Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Nỗi niềm riêng.



Một năm rưỡi rồi Sài Gòn mệt mỏi vì dịch. Gần ba tuần qua Sài Gòn bị cách ly. Một thành phố hồi xưa luôn náo nhiệt giờ đây buồn hiu. Không khí như cô đặc lại. Hàng quán không được tiếp khách tại chỗ, những ngôi nhà mặt tiền trên những con đường buôn bán sầm uất treo bảng trả nhà rồi cho thuê nhà. Mà ai dám thuê nhà để làm ăn giờ phút này? Buôn bán được cái gì?

Quận Tư còn buồn chán nữa. Cảng Sài Gòn chính thức di dời khỏi quận Tư gần được năm năm rồi. Các kho hàng bến bãi ở quận Tư cũng từ từ ngưng hoạt động. Thêm trận dịch quái quỉ, trên bờ dưới nước càng tiêu điều. 

Buổi sáng sớm mùa mưa mà trời vẫn cứ oi nồng. Không khí Sài Gòn những năm sau này ngày càng lạ, tôi không còn đoán biết được hôm nay hay vài ngày tới trời sẽ mưa hay sẽ nắng, sẽ nóng hay sẽ mát… 
 
Mấy năm gần đây tôi cũng ít đoán biết được những người chung quanh mình và ngay cả chính mình đang vui hay buồn, đang sung sướng hay đang đau khổ. Mấy năm gần đây tôi cũng không còn biết hay không thể đoán được Sài Gòn nơi tôi đang sống đang thoải mái hay đang bực bội, hay nó sẽ ra làm sao trong những ngày trước mặt.
 
Sài Gòn đang giận hờn chảnh chọe với ai đó phải hôn? Sài Gòn đang hoang mang bối rối phải hôn? Có con mẹ gì mà nó phải hoang mang? Cuối cùng hỏi một lần cho rốt ráo: Sài Gòn đang sao vậy cà?
 
Chắc nó vẫn là nó như ba bốn trăm năm nay, chỉ có con người sống ở đó là thay đổi, người cũ ra đi người mới tìm đến. Sài Gòn ngày càng lạ.
 
Chắc Sài Gòn cũng như những người hết xí-quách như mình đang có một nỗi niềm riêng nào đó không biết bày tỏ cùng ai, hay ta đang bị ấm đầu, ta đang mất bình thường, ta đang giống một ai đó trong quá khứ mà một buổi sáng oi nồng này ta chợt nhớ. Nỗi niềm riêng khó sẻ chia, bởi chính mình cũng chưa chắc biết chính xác đó là cái gì.
 
Trước đây khi chưa có dịch, sáng nào cũng như sáng nào nếu trời không mưa, tôi ngồi nhấp những ngụm cà-phê đắng bên bờ kinh Tẻ. Cà-phê Sài Gòn ngày càng lạ, hương cà-phê ngày càng thơm tho thấy lạ, nhưng càng ngày càng ít vị cà-phê của ngày xưa. Giá ly cà-phê vỉa hè rẻ so với vật giá thị trường đang tăng vùn vụt chung quanh. Chắc có lẽ người bán cà-phê có một cách pha cà-phê riêng để tồn tại qua những tháng ngày bán buôn hết sức mệt mỏi, họ phải tính toán sít sao doanh thu đầu ra và chi phí đầu vào mà không muốn nói với ai. Vì chẳng ai dám muốn biết? Họ chỉ biết nói thầm với khách quen uống cà-phê: Ai uống nhiều cà-phê của tui mà bị bịnh ung thư chết sớm thì ráng chịu.
 
Buổi sáng hôm nay quán cà-phê không cho ngồi uống tại chỗ, đi lang thang khi đường xá quận Tư hoang vắng lạ lùng. 

Đếm tháng ngày qua… thế mà đã ba mươi mấy năm tôi sống vật vờ trên vùng bến cảng, ba mươi lăm năm ngắm nhìn dòng kinh Tẻ ngày càng nhếch nhác. Ba mươi lăm năm từ một thanh niên đen đen giòn giòn biến thành một thằng già xanh xanh vàng vàng ốm yếu, đi mươi bước lại phải dừng một bước để hít ô-xi.
 
Tôi lửng thửng đi dọc bến sông Tôn Thất Thuyết ra đường Trương Đình Hội rồi ra tới ngã ba sông. Ngã ba sông Sài Gòn và kinh Tẻ ngày xưa là một điểm mốc quan trọng của luồng sông Sài Gòn, nơi trước đây có đặt trụ sở của Công ty Hoa tiêu Sài Gòn. Mười mấy năm trước làm ăn tốt, chắc còn dư quá nhiều tiền Hoa tiêu phí, ông giám đốc cũ đã cho đầu tư xây một cao ốc văn phòng trên đường Đinh Tiên Hoàng đối diện đài truyền hình thành phố và một khách sạn bốn sao ở Bãi Trước Vũng Tàu, nên hiện nay chỗ ngã ba này là một bãi đất trống. 

Đứng chỗ ngã ba sông này nhìn ra sông Sài Gòn nhìn vô Kinh Tẻ mà nhớ đủ thứ chuyện trên đời…
 
Ngó qua bên phía quận Bảy, cuối đường Trần Xuân Soạn, tôi vẫn còn nhớ rõ căn nhà ngói đỏ tường vàng có từ thời Pháp, sau này là trụ sở C13 Biên phòng Cảng Sài Gòn.
 
Mấy người lính thời 1985 khi tôi mới vào nghề chắc tới giờ này cũng ngỏm củ tỏi một mớ khá bộn, mớ còn lại chắc cũng xanh xanh vàng vàng ốm yếu giống như tôi. Thời gian là con quỉ tham lam hút máu người, làm cho người ta hết tinh lực hết đen giòn trông thấy nản… Nhớ lại bọn họ ba mươi lăm năm trước đen giòn mạnh mẻ hơn tôi nhiều lắm, lại ưa thích ra oai với đám trẻ lang thang trên sông như tôi.
 
Lính biên phòng đóng ở đồn ngã ba sông hồi đó trẻ măng. Xà-lan hay tầu kéo đi ngang qua khúc ngã ba này thì mười lần như chục họ ngoắc phải ghé vào, không chịu ghé thì họ chạy canô ra chặn đường để kiểm tra. Lúc nào kiểm tra cũng làm ra vẻ mặt hầm hầm, được một lúc sau thì ca vọng cổ: Mấy ông làm ăn vô mánh sống sung sướng quá mà, chẳng bù tụi tui lính tráng cực khổ thấy mẹ, lương ba cọc ba đồng rầu thấy bà. 

Tôi ưa giả lả cười cầu hoà: Sông có lúc người có khúc, kiếm được đồng bạc cũng sôi nước mắt chớ có phải tiền trên trời rơi xuống đâu mấy cha?
 
Nói thật, đời sông nước cũng có lúc vô mánh lớn có thiệt nhiều tiền, nhưng đôi lúc đi làm cả tháng cũng chẳng có được cái gì, nhất là mấy chuyến giao hàng cho thủy điện Trị An hay giao các mặt hàng chiến lược qua Campuchia. Chỉ biết đau đớn lấy tiền nhà ra bù tiền cơm nước.
 
Sợ nhất là khi đi áp tải mấy chuyến xà-lan chở gạo từ miền Tây về Sài Gòn xếp lên tầu biển phục vụ cho mấy chiến dịch cứu đói miền Bắc của tướng Đồng Sĩ Nguyên, có khi mấy tháng không được ai bồi dưỡng cho đồng nào, nhưng hễ tầu chở gạo cập bến Hải Phòng mà đếm thiếu hàng hay trễ hạn là lính của tướng Nguyên bay vô Sài Gòn hỏi thăm sức khỏe liền. Tướng Nguyên ngày đó mỗi lần vào cảng kiểm tra tiến độ làm hàng cứu đói nói giọng Quảng Bình đặc sệt: Thiệu lạ hột, thiệu lạ hột! Chậm lạ hột, chậm lạ hột!
 
Tức thiếu hàng là bị hốt nhốt vô tù, làm hàng chậm cũng bị hốt vô tù. 
 
Thời gian khổ đó, cứ mỗi lần thấy mấy ông lính biên phòng của C13 nhảy lên xà-lan là tôi cởi trần chạy lên boong nói liền: Rồi rồi, kiểm tra cho lẹ cho tui đi rồi tui tính. Lát nữa cập bến an toàn tui chạy lên rủ mấy cha đi nhậu.
 
Nói vậy cho xong chuyện để xà-lan chạy cho kịp chuyến hàng thôi, chớ tiền đâu mà tôi tính, tiền đâu mà bao người ta nhậu trong những lúc mà chính bụng mình cũng đói meo. Xà-lan cập bến làm hàng được là tôi trốn mất biệt luôn cho tới mấy chuyến hàng sau.
 
Tới lúc vô phúc đi qua ngã ba này lần nữa thì tụi nó lại nhảy lên, làm dữ dằn hơn nữa, vừa lên đạn súng AK lốp cốp vừa gầm gừ như kép độc hát cải lương: Ông giỡn mặt chính quyền hả? Ông dám cho tụi tui leo cây phải hôn? Lần này tụi tui tính ông thiệt gọn, tính làm sao cho ông bỏ luôn cái tật xù.
 
Hung dữ làm oai cho người ta sợ chơi chơi vậy thôi chứ sau này khi về hưu tình cờ gặp lại, họ thích lôi chuyện cũ ra làm quà, làm quà mãi cho tới khi người đi kẻ ở…
 
Hôm nay có một kẻ còn ở lại là tôi đang nhìn qua bên kia sông mà nhớ người xưa: Thằng nào ngỏm thì đã ngỏm, thằng nào còn sống sót thì cũng xanh xanh vàng vàng ốm yếu như tôi hết cả rồi. Ngày già khằn tình cờ gặp lại, mấy người may mắn còn sống sót trên cuộc đời này ưa nhắc lại chuyện làm ăn cũ của tôi: Làm đi rồi tính, tính đi rồi xù, xù xong rồi trốn, trốn đi lại làm… gọi là “trốn làm”.
 
Nhìn quãng đời tuổi trẻ trôi qua trên sông Sài Gòn sao nhanh quá. Bây giờ ai cũng có con cháu, chẳng ai muốn kể cho con cháu mình nghe những chuyện ngày xưa khi cha mẹ của chúng còn quá nghèo phải bươn chải, phải đòi hỏi bon chen chụp giựt, thậm chí lừa dối nhau hay bóc lột nhau… để kiếm cơm về nuôi vợ nuôi con.
 
Dòng sông Sài Gòn mỗi ngày mỗi khác suốt mấy chục năm qua… thoạt trông quen mà hóa ra lạ vô cùng.
 
Thỉnh thoảng gặp nhau ở mấy quán vỉa hè có người nhấp ngụm cà phê sáng hỏi tôi: Nghĩ lại hồi đó tụi mình tuy nghèo nhưng mà vui quá hả ông? Có người đang bực dọc chuyện gì đó với vợ con ở nhà nên chửi thề: Đù mẹ, vui cái con cặc!
 
Tôi bữa nào khỏe thì góp vào: Ừ, tôi thấy hồi đó cái gì nghĩ lại cũng thấy vui, hồi đó sao ai cũng làm bộ đóng kịch giỏi thiệt. 

Còn bữa nào mệt mỏi quá tôi cũng hùa chửi thề theo: Vui cái con cặc!
 
Sáng hôm nay nhìn qua phía đường Trần Xuân Soạn, tôi cũng đang hết sức bâng khuâng vì nhớ chuyện của Tân. Đếm tháng ngày trôi, thế là Tân ra đi đã được chục năm rồi. Tân nhảy sông tự tử không biết vì lý do gì, chắc có lẽ nó muốn hòa về biển cả như một câu thơ mà nó đã viết trên tờ tally sheet mà tôi lén đọc được ngày nào.
 
Hồi năm đó, thấy Tân ra ngoài bến cảng làm việc không chịu chăm chú đếm hàng mà ưa ngó lên trời, tôi mắng nó: Chắc cậu không muốn làm tally kiểm kiện, chắc cậu muốn xuống làm bốc xếp, mai tôi xin cho cậu xuống làm bốc xếp. Đếm hàng mà lơ mơ kiểu như cậu chắc hàng hóa mất hết quá. Cậu biết rồi, tôi thì nghèo, nếu cậu làm thiếu hàng thì tôi lấy đâu ra tiền mà đền bù cho người ta?
 
Cha của Tân là đàn anh của tôi khi tôi mới ra trường xin vào cảng biển làm nghề xà-lan. Khi tôi đã ra làm tư nhân, ông gởi Tân vào công ty của tôi và bảo tôi phải truyền nghề thương vụ hàng hải cho nó. Ông mô tả về thằng con của ông: Nó học hành cũng đã hết đại học, nhưng không muốn học nghề gì cho ra hồn, mà cũng chẳng muốn làm bất cứ việc gì cụ thể…
 
Và rồi, trong cái công ty khố rách áo ôm của tôi, Tân lại càng không muốn làm bất cứ việc gì hết.
 
Ngày đầu tiên dắt tay Tân vào giao cho tôi, cha nó nói: Ngày xưa tôi đối xử tốt với anh, bây giờ anh phải ráng xử tốt với con tôi. 

Tôi ngồi thừ người suy nghĩ mãi mà không nhớ ra hồi đó ông tốt với tôi như thế nào và tốt vì chuyện gì. Chỉ nhớ hồi tôi mới chân ướt chân ráo vào trong cảng làm việc thì ông ưa chửi thề lắm, lại chửi tục nữa.
 
Cứ mỗi lần tôi lỡ tay sơ sót làm sai bất cứ việc gì là ông la to lên cho mọi người trong cơ quan cùng nghe, chắc cố ý cho mọi người biết tôi là một thằng vô cùng bết bát và hậu đậu. Ông hay mắng tôi: Đù mẹ, anh làm không được thì xin nghỉ việc cho rồi đi, cứ xớ rớ đứng trước mặt làm tôi khó chịu quá!
 
Tôi thường chửi thầm trong bụng: Hãy đợi đấy! Ngày nào đó tôi có quyền có tiền thì ông coi chừng tôi, tôi không bao giờ quên những chuyện ông làm ngày hôm nay với tôi đâu.
 
Rồi sống và làm việc với ông lâu hơn, tôi mới hiểu gia đình ông không được ổn. Ông có một người vợ không được bình thường, vì bị bệnh tâm thần nên bà phải nghỉ nhà nước ở hẳn trong nhà không làm được việc gì cả. Vợ ông cần ông chăm sóc, ông lại còn một đàn con nheo nhóc đang đi học.

Chính vì hoàn cảnh đó nên ông sinh ra tính cộc cằn thô lỗ. Và khi hiểu được hoàn cảnh gia đình người ta rồi thì tôi mới hết căm tức.
 
Suốt mấy năm làm việc chung, cứ mỗi lần thấy ông lên cơn chửi bới tôi thường nhe răng cười rồi bỏ đi chỗ khác hút thuốc. Mấy người trong cơ quan hậm hực giùm: Thằng Ba này nhát gan quá, tao mà bị lão ấy chửi như vậy là tao đánh lại liền. 

Họ đâu có biết tôi thấy hoàn cảnh của ông cũng giống như hoàn cảnh của tôi, vì trong nhà của cả hai người đang có những nỗi khổ giống nhau nên rất hiểu lòng nhau.
 
Lúc tôi mới ra làm kinh tế tư nhân, ông liền gọi lại răn đe: Tôi nói trước, anh mà lấy mất bất kỳ một khách hàng nào của nhà nước đem ra ngoài làm khách riêng của anh là tôi bụp anh liền. Lúc đó đừng có nói anh em gì hết nghe.
 
Tôi làm ra vẻ khúm núm: Ai dám làm chuyện bất nhơn như vậy được hả anh? Lúc nào em cũng nhớ lời anh dạy làm người là phải hết sức đàng hoàng, công ra công tư ra tư, mình đâu phải con thú đâu mà không biết suy nghĩ hả anh. Ông gầm gừ: Tôi nói trước rồi đó, anh mà hó hé là tôi bụp anh liền.
 
Mấy tháng sau ông về hưu nên tôi không bị bụp. Vừa về hưu là ông suy sụp liền, tinh thần đi xuống, tiền bạc cũng đi theo, gia đình vốn đã khó khăn lại càng hết sức khó khăn. Lại sĩ diện hão nên ông chẳng bao giờ quay lại thăm cơ quan cũ, chắc ông sợ người ta nghĩ ông quay lại đó để xin chút tiền hay xin chút ân huệ.
 
Lẽ ra ông có thể xin cho Tân chỗ nào khác ngon lành hơn, chớ không phải đi theo tôi học nghề, bởi lẽ công ty riêng của tôi nghèo lắm. Nhưng chắc do mối quan hệ của ông với những người có chức có quyền khác không được tốt, nên chẳng ai thèm ra mặt giúp đỡ con ông. Kẹt lắm, ông mới đưa Tân vào làm trong công ty nghèo đói của tôi.
 
Tân vào làm việc mới mấy ngày tôi đã phát hiện ra nó cực kỳ cô đơn, cực kỳ khó hiểu, cực kỳ lạ lùng… nếu so với đám con trai đồng trang lứa trong công ty. Tôi điện thoại cho ông và hỏi: Anh nói thực cho em biết thằng Tân từ nhỏ tới lớn có được bình thường như những người khác không anh?
 
Ông im lặng nén tiếng thở dài qua điện thoại rồi trả lời: Không được bình thường đối với người ta, nhưng đối với tôi nó rất bình thường, thậm chí rất được. Nó giống y như tôi hồi nhỏ là cực kỳ cô đơn, cực kỳ khó hiểu, nhưng lại cực kỳ trong sáng và biết lo lắng yêu thương người khác. Anh làm việc với tôi lâu anh thấy đó, tôi không thể biểu hiện tình cảm của tôi ra ngoài cho người khác thấy, riết rồi tôi lập dị, tôi khó chịu trong con mắt người khác. Nó cũng đang khổ sở giống y như tôi hồi xưa vậy đó.
 
Tân càng ngày càng ra vẻ cô độc tợn, không nói không cười, khi nào hiếm hoi nói chuyện với ai thì ưa ngó xuống đất, không dám nhìn thẳng vào mắt của người đối diện, ít khi trả lời thẳng vào câu hỏi của người đối diện, đặc biệt không ai biết khuôn mặt nó đang biểu hiện là nó đang buồn hay nó đang vui. Được tôi giao bất cứ việc gì nó cũng không tỏ vẻ vui mà cũng không buồn, khuôn mặt vô cảm làm tôi cũng cảm thấy áy náy không biết mình có thể chỉ dẫn cho nó được cái gì như lời cha nó căn dặn hay không. Tôi cũng không biết nếu nó làm hư việc thì tôi sẽ lãnh hậu quả như thế nào. Lúc nào nó cũng mơ mơ màng màng ngó lên trời, còn lúc nào tôi cũng thấy bất an khi giao việc cho nó.
 
Hồi năm đó Thu Phương chưa trốn đi qua Mỹ, cô ca sĩ miền Bắc đó đang nổi lên ở Sài Gòn với bài hit Dòng sông lơ đãng phát trên radio FM Làn sóng xanh, bọn nhỏ trong công ty lấy tên bài hát đặt tên cho Tân là “Dòng sông lơ đãng”.
 
Một hôm ra cảng kiểm tra tôi tình cờ đọc được mấy câu thơ của Tân viết trên tờ giấy tally sheet trong một buổi làm việc mà nó vừa lơ mơ kiểm đếm hàng hóa vừa nhìn lên trời cao:
 
Bên dòng sông mà sóng cứ ca hát mãi không thôi,
mình muốn có nỗi niềm riêng cũng khó.
Chắc có lẽ vì sông luôn trôi về biển,
mang hết cái riêng tôi hòa với cái của người.
Cứ mỗi ngày hai con nước lớn,
sông mênh mông chẳng thấy bến hay bờ.
Khi nước xuống cuốn hết đi những chuyện đời sông muốn nhớ,
mà ngoài biển xa đâu muốn biết chuyện của sông.
 
Tôi đọc mấy câu thơ của Tân làm vội vàng trên bến cảng mà buồn mà sợ. Tôi cảm thấy Tân đang sống trong một thế giới khác, một thế giới của riêng nó, thế giới mà kể cả cha của nó cũng chưa chắc hiểu hết được huống hồ là tôi, một người mới biết nó mấy tháng nay.
 
Từ đó, tôi không rầy la nó nữa, tôi chỉ khen nhè nhẹ để nó khỏi kiêu căng: Em làm thơ cũng được, cũng đỡ, cũng tạm… Ít ra thơ em cũng hay ho hơn những lời chửi thề thô tục của tôi, tôi mà có muốn làm thơ chắc chắn sẽ không làm được như em. Ít ra thơ của em cũng hay hơn mấy bài thơ chào mừng những ngày lễ lớn hay khóc lóc giùm cho mấy cán bộ lớn bị bịnh chết. 
 
Tôi cũng không còn dám đe dọa chuyển nó xuống làm bốc xếp nữa. Nhưng làm việc chưa đầy một năm, một hôm nó bảo tôi: Cho phép em nghỉ việc đi anh, em không hợp với nghề tally kiểm hàng. 

Khi nói câu nói đó nó không biểu lộ cảm xúc gì, mắt nó vẫn cứ nhìn xuống đất, hai tay nó cứ xoắn xít vào nhau.
 
Tôi ôn tồn khuyên: Em cứ ở lại đây, từ bây giờ chẳng ai đụng chạm tới em nữa, em muốn làm gì cũng được, miễn sao tôi thấy em vui là được rồi. Mỗi con người trời sinh ra để làm một chuyện, chắc trời sinh em ra để làm thơ, dù chưa chắc có ai muốn đọc thơ của em. Nhưng em cố nhớ lại xem, nếu em không ra cảng làm việc thì làm sao em thấy được sông và biển để mà viết được mấy câu thơ đọc lên nghe hay gần chết như “Mình muốn có nỗi niềm riêng cũng khó”.
 
Cái đó trong văn chương gọi là vốn sống quí, em phải sống nhiều làm việc thiệt là nhiều với sông với biển rồi em sẽ làm được nhiều thiệt là nhiều bài thơ hay tuyệt cú mèo thôi.
 
Nói mãi Tân vẫn không nghe. Mấy hôm sau nó nghỉ việc thật. Cha của Tân thở dài qua điện thoại: Thôi, tôi cảm ơn anh. Từ lâu tôi cũng nghĩ nó không hợp với cái nghề của tụi mình, nghề của bọn mình bon chen bốc hốt chụp giựt quá.
 
Tôi hỏi: Rồi anh định liệu cuộc đời nó ra làm sao? Ông trả lời: Nó đã lớn, nó có con đường đi riêng của nó. Có khi nó sẽ là một nhà thơ, nhưng tôi chỉ sợ mới làm thơ được vài năm mà nó bị thất vọng thì sinh chuyện, lúc đó bịnh càng khó chữa.
 
Tôi: Sao anh lại dùng chữ bịnh chữ chữa ở đây? Hay là thằng Tân nó bị bịnh mà anh giấu em. Ông than: Thôi! Hôm nào gặp lại tôi sẽ nói chuyện nhiều hơn với anh. Cám ơn anh lần nữa. Nước mắt chảy xuôi phải không anh, người già hay cha mẹ luôn phải đau khổ vì những người trẻ hay con cái của mình. 

Anh đâu có biết, ngày anh mới vào cảng làm việc tôi cũng rất khổ sở vì anh, chắc tôi kỳ vọng vào anh nhiều quá mà sinh khổ. Mỗi lần anh làm cái gì đó sai mà bị đối tác khách hàng lên cơ quan khiếu nại, tôi chửi anh trước mặt họ rồi bảo anh đi chỗ khác cho tôi làm việc. Rồi tôi xin lỗi người ta, tôi nhận hết cái sai về tôi. Tôi chửi mắng anh nhưng vừa mắng vừa dạy như dạy một thằng em, còn nếu như để cho khách hàng khiếu nại anh thì anh phải trả tiền phạt tiền bồi thường. Tôi biết anh cũng đã đối xử với con tôi y như tôi đối xử với anh, tôi biết ơn anh nhiều. Chỉ tiếc thằng Tân nó không có số hưởng.  
 
Hôm sau ông đến tìm tôi và nói tiếp: Từ ngày sinh ra nó đã là như vậy, đã cô đơn, đã khác người. Nó không có bạn, nó cũng chẳng thích chơi đùa với mấy đứa em của nó, nó cũng không thể gần gũi mẹ nó và tôi cũng không biết nó có yêu mẹ nó hay không. Mà mẹ của nó thì anh cũng đã biết rồi đấy, cô ấy bị bịnh đã mười mấy năm nay.
 
Người vợ của ông xếp là một người đàn bà không bình thường, phải nghỉ việc ngang vì bịnh tâm thần. Hồi tôi mới vô cơ quan làm việc, có lần tôi thấy bà lên tìm ông trong bộ quần áo nát bấy lôi thôi. Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ ông đã đẩy nhẹ bà ta ra khỏi phòng làm việc, dìu bà đi xuống cầu thang rồi dìu bà lần lần ra cửa, miệng nói như mếu như van lơn: Tôi đưa em về nhà nghen, tôi ra chợ mua trái cây mua kẹo cho em ăn nè. Hai đứa mình đi nghen.
 
Số là vào buổi sáng hôm đó bọn nhỏ con nhà ông xếp quên khóa cửa nên bà thoát được ra ngoài đường, lếch thếch đi bộ tới cơ quan tìm ông và nói với mấy người bảo vệ là bà thèm trái cây thèm bánh kẹo và muốn tới cơ quan xin tiền của ông xếp để ra chợ mua mấy thứ đó. 
 
Hồi đó, tôi nghĩ một người bị điên mà vẫn còn nhớ cách tìm đường đi đến tận cơ quan để tìm chồng thì chắc cũng không điên nặng lắm, nhưng rồi sau này nghe người ta kể lại cứ mỗi lần thoát được ra ngoài đường là bà ấy hay cởi hết quần áo đi đi lại lại nói năng lảm nhảm, tôi lại nghĩ chắc là bà ấy bịnh nặng lắm rồi.
 
Sau khi Tân nghỉ việc, hình bóng hai cha con của Tân ít khi xuất hiện trong suy nghĩ của tôi suốt mấy năm ròng. Chắc vì tôi bận bịu quá. Công việc trong công ty riêng của tôi suốt mấy năm trời cũng đã ổn định dần. Tôi cũng ít khi nào nhớ tới nỗi niềm riêng của nó.
 
Mấy năm sau, nghe bọn nhỏ trong công ty nói Tân đang làm bốc xếp ở bến sông A6, một kho hàng chuyên bốc xếp phân hóa học nằm trên đường Tôn Thất Thuyết quận Tư. Tôi điện thoại nói với cha của nó: Sao anh lại để Tân làm culi bến cảng? Em thấy lo cho nó quá.
 
Ông thở dài: Thôi, mỗi người có một số phận. Miễn sao cuối ngày nó lành lặn trở về nhà cho tôi thấy mặt nó là được rồi. Tôi già rồi, tôi vô dụng lắm rồi. Thấy đủ mặt vợ con mỗi buổi chiều trong căn nhà tồi tàn của tôi là đủ rồi, là tôi hạnh phúc lắm rồi.
 
Tôi không hề hạnh phúc chút nào khi nghe ông nói tới chữ hạnh phúc mà lại cứ thở dài thườn thượt nghe nẫu cả ruột gan.
 
Bốc xếp, cu-li… nghe cái tên chẳng hấp dẫn chút nào. Hồi mới vào làm việc trên sông nước tôi cũng còn lơ mơ với cái tên bốc xếp, cu-li lắm. Làm một thời gian thì hiểu. Bốc xếp thì biết rồi, đó là bốc hàng lên từ một phương tiện vận tải hay kho bãi và xếp cho gọn vào một phương tiện vận tải hay kho bãi khác … hay là làm những động tác theo chiều ngược lại.
 
Còn từ culi thì có vô mấy bến, mấy cảng tìm hiểu thời gian dài mới dùng chính xác được. Đó là loại người lao động chân tay, lao động phổ thông, lao động tạp nham hơi cà chớn… vì tiền phải chịu làm hết mấy công việc dơ bẩn- dirty, nguy hiểm- dangerous. 

Nhưng culi là người gốc Á như người Tàu, người Ấn hay người Việt… mới gọi là culi. Gọi bọn Tây da trắng là culi nó đánh cho bỏ mẹ.
 
Bốc xếp và culi không phải là thứ nghề nghiệp mà người ta ao ước được làm, có lẽ vì nó cực nhọc hèn kém quá. Thời Pháp thuộc qua đi rồi tới thời Cộng hòa, rồi qua thời Cách mạng… trên các bến cảng của miền Nam hễ nói tới bốc xếp hay culi là nói tới lớp người thuộc giai tầng thấp nhứt, nghèo khổ nhứt trong xã hội.
 
Ngay cả tại những chỗ nghèo khổ như quận Tư, tôi chưa thấy ai dám vỗ ngực xưng tên: Tôi là culi đây!
 
Năm 1985 mới vào nghề, tôi đi lang thang hết bến cảng này đến bến cảng khác ở miền Nam, và hiểu ra rằng các bến cảng không thể hoạt động nếu không có bốc xếp, culi. Bốc xếp, culi rất quan trọng và có lẽ đóng vai trò quan trọng nhứt trong hoạt động của bến cảng, dù rằng đó là loại lao động mạt hạng mà chế độ nào cũng coi thường.
 
Hồi đó, kéo xà-lan vô tới các bến hàng dọc hai bên bờ Kinh Tẻ, rồi vô tới tận trong khu Bình Đông, Chợ Lớn, đoàn xà-lan chở hàng của chúng tôi lệ thuộc hoàn toàn vào sức lao động của bốc xếp, culi để giải phóng hàng hóa, giải phóng xà-lan. Đội bốc xếp giỏi gọi là đội “chiến” hay đội chuyên nghiệp thì mỗi bến may lắm chỉ có được một hai đội thôi, còn đa số còn lại là các người nghèo vì hoàn cảnh phải xin làm bốc xếp ăn công theo buổi hay theo ngày, những người này không phải là bốc xếp chuyên nghiệp, khi bốc xếp thường làm hư hỏng hàng hóa và cũng dễ gây tai nạn lao động thậm chí chết người.
 
Nghe Tân đang làm bốc xếp, tôi tìm cách xuống bến A6 thăm nó một lần. Tôi biết nó không thể nào trở thành dân bốc xếp chuyên nghiệp được. Tôi sợ nó té xuống sông hay bị hàng đè.
 
Tìm ra Tân, nó ngó xuống đất mà nói với tôi: Cảm ơn anh quan tâm, nhưng em ngoài làm culi ra thì còn làm được cái gì? Nghỉ việc bên anh, em cũng xin làm tiếp thị, xin làm kế toán, xin làm đủ các thứ trên đời suốt mấy năm nay mà có cái gì ra cái gì đâu. Đi đâu người ta cũng nói em khùng, em không được bình thường. Chỉ có làm bốc xếp vác mấy bao phân kiếm tiền là người khùng như em làm cũng được. Em biết an phận rồi.
 
Tôi ngóng chờ mãi không thấy Tân làm thêm được câu thơ nào để tặng tôi ngoài con mắt ngó xuống đất. Tôi hỏi: Em có còn làm thơ? Tân ngó xuống đất không trả lời và rồi xin tạm biệt: Thôi em xin phép đi làm tiếp nghe anh.
 
Chiếc đòn gỗ trơn trợt dài thòn nối từ chiếc xà lan xuống bờ sông rất chênh vênh. Tôi nhìn thấy bóng dáng nhỏ thó của Tân đi lên đi xuống trên chiếc đòn đó, trên vai vác nặng bao phân mà buồn mà sợ. Tôi bỏ đi và không bao giờ dám ghé kho A6 nữa.
 
Mười năm trước cũng vào một buổi sáng oi nồng nghe cha của Tân gọi điện báo tin mà giọng ông không buồn, không vui: Tân nó nhảy sông tự tử chết hôm qua rồi anh à. Anh ráng ghé thăm cháu một chút đi.
 
Tôi bàng hoàng: Sao vậy anh? Ông trả lời: Mỗi người có một số phận riêng, một nỗi niềm riêng. Là cha nó nhưng tôi không hiểu con mình ngay từ khi nó mới sinh ra đời. Thôi, tôi cứ tự an ủi chết là hết.
 
Hôm nghe tin Tân ra đi cũng như buổi sáng hôm nay, tôi cứ thẩn thờ nhìn Dòng sông lơ đãng của tôi đang trôi dần ra biển, mang theo thân xác và nỗi niềm riêng của một đứa con trai ngày đó tuổi đã quá ba mươi mà chưa một lần dám nhìn thẳng vào mắt của người đối diện.

Momentary Note

Không có nhận xét nào: