thoát. Tôi chưa có dịp suy ngẫm thật kỹ câu nói trên, nhưng riêng với tôi khi xem tướng giúp ai, tôi có nghĩ mình đương lái con thuyền đời xuôi dòng giải thoát, lái thuyền bằng mái chèo, bằng cánh buồm, bằng những phương tiện mình có. Sự thực thì biết yêu giải thoát và biết nỗ lực trong việc này là quý, chính sự giải thoát đã nằm trong đó rồi! Ý hướng giải thoát nào mà chả chủ trương làm cho tinh thần thanh thản trước mọi khổ đau, bất mãn của cuộc đời. Tôi xem tướng cho người, chỉ đường giải thoát cho người, đồng thời cũng là một phương thức giải thoát cho mình. Vào những lúc hào hứng “phúc chủ lộc thầy”, lời nói hào hứng khách quan của tôi cộng hưởng với sự háo hức chủ quan của người nghe, trong trường hợp này, tôi có thể cam đoan với cậu, lời nói của tôi có tác dụng chủ động điêu khắc lại khuôn mặt định mệnh theo khát vọng của chính mình...
Lần đó, từ chập tối cho đến quá nửa đêm, gia đình tôi đã nói chuyệt quá nhiều về ngót một trăm xác chết trôi dạt dập dềnh về Bãi Trước và Bãi Dâu, Vũng Tàu. Phần lớn xác những người vượt biên xấu số này bị cá rỉa mất đầu. Chính những cá nhỏ, và đặc biệt tôm, khoái rỉa xác người nhất. Có xác một bà mẹ ôm chặt đứa con thơ vào lòng, người ta phải khó khăn lắm mới gỡ được hai cánh tay bà để lấy xác đứa con ra. Nhưng lại có nguồn tin thuật lại rằng đứa con được cứu sống. Xác bà mẹ trương nổi lên. Tình nằm gọn trong sự ấp ủ xót thương siêu nhiên của mẹ, sóng biển dập dềnh táp vào xác bà (lúc đó đã biến thành chiếc phao) thường xuyên làm ướt đứa bé mà không hề làm nó ngộp thở. Khi xác bà giạt vào Bãi Dâu, thoạt ai cũng cho là cả hai mẹ con cùng chết, nhưng rồi một người chợt nhận thấy thằng bé chỉ có vẻ ngủ thiếp. Người đó chú ý thấy “chim” của nó không hoàn toàn thụt mất mà chỉ săn lại, bèn cúi xuống ghé tai nghe, thấy tim bé còn thoi thóp đập. Không còn nghi ngờ gì nữa, thằng bé nhất định sẽ được cứu sống. Quả thực nó đã được cứu sống!
Tôi ngủ thiếp đi, chập chờn trong mơ hình ảnh những xác chết bị cá, tôm rỉa mất đầu. Vào lúc đêm tàn ngày rạng, chợt thức giấc, tôi tự động tránh ôn lại những hình ảnh bi thảm bằng cách ôn lại hình ảnh bãi cỏ mênh mông xanh trong khuôn viên Đại học đường Connecticut, nơi giáo sư Hoàn đã theo học bốn năm, tôi một năm. Tôi nhớ những nét sóng lăn tăn nơi mặt hồ trong khuôn viên, rồi bãi cỏ xanh mênh mông, với nơi này ba bốn nam nữ sinh viên ngồi nhàn đàm, nơi kia một vài kẻ nằm ngửa nhìn vòm trời xanh có vài bè mây trắng lững lờ trôi, nơi kia nữa, bốn năm sinh viên đương tíu tít vừa đi vừa nói chuyện. Rồi bãi cỏ xanh thoai thoải trườn lên sườn đồi. Những cây thấp, cây cao, những lùm lá nhỏ lăn tăn như lá ngâu, lá muồng, những vùng lá lớn như lá đa, lá đề, những cành cây thon vút hay những cành cây lực lưỡng tỏa rộng. Những building của các phân khoa vươn lên sừng sững vừa uy nghi vừa thân ái phô màu tường đỏ, cửa sổ sơn trắng.
Trời đã sáng. Tôi vùng dậy rửa mặt thay đồ tới thăm giáo sư Hoàn theo tiếng gọi của linh tính như con vật bị bệnh hay bị thương đi tìm loại cỏ và lá cây chữa lành hiệu nghiệm. Lúc đó khoảng bảy giờ sáng. Giáo sư đang ngồi uống trà một mình nơi phòng khách. Tôi kể lại chuyện ngót một trăm xác chết dạt vào bãi biển Vũng Tàu. Tôi không quên kể chuyện xác người mẹ trương phồng thành phao ôm con thơ trong lòng. Không rõ tin người ta cứu được đứa con có thật hay không.
Giáo sư Hoàn nói nếu xác người mẹ nổi như chiếc phao ôm con thơ trong lòng thì việc hai ba ngày sau đứa trẻ chỉ lịm đi vì thiếu ăn, thiếu uống và được cứu sống, không hề là chuyện hoang đường. Có điều, nếu quả tin đó đúng sự thực, giáo sư Hoàn ao ước có thứ giác quan đặc biệt chứng kiến được cảnh anh hồn người mẹ ấp ủ che chở đứa con từ ngoài khơi bồng bềnh đến khi dạt lên bãi cát. Vẻ trầm tư phản chiếu những thắc mắc siêu hình về số phận con người trên gương mặt giáo sư Hoàn, tới hai, ba phút sau giáo sư mới nói khẽ, lẫn trong tiếng thở dài rất nhẹ:
- Cuộc đời tự nó đã quá nhiều phức tạp sầu khổ, còn gây thêm sầu khổ cho nhau mà làm gì! Bất kỳ điều bất hạnh nào nơi người – nghèo khổ, thương tật, bệnh hoạn – đều có thể rơi vào chính mình bất kỳ lúc nào. Hãy mang ơn những người đương gánh chịu cho mình! Tất cả những gì sống động và tốt đẹp trên thế gian, nếu giữ được thăng bằng, sẽ không sụp đổ. Tôi luôn luôn giữ cho ánh sáng lý trí suy xét, nhận định của tôi không đốt sém cong tình cảm mà chỉ làm cho rực rỡ, êm ả như ánh bình minh làm rạng màu mây, soi tỏ cỏ cây hoa lá, giúp con người yêu người, yêu mình, yêu tạo vật. Tôi xem tướng như vậy đó. Tôi có bí quyết: Khi nói về một người vắng mặt, tôi coi họ như có mặt lúc mình nói, như vậy tránh được tật thường tình chỉ nhìn phần xấu của người vắng mặt. Tôi xem tướng cũng theo tinh thần đó nữa.
Giáo sư Hoàn chợt bật cười vui, dường như ông thấy bầu không khí đàm thoại nghiêm trang quá đáng, ông nói để xóa nhòa cảm giác đó:
- Thuở còn trẻ tôi cũng hay ghi ghi chép chép đấy, nhưng vụn vặt cả mà, ai mà nhớ nổi. Hãy tưởng tượng cụ Ngọc Hoàng Thượng Đế bảo mình vào lúc hấp hối: “Con là đàn ông có bảy vía, con hãy di ngôn cho con cháu một câu nói bảy lời!” Tôi sẽ tuân lệnh Ngọc Hoàng mà nhủ lại con cháu rằng: “Hãy sống thanh đạm và làm lành!” Cậu thấy chứ, đời sống nhân loại nơi nào, thời nào cũng là cuộc đấu tranh khắc khổ để giữ điều lành, tránh điều ác. Đời sống cá nhân nào vào bất kỳ lúc nào cũng là cuộc tự tranh đấu cam go giữ cho chính mình lành nhiều, ác ít. Lời tôi nói khi xem tướng cho người ta cũng chỉ là cái bè cho người ta tự cứu, giúp người đó không bị chết đuối trong tuyệt vọng, trong buồn đau. Mà cậu cũng dư biết đấy, việc xem tướng cho người ta cũng là cái bè cho chính tôi, một giáo sư… “mất dạy” (giáo sư cười – ý ông muốn nói mất chỗ dạy học). Cậu tính tôi bây giờ còn biết làm gì, tôi vốn không ưa ngồi nguyền rủa bóng tối.
- Giáo sư mới học khoa tướng số này hay đã từ lâu?
- Từ thuở vừa bắt đầu lên đại học để tìm một lối giải trí riêng. Tiến tới quan niệm tướng số như ngày nay là cả một quá trình đó. Để rồi khi nào tiện dịp tôi nói rõ hơn, hôm nay tôi hãy kể cho cậu nghe buổi thực hành tướng số đầu tiên của tôi.
- Sau ngày trọn miền Nam rơi nốt vào tay
Cộng sản, thưa giáo sư?
- Không, không, từ thuở còn ở Đại học đường Connecticut lận. Buổi xuất quân của tôi mang màu sắc quốc tế ngay: Tôi xem liền một lúc cho hai người bạn, một Thổ Nhĩ Kỳ, một Hy Lạp. Tôi nói với người bạn Thổ Nhĩ Kỳ là tôi rất khoái loại bánh ngọt làm bằng hạnh nhân và mật ong của xứ sở anh, mà phải ngồi ăn ở Istambul kia – Constantinople cũ ấy mà – một bên là Hắc Hải một bên là biển Marmara với eo biển Bosphorus. Còn với anh bạn Hy Lạp tôi thật tình đề cao món thịt nướng Souvlakia của xứ sở anh mà tôi được thưởng thức ở ngay thủ đô Athens. Tôi nói xem tướng cho hai anh chính là để đền đáp lại hai sản phẩm văn hóa mà tôi đã có hân hạnh được thưởng thức. Và cậu ạ, ngay buổi đầu tiên thực tập đó, tôi đã hiểu rằng xem tướng – ít ra là theo trường phái của tôi – cũng như nhà thơ giao cảm với thiêng liêng mà gieo vần. Mình nói mà như con diều bay bổng, nương vào gió mà bay. Tôi đã đem lại niềm vui cho hai người bạn đồng học. Nghe tôi nói, họ không thể không vui được! Việc đã qua đành rằng nó như vậy, nhưng hướng về tương lai, chính mình làm chủ vận mệnh mình. Tôi ân cần giải thích cho hai người bạn đừng quan niệm tướng số theo lăng kính dị đoan tiền định. Những gì bẩm thụ là phần tiên thiên, còn phần hậu thiên là công phu thử lửa mình lại, tôi zzluyện chính mình. Hiểu như vậy thì tử vi, tướng số không còn là khoa học huyền bí mà là khoa học thực nghiệm, thực tập với đầy đủ ý nghĩa hào hứng của nó. Biết cái tiên thiên, rồi dùng cái hậu thiên làm bửu bối gây điều lành, tránh điều ác.
Tôi hỏi:
- Vậy cái buổi đầu tiên thực tập đó, giáo sư tự ý xem cho hai người bạn, hay chính hai người bạn yêu cầu giáo sư xem cho?
Giáo sư Hoàn gật đầu hài lòng:
- Câu hỏi của cậu thật hay! Có cái gì trên đời không có lý do đâu? Nguyên do: chúng tôi mới đi chơi dịp cuối tuần về. Dịp đó ba chúng tôi xuống hải cảng New Haven thăm gia đình một bạn đồng học khác, được người bạn đưa lên du thuyền của gia đình bơi ra giữa vùng biển Long Island Sound suốt từ mười giờ sáng đến bốn giờ chiều mới về. Thoạt biển động, thuyền chòng chành dữ. Tôi nằm ôn lại những điều mình thâu thái được về tướng số nơi sách vở, nơi các người đi trước mà tôi có dịp học hỏi. Biển êm dần, tôi đã đứng dậy, vẫn nói chuyện với bạn vẫn tiếp tục ôn thầm những điều sở đắc về tướng số. Khoảng ba giờ chiều biển êm như ru, du thuyền về bến, tôi tiếp tục ôn như vậy. Chính ngoại cảnh đó giúp tôi đi sâu vào cái tôi tìm hiểu, rồi cái đó lan rộng nơi trí tôi như một phần sáng láng của bản thể. Lúc rời du thuyền lên bờ, tôi có nói với cả hai anh bạn Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là tôi có thể xem tướng được, rồi đây khi có dịp tôi sẽ xem tướng cho hai anh.

( Còn tiếp )

Người Vái Tứ Phương  (tt)
Doãn Quốc Sỹ 
Chương Hai 
Có cái gì trên đời không có lý do đâu… Chính ngoại cảnh đó giúp tôi đi sâu vào cái tôi tìm hiểu, rồi cái đó lan rộng nơi trí tôi như một phần sáng láng của bản thể.
Lời nói đó âm vang nơi tôi và chắc chắn đã gợi niềm hào hứng nới giáo sư Hoàn. Giáo sư bèn kể tiếp – câu chuyện xảy ra gần đây thôi. Cứ thấy càng ngày người ta càng nườm nượp tới hỏi giáo sư về tướng số, công an khu vực điều tra ngầm về giáo sư, báo cáo về phường, phường báo cáo về Sở. Giáo sư Hoàn nhận được mảnh giấy vuông nhỏ mời tới Sở về việc… “sẽ nói sau”.
- Khi tôi bước chân vào phòng Sở - lời giáo sư Hoàn trầm tĩnh kể - viên Trung tá Công an chưa xuất hiện. Tôi chọn hướng ngồi ở thế thích hợp và thuận tiện cho tôi. Chưa đầy một phút, y từ ngoài bước vô, vẻ mặt nghiêm khắc, cố ý lộ vẻ sẵn sàng nổi giận để uy hiếp tinh thần “đối tượng”. Tôi đứng dậy chào y, đúng phép lịch sự, không lo âu, không nghi kỵ, không cầu cạnh rồi ngồi xuống.
Và cuộc đối thoại bắt đầu tức khắc, y như con trăn phóng tới thanh toán gấp con mồi.
- Ông hành nghề xem tướng?
- Tôi không lấy một xu của ai, bởi vậy tôi không hề có ý nghĩ là mình hành nghề.
- Ông xem tướng như vậy là khuyến khích mê tín dị đoan, đi ngược lại đường lối của Bác – Đảng, của chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Ông cho phép tôi hỏi câu này nhé! Trong ngành công an bảo vệ an ninh cho đồng bào xứ sở, khi chấp pháp một người, quý ông có thoạt nhìn nét mặt người đó, nhìn cả dáng dấp nói chung để có được một nhận định tổng quát về nhân cách, tính tình người mình sắp hỏi cung?
- Có chứ!
- Như vậy là xem tướng đấy. Khi hỏi cung, quý ông có vừa quan sát cử chỉ, vừa lắng nghe giọng điệu trả lời để đo mức thành thực của câu trả lời?
- Có chứ!
- Như vậy cũng là xem tướng đó, và xem một cách đầy đủ. Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, quý ông không chỉ bắt chợt có ánh mắt, mà còn quan sát cả khuôn mặt, dáng người, giọng nói. Quý ông xem tướng toàn diện đó.
- Nhưng ông xem tướng để đoán vận mệnh, đoán tương lai. Ông nghe rõ chưa, ông đoán vận mệnh, đoán tương lai. Mê tín dị đoan rồi còn gì!
- Từ thời Marx, Engels rồi tới thời Lénin, Stalin, luôn luôn người ta tiên đoán sự sụp đổ tất yếu của thế giới tư bản. Ai chẳng có quyền dự đoán tương lai để hoạch định chương trình hành động của mình?!
- Sao ông có thể ví sự tiên đoán tương lai của Marx, Engels, Lénin, Stalin căn cứ theo dữ kiện tất yếu của lịch sử với sự tiên đoán tương lai của ông cho một cá nhân nào đó theo óc mê tín dị đoan?
- Xin ông chú ý là tôi chỉ lấy sự kiện tiên đoán tương lai làm mẫu số chung, chưa đi sâu vào chi tiết dị biệt.
- Nhìn mặt một người rồi nói dĩ vãng, rồi đoán tương lai của người đó, không mê tín dị đoan thì là gì?
- Khi ông tới một vùng cao nguyên đất đỏ, ông nói nơi đó trước có núi lửa phun dung nham, đó là ông nhìn hiện tại mà thấy việc đã qua. Ông nhìn mây xám ùn tới, gió lạnh nổi lên, ông đoán trời sắp mưa, đó là ông nhìn hiện tại mà biết trước việc sắp tới. Người thường, tới lúc nhìn mây xám thấy gió lạnh mới biết chắc là trời sắp mưa, nhưng tôi sinh trưởng ở miền duyên hải, sống giữa những bậc cha anh làm nghề thuyền một, hai tuần sau đúng phong phóc. Nhìn mặt người, nói tương lai hay dĩ vãng cũng vậy thôi, và người này tiên đoán gần, người kia tiên đoán xa, cũng vậy thôi.
- Và tiên đoán sai!
- Dĩ nhiên có sai chứ! Tôi không nói những người thiếu kinh nghiệm, thiếu thực học, thiếu linh cảm mẫn nhuệ đoán sai trật lất, tôi nói chính những người có đủ những điều cần thiết trên mà vẫn có thể có lần trật lất.
- Như thế không là mê tín, dị đoan thì là gì? Giáo sư Hoàn thuật đến đấy thì ngừng lại giây lâu, nâng tách trà nhấm nháp. Rồi ông giải thích là cuộc đàm thoại đến đấy, ông thấy rõ viên Trung tá Công an thấm mệt rồi. Sinh lực hăm hở ban đầu nơi y tàn lụi như ngọn đèn lụi dầu.
- Giá như tôi – lời giáo sư nhấn mạnh – hối hả cãi y, giá như tôi cố ý có vài lời hay cử chỉ thất thố, những thứ đó chắc chắn có tác dụng quý giá tiếp tế “nhiên liệu” cho y. Khốn nỗi tôi rất mực điềm đạm, thùy mị trả lời, và trả lời ngay như một tiếng vang đáp lại, chỉ khác có tình ý tùy nghi. Tôi trả lời như thể từ ngàn xưa vốn dĩ tôi như thế và cho tới ngàn sau tôi không thể khác hơn. Viên Trung tá Công an bị dồn vào thế vô phương tự cứu. Ở trường hợp tương tự không ai có thể tự lên dây cót được. Đồng thời tôi đã có lợi điểm quan sát kỹ y, nhận rõ chân tướng những âu lo vẫn ám ảnh y.
Quả thực từ sau câu thốt ra “Như thế không là mê tín dị đoan thì là gì” như một phản xạ máy móc yếu xìu, rõ ràng lời nói của viên Trung tá Công an dịu hẳn. Cuộc đàm thoại tiếp tục với lời giải thích của giáo sư Hoàn với y:
- Tỉ như một lần cũng mây đen ùa tới, cũng gió lạnh nổi lên và ai nấy đều tiên đoán mưa lớn tới nơi rồi. Chợt gió bùng thổi mạnh, mây trời tan tác, khoảng xanh lộ ra, và trời không kịp mưa hoặc chỉ mưa lất phất chút ít. Nhưng đâu phải vì thế, lần sau khi thấy mây đen ùa tới, gió lạnh nổi lên, người ta từ bỏ đoan quyết cũ mà tin ngược lại là trời nhất định không thể mưa được!
- Có phải trước đây có một lần một Tổng trưởng thời Diệm vì lũng đoạn được ngành nhập cảng phân hóa học mà thành tỉ phú, được ông khuyến dáo trước tương lai, vội cải tà quy chánh mà thoát được tù tội?
- Đúng là có chuyện như vậy, thưa ông.
- Tôi cũng được biết là sau đó tên Tổng trưởng kia có mua biếu ông chiếc Mercedes.
- Dạ đúng. Tôi dùng xe một tuần cho ông Tổng trưởng biết tôi nhận quà biếu như một chứng tích của lòng biết ơn, nhưng rồi tôi trả lại để trung thành với quan niệm sống của riêng tôi, khước từ mọi toan tính vị kỷ, vị lợi. Tôi như con chim chỉ thích bay nên cần đôi cánh nhẹ.
- Vậy ông thử nhìn tôi xem biết gì về tôi nào! (Tuy lời nói lễ độ, giọng viên Trung tá Công an còn đượm chút thách thức cuối cùng.) tình duyên lận đận. Tôi xin phép nói thẳng, ông đã từng nếm nhiều cay đắng vì tình.
- Ấy… thế ế ế… Vậy… vậy tương lai tôi, ông thấy gì?
- Bằng hữu không tốt với ông đâu. Ông nên cẩn thận nghe tôi điều đó. Hiện giờ có người đang rắp tâm hại ông. Trong vòng hai tháng, ông có thể bị hạ bệ, bị đưa ra tòa, vị trí của ông lung lay.
- Ồ ồ ồ, à vâng, nếu như vậy, mình… mình có cách gỡ không ông?
- Ông cứ yên chí đi, có cách gỡ. Cách gỡ ra sao, tôi chưa biết vì chuyện đó chưa hiện rõ. Vậy khi nào ông thấy tai nạn bắt đầu tới, ông cho tôi hay, chắc chắn tôi giúp ông thoát, nếu không cũng nhẹ đi nhiều, nhẹ đi nhiều lắm.
- Ồ chắc chừng trong vòng một tháng ông nhỉ, là mình nhận ra triệu chứng.
- Vâng không vậy. Đây không phải là lần đầu tiên ông bị nạn đâu. Ông nghĩ lại xem, đời ông đã nhiều lần bị nạn kiểu thậm cấp chí nguy, nhưng nhờ phúc đức của ông cụ và bà cụ thân sinh ra ông quá dày dặn nên ông thoát nhẹ thênh.
- Thôi bây giờ tôi phải đi họp, mời ông về, cám ơn ông đã tới. Chào ông.
- Chào ông. À trước khi chia tay, tôi chỉ xin ông lưu ý từ nay hễ có dịp làm được điều gì phúc đức, xin ông cứ làm cho.
Giáo sư Hoàn mỉm nụ cười tươi, thật tươi chấm dứt cho câu chuyện giáo sư vừa tường thuật. Tôi bâng khuâng một chút rồi hỏi ngay:
- Lời viên Trung tá Công an khi nói giáo sư hãy nhìn xem và nói đã biết gì về y quả có hơi hỗn.
- Chẳng thể khác hơn được, cậu ơi… Người ta là công an, người ta hạ trát đòi mình tới trình diện kia mà. Có điều đâu phải đợi tới lúc đó tôi mới nhìn, tôi đã quan sát kỹ từ lâu rồi. Thế tất yếu của cuộc nói chuyện phải đưa tới điểm y nêu thử thách để kiểm chứng căn bản sở học của tôi. Tôi chỉ đợi có vậy để nói vậy, tức khắc.
- Và quyết đoán đó hoàn toàn dựa trên sách vở, phải không ạ?
- Thì còn gì nữa. Mũi cô phong tị: cao, trống trải; cuối mày: lông mọc phân tán đè xuống mắt. Toàn những phá cách không à. Khi bị tôi nói trúng tẩy tình duyên cay đắng, nếp sống cô đơn, y giật mình lảng sang chuyện khác ngay, không muốn mình đi sâu vào tim đen hơn nữa, do đó bèn hỏi về tương lai.
- Chưởng thứ hai giáo sư tung ra chỉ nẻo tương lai cũng hoàn toàn dựa trên sách vở?
- Thì còn gì nữa. Thần mắt có dấu hiệu thất tán, sắc ở vùng mũi u ám: tai nạn sắp tới rồi! Mây đen, gió lạnh: trời sắp mưa mà. Cung nô bộc hai bên hàm, sắc cũng hãm rõ rệt. Dễ đoán quá mà. Lời tiên đoán thứ hai này khiến tôi hết còn ở thế hạ phong nữa mà chuyển lên thượng phong. Bị ngoài tôi làm cứu tinh? Tôi cho cái án treo một tháng đó. Thay bậc đổi ngôi rồi! Đến lượt y phải đem đầu tới trình diện tôi, hoàn toàn tự nguyện, không cần trát đòi.
- Vâng, bây giờ thì tôi thật hiểu quan niệm “mình làm chủ định mệnh mình” của giáo sư. Đức năng thắng số! Lấy hậu thiên sửa tiên thiên! Giáo sư đã chỉ cho y sinh lột để tự cứu: làm việc phúc đức!
- Thì tôi há chẳng đã nói với cậu di ngôn của tôi sau này chỉ cần có bảy chữ: HÃY SỐNG THANH ĐẠM VÀ LÀM LÀNH!
- Thế y đã đến cầu cứu giáo sư chưa?
- Mới có một tuần, đâu đã được một tháng.
- Vậy thời chúng ta chờ. Hay hay! Giáo sư ơi, bây giờ thì tôi thèm học xem tướng quá. Giáo sư chỉ giáo cho tôi nhé!
- Sẵn lòng. Rồi đây khi nào tiện dịp. Tôi chợt hơi lo lắng:
- Thưa giáo sư, liệu có thể lần này sách vở sai đối với viên Trung tá Công an?
- Có thể lắm chứ! Gió chợt thổi mạnh, mưa tan, trời đẹp. Mình mừng cho người ta thôi. Hãng Tôbia bán áo quan ế khách mà than phiền thì còn trời đất nào nữa!
Cả hai chúng tôi cùng cười lớn, và tôi đứng dậy cáo từ giáo sư Hoàn.

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

ĐÀN ÔNG, ĐÀN BÀ.

Đàn ông ngoại tình thì một nửa nhân loại (là đám đàn bà) gầm lên rủa sả, nào là khốn nạn, thú tính, nhân cách thối nát, đáng băm vằm làm trăm mảnh, vân vân và mây mây.

Đàn bà ngoại tình thì một nửa nhân loại (vẫn là đám đàn bà ấy) bảo rằng, đó chỉ là phút yếu lòng, rằng thì là mà vì chồng không quan tâm, không yêu thương, không chiều chuộng, không tâm lý, rồi thì vũ phu, lạnh nhạt các kiểu nên đàn bà mới ngoại tình.

Nói thật, tôi là đàn bà đây mà tôi còn chả ngửi được cái văn đó của các mẹ. Bộ nhân loại này chỉ có mỗi các mẹ là cần được quan tâm, yêu thương, chăm sóc, chiều chuộng, còn bọn đàn ông thì là gỗ đá, trâu bò nên không cần chắc?

Phụ nữ ngày xưa bị ảnh hưởng nặng bởi tư tưởng phong kiến, nho giáo, nên nhẫn nhịn, hy sinh, chịu khổ đủ bề. Phụ nữ ngày nay thì học lỏm tư tưởng phương Tây, xong rồi về thổi phồng lên, đòi hỏi bình đẳng, công bằng, nữ quyền thái quá, trèo cả lên đầu lên cổ đàn ông xong vẫn đóng vai mình là nạn nhân, mình đáng cmn thương, tội cmn nghiệp.

Nói thật, đàn ông bây giờ nhiều người khổ y chang các bà, các mẹ ngày xưa. Làm việc cật lực, cúc cung tận tụy kiếm tiền, phục vụ vợ con, không có tư tưởng phòng thân một tí nào cho mình, thế nhưng có thể bị bọn đàn bà đá đít ra đường không xu dính túi bất cứ lúc nào. Với tư tưởng cần con hơn cần chồng, rồi thì phải thủ thế thủ thân, giữ hết tiền bạc, tài sản để khi cần thì bấm nút, ném thằng chồng ra đường không mảy may thương xót. 

Sao mà tôi sợ bọn đàn bà bây giờ thế không biết?

Copy bài của Đỗ Thị Thanh Vân.

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Kim Dung & Vũ Đức Sao Biển

Tiểu thuyết Võ Hiệp  hay trụyện Chưởng của Kim Dung một thời được dân Miền Nam ưa thích
Nhiều nhà văn viết về đề tài này :
Hoàng Hải Thủy viết như một tạp bút nhưng rất hay
Vũ Đức Sao Biển viết nguyên một quyển sách đầy đủ hơn cũng về đề tài này.
Tôi thich Hoàng Hải Thủy hơn
Mời các bạn thưởng thúc một phần tác phẩm của nhà Văn Vũ Đức Sao Biển trong 
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
VŨ ĐỨC SAO BIỂN
VÕ CÔNG TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG

 Các nhân vật trong tác phẩm của Kim Dung hợp lại thành một giới - giới võ lâm – và đương nhiên, sinh hoạt của họ là sự thể hiện võ công để giết người, mưu đồ địa vị quyền lực; võ công để cứu người, trừ gian diệt bạo, biểu dương cái lẽ công bằng ở đời. Nói đến những nhân vật của Kim Dung, không thể không nói đến võ công.

Một cách khái quát, Kim Dung đã đặt vào cho những nhân vật của mình những loại hình võ công (hay công phu, kungfu) mà họ cần phải có. 
Các loại hình võ công bao gồm:
• chưởng pháp (phép đánh bằng tay), 
• quyền pháp (phép đánh bằng nắm tay), 
• chỉ pháp (phép đánh bằng ngón tay), 
• cầm nã thủ pháp (phép đánh bằng câu, bắt, móc, giật) 
• trảo pháp (phép chụp bằng ngón tay), 
• cước pháp (phép đá), 
• bộ pháp (phép di chuyển), 
• khinh công (phép đi nhanh). 
Nếu các nhân vật của ông chuyên sử dụng vũ khí thì mỗi loại vũ khí được kết hợp với một pháp để hình thành võ công riêng cho họ 
• đao pháp, 
• thương pháp, 
• kiếm pháp, 
• trượng pháp, 
• côn pháp... 

Đối với một số nhân vật đặc biệt, Kim Dung đã tạo ra cho họ những thứ võ công đặc biệt: 
• thần công Sư tử hống (tiếng rống của sư tử) của Tạ Tốn (Ỷ thiên Đồ long ký), 
• Hấp tinh đại pháp (phép hút kình lực và công lực kẻ khác làm công lực và kình lực của mình) của Nhậm Ngã Hành (Tiếu ngạo giang hồ), 
• Nhiếp hồn đại pháp (phép thôi miên) của Đinh Xuân Thu (Thiên Long bát bộ)...

Kim Dung tạo ra cho nhân vật của mình những hoàn cảnh, những tình huống để họ thủ đắc võ công. 
Có những nhân vật không chịu học võ, suốt ngày chỉ lo học sách thành hiền, học kinh Phật như vương tử Đại Lý Đoàn Dự hay như nhà sư trẻ Hư Trúc cùng bị đẩy đưa vào hoàn cảnh phải học võ công để tự cứu mình và cứu người, trở thành bậc thượng thừa. 
Có kẻ say mê võ công, đi tìm suốt đời mà chẳng thấy. Con đường mà Kim Dung dẫn dắt những nhân vật trung tâm của mình đến với các thứ võ công không khỏi khiến cho người đọc cười thầm.

Nhân vật của Kim Dung thể hiện võ công qua kình lực. Đứng trên quan điểm triết học Trung Hoa, ông chia kình lực ra làm hai loại: 
dương cương và âm nhu. 
Dương cương là loại kình lực mãnh liệt, khi xuất chiêu phát ra tiếng động. 
Âm nhu là kình lực mềm mại, khi xuất chiêu không phát ra tiếng động. Hai loại kình lực đó loại nào cũng có thể giết người, làm tan bia vỡ đá! 
Ông lấy Nhu chế Cương, lấy Cương chế Nhu. Kẻ thắng cuộc là kẻ có công lực cao hơn. 
Căn cứ vào võ học Trung Hoa, Kim Dung để cho các nhân vật của mình thi triển võ công theo hai cách: 
trực tiếp và gián tiếp. 
trong cách đánh trực tiếp; chưởng, trảo, chỉ, quyền... phải đụng đến người địch thủ. 
trong cách đánh gián tiếp; chưởng, trảo, chỉ, quyền... không đụng đến người địch thủ, Kim Dung gọi đó là cách không. 
Cách không điểm huyệt chỉ pháp của Kiều Phong, Lục mạch thần kiếm của Đoàn Dự, Thất thương quyền của Tạ Tốn... đều có cái khả năng cách không này. 
Đặc biệt Kim Dung có đề cập đến Cách sơn đả ngưu thần công (thần công đánh con trâu cách trái núi). 
Trong Thiên Long bát bộ, ông đã để cho quốc sư nước Thổ Phồn dùng Tiểu Tu ni chưởng đánh vào đỉnh đồng bên này, đỉnh đồng không phát ra tiếng động và vẫn lành lặn nhưng phía bên kia lại lủng. Cách diễn tả như vậy nghe hơi phi khoa học nhưng lại làm thoả mãn trí tưởng tượng vốn phong phú của con người.

Kim Dung đặt tên cho các loại võ công rất độc đáo và riêng trong khía cạnh này, ông cũng đã tự chứng mình được trình độ viết tiểu thuyết của mình. 
Một là – võ công thường gắn liều với nguồn gốc xuất thân. 
Thí dụ các nhà sư xuất thân từ phái Thiếu Lâm thì phài biết sử 
La Hán quyền, 
Niêm hoa chỉ, 
Thiếu Lâm trường quyền, 
Di Đà chưởng, 
Giáng ma trượng... 
Ai xuất thân từ đạo gia Võ Đang thì có 
Thái cực quyền, 
Võ Đang miên chưởng. 

Hư Trúc học được võ công của phái Thiên Sơn thì võ công đó được gọi là 
Thiên Sơn lục dương chưởng, 
Thiên Sơn lục dương chỉ, 
Thiên Sơn chiết mai thủ... 

Hai là – tên của võ công thường gắn liền với những chiêu thức, đòn thế của môn võ công ấy. trong tinh thần này, người đọc tìm thấy 
Hàng long thập bát chưởng (18 chưởng hạ rồng), 
Liên hoàn thập tam cước (13 thế đá liền nhau), 
Độc Cô cửu kiếm (9 thế kiếm của Độc Cô Cầu Bại). 

Ba là – tên của môn võ công thường gắn liền với sinh hoạt, đặc điểm của động vật. Trong tinh thần này, ta thường gặp trong tác phẩm của Kim Dung những 
Xà quyền (rắn), 
Đại Thánh quyền (khỉ), 
Áp hình công (vịt), 
Hàm mô công (ếch), 
Ưng trảo công (chim ưng), 
Kê trảo công (gà). 

Ngay cả đến con rồng - một động vật trong linh thoại cổ Trung Hoa – cũng có công phu: 
Long trảo công. 

Bốn là – tên của võ công gắn liền với tính chất, hậu quả khi sử dụng võ công đó. Trong tinh thần này, ta thường gặp 
Tam tiếu tiêu dao tán (thuốc bột làm người ta cười 3 lần trước khi chết), Thất thương quyền (loại quyền pháp muốn luyện được phải bị 7 thứ nội thương trong phủ tạng), 
Hoá thi phấn (loại thuốc bột làm tan xác chết ra nước)...

Kim Dung có một bề dày kiến thức về y học cổ Trung Hoa. 
Một cố nhân vật của ông trường vừa giỏi võ công, vừa tinh thâm y thuật, phối hợp y thuật với võ công hoặc để cứu người, hoặc để chế ngự người. 
Trong Tiếu ngạo giang hồ, ta bắt gặp nhân vật Sát nhân danh y bình Nhứt Chỉ, cứu người chỉ cần một ngón tay và giết người cũng chỉ cần một ngón tay. 
Trong Ỷ thiên Đồ long ký, ta gặp Điệp cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu và sau đó là Trương Vô Kỵ, giỏi về chữa thương, phục hồi kỳ kinh bát mạch. 
Thuốc độc và phóng độc cũng là một loại võ công. Trong Tiếu ngạo giang hồ, ta gặp Lam Phượng Hoàng, giáo chủ Ngũ độc giáo Vân Nam. Trong Phi hồ ngoại truyện, ta gặp Độc thủ dược vương chuyên đánh thuốc độc.

Cũng theo Kim Dung, âm nhạc cũng là một dạng võ công có thể chế ngự địch thủ. 
Một số nhân vật của ông như 
Côn Lôn tam thánh Hà Túc Đạo (Ỷ thiên Đồ long ký), 
Cầm điên Khang Quảng Lăng (Thiên Long bát bộ), 
Nhậm Doanh Doanh và Lưu Chính Phong (Tiếu ngạo giang hồ)... 
đã dùng tiếng đàn, tiếng sáo, hoặc để chữa thương, hoặc để khắc chế địch thủ. Đoạn cảm động nhất là đoạn Doanh Doanh đàn khúc Thanh tâm phổ thiện trú để xoa dịu thần kinh cho Lệnh Hồ Xung khi chàng trai này bị trọng thương.

Viết về võ công nên kiến thức võ học của Kim Dung rất uyên bác. Ông Yên Thị Đồ Cẩu Khách trên tờ Tân Họa báo cho biết rằng Kim Dung thường tham khảo ý kiến của các võ sư về đòn thế, về cách xuất chiêu, nhả kình lực của từng thế võ. Ông dung hợp võ công với y học Trung Hoa, tạo cho người đọc sự thú vị tuyệt vời, điều mà những tác giả truyện võ hiệp khác chưa làm được. 
Đặc biệt, khi viết về những võ công của các bang hội, giáo phái khác ngoài lãnh thổ Trung Quốc, kiến thức võ học của ông đã được thực hiện rất tinh tường. 
Đại thi hào Ba Tư Omar Khayan đã ghi nhận võ công Bái hỏa giáo (Minh giáo) Ba Tư được ghi lại trên 8 tấm thẻ Thánh hỏa lệnh và tâm pháp thì được ghi lại trên những tấm da dê. 
Kim Dung nghiên cứu đoạn kinh mở đầu của Bái hỏa giáo Ba Tư, đã dung hợp ý kiến của Omar Khayan để xây dựng nên những đoạn mô tả về sinh hoạt của Minh giáo Trung Hoa (Ỷ thiên Đồ long ký).

Một điều cần chú ý là Kim Dung không lạm dụng khuynh hướng đa sát trong tiểu thuyết võ hiệp, điều mà ta thường gặp trong các loại phim cao bồi Viễn Tây (Mỹ) và phim chưởng Hongkong cũng như ở một số tiểu thuyết gia khác viết truyện võ hiệp. 
Trong 12 bộ tiểu thuyết, Kim Dung có mô tả 2 trận đa sát: 
một là đoạn Kiều Phong bị quần hùng Trung Nguyên vây hãm ở Tụ hiền trang (Thiên Long bát bộ), 
hai là đoạn phái Tung Sơn bịt mặt giả làm người của Ma giáo vây hãm phái Hằng Sơn ở Long Tuyền (Tiếu ngạo giang hồ). 

Chữ Nhân của đạo Khổng đã được ông tôn trọng một cách hết sức nghiêm túc đúng như quan niệm của Khổng Tử: 
“Nhân giả nhân dã” (Đạo nhân là đạo của con người vây). 
Đọc văn của ông, người ta chỉ thấy cái thiện chế ngự cái ác, cái chính nghĩa thắng cái gian tà và tinh thần nhân đạo được đề cao triệt để. 
Những nhân vật bình thường nhất cũng biết tha thứ cho kẻ thù, cũng nói được “Oán thù nên giải chứ không nên kết” hoặc “Hồi đầu thị ngạn” (Quay đầu là bờ)... 
Và họ đã tha thứ cho nhau. Những nhân vật ma đầu, đầy mình tội lỗi như Đinh Xuân Thu, Du Thản Chi, Lâm Bình Chi, Thạch Trung Ngọc,... cuối cùng rồi cũng chỉ bị phế võ công, đưa cho những người nhân hậu quản chế để khỏi đi gieo rắc cái ác. Không có ai bị giết, bị hành hạ, bị trả thù đau đớn.

Tất cả nỗ lực của Kim Dung nhằm mình họa một nguyên tắc lớn: 
chữ Võ không bằng chữ Hiệp. 
Các nhân vật chính phái của ông hành hiệp cứu đời, xả thân vì cuộc sống, cứu vớt kẻ trầm luân, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ hòa bình hạnh phúc cho trăm họ. Họ không mưu cầu lợi danh, địa vị cho riêng mình. 
Đoạn tiêu biểu nhất cho cái Hiệp trong tác phẩm Kim Dung là đoạn Trương Vô Kỵ, giáo chủ Minh giáo, chỉ huy các lực lượng kháng Nguyên, bị một thuộc tướng của mình là Chu Nguyên Chương đánh thuốc mê và bắt giam. 
Chu Nguyên Chương có tham vọng lên ngôi thống lãnh. Trương Vô Kỵ có thể giết Chu Nguyên Chương chỉ với một ngón tay, nhưng đã không làm điều đó. 
Anh đã lặng lẽ bỏ ra đi để được suốt đời ngồi vẽ lông mày cho người yêu là Triệu Minh. 
Chu Nguyên Chương kháng chiến chống quân Nguyên thành công lên ngôi cửu ngũ, mở ra nhà Minh, truyền được 263 năm (1380-1643).

Cái mà người ta tìm được trong tác phẩm Kim Dung chính là lòng nhân ái. Lòng nhân ái đó đặt trên cơ sở của tư tưởng Khồng giáo, Phật giáo, Đạo giáo phương Đông. 
Trong khi các nhân vật của ông sử dụng võ công để đánh nhau, họ vẫn tôn trọng lòng nhân ái mà “hạ thủ lưu tình” (xuống tay nhưng vẫn giữ được tình người). 
Hai kẻ thù đánh nhau, đến khi chia tay vẫn có thể nói được lời từ biệt: “Non xanh trơ đó, nước biếc còn đây, còn ngày gặp gỡ.” 
Chiêu thức nào có tên gọi độc ác quá, được đổi tên ngay: 
Thế Lưỡng bại câu thương (đôi bên cùng chết) của phái Võ Đang được đổi tên thành Thiên địa đồng thọ (đất trời cùng tồn tại) và được khuyến khích không đem ra sử dụng. 
Võ công làm nên tiểu thuyết võ hiệp nhưng không quyết định nội dung tiểu thuyết võ hiệp. 
Cái quyết định chính là chữ Hiệp, đứng sau chữ Võ.

Duc Tran Phan