Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

NĂM 2021 VÀ CHUYỆN NGỤ NGÔN CỦA SÓI, CỪU, ... KHỦNG LONG

Fb Thủy Tiên

Noel năm nay Sói Tía không cho tụ tập như những năm trước, lý do vì trong hẻm có nhà f0. Kể từ khi tía thành sói, tía đâm ra cẩn thận và sợ đủ thứ.

Nhớ hồi đầu tháng 11, Khủng long vợ dẫn Cừu chồng về nhà, chúc mừng sinh nhật Sói tía. Năm nay mới hết phong tỏa, tình hình dịch chưa biết sao nên cả nhà cũng không dám tụ tập về đông đủ như mọi năm mà chỉ lác đác về riêng rẽ. Hôm trước vợ chồng con cái Sói út về rồi, hôm sau tới lượt nhà Khủng long chị.

Sói, Cừu là tiếng đùa ở nhà gọi nhau để phân biệt ai là f0, ai là 0f. Nghĩ lại còn rùng mình, nhìn quanh thấy nhà bạn bè tụi nó êm ru, nhà mình hết em cháu, rồi ba mẹ lần lượt báo dương tính. Người đi cách ly ở bv dã chiến, người ở nhà tự xử, lo lắng sợ hãi tới điếng hồn. Bốn tháng Sài Gòn căng thẳng cũng là thời gian cam go của gia đình. Cuối năm nhìn lại, coi như theo lời bạn, là để nhớ về và giữ lại những tháng ngày không thể quên của cả Sài gòn và gia đình, để rút ra vài kinh nghiệm nhỏ cho mình và những ai cần khi những ngày chưa yên ả vẫn đang còn phía trước.

Hồi mới bắt đầu giãn cách, cả những ngày đầu bị nhốt trong nhà, ngoài đường chỉ có shipper hoạt động, mỗi lần Cừu chồng thấy vợ cắm đầu vô điện thoại kiếm chỗ mua dồ ăn, hay ngồi bần thần thậm chí sụt sịt khi đọc thấy một hoàn cảnh đáng thương do thiếu ăn là ổng cười hô hố, nói vài bữa hết giãn cách nhớ lại vợ có nhiều chuyện buồn cười lắm. Nhưng rồi dần dần Cừu chồng cười hết nổi, khi mà lần lượt nhận tin công ty cũ có nhiều ca nhiễm. Nói nào ngay, lúc đầu nghe tin vẫn còn cười, nói tụi nó chích 1 mũi hết rồi vậy mà lây nhanh quá. Xong rồi bắt đầu thấy có đứa trẻ khỏe mà lên đường, rồi nhận tin đồng nghiệp cũ thân thiết ra đi cả 2 vợ chồng vì Covid, Cừu chồng hết cười nỗi và trở nên trầm ngâm hơn.

Lúc này hai vợ chồng cùng cả nhà vẫn là cừu thôi. Vẫn an lòng nghĩ rằng núp kỹ cho qua dịch thì sẽ an toàn. Ở nhà tà tà lôi đồ tích cóp ra nấu, bún phở đủ loại, nem nướng chả giò, bánh bèo bánh đúc, chuối chiên chè đậu, tàu hũ nước đường,.. ăn vậy mà vẫn sụt ký mới ghê. Chắc do lo quá đó thôi, khi tin tức ngày càng xấu. Trong điện thoại không chỉ lưu lại thông tin bán rau cải thịt cá online mà bắt đầu lưu số điện thoại xe cấp cứu, bình oxy, y tế lưu động, ... cũng vẫn nghĩ ai cần thì chỉ giúp chứ làm gì tới lượt mình.

Như trong phần giới thiệu cho tập tản văn Phía Tây thành phố của mình, bác sĩ Lê Minh Khôi có viết "ký ức không phải cái đã qua, nhất là ký ức về một giai đoạn đầy ắp những biến cố đau thương như vậy. Tôi vẫn đang sống với ký ức đó, không phải để bi lụy, mà để biết trân trọng hơn những gì giản dị nhất mà chúng ta có, như bầu trời xanh trên đầu, như làn gió từ sông Sài Gòn vẫn lồng lộng thổi vào thành phố mỗi chiều và như từng hơi thở này đây”. bởi vậy mà anh đã trải lòng thật nhẹ qua những câu thơ:
Rồi mình sẽ đi qua mùa bão giông
Rồi mình sẽ đi qua những con đường, những dãy nhà khép mắt,
Những hàng cây khát gió, những bãi xe im lìm nằm ngủ, những mặt người thao thức,
Rồi mình sẽ đi qua những đêm sâu, những lưng áo ướt đầm, những đớn đau, mất mát
Rồi mình sẽ đi qua những hoang mang, những nụ cười buồn và tiếng khóc thật,
Rồi mình sẽ đi qua những chiều thưa bóng nhân gian,
Phố sẽ xúng xính, xênh xang như chưa từng hoang vắng
Hạt bụi bay trên vỉa hè cũng long lanh màu nắng
Những môi cười sẽ biếc xanh như nụ mới
Nhất định ngày ấy sẽ tới..."

Thời gian đó cũng chính là chặng đường mà Cừu vợ trở thành Khủng Long theo cách gọi của mấy đứa Sói, Cừu ở nhà.

P.1 - NHỮNG NGÀY PHỐ MỆT
Tối 31/5, sau CT16 cho Gò Vấp và 15 cho phần còn lại của Sài Gòn, sau khi đu một vòng xe hốt nốt những thứ cần kíp như .... thuốc lá và bia cho chồng, 7h tối nhận được điện thoại Cừu chồng gọi "Em ơi vô bệnh viện đón anh về". 

Hết hồn phi xe vô bệnh viện, miệng lầm bầm, 12h khuya người ta giãn cách rồi mà giờ này còn chun chi vô bệnh viện, cái nơi đầy virus Covid đang lãng vãng. Hốt chồng về với một vết rách nhỏ trên trán do ngã xe ngay cổng công ty, hôm sau lại xách chồng đi chích ngừa rồi quơ một đống thuốc và bông băng về nhà tự xử để khỏi phải ra đường. Sài gòn vắng dần người, xe nhưng vợ vẫn còn đi làm, ngày ngày ra đường nhìn Sài Gòn ngày càng vắng mà buồn não ruột. Trên đường chỉ còn màu áo xanh đỏ của shipper và xe cứu thương vừa chạy vừa rú còi phát ... quạu. Nghĩ bụng, còn ai giành đường đâu mà hú cho dữ, hù giật mình thon thót. Người ta gọi những ngày đó của Sài gòn là "những ngày phố mệt".

"Phố mệt rồi, xin nhẹ những bước chân!
Gió lặng im âm thầm nghe Phố thở
Trăng dịu dàng nép vào mây nức nở 
Khúc nhạc ru Phố ngủ giấc yên bình. 

9/7 vợ bắt đầu ở nhà hẳn, thủ trong người giấy đi đường cơ quan ký nhưng vẫn chưa có dịp đi đâu, trừ cái bữa tự nhiên đau bao tử dữ dôi phải chạy đi mua thuốc uống. Ra đường đụng chốt ngăn phường với phường, mấy em gác chốt xua vô mua nhà thuốc phía trong chứ nhứt định không cho ra nhà thuốc bên kia chốt dù chỉ có bên đó mới có loại thuốc vợ hay uống.

Thương Sài gòn và cả những tỉnh, thành bị phong tỏa. Bao nhiêu câu chuyện dở khóc dở cười lúc này. Vợ ngồi nhà đọc tin, rớt nước mắt khi nghe thông tin và các bài hát ca ngợi tuyến đầu chống dịch.

"Phố mệt nhiều nhưng ngủ chẳng được sâu
Bởi thanh âm nơi tuyến đầu vọng lại
Sáng lung linh giữa màn đêm tĩnh tại 
Sắc trắng thiên thần nhẫn nại suốt canh thâu. "

Nhưng dịch tuy ở ngay Sài gòn với tin tức nóng hổi mỗi ngày, gần nhưng vẫn còn xa khi những biến cố đó ở đâu đó thôi, chưa chạm đến hẻm nhà, cho đến một ngày cô em dâu làm trong bệnh viện nhắn tin trên group gia đình "bệnh viện em ngày nào cũng có nhân viên bị nhiễm, mấy chị/em ở nhà chuẩn bị tinh thần, em mà xét nghiệm dương tính thì đi cách ly, lo dùm ba má với chồng con em nha, chồng em ... hỏng biết nấu cơm. ".

P2. NHỮNG CHIỀU THƯA BÓNG NHÂN GIAN
Đưa tin em dâu nhắn cho chồng coi, chồng phán luôn "có gì thì em phải về bên đó lo cho ba má chứ sao". Cãi chồng, sao xuyên qua một đống chốt để về nhà. Bữa đi chích ngừa theo danh sách công ty tít Chợ lớn, lúc đi còn dễ, khi về chốt chặn tùm lum đổi mấy hướng mới về được cái chốt cuối cùng, nói về nhà mình mới được mở chốt cho qua. 

Rồi thì, y như lo sợ, nhỏ em dâu thành Sói đầu tiên trong nhà. Vợ đọc tin báo, khóc bù lu bù loa, phần lo cho ba má già ở chung nhà, phần cảm thấy mình bất lực không biết làm sao. Lúc đó người ta bắt đầu chết nhiều trong khu cách ly lẫn tại nhà, nghe bị nhiễm đúng là một điều khủng khiếp, Dì Năm gọi điện thoại, nói vợ cứ ngồi yên, để nhà dì gần bên sẽ đem cơm ngày ba buổi cho ba má và cha con thằng em. Mếu máo gởi gấm cho dì, hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm của cả nhà bên đó.

Rồi thì, cả nhà vợ chồng con cái thằng em đều dương tính, xách đồ theo Sói mẹ nó đi cách ly. Ba má nếu thành sói thì một là đi cách ly chung hay may mắn hơn, em dâu sẽ được cho về để cả nhà tự cách ly nhưng không biết hên hay xui mà ba má vẫn là cừu. Cách duy nhất là vợ từ giã chồng, nhờ một bạn công an quen trên quận dẫn thông chốt về với ba má thôi. Cái vali soạn sẵn chuẩn bị đi cách ly, dự phòng từ đầu dịch được vợ cột sau xe, cộng thêm một túi rau, thịt vừa mua online, vợ rồ ga vượt chốt trở về căn nhà xưa có ba, có má đang chờ.

Rồi thì ... sau 5 ngày túi bụi cho ăn uống, xông hít đủ kiểu, tía thành sói với kết quả pcr chỉ có 14. Lụi hụi đưa Sói tía đi cách ly chỗ em dâu xong, cô bác sĩ y tế phường nói má thế nào cũng bị tía lây và có thể cả vợ nữa. Lại hồi hộp chờ và y như rằng, 3 ngày sau má lại sốt cao. Hội ý với các em qua group gia đình, đồng ý xin giữ má lại nhà vì má khá yếu, nhiều bệnh nền, không thể tự lo cho mình. Vô bệnh viện không ai trông chắc đi sớm nên mấy chị em quyết định để má ở nhà, giao cho bà chị già trông má, chấp nhận điều xấu nhất có thể xảy ra như khi đồng ý để ba ở lại bệnh viện dã chiến thiếu thốn đủ thứ nhưng có đủ tình thân.
Phải nói đó là những ngày khủng khiếp nhất trong đời với trọng trách đè trên vai và nỗi nguy hiểm chực trên đầu. Sáu giờ chiều bắt đầu giới nghiêm, bốn bề vắng lặng. Trong căn nhà bốn tầng vốn đầy ắp tiếng người và tiếng cười giờ chỉ hiu quạnh có hai má con. Lặng lẽ nấu cơm, nấu nước xông, lặng lẽ theo dõi chỉ số huyết áp, đường huyết, nhiệt độ, spo2 của má ngày mấy lần và bịa ra đủ lý do để trả lời má ba đi đâu không thấy, nhà thằng em về quê sao lâu quá chưa lên ... Rồi khi quyết định mua cái máy tạo oxy đầu tiên về một ngày sau khi oxy của má có chiều hường giảm, cũng một mình lết cái máy nặng mười mấy ký lên các bậc tam cấp, lật nằm ngang để lấy máy khỏi thùng chứ bưng không nổi, mày mò lắp theo cái video thằng cháu gởi mà tủi thân dễ sợ. Mấy thứ này trước đây có ba, có em trai, có chồng làm chứ mấy vụ máy móc này còn khuya mới tới tay mình.

Cứ mỗi lúc chiều buông là thời điểm đáng sợ nhất trong ngày. Cái hanh vắng của chiều tà đã buồn, không khí càng lạnh lẽo hơn khi nhà hàng xóm cũng đi cách ly và nhận được tin có người qua đời.  Lúc này trời lại hay mưa, đã buồn lại còn buồn hơn, sợ hơn cái hoang vắng của nhà mình, của con hẻm. Nhớ ba và mấy đứa nhỏ kinh khủng, chỉ mong lát nữa xong việc, group nhà teng teng, mấy đứa em vô nói chuyện để bớt hiu quạnh. Đứa trông tin ba, đứa chờ tin má rồi tin tụi nó vì có mấy đứa do công việc vẫn phải đi làm mỗi ngày.

Ngày ba và vợ chồng thằng em được về là ngày Sài gòn giao vào tay mấy chú bộ đội. Trước đây ở nhà má sáng sáng trưa trưa còn có mấy người bán rau dạo hay shipper vô hẻm. Giờ bị cấm tiệt không còn ai qua lại, thậm chí thò mặt khỏi nhà. Ba về, vài hôm khỏe khỏe bỏ được máy thở, xuống ngồi chơi ở phòng khách, buột miệng nói sao mà vắng vẻ buồn quá. Hôm nới lỏng, nghe tiếng rao bánh mì mà mừng khôn xiết, có cảm giác Sài gòn đã được hồi sinh.

P3. NHỮNG MÓN NỢ ÂN TÌNH
Trước hết, không sáo rỗng, không cứng nhắc, bài bản mà từ trong tận thâm tâm, là sự biết ơn dành cho tuyến đầu, cho những người được gán cho cái tên đẹp đẽ "thiên thần áo trắng" mà còn cực hơn bất kỳ ai trong trận dịch này. Nhờ các group hỗ trợ f0 mà bạn bè add vô mà trang bị được một số kiến thức cơ bản về thuốc men, cách phòng ngừa để chăm má và may thay, không thành ... sói.

Đến giờ cũng không hiểu nổi vì sao chở Sói tía sau lưng, xoành xoạch đi về từ nhà ra bệnh viện và ngược lại, ôm Sói má ăn uống, tắm rửa, đo máu, vỗ lưng suốt hơn 2 tuần lễ, hắt hơi và sốt nhẹ mấy lần, đau đầu và khô họng thường xuyên nhưng má ngoáy thì con cũng bị ngoáy theo, mấy lần má từ dương sang âm còn con cũng cứ ngoan cố ... âm tính. Ngày về lại nhà mình, sợ lây cho chồng phải đứt ruột móc túi làm cái pcr vẫn âm.

Biết ơn con nhỏ bạn từ cái lúc bắt đầu mặc áo dài đi học, hôm công ty nhắn đi chích, thấy xa quá định trốn ở nhà, nó làm một hơi biểu chích đại đi. Ừ thì chích đại nên hành trang về với ba má là mũi 1 được hơn 1 tuần, biết đâu cũng là 1 thứ vũ khí vô hình giúp mình không thành sói. Rồi hôm má bắt đầu sốt, nó hối cho uống kháng sinh kháng viêm sớm đừng chờ "vì má già quá rồi, còn miễn dịch gì nỗi mà sợ mất, chỉ còn nhờ thuốc trợ giúp thôi". 

Ngày tứ 7 của chu kỳ, sói má đột nhiên lơ mơ, ngủ li bì, oxy tụt. Hú họa chọn một bác sĩ đã từng đọc bài trước đó từ hồi đầu dịch để tư vấn, bác sĩ Thọ. may quá được trả lời và nhận theo dõi. Thế là mỗi tối lúc 8h, cơm nước dọn dẹp xong là bắt đầu ngồi khai bệnh cho bác. Má khỏe dần, thấy mừng. Đến tối ngày thứ 15, má lại sốt nhẹ, lơ mơ và oxy lại tụt. Nhớ khi theo dõi group, có người nói qua ngày 14 tưởng yên nhưng con virus khìn khìn này hay quậy. Còn nhớ luôn, 8h tối túm bác sĩ rồi trả lời từng triệu chứng, trao đổi đến gần khuya về thuốc men, dụ đoán tiến triển bệnh, thương bác sĩ quá chừng luôn. Có điều bác sĩ cho thêm thuốc mà mai là ngày bộ đội vào thành, thuốc men các thứ cần thiết đã được ship hết từ chiều mà khuya má mới trở nặng, muốn khóc tiếng Miên luôn. Nói bác sĩ thuốc mua không được thì sao, bác nói group có, qua c/c Hoàng Quân lấy. Ủa mà search ra một đống Hoàng Quân ở mấy quận, hỏi bác ở quận nào để vắt óc coi có ai quen đi ngang đó không thì bác im re. Sau này mới biết bác í ở tận Hà nội, mình ở Sài gòn còn không biết sao bác biết mà hỏi.

Vậy là lòi ra môt người nữa cần cám ơn, là cô bác sĩ trưởng trạm y tế phường. Nhờ bắt đầu có chủ trương cho f0 nhẹ ở nhà và được cô thông cảm nên cho má cách ly tại nhà, thường xuyên theo dõi và dăn oxy xuống phải vô bệnh viện ngay. Bữa không đi mua thuốc được phải gọi réo cổ nên có thuốc cho má uống. Ba ngày sau má khỏe re, hớn hở đón ba ở bệnh viện dã chiến về, còn đủ sức quay ra cằn nhằn khủng long chị vì dấu má mấy tuần nay.

Thế là ba về, má khỏe, cả nhà cũng ổn dù bên nhà mấy đứa em còn vài chặp lên bờ xuống ruộng khi đứa thành sói, đứa vẫn là cừu nhưng có triệu chứng như sói làm náo loạn cả nhà, khiến mất tròn hai tháng mới gom đồ để về với chồng được. Cả nhà gọi bà chị Hai anh hùng của tụi nó là f ... si lon, là khủng long khi suốt 2 tháng trời không bị thủng lưới cô Vy dù mấy phen báo động giả lằm tụi nó hết hồn. Chắc do nhờ mấy nguyên tắc học được của bác sĩ Trung Medic, xịt rửa nước muối, xông dầu xanh mỗi ngày, tắm má không chỉ đeo khẩu trang mà còn mang luôn kính chắn. Ngồi chơi với má, chọc má nói chuyện cho đừng nằm ngủ hoài thì ngồi nơi đầu gió và bật quạt máy xối xả ra đường. Ngày xưa thằng bạn chung lớp rủ thi y thì lắc đầu nguầy nguậy, giờ ôm đủ thứ máy và đếm đủ thứ thuốc của má, làm điều dưỡng kiêm y tá cho má, đo máu chích thuốc ngon ơ.

Những ngày đó, cám ơn mấy đứa em ruột lẫn em họ luôn là chỗ dựa cho mình nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không chỉ động viên chị mỗi ngày, còn lăn xả vợt chốt, vượt rào đem cho từng nải chuối, từng ổ sandwich với thức ăn để bà chị khủng long an lòng núp sau vòng dây cách ly mà chăm má. Cả cô em chồng cũng bị túm để ship yến, ship gạo vì nhà thằng em chưa kịp mua thêm gạo thì đã bị hốt đi cách ly.

Cám ơn những người bạn cũ, mới đã ở bên cạnh khủng long tui những ngày tồi tệ nhất trong đời. Sáng sáng, trưa trưa lạii có đứa vào inbox hỏi thăm hôm nay thấy thế nào, má khỏe hay chưa. Đến khi yên ổn hẳn, báo kết quả âm ... âm... âm tính nhiều lần, tụi nó nói đến giờ mới thở phào nhẹ nhõm. Thương mấy đứa cứ sợ con bạn khủng long bị đói, cứ đòi gởi đồ ăn, báo hại có lần lơn tơn ra chốt lấy đồ bị mấy chú bộ đội phê bình ghê quá. 

Chưa kể có vợ chồng tên bạn học cũ bán thiết bị y khoa bị nắm áo từ đầu mùa đến cuối mùa. Chả là nhỏ bạn bác sĩ bên nước ngoài nhắn nên mua sẵn máy spo2 trong nhà, mà nghĩ f1 còn bị hốt đi cách ly thì sắm máy đo cho ai nên chần chừ. Đén khi bị nhốt chặt trong nhà, đọc tin chỗ cách ly chật cứng, người nhiễm người chết nằm la liệt ở nhà mới phát hoảng, nhờ ship gấp gấp gấp mấy máy đến từng nhà báo hại cô bạn kiếm shipper phờ phạc luôn. Rồi tới mua máy tạo oxy, bạn chở xe máy đến nhà làm run vì nhà mình f0, may là rộng thoáng. đón bạn, phải nhốt sói má vô phòng, mở cửa và xịt khuẩn khắp nhà, nhận máy xong đuổi lẹ bạn về. Lần thứ ba mua thêm máy tạo oxy vì ba chưa cai thở mà 1 máy không thể chạy suốt 24/24, em dâu liên hệ chỗ thuê bình và bơm oxy không ra nên đành níu áo bạn mua gấp máy, một ngày trước khi giới nghiêm toàn bộ Sài gòn. Ân tình của bạn không bao giờ quên, cả cái em chủ nhà thuốc ở Gò vấp đến giờ chưa biết mặt, nhờ ship thuốc vài lần thành quen và khi cần gấp, đích thân ông chủ tiệm vượt chốt đi giao cho.

Thật thiếu sót khi không nhắc đến đứt lưng quần, Cừu chồng thân yêu suốt hai tháng cao điểm đã tự trốn yên trong nhà, tự uống thuốc, tự tập thể dục giữ sức khỏe, tự nấu cơm từ đồ ăn vơ để trong cái tủ lạnh khổng lồ. Hoàn toàn không biết những khó khăn vợ đang đương đầu và nguy cơ vợ luôn lo sợ vì bị giấu nhẹm hết thảy. Khi qua nhà ba má được vài ngày, Cừu chồng gọi hỏi thăm, nói ráng giữ sức khỏe nha, hôm qua nghe nói ách xì lo quá tối không ngủ được. Hết hồn vì chồng vốn cao huyết áp, biết sói tía sói má thập tử nhất sinh kiểu này rủi lo quá máu lại lên, có gì ai lo cho kịp nên thôi giấu phứt cho yên lòng. Còn thủ sẵn túi thuốc, nếu chồng báo ho hen sốt nóng gì thì chạy về hốt qua đây chăm luôn ... một đàn sói.

Ơn Trời, mọi thứ cũng qua. Đức tin coi vậy mà quan trọng lắm. Đêm nào cũng vậy, dù mệt đuối cả người, vẫn dành thời gian niệm Phật, đọc Chú Đại Bi cầu bình an cho cả nhà nội ngoai hai bên của hai vợ chồng. Có lẽ lời nguyện cầu đã được chứng giám nên giữa những đâu thương của Sài gòn, gia đình lớn có đến phân nửa là sói của mình lại được đoàn tụ đã là một may mắn lắm rồi.

Vỏn vẹn hai ngày nữa thôi là hết năm, cái năm tai ương khó quên của Sài Gòn. Hai năm dịch bệnh, bốn tháng phong thành, dù chỉ là vài phần trăm, phần ngàn của một đời người nhưng với người Sài gòn, nó đã để lại một dấu ấn phải nói là khủng khiếp, khốc liệt, bế tắc và đau thương biết mấy. Trong hoạn nạn mới tỏ lòng người, chứ nếu cứ yên bình mãi thì ai cũng như ai, xã giao là chính chứ sao biết được lòng người và nhất là lúc bình thường người ta cứ hướng ngoại, cứ mong đi đến những nơi nào đó mà giờ mới thấy chốn bình yên nhất chính là căn nhà của mình và ấm áp nhất, thân thuộc nhất chỉ có gia đình.

Chưa bao giờ có một bài tổng kết năm dài vậy, nhưng năm nay quá nhiều biến động, nhưng thôi hãy cứ tin vào "cái lẽ huyền diệu của đất trời và cái thơm thảo của lòng người”
"Dẫu thế nào hoa hướng dương vẫn nở
Mặt trời vẫn lên rực rỡ hằng ngày
Sau bão bùng lại nhiệt huyết mê say
Vì cuộc đờ vẫn chứa chan hy vọng"

Mai mốt nếu có ai ra đường nhìn thấy một bà khủng long già khụ, miệng chu (vì phun nước bọt), mũi hỉnh (do ngoáy ... ty hầu), thì đích thị đó là chứng nhân gai góc của một thời gian nan chưa từng có của Sài gòn. Vẫn sợ thành sói lắm vì ở nhà có tía má dù đã từng là sói, vô công ty thì có một em bầu sắp tới lúc ... bể chum mà ngoài đường f0 nhan nhãn, nên dù chống đối kịch liệt giờ cũng phải đứt ruột bỏ tiền mua kit test nhanh về lâu lâu tụ xử cho chắc ăn.

Nhắc một lần thôi, rồi cho hết mọi thứ vô cái ô quá khứ. Cuộc sống bây giờ khá là chênh vênh nên cần lắm những cân bằng. Bởi vậy người ta cũng cần quên lắm, như Sài gòn, với những người chưa từng bước qua những lần đối diện sự sống chết của người thân, nỗi khắc khoải của từng giây phút chống chỏi bệnh tật, sẽ quên rất nhanh và hòa nhập trở lại rất nhanh. Mà chắc cũng nên như vậy.
"Khi ta còn niềm tin yêu để sống
Thì vướng gì những xưa cũ buồn đau
Thôi mình cùng gác lại những lo âu
Phút giây này cứ thong dong trọn vẹn".

Để chờ một năm mới lại đến với chúng ta. Mọi gian nan cũ, xin hãy để gió cuốn đi.

TT

NGUYỄN VĂN ĐÔNG - NHẠC SĨ NGOẠI ĐẠO ÔNG TẠ VIẾT NHẠC ĐẠO NHIỀU NHẤT, RUNG ĐỘNG NHẤT

Copy bài viết của Cù Mai Công trong group Đồng Hương Ông Tạ về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông! 

Chương bắt đầu chú ý đến ông Nguyễn Văn Đông vô tình trong 1 lần tâm tình với anh tài xế của Công viên Lê Thị Riêng !

Tính của Chương rất gần gũi với "nhân viên thuộc quyền của mình" nên trong 1 buổi chiều gần giờ tan sở (năm 1989) nghe anh tài xế ngâm nga câu "Lòng trần còn tơ vương khanh tướng thì đường trần mưa bay gió cuốn...còn nhiều anh ơi! " bài Chiều mưa biên giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông...

Dưới đây là bài viết của Cù Mai Công, trước là phóng viên Báo Tuổi Trẻ. 

Fb Nguyễn Chương

NGUYỄN VĂN ĐÔNG - NHẠC SĨ NGOẠI ĐẠO ÔNG TẠ VIẾT NHẠC ĐẠO NHIỀU NHẤT, RUNG ĐỘNG NHẤT

* “Chúa ngự ở trên cao. Lòng trời bể bao la. Ngày lớn con đã tin rằng: Khi lòng khổ đau tìm đến Chúa ban an lành”

Năm 1970, cách đây nửa thế kỷ, có đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau được hai năm gom góp tiền mua ngôi nhà nhỏ gần góc đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) - đại lộ Cách Mạng 1-11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi). Đây là vùng environs (ngoại vi, ngoại ô, vùng ven…) Ông Tạ. Khu vực này lúc đó còn rất vắng vẻ, nhưng gần nơi ông làm việc là trại Trần Hưng Đạo - trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa. 

1. Ông đạo Phật, con trai duy nhất một gia đình điền chủ lớn ở xã biên giới Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh. Vùng này khô cằn nhưng mía lại ngọt nổi tiếng. Liệu những vườn mía quê xưa có khiến ông thích uống nước mía hơn các loại nước uống khác? Gần bốn năm trước, một buổi chiều xuân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đang trong bệnh viện, nhờ cô cháu ở cùng nhà mua nước mía, dặn dò: "Đừng bỏ đá uống nhạt" và uống khen ngon. Đó là ly nước mía - vị ngọt quê nhà Tây Ninh cuối cùng của ông. Chỉ ít phút sau, ông ra đi: 19g30 ngày 26-2-2018 (11 tháng Giêng năm Mậu Tuất) ở bệnh viện Chợ Rẫy.

Ông là nhạc sĩ “Chiều mưa biên giới” Nguyễn Văn Đông. Với tôi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một trong ba nhạc sĩ lớn nhất miền Nam trước 1975 cùng Phạm Duy, Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết nhạc đa dạng, gần gũi mọi lứa tuổi; một tài năng rất lớn với sinh hoạt sôi động.  Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nhạc với những hợp âm đơn giản nhưng ca từ sâu sắc, đi vào thân phận con người. 

Nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có một vẻ khác biệt rất rõ: sang trọng một cách gần gũi, sâu lắng,  đẫm yêu thương. Nhiều, rất nhiều nhạc phẩm của ông, đạo cũng như đời, hay đến sững sờ. Và ông sống với một nhân cách sống của kẻ sĩ miền Đông Nam bộ trong thời tao loạn: hiền lành nhưng cứng cỏi giữ tiết tháo, không thay đổi cả trong lúc khó khăn đến tận cùng.

Ông theo binh nghiệp từ năm 14 tuổi (1946) ở Trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu và chức vụ cuối cùng trong Quân lực Việt Nam cộng hòa là đại tá chánh võ phòng Tổng tham mưu phó; trải qua hai đời tổng tham mưu phó là trung tướng Nguyễn Văn Là (1968-1974) và trung tướng Nguyễn Văn Mạnh (1974-1975). Tổng tham mưu trưởng là đại tướng Cao Văn Viên. 

Khi ở Thiếu sinh quân, ông học nhạc với các giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp; thành viên Ban Quân nhạc Thiếu sinh quân, sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ và 16 tuổi đã có những sáng tác đầu tay: “Thiếu sinh quân hành khúc”, “Tạm biệt mùa hè”... Và đó là lý do đám tang ông có nhiều cựu Thiếu sinh quân Việt Nam cộng hòa đưa tiễn.

Nhà ông trên đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), đi một chút là ra ngã tư Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai). Tên đường Thoại Ngọc Hầu cũng là tên một chiến dịch quân sự năm 1956 của Quân đội Việt Nam cộng hòa (từ 1965, đổi thành Quân lực Việt Nam cộng hòa) ở vùng Đồng Tháp Mười mà ông tham gia; do tướng Dương Văn Minh làm tư lệnh. Còn nhạc sĩ, khi ấy 24 tuổi nhưng đã là trưởng Phòng 3 - Tác chiến của Phân khu Đồng Tháp Mười Việt Nam cộng hòa.

Trước 1975, tên tuổi của ông lừng lẫy một cách đằm thắm - như tính cách của ông, không phải bằng binh nghiệp (dù tướng Dương Văn Minh từng bắt tay ngưỡng mộ ông trong Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu) mà là những tác phẩm âm nhạc: “Chiều mưa biên giới”, “Mấy dậm sơn khê”, “Phiên gác đêm xuân”, “Bến đò biên giới”, “Về mái nhà xưa”, “Niềm đau dĩ vãng”, “Hải ngoại thương ca”, “Khi đã yêu”... 

Ngoài Nguyễn Văn Đông, ông còn ký tên Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử...

Tính cách nhẹ nhàng, yêu quê hương da diết của nhạc sĩ cũng khiến ông không chỉ viết tân nhạc mà còn cả cổ nhạc: viết nhạc, đạo diễn trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng ở miền Nam trước 75 như: “Nửa đời hương phấn”, “Đoạn tuyệt”, “Tiếng hạc trong trăng”, “Mưa rừng”…

Thập niên 1950, ở tuổi đôi mươi, ông là trưởng Ban (văn nghệ) Vì Dân; 26 tuổi (1958), ông là trưởng Ban (ca nhạc) Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia do đích thân bà Trần Lệ Xuân, phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu trao.

Tất cả đều là những giai điệu êm ả, nhẹ nhàng, sâu lắng - như tính cách của ông. Khi hành quân ở Đồng Tháp, lính tráng thời chiến thường đi săn bắn ở vùng biên giới lúc đó còn hoang sơ, ông thú thiệt "săn một con vật về cũng thương, ăn không được". Cô cháu ở cùng nhà bảo: "Chưa bao giờ thấy ông la ai một tiếng".  

Theo binh nghiệp cả đời nhưng nhạc của ông  có vẻ không hứng thú với chiến tranh, thậm chí tác phẩm nổi tiếng "Chiều mưa biên giới" (cùng với "Mấy dậm sơn khê", “Phiên gác đêm xuân”, “Nhớ một chiều xuân” của ông) có lúc bị Bộ Thông tin của chính quyền Sài Gòn yêu cầu Đài phát thanh Sài Gòn không thu âm và phổ biến vì ca từ bắt đầu trong hoang mang của một anh lính: "Chiều mưa biên giới anh đi về đâu - Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu..." (những năm 1955 - 1956,  ông đóng quân ở khu chiến biên giới Đồng Tháp Mười).

Nhạc phẩm này thoạt đầu do ca sĩ Trần Văn Trạch (em nhạc sĩ Trần Văn Khê) hát với giọng miền Tây, cụ thể là giọng Mỹ Tho rặt; s/x, ch/tr... rành mạch. Sau do ca sĩ Hà Thanh, người Huế nhưng hát với giọng Hà Nội xưa - trong trẻo, tròn vành rõ tiếng rất sang trọng chứ không uốn éo, ma mị như một vài ca sĩ Hà Nội hiện nay. Khác hoàn toàn giọng, nhưng cả hai ca sĩ đều hát với giọng ca rung động lòng người khi ấy và cả hôm nay. Bắc – Trung – Nam đủ mặt trong thể hiện tác phẩm của ông, đều hay.

2. Quê ông ở Bến Cầu, bên này sông Vàm Cỏ Đông. Bên kia, cách ít cây số là xóm đạo Tha La nổi tiếng, cạnh rạch Vàm Trảng, bao phen binh lửa. Chắc ông cũng từng ghé qua xóm đạo này? Nhưng ông sanh ngày 15-3-1932 và học ở quận Nhứt, Sài Gòn. 

Ngôi nhà mới của đôi vợ chồng trẻ rất gần nhà thờ Ba Chuông (nhà thờ, giáo xứ Đa Minh), chỉ vài bước chân là tới. Ông đã tới đây bao nhiêu lần? Và hơn thế, hẳn không ít lần ông đã nghe nhạc đạo, xem lễ nhà thờ và nghe thánh ca nơi đây? 

Nếu không, làm sao ông có thể viết những nhạc phẩm mà ca từ, hình ảnh rất quen, rất thân với người Công giáo: “Tình người ngoại đạo”, “Mùa sao sáng”, “Màu xanh Noel”, “Bóng nhỏ giáo đường”, “Hồi chuông kỉ niệm” (đồng tác giả với Song Ngọc)… Viết lời Việt cho một số bản nhạc cổ điển, nhạc ngoại: “Ave Maria” (nhạc Franz Schubert), “Đêm thánh huy hoàng” (nguyên tác “Silent night” - Khác với bài "Đêm thánh vô cùng" do Hùng Lân, cũng một cư dân Nghĩa Hòa - Ông Tạ trên đường Thánh Mẫu viết lời Việt), “Hồi chuông nửa đêm” (nguyên tác “Jingle Bells” của James Lord Pierpont)…

Có thể nói xuân và đạo là hai nội dung âm nhạc luôn có mặt trong nhạc Nguyễn Văn Đông. Nhưng nếu nhạc xuân của ông thường là nỗi buồn mất mát, có lúc tuyệt vọng thì nhạc đạo của của ông lại là niềm tin yêu vào cuộc sống và sự tái hợp:

“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời 
Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui…
(…) Một mùa đông giá hang Bêlem Chúa sinh ra đời
Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao… “

Bài “Mùa sao sáng” là nhạc đạo chứ không phải thánh ca, viết ở âm thể Trưởng, giai điệu giản dị nhưng sáng đẹp, trong trẻo như đêm Noel, nghe như thánh ca.

Mùa giáng sinh trong nhạc ông là “hội sao trần thế”, “xanh như liễu đà lạt” - màu vòng lá Noel; nhạc của những tâm tình reo vui: 

“Pong ping pong, pong ping pong… 
Chuông giáo đường thánh thót. 
Đêm Noel chuông vang như mang bao yêu thương loan trong ánh sao sáng…” (“Hồi chuông nửa đêm”).

Xóm đạo nào đó của ông luôn có hình ảnh một người cụ thể, rất cụ thể trong ăn mặc, tính cách đơn sơ và tất nhiên rất ngoan đạo. Tôi không nghĩ ông chưa từng có một người thương nào đó ở một xóm đạo. “Yêu ai, yêu cả đường đi lối về…”. 

Như có lần trong lễ nửa đêm Noel, ông lặng lẽ đứng một mình trong sân nhà thờ Ba Chuông (Đa Minh) – như để gợi lại kỷ niệm, người thương nào đó ở một xóm đạo nào đó. Trong gió may se lạnh đêm cuối năm. Một mình…

“Chúa ngự ở trên cao. Lòng trời bể bao la. 
Ngày lớn con đã tin rằng: Khi lòng khổ đau tìm đến Chúa ban an lành” (“Xin Chúa thấu lòng con”)

3. Những đêm cuối năm Ông Tạ ngày xưa ấy chắc chắn lạnh hơn bây giờ khi nhà cửa chưa chật chội như hôm nay. Phía sau các dãy nhà mặt tiền đường Lê Văn Duyệt nối dài/Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám), Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai)… vẫn là những nhà trệt, nhà gác gỗ… Kinh rạch còn nhiều và còn cả những cánh đồng rộng ở An Lạc, Lộc Hưng, khu Chăn nuôi…

Đường phố cũng không rực rỡ đèn hoa giăng ngang đường như hôm nay. Chỉ là những hang đá kín ban công tầng trên nhiều nhà mặt tiền và những dây đèn quả nhót ánh sáng không mạnh. Hang đá rất lớn của các nhà thờ luôn là điểm chiêm ngưỡng của bao ánh mắt trẻ thơ Ông Tạ.

Những ngày ấy, cả khu vực Ông Tạ là vô vàn những hang đá lớn nhỏ, bằng giấy bạc, bằng giấy bao ximăng phun sơn đen, xám, trắng và bằng cả những thanh mút sốp trắng ngâm xăng để kết dính. Mút sốp được bóp vụn rải lên những cây thông làm tuyết. Trái châu và dây kim tuyến treo lóng lánh reo vui các cửa tiệm. Trẻ con Ông Tạ đi học qua đứa nào cũng ngẩn ngơ nhìn ngắm đến rơi cả cặp; tưởng tượng lóng lánh đêm Giáng sinh và mơ quà của Ông già Noel…

Các trường khu Ông Tạ hầu hết cạnh nhà thờ. Học trò có những buổi học được nghỉ để thầy cô, các cha, các dì (soeur) bắt xếp hàng, “dong” đi xưng tội. Về nhà, cha mẹ dắt ra tiệm hớt tóc “gọt” lại cái đầu cho dễ chải, dễ vuốt nước những mái tóc lởm chởm mưa nắng đi lễ đêm Noel. Tạm quên con dế, viên bi, xấp hình; tạm quên những buổi choảng nhau vỡ đầu thằng xóm khác; tạm quên những trò nghịch ngợm trẻ con bấm chuông nhà hàng xóm…

Đó thật sự là những ngày đáng sống của Ông Tạ; những ngày thanh tẩy, reo vui tâm hồn người người. Ai ở Ông Tạ không từng trải qua, từng nhớ da diết…?

Anh Đặng Quốc Thông, một thằng bé xóm Vinh Sơn, ngõ Cổng Bom - Ông Tạ xưa vốn không phải Kitô hữu, như nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tới giờ vẫn nhớ rõ mồn một những ngày Giáng sinh khu Ông Tạ này: 

“Vì cơ bản là khu công giáo di cư, nên không khí chào đón ngày Chúa sinh ra đời ở Ông Tạ rất nhộn nhịp. Ngay từ đầu tháng 12, các nhà mặt phố ở ngã ba Ông Tạ đã dẹp các hàng bán truyền thống qua một bên để bày bán đồ trang trí Giáng sinh. Các ông sao đủ cỡ, ông nhỏ bằng cái chậu con, ông to bằng cả mặt bàn ăn 12 người; ông nào cũng được phết bằng giấy bóng kiếng đỏ có rồng rắn mấy đường trang trí bằng phẩm màu trắng và xanh lơ sặc sỡ. Có vòng ngôi sao cuốn giấy hoa chạy quanh năm đỉnh cánh. Rồi cây thông, thường là bằng giấy kim tuyến bạc lóng lánh có đính các trái châu thủy tinh xanh đỏ tím vàng trông rất bắt mắt.  Rồi ông già Noel và các giải tua ren trắng đỏ cũng như các giải băng hình cánh cung ghi hàng chữ “Vinh danh Thiên Chúa trên trời - Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. 

Nhưng đặc sắc hơn cả ở khu này là hang đá đủ cỡ đủ kiểu, có cái làm bằng giấy bao ximăng phun nhựa đường hay sơn đen gì đó. Có hang làm bằng giấy bạc óng ánh. Hang nào cũng đi kèm một bộ tượng nặn rất sắc nét và tô mầu rất cầu kỳ với Chúa Hài đồng nằm giang hai bàn tay thơ ngây trong trắng trong máng cỏ, hai bên có ông Giuse và bà Maria khuôn mặt hiền hậu, thánh thiện. Lơ lửng trên không là thiên thần; trước cửa hang trong tư thế quỳ lạy là ba nhà tiên tri chống gậy dắt theo bầy dê, bò, cừu như lễ vật mừng Chúa Giáng sinh.

Trễ nhất, khoảng giữa tháng 12, các nhà dọc hai bên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) từ ngã ba Ông Tạ đổ xuống đến rạp hát Đại Lợi, hoặc dọc đường Lê Văn Duyệt (nay là Cánh Mạng Tháng Tám) từ ngã ba Ông Tạ đổ về đến khu nhà thờ Chí Hòa phía bên kia hồ tắm Cộng Hoà, cũng đều đã trang trí mặt tiền nhà, thường được đặt trên lan can tầng một, hai… với những hang đá, đèn ngôi sao, hình thiên thần, ngôi sao Betlêhem, và các dây tua và dây đèn điện chớp sáng đủ mầu. 

Thường thì đèn trang trí sẽ được bật lên lúc sáu giờ chiều khi trời mới nhọ nhem và để vậy cho đến sáng. Khoảng chín, mười giờ đêm, các nhà hai bên đường đóng cửa, tạo ra một khoảng tối dưới mặt đường, tương phản hoàn toàn với không gian sáng ấm phía trên. Trong tiết trời se se lạnh những ngày cuối năm, khách đi bộ hay đi xe máy ngang trên đường, không ai là không ngước nhìn lên các hang đá rực rỡ, lung linh hai bên; không tai ai  không nghe văng vẳng như từ hai ngàn năm trước vọng về bài hát có thể nói là truyền thống của các xóm đạo: “Đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời... Chúa... sinh ra đời... nằm trong hang đá... nơi máng lừa...”.

Và không ai là không nghĩ đến tình thương bao la của Thiên Chúa đang rải xuống trần, để chợt thấy lòng mình ấm áp hẳn và cảm nhận ngay lập tức như đang ùa vào hồn mình một tình yêu người, yêu đời tha thiết...”.

4. Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã thấy, đã sống trong các xóm đạo Ông Tạ những ngày yêu thương, ấm cúng này, trong hồi chuông nửa đêm lành thánh, yên bình…

Tự xác định mình là người ngoại đạo, nhưng ông đã làm nhạc không khác một Kitô hữu thuần thành: “Lạy Chúa con xin nguyện Chúa trên trời - Cho trọn niềm tin ơn trên Thiên Chúa - Con xin đuợc sống bên chàng - Nguời con nhớ con thương - Kính mến tôn thờ Chúa, Amen” (“Tình người ngoại đạo”).

Và Mẹ Maria, lời kinh “Kính mừng Maria đầy ơn phước…” hiện ra trong nhạc ông, trông đợi ngày gặp lại:

“Xin Mẹ Maria
Cho nước con vui đời thăng hoa
Đã mấy mươi năm, Mẹ ơi sống trông mong ngày vui
Một ngày bên nhau hát câu đoàn viên
Hãy ban cho một mùa xuân như ý quên sầu bi
Đầy ơn phước trong tay Người
Mẹ ơi bao la lòng Maria
Này đây muôn kinh quỳ lạy tấu dâng lên Bà” (“Ave Maria”)

Nhạc phẩm của Franz Schubert do ông viết lời Việt tuyệt vời này được danh ca Thái Thanh trình bày trong băng nhạc "Sơn Ca Giáng sinh 1972". Đầu nhạc phẩm, ông ghi rõ: "Trang trọng viết tri ân Đức Mẹ Fatima (Bình Lợi)". Ông, một người ngoại đạo, đã cầu xin gì với Đức Mẹ và được ban ơn phước? Ngay trước 1975, ông đã mở một xưởng làm băng đĩa lớn nơi đây, chưa kịp khai trương phải bỏ dở. 

5. Tôi quen và là "khách ruột" mua giò chả, phômai... mấy chục năm nay ở cửa hàng của vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cô Nguyệt Thu. Giò chả của tiệm xưa giờ đều lấy từ các lò giò chả Ông Tạ vì theo cô,  “giò chả Ông Tạ chất lượng, chuẩn vị giò chả nhứt Sài Gòn”. 

Cô Thu cùng quê Gò Công với hoàng hậu Nam Phương (nhưng như chú, quê Tây Ninh nhưng cả hai vợ chồng đều sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn) và nét mặt cũng hao hao: mặt thon dài, trắng trẻo, mắt một mí lót, hơi xếch. Cô vốn là quản lý Hãng dĩa hát Continental mà chú là giám đốc nghệ thuật. Cô Nguyệt Thu về với chú  năm 1968, ở nhà mướn khu cư xá Đô Thành. 

Thực sự nhiều người ngạc nhiên khi lúc đó ông là sĩ quan cấp tá Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, rồi là giám đốc ba công ty băng dĩa lớn ở Sài Gòn lúc đó mà lại mua ngôi nhà nhỏ ở khu vực nhà cửa khi ấy khá lụp xụp như vậy (sát khu vực vốn là đất trồng cây giống của Sở Bảo vệ mùa màng Việt Nam cộng hòa bị thương phế binh Việt Nam cộng hòa lẫn một số dân chiếm). Thời điểm đó, cách vài bước chân là ra đại lộ Cách Mạng 1-11 có rất nhiều ngôi nhà lớn, biệt thự của sĩ quan Việt Nam cộng hòa chức vụ và cấp bậc còn dưới ông. 

Niềm vui hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ chỉ được vài năm. Sau 1975, ông đi cải tạo. Cải tạo về năm 1985 với nhiều bịnh; cô phải bồng bế ông, chăm sóc từng chút. Ông không chịu định cư ở Mỹ theo diện HO do nhiều lý do. Cô Nguyệt Thu vẫn lặng lẽ một cách sang trọng chăm sóc chồng, từ cửa hàng ban đầu bán cám gà, chuối... rồi mới thành tiệm bán thịt nguội, tạp hóa nhỏ Nhiên Hương mà tôi đi qua hàng ngày, ghé mua hàng ngày và tết nào cô cũng lì xì tôi: khi hộp bánh, khi gói lạp xưởng...

Cửa hàng tên Nhiên Hương phải chăng là suy nghĩ của hai vợ chồng: "hữu xạ tự nhiên hương", không cần phải gồng mình, lớn tiếng khẳng định? Và cả hai vợ chồng đều sống lặng lẽ, lặng lẽ đến mức khi ông ra đi, nhiều người hàng xóm và khách mua hàng mới biết ông là tác giả nhiều nhạc phẩm họ yêu thích.

Vị nhạc sĩ này hoàn toàn lặng lẽ, không một phát biểu sau khi cải tạo về. Lãnh sự quán Mỹ liên hệ kêu đi diện HO (đại tá Việt Nam cộng hòa, đi cải tạo bảy năm, đi khá dễ dàng), ông từ chối. 

Lặng lẽ như khi còn trong trại cải tạo Suối Máu (Biên Hòa, Đồng Nai), ông nằm lắng nghe tiếng xe lửa vang xình xịch cách trại không xa và viết nhạc phẩm không lời "Tiếng chim hót trong lồng". Lặng lẽ nhớ Sài Gòn, nơi ông sinh ra, lớn lên cho một nhạc phẩm có lời: "Sài Gòn trong trái tim tôi": "Cho nhớ thương vời vợi… Sài Gòn luôn trong trái tim tôi…”...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ra đi tối 26-2-2018 (11 tháng Giêng năm Mậu Tuất), sau giao thừa thứ 87 của đời mình và chỉ hơn nửa tháng nữa là sinh nhật ông. Thế là hết những "Phiên gác đêm xuân": "Đón giao thừa một phiên gác đêm...". Giờ ai gác những đêm xuân cho cô khi cô chú không có con?

Đến ngôi nhà nhỏ (chiều ngang chỉ hơn ba mét do vợ chồng ông gom góp mua từ năm 1970, sau hai năm về với nhau) thắp nhang, cô Nguyệt Thu cốt cách vẫn sang trọng, đôi mắt đỏ hoe: "50 năm cô chú đã đi cùng nhau và 48 năm ở ngôi nhà này...".

Những ngày sau đó, cô Thu gầy sọp bốn, năm ký - trong khi cô vốn gầy yếu; lơ thơ đi lại, sống với ngôi nhà ngập tràn kỷ niệm xưa. Người thân hoảng. Ngày 5-8-2018, cô kêu tôi tới nhà tặng đĩa nhạc tưởng niệm chú do chương trình Thúy Nga tổ chức ở Mỹ.  Thấy cô héo hắt...

Trong nỗi buồn đau quá lớn, cô còn có ý định đốt bỏ hết những tư liệu, di cảo âm nhạc của chú; bán ngôi nhà kỷ niệm, mang bàn thờ chú, ba mẹ chú về quê cô ở Gò Công thờ. Sao không mang về Bến Cầu? "Cả chục ha đất quê sau 1975 không còn..." - cô bảo. Tôi cầm bàn tay trơ xương của cô, xin cô bình tĩnh, ăn uống cho lại sức. Khi bớt đau, tính gì thì tính chứ lúc đó chắc chắn cô chưa tỉnh đâu.

Tết. Cô nằng nặc bắt tôi phải nhận đòn chả lụa và tấm bánh chưng Bắc: "Tối cô ngủ, thấy chú về, dặn cô cho Công cúng tết mẹ". Chú Đông vốn mồ côi mẹ sớm.

"Hồi trước, Công tới mua đồ hàng ngày. Chú ngồi trên phòng cứ hỏi thăm. Đêm chú về dặn cô nấu xôi chè, gởi Công về cúng mẹ..." - cô Thu đỏ hoe mắt khi kêu tôi tới nhận xôi chè cô nấu. Mẹ tôi vốn đi trước chú hơn nửa năm.

Như tính cách của nhạc sĩ, mùa xuân lẫn nhạc đạo của ông sao mà sâu lắng quá, mênh mông cả trong ca từ lẫn nhịp nhạc. Vì vậy, sau khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ra đi, có nhà thờ ở Bến Tre đã tổ chức lễ cầu nguyện cho ông nhân 49 ngày - theo thông lệ những người theo đạo Phật (người Công giáo thường "xin lễ" khi đủ 100 ngày).

Không hiểu sao lúc nào tới nhà cô chú cũng gặp hoa cúc vàng - một loài hoa của mùa xuân miền Nam. "Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người...". Người nhạc sĩ tài hoa làm dân Ông Tạ 48 năm ấy đã ra đi, hai tháng nữa là bốn năm (2018-2022). 

Một mùa Noel nữa, xóm đạo Ông Tạ vắng người nhạc sĩ tài hoa, ngoại đạo nhưng viết nhạc đạo nhiều nhất trong các nhạc sĩ Việt xưa nay. Thật kỳ lạ, nhạc đạo của người nhạc sĩ ngoại đạo ấy, bài nào cũng rung chuyển lòng thế nhân, dù có đạo hay không.

“Đêm nay tôi nhớ người xưa trở lại
Chênh chếch mùa sao lạc loài
Ôi những mùa sao lẻ loi…” (Mùa sao sáng)NGUYỄN VĂN ĐÔNG - NHẠC SĨ NGOẠI ĐẠO ÔNG TẠ VIẾT NHẠC ĐẠO NHIỀU NHẤT, RUNG ĐỘNG NHẤT

* “Chúa ngự ở trên cao. Lòng trời bể bao la. Ngày lớn con đã tin rằng: Khi lòng khổ đau tìm đến Chúa ban an lành”

Năm 1970, cách đây nửa thế kỷ, có đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau được hai năm gom góp tiền mua ngôi nhà nhỏ gần góc đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) - đại lộ Cách Mạng 1-11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi). Đây là vùng environs (ngoại vi, ngoại ô, vùng ven…) Ông Tạ. Khu vực này lúc đó còn rất vắng vẻ, nhưng gần nơi ông làm việc là trại Trần Hưng Đạo - trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa. 

1. Ông đạo Phật, con trai duy nhất một gia đình điền chủ lớn ở xã biên giới Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh. Vùng này khô cằn nhưng mía lại ngọt nổi tiếng. Liệu những vườn mía quê xưa có khiến ông thích uống nước mía hơn các loại nước uống khác? Gần bốn năm trước, một buổi chiều xuân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đang trong bệnh viện, nhờ cô cháu ở cùng nhà mua nước mía, dặn dò: "Đừng bỏ đá uống nhạt" và uống khen ngon. Đó là ly nước mía - vị ngọt quê nhà Tây Ninh cuối cùng của ông. Chỉ ít phút sau, ông ra đi: 19g30 ngày 26-2-2018 (11 tháng Giêng năm Mậu Tuất) ở bệnh viện Chợ Rẫy.

Ông là nhạc sĩ “Chiều mưa biên giới” Nguyễn Văn Đông. Với tôi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một trong ba nhạc sĩ lớn nhất miền Nam trước 1975 cùng Phạm Duy, Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết nhạc đa dạng, gần gũi mọi lứa tuổi; một tài năng rất lớn với sinh hoạt sôi động.  Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nhạc với những hợp âm đơn giản nhưng ca từ sâu sắc, đi vào thân phận con người. 

Nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có một vẻ khác biệt rất rõ: sang trọng một cách gần gũi, sâu lắng,  đẫm yêu thương. Nhiều, rất nhiều nhạc phẩm của ông, đạo cũng như đời, hay đến sững sờ. Và ông sống với một nhân cách sống của kẻ sĩ miền Đông Nam bộ trong thời tao loạn: hiền lành nhưng cứng cỏi giữ tiết tháo, không thay đổi cả trong lúc khó khăn đến tận cùng.

Ông theo binh nghiệp từ năm 14 tuổi (1946) ở Trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu và chức vụ cuối cùng trong Quân lực Việt Nam cộng hòa là đại tá chánh võ phòng Tổng tham mưu phó; trải qua hai đời tổng tham mưu phó là trung tướng Nguyễn Văn Là (1968-1974) và trung tướng Nguyễn Văn Mạnh (1974-1975). Tổng tham mưu trưởng là đại tướng Cao Văn Viên. 

Khi ở Thiếu sinh quân, ông học nhạc với các giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp; thành viên Ban Quân nhạc Thiếu sinh quân, sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ và 16 tuổi đã có những sáng tác đầu tay: “Thiếu sinh quân hành khúc”, “Tạm biệt mùa hè”... Và đó là lý do đám tang ông có nhiều cựu Thiếu sinh quân Việt Nam cộng hòa đưa tiễn.

Nhà ông trên đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), đi một chút là ra ngã tư Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai). Tên đường Thoại Ngọc Hầu cũng là tên một chiến dịch quân sự năm 1956 của Quân đội Việt Nam cộng hòa (từ 1965, đổi thành Quân lực Việt Nam cộng hòa) ở vùng Đồng Tháp Mười mà ông tham gia; do tướng Dương Văn Minh làm tư lệnh. Còn nhạc sĩ, khi ấy 24 tuổi nhưng đã là trưởng Phòng 3 - Tác chiến của Phân khu Đồng Tháp Mười Việt Nam cộng hòa.

Trước 1975, tên tuổi của ông lừng lẫy một cách đằm thắm - như tính cách của ông, không phải bằng binh nghiệp (dù tướng Dương Văn Minh từng bắt tay ngưỡng mộ ông trong Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu) mà là những tác phẩm âm nhạc: “Chiều mưa biên giới”, “Mấy dậm sơn khê”, “Phiên gác đêm xuân”, “Bến đò biên giới”, “Về mái nhà xưa”, “Niềm đau dĩ vãng”, “Hải ngoại thương ca”, “Khi đã yêu”... 

Ngoài Nguyễn Văn Đông, ông còn ký tên Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử...

Tính cách nhẹ nhàng, yêu quê hương da diết của nhạc sĩ cũng khiến ông không chỉ viết tân nhạc mà còn cả cổ nhạc: viết nhạc, đạo diễn trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng ở miền Nam trước 75 như: “Nửa đời hương phấn”, “Đoạn tuyệt”, “Tiếng hạc trong trăng”, “Mưa rừng”…

Thập niên 1950, ở tuổi đôi mươi, ông là trưởng Ban (văn nghệ) Vì Dân; 26 tuổi (1958), ông là trưởng Ban (ca nhạc) Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia do đích thân bà Trần Lệ Xuân, phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu trao.

Tất cả đều là những giai điệu êm ả, nhẹ nhàng, sâu lắng - như tính cách của ông. Khi hành quân ở Đồng Tháp, lính tráng thời chiến thường đi săn bắn ở vùng biên giới lúc đó còn hoang sơ, ông thú thiệt "săn một con vật về cũng thương, ăn không được". Cô cháu ở cùng nhà bảo: "Chưa bao giờ thấy ông la ai một tiếng".  

Theo binh nghiệp cả đời nhưng nhạc của ông  có vẻ không hứng thú với chiến tranh, thậm chí tác phẩm nổi tiếng "Chiều mưa biên giới" (cùng với "Mấy dậm sơn khê", “Phiên gác đêm xuân”, “Nhớ một chiều xuân” của ông) có lúc bị Bộ Thông tin của chính quyền Sài Gòn yêu cầu Đài phát thanh Sài Gòn không thu âm và phổ biến vì ca từ bắt đầu trong hoang mang của một anh lính: "Chiều mưa biên giới anh đi về đâu - Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu..." (những năm 1955 - 1956,  ông đóng quân ở khu chiến biên giới Đồng Tháp Mười).

Nhạc phẩm này thoạt đầu do ca sĩ Trần Văn Trạch (em nhạc sĩ Trần Văn Khê) hát với giọng miền Tây, cụ thể là giọng Mỹ Tho rặt; s/x, ch/tr... rành mạch. Sau do ca sĩ Hà Thanh, người Huế nhưng hát với giọng Hà Nội xưa - trong trẻo, tròn vành rõ tiếng rất sang trọng chứ không uốn éo, ma mị như một vài ca sĩ Hà Nội hiện nay. Khác hoàn toàn giọng, nhưng cả hai ca sĩ đều hát với giọng ca rung động lòng người khi ấy và cả hôm nay. Bắc – Trung – Nam đủ mặt trong thể hiện tác phẩm của ông, đều hay.

2. Quê ông ở Bến Cầu, bên này sông Vàm Cỏ Đông. Bên kia, cách ít cây số là xóm đạo Tha La nổi tiếng, cạnh rạch Vàm Trảng, bao phen binh lửa. Chắc ông cũng từng ghé qua xóm đạo này? Nhưng ông sanh ngày 15-3-1932 và học ở quận Nhứt, Sài Gòn. 

Ngôi nhà mới của đôi vợ chồng trẻ rất gần nhà thờ Ba Chuông (nhà thờ, giáo xứ Đa Minh), chỉ vài bước chân là tới. Ông đã tới đây bao nhiêu lần? Và hơn thế, hẳn không ít lần ông đã nghe nhạc đạo, xem lễ nhà thờ và nghe thánh ca nơi đây? 

Nếu không, làm sao ông có thể viết những nhạc phẩm mà ca từ, hình ảnh rất quen, rất thân với người Công giáo: “Tình người ngoại đạo”, “Mùa sao sáng”, “Màu xanh Noel”, “Bóng nhỏ giáo đường”, “Hồi chuông kỉ niệm” (đồng tác giả với Song Ngọc)… Viết lời Việt cho một số bản nhạc cổ điển, nhạc ngoại: “Ave Maria” (nhạc Franz Schubert), “Đêm thánh huy hoàng” (nguyên tác “Silent night” - Khác với bài "Đêm thánh vô cùng" do Hùng Lân, cũng một cư dân Nghĩa Hòa - Ông Tạ trên đường Thánh Mẫu viết lời Việt), “Hồi chuông nửa đêm” (nguyên tác “Jingle Bells” của James Lord Pierpont)…

Có thể nói xuân và đạo là hai nội dung âm nhạc luôn có mặt trong nhạc Nguyễn Văn Đông. Nhưng nếu nhạc xuân của ông thường là nỗi buồn mất mát, có lúc tuyệt vọng thì nhạc đạo của của ông lại là niềm tin yêu vào cuộc sống và sự tái hợp:

“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời 
Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui…
(…) Một mùa đông giá hang Bêlem Chúa sinh ra đời
Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao… “

Bài “Mùa sao sáng” là nhạc đạo chứ không phải thánh ca, viết ở âm thể Trưởng, giai điệu giản dị nhưng sáng đẹp, trong trẻo như đêm Noel, nghe như thánh ca.

Mùa giáng sinh trong nhạc ông là “hội sao trần thế”, “xanh như liễu đà lạt” - màu vòng lá Noel; nhạc của những tâm tình reo vui: 

“Pong ping pong, pong ping pong… 
Chuông giáo đường thánh thót. 
Đêm Noel chuông vang như mang bao yêu thương loan trong ánh sao sáng…” (“Hồi chuông nửa đêm”).

Xóm đạo nào đó của ông luôn có hình ảnh một người cụ thể, rất cụ thể trong ăn mặc, tính cách đơn sơ và tất nhiên rất ngoan đạo. Tôi không nghĩ ông chưa từng có một người thương nào đó ở một xóm đạo. “Yêu ai, yêu cả đường đi lối về…”. 

Như có lần trong lễ nửa đêm Noel, ông lặng lẽ đứng một mình trong sân nhà thờ Ba Chuông (Đa Minh) – như để gợi lại kỷ niệm, người thương nào đó ở một xóm đạo nào đó. Trong gió may se lạnh đêm cuối năm. Một mình…

“Chúa ngự ở trên cao. Lòng trời bể bao la. 
Ngày lớn con đã tin rằng: Khi lòng khổ đau tìm đến Chúa ban an lành” (“Xin Chúa thấu lòng con”)

3. Những đêm cuối năm Ông Tạ ngày xưa ấy chắc chắn lạnh hơn bây giờ khi nhà cửa chưa chật chội như hôm nay. Phía sau các dãy nhà mặt tiền đường Lê Văn Duyệt nối dài/Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám), Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai)… vẫn là những nhà trệt, nhà gác gỗ… Kinh rạch còn nhiều và còn cả những cánh đồng rộng ở An Lạc, Lộc Hưng, khu Chăn nuôi…

Đường phố cũng không rực rỡ đèn hoa giăng ngang đường như hôm nay. Chỉ là những hang đá kín ban công tầng trên nhiều nhà mặt tiền và những dây đèn quả nhót ánh sáng không mạnh. Hang đá rất lớn của các nhà thờ luôn là điểm chiêm ngưỡng của bao ánh mắt trẻ thơ Ông Tạ.

Những ngày ấy, cả khu vực Ông Tạ là vô vàn những hang đá lớn nhỏ, bằng giấy bạc, bằng giấy bao ximăng phun sơn đen, xám, trắng và bằng cả những thanh mút sốp trắng ngâm xăng để kết dính. Mút sốp được bóp vụn rải lên những cây thông làm tuyết. Trái châu và dây kim tuyến treo lóng lánh reo vui các cửa tiệm. Trẻ con Ông Tạ đi học qua đứa nào cũng ngẩn ngơ nhìn ngắm đến rơi cả cặp; tưởng tượng lóng lánh đêm Giáng sinh và mơ quà của Ông già Noel…

Các trường khu Ông Tạ hầu hết cạnh nhà thờ. Học trò có những buổi học được nghỉ để thầy cô, các cha, các dì (soeur) bắt xếp hàng, “dong” đi xưng tội. Về nhà, cha mẹ dắt ra tiệm hớt tóc “gọt” lại cái đầu cho dễ chải, dễ vuốt nước những mái tóc lởm chởm mưa nắng đi lễ đêm Noel. Tạm quên con dế, viên bi, xấp hình; tạm quên những buổi choảng nhau vỡ đầu thằng xóm khác; tạm quên những trò nghịch ngợm trẻ con bấm chuông nhà hàng xóm…

Đó thật sự là những ngày đáng sống của Ông Tạ; những ngày thanh tẩy, reo vui tâm hồn người người. Ai ở Ông Tạ không từng trải qua, từng nhớ da diết…?

Anh Đặng Quốc Thông, một thằng bé xóm Vinh Sơn, ngõ Cổng Bom - Ông Tạ xưa vốn không phải Kitô hữu, như nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tới giờ vẫn nhớ rõ mồn một những ngày Giáng sinh khu Ông Tạ này: 

“Vì cơ bản là khu công giáo di cư, nên không khí chào đón ngày Chúa sinh ra đời ở Ông Tạ rất nhộn nhịp. Ngay từ đầu tháng 12, các nhà mặt phố ở ngã ba Ông Tạ đã dẹp các hàng bán truyền thống qua một bên để bày bán đồ trang trí Giáng sinh. Các ông sao đủ cỡ, ông nhỏ bằng cái chậu con, ông to bằng cả mặt bàn ăn 12 người; ông nào cũng được phết bằng giấy bóng kiếng đỏ có rồng rắn mấy đường trang trí bằng phẩm màu trắng và xanh lơ sặc sỡ. Có vòng ngôi sao cuốn giấy hoa chạy quanh năm đỉnh cánh. Rồi cây thông, thường là bằng giấy kim tuyến bạc lóng lánh có đính các trái châu thủy tinh xanh đỏ tím vàng trông rất bắt mắt.  Rồi ông già Noel và các giải tua ren trắng đỏ cũng như các giải băng hình cánh cung ghi hàng chữ “Vinh danh Thiên Chúa trên trời - Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. 

Nhưng đặc sắc hơn cả ở khu này là hang đá đủ cỡ đủ kiểu, có cái làm bằng giấy bao ximăng phun nhựa đường hay sơn đen gì đó. Có hang làm bằng giấy bạc óng ánh. Hang nào cũng đi kèm một bộ tượng nặn rất sắc nét và tô mầu rất cầu kỳ với Chúa Hài đồng nằm giang hai bàn tay thơ ngây trong trắng trong máng cỏ, hai bên có ông Giuse và bà Maria khuôn mặt hiền hậu, thánh thiện. Lơ lửng trên không là thiên thần; trước cửa hang trong tư thế quỳ lạy là ba nhà tiên tri chống gậy dắt theo bầy dê, bò, cừu như lễ vật mừng Chúa Giáng sinh.

Trễ nhất, khoảng giữa tháng 12, các nhà dọc hai bên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) từ ngã ba Ông Tạ đổ xuống đến rạp hát Đại Lợi, hoặc dọc đường Lê Văn Duyệt (nay là Cánh Mạng Tháng Tám) từ ngã ba Ông Tạ đổ về đến khu nhà thờ Chí Hòa phía bên kia hồ tắm Cộng Hoà, cũng đều đã trang trí mặt tiền nhà, thường được đặt trên lan can tầng một, hai… với những hang đá, đèn ngôi sao, hình thiên thần, ngôi sao Betlêhem, và các dây tua và dây đèn điện chớp sáng đủ mầu. 

Thường thì đèn trang trí sẽ được bật lên lúc sáu giờ chiều khi trời mới nhọ nhem và để vậy cho đến sáng. Khoảng chín, mười giờ đêm, các nhà hai bên đường đóng cửa, tạo ra một khoảng tối dưới mặt đường, tương phản hoàn toàn với không gian sáng ấm phía trên. Trong tiết trời se se lạnh những ngày cuối năm, khách đi bộ hay đi xe máy ngang trên đường, không ai là không ngước nhìn lên các hang đá rực rỡ, lung linh hai bên; không tai ai  không nghe văng vẳng như từ hai ngàn năm trước vọng về bài hát có thể nói là truyền thống của các xóm đạo: “Đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời... Chúa... sinh ra đời... nằm trong hang đá... nơi máng lừa...”.

Và không ai là không nghĩ đến tình thương bao la của Thiên Chúa đang rải xuống trần, để chợt thấy lòng mình ấm áp hẳn và cảm nhận ngay lập tức như đang ùa vào hồn mình một tình yêu người, yêu đời tha thiết...”.

4. Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã thấy, đã sống trong các xóm đạo Ông Tạ những ngày yêu thương, ấm cúng này, trong hồi chuông nửa đêm lành thánh, yên bình…

Tự xác định mình là người ngoại đạo, nhưng ông đã làm nhạc không khác một Kitô hữu thuần thành: “Lạy Chúa con xin nguyện Chúa trên trời - Cho trọn niềm tin ơn trên Thiên Chúa - Con xin đuợc sống bên chàng - Nguời con nhớ con thương - Kính mến tôn thờ Chúa, Amen” (“Tình người ngoại đạo”).

Và Mẹ Maria, lời kinh “Kính mừng Maria đầy ơn phước…” hiện ra trong nhạc ông, trông đợi ngày gặp lại:

“Xin Mẹ Maria
Cho nước con vui đời thăng hoa
Đã mấy mươi năm, Mẹ ơi sống trông mong ngày vui
Một ngày bên nhau hát câu đoàn viên
Hãy ban cho một mùa xuân như ý quên sầu bi
Đầy ơn phước trong tay Người
Mẹ ơi bao la lòng Maria
Này đây muôn kinh quỳ lạy tấu dâng lên Bà” (“Ave Maria”)

Nhạc phẩm của Franz Schubert do ông viết lời Việt tuyệt vời này được danh ca Thái Thanh trình bày trong băng nhạc "Sơn Ca Giáng sinh 1972". Đầu nhạc phẩm, ông ghi rõ: "Trang trọng viết tri ân Đức Mẹ Fatima (Bình Lợi)". Ông, một người ngoại đạo, đã cầu xin gì với Đức Mẹ và được ban ơn phước? Ngay trước 1975, ông đã mở một xưởng làm băng đĩa lớn nơi đây, chưa kịp khai trương phải bỏ dở. 

5. Tôi quen và là "khách ruột" mua giò chả, phômai... mấy chục năm nay ở cửa hàng của vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cô Nguyệt Thu. Giò chả của tiệm xưa giờ đều lấy từ các lò giò chả Ông Tạ vì theo cô,  “giò chả Ông Tạ chất lượng, chuẩn vị giò chả nhứt Sài Gòn”. 

Cô Thu cùng quê Gò Công với hoàng hậu Nam Phương (nhưng như chú, quê Tây Ninh nhưng cả hai vợ chồng đều sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn) và nét mặt cũng hao hao: mặt thon dài, trắng trẻo, mắt một mí lót, hơi xếch. Cô vốn là quản lý Hãng dĩa hát Continental mà chú là giám đốc nghệ thuật. Cô Nguyệt Thu về với chú  năm 1968, ở nhà mướn khu cư xá Đô Thành. 

Thực sự nhiều người ngạc nhiên khi lúc đó ông là sĩ quan cấp tá Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, rồi là giám đốc ba công ty băng dĩa lớn ở Sài Gòn lúc đó mà lại mua ngôi nhà nhỏ ở khu vực nhà cửa khi ấy khá lụp xụp như vậy (sát khu vực vốn là đất trồng cây giống của Sở Bảo vệ mùa màng Việt Nam cộng hòa bị thương phế binh Việt Nam cộng hòa lẫn một số dân chiếm). Thời điểm đó, cách vài bước chân là ra đại lộ Cách Mạng 1-11 có rất nhiều ngôi nhà lớn, biệt thự của sĩ quan Việt Nam cộng hòa chức vụ và cấp bậc còn dưới ông. 

Niềm vui hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ chỉ được vài năm. Sau 1975, ông đi cải tạo. Cải tạo về năm 1985 với nhiều bịnh; cô phải bồng bế ông, chăm sóc từng chút. Ông không chịu định cư ở Mỹ theo diện HO do nhiều lý do. Cô Nguyệt Thu vẫn lặng lẽ một cách sang trọng chăm sóc chồng, từ cửa hàng ban đầu bán cám gà, chuối... rồi mới thành tiệm bán thịt nguội, tạp hóa nhỏ Nhiên Hương mà tôi đi qua hàng ngày, ghé mua hàng ngày và tết nào cô cũng lì xì tôi: khi hộp bánh, khi gói lạp xưởng...

Cửa hàng tên Nhiên Hương phải chăng là suy nghĩ của hai vợ chồng: "hữu xạ tự nhiên hương", không cần phải gồng mình, lớn tiếng khẳng định? Và cả hai vợ chồng đều sống lặng lẽ, lặng lẽ đến mức khi ông ra đi, nhiều người hàng xóm và khách mua hàng mới biết ông là tác giả nhiều nhạc phẩm họ yêu thích.

Vị nhạc sĩ này hoàn toàn lặng lẽ, không một phát biểu sau khi cải tạo về. Lãnh sự quán Mỹ liên hệ kêu đi diện HO (đại tá Việt Nam cộng hòa, đi cải tạo bảy năm, đi khá dễ dàng), ông từ chối. 

Lặng lẽ như khi còn trong trại cải tạo Suối Máu (Biên Hòa, Đồng Nai), ông nằm lắng nghe tiếng xe lửa vang xình xịch cách trại không xa và viết nhạc phẩm không lời "Tiếng chim hót trong lồng". Lặng lẽ nhớ Sài Gòn, nơi ông sinh ra, lớn lên cho một nhạc phẩm có lời: "Sài Gòn trong trái tim tôi": "Cho nhớ thương vời vợi… Sài Gòn luôn trong trái tim tôi…”...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ra đi tối 26-2-2018 (11 tháng Giêng năm Mậu Tuất), sau giao thừa thứ 87 của đời mình và chỉ hơn nửa tháng nữa là sinh nhật ông. Thế là hết những "Phiên gác đêm xuân": "Đón giao thừa một phiên gác đêm...". Giờ ai gác những đêm xuân cho cô khi cô chú không có con?

Đến ngôi nhà nhỏ (chiều ngang chỉ hơn ba mét do vợ chồng ông gom góp mua từ năm 1970, sau hai năm về với nhau) thắp nhang, cô Nguyệt Thu cốt cách vẫn sang trọng, đôi mắt đỏ hoe: "50 năm cô chú đã đi cùng nhau và 48 năm ở ngôi nhà này...".

Những ngày sau đó, cô Thu gầy sọp bốn, năm ký - trong khi cô vốn gầy yếu; lơ thơ đi lại, sống với ngôi nhà ngập tràn kỷ niệm xưa. Người thân hoảng. Ngày 5-8-2018, cô kêu tôi tới nhà tặng đĩa nhạc tưởng niệm chú do chương trình Thúy Nga tổ chức ở Mỹ.  Thấy cô héo hắt...

Trong nỗi buồn đau quá lớn, cô còn có ý định đốt bỏ hết những tư liệu, di cảo âm nhạc của chú; bán ngôi nhà kỷ niệm, mang bàn thờ chú, ba mẹ chú về quê cô ở Gò Công thờ. Sao không mang về Bến Cầu? "Cả chục ha đất quê sau 1975 không còn..." - cô bảo. Tôi cầm bàn tay trơ xương của cô, xin cô bình tĩnh, ăn uống cho lại sức. Khi bớt đau, tính gì thì tính chứ lúc đó chắc chắn cô chưa tỉnh đâu.

Tết. Cô nằng nặc bắt tôi phải nhận đòn chả lụa và tấm bánh chưng Bắc: "Tối cô ngủ, thấy chú về, dặn cô cho Công cúng tết mẹ". Chú Đông vốn mồ côi mẹ sớm.

"Hồi trước, Công tới mua đồ hàng ngày. Chú ngồi trên phòng cứ hỏi thăm. Đêm chú về dặn cô nấu xôi chè, gởi Công về cúng mẹ..." - cô Thu đỏ hoe mắt khi kêu tôi tới nhận xôi chè cô nấu. Mẹ tôi vốn đi trước chú hơn nửa năm.

Như tính cách của nhạc sĩ, mùa xuân lẫn nhạc đạo của ông sao mà sâu lắng quá, mênh mông cả trong ca từ lẫn nhịp nhạc. Vì vậy, sau khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ra đi, có nhà thờ ở Bến Tre đã tổ chức lễ cầu nguyện cho ông nhân 49 ngày - theo thông lệ những người theo đạo Phật (người Công giáo thường "xin lễ" khi đủ 100 ngày).

Không hiểu sao lúc nào tới nhà cô chú cũng gặp hoa cúc vàng - một loài hoa của mùa xuân miền Nam. "Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người...". Người nhạc sĩ tài hoa làm dân Ông Tạ 48 năm ấy đã ra đi, hai tháng nữa là bốn năm (2018-2022). 

Một mùa Noel nữa, xóm đạo Ông Tạ vắng người nhạc sĩ tài hoa, ngoại đạo nhưng viết nhạc đạo nhiều nhất trong các nhạc sĩ Việt xưa nay. Thật kỳ lạ, nhạc đạo của người nhạc sĩ ngoại đạo ấy, bài nào cũng rung chuyển lòng thế nhân, dù có đạo hay không.

“Đêm nay tôi nhớ người xưa trở lại
Chênh chếch mùa sao lạc loài
Ôi những mùa sao lẻ loi…” (Mùa sao sáng)

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Những bài viết về chính trị" của Nguyễn Hưng Quốc

Đọc "Những bài viết về chính trị" của Nguyễn Hưng Quốc
Fb Nguyễn Tuấn

Nhân dịp một nhà tu hành mới bảo vệ luận án tiến sĩ luật về bổn phận công dân (được ông xem như là một khám phá), tôi muốn giới thiệu đến các bạn cuốn sách "Những bài viết về chính trị" [1] của tác giả Nguyễn Hưng Quốc [2]. Đọc cuốn sách RẤT HAY này, các bạn sẽ ngạc nhiên biết rằng khái niệm bổn phận là một đặc điểm của ... độc tài! 

Nguyễn Hưng Quốc  được biết đến là một nhà phê bình văn học tài ba, nhưng ít ai biết anh ấy còn là một cây bút chánh trị luận sắc bén và hàn lâm. Cuốn sách "Những bài viết về chính trị" mà tôi muốn giới thiệu đến các bạn là một minh chứng cho phát biểu đó. Chánh trị thường được xem là một đề tài chán phèo, nhưng cuốn sách này có thể thu hút bạn từ trang đầu đến trang cuối.

Cuốn sách thật ra là tập hợp những bài viết đã đăng rải rác trên trang blog tiếng Việt của Đài Tiếng Nói Hoa Kì (VOA) trong chừng 20 năm qua. Đó là những bài luận về văn hoá chánh trị, lòng tin và sự tín nhiệm, trí thức và chánh trị, độc tài và dân chủ, xã hội dân sự, tính chánh trị của ngôn ngữ, và cộng sản và độc tài. Đây không hẳn là những bài bình luận thời sự chánh trị, mà là luận về chánh trị và văn hoá. 

Tất cả bài viết đều bàn về những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Tại sao chỉ Việt Nam? Tại vì, như tác giả tâm sự, Việt Nam là nỗi ám ảnh duy nhứt trong thời gian anh sống ở xứ người. Nhưng sống ở nước ngoài và nhìn về Việt Nam như là một 'người ngoài cuộc' lại có cái hay, vì tác giả có thể đối chiếu, so sánh với những nơi khác mà người trong cuộc có lẽ không có được. 

Nói là 'tập hợp' thì có lẽ bạn đọc nghĩ là nhiều bài, nhưng thật ra chỉ có 7 bài viết mà thôi. Bảy bài viết nhưng dài đến 410 trang. Mặc dù độ dài của bài viết có thể chẳng nói lên điều gì, nhưng với một tác giả như Nguyễn Hưng Quốc, người cẩn thận với chữ nghĩa, thì độ dài đó nói lên nội dung phong phú và phẩm chất của mỗi bài viết. 

Thật vậy, bài nào cũng hàm chứa nhiều chất liệu hàn lâm, và được tác giả luận bàn tới nơi tới chốn. Tôi phải nhấn mạnh rằng ở điểm này, bởi tác giả rất khác biệt với những những cây bỉnh bút chuyên nghiệp về chánh trị, những người viết nhiều, nhưng họ có vẻ 'đuối' khi đến đoạn cuối. Họ có thể có nhiều chứng từ cá nhân hay có nhiều dữ liệu các mối liên hệ cá nhân, nhưng họ không có khả năng rút ra một qui luật của chứng từ và dữ liệu. Còn ở đây, bạn đọc sẽ thấy bài viết nào trong cuốn sách cũng được tác giả lí giải một cách thấu đáo, và khi đọc xong người viết cảm thấy mình như được khai sáng.

Văn hoá chánh trị 

Cuốn sách được mở đầu bằng bài luận "Văn hoá và chánh trị". Tác giả đặt 2 câu hỏi: (i) tại sao những nước giàu có càng ngày càng giàu, còn những nước nghèo khổ thì càng ngày càng nghèo; và (ii) tại sao có những nước theo thể chế dân chủ tôn trọng nhân quyền, nhưng lại có những nước chọn thể chế toàn trị, độc tài. Tác giả lí giải rằng văn hoá là yếu tố có thể trả lời cho 2 câu hỏi đó. Những công trình nghiên cứu về văn hoá của các học giả lừng danh như Lawrence Harrison và Samuel Huntington được trích dẫn để minh chứng cho vai trò quan trọng của văn hoá trong quá trình phát triển kinh tế và lựa chọn thể chế chánh trị của một quốc gia. 

Từ văn hoá, tác giả bàn luận về văn hoá chánh trị, văn hoá tham nhũng, văn hoá dân chủ, ý thức về quyền lợi quốc gia, kèm theo những dữ liệu và nhận xét rất thú vị. Chẳng hạn như trong phần bàn luận về quyền lực và trách nhiệm, tác giả nhận định rằng: 

"Ở Việt Nam, ngược lại với quyền lực, người ta muốn tuyệt đối (độc quyền lãnh đạo), nhưng với trách nhiệm thì người ta muốn chia sẻ (trách nhiệm tập thể). Hậu quả là không ai chịu trách nhiệm về điều gì cả, ngay cả với những sai lầm của chính mình và/hoặc thuộc quyền hạn của mình."

Tác giả chỉ ra rằng trong lãnh vực chánh trị, một phát hiện quan trọng trong thế kỉ 20 là nhân quyền. Dĩ nhiên, nhân quyền ở đây không phải hiểu theo cách hiểu của ông đương kim Thủ tướng Việt Nam, mà quyền được sống, quyền được xét xử một cách công minh, quyền được tự do ngôn luận, và quyền tự do tư tưởng và tín ngưỡng. 

Tác giả lí giải rằng một lãnh đạo chánh trị tốt cần phải xây dựng cho mình một "tự sự chánh trị" (hiểu theo nghĩ "political narrative"). Tự sự là một câu chuyện về nhận thức. Từ nhận thức dẫn đến viễn kiến và sứ mệnh mà chúng ta hay thấy các chánh trị gia phương Tây hay phát biểu. Còn ở Việt Nam thì sao? Theo tác giả, ở Việt Nam, thế hệ thứ nhứt của đảng cộng sản trong thời chống Pháp thì họ có khả năng xây dựng tự sự chánh trị với những mục tiêu rõ ràng. Để xây dựng tự sự theo cách cộng sản, người ta không ngần ngại dựng nên những câu chuyện như Lê Văn Tám để vận động quần chúng. Người ngoài nhìn vào thì thấy đó là một sự bịa đặt trắng trợn, nhưng với giới học giả thì đó là một tự sự chánh trị mà có thể người dựng nên nó không biết hành vi mình có nghĩa gì. Còn ngày nay thì theo tác giả các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản sau này không có khả năng xây dựng tự sự chánh trị. Thậm chí có người còn nói không biết 100 năm sau Việt Nam sẽ đạt được XNCH hay chưa! Họ không phác hoạ được một lộ trình cho đất nước trong tương lai. 

Trong phần bàn về tánh cách con người, tác giả đề cập đến một số 'căn bệnh' văn hoá của người Việt được nhiều người nhắc đến như độc ác, thù hằn, tham lam, hoang tưởng, và khoe khoang. Tác giả thêm rằng hai căn bệnh nguy hiểm hiện nay là tính ích kỉ, giả dối và vô cảm. Nhưng tác giả không chỉ bàn đến những căn bệnh đó ở người Việt nói chung, mà còn minh hoạ bằng những trường hợp tiêu biểu ở giới lãnh đạo. Tác giả nhận định rằng ba căn bệnh mới đó (ích kỉ, giả dối và vô cảm) là những thử thách lớn nhứt của người Việt Nam hiện nay. 

Độc tài và dân chủ 

Ai trong chúng ta cũng có một chút hiểu biết thế nào là độc tài, và thế nào là dân chủ. Thế nhưng, ít ai trong chúng ta có thể lí giải sự khác biệt giữa hai thể chế này một cách rạch ròi như tác giả qua chương viết về "Độc tài và dân chủ". Chương này giúp độc giả hiểu biết hơn về dân chủ và điều kiện để có một nền dân chủ. 

Độc tài được định nghĩa là "hiện tượng thâu tóm quyền lực vào tay một người hoặc một nhóm người". Giới chánh trị học còn chia độc tài thành 2 loại độc tài: cá nhân độc tài và hệ thống độc tài. Tiêu biểu cho cá nhân độc tài là Adolf Hitler và Mummar Gaddafi, một cá nhân thâu tóm tất cả quyền lực. Hệ thống độc tài bao gồm những chế độ quân chủ, và sau này là xã hội chủ nghĩa (XHCN). 

Dù là cá nhân hay hệ thống độc tài, họ đều sử dụng một loại quyền lực khác để biện minh cho sự tồn tại của họ. Các chế độ quân chủ thì dựa vào khái niệm "Thiên mệnh" (quyền lực đến từ thần linh), chế độ Phát xít thì dựa vào qui luật tiến hoá để biện minh cho một sắc tộc thượng đẳng, còn XHCN thì sử dụng ý tưởng thế giới đại đồng, bình đẳng, tự do và hạnh phúc.  Nhưng tất cả chế độ độc tài đều tận dụng cách thần thánh hoá lãnh đạo để mị dân, mà theo đó các lãnh đạo đều hoặc là 'vĩ đại', hoặc là 'thiên tài', hoặc là 'kính yêu', hoặc là xuất sắc', v.v. 

Đối nghịch với độc tài là Dân chủ. Nhưng dân chủ là gì? Chữ 'dân chủ' như chúng ta biết xuất phát từ tiếng Hi Lạp với 2 thành phần: demos có nghĩa là dân và kratos có nghĩa là cai trị. Dân chủ, democracy (tiếng Anh), được Abraham Lincoln định nghĩa đơn giản và dễ hiểu là:  

"Chánh quyền của dân, do dân, và vì dân".

Triển khai từ định nghĩa đó, dân chủ trước hết là cách tổ chức chánh quyền, mà theo đó chế độ phải được dân bầu một cách tự do và bình đẳng. Trong chế độ dân chủ, Nhà nước chỉ là một bộ phận trong hệ thống bao gồm các thiết chế chánh trị, tôn giáo, văn hoá, nghiệp đoàn, thương mại, v.v. và các thiết chế này phải độc lập với Nhà nước. Tất cả các thiết chế này phải hoạt động dựa trên một nguyên tắc: pháp quyền. Pháp quyền gắn liền với các giá trị phổ quát của nhân loại. 

Nhưng dân chủ không phải tự nhiên mà có, mà là cả một quá trình phát triển lâu dài. Có 3 quá trình: lịch sử, đấu tranh, và học tập. Khái niệm dân chủ xuất hiện ở Hi Lạp từ 2500 năm trước, thời mà quyền bính thuộc vào giới tu sĩ và quí tộc, và phải qua một quá trình dấu tranh để có được hình thức dân chủ như ngày nay. Nhưng trên hết, dân chủ là một quá trình học tập. Không phải cứ có những thiết chế như Quốc hội, luật pháp, truyền thông là có dân chủ. Nếu các thiết chế đó không có sự tham gia của dân chúng thì không thể xem là dân chủ được. Nhận định về tình hình ở Việt Nam, tác giả tỏ ra bi quan: 

"Sinh hoạt xã hội Việt Nam hiện nay cũng không phải là mảnh đất tốt để nuôi dưỡng dân chủ. Luật pháp không rõ ràng, để sống còn người ta phải mánh mung. Xin trường học cho con cái: mánh mung. Xin việc làm: mánh mung. Để tăng lương hoặc thăng chức: mánh mung. Ở đâu cũng cần có mánh mung cả. Thói mánh mung ấy, một mặt giết chết luật pháp, một mặt giết chết cả niềm hi vọng vào dân chủ."

Phần viết về sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài, theo tôi, cũng là một sự 'mở mắt' cho độc giả. Tác giả đưa ra 6 sự khác biệt giữa hai thể chế như sau: 

• Quyền và bổn phận: dân chủ nhấn mạnh đến quyền (right), độc tài nhấn mạnh vào bổn phận của từng cá nhân; 

• Bình đẳng và phục tùng: dân chủ dựa và tin vào sự bình đẳng, độc tài xây dựng trên sự vâng phục; 

• Con người và Nhà nước: dân chủ vinh danh con người, độc tài vinh danh Nhà nước; 

• Tự do: dân chủ khuyến khích tự do tư tưởng, độc tài đàn áp tự do tư tưởng; 

• Đa nguyên: dân chủ đề cao tinh thần đa nguyên, độc tài thích sự đồng qui, đồng dạng và đồng nhứt; 

• Thoả thuận và áp đặt: dân chủ vận hành qua đàm phán và thương thảo, độc tài dùng quyền lực để giải quyết những xung đột. 

Điều thú vị là tất cả các thể chế độc tài đều tự nhận (hay mạo nhận) là dân chủ! 

Trí thức và chánh trị 

Một chương trong sách tôi rất tâm đắc là chương "Trí thức và chánh trị". Định nghĩa về trí thức là một chủ đề ... không có hồi kết. Tác giả mô tả sự khác biệt về định nghĩa trí thức giữa Việt Nam và phương Tây. Ở Việt Nam, "người ta xem trí thức là những người có ăn học và lao động trí óc", còn ở phương Tây, học giả Thomas Sowell định nghĩa trí thức là những người làm những việc liên quan đến ý tưởng: “Công việc của một nhà trí thức bắt đầu và kết thúc với ý tưởng.” Và, chiếu theo định nghĩa của Sowell, tác giả nhận thấy "hầu hết những người Việt Nam chúng ta quen gọi là trí thức đều không phải là trí thức, đặc biệt, trí thức công chúng." Nhưng dĩ nhiên, ngay cả định nghĩa của Sowell cũng không phải là sự đồng thuận sau cùng. 

Tôi thích cách tác giả ví von về người trí thức như là những kẻ ... vượt biên. 'Vượt biên' ở đây hiểu theo nghĩa họ vượt ra ngoài và vượt lên lãnh vực chuyên môn của họ, ra khỏi biên giới của môi trường hoạt động cố hữu, và vượt biên về thái độ: 

• Những người như Noam Chomsky, Andrei Sakharov, Albert Einstein, v.v. là những nhà khoa học lỗi lạc trong chuyên ngành của họ, nhưng họ còn là những trí thức công chúng hiểu theo nghĩa họ bàn về những vấn đề ngoài chuyên ngành. 

• Đa số giới khoa học hoạt động trong môi trường cố hữu (như công bố bài báo khoa học, diễn thuyết trong các hội nghị), tức là họ nói với đồng nghiệp trong môi trường khoa học, còn trí thức thì vượt biên khỏi môi trường cố hữu này để nói chuyện với quần chúng. Thay vì xuất hiện trong các diễn đàn khoa học, họ xuất hiện trên màn ảnh tivi, trên báo chí, và blog. 

• Vượt biên về thái độ ở đây hiểu theo nghĩa họ là những kẻ hoài nghi lành mạnh. Người trí thức "nghi ngờ mọi quyền lực họ trở thành những kẻ phản biện, lúc nào cũng thắc mắc, cũng tra vấn, cũng phản đối." Họ có khi trở thành cái gai trong con mắt của kẻ cầm quyền, họ là thiểu số trong cộn đồng. Nhưng đó là một lựa chọn của người trí thức, nói như Thi sĩ Vũ Hoàng Chương  “Tôi: thù nhân của Số Nhiều.” 

Ba sự vượt biên đó định hình một trí thức, và cũng có thể dùng để phân biệt giữa chuyên gia và trí thức. Chuyên gia không vượt biên; trí thức vượt biên. Trí thức là một lựa chọn: "Thông minh là do bẩm sinh. Kiến thức là do thụ đắc. Nhưng trí thức là tự nguyện. Người ta không sinh ra là trí thức, đã đành. Ngay cả khi được học hành chu đáo, người ta cũng không nhất thiết trở thành trí thức để chỉ quanh quẩn mãi với các ý niệm và ý tưởng. Người ta có thể trở thành những nhà thực hành hay thực dụng xuất sắc. Lựa chọn trở thành trí thức là lựa chọn sống chết với ý tưởng. Chỉ với ý tưởng." 

Tác giả đề cập đến mối liên hệ giữa trí thức và độc tài, và chỉ ra rằng mặcdù các nhà độc tài đều tham lam, độc ác, huyễn tưởng, giả dối, nhưng ngạc nhiên thay họ có nhiều trí thức [đúng nghĩa] ngưỡng mộ và hết lòng bệnh vực. Những nhà độc tài như Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông được sự ủng hộ của những trí thức lừng danh như George Bernard Shaw, Andre Gide, Doris Lessing, Jean-Paul Sartre, v.v. Điều bất ngờ đối với tôi là ngay cả danh hoạ Picasso, Bertolt Brecht, và Graham Greene cũng từng ủng hộ Stalin và Mao Trạch Đông! 

Tại sao giới trí thức lại ngây thơ và cả tin như thế? Tác giả nghĩ rằng lí do là họ bị nhồi sọ. Nhồi sọ bằng tuyên truyền. Tác giả cho biết đã từng gặp nhiều văn nghệ sĩ ở miền Bắc, và nhận xét rằng "họ gần như tuyệt đối tin tưởng vào giới lãnh đạo và chế độ. Trong các buổi học tập chính trị và văn hoá, họ lắng nghe cán bộ giảng bài như nghe những lời thánh phán. Họ cắm cúi ghi chép rồi về nhà, đọc lại một cách thành kính." Mà, không phải chỉ ở miền Bắc, ngay cả một số người có học ở nước ngoài cũng tin tưởng vào chế độ. Tác giả viết:  

"Lại nhớ, mấy năm đầu sau 1975, một số 'trí thức' Việt kiều ở Pháp về thăm nước rồi viết bài đăng tải trên báo chí ở Paris. Họ khen Việt Nam không tiếc lời. Trong lúc người Việt Nam đói đến xanh xao mặt mũi, họ khen đời sống rất sung túc. Trong lúc cả hàng chục ngàn người bị bắt đi cải tạo và con cái họ không được vào đại học, họ khen “chính quyền cách mạng” thực tâm hoà giải, không có bất cứ một chính sách kỳ thị nào đối với những người thuộc chế độ cũ trước đó. Trong lúc cả hàng triệu người bất chấp nguy hiểm tìm cách vượt biên tìm tự do, họ cho Việt Nam là một quốc gia dân chủ và ao ước một ngày nào đó được về nước sống hẳn (dù trên thực tế, không bao giờ họ về cả!)"

Tác giả trích thơ của Nguyễn Quốc Chánh đúc kết 3 'qui luật' về mối liên hệ giữa thông minh, lương thiện và cộng sản:  

• Một người thông minh và lương thiện thì không thể cộng sản; 

• Một người thông minh mà cộng sản thì không thể lương thiện; 

• Một người lương thiện mà cộng sản thì chắc chắn không thông minh. 

Tác giả chỉ ra một nghịch lí trong mối liên quan giữa giới lãnh đạo Việt Nam và trí thức: họ rất chuộng bằng cấp, nhưng họ không che giấu được sự khinh bỉ cố hữu đối với trí thức. Vũ Thư Hiên trong cuốn 'Đêm giữa ban ngày' có đoạn viết về tướng Đinh Đức Thiện (em ruột của Lê Đức Thọ) nói lên sự khinh bỉ của giới lãnh đạo dành cho trí thức:

"Trong cuộc đời không dài Ðinh Ðức Thiện đã giữ những chức vụ rất quan trọng – bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim, Trưởng ban xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Tổng cục trưởng Tổng cục dầu khí, hàm thượng tướng. Ông ít học. Trình độ học vấn không quá bậc sơ đẳng. Thế nhưng Ðinh Ðức Thiện khinh trí thức lắm. Ông hạ lệnh cho các kỹ sư điện tính toán thời hạn lắp đặt đường dây cao thế Thái Nguyên – Hà Nội. Họ tính kỹ rồi báo cáo lên Ðinh Ðức Thiện: không thể dưới hai năm. Ông ta nghe xong liền nổi khùng: ‘Rặt một lũ ăn hại đái nát! Làm chó gì mà mất những hai năm. Tôi mà ra lệnh cho công binh làm ấy à, chỉ hai tháng là cùng. Tính với chả toán, tính như con c… Các anh lúc nào cũng cúi đầu làm theo sách vở của bọn thực dân đế quốc. Vào rừng chặt cây về mà làm cột, mắc điện vào. Là xong. Trí thức với chả trí ngủ!’ Người kể lại chuyện này là một kỹ sư tốt nghiệp Cao đẳng kỹ thuật thời Pháp, hôm ấy được nghe Ðinh Ðức Thiện trực tiếp quát mắng." 

Nhưng ở Việt Nam, không phải chỉ giới lãnh đạo mới ghét trí thức, ngay cả giới trí thức cũng ghét trí thức. 

Xã hội dân sự và ngôn ngữ chánh trị 

Trong chương bàn về "Xã hội dân sự", tác giả đưa ra định nghĩa thế nào là một xã hội dân sự (civil society) mà trước đây hay được gọi là 'xã hội công dân'. Tại sao xã hội dân sự quan trọng? Tại vì nó là một nền tảng, một yếu tố cho nền dân chủ. Tác giả trích và phê bình 11 tiêu chí về một xã hội dân sự mà học giả Larry Diamond đề ra: 

• Người dân có quyền kiểm soát quyền lực của Nhà nước; 

• Người dân có quyền vạch trần tham nhũng của các giới chức Nhà nước; 

• Cổ vũ quần chúng tham gia vào sinh hoạt chánh trị; 

• Xiển dương lòng khoan dung, tinh thần thoả hiệp, và tôn trọng sự khác biệt; 

• Phát triển chương trình giáo dục ý thức công dân trong nhà trường;

• Bày tỏ các quan điểm gắn liền với những lợi ích khác nhau trong xã hội; 

• Diễn đàn đối thoại giữa các bộ lạc, tôn giáo;

• Huấn luyện nhà lãnh đạo tương lai; 

• Cung cấp thông tin cho quần chúng về các vấn đề liên quan đến đời sống công cộng; 

• Môi giới hoá giải các xung đột; và 

• Giám sát bầu cử một cách khách quan.

Xã hội dân sự hiểu theo 11 tiêu chí trên đã được hình thành và phát triển mạnh ở miền Nam Việt Nam trong thời VNCH 1954-1975. Thế nhưng sau 1975, khái niệm xã hội nhân sự chỉ mới được đề cập từ giữa thập niên 1980! Vậy mà cho đến nay, tình hình xã hội dân sự ở Việt Nam là một "bức tranh lệch lạc và dang dở". 

Một chương khác cũng thu hút sự chú ý của tôi là "Tính chánh trị của ngôn ngữ". Đây là một chương thuộc vào 'thế mạnh' của tác giả vì anh là người rất quan tâm và nghiên cứu sâu về ngôn ngữ dưới góc độ văn hoá. Ngôn ngữ, theo tác giả, có 2 chức năng chánh: một là định danh sự vật, hiện tượng, ý tưởng; và hai là phương tiện giao tiếp xã hội. Do đó, ngôn ngữ có liên quan mật thiết với chánh trị. 

Tác giả chỉ ra rằng ngôn ngữ nào cũng có tính chánh trị, và nó được thể hiện qua 2 góc độ: bản chất của ngôn ngữ và cách ứng xử của ngôn ngữ. Bản chất ngôn ngữ ở đây là khái niệm cấu trúc luận (structuralism) và kí hiệu học (semiotics) mà Ferdinand de Saussure đề cập. Ngôn ngữ cũng hàm chứa giá trị. Chẳng hạn như trong tiếng Việt, chúng ta hay nghĩ rằng chữ "phụ nữ" có âm hưởng lịch sự và trang trọng hơn chữ "đàn bà" (nhưng tác giả chỉ ra rằng chữ "phụ nữ" có nguồn gốc từ chữ Hán và nó không có nghĩa sang trọng như trong tâm thức người Việt. 'Nữ' tượng trưng hình người quì, còn 'Phụ' chỉ sự lệ thuộc và nhiệm vụ nội trợ.)  

Trong các thể chế ở Tàu và Việt Nam, ngôn ngữ được sử dụng như là một phương tiện tuyên truyền. Do đó, đảng cộng sản Tàu sau khi nắm quyền một trong những ưu tiên là chánh trị hoá ngôn ngữ. Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao và cũng chánh trị hoá ngôn ngữ. Người ta tạo ra một loại ngôn ngữ mới với mục tiêu là quảng bá bản sắc của thể chế mới duy trì sự tồn tại của thể chế. Tôi thấy tác giả phân tích các đặc điểm của ngôn ngữ chánh trị mới rất thú vị: thứ nhứt là tách rời các danh xưng gắn liền với chế độ phong kiến hay chế độ trước đó, và thứ hai là làm sang trọng hoá ngôn ngữ bằng cách mượn chữ Hán. 

Theo đó, người ta tạo ra những cái tên mới: thay thế chữ "kỳ" (vd Nam kỳ) thời Minh Mạng thành "bộ" (vd Nam Bộ); người đứng đầu nhà nước là "Chủ tịch", thay vì "Tổng thống"; "lính" thành "chiến sĩ"; v.v. Họ cũng mượn các danh xưng bên Tàu như "bí thư", "chi bộ", "chi ủy", "chính uỷ", v.v. 

Họ còn phân định giữa địch và ta. Chẳng hạn như địch là "giặc lái", ta là "phi công"; địch là "bồi bút", ta là "văn nghệ sĩ"; địch là "núp dưới tên", ta là "nhân danh"; địch là "đầu sỏ", ta là "lãnh đạo"; v.v. 

Để nhồi sọ, người ta dùng nhiều định ngữ hoặc bổ ngữ. Chẳng hạn như khi nói đến lãnh đạo là phải có chữ "vĩ đại", "thiên tài", "sáng suốt". Chẳng hạn như đề cập về đảng thì phải đi kèm với "quang vinh", "muôn năm"; chiến thắng thì phải "vẻ vang" hay "vang dội"; với lịch sử thì "rực rỡ"; với tranh đấu thì "oanh liệt"; với dân tộc thì "bất khuất"; với chính sách thì "đúng đắn"; với chỉ đạo thì "sâu sát"; với kẻ thù thì "tàn bạo"; với tộc ác thì "dã man"; với âm mưu của kẻ thù thì phải có "tinh vi" hay "hiểm độc"; với chính quyền địch thì phải có chữ "tay sai" hoặc "bù nhìn"; văn hóa, ở miền Bắc, phải đi liền với chữ "xã hội chủ nghĩa", ở miền Nam, chữ "suy đồi". Tác giả nhận xét rằng với các cách kết hợp từ như thế, người cộng sản đã tạo thành vô số các sáo ngữ.

Nhưng ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, còn có hiện tượng "phản ngôn ngữ" (anti-language. Cách phản ngôn ngữ thể hiện qua cách dùng nguyên cả một cụm từ hoặc một từ ghép hoặc một tên riêng của một người hay một địa phương (vd: "Đi gì mà Hà Văn Lâu thế?''), cách dùng chữ 'vô tư' rất phổ biến (vd: "Mình vô tư với ta đi / Vô tư nhau chả cần chi nhiều lời"), hiện tượng dùng phụ từ 'hơi bị' (vd: "Cô ấy hơi bị hấp dẫn"), và hiện tượng thành ngữ mới (vd "ăn chơi sợ gì mưa rơi", "chảnh như con cá cảnh", "chán như con gián", v.v.) Hiện tượng phản ngôn ngữ thể hiện "một sự phản kháng lại thứ chính trị trên nhưng lại dựa trên một thứ chủ nghĩa hư vô đầy tuyệt vọng." 

Tác giả kết luận "Nói cách khác, nếu việc sử dụng ngôn ngữ trong bộ máy tuyên truyền của đảng và nhà nước Việt Nam mang đầy tính chính trị thì hiện tượng phản-ngôn ngữ đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay cũng có tính chính trị."

Như tôi đã từng nhận xét trước đây, Nguyễn Hưng Quốc là một tác giả có cách viết văn rất trong sáng và khoa học, đơn giản vì anh là người yêu tiếng Việt, yêu ngôn ngữ. Chọn chữ chính xác. Cấu trúc ý tưởng khúc chiết. Mỗi chương hay bài viết đều được cấu trúc một cách logic: đặt vấn đề, điểm qua các nghiên cứu trước, nhận định, và kết luận. Đó là cách viết rất chuẩn mực trong khoa học mà không phải ai cũng làm được. Nhiều ý tưởng phức tạp được diễn giải bằng một văn phong mà bất cứ ai cũng thấy dễ hiểu. Kết quả là một tác phẩm có sức cuốn hút từ trang đầu đến trang cuối. 

Ở Việt Nam ngày nay, chánh trị là một đề tài tương đối nhạy cảm, thậm chí nguy hiểm. Chẳng biết từ bao giờ, người Việt bị gieo vào một suy nghĩ là phải tránh xa chánh trị vì nó nguy hiểm, mặc dù ai cũng thấy chánh trị bàng bạc trong cuộc sống chúng ta. Nhưng qua cuốn sách này, tác giả Nguyễn Hưng Quốc làm cho chúng ta gần gũi hơn với chánh trị, thậm chí thấy chánh trị học rất thú vị. Cái hay của "Những bài viết về chính trị" là tác giả cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tươi tắn và một cách hiểu mới về chánh trị trong bối cảnh Việt Nam, và đó là một đóng góp quan trọng của cuốn sách. 

Bản dễ đọc hơn: https://nguyenvantuan.info/2021/12/26/doc-nhung-bai-viet-ve-chinh-tricua-nguyen-hung-quoc
_______

[1] Sách "Những bài viết về chính trị" của Nguyễn Hưng Quốc, do Nhà xuất bản Lotus Media phát hành. Sách gồm 421 trang, kể cả Bảng tra cứu (index), có bán trên amazon với giá 17 USD.

[2] Tác giả Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn, người gốc Quảng Nam, nay là một đồng hương của tôi ở Úc. Tác giả là một 'fellow' danh dự của Đại học Victoria (Melbourne), và phụ trách môn tiếng Việt và văn học Việt Nam.

Nguyễn Tuấn

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

NGƯỜI PHỤ NỮ .



Yoshida được gọi là 'người phụ nữ quản lý thời gian tốt nhất' vì vừa tốt nghiệp Harvard xuất sắc, vừa sinh nở, chăm sóc 5 con trong thời gian học.

Năm 2004, Yoshida Suibo là bác sĩ sản phụ khoa tại Tokyo. Giống như hầu hết các bà mẹ đi làm khác, cuộc sống của cô rất bận rộn.

Con gái lớn hơn một tuổi của Yoshida mắc bệnh hen suyễn nên cô thậm chí không còn thời gian riêng tư. Điều này khiến Yoshida cảm thấy bị "tù túng", rất nhiều dự định muốn làm nhưng không có thời gian. Ngược lại cô cũng lo nếu chờ ổn định gia đình mới theo đuổi sự nghiệp có quá muộn không? Sau cùng Yoshida nói với gia đình rằng sẽ đến Harvard để học.

Lúc đó, con gái lớn 2 tuổi và con thứ hai mới 2 tháng tuổi...

Một ngày Yoshida làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều và phải mất 3 giờ đi lại. Đón con về được tới nhà cũng đã 19h. "Tôi mệt đến nỗi không muốn cử động ngón tay. May mắn, chồng ủng hộ tất cả các quyết định của tôi. Anh chủ động làm một nửa việc nhà", cô chia sẻ.

Ngoài chia sẻ gánh nặng với chồng, cô còn có một cách tuyệt vời để tận dụng thời gian, đó là đi ngủ sớm và dậy sớm. Yoshida thường ngủ cùng lúc với con, sau đó thức dậy lúc 3 giờ sáng. Cô có 3 giờ hoàn toàn thuộc về mình. Đây chính là khoảng thời gian người mẹ dùng để nạp kiến thức nhiều nhất có thể.

Đồng thời, cô áp dụng triệt để quy tắc "hòn đá lớn", "những viên đá nhỏ và cát mịn", tức là ngoài thời gian cố định cho từng việc, cô tận dụng các khoảng thời gian lẻ tẻ như nghỉ trưa, đi tàu điện để học, gấp quần áo khi kể chuyện cho con, nghe học âm thanh trong khi rửa bát... Bằng cách này cô tận dụng được mọi thời gian bị phân mảnh.

Ngay cả khi đứa con thứ ba lặng lẽ đến giữa lúc đặt ước mơ vào Harvard, Yoshida không hề có ý định bỏ con. "Tôi vừa phải nuôi dạy con cái, học tập tại Harvard, giờ lại có thêm nhiệm vụ mang thai và sinh nở. Nhiều người sẽ lựa chọn phải bỏ thứ gì và giữ lại điều gì, nhưng tôi chọn phương pháp 'And' (và) thay vì 'Or' (hoặc) - tức làm mọi việc cùng lúc", cô chia sẻ.

Sau 6 tháng thức đêm, cuối cùng cô cũng nhận được thư nhập học của Trường y tế công cộng Harvard.

Năm 2008, Yoshida đến Boston cùng 3 con gái: bé 3 tuổi, một tuổi, 1,5 tháng và chồng cô cũng chuyển công tác tới đây. Đây là thời điểm không hề dễ dàng, bởi ở Harvard luôn có những người quyết tâm hơn, chăm chỉ hơn Yoshida. Khi bị quá sức, cô áp dụng quy tắc xin trợ giúp. Cô thuê một bảo mẫu giúp nấu ăn, dọn nhà vài buổi trong tuần. Trong việc học, cô cũng xin giúp đỡ ở giai đoạn đầu khi mình "nghe tiếng Anh như vịt nghe sấm".

Yoshida không phải kiểu phụ nữ mạnh mẽ, hi sinh gia đình cho sự nghiệp. Trái lại, cô là một người vợ dịu dàng và một người mẹ kiên nhẫn. Có lần muốn tham dự một câu lạc bộ sách từ 19h đến 21h, nhưng 20h các con sẽ phải đi ngủ. Đối mặt với mâu thuẫn này, cô quyết định tham gia chỉ trong 40 phút. " Có được 40 phút tốt hơn không đi chút nào", cô nghĩ.

Trước mỗi kỳ thi tại Harvard, Yoshida đến thư viện mỗi cuối tuần để học. Chồng cô đưa hai con đến khu vực sách ảnh, còn Yoshida bế con gái một tuổi vào thư viện. Để con không gây ồn ào cho người khác, Yoshida thường vừa cầm sách vừa đi lại học, nhằm đánh lạc hướng con.

Ngay cả khi con gái thứ hai im lặng, Yoshida vẫn thường bị con gái lớn mè nheo. Là một người mẹ, Yoshida hiếm khi phàn nàn. Cô tự nhủ rằng mình nên ở bên con vào cuối tuần, vì vậy thật tốt khi có thể đọc thêm một vài trang.

Năm 2012, Yoshida cuối cùng tốt nghiệp Harvard với kết quả xuất sắc và gia đình dự định trở về Nhật Bản. Điều khó tin là lúc này, cô lại mang thai đứa con thứ tư.

Khi về nước Yoshida trở thành giám đốc nghiên cứu của Phòng nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp, Viện khoa học y tế quốc gia Nhật Bản, chuyên nghiên cứu các vấn đề chăm sóc mẹ con.

Không lâu sau cô đã xuất bản cuốn tự truyện "Yoshida Doctor Harvard School", ghi lại tất cả hành trình của mình cho những người không bao giờ quên giấc mơ của họ và không muốn thỏa hiệp với cuộc sống khó khăn.

Một cuốn sách khác "Bởi vì không có thời gian, mọi thứ đều có thể được thực hiện", cũng được viết cho chúng ta biết, khi theo đuổi hai hoặc ba mục tiêu cùng một lúc, những lý tưởng khác nhau sẽ kích động lẫn nhau, bổ sung cho nhau và mở rộng tầm nhìn của bạn. Điều quan trọng nhất là trong quá trình theo đuổi ước mơ, càng khó khăn bạn sẽ càng mạnh mẽ và táo bạo. Khi cuốn sách được xuất bản, cô đang mang thai đứa con thứ năm.

Sau đó Yoshida vẫn thuận lợi lấy bằng tiến sĩ Đại học Nagoya. Hiện Yoshida có vị trí cao trong Viện Hàn lâm Khoa học Y tế Quốc gia Nhật Bản.

Ảnh:

1) Yoshida và chồng, cũng là một chuyên gia y tế công cộng và 5 con. Ảnh: Sohu.

2) Yoshida được mệnh danh "người phụ nữ quản lý thời gian tốt nhất".

Hoang Nguyen.
 (Sưu tầm từ internet)
Ảnh: Sohu.
Từ : Fanpage NCCTV

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

SẼ CHO THÊM TIỀN



Nghe thiên hạ đồn rằng ở đất nước Bhutan chùa thật không phải chùa giả, sư thật không phải sư quốc doanh, tu thật không phải tu lưu manh, nên vợ mình dắt mình sang gửi tu học kết hợp cai rượu. 

Sau khi nghe vợ mình trình bày tiểu sử rượu bia của mình, nhà sư nhân từ hỏi:
-Ngươi uống rượu có thích không?
-Thưa thầy thích, rất thích
-Ngươi uống rượu có ngon không?
-Thưa thầy ngon, rất ngon.
-Rượu chỉ mang đến cảm xúc vậy thôi sao?
-Thưa còn nữa, mỗi lần uống rượu con thấy vui tươi, hoan lạc, yêu đời, yêu người, yêu thương, độ lượng, tha thứ, hào hiệp. Có chai rượu ngon con gọi bạn bè đến, có món ăn ngon con mời bạn bè đến. Uống rượu, đọc thơ và nói những lời tử tế.
-Thôi ngươi hãy về đi, đừng đến đây gặp ta làm gì nữa.
-Thầy không nhận những thằng uống rượu làm đệ tử phải không thầy?
-Không, ta tu tập 50 năm để được sống thích thú, vui tươi, hoan lạc, yêu đời, yêu người, độ lượng, tha thứ, hào hiệp nhưng vẫn chưa đạt đến cảnh giới đó. Còn ngươi chỉ uống rượu lại đạt đến cảnh giới cao nhất của đạo. 
-Nhưng thưa thầy con muốn học đạo.
-Đến với đạo có nhiều đường. Ta ăn chay, tụng kinh, niệm Phật. Ngươi uống rượu, đọc thơ, nói lời tử tế. AI THÀNH TÂM THÌ THIỆN NGỘ!

Nói xong nhà sư quay lưng đi, để lại mình bơ vơ trong sân tu viện.
Vợ mình dắt mình về, nói từ nay sẽ cho thêm tiền mua rượu.

(ST)
Fb Quang Bòn Phạm

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

Những từ nhiều người thường viết sai:

📖 
1. “Dành” và “giành”:
Dành: động từ mang nghĩa tiết kiệm, cất giữ hoặc xác định quyền sở hữu, chia phần cho ai đó. Ví dụ: để dành, phần này dành cho bạn (tương đương với “phần này thuộc về bạn”).
Giành: động từ chỉ sự tranh đoạt. Ví dụ: giành giật, giành chính quyền.

2. “Dữ” và “giữ”:
“Dữ” là tính từ chỉ tính cách. Ví dụ: dữ dằn, giận dữ, dữ tợn, hung dữ, dữ dội…
“Giữ” là động từ chỉ việc sở hữu, bảo vệ. Ví dụ: giữ của, giữ gìn, giữ xe, giữ đồ…

3. “Khoảng” và :khoản”:
“Khoảng” để chỉ một vùng không gian, thời gian, độ dài bị giới hạn. Ví dụ: khoảng cách, khoảng không, khoảng thời gian.
“Khoảng” cũng có khi được dùng để chỉ sự ước lượng. Ví dụ: Nhóm người đó có khoảng chục người.
“Khoản” là một mục, một bộ phận. Ví dụ: tài khoản, điều khoản, khoản tiền.

4. Số chẵn, số lẻ:
Chẵn dấu ngã, lẻ dấu hỏi là đúng.

5. Bán sỉ, bán lẻ:
Cách viết đúng: Cả sỉ và lẻ đều là dấu hỏi.
“Chẳng lẽ” (một từ thường đặt ở đầu câu, dùng để diễn tả suy đoán về một khả năng mà bản thân không muốn tin hoặc không muốn nó xảy ra):
Chẳng dấu hỏi, lẽ dấu ngã. Cái này ngược lại hoàn toàn với “số chẵn, số lẻ”.

6. “Chuyện” và “truyện”:
“Chuyện” là thứ được kể bằng miệng. “Truyện” là chuyện được viết ra và được đọc.
Ví dụ: “chuyện cổ tích” được kể dựa theo trí nhớ nhưng khi chuyện cổ tích được in vào sách thì nội dung được in đó gọi là “truyện cổ tích”. Và nếu có người đọc cuốn sách đó thì người đó đang đọc “truyện cổ tích”.

7. “Sửa” và “sữa”:
Sửa xe, sửa máy móc, sửa chữa là dấu hỏi.
Sữa bò, sữa mẹ, sữa tươi, sữa chua là dấu ngã.

8. “Chửa” và “chữa”:
Chửa: đồng nghĩa với mang thai, là dấu hỏi.
Chữa: đồng nghĩa với “sửa”, thường ghép với nhau thành từ ghép “sửa chữa” (lưu ý: sửa dấu hỏi, chữa dấu ngã mặc dù hai từ này đồng nghĩa)

9. “Dục” và “giục”:
“Dục” nói về chức năng sinh lý của cơ thể hoặc ham muốn. Ví dụ: thể dục, giáo dục, tình dục, dục vọng.
“Giục” nói về sự hối thúc. Ví dụ: giục giã, xúi giục, thúc giục.

10. “Giả”, “giã” và “dã”, "rã":
“Giả”: không phải thật nhưng trông giống thật. Ví dụ: hàng giả, giả dối, giả vờ
“Giả” còn là một từ gốc Hán mang nghĩa “người”. Ví dụ: tác giả (người tạo ra), cường giả (kẻ mạnh), khán giả (người xem), diễn giả (người nói trước công chúng về một chủ đề nào đó).
"Giã": động từ chỉ việc dùng đồ vật chuyên dụng tác động vào vật khác: giã cua, giã giò...
“Giã”: thường ghép với các từ khác. Ví dụ: giục giã, giã từ.
“Dã”: mang tính chất rừng rú, hoang sơ, chưa thuần hóa. Ví dụ: dã thú, hoang dã,  dã tính, dã man.
"Rã": ngược với gắn, kết. "Rã" là động từ, làm rời ra các thành phần gắn, liên kết với nhau như rã đông... Hoặc liên kết thành tính từ chỉ cảm giác mệt mỏi: rã rời

11. “Sương” và “xương”:
“Sương”: hơi nước xuất hiện vào buổi sáng sớm hoặc trong những hoàn cảnh thời tiết đặc biệt. Ví dụ: sương mù, giọt sương, hơi sương, sương muối.
“Xương”: phần khung nâng đỡ cơ thể động vật. Ví dụ: bộ xương, xương bò, xương hầm.

12. “Xán lạn”:
“Xán lạn” là cách viết đúng. Cả “xán” và “lạn” đều là những từ gốc Hán. “Xán” là rực rỡ, “lạn” là sáng sủa. Tất cả các cách viết khác như “sáng lạn”, “sáng lạng”, “sán lạn”… đều là những cách viết sai. Đây là một từ khó, khó đến nỗi rất nhiều bài báo cũng dùng sai.

13. “Tham quan”: 
"Tham quan" nghĩa là xem tận mắt để mở rộng hiểu biết. “Tham quan” là cách viết đúng, “thăm quan” là cách viết sai chính tả.

14. BẢN / BẢNG
BẢN
1. Gốc, vốn, sẵn có: Bản chất, bản lĩnh, bản ngã, bản mệnh, bản quốc, bản sắc, bản thân, bản thế, bản tính, bản xứ.
2. Tấm nhỏ, phiến mỏng; bản in sách: Bản đồ, bản quyền, bản nhạc, kịch bản, bản sao, văn bản, bản thảo, bản kẽm, bản vẽ.
3. Ván phẳng, dài: Thuyền tam bản.

BẢNG
1. lờ mờ, chập chờn, không rõ nét: Hoàng hôn bảng lảng.
2. Biển, bảng niêm yết kết quả: Bảng đen, bảng hiệu, bảng cửu chương, bảng danh dự, bảng nhãn, bảng vàng, khoa bảng, phó bảng.

15. “Xuất” và “suất”:
“Xuất” là động từ có nghĩa là ra. Ví dụ: sản xuất, xuất hiện, xuất bản, xuất khẩu, xuất hành, xuất phát, xuất xứ, xuất nhập… “Xuất” còn có nghĩa là vượt trội, siêu việt. Ví dụ: xuất sắc, xuất chúng…
“Suất” là danh từ có nghĩa là phần được chia. Ví dụ: suất ăn, tỉ suất, hiệu suất…

16.Dùm và giùm
Trong giao tiếp: giùm và dùm là 2 từ đồng âm, nên có cách phát âm giống nhau nên nhiều người sai về cách viết. 
Từ "dùm" là cách viết sai vì nó không có nghĩa gì cả.
Từ " giùm" là làm giúp ai việc gì đó.
Giùm thường đứng sau động từ và đứng ngay trước danh từ chỉ người hoặc vật.
 
Một số quy tắc chính tả:
1. Ch/tr:
Chữ tr không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm như oa, oă, oe, uê. Do đó nếu gặp các vần này, ta dùng ch. Ví dụ: sáng choang, áo choàng, chích chòe, loắt choắt, chuệch choạc, chuếnh choáng…

 Những từ Hán Việt có thanh nặng hoặc thanh huyền thường có âm đầu tr. Ví dụ: trịnh trọng, trình tự, trừ phi, giá trị, trào lưu...

Những từ chỉ vật dụng quen thuộc hoặc các mối quan hệ trong gia đình thường có âm đầu là ch. Những từ mang nghĩa phủ định cũng có âm đầu là ch. Ví dụ: chăn, chiếu, chai, chén, chổi, chum, chạn, chõng, chảo,... chuối, chanh, chôm chôm, cháo, chè, chả, chạy, chặt, chắn, chẻ,... cha, chú, chị, chồng, cháu, chắt,… chẳng, chưa, chớ, chả.

2. R/d/gi:
Chữ r và gi không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm (oa, oe, uê, uy). Do đó gặp các tiếng dạng này thì ta chọn d để viết, không chọn r hoặc gi. Ví dụ: dọa nạt, kinh doanh, duy trì, hậu duệ…

3. Quy tắc ng/ngh, g/gh, c/k
ng, g, c đi với nguyên âm o, ơ, ô, u, ư, a, ă, và â
Ví dụ:  nga, ngân, ngu, ngô, ngắn, gà, gân, gu, gô, gắn, ca, cân, cú, cô, cắn

ngh , gh, k đi với nguyên âm i, e và ê
Ví dụ: nghiêng, nghe, ghen, ghiền, ghê, kẽ, kim, kê

Trong các từ Hán Việt:
+ Các tiếng có thanh ngã hoặc thanh nặng thường viết với âm đầu d.
Ví dụ: diễn viên, hấp dẫn, bình dị, mậu dịch, kỳ diệu...
+ Các tiếng có thanh sắc hoặc thanh hỏi thường viết gi.
Ví dụ: giải thích, giá cả, giám sát, giới thiệu, tam giác...
+ Các tiếng có thanh huyền hoặc thanh ngang thường viết với âm đầu gi khi vần có âm đầu a và viết với âm đầu d khi vần có âm đầu khác a.
Ví dụ: gian xảo, giao chiến, giai nhân, tăng gia, gia nhân, du dương, do thám, dương liễu, dư dật, ung dung...

* Sưu tầm

Nguyễn Chương