Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Đô La Đỏ


(Đề tài này gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm hơn tất cả các chiến hữu của tôi vì khác với họ, duyên số đã đưa đẩy tôi phục vụ gần 7 năm, từ đầu năm 1966 tới 1972  tại các đơn vị tác chiến HK nên cũng đá có dịp xài đồng tiền này mỗi khi được một counterpart hay bạn Mỹ đưa tôi vô PX, siêu thị Mỹ, mua đồ).
Kỷ niệm thời quân đội Mỹ còn chiến đấu tại VN .

Đô La đỏ - Song Thao

Ngày đó, có được cuốn catalogue của Sears, quen được người có thể nhờ mua hàng trong PX của Mỹ là số một. Thứ gì cũng có, toàn hàng Mỹ thơm phức. Dân ta ngày đó tưởng Sears là thứ xịn ở Mỹ vì hàng chi cũng rất đẹp. Khi qua Mỹ mới biết Sears là loại cửa hàng bình dân. Nhưng dù sao cũng một thời. Muốn có đồ Sears hồi đó phải có đô la đỏ.

Thế hệ sau này chỉ biết đô la xanh. Vậy thì đô la đỏ là cái giống chi? Gọi là đô la đỏ nhưng thực ra đây không phải là đồng tiền mà chỉ là Military Payment Certificate (Chứng Chỉ Thanh Toán của Quân Đội), viết tắt là MPC. Không phải là tiền nhưng có giá trị tiêu dùng như tiền nên việc in ấn cũng tinh xảo như đồng đô la xanh để tránh bị làm giả. Không biết có phải muốn phân biệt với đô la xanh mà người ta gọi MPC là đô la đỏ hay không nhưng thực ra MPC không chỉ có màu đỏ mà còn nhiều màu khác như nâu, xanh hoặc tím. Đô la đỏ có nhiều serie khác nhau. Serie đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam là “serie 641”. Trên đồng tiền (cứ tạm gọi như vậy), có in hàng chữ: “For use only in the United States military establishments - by United States authorized personnel in accordance with applicable rules and regulations”. Chỉ sử dụng tại các cơ sở của quân đội Hoa Kỳ - bởi các nhân viên được phép dùng, phù hợp với quy định và luật lệ đang được áp dụng.

 

Vậy là chỉ có lính và dân sự Mỹ được mó tay vào đồng tiền đỏ này. Nhưng luật là luật, lệ ở Việt Nam ngày đó khiến dân ta cũng dùng thoải mái. Tôi nhớ trong túi hồi đó cũng rủng rỉnh đô la đỏ để mỗi lần được mời thăm viếng doanh trại Mỹ và quân đội đồng minh thế nào cũng được dẫn vào cửa hàng PX trong trại để mua đồ. Đô la đỏ hồi đó có những giấy bạc trị giá từ 5 xu tới 20 đô. Dân Việt Nam thân cận với quân nhân Mỹ, nhất là các cô vợ hờ của mấy anh G.I., thường giữ đô la đỏ để nhờ mua hàng trong PX (Post Exchange) về bán chợ đen. Lại phải nói cho rõ G.I. là cái chi. Đó là viết tắt của chữ Government Issue, tức là các anh lính Mỹ. Số hàng tuôn ra này thường được bán cho các con buôn chợ trời nhưng nếu biết mua tận nguồn sẽ được giá nới hơn. Có lần tôi muốn mua một máy hát chạy băng Akai, ông anh họ tôi đã dẫn tới nhà một cô vợ Mỹ tại Lăng Cha Cả, mua máy còn nguyên trong hộp chưa mở với cái giá rẻ hơn ngoài chợ trời nhiều.

 

Vì đồng đô la đỏ lang thang trong dân chúng Việt Nam nên quân đội Mỹ lâu lâu lại diệt cái nạn này bằng cách đổi tiền. Đó là lý do đô la đỏ có nhiểu series. Khi đổi tiền, người ta cho ra lò nguyên một serie mới, serie cũ coi như giấy lộn. Tại Việt Nam, series 641 được sử dụng đầu tiên từ năm 1965 đến 1968, đổi qua series 661 từ 1968 đến 1969, series 681 từ 1969 đến 1970, series 692 từ 1970 đến 1973. Vậy là có ba lần đổi tiền tất cả. Mỗi khi đổi tiền đô la đỏ là giới con buôn trắng tay nhưng họ khôn tổ chảng, chẳng dại ôm nhiều tiền. Tiền đổ vào hàng hóa hết nên họ làm lại cuộc đời chóng vánh. Tôi không ở trong giới này nên không biết họ có được biết trước ngày đổi tiền để tránh không. Vì vào ngày đổi tiền “C-Day” (Conversion Day) này, toàn thể quân nhân Hoa Kỳ bị cấm trại một trăm phần trăm.  Dân buôn làm chi chẳng đánh hơi trước được. Mỗi lần đổi đô la đỏ, tôi hầu như không hề hấn chi vì trong túi có bao nhiêu đâu mà mất nhiều. Mất chút đỉnh chỉ như gãi ngứa.

 

Đô la đỏ có mặt tại các quốc gia có quân đội Mỹ đồn trú vì lý do kinh tế. Nếu cho lính Mỹ xài đô la xanh thì số lượng đô la này sẽ làm chao đảo nền kinh tế địa phương, nhất là những nền kinh tế còn èo uột như Việt Nam hồi đó. Ông Nguyễn Hữu Hanh, Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia, kể lại trong cuốn hồi ký “Câu Chuyện Đời Tôi”: “Tôi thường nói với những người đối tác bên phía Mỹ và bộ chỉ huy quân sự Mỹ rằng 500 ngàn du khách (đó là con số lính Mỹ tại Việt Nam) lương mỗi tháng 600 USD mỗi người, là một gánh quá nặng đối với một nền kinh tế bé nhỏ như Việt Nam nếu họ được phép tiêu xài thả cửa trên thị trường bản địa; điều đó sẽ tạo ra một áp lực khổng lồ trên mặt cung ứng sản phẩm và tỉ lệ lạm phát sẽ bùng nổ theo một chiều hướng tệ hại. Tôi cực lực yêu cầu những người lính Mỹ chỉ được tiêu xài trong phạm vi căn cứ của họ, và phải được cách ly khỏi nền kinh tế Việt Nam. Việc lính Mỹ xài quá nhiều tiền trong khi sống giữa một khối dân chúng nghèo khổ, cùng với việc họ công tác bên cạnh những người lính Việt Nam sống một đời cực nhọc nguy hiểm mà lương mỗi tháng chỉ 20 USD cho cả nhà gồm có tới chín, mười người sẽ gây nên một vấn đề xã hội, chính trị hết sức đáng quan ngại”.

 

Điều quan ngại của ông Thống Đốc Ngân Hàng là đúng nhưng đồng tiền có chân và thích bơi lội. Nơi nào trũng là chúng bò tới, chẳng ai ngăn cản nổi. Anh lính hạng bét của Mỹ ngày đó cũng là triệu phú ở Việt Nam. Một chú GI lãnh 600 đô đỏ mỗi tháng, không phải chi tiền ăn ở, tiêu vung vít vào Saigon Tea, là một trong những cánh cửa lớn cho đô la đỏ mò vào xã hội Việt Nam. Lại phải nói sơ qua về Saigon Tea. Đó là chiêu trò của các bar dành cho lính Mỹ tại Sài Gòn. Các chú GI vào bar ngả ngớn uống rượu, anh uống em uống, anh một ly em cũng một ly. Ly anh hay ly em, anh đều phải móc túi chi tiền. Trả tiền hai ly rượu nhưng rượu của các em chỉ là nước trà. Tiền nước trà cũng bằng tiền rượu. Số sai biệt giữa giá một ly rượu và một ly nước trà các em và chủ bar chia nhau. Biết là bị bắt chẹt nhưng khi đã ăn chơi có hơi rượu thì chín bỏ làm mười cho xứng mặt anh hào!

 

Chẳng phải chỉ có người Việt buôn tiền đô la đỏ, các anh Gi cũng rất rành chuyện buôn bán này. Nhiều anh được gia đình ở Mỹ thương yêu gửi tiền cho, các anh lãnh bằng đô la xanh. Màu xanh ăn đứt màu đỏ. Các anh đổi ra đô la đỏ ngoài thị trường chui với giá 100 đô xanh ăn 180 đô đỏ. Gần gấp đôi. Trong trại thì tiêu đô la đỏ, ngoài đường phố thì tiêu tiền Việt. Lại đổi từ đô la đỏ ra tiền Việt, chênh lệch rất cao. Vậy là 100 đô xanh, nhấp nháy đã phồng lên, tha hồ bao các em Saigon Tea.
 

Inline image

 

Máy hát Akai.

 

Hàng hóa bán trong các PX là để cho các anh GI mua dùng. Giá cả là giá ưu đãi và miễn tất cả các loại thuế nên rẻ hơn cả giá bán tại Mỹ. Từ hàng nhỏ đến hàng lớn, từ cục xà bông Dial, bao thuốc Salem, lon Coca đến những thứ mà dân Việt ngày đó thấy to đùng như radio Zenith, máy ghi âm Akai, máy ảnh Olympus, ti-vi Denon. Chiếc máy Akai ngày đó tôi cặm cụi để dành tiền mua được là cả một hạnh phúc tràn trề. Những cuộn băng to sù ôm ấp tiếng hát của Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan, Quỳnh Giao, Mai Hương vang vang với tiếng đàn tiếng bass nghe phập phùng muốn bể tai sao mà sung sướng đến vậy.

 

Trên lý thuyết hàng hóa từ PX chỉ có quân nhân Mỹ xài nhưng họ vốn là những người có lòng nên cho dân Việt xài chung. Dân Việt sức mấy mà mua trực tiếp từ PX được nên muốn xài phải qua tay các cô vợ hờ của quân nhân Mỹ. Cái chi có trong PX đều có ngoài chợ trời. Nhưng nếu rảo bước ngoài chợ trời hồi đó, chúng ta chỉ thấy bày bán thực phẩm và những đồ dùng nho nhỏ. Nhưng nếu biết to nhỏ với người bán, chúng ta có thể mua được những thứ to đùng như ti-vi, máy quay đĩa và các loại máy cồng kềnh khác. Ngay cái thứ nho nhỏ mà các ông khoái tìm mua là tạp chí Playboy cũng phải to nhỏ với người bán mới có.
 

Thế hệ chúng tôi ở Sài Gòn ngày đó ít ai không bén mảng tới chợ trời đồ Mỹ. Tôi thường la cà nơi chợ trời Kỳ Đồng– Nguyễn Thông, nơi trên là trời dưới là hàng PX. Nhiều lần chẳng cần thứ chi cũng cất bước tới ngắm cho đã con mắt. Vậy mà chẳng có khi nào về tay không. Khi thì thỏi súc-cù là, lúc thì gói cereal, sang hơn thì vài trái cam trái táo. Nhìn thấy là phải rinh về. Thuốc lá thì ê hề: Salem, Lucky, Pall Mall, Kent, Kool. Tôi không nghiện hút thuốc lá nhưng thỉnh thoảng vui bạn vui bè cũng thả khói cho có với người ta. Vậy mà trong ngăn kéo bàn làm việc của tôi luôn có hộp quẹt Zippo. Không phải một cái mà nhiều cái. Trên bàn tiếp khách tại nhà, cạnh giường ngủ, trong túi quần. Không thắp thuốc cho mình thì thắp thuốc cho bạn bè. Đó là một chỉ dấu của thanh niên Sài Gòn. Khẽ khẩy tay một cái, nắp Zippo bung lên, một ngọn lửa xanh lè bùng lên thơm mùi xăng. Bạn bè trong quân đội của tôi càng không thể thiếu thứ vừa tiện lợi vừa sang cả này. Zippo không kỵ gió, không kỵ sương, không kỵ cả những giọt mưa nho nhỏ trên chiến trường. Theo một thống kê của báo Time hồi đó, đã có tới 200 ngàn Zippo theo chân lính Mỹ qua Việt Nam. Còn số Zippo bán trong PX không biết bao nhiêu. Trong những lần hiếm hoi được vào mua trong PX, chốn đầu tiên dân ta nhào tới nhất định phải là khu bán hộp quẹt Zippo.

 

Hàng hóa nơi chợ trời đều là hàng từ PX tuồn ra nhưng thủ phạm không chỉ là những chú GI thường mặt mũi vắt ra sữa. Còn nhiều nguồn khác. Như nguồn từ các con buôn toa rập với nhân viên của PX chở hàng xe ti-vi, tủ lạnh, bếp ga vùi trong các xe rác chạy từ trong căn cứ ra. Đó là nguồn hàng lớn. Nguồn hàng nhỏ là các nhân viên người Việt làm trong căn cứ Mỹ giấu trộm trong người mang ra. Báo Đức Der Spiegel, số ra ngày 28/10/1968, có bài viết của ký giả Lederer Williwm J., có đoạn như sau: 

“Hệ thống cửa hàng PX có trên 5 ngàn phụ nữ người Việt được nhận vào để bán hàng. Trong tháng 5 năm 1967, chỉ riêng một cửa hàng PX ở Sài Gòn đã mất 65 ngàn dollar vì ăn cắp vặt. Và đó chỉ là một cửa hàng nhỏ. Có một thời gian, ban giám đốc cho khám xét những người Việt bán hàng lúc họ tan ca ra về, khiến nhân viên dọa sẽ đình công nếu như không chấm dứt việc kiểm tra này. Trong thời gian thực hiện bài báo này, tôi đã quan sát thấy bốn lần chiếc xe tải chở đầy thực phẩm từ cửa hàng PX vào kho tiếp liệu của khách sạn Continental như thế nào. Có một lần, một kiện thịt to, có in tên tướng Westmoreland, được đưa cùng với nước ép cà chua vào cửa kho khách sạn này”. 

Chuyện khám xét này chắc chắn có, nhưng chuyện dọa đình công tôi hơi nghi ngờ. Được vào làm việc tại các căn cứ lính Mỹ là chuyện may mắn. Lương cao, bổng lộc nhiều nhưng vẫn ăn cắp vặt là chuyện thường tình. Hàng hóa, thực phẩm Mỹ ngon lành nên làm những người thiếu thốn nổi lòng tham. Chẳng cứ người Việt, người Phi Luật Tân hay Đại Hàn, làm chức vụ quản lý, cũng cho con buôn tin tức hàng hóa nhập về trong ngày để họ tìm cách săn mua. Tác giả Trang Nguyên kể lại: “Có lần tôi tới thăm người bạn vừa mới có thân nhân sang định cư theo diện làm sở Mỹ. Bà chị của người bạn này trước đây từng làm nhân viên bán hàng PX ở Chợ Lớn. Hỏi về chuyện hàng hóa tiêu dùng ở chợ trời và việc nhân viên bán hàng ở PX thời ấy “làm ăn” ra sao, chị đáp: ‘Có con chuột nào sống trong kho gạo mà không ăn gạo bao giờ’”.
 

Hàng hóa chui ra chợ trời theo lối ăn cắp này dĩ nhiên không có sự tham dự của đồng đô la đỏ. Nhưng người tiêu thụ đâu cần biết hàng ra qua lối nào. Tác giả Trang Nguyên, khi đó còn nhỏ cũng còn nhớ: “Mỗi chiều tan học tôi đều lội bộ trên con đường tắt để tới xem người ta buôn bán đủ thứ kẹo chewing gum, chocolate, kẹo trái cây và từng đống đồ hộp thịt hay cá chất cao theo hình kim tự tháp. Từ ngã ba Kỳ Đồng kéo dài đến cuối đường gần vách tường chắn khu vực ga xe lửa Hòa Hưng, hai bên đông kẻ mua người bán. Có cả đồ ăn của lính Mỹ, bột si-rô, cacao, thậm chí hàng quân tiếp vụ từ mì gói đến xà bông, đường, sữa gì cũng có. Tôi thích nhất là kẹo đậu phọng, mỗi gói 6 viên, bọc trong giấy dầu, bên trong là giấy bóng, không cần phải lột vì khi bỏ vào miệng nó tan biến đâu mất. Viên kẹo giòn tan thơm mùi đậu phọng rang xay nhuyễn, không cứng như cục kẹo gừng, kẹo kéo, kẹo ú mà mấy năm trước còn hấp dẫn đám trẻ chúng tôi”.

 

Chợ trời đồ Mỹ được phân ra rất có trật tự. Chợ Nguyễn Thông, Kỳ Đồng bán thực phẩm. Chợ Huỳnh Thúc Kháng bán đồ điện tử. Chợ Dân Sinh bán các loại quân nhu. Chợ Cũ bán các loại rượu và thuốc lá. Hàng hóa từ PX Mỹ tuôn ra xối xả như vậy nên đồng đô la đỏ lên giá hoài hoài ngoài đường phố.

 

Đồng đô la đỏ có lịch sử lâu đời, bắt đầu từ năm 1946, sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. Đầu tiên đô la đỏ được phát hành tại Âu châu, sau đó mới qua Á châu, những nơi có lính Mỹ đồn trú. Có tổng cộng 15 séries được in nhưng trên thực tế chỉ có 13 séries được sử dụng từ năm 1946 tới 1973. Tại Việt Nam, đô la đỏ có mặt từ năm 1965 đến 1973, năm quân Mỹ rút quân về. Trong khoảng thời gian 8 năm này, đã có bốn série MPC được phát hành. Ngoài ra có một séries thứ năm, séries số 691, đã hoàn tất bản kẽm nhưng không bao giờ được in vì cuộc chiến kết thúc. Sau Việt Nam, đồng đô la đỏ chỉ còn có mặt tại một nơi duy nhất là Đại Hàn, nơi còn có một số quân nhân Mỹ đồn trú. Nhưng cũng chỉ trong năm 1973, đồng MPC tại Đại Hàn được đổi ra đô la xanh, chấm dứt lịch sử của đồng tiền đỏ này, một lịch sử kéo dài 27 năm.

 

Đồng đô la đỏ bị khai tử nhưng không chết. Nó sống trong giới sưu tập tiền. Tôi không ngờ tới chuyện đội mồ sống dậy này. Sau 1975, tôi còn sống trong nước đúng chục năm. Trong những năm đồi đời này, cái chi dính líu tới chế độ cũ lo đốt sạch để khỏi mang hậu họa. Đồng đô la đỏ cũng lâm vào cảnh hỏa thiêu. Tiếc thì chẳng tiếc nhưng giá bây giờ còn giữ lại chắc cũng vui. Trên eBay, dân chơi tiền đã đẩy giá những đồng đô la đỏ lên cao hơn trị giá thật của chúng rất nhiều. Tờ 5 và 10 xu có giá 25 đô; tờ 5 đô đỏ có giá 90 đô xanh; tờ 10 xu của series 472 có giá 350 đô xanh; và tờ 1 đô của series 541được bán với giá 400 đô xanh!

 

Đỏ biến thành xanh với con số ngạo nghễ. Vậy mới biết chuyện chi cũng có màn lên voi xuống chó. Đời mà!

 

Song Thao

Không có nhận xét nào: