Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

NGƯỜI LÍNH CŨ



Người trăm năm cũ bây giờ nơi đâu?
.
I. BUỒN KHÔNG NGƯỜI LÍNH CŨ?
.
1.
Chiều vội vã tà huy nhòa bóng
Đông phong về lăn chiếc lá tàn thu
Có bóng người cao thấp lối sương mù
Đời lữ khách mòn theo từng năm tháng
.
Sâu góc vắng khói thuốc cay vương mắt
Dĩ vãng buồn theo từng giọt cà-phê
Khúc "Tình xa" quá khứ lại về [*]
Thời đã cũ. nhớ chi. người lính cũ?
.
“Lứa lận đận chúng ta cùng một lũ” [**]
Mất còn ai ngày tháng hao mòn?
Đã rồi tình sương khói hư không
Đầu tuyết điểm... buồn không người lính cũ?
.
2.
Chiều cuối năm buồn chi người lính cũ?
Bận lòng chi. đáy cốc bóng hình?
Lặng nhìn chi. khói thuốc lung linh?
Để quay quắt. để thống trầm lòng lính cũ?
.
Người lính cũ búng bay tàn thuốc vỡ
Búng bay không. từng mảnh vỡ hồn sầu?
Búng bay không. hằn những vết sẹo đau?
Tha phương. quán lạ. vọng cố nhân…
Buồn không người lính cũ?
.
Mắt phố đầy. một bóng người khập khiễng
Đêm cuối năm. từng bước quá khứ buồn
Nhớ thân quen bè bạn đã từng …
Tan sương khói!
Buồn không người lính cũ?
………..
[*] Tên bài nhạc của Trịnh Công Sơn
[**] Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân/ Cùng một lứa bên trời lận đận– (Bạch Cư Dị/ Phan Huy Vịnh dịch)
.
II. HỒN NGƯỜI LÍNH CŨ
.
“Đã rồi một trận máu tanh
Hồn xưa lính cũ tan thành quách xưa
Lạc ơi! Gió lạnh mưa thưa
Bao năm hồn cũ bây giờ còn đâu?”
(Trần Phù Thế)
.
*
Mùa xuân hoa nở khoe màu
Hồn người lính cũ nỗi sầu thời qua
Còn đâu? Tình đó thiết tha
Ngày xuân đất khách chỉ là… người ơi!
.
Bạn bè dăm đứa một thời
Khói cay đôi mắt.... Giọt rơi đáy sầu
Lính ơi! đâu có gì đâu?
Mà lòng trầm thống mà rầu xuân thu
.
Buồn chi? Sương khói mây mù
Hợp tan. tan hợp bay vù trời không
Nhân sinh... những hạt bụi hồng
Lời kinh: “Mộng huyễn, bọt sương, chớp lòe.” [*]
……………….
[*] “Nhất thiết hữu vi pháp/ Như mộng, huyễn, bào, ảnh/ Như lộ diệc như điện/ Ưng tác như thị quán.”: Tất cả pháp hữu vi/ Như mộng, huyễn, bọt, bóng/ Như sương, như chớp loé/ Hãy quán chiếu như thế- Kinh Lục Như/ Kim Cang
.
Nguyên Lạc 
.........................
Tranh ST

Nỗi niềm riêng.



Một năm rưỡi rồi Sài Gòn mệt mỏi vì dịch. Gần ba tuần qua Sài Gòn bị cách ly. Một thành phố hồi xưa luôn náo nhiệt giờ đây buồn hiu. Không khí như cô đặc lại. Hàng quán không được tiếp khách tại chỗ, những ngôi nhà mặt tiền trên những con đường buôn bán sầm uất treo bảng trả nhà rồi cho thuê nhà. Mà ai dám thuê nhà để làm ăn giờ phút này? Buôn bán được cái gì?

Quận Tư còn buồn chán nữa. Cảng Sài Gòn chính thức di dời khỏi quận Tư gần được năm năm rồi. Các kho hàng bến bãi ở quận Tư cũng từ từ ngưng hoạt động. Thêm trận dịch quái quỉ, trên bờ dưới nước càng tiêu điều. 

Buổi sáng sớm mùa mưa mà trời vẫn cứ oi nồng. Không khí Sài Gòn những năm sau này ngày càng lạ, tôi không còn đoán biết được hôm nay hay vài ngày tới trời sẽ mưa hay sẽ nắng, sẽ nóng hay sẽ mát… 
 
Mấy năm gần đây tôi cũng ít đoán biết được những người chung quanh mình và ngay cả chính mình đang vui hay buồn, đang sung sướng hay đang đau khổ. Mấy năm gần đây tôi cũng không còn biết hay không thể đoán được Sài Gòn nơi tôi đang sống đang thoải mái hay đang bực bội, hay nó sẽ ra làm sao trong những ngày trước mặt.
 
Sài Gòn đang giận hờn chảnh chọe với ai đó phải hôn? Sài Gòn đang hoang mang bối rối phải hôn? Có con mẹ gì mà nó phải hoang mang? Cuối cùng hỏi một lần cho rốt ráo: Sài Gòn đang sao vậy cà?
 
Chắc nó vẫn là nó như ba bốn trăm năm nay, chỉ có con người sống ở đó là thay đổi, người cũ ra đi người mới tìm đến. Sài Gòn ngày càng lạ.
 
Chắc Sài Gòn cũng như những người hết xí-quách như mình đang có một nỗi niềm riêng nào đó không biết bày tỏ cùng ai, hay ta đang bị ấm đầu, ta đang mất bình thường, ta đang giống một ai đó trong quá khứ mà một buổi sáng oi nồng này ta chợt nhớ. Nỗi niềm riêng khó sẻ chia, bởi chính mình cũng chưa chắc biết chính xác đó là cái gì.
 
Trước đây khi chưa có dịch, sáng nào cũng như sáng nào nếu trời không mưa, tôi ngồi nhấp những ngụm cà-phê đắng bên bờ kinh Tẻ. Cà-phê Sài Gòn ngày càng lạ, hương cà-phê ngày càng thơm tho thấy lạ, nhưng càng ngày càng ít vị cà-phê của ngày xưa. Giá ly cà-phê vỉa hè rẻ so với vật giá thị trường đang tăng vùn vụt chung quanh. Chắc có lẽ người bán cà-phê có một cách pha cà-phê riêng để tồn tại qua những tháng ngày bán buôn hết sức mệt mỏi, họ phải tính toán sít sao doanh thu đầu ra và chi phí đầu vào mà không muốn nói với ai. Vì chẳng ai dám muốn biết? Họ chỉ biết nói thầm với khách quen uống cà-phê: Ai uống nhiều cà-phê của tui mà bị bịnh ung thư chết sớm thì ráng chịu.
 
Buổi sáng hôm nay quán cà-phê không cho ngồi uống tại chỗ, đi lang thang khi đường xá quận Tư hoang vắng lạ lùng. 

Đếm tháng ngày qua… thế mà đã ba mươi mấy năm tôi sống vật vờ trên vùng bến cảng, ba mươi lăm năm ngắm nhìn dòng kinh Tẻ ngày càng nhếch nhác. Ba mươi lăm năm từ một thanh niên đen đen giòn giòn biến thành một thằng già xanh xanh vàng vàng ốm yếu, đi mươi bước lại phải dừng một bước để hít ô-xi.
 
Tôi lửng thửng đi dọc bến sông Tôn Thất Thuyết ra đường Trương Đình Hội rồi ra tới ngã ba sông. Ngã ba sông Sài Gòn và kinh Tẻ ngày xưa là một điểm mốc quan trọng của luồng sông Sài Gòn, nơi trước đây có đặt trụ sở của Công ty Hoa tiêu Sài Gòn. Mười mấy năm trước làm ăn tốt, chắc còn dư quá nhiều tiền Hoa tiêu phí, ông giám đốc cũ đã cho đầu tư xây một cao ốc văn phòng trên đường Đinh Tiên Hoàng đối diện đài truyền hình thành phố và một khách sạn bốn sao ở Bãi Trước Vũng Tàu, nên hiện nay chỗ ngã ba này là một bãi đất trống. 

Đứng chỗ ngã ba sông này nhìn ra sông Sài Gòn nhìn vô Kinh Tẻ mà nhớ đủ thứ chuyện trên đời…
 
Ngó qua bên phía quận Bảy, cuối đường Trần Xuân Soạn, tôi vẫn còn nhớ rõ căn nhà ngói đỏ tường vàng có từ thời Pháp, sau này là trụ sở C13 Biên phòng Cảng Sài Gòn.
 
Mấy người lính thời 1985 khi tôi mới vào nghề chắc tới giờ này cũng ngỏm củ tỏi một mớ khá bộn, mớ còn lại chắc cũng xanh xanh vàng vàng ốm yếu giống như tôi. Thời gian là con quỉ tham lam hút máu người, làm cho người ta hết tinh lực hết đen giòn trông thấy nản… Nhớ lại bọn họ ba mươi lăm năm trước đen giòn mạnh mẻ hơn tôi nhiều lắm, lại ưa thích ra oai với đám trẻ lang thang trên sông như tôi.
 
Lính biên phòng đóng ở đồn ngã ba sông hồi đó trẻ măng. Xà-lan hay tầu kéo đi ngang qua khúc ngã ba này thì mười lần như chục họ ngoắc phải ghé vào, không chịu ghé thì họ chạy canô ra chặn đường để kiểm tra. Lúc nào kiểm tra cũng làm ra vẻ mặt hầm hầm, được một lúc sau thì ca vọng cổ: Mấy ông làm ăn vô mánh sống sung sướng quá mà, chẳng bù tụi tui lính tráng cực khổ thấy mẹ, lương ba cọc ba đồng rầu thấy bà. 

Tôi ưa giả lả cười cầu hoà: Sông có lúc người có khúc, kiếm được đồng bạc cũng sôi nước mắt chớ có phải tiền trên trời rơi xuống đâu mấy cha?
 
Nói thật, đời sông nước cũng có lúc vô mánh lớn có thiệt nhiều tiền, nhưng đôi lúc đi làm cả tháng cũng chẳng có được cái gì, nhất là mấy chuyến giao hàng cho thủy điện Trị An hay giao các mặt hàng chiến lược qua Campuchia. Chỉ biết đau đớn lấy tiền nhà ra bù tiền cơm nước.
 
Sợ nhất là khi đi áp tải mấy chuyến xà-lan chở gạo từ miền Tây về Sài Gòn xếp lên tầu biển phục vụ cho mấy chiến dịch cứu đói miền Bắc của tướng Đồng Sĩ Nguyên, có khi mấy tháng không được ai bồi dưỡng cho đồng nào, nhưng hễ tầu chở gạo cập bến Hải Phòng mà đếm thiếu hàng hay trễ hạn là lính của tướng Nguyên bay vô Sài Gòn hỏi thăm sức khỏe liền. Tướng Nguyên ngày đó mỗi lần vào cảng kiểm tra tiến độ làm hàng cứu đói nói giọng Quảng Bình đặc sệt: Thiệu lạ hột, thiệu lạ hột! Chậm lạ hột, chậm lạ hột!
 
Tức thiếu hàng là bị hốt nhốt vô tù, làm hàng chậm cũng bị hốt vô tù. 
 
Thời gian khổ đó, cứ mỗi lần thấy mấy ông lính biên phòng của C13 nhảy lên xà-lan là tôi cởi trần chạy lên boong nói liền: Rồi rồi, kiểm tra cho lẹ cho tui đi rồi tui tính. Lát nữa cập bến an toàn tui chạy lên rủ mấy cha đi nhậu.
 
Nói vậy cho xong chuyện để xà-lan chạy cho kịp chuyến hàng thôi, chớ tiền đâu mà tôi tính, tiền đâu mà bao người ta nhậu trong những lúc mà chính bụng mình cũng đói meo. Xà-lan cập bến làm hàng được là tôi trốn mất biệt luôn cho tới mấy chuyến hàng sau.
 
Tới lúc vô phúc đi qua ngã ba này lần nữa thì tụi nó lại nhảy lên, làm dữ dằn hơn nữa, vừa lên đạn súng AK lốp cốp vừa gầm gừ như kép độc hát cải lương: Ông giỡn mặt chính quyền hả? Ông dám cho tụi tui leo cây phải hôn? Lần này tụi tui tính ông thiệt gọn, tính làm sao cho ông bỏ luôn cái tật xù.
 
Hung dữ làm oai cho người ta sợ chơi chơi vậy thôi chứ sau này khi về hưu tình cờ gặp lại, họ thích lôi chuyện cũ ra làm quà, làm quà mãi cho tới khi người đi kẻ ở…
 
Hôm nay có một kẻ còn ở lại là tôi đang nhìn qua bên kia sông mà nhớ người xưa: Thằng nào ngỏm thì đã ngỏm, thằng nào còn sống sót thì cũng xanh xanh vàng vàng ốm yếu như tôi hết cả rồi. Ngày già khằn tình cờ gặp lại, mấy người may mắn còn sống sót trên cuộc đời này ưa nhắc lại chuyện làm ăn cũ của tôi: Làm đi rồi tính, tính đi rồi xù, xù xong rồi trốn, trốn đi lại làm… gọi là “trốn làm”.
 
Nhìn quãng đời tuổi trẻ trôi qua trên sông Sài Gòn sao nhanh quá. Bây giờ ai cũng có con cháu, chẳng ai muốn kể cho con cháu mình nghe những chuyện ngày xưa khi cha mẹ của chúng còn quá nghèo phải bươn chải, phải đòi hỏi bon chen chụp giựt, thậm chí lừa dối nhau hay bóc lột nhau… để kiếm cơm về nuôi vợ nuôi con.
 
Dòng sông Sài Gòn mỗi ngày mỗi khác suốt mấy chục năm qua… thoạt trông quen mà hóa ra lạ vô cùng.
 
Thỉnh thoảng gặp nhau ở mấy quán vỉa hè có người nhấp ngụm cà phê sáng hỏi tôi: Nghĩ lại hồi đó tụi mình tuy nghèo nhưng mà vui quá hả ông? Có người đang bực dọc chuyện gì đó với vợ con ở nhà nên chửi thề: Đù mẹ, vui cái con cặc!
 
Tôi bữa nào khỏe thì góp vào: Ừ, tôi thấy hồi đó cái gì nghĩ lại cũng thấy vui, hồi đó sao ai cũng làm bộ đóng kịch giỏi thiệt. 

Còn bữa nào mệt mỏi quá tôi cũng hùa chửi thề theo: Vui cái con cặc!
 
Sáng hôm nay nhìn qua phía đường Trần Xuân Soạn, tôi cũng đang hết sức bâng khuâng vì nhớ chuyện của Tân. Đếm tháng ngày trôi, thế là Tân ra đi đã được chục năm rồi. Tân nhảy sông tự tử không biết vì lý do gì, chắc có lẽ nó muốn hòa về biển cả như một câu thơ mà nó đã viết trên tờ tally sheet mà tôi lén đọc được ngày nào.
 
Hồi năm đó, thấy Tân ra ngoài bến cảng làm việc không chịu chăm chú đếm hàng mà ưa ngó lên trời, tôi mắng nó: Chắc cậu không muốn làm tally kiểm kiện, chắc cậu muốn xuống làm bốc xếp, mai tôi xin cho cậu xuống làm bốc xếp. Đếm hàng mà lơ mơ kiểu như cậu chắc hàng hóa mất hết quá. Cậu biết rồi, tôi thì nghèo, nếu cậu làm thiếu hàng thì tôi lấy đâu ra tiền mà đền bù cho người ta?
 
Cha của Tân là đàn anh của tôi khi tôi mới ra trường xin vào cảng biển làm nghề xà-lan. Khi tôi đã ra làm tư nhân, ông gởi Tân vào công ty của tôi và bảo tôi phải truyền nghề thương vụ hàng hải cho nó. Ông mô tả về thằng con của ông: Nó học hành cũng đã hết đại học, nhưng không muốn học nghề gì cho ra hồn, mà cũng chẳng muốn làm bất cứ việc gì cụ thể…
 
Và rồi, trong cái công ty khố rách áo ôm của tôi, Tân lại càng không muốn làm bất cứ việc gì hết.
 
Ngày đầu tiên dắt tay Tân vào giao cho tôi, cha nó nói: Ngày xưa tôi đối xử tốt với anh, bây giờ anh phải ráng xử tốt với con tôi. 

Tôi ngồi thừ người suy nghĩ mãi mà không nhớ ra hồi đó ông tốt với tôi như thế nào và tốt vì chuyện gì. Chỉ nhớ hồi tôi mới chân ướt chân ráo vào trong cảng làm việc thì ông ưa chửi thề lắm, lại chửi tục nữa.
 
Cứ mỗi lần tôi lỡ tay sơ sót làm sai bất cứ việc gì là ông la to lên cho mọi người trong cơ quan cùng nghe, chắc cố ý cho mọi người biết tôi là một thằng vô cùng bết bát và hậu đậu. Ông hay mắng tôi: Đù mẹ, anh làm không được thì xin nghỉ việc cho rồi đi, cứ xớ rớ đứng trước mặt làm tôi khó chịu quá!
 
Tôi thường chửi thầm trong bụng: Hãy đợi đấy! Ngày nào đó tôi có quyền có tiền thì ông coi chừng tôi, tôi không bao giờ quên những chuyện ông làm ngày hôm nay với tôi đâu.
 
Rồi sống và làm việc với ông lâu hơn, tôi mới hiểu gia đình ông không được ổn. Ông có một người vợ không được bình thường, vì bị bệnh tâm thần nên bà phải nghỉ nhà nước ở hẳn trong nhà không làm được việc gì cả. Vợ ông cần ông chăm sóc, ông lại còn một đàn con nheo nhóc đang đi học.

Chính vì hoàn cảnh đó nên ông sinh ra tính cộc cằn thô lỗ. Và khi hiểu được hoàn cảnh gia đình người ta rồi thì tôi mới hết căm tức.
 
Suốt mấy năm làm việc chung, cứ mỗi lần thấy ông lên cơn chửi bới tôi thường nhe răng cười rồi bỏ đi chỗ khác hút thuốc. Mấy người trong cơ quan hậm hực giùm: Thằng Ba này nhát gan quá, tao mà bị lão ấy chửi như vậy là tao đánh lại liền. 

Họ đâu có biết tôi thấy hoàn cảnh của ông cũng giống như hoàn cảnh của tôi, vì trong nhà của cả hai người đang có những nỗi khổ giống nhau nên rất hiểu lòng nhau.
 
Lúc tôi mới ra làm kinh tế tư nhân, ông liền gọi lại răn đe: Tôi nói trước, anh mà lấy mất bất kỳ một khách hàng nào của nhà nước đem ra ngoài làm khách riêng của anh là tôi bụp anh liền. Lúc đó đừng có nói anh em gì hết nghe.
 
Tôi làm ra vẻ khúm núm: Ai dám làm chuyện bất nhơn như vậy được hả anh? Lúc nào em cũng nhớ lời anh dạy làm người là phải hết sức đàng hoàng, công ra công tư ra tư, mình đâu phải con thú đâu mà không biết suy nghĩ hả anh. Ông gầm gừ: Tôi nói trước rồi đó, anh mà hó hé là tôi bụp anh liền.
 
Mấy tháng sau ông về hưu nên tôi không bị bụp. Vừa về hưu là ông suy sụp liền, tinh thần đi xuống, tiền bạc cũng đi theo, gia đình vốn đã khó khăn lại càng hết sức khó khăn. Lại sĩ diện hão nên ông chẳng bao giờ quay lại thăm cơ quan cũ, chắc ông sợ người ta nghĩ ông quay lại đó để xin chút tiền hay xin chút ân huệ.
 
Lẽ ra ông có thể xin cho Tân chỗ nào khác ngon lành hơn, chớ không phải đi theo tôi học nghề, bởi lẽ công ty riêng của tôi nghèo lắm. Nhưng chắc do mối quan hệ của ông với những người có chức có quyền khác không được tốt, nên chẳng ai thèm ra mặt giúp đỡ con ông. Kẹt lắm, ông mới đưa Tân vào làm trong công ty nghèo đói của tôi.
 
Tân vào làm việc mới mấy ngày tôi đã phát hiện ra nó cực kỳ cô đơn, cực kỳ khó hiểu, cực kỳ lạ lùng… nếu so với đám con trai đồng trang lứa trong công ty. Tôi điện thoại cho ông và hỏi: Anh nói thực cho em biết thằng Tân từ nhỏ tới lớn có được bình thường như những người khác không anh?
 
Ông im lặng nén tiếng thở dài qua điện thoại rồi trả lời: Không được bình thường đối với người ta, nhưng đối với tôi nó rất bình thường, thậm chí rất được. Nó giống y như tôi hồi nhỏ là cực kỳ cô đơn, cực kỳ khó hiểu, nhưng lại cực kỳ trong sáng và biết lo lắng yêu thương người khác. Anh làm việc với tôi lâu anh thấy đó, tôi không thể biểu hiện tình cảm của tôi ra ngoài cho người khác thấy, riết rồi tôi lập dị, tôi khó chịu trong con mắt người khác. Nó cũng đang khổ sở giống y như tôi hồi xưa vậy đó.
 
Tân càng ngày càng ra vẻ cô độc tợn, không nói không cười, khi nào hiếm hoi nói chuyện với ai thì ưa ngó xuống đất, không dám nhìn thẳng vào mắt của người đối diện, ít khi trả lời thẳng vào câu hỏi của người đối diện, đặc biệt không ai biết khuôn mặt nó đang biểu hiện là nó đang buồn hay nó đang vui. Được tôi giao bất cứ việc gì nó cũng không tỏ vẻ vui mà cũng không buồn, khuôn mặt vô cảm làm tôi cũng cảm thấy áy náy không biết mình có thể chỉ dẫn cho nó được cái gì như lời cha nó căn dặn hay không. Tôi cũng không biết nếu nó làm hư việc thì tôi sẽ lãnh hậu quả như thế nào. Lúc nào nó cũng mơ mơ màng màng ngó lên trời, còn lúc nào tôi cũng thấy bất an khi giao việc cho nó.
 
Hồi năm đó Thu Phương chưa trốn đi qua Mỹ, cô ca sĩ miền Bắc đó đang nổi lên ở Sài Gòn với bài hit Dòng sông lơ đãng phát trên radio FM Làn sóng xanh, bọn nhỏ trong công ty lấy tên bài hát đặt tên cho Tân là “Dòng sông lơ đãng”.
 
Một hôm ra cảng kiểm tra tôi tình cờ đọc được mấy câu thơ của Tân viết trên tờ giấy tally sheet trong một buổi làm việc mà nó vừa lơ mơ kiểm đếm hàng hóa vừa nhìn lên trời cao:
 
Bên dòng sông mà sóng cứ ca hát mãi không thôi,
mình muốn có nỗi niềm riêng cũng khó.
Chắc có lẽ vì sông luôn trôi về biển,
mang hết cái riêng tôi hòa với cái của người.
Cứ mỗi ngày hai con nước lớn,
sông mênh mông chẳng thấy bến hay bờ.
Khi nước xuống cuốn hết đi những chuyện đời sông muốn nhớ,
mà ngoài biển xa đâu muốn biết chuyện của sông.
 
Tôi đọc mấy câu thơ của Tân làm vội vàng trên bến cảng mà buồn mà sợ. Tôi cảm thấy Tân đang sống trong một thế giới khác, một thế giới của riêng nó, thế giới mà kể cả cha của nó cũng chưa chắc hiểu hết được huống hồ là tôi, một người mới biết nó mấy tháng nay.
 
Từ đó, tôi không rầy la nó nữa, tôi chỉ khen nhè nhẹ để nó khỏi kiêu căng: Em làm thơ cũng được, cũng đỡ, cũng tạm… Ít ra thơ em cũng hay ho hơn những lời chửi thề thô tục của tôi, tôi mà có muốn làm thơ chắc chắn sẽ không làm được như em. Ít ra thơ của em cũng hay hơn mấy bài thơ chào mừng những ngày lễ lớn hay khóc lóc giùm cho mấy cán bộ lớn bị bịnh chết. 
 
Tôi cũng không còn dám đe dọa chuyển nó xuống làm bốc xếp nữa. Nhưng làm việc chưa đầy một năm, một hôm nó bảo tôi: Cho phép em nghỉ việc đi anh, em không hợp với nghề tally kiểm hàng. 

Khi nói câu nói đó nó không biểu lộ cảm xúc gì, mắt nó vẫn cứ nhìn xuống đất, hai tay nó cứ xoắn xít vào nhau.
 
Tôi ôn tồn khuyên: Em cứ ở lại đây, từ bây giờ chẳng ai đụng chạm tới em nữa, em muốn làm gì cũng được, miễn sao tôi thấy em vui là được rồi. Mỗi con người trời sinh ra để làm một chuyện, chắc trời sinh em ra để làm thơ, dù chưa chắc có ai muốn đọc thơ của em. Nhưng em cố nhớ lại xem, nếu em không ra cảng làm việc thì làm sao em thấy được sông và biển để mà viết được mấy câu thơ đọc lên nghe hay gần chết như “Mình muốn có nỗi niềm riêng cũng khó”.
 
Cái đó trong văn chương gọi là vốn sống quí, em phải sống nhiều làm việc thiệt là nhiều với sông với biển rồi em sẽ làm được nhiều thiệt là nhiều bài thơ hay tuyệt cú mèo thôi.
 
Nói mãi Tân vẫn không nghe. Mấy hôm sau nó nghỉ việc thật. Cha của Tân thở dài qua điện thoại: Thôi, tôi cảm ơn anh. Từ lâu tôi cũng nghĩ nó không hợp với cái nghề của tụi mình, nghề của bọn mình bon chen bốc hốt chụp giựt quá.
 
Tôi hỏi: Rồi anh định liệu cuộc đời nó ra làm sao? Ông trả lời: Nó đã lớn, nó có con đường đi riêng của nó. Có khi nó sẽ là một nhà thơ, nhưng tôi chỉ sợ mới làm thơ được vài năm mà nó bị thất vọng thì sinh chuyện, lúc đó bịnh càng khó chữa.
 
Tôi: Sao anh lại dùng chữ bịnh chữ chữa ở đây? Hay là thằng Tân nó bị bịnh mà anh giấu em. Ông than: Thôi! Hôm nào gặp lại tôi sẽ nói chuyện nhiều hơn với anh. Cám ơn anh lần nữa. Nước mắt chảy xuôi phải không anh, người già hay cha mẹ luôn phải đau khổ vì những người trẻ hay con cái của mình. 

Anh đâu có biết, ngày anh mới vào cảng làm việc tôi cũng rất khổ sở vì anh, chắc tôi kỳ vọng vào anh nhiều quá mà sinh khổ. Mỗi lần anh làm cái gì đó sai mà bị đối tác khách hàng lên cơ quan khiếu nại, tôi chửi anh trước mặt họ rồi bảo anh đi chỗ khác cho tôi làm việc. Rồi tôi xin lỗi người ta, tôi nhận hết cái sai về tôi. Tôi chửi mắng anh nhưng vừa mắng vừa dạy như dạy một thằng em, còn nếu như để cho khách hàng khiếu nại anh thì anh phải trả tiền phạt tiền bồi thường. Tôi biết anh cũng đã đối xử với con tôi y như tôi đối xử với anh, tôi biết ơn anh nhiều. Chỉ tiếc thằng Tân nó không có số hưởng.  
 
Hôm sau ông đến tìm tôi và nói tiếp: Từ ngày sinh ra nó đã là như vậy, đã cô đơn, đã khác người. Nó không có bạn, nó cũng chẳng thích chơi đùa với mấy đứa em của nó, nó cũng không thể gần gũi mẹ nó và tôi cũng không biết nó có yêu mẹ nó hay không. Mà mẹ của nó thì anh cũng đã biết rồi đấy, cô ấy bị bịnh đã mười mấy năm nay.
 
Người vợ của ông xếp là một người đàn bà không bình thường, phải nghỉ việc ngang vì bịnh tâm thần. Hồi tôi mới vô cơ quan làm việc, có lần tôi thấy bà lên tìm ông trong bộ quần áo nát bấy lôi thôi. Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ ông đã đẩy nhẹ bà ta ra khỏi phòng làm việc, dìu bà đi xuống cầu thang rồi dìu bà lần lần ra cửa, miệng nói như mếu như van lơn: Tôi đưa em về nhà nghen, tôi ra chợ mua trái cây mua kẹo cho em ăn nè. Hai đứa mình đi nghen.
 
Số là vào buổi sáng hôm đó bọn nhỏ con nhà ông xếp quên khóa cửa nên bà thoát được ra ngoài đường, lếch thếch đi bộ tới cơ quan tìm ông và nói với mấy người bảo vệ là bà thèm trái cây thèm bánh kẹo và muốn tới cơ quan xin tiền của ông xếp để ra chợ mua mấy thứ đó. 
 
Hồi đó, tôi nghĩ một người bị điên mà vẫn còn nhớ cách tìm đường đi đến tận cơ quan để tìm chồng thì chắc cũng không điên nặng lắm, nhưng rồi sau này nghe người ta kể lại cứ mỗi lần thoát được ra ngoài đường là bà ấy hay cởi hết quần áo đi đi lại lại nói năng lảm nhảm, tôi lại nghĩ chắc là bà ấy bịnh nặng lắm rồi.
 
Sau khi Tân nghỉ việc, hình bóng hai cha con của Tân ít khi xuất hiện trong suy nghĩ của tôi suốt mấy năm ròng. Chắc vì tôi bận bịu quá. Công việc trong công ty riêng của tôi suốt mấy năm trời cũng đã ổn định dần. Tôi cũng ít khi nào nhớ tới nỗi niềm riêng của nó.
 
Mấy năm sau, nghe bọn nhỏ trong công ty nói Tân đang làm bốc xếp ở bến sông A6, một kho hàng chuyên bốc xếp phân hóa học nằm trên đường Tôn Thất Thuyết quận Tư. Tôi điện thoại nói với cha của nó: Sao anh lại để Tân làm culi bến cảng? Em thấy lo cho nó quá.
 
Ông thở dài: Thôi, mỗi người có một số phận. Miễn sao cuối ngày nó lành lặn trở về nhà cho tôi thấy mặt nó là được rồi. Tôi già rồi, tôi vô dụng lắm rồi. Thấy đủ mặt vợ con mỗi buổi chiều trong căn nhà tồi tàn của tôi là đủ rồi, là tôi hạnh phúc lắm rồi.
 
Tôi không hề hạnh phúc chút nào khi nghe ông nói tới chữ hạnh phúc mà lại cứ thở dài thườn thượt nghe nẫu cả ruột gan.
 
Bốc xếp, cu-li… nghe cái tên chẳng hấp dẫn chút nào. Hồi mới vào làm việc trên sông nước tôi cũng còn lơ mơ với cái tên bốc xếp, cu-li lắm. Làm một thời gian thì hiểu. Bốc xếp thì biết rồi, đó là bốc hàng lên từ một phương tiện vận tải hay kho bãi và xếp cho gọn vào một phương tiện vận tải hay kho bãi khác … hay là làm những động tác theo chiều ngược lại.
 
Còn từ culi thì có vô mấy bến, mấy cảng tìm hiểu thời gian dài mới dùng chính xác được. Đó là loại người lao động chân tay, lao động phổ thông, lao động tạp nham hơi cà chớn… vì tiền phải chịu làm hết mấy công việc dơ bẩn- dirty, nguy hiểm- dangerous. 

Nhưng culi là người gốc Á như người Tàu, người Ấn hay người Việt… mới gọi là culi. Gọi bọn Tây da trắng là culi nó đánh cho bỏ mẹ.
 
Bốc xếp và culi không phải là thứ nghề nghiệp mà người ta ao ước được làm, có lẽ vì nó cực nhọc hèn kém quá. Thời Pháp thuộc qua đi rồi tới thời Cộng hòa, rồi qua thời Cách mạng… trên các bến cảng của miền Nam hễ nói tới bốc xếp hay culi là nói tới lớp người thuộc giai tầng thấp nhứt, nghèo khổ nhứt trong xã hội.
 
Ngay cả tại những chỗ nghèo khổ như quận Tư, tôi chưa thấy ai dám vỗ ngực xưng tên: Tôi là culi đây!
 
Năm 1985 mới vào nghề, tôi đi lang thang hết bến cảng này đến bến cảng khác ở miền Nam, và hiểu ra rằng các bến cảng không thể hoạt động nếu không có bốc xếp, culi. Bốc xếp, culi rất quan trọng và có lẽ đóng vai trò quan trọng nhứt trong hoạt động của bến cảng, dù rằng đó là loại lao động mạt hạng mà chế độ nào cũng coi thường.
 
Hồi đó, kéo xà-lan vô tới các bến hàng dọc hai bên bờ Kinh Tẻ, rồi vô tới tận trong khu Bình Đông, Chợ Lớn, đoàn xà-lan chở hàng của chúng tôi lệ thuộc hoàn toàn vào sức lao động của bốc xếp, culi để giải phóng hàng hóa, giải phóng xà-lan. Đội bốc xếp giỏi gọi là đội “chiến” hay đội chuyên nghiệp thì mỗi bến may lắm chỉ có được một hai đội thôi, còn đa số còn lại là các người nghèo vì hoàn cảnh phải xin làm bốc xếp ăn công theo buổi hay theo ngày, những người này không phải là bốc xếp chuyên nghiệp, khi bốc xếp thường làm hư hỏng hàng hóa và cũng dễ gây tai nạn lao động thậm chí chết người.
 
Nghe Tân đang làm bốc xếp, tôi tìm cách xuống bến A6 thăm nó một lần. Tôi biết nó không thể nào trở thành dân bốc xếp chuyên nghiệp được. Tôi sợ nó té xuống sông hay bị hàng đè.
 
Tìm ra Tân, nó ngó xuống đất mà nói với tôi: Cảm ơn anh quan tâm, nhưng em ngoài làm culi ra thì còn làm được cái gì? Nghỉ việc bên anh, em cũng xin làm tiếp thị, xin làm kế toán, xin làm đủ các thứ trên đời suốt mấy năm nay mà có cái gì ra cái gì đâu. Đi đâu người ta cũng nói em khùng, em không được bình thường. Chỉ có làm bốc xếp vác mấy bao phân kiếm tiền là người khùng như em làm cũng được. Em biết an phận rồi.
 
Tôi ngóng chờ mãi không thấy Tân làm thêm được câu thơ nào để tặng tôi ngoài con mắt ngó xuống đất. Tôi hỏi: Em có còn làm thơ? Tân ngó xuống đất không trả lời và rồi xin tạm biệt: Thôi em xin phép đi làm tiếp nghe anh.
 
Chiếc đòn gỗ trơn trợt dài thòn nối từ chiếc xà lan xuống bờ sông rất chênh vênh. Tôi nhìn thấy bóng dáng nhỏ thó của Tân đi lên đi xuống trên chiếc đòn đó, trên vai vác nặng bao phân mà buồn mà sợ. Tôi bỏ đi và không bao giờ dám ghé kho A6 nữa.
 
Mười năm trước cũng vào một buổi sáng oi nồng nghe cha của Tân gọi điện báo tin mà giọng ông không buồn, không vui: Tân nó nhảy sông tự tử chết hôm qua rồi anh à. Anh ráng ghé thăm cháu một chút đi.
 
Tôi bàng hoàng: Sao vậy anh? Ông trả lời: Mỗi người có một số phận riêng, một nỗi niềm riêng. Là cha nó nhưng tôi không hiểu con mình ngay từ khi nó mới sinh ra đời. Thôi, tôi cứ tự an ủi chết là hết.
 
Hôm nghe tin Tân ra đi cũng như buổi sáng hôm nay, tôi cứ thẩn thờ nhìn Dòng sông lơ đãng của tôi đang trôi dần ra biển, mang theo thân xác và nỗi niềm riêng của một đứa con trai ngày đó tuổi đã quá ba mươi mà chưa một lần dám nhìn thẳng vào mắt của người đối diện.

Momentary Note

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Trầu Cau ở Huế


Mấy ngày hàn huyên tâm sự trong khu vườn ẩm ướt ở Vỹ Dạ đã trôi qua. Buổi sáng một ngày mưa bão ở Huế tôi ra đi.

Vài phút nữa tôi sẽ đáp chuyến xe đò bảng hiệu “Cafe Hạnh” từ Huế đi về Hội An. Hai người bạn học Sài Gòn nay đang sống ở Huế đội mưa ra tận nhà xe đưa tiễn. Tôi nói với hai người mình thương Huế lắm, mà rồi cũng đang có cảm giác mơ hồ rằng mình sẽ hiếm khi ra Huế được lần nữa vì mình đã già, đã yếu. 

Nhìn chiếc xe đò giường nằm từ từ quẹo tắt ngang qua đường để đến nhà xe đón khách, người bạn tên Sinh nói với cô bạn tên Hạnh: Em thấy chưa, người ta lấy tên anh và em để đặt tên cho hai hãng xe đò đấy. Hạnh cười sung sướng: Ừ! Em thấy rồi.

“Café Sinh” và “Café Hạnh” là hai tuyến xe nối liền Huế và Hội An mỗi ngày bốn chuyến đi về. Hạnh nói với tôi: Còn có thêm hai hãng xe đò nữa là “Cúc Tùng” và “Camel” chạy tuyến này nữa anh à… Em không biết bao giờ anh có thể cho thêm mấy nhân vật Cúc, Tùng, Camel… vào mấy câu chuyện lông bông lãng nhách của anh?

Tôi cười: Hạnh và Sinh, đó là sự ngẫu nhiên của những ngẫu nhiên. Cũng ngẫu nhiên không định trước, những tầng nấc của thời gian quá khứ bị chúng ta dẫm đạp lên như khi ta bước lên những bậc thềm đá cũ kỹ rêu phong để vào nấm mồ nơi vua Gia Long yên nghỉ, một chỗ rất sâu và kín đáo trên một cái cù lao hoang tịch mà mỗi lần qua đó chúng ta phải đi mất một buổi sáng qua một cái cầu phao gập ghềnh trên sóng nước sông Hương và đi qua một con đường đất khúc khuỷu không ai thèm chăm sóc. Sự hoang phế đến chạnh lòng của lăng mộ vua Gia Long làm người ta buồn rầu nghĩ đến sự tàn lụi nhanh chóng của một vương triều mười ba đời vua, mà nay anh Sinh còn đòi rút lại chỉ có bốn đời. Rất ngạc nhiên tại sao anh Sinh nghĩ như vậy?

Rồi hỏi anh Sinh: Không hiểu sao mấy ngày qua anh kể chuyện về vương triều Nguyễn mà chỉ nêu tên có bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… rồi không nói thêm gì nữa. Sao không nghe anh nói gì hết về những vị vua sau đó, kể cả vị vua cuối cùng đẹp trai nhất là Bảo Đại mà mỗi ngày anh vừa uống cà phê vừa ngắm bức hình ông ấy hút thuốc một cách rất say mê?

Anh Sinh: Bốn vị vua đầu được mình tổng kết là Lập-Kiến-Suy-Vong, chỉ cần bốn vị thôi là thấy đã hết một vòng xoay nghiệt ngã của con tạo. Cái thế sự tan nát của đất nước từ cuối thời Tự Đức đã xé nát và chấm dứt sự trị vì thực quyền của dòng họ Nguyễn. Những vị vua sau vua Tự Đức không còn là vua của một vương triều đúng nghĩa nữa. Họ làm vua nhưng không còn có bất kỳ quyền hạn gì. Thế thì chúng ta nên nghĩ về nhà Nguyễn chỉ với bốn vị vua đầu tiên mà thôi. Những người làm vua sau này là sự tiếp nối của hư quyền, họ không phải là vua, họ chỉ là những cái tên để người ta dễ ghi vào sách sử.

Anh Sinh say sưa: Vua Gia Long thống nhất đất nước, “lập” nên một vương triều mới, vua Minh Mạng ra sức “kiến” thiết nước ta thành một quốc gia mạnh mẽ có diện tích to lớn nhất từ xưa tới nay, rồi vua Thiệu Trị vì sức khỏe ốm yếu mà làm mất dần quyền lực ra khỏi tay mình, quyền lực lại rơi vào tay bọn lộng thần nên gọi là “suy”, vua Tự Đức thì bị khiếm khuyết tình dục giống y hệt như tôi… do đó không thể có nổi một đứa trai ruột để mà truyền ngôi, ông vua này lại làm mất nước vào tay người Pháp nên gọi là “vong”.

Sau đời vua Tự Đức thì không ai dám chắc những người lên ngôi vua là thuộc chính dòng hoàng tộc nữa. Những toan tính đen tối trong chốn thâm cung để lại những hoài nghi về nguồn gốc các vị vua được đặt lên ngai vàng. Lập-Kiến-Suy-Vong qua bốn đời vua có phải là một nhận định khách quan về triều Nguyễn hay không? Như ông vua Bảo Đại có chắc chắn là con ruột của vua Khải Định hay không?

Tôi trả lời: Ngày nào đó từ Sài Gòn tôi sẽ viết thư trao đổi thêm với anh. Tôi cảm nhận những điều anh nói có thể đúng và cũng có thể sai. Từ lâu rồi tôi cảm thấy rất hoang mang và hoài nghi khi học, khi nghĩ về sử Việt và người Việt của mấy trăm năm gần đây. Tôi cảm thấy hoài nghi về không gian và thời gian của Huế khi tôi đứng cạnh anh và Hạnh trong buổi sáng hôm nay tại chỗ này. 

Tôi không hiểu anh có thể lo cho hai mẹ con Hạnh suốt cuộc đời này không? Tôi không biết tôi có được ra Huế một lần nào nữa để gặp lại hai người hay không? Tôi hoang mang lắm, hoang mang từ lịch sử, hoang mang về thành phố Huế với bao nhiêu điều vấn vương bí ẩn, hoang mang đến đời riêng của những con người lên làm vua có nguồn gốc không rõ ràng.

Tôi nghe tiếng thở dài của anh Sinh.

Lần này ra thăm Huế tôi dành hầu hết thời gian để sống cạnh hai người bạn học cũ là Hạnh và Sinh. Tôi bắt đầu cảm thấy lo sợ sự chia ly. Tôi cảm thấy cuốn phim ký ức mà mình quay về họ sắp sửa chấm dứt rồi. Mang máng nhìn thấy chữ “The end” trong mắt họ hay chính trong con mắt của mình, mình cũng không rõ nữa.

Mấy chục năm trước ở Sài Gòn anh Sinh đã từng làm tiếp tân khách sạn, anh Sinh đã nấu ăn cho nhà hàng, anh Sinh đã biết may vá áo quần… Nói chung anh biết và làm được tất cả những công việc tỉ mỉ công-dung-ngôn-hạnh mà một người đàn bà Việt biết làm với một mức độ khéo tay cao. Thời gian lưu lạc ở Huế anh lại học để biết nấu bún bò Huế, biết nấu cơm hến, biết làm bánh ướt thịt nướng, biết làm bánh nậm – bánh lọc – bánh bèo – bánh khoái – nem chua… Chắc vì để có tiền lo cho mẹ con Hạnh anh đã từng làm những loại thức ăn Huế ấy rồi đem ra chợ Đông Ba bán mỗi ngày. Anh còn dạy Hạnh pha cà phê rồi giúp Hạnh lập một quán cà phê nghèo trong khu vườn Vỹ Dạ.

Nhưng tôi nghĩ… quan trọng hơn hết đối với cuộc đời anh Sinh là một công trình tự nghiên cứu về nhà Nguyễn mà anh không tự xuất bản được, đó là cuốn tiểu luận “Lập-Kiến-Suy-Vong”. 

Có lẽ quan điểm của anh Sinh mới quá, anh cho rằng sự suy vong của vương triều Nguyễn bắt nguồn từ sự thiểu năng tình dục hay do máu đồng tính của vị vua thứ tư là Tự Đức. Chính vì những yếu tố tính dục khác thường đôi lúc đầy nữ tính yếu đuối mà vị vua này đã có những quyết định chính trị khác thường không được khôn ngoan làm đất nước rơi vào tay bọn thực dân Pháp. 

Tôi có nói với anh Sinh: Cũng may cho anh cuốn sách không in ra được, cuốn sách này mà được xuất bản thì anh đừng hòng trụ lại Huế được, dòng giỏi gia tộc nhà Nguyễn sẽ mang anh ra mà tùng xẻo thành từng miếng.

Cũng lần cuối ở Huế này, một hôm trong một buổi chiều vàng vọt ngồi uống cà phê trong khu vườn Vỹ Dạ hoang tịch, Hạnh khẻ bảo tôi: Thôi, từ nay anh đừng ra Huế nữa, anh đừng lo lắng cho mẹ con em nữa, em thấy anh đã yếu sức lắm rồi. Đã có anh Sinh lo cho hai mẹ con em mười mấy năm nay. Từ ngày ông chồng cũ của em mất, anh Sinh đã sống giống như một người chồng đầy trách nhiệm đối với em, và là một người cha đúng nghĩa của con em.

Hỏi lại Hạnh: Có thật không? Anh Sinh đồng tính mà? Hạnh đáp: Không, anh ấy không chỉ đồng tính, anh ấy còn lưỡng tính – bisexual nữa. Anh ấy vừa yêu được đàn ông vừa yêu được đàn bà. Dù tình yêu đồng tính hay tình yêu lưỡng tính thì anh ấy yêu rất sâu và rất đậm. Người đàn bà mà anh ấy rất yêu quí mấy chục năm từ ngày chúng mình còn học chung ở Sài Gòn chính là em. Em không để ý quan tâm anh ấy yêu người đàn ông nào, em chỉ biết anh ấy rất yêu em và hết lòng lo lắng cho mẹ con em.

Tôi nhe răng cười buồn: Để hôm nào có dịp ra Huế lại lần nữa anh sẽ tìm cách khám anh Sinh thử xem sao! Anh hồ nghi chữ “bisexual” này lắm. Mà anh cũng không biết anh có còn sức bay ra Huế được lần nữa hay không? Sợ anh Sinh giống như vua Tự Đức, vì tính cách tình dục bất thường nên sẽ có những quyết định bất thường không khôn ngoan ảnh hưởng xấu tới hai mẹ con em.

Hạnh cười: Anh lại nghĩ sâu xa, anh lại bị cái tư tưởng Lập-Kiến-Suy-Vong đầy chất pêđê của anh Sinh ảnh hưởng rồi. Em đã đọc hết cái tiểu luận đó của ảnh, em kết luận: Chúng mình là người Sài Gòn, chẳng ai học sử. Chúng ta sống trong một thời đại nặng nề chính-trị-chính-em nên có kiến thức gì để làm sử học? Rõ ràng những người học hành dang dở như chúng mình không hề có đủ trình độ lịch sử để có tư cách nói và viết về lịch sử nhà Nguyễn.

Hạnh tiếp: Khi nghe em nói vậy, anh Sinh giận em hết mấy ngày, không thèm nói chuyện với em. Em nói với anh Sinh: Em giận anh mới phải. Bộ phận sinh dục của người đồng tính ảnh hưởng chi tới lịch sử của nước nhà mà anh cứ cố nhét nó vào sách vở. Anh sai mà cứ cho là mình đúng, anh đã sai từ ngay lúc ban đầu khi từ một người tầm thường mà đòi làm nhà sử học. 

Tôi hỏi: Rồi anh Sinh phản ứng ra sao? Hạnh cười: Anh ấy rất thất vọng vì bị em chê, anh ấy khóc hu hu mấy ngày rồi ném cuốn tiểu luận vô duyên ấy xuống nhà bếp. Anh ấy bảo: Tùy Hạnh, Hạnh muốn đốt thì cứ đốt.

Tôi: Đừng đốt cuốn tiểu luận đó. Trong đó còn kẹt cái bộ phận sinh dục của người đồng tính.

Mấy ngày bên Hạnh, tôi hay nhấp ngụm cà phê buổi chiều và nghĩ về những người lưỡng tính như lời Hạnh nói. Đó những người có thể vừa yêu người đồng phái vừa yêu người khác phái. Chợt nhớ tới truyện cổ tích Trầu Cau với ba cái chết lãng nhách của ba người Việt, chết vì “mệt, buồn, tuyệt vọng, nên gục xuống” rồi biến thành ba cái gì đó không phải là con người nữa: một cái cây, một cái dây leo và một cái cục đá.

Tôi nói: Để kể cho Hạnh nghe truyện cổ tích “Trầu Cau”… Xưa giờ người ta hay kể chuyện Trầu Cau để nói về tình anh em hay tình nghĩa vợ chồng. Mấy hôm nay anh lại nghĩ chẳng phải. Đó là những mối tình lưỡng tính! 

Câu chuyện kể vào đời vua Hùng Vương thứ tư có hai anh em Tân và Lang rất thương yêu nhau. Nhấn mạnh với Hạnh: Đấy! Bắt đầu một chuyện tình đồng tính giữa hai thằng con trai rồi đấy! Tân và Lang rất thương yêu nhau, tình yêu đó không đơn giản là tình thương huynh đệ bình thường giữa hai anh em trai, nó là một thứ tình yêu đồng tính vô cùng mãnh liệt, nó có thể dẫn tới cái chết khi người ta yêu không được hay người ta yêu trong thất vọng não nề.

Tân và Lang cùng yêu một người con gái đẹp trong làng, nàng này đẹp não nùng, đẹp quyến rũ mới ác. Nhưng chỉ có Tân cua và lấy được người con gái ấy, chắc vì Tân đẹp trai hơn, manly hơn Lang. Còn Lang thì thua trắng, vừa mất Tân vừa không có được người đàn bà đẹp. Sau khi có vợ thì Tân không còn chăm sóc đến Lang nhiều như trước nữa. Lang lấy làm buồn rầu, vừa thất tình chị dâu vừa thất tình anh ruột của mình. Đích thị Tân và Lang là lưỡng tính, vừa yêu con trai được mà vừa yêu con gái được, bisexual chứ còn gì nữa?

Hạnh nghe anh kể chuyện Lang bị chết nè: Rồi Lang buồn bực – frustrated mà bỏ nhà đi bụi. Bụi tới bên bờ suối thì Lang mệt, buồn, tuyệt vọng, gục xuống chết và thân tàn hóa thành một tảng đá vôi.

Tới Tân chết nè: Tân, sau một vài ngày không thấy em về nhà, vì quá thương em nên quyết bỏ vợ đi tìm em. Cũng đến bờ suối đó thì Tân cũng mệt, buồn, tuyệt vọng, gục xuống chết và thân tàn hóa thành cây cau bên tảng đá vôi.

Tới người đàn bà đẹp chết nè: Vợ Tân không thấy chồng quay về cũng bỏ nhà đi tìm. Nàng cũng đến đúng “position” là cái bờ suối, ngồi kê đít trên cục đá, thân dựa vào cây cau. Nàng cũng mệt, buồn, tuyệt vọng, gục xuống chết và thân tàn hóa thành dây trầu đeo trên cây cau, đít còn đeo trên cục đá vôi.

Tôi nhe răng cười hỏi Hạnh: Em thấy bà này ghê chưa ? Hồi sống thì lấy ông anh, tới hồi chết thì bám cổ đeo lên người ông anh mà chết, nhưng gốc rễ vẫn bám chặt lấy tảng đá vôi!

Hạnh phì cười: Kể tiếp đi. Mà thôi chắc hết truyện rồi phải không? Chết là hết, Chuyện của ba người, mà ba người chết hết rồi thì còn chuyện gì mà kể nữa?

Tôi tiếp: Còn nữa chớ bộ. Một ngày nọ có hai vợ chồng người nọ đi hái lượm thức ăn, vì bị đám khỉ-vượn tranh hái trái cây ngon ăn trước hết rồi nên không còn trái cây, họ đói quá lần tới bờ suối xơi nhầm một lúc ba thứ đó: lá trầu, quả cau và đá vôi. Khi ăn cả ba thứ trầu, cau và vôi quyện lại thì mồm họ có sắc đỏ như máu. Hai vợ chồng tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện hai anh em ruột cùng yêu một người đàn bà đẹp… để kể thành truyện cổ tích đồng tính và lưỡng tính đầu tiên của Việt nam có tên là «Trầu Cau». 

Người đàn bà đi hái lượm nói với chồng: Hôm nay thiệt lãng nhách, mình đi tìm thức ăn mà không thấy thức ăn, lại tìm thấy được truyện cổ tích đồng tính và lưỡng tính có màu đỏ chét như màu máu tươi của em mỗi tháng. 

Người chồng gật gù: Đúng vậy đó em.

Hạnh cười khúc khích: Thôi đi anh, anh nói nghe ghê quá. Cái gì anh cũng dám nói toẹt ra được. Thôi cứ tạm cho là anh kể đúng đi. Nhưng, anh Sinh đích thị là một người lưỡng tính. Khi chồng em chết rồi thì anh ấy không còn yêu được một người đàn ông nào nữa. Bây giờ anh ấy chỉ yêu em. Anh yên tâm chưa? Và khi chồng em chết thì anh ấy cũng chẳng tự tử chết theo, anh ấy vẫn sống nhăn răng mà nuôi hai mẹ con em. Tụi em không thể là những nhân vật màu đỏ chét của một câu chuyện Trầu Cau thứ hai đâu anh ạ.

Mấy ngày hàn huyên tâm sự trong khu vườn Vỹ Dạ ẩm ướt nước mưa đã trôi qua. 

Rồi vào một buổi sáng trời mưa bão mình đã bước lên chuyến xe đò chuẩn bị rời Huế đi về Hội An. Hai người bạn học cũ đứng dưới lề đường có hàng cây buồn rũ rượi trong mưa vẫy tay chào từ biệt. Mình vẫy tay chào lại mà lòng buồn rười rượi. Lần này cảm giác lưu luyến Huế rất nghẹn ngào, vì mình không tin sẽ được ra thăm Huế của mình thêm một lần nào nữa. 

Xe rời Huế đi Hội An, mình đang di chuyển từ một vùng ký ức thâm u của kinh thành cũ kỹ bên bờ sông Hương đi về phố Hội của sông Hoài.

MOMENTARY NOTES

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

BỎ QUÊN



Anh bỏ quên nơi em chiếc áo lụa vàng
Dấu tích tình yêu một thuở đi hoang
Ta đuổi bắt nhau trong khu rừng cổ tích
Tìm hạnh phúc và khổ đau trong đáy mộ kho tàng

Nếu nhặt được thì xin em giữ lấy
Áo hoàng hoa hương muộn tuổi xế tà
Kỷ niệm của một thời luyến ái
Tấm chân tình lưu dấu nợ tình xa

TRẦN PHONG VŨ
13/6/2015

Ảnh Bé đẹp chôm của Hoang Nguyen

CÓ THỂ HỮU ÍCH CHO MẤY NGƯỜI MẦN NGHỀ VIẾT LÁCH



Phần 1: NHỮNG TỪ DÙNG SAI TRONG TIẾNG VIỆT

1. SAI VÌ KHÔNG HIỂU NGHĨA GỐC HÁN - VIỆT

* CHUNG CƯ: Từ kép này được thành lập theo văn phạm Hán - Việt vì tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán - Việt. Thế mà từ chung Hán - Việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư (終居) không phải là “nơi nhiều người ở chung” mà là “nơi ở cuối cùng”, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ “chung cư” thành “chúng cư” (衆居) thì mới ổn.

* KHẢ NĂNG: “Khả năng” (可 能) là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế này: “Hôm nay, khả năng trời không mưa”, “khả năng con bò này sẽ chết vì bị bệnh”… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ “khả năng” (可 能: capacité, capable) với “khả dĩ” (可 以 (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là “có thể”, đúng và dễ hiểu, còn từ “khả năng” chỉ nên dùng để nói về năng lực con người mà thôi.

* QUÁ TRÌNH: “Quá” (過) là “đã qua”, “trình” (程) là “đoạn đường”. “Quá trình” là “đoạn đường đã đi qua”. Nói thế này là đúng: “Quá trình thực hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại”. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo có câu đại loại thế này: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi”. Thực là sai lắm rồi. Trong trường hợp này, phải dùng chữ “tiến trình”, đúng cho cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.

* HUYỀN THOẠI: Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pélé” “huyền thoại Maradona”... Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? “huyền” (玄) là “màu đen”, nghĩa bóng là “sâu xa, mờ ảo, không có thực”; “thoại” (話) là “câu chuyện”. Vậy “huyền thoại” là “câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra”. Thí dụ: chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng này, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là “huyền”. Và 2 cầu thủ đó là con người sao gọi là “thoại” được. Nếu muốn dùng chữ “huyền thoại” để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế này: “Cái tài của 2 ông này tưởng như chỉ có trong huyền thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ”, có đúng trong trường hợp này hay không?

* HÔN PHU, HÔN THÊ: “Hôn” là “cưới”, “phu” là “chồng”, “thê” là “vợ”. Trong chữ “phu” và chữ “thê” đã có nghĩa của chữ “hôn” rồi cho nên gọi “hôn phu” và “hôn thê” là để chỉ người chồng. người vợ là phi lý. Gọi “hôn lễ” (lễ cưới), “hôn phối” (lấy nhau) thì được. Còn nói “hôn phu”, “hôn thê” thì có thể hiểu (昬夫), (昬妻) là “người chồng u mê”, “người vợ u mê” cũng như nói “hôn quân” (昬君) là “nhà vua u mê” vậy.

2. SAI VÌ CỐ Ý SỬA NGHĨA GỐC HÁN - VIỆT

* ĐỘC LẬP: “Độc” (獨) là “riêng một mình”, “lập” (立) là “đứng”. Vậy theo nghĩa gốc Hán - Việt, “độc lập” là “đứng riêng rẽ một mình, không đứng chung với ai cả”. Rõ ràng từ này là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Tôi thấy cụ Trần Trọng Kim, cụ Dương Quảng Hàm dùng từ “tự chủ” để thay thế từ “độc lập”. Như thế là rất hay. Có người bảo với tôi rằng từ “độc lập” là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra nên không thể bỏ được. Tại sao vậy? Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn ngữ của Tàu chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc phải theo cái sai của họ.

* PHONG KIẾN: “Phong kiến” (封建) gồm 2 chữ “phong tước” (封爵: ban quan tước) và “kiến địa” (建地: ban đất để dựng nước). “Phong kiến” chỉ chế độ hoàng đế phong tước cho người có công và cấp cho một vùng đất rộng để thành lập quốc gia, với quân đội, luật lệ và chế độ thuế má riêng biệt. Chế độ này hiện hữu ở đời nhà Chu bên Tàu với nước của thiên tử và nước của các chư hầu; từ nhà Tần trở đi thì chế độ phong kiến bị bị bãi bỏ và được thay bằng chế độ trung ương tập quyền. Chế độ phong kiến cũng tồn tại ở vài nước Âu châu như Pháp, chỉ vào thời Trung cổ mà thôi. Ở Việt Nam không bao giờ có CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN (féodalité) mà chỉ có chế độ QUÂN CHỦ CHUYÊN CHẾ (royalisme absolu) mà thôi. Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ “phong kiến” là chưa ổn. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.

* TIÊU CỰC, TÍCH CỰC: Hiện nay, người ta gán vào hai từ “tiêu cực” (消極), “tích cực” (積極) này ý nghĩa tốt xấu hết sức rõ rệt. Hành động nào tốt thì được gọi là “tích cực”; trái lại, hành động xấu thì gọi là “tiêu cực”. Thực ra, suy từ nghĩa gốc Hán - Việt thì sự gán ép như thế là sai. “Tích cực”, “tiêu cực” tự nó không có sẵn tính chất tốt hay xấu mà chỉ ấn định cường độ của hành động mà thôi. Thí dụ, trong một đoàn đi làm việc phước thiện thì ai “tích cực” là tốt và ai “tiêu cực” là không tốt. Nhưng trong một bọn côn đồ tổ chức đi ăn cướp thì đứa nào “tích cực” lại là đứa xấu nhất. Trong truyện Tam quốc của Tàu, Từ Thứ, mưu sĩ của Lưu Bị bắt buộc phải về phục vụ dưới trướng của kẻ thù là Tào Tháo. Từ Thứ đã giữ thái độ “tiêu cực” nghĩa là không hiến mưu kế gì cho Tào Tháo. Thái độ “tiêu cực” này của Từ Thứ, từ cổ chí kim luôn luôn được khen ngợi; vậy “tiêu cực” có xấu đâu.

3. SAI VÌ KHÔNG PHÂN BIỆT ĐƯỢC TIẾNG HÁN - VIỆT VỚI TIẾNG THUẦN VIỆT (TIẾNG NÔM)

* QUỐC GIỖ: Tôi có đọc được câu này: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. Nói như vậy là sai. “Giỗ” là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán - Việt nên không thể đặt sau tiếng “quốc” được. Hãy bỏ tiếng ngày “quốc giỗ’ mà dùng tiếng thuần Việt là “ngày giỗ cả nước”, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu. Nơi tiếng Hán, ngày giỗ là “kỵ nhật” (忌). Ở một vài tỉnh của Trung Việt, người ta gọi ngày giỗ là ngày kỵ. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc.

* GÓA PHỤ: Tôi đã gặp vài lần chữ “góa phụ” trong sách vở báo chí để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ “góa” là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ “phụ” được. Phải gọi người “đàn bà góa” (toàn Nôm) hay người “quả phụ” (toàn Hán - Việt) thì mới đúng.

* ĐỆ NHẤT THÁC: Ở ngõ đi vào của một địa điểm du lịch, có hàng chữ to tướng dùng để quảng cáo “Nơi đây có đệ nhất thác”. Viết như thế là sai. Đặt 2 chữ “đệ nhất” (tiếng thêm nghĩa) trước chữ “thác” (tiếng chính), là theo văn phạm Hán - Việt thì cả hai chữ đều phải là tiếng Hán - Việt mới được. Ở đây, tiếng thác là thuần Nôm, thế là bậy rồi. Không có tiếng Hán - Việt nào có nghĩa “thác nước”. “Thác” theo tiếng Hán là “bộc bố” (瀑 布), nhưng đó lại là tiếng Hán thuần túy nghĩa là chưa được Việt hóa thành tiếng Hán - Việt nên chưa thể dùng được. Trong trường hợp này, nên viết “Nơi đây có thác đẹp nhất”, vừa đúng, vừa dễ hiểu lại vừa hấp dẫn khách du lịch.

4. SAI VÌ KHÔNG PHÂN BIỆT ĐƯỢC VĂN PHẠM HÁN - VIỆT VỚI VĂN PHẠM NÔM

* X QUANG: Mỗi lần có chuyện phải vào bệnh viện là tôi rất khó chịu khi nhìn thấy cái bảng “Phòng X quang”. Tôi khó chịu vì cái chữ X quang này phạm đến 2 lỗi. Một là lỗi về ngữ pháp và một lỗi về kiến thức khoa học. Về ngữ pháp, “quang” là tiếng chính, “X” là tiếng bổ nghĩa. Đặt tiếng bổ nghĩa trước tiếng chính thì đích thị sử dụng văn phạm Hán - Việt rồi. Mà muốn dùng lối văn phạm này thì cả 2 chữ đều phải là tiếng Hán - Việt. Ở đây “X” là một mẫu tự Latin thì sai quá đi rồi. Về khoa học, “quang’ (光) có nghĩa là “sáng”, ở đây chỉ tia sáng. Tia sáng là tia kích thích được tế bào thị giác để tạo ra ấn tượng sáng. Trong chuỗi sóng điện từ, các tia này chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ bé với độ dài sóng từ 400 nano mét đến gần 800 nano mét mà thôi. Trong khi đó, tia X (với độ dài sóng từ 0.1 đến 10 nano mét) cách tia sáng khá xa, không kích thích được tế bào thị giác thì chắc chắn không phải là tia sáng rồi. Cho nên dùng chữ QUANG cho tia X là sai be bét về vật lý sơ đẳng của lớp 12 trung học. Tôi chẳng hiểu ông “đại giáo sư tiến sĩ” nào đã bày ra cái tên “X QUANG” đó. Tại sao không dùng chữ “TIA X” như ở miền Nam trước đây, vừa hay, vừa đúng, vừa đại chúng, vừa thuần túy Việt Nam. Không lẽ người ta muốn dùng chữ “X QUANG” để chứng tỏ ta đây biết “nói chữ” hay sao?

* BÊ TÔNG HÓA: “Bê tông” là từ phụ, “hóa” là từ chính. Đây cũng là văn phạm Hán - Việt. Để thành lập từ kép thì cả 2 từ đơn đều phải tiếng Hán - Việt. Ở đây “bê tông” lại là tiếng Pháp (béton) phiên âm ra, do đó nói “bê tông hóa” là sai. Ngoài ra, nghĩa cũng sai vì từ “bê tông hóa” được dùng phải được hiểu là con đường đã được biến hóa thành một khối bê tông. Vì vậy, không nên nói “bê tông hóa” mà nói một cách bình thường: “tráng bê tông con đường”, vừa đúng lại vừa dễ hiểu. Còn một lô HÓA rất bậy bạ trong sách vở báo chí, trong chương trình truyền thanh, truyền hình như: “nghèo hóa”, “giàu hóa”, “no hóa”, “đói hóa”, “khôn hóa”, “dại hóa”, “xã hội hóa”,... Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ, số lượng nhất nhì thế giới, trong đó có ngôn ngữ học và nhiều hàm giáo sư, phó giáo sư không biết họ đang làm việc gì? Rất nhiều công trình khoa học cải cách tiếng Việt quá tốn kém thời gian và tiền bạc của mọi người nhưng tội nghiệp cho ngôn ngữ Việt Nam!

* NỮ NHÀ BÁO: Tôi còn nhớ, trong chiến tranh Iraq, sau khi lính Mỹ bắn nhầm nhân viên tình báo của Ý bảo vệ người nữ phóng viên vừa được bọn bắt cóc trả tự do, các đài truyền hình ở Việt Nam loan tin nhiều lần và nhắc đi nhắc lại nhóm từ nữ nhà báo. Thực là quá tệ! Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi và phải nói “nhà báo nữ” Còn muốn dùng văn phạm ngược thì phải dùng 3 từ Hán - Việt: “nữ phóng viên” hay “nữ ký giả”. Ban biên tập các đài truyền hình không biết điều này sao?

* TRIỀU CƯỜNG: Từ lâu rồi, tôi thấy xuất hiện rất thường xuyên hai từ “triều cường” khi người ta nói đến thủy triều trên sông… Hai chữ này có thể thay đổi vị trí trước sau và có hai ý nghĩa khác nhau. “Cường triều” (強 潮) gồm tính từ đứng trước danh từ thì tương đương với một danh từ và có nghĩa là “con nước lớn” (haute marée). “Triều cường” (潮 強) thì lại là một mệnh đề gồm một danh từ “triều” và một động từ “cường” và có nghĩa là “con nước đang lớn lên” (la marée monte). Lúc nào cũng dùng chữ “triều cường” thì có thể sai hơn phân nửa trường hợp rồi. Nhưng tại sao không nói “con nước lớn” (danh từ) và “con nước đang lên’ (mệnh đề) vừa đúng lại vừa phù hợp với trình độ và thói quen của đại chúng.

* HẠT NHÂN: Đây là từ vật lý học chỉ các hiện tượng xảy ra bên trong cái lõi hay cái nhân của nguyên tử. Miền Nam trước đây gọi là “hạch tâm”. “Hạch” (核) là “cái hạt”, “tâm” (心) là “cái lõi hay cái nhân bên trong”. “Hạch tâm” là “cái nhân của hạt”. Đó là từ ghép theo văn phạm Hán - Việt vì cả 2 từ đều là Hán - Việt. Bây giờ người ta chuyển sang dùng 2 từ Nôm thì phải theo văn phạm Nôm và phải gọi là “nhân của hạt” hay “nhân hạt”, cũng như bên ngoài gọi “vỏ hạt” chứ không thể gọi là “hạt vỏ” được. Gọi “phản ứng hạt nhân”, là sai với văn phạm rồi. Cần phải sửa lại: “phản ứng nhân hạt mới đúng”. Tuy nhiên, theo tôi, nên giữ từ phản ứng “hạch tâm” thì hay hơn nhiều. Từ này không phải là từ của giới bình dân nên cứ giữ tiếng Hán - Việt, không cần chuyển sang tiếng Nôm.

* TẶC: Từ Hán - Việt này đang được dùng một cách rất bậy bạ và rất thường xuyên như bọn: tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, cát tặc, cẩu tặc, tin tặc… để chỉ những tên ăn trộm. Dùng như thế là phạm vào 2 điều sai. Thứ nhất là sai về ngữ pháp: một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán - Việt để thành một từ kép. Thứ hai là sai về nghĩa: “tặc” (賊) có nghĩa là “ăn cướp”; “đạo” (盜) mới có nghĩa là “ăn trộm”, thí dụ “đạo văn” (盜文) là “ăn trộm văn của người khác”. Tại sao người ta không nói một cách giản dị và đúng là: bọn trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê, trộm cát, trộm chó, trộm tin... Cũng cần nói thêm về một từ đang được nhiều báo đem dùng. Đó là từ “đinh tặc” để chỉ bọn rải đinh trên đường phố. “Đinh” là một từ có gốc Hán - Việt (釘) nhưng đã được Việt hóa hoàn toàn rồi nên ghép với từ “tặc” thì không ổn. Vả lại, nói “đinh tặc” là sai nghĩa vì từ đó có nghĩa là “bọn ăn cướp đinh”; thôi bỏ từ đó đi và nên nói một cách giản dị là “bọn rải đinh” thì hơn.

Còn vô số những từ sai khác cùng nguyên nhân trên đây như:

- “Lớp trưởng”, phải sửa lại “trưởng lớp”
- “Nhóm trưởng, phải sửa là “trưởng nhóm”
- “Siêu rẻ”, phải sửa lại “rất rẻ”
- “Siêu bền”, phải sửa lại “rất bền”
- “Vi sóng”, phải sửa lại “vi ba hay “sóng ngắn”
- Vân vân...

5. DÙNG TỪ VÔ NGHĨA

* Bệnh viện DA LIỄU: Lần đầu tiên, thấy bảng chữ này, thú thật tôi không hiểu là cái gì. Sau hỏi người bạn bác sĩ mới biết đó là “nhà thương chữa bịnh ngoài da và bệnh hoa liễu”. Trời đất! “Da” là từ thuần Việt. “Hoa liễu” là từ Hán - Việt, sao lại nhập chung một cách kỳ cục như thế. Xét về nguồn gốc, chữ Hán “hoa liễu” (花柳) có nghĩa là “ổ điếm’ chứ không phải là một bịnh. Về sau, người ta dùng nhóm từ kép “bịnh hoa liễu” để chỉ cái bịnh lây qua đường tình dục cho những người hay lui tới các “hoa liễu”. Dùng riêng chữ “hoa liễu” cho một bịnh đã là sai rồi. Bỏ luôn chữ “hoa”, chỉ còn chữ “liễu” thôi thì càng tệ hơn nữa. Riêng chữ “liễu” 柳 thì có nghĩa là “cây liễu”. “Bệnh viện da liễu” tức là “bệnh viện chuyên chữa cho bịnh ở da của cây liễu” !!!

* ĐẠI TRÀ: Tôi nhớ sau năm 1975, một người bạn dạy sử địa kể rằng, lần đầu tiên đọc sách giáo khoa từ miền Bắc đưa vào gặp câu: “Cây chè được trồng đại trà ở vùng này”. Anh ta hơi hoảng vì dạy sử địa bao năm mà bây giờ không hiểu “đại trà” là gì. “Đại” là “lớn”, còn “trà” là gì? Anh về lật nhiều tự điển kể cả tự điển Hán - Việt ra tra thì chẳng thấy chữ “đại trà” ở đâu cả. Hỏi thăm mãi anh mới rõ “trồng đại trà” là “trồng rộng rãi khắp nơi”. Có lẽ ai đó có vai vế đã không biết nhưng tự kiêu nổi hứng bịa ra từ vô nghĩa để thay thế từ dễ hiểu và có sẵn gọi là “đổi mới” rồi những người khác bắt chước theo hiệu ứng bầy đàn rất tai hại, một việc sai nhưng nhiều người làm có thể trở thành đúng, một hành động đúng nhưng ít người làm có thể trở thành sai. Ngôn ngữ mà biến chuyển lung tung như thế thì cũng thật đáng buồn.

* SỰ CỐ: Lại một từ vô nghĩa nữa nhưng đang được dùng một cách rộng rãi để chỉ một sự rắc rối vừa mới xảy ra. Trong tiếng tiếng Hán - Việt có từ kép “cố sự” (故事) có nghĩa là “chuyện cũ”, chứ làm gì có từ “sự cố”. Cái nghĩa mà hiện nay người ta gán cho từ vô nghĩa đó thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được.

* HOÀN CẢNH: Trong một bài báo, người ta viết: “Cô ấy sống hoàn cảnh lắm”. Đố các bạn biết người ta muốn nói gì? Xin thưa, muốn nói “Cô ấy đang sống trong hoàn cảnh bi thảm”!!! Các bạn có chịu nổi với cách viết văn như thế đó không?

* ĐÔI CÔNG: Kể từ giải túc cầu thế giới tại Nam Phi, đài truyền hình ở Việt Nam bịa ra một từ mới, đó là từ “đôi công” và rất thường được lặp đi lặp lại. Theo dõi nhiều trận, tôi mới hiểu ý của các ông trời đó muốn nói: 2 đội chơi “đôi công” nghĩa là cả 2 đội đều chơi tấn công. “Đôi” là “một cặp” (tiếng Nôm), “công” là “tấn công” (tiếng Hán - Việt). Vậy “đôi công” là một từ bậy bạ do người kém hiểu biết bịa ra mà hiệu quả rõ ràng là làm xấu đi ngôn ngữ của dân tộc mình. Có người nghĩ rằng, cứ bịa ra những từ mới, những phương pháp mới là làm giàu cho ngôn ngữ. Quan niệm như thế thì trời cũng phải sợ; muốn làm giàu vật chất thì nên kiếm được thực sự nhiều tiền chứ không phải cứ nhét vào tủ các thứ giấy tờ bậy bạ; muốn làm giàu cho ngôn ngữ, tiếng nói và chữ viết phải trong sáng rõ nghĩa và khoa học chứ không phải nhân danh tiến sĩ, giáo sư đua nhau cải tiến, cải cách nhảm nhí bịa ra chữ nghĩa bậy bạ rối loạn thêm. Thích làm sang mà không học chỉ ăn theo nói leo, nhầm lẫn các từ Hán - Việt và bóp méo cấu trúc Tiếng Việt mà gọi là làm giàu ngôn ngữ sao được. 

* XÂY DỰNG: “Anh Hai tôi quyết định xây dựng với người yêu của mình”. Các bạn đừng tưởng rằng 2 người quyết định đi xây nhà để ở nhé. Không, 2 người quyết định làm đám cưới đó. Viết văn như thế thì hết chỗ để phê bình rồi.

6. DÙNG SAI NGHĨA TỪ THUẦN VIỆT

* NGƯỠNG: Người ít học cũng biết “ngưỡng” là một giới hạn rất xác định, một gạch ngang rõ nét, và bước qua vạch ngang đó thì mọi việc sẽ thay đổi một cách căn bản. Thí dụ, “ngưỡng cửa” là một đường ngang, bên trong là phòng, bên ngoài là sân hay mái hiên chứ không còn là phòng nữa. Một thí dụ khác: khi lượng glucose trong máu tăng lên và vượt qua ngưỡng 1% thì đường thoát ra ngoài theo nước tiểu, còn dưới cái ngưỡng đó thì không hề gì. “Ngưỡng” có nghĩa rõ ràng như thế và học sinh nào cũng biết. Thế mà mỗi đêm, trong mục dự báo thời tiết, xướng ngôn viên cứ lải nhải: “nhiệt độ đạt ngưỡng từ 32 độ đến 35 độ”. Nghe chịu hết nổi. Tôi không trách người xướng ngôn vì bản tin không phải do người xướng ngôn viết mà do các đấng đại trí thức trong ban biên tập viết nên.

* KIÊU NGẠO: Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó: “Thằng A hay kiêu ngạo người khác”. Tôi không giải thích được vì không rõ câu này có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ “kiêu ngạo” như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được.

* TRAO ĐỔI: Từ này có nghĩa là “đưa qua đưa lại các vật với nhau”. Ngày nay người ta lại dùng từ này một cách sai lầm để thay thế cho từ bàn bạc hay thảo luận. Thí dụ: “Để thực hiện chỉ thị, tôi đã trao đổi với đồng chí chủ tịch”.

7. DÙNG TỪ THIẾU CHÍNH XÁC

* CHẤT LƯỢNG. “Chất” (質) là “cái khối chứa bên trong một vật” (matière,) “lượng” (量) là “tính chất của cái gì có thể cân đo đếm được” (quantité). Vậy “chất lượng” hay “khối lượng” là cái chất bên trong của một vật có thể đo lường được (masse). Thí dụ: “khối lượng hay chất lượng của một vật là 1 kilo gramme”. Thế mà ngày nay người ta dùng từ “chất lượng” để chỉ cái tính tốt, xấu của một vật, không thể đo đếm được (qualité). Thí dụ: “Chất lượng của nước giải khát này kém lắm, uống không ngon mà còn có hại cho sức khỏe nữa”.

* CẢM GIÁC: “Cảm giác” (感覺) là sự nhận biết của cơ thể do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể. Thí dụ: “Gió về khuya gây cảm giác lạnh. Tiếng đàn gây cảm giác êm đềm”. Ngày nay, người ta thường dùng từ “cảm giác” thay cho từ “cảm nghĩ”. Thí dụ: “Với tình hình này, anh có cảm giác thế nào?”. Thực là sai một cách trầm trọng.

* THỐNG NHẤT: “Thống nhất” (統一) là “làm biến mất tình trạng chia rẽ bằng cách gom các thứ về một mối”. Ngày nay người ta lại thường dùng từ “thống nhất” để diễn tả “sự đồng ý, cùng chung quan điểm”. Thí dụ, người ta đã nói: “Để thực hiện tốt chỉ thị, tôi cần thống nhất đồng chí chủ tịch”. Nói như vậy là sai.

* GIẢI PHÓNG: “Giải phóng” (解放) là một từ thường dùng trong lĩnh vực chính trị để chỉ công cuộc cởi bỏ áp bức, trói buộc cho con người. Ngày nay, người ta lại dùng một cách sai lầm từ này cho vật chất. Thí dụ: người ta nói “giải phóng mặt bằng” thay cho từ đúng là “giải tỏa mặt bằng”.

* ĐĂNG KÝ: “Đăng ký” (登記) là “chép vào sổ một vật được đưa đến”. Thế mà ngày, người ta nói: “Tôi đã đăng ký đi nước ngoài”, nghe như “người ta sẽ gói tôi lại rồi đem gởi ra nước ngoài”. Với con người, không thể nói đăng ký mà phải nói: ghi danh hay ghi tên mới đúng.

8. TỪ VỰNG LỘN XỘN

*LÁI XE. Đó rõ ràng là một động từ, hay đúng hơn là một từ kép gồm một động từ và một túc từ. Tuy nhiên, ngày nay người ta cũng dùng từ này để chỉ người lái xe, tức là danh từ. Vì vậy, người ta có thể nói: “Sáng nay, lái xe đang lái xe gặp một lái xe khác cũng lái xe, cả hai lái xe cùng lái xe về nhà.” Thực là buồn cười. Trước đây ở miền Nam, lái xe dứt khoát chỉ là động từ, còn danh từ phải là người lái xe hay muốn nói gọn hơn thì dùng từ phiên âm Quảng Đông (?), tài xế cũng được rõ ràng minh bạch.
* YÊU CẦU. Đây là một động từ. Thí dụ: “Tôi yêu cầu anh đi ngay”. Sau năm 1975, tôi gặp ngay trong giáo án (tài liệu chính thức để dạy học) 2 chữ: “mục đích” và “yêu cầu”. Động từ “yêu cầu” đã biến hẳn thành danh từ.

* NGHIÊN CỨU SINH. “Sinh” (生) là tiếng Hán - Việt. Dùng làm động từ thì “sinh” có nghĩa là “sống”, còn dùng làm danh từ thì “sinh” có nghĩa là “con người đang sống”. Thí dụ: “học sinh” là “người đi học”, “giáo sinh” là “người đi dạy”. “Nghiên cứu sinh” là “người đi nghiên cứu, đi học ở ngoại quốc”. Rõ ràng như vậy, thế mà tôi đã nghe người ta nói và đã thấy người ta viết những câu như: “Con tôi được đi nghiên cứu sinh tại Trung Quốc”. Như thế là nói bậy vì lấy một danh từ làm động từ. 
* ẤN TƯỢNG: Theo cụ Đào Duy Anh, “ấn tượng” (印象: impression) là cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in sâu vào óc. Vậy “ấn tượng” là một danh từ của tâm lý học. Thế mà ngày nay người ta đem dùng làm tính từ như “cảnh đó rất ấn tượng”, và cả động từ nữa, như “tôi rất ấn tượng cảnh đó”. Hết sức bậy bạ.

* THẦN TƯỢNG: “Thần tượng” (神像) có nghĩa là “hình tượng cao quý như thần”. Vậy đây là danh từ nhưng, cũng như chữ trên đây, “thần tượng” được dùng như tính từ như “người đó rất thần tượng”, rồi cả động từ nữa “anh có thần tượng ca sĩ đó không?”.

* TRÊN: Rõ ràng đây là một giới từ, bây giờ lại trở thành danh từ. Thí dụ: “Cần phải báo cáo cho trên rõ”, hay “trên bảo, dưới không nghe”.

* LÀM TỐT: Tốt là một tính từ bổ túc nghĩa cho danh từ, như hạnh kiểm tốt, sức khỏe tốt. Ngày nay tốt được dùng làm trạng từ bổ túc nghĩa cho động từ, như làm tốt, học tốt, thay vì nói làm giỏi, học giỏi.

* LÃNH ĐẠO: Tôi không tìm thấy chữ này trong các tự điển Hán - Việt, nhưng lại có trong tự điển của Tàu hiện nay (领导) và có nghĩa là “điều khiển, hướng dẫn con đường đi”. Vậy rõ ràng đây là một động từ. Tuy nhiên ngày nay người ta lại dùng làm danh từ. Thí dụ: “Lãnh đạo đã chỉ thị như thế”. Sự rối loạn về từ vựng trong ngôn ngữ thực là điều rất đáng tiếc. Từ đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của tiếng Pháp, ngôn ngữ Việt Nam dần dần được minh bạch về từ vựng nên trở nên sáng sủa và rõ nghĩa, nay có biểu hiện rối rắm về từ vựng và trở nên tối tăm, có lẽ do mấy ông đi học bên Tàu về. Tiếng Tàu thì rất lôi thôi về từ vựng, ai cũng rõ điều đó.

9. CÓP TIẾNG TÀU ĐANG DÙNG

* LƯU BAN. Học sinh kém quá không được lên lớp thì gọi là “lưu ban”. Trong tiếng Tàu hiện nay, “ban” (班) là “lớp học” nhưng với tiếng Hán - Việt (gốc từ tiếng Tàu đời Đường) thì “ban” không phải là “lớp học”, mà có nghĩa rất xa lạ (ban phát, hạng thứ, đem quân trở về). Do đó, dùng tiếng “lưu ban” để nói “học sinh không được lên lớp” thì không ổn chút nào. Dùng chữ “lưu cấp” (留級) thì gần đúng nghĩa hơn. Nhưng thôi, “lưu ban”, “lưu cấp” làm chi, vì mình đã có chữ thuần Việt đã dùng trước năm 1975 là “ở lại lớp”, rất hay, vì phụ huynh học sinh nào cũng hiểu được.

* TRANH THỦ: Đây là từ mới được đưa vào Nam sau năm 1975, và có nghĩa là “lợi dụng tình hình để làm được việc gì đó”. Thí dụ: “trong chuyến đi thăm vừa qua, anh ấy đã tranh thủ kiếm chác được chút ít”. Tôi đã cố tìm hiểu xuất xứ của từ này và nhận ra rằng từ “tranh thủ” không có trong tiếng Hán - Việt, nhưng hiện nay đang được dùng bên Tàu. Việc đem tiếng Tàu hiện nay, phiên âm Hán - Việt rồi nhập vào ngôn ngữ Việt Nam là không hợp lý vì nó sẽ làm rối rắm ngôn ngữ của mình. Nên nhớ tiếng Hán - Việt có nguồn gốc tiếng Hán ở đời Đường chứ không phải là tiếng Tàu ngày nay, đã khác khá nhiều với tiếng Tàu đời Đường, về phát âm cũng như về ý nghĩa. Thí dụ: “đại gia” (大家), tiếng Hán - Việt có nghĩa là “người hay gia đình có vai vế trong xã hội”, trong khi đó tiếng Tàu hiện đại đọc là “dà jià” và “có nghĩa là tất cả mọi người”. Một thí dụ khác: 東西 tiếng Hán - Việt đọc là “đông tây” và có nghĩa là 2 phương hướng, trong khi tiếng Tàu hiện đại đọc là “dòng xì” và có nghĩa là “hàng hóa”. Cho nên tiếng Tàu ngày nay phải được xem là ngoại ngữ đối với ngôn ngữ Việt Nam và không nên nhập một cách bừa bãi vào tiếng Việt.

10. ĐẢO NGƯỢC TỪ KÉP LÀM SAI NGHĨA

* ĐIỂM YẾU: Từ kép này gồm 2 tiếng đơn ghép theo văn phạm Nôm có nghĩa là “cái điểm không mạnh”. Có người đem đảo ngược lại thành “yếu điểm” theo văn phạm Hán - Việt thì lại có nghĩa hoàn toàn khác hẳn: “điểm rất quan trọng”.

* THẤP ĐIỂM: Từ này thường được dùng sai một cách thực buồn cười. “Cao” là tiếng Hán đã được Việt hóa, nên có thể dùng theo văn phạm Hán hay Nôm cũng đều có một nghĩa duy nhất là “ở phía bên trên”. Thí dụ: “điểm cao” và “cao điểm’ cùng một nghĩa. Trong khi đó, “thấp” lại có hai nghĩa khác nhau tùy theo tiếng Hán hay Nôm. Theo tiếng Nôm thì “thấp” có nghĩa là “ở bên dưới”, nhưng với tiếng Hán thì “thấp” có nghĩa là “ẩm ướt”. Vì vậy, khi nói “điểm thấp” thì đó là “chỗ ở dưới thấp”, nhưng khi đảo lại thành “thấp điểm” thì có nghĩa là “nơi ẩm ướt”. Thực là buồn cười khi đọc báo thấy: “giao thông giờ cao điểm, giao thông giờ thấp điểm” hay “dùng điện lúc cao điểm và dùng điện lúc thấp điểm”

11. ĐẢO TỪ KÉP BỪA BÃI VÀ KHÔNG CẦN THIẾT

* XA XÓT. Tôi đọc được cách đảo kỳ cục trong một tác phẩm bán rất chạy trong thời gian gần đây. Nguyên câu đã viết là: “…ông Năm xa xót nhìn hai đứa trẻ…”. Đảo từ như thế là bừa bãi, chẳng nhằm lợi ích gì. Với văn vần (thơ) thì có thể chấp nhận sự đảo từ cho hợp thi luật; nhưng với văn xuôi thì không thể đảo từ một cách bừa bãi được.

Còn rất nhiều từ kép bị đảo xuôi đảo ngược vô tội vạ nữa: nguy hiểm / hiểm nguy; đơn giản / giản đơn; khai triển / triển khai; từ chối / chối từ; bảo đảm / đảm bảo; bền vững / vững bền; minh chứng / chứng minh; phục hồi / hồi phục; biệt ly / ly biệt; tha thướt / thướt tha; thẩn thờ / thờ thẩn; tranh đấu / đấu tranh; thơ ngây / ngây thơ; xúc cảm / cảm xúc; quang vinh / vinh quang; kinh hoảng / hoảng kinh; ái ân / ân ái, …

Ôi thôi, nhiều quá, quá nhiều, không sao kể hết ngay tức thì được.

Có lẽ trên thế giới, không ngôn ngữ nào có các từ bị đảo ngược lung tung, tùy tiện như ngôn ngữ Việt Nam hiện nay.

Cứ cái đà này, tôi e có ngày mình sẽ đọc được một câu thế này: “Người sĩ-chiến sinh-hi ngoài trận-mặt để vệ-bảo quốc-tổ, dân-nhân ở phương-hậu phải tỏ lòng ân-tri với các hùng-anh sĩ-liệt” !!!

12. GHÉP TỪ BỪA BÃI

* KÍCH CẦU: Đó là nhóm từ “kích thích nhu cầu tiêu thụ” được ghép cho ngắn lại làm cho nghĩa trở thành hết sức tối tăm. Nghe từ ghép “kích cầu”, tôi cứ tưởng công việc của mấy ông công chánh đang thực hiện ở dưới sông. Cách ghép này nghe rất chướng tai nhưng lại rất phổ biến hiện nay.

* GIAO HỢP. Có một chuyện ghép từ rất khôi hài mà người ta thường hay kể lại. Chuyện thế này: Đồng chí giám đốc phái một nữ nhân viên qua một xí nghiệp bạn với lời dặn đò cẩn thận: “Cô hãy sang đó và cố gắng thuyết phục cho họ chịu giao hợp nhé”. Ý đồng chí giám đốc muốn nói giao hợp có nghĩa là giao thiệp và hợp tác; không biết cô nữ nhân viên có hiểu đúng ý đồng chí giám đốc hay không!

13. DÙNG TỪ DAO TO BÚA LỚN

* CHIẾN: Đá bóng chỉ là một trò chơi thể thao tranh giải bình thường thế mà các xướng ngôn viên và bình luận viên của chúng ta luôn la hét không đúng lúc, thậm chí không biết giáo dục thế nào nhiều cô gái xem trận thắng thì trần truồng như nhộng “đi bão”, thua thì khóc hơn cả cha mẹ mất trông thật tội nghiệp! Tưởng thưởng đá banh còn coi trọng hơn cả đoạt giải thưởng toán quốc tế và gọi đó là cuộc chiến. Cuộc chiến thì phải có đổ máu, phải có quyết tâm tiêu diệt kẻ thù hay ít ra làm cho kẻ thù phải khốn đốn. Một hôm đi ngang qua sạp báo tôi thấy một tờ báo chạy một cái tựa rất lớn ở trang nhất: “nội chiến ở bán đảo Ibérique”. Tôi giật mình không hiểu tại sao giữa hai nước anh em Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lại nổ ra chiến tranh. Tôi vội vã móc tiền ra mua ngay tờ báo đó rồi chạy nhanh về nhà để đọc. Đọc xong, tôi ngã ngửa. Thì ra, trong một cuộc bốc thăm do FIFA tổ chức, hai đội tuyển bóng tròn của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha gặp nhau trong cuộc chơi play-off. Thế mà người ta dám gọi là “nội chiến”. Xin chào thua cách dùng ngôn từ Việt Nam ngày nay.

* CHIẾN ĐẤU: Tôi đã từng nghe nói: “Chúng ta phải cương quyết chiến đấu với tư tưởng sai trái”. Nghe sặc mùi hiếu chiến thực là đáng sợ.

* NGÀI: Đã có lúc, nhân danh lập trường giai cấp, lập trường ta bạn-thù, tâm phân biệt hẹp hòi khiến hận thù kéo dài khó chấm dứt, người ta gọi các lãnh tụ của nước tư bản bằng thằng nọ thằng kia thậm chí đặt tên cho con chó. Bảng hướng dẫn thì bỏ chữ “vua”, thí dụ “Lăng Gia Long”, thẻ căn-cước “đổi mới” thành “giấy chứng minh nhân dân”... Bây giờ, người ta không chỉ chơi với tư bản mà còn mua nhà đất cho con cháu ở, làm giàu cho xứ sở tư bản giãy chết và ai người ta cũng gọi bằng “ngài”. Ngài thủ tướng, ngài đại sứ, ngài nghị sĩ, vân vân tập tành lịch sự. Nghe có vẻ bợ đỡ hiện nguỵ quá đi.

* THAM QUAN: (參觀) Đi chơi để ngắm cảnh thì gọi là “tham quan”, có nghĩa là “tham dự vào một công cuộc xem xét, nghiên cứu”. Gọi thế mới hách chứ.

14. DÙNG TỪ HÁN - VIỆT THAY TỪ NÔM MỘT CÁCH KỲ CỤC

* KHẨN TRƯƠNG: Một đồng nghiệp của tôi định cư tại Úc từ năm 1975. Cách đây vài năm, thầy về Việt Nam lần đầu tiên và đi bằng tàu hỏa ra Hà Nội thăm quê. Giữa khuya, tàu đến ga Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình. Đang ngủ say, bỗng thầy giật mình tỉnh dậy vì tiếng loa “…hành khách khẩn trương lên”. Thầy hoảng hồn phóng xuống giường, chạy ra khỏi buồng của toa xe vì tưởng xe trật đường rầy hay có hỏa hoạn xảy ra. Nhưng không, nhân viên trên toa tàu chỉ nhắc nhở hành khách nào xuống tàu ở ga này thì nhanh lên, thế thôi! Tội nghiệp, thầy Phụng hoảng hồn cũng phải vì ở miền Nam trước đây, người ta ăn nói một cách giản dị và chỉ hay dùng tiếng Hán - Việt trong văn chương và khi có việc nghiêm trọng mà thôi.

* BÁO CÁO. Một người bạn đã nói với tôi: “Báo cáo anh, chiều nay tôi phải lên xe về Hà Nội”. Tôi nghe chữ báo cáo thì cứ tưởng anh ta đang nói với một vị tư lệnh trên chiến trường.

15. THAY TỪ HÁN - VIỆT THÔNG DỤNG BẰNG TỪ NÔM BẤT HỢP LÝ

* MÁY BAY LÊN THẲNG: Cái loại máy bay có thể bay lên mà không cần phi đạo, ngày trước người miền Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ người có học đến người thất học, đều gọi bằng một cái tên rất gọn là trực thăng. Sau năm 1975, người ta sửa lại là máy bay lên thẳng, không hiểu lý do tại sao.

* LÍNH THỦY ĐÁNH BỘ: Ngày trước miền Nam có một binh chủng đặt tên là “Thủy quân lục chiến”. Đó gần như là một danh từ riêng. Sau năm 1975 thì sửa lại là “lính thủy đánh bộ” cho có vẻ “làm mới” nhưng vẫn cũ bởi “thủy” và “bộ” vẫn là tiếng Hán - Việt. Có người chỉ làm nhưng không học nên cuồng ngã tâm phân biệt hẹp hòi còn bảo rằng cái gì của ta thì vô địch và dùng tiếng Hán - Việt mới bảnh, còn cái gì của kẻ thù thì dùng tiếng Nôm để làm giảm giá trị chúng nó. Nếu quả đúng như thế thì đó thực là một quan niệm hết sức sai lầm và xúc phạm một cách trầm trọng đến giá trị tiếng thuần Việt của dân tộc mình.

16. CHƯA CÓ ĐƯỢC NHỮNG TỪ THỎA ĐÁNG CHO KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HIỆN ĐẠI

* COMPUTER: Từ này dịch là “máy vi tính” là không thỏa đáng. “Máy vi tính’ có nghĩa là “máy dùng làm những phép tính rất nhỏ”. Chức năng của computer không phải chỉ như thế. Xin để dành cho các nhà chuyên môn về kỹ thuật và các nhà ngôn ngữ nói chuyện với nhau để chọn từ cho chính xác.

* INFORMATION TECHNOLOGIE: Từ này dịch là “tin học”, cần xét lại 2 điểm. Thứ nhất, techgnologie là một “kỹ thuật”, dịch bằng một chữ “học” trơ trọi thì không ổn. Thứ hai, muốn dùng từ kép “tin học” thì 2 từ đơn phải đều là tiếng Hán - Việt. Nhưng “tin” là tiếng Nôm còn “tín” mới là tiếng Hán - Việt.

* ON LINE, OFF LINE: Hai từ này dịch là “trực tuyến” và “ngoại tuyến” thì e không ổn. Ở tiếng Mỹ, “on” và “off” là 2 từ đối nghịch nhau thì dịch sang tiếng Việt cũng cần 2 từ đối nghịch nhau mới được. Cho nên dùng 2 từ “trực” và “ngoại” thì chẳng ổn chút nào. Một lần nữa, chúng ta chờ đợi sự bàn bạc giữa các chuyên viên kỹ thuật và các nhà ngôn ngữ. Nếu yêu quý tiếng Việt chúng ta có thể dạy dỗ con cháu uống nước nhớ nguồn luôn hướng về các bậc tiền nhân, tri ân đã khai xướng tiếng Việt. 
-----

TÂM HIỀN (sưu tầm); NGƯỜI NƯỚC HUỆ (copy, hiệu chỉnh, và dán lên FB)

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

Luận văn kháng tàu


Fb Lê Thanh Hoàng Dân

#CàPhêBuổiSáng #ĐiểmBáo

Sáng nay dạo một vòng FB đọc status, để tìm hiểu người Mỹ gốc Việt nghĩ gì về Trump, tình cờ đọc bài này của Song Chi, phân tách về lập luận của cuồng Trump, chỉ có Trump mới đánh Trung Quốc cứu Việt Nam.  

Xin giới thiệu với các bạn. Bài này được nhiều báo gốc Việt đăng, tình cờ tôi đọc trên website "Sự Thật Lề Đường". Đây là một trong 3 website của tuổi trẻ Việt Nam ở Mỹ, dám chống Trump. Hai website kia là "PIVOT"  (Hội Người Việt Cấp Tiến) và  "Vietnamese Americans & Friends Against T.R.U.M.P."  

Thế hệ tôi sắp ra đi. Riêng tôi tin tưởng nơi tuổi trẻ gốc Việt ở Mỹ, sẽ đóng góp xứng đáng cho đất nước này, quê hương thứ hai của hơn 2 triệu người gốc Việt, đông Việt Nam nhất ngoài nước Việt Nam.

"...  Một số người ủng hộ Tổng Thống Trump với lý do chỉ có Trump mới diệt được Tàu Cộng, và Tàu Cộng chết thì Việt Cộng cũng…lung lay, và còn nói rằng sở dĩ Tàu cộng có được sự lớn mạnh để ngày càng hung hăng, ngang ngược như hiện nay chính là nhờ thời kỳ mấy mươi năm dưới sự lãnh đạo của các đời Tổng thống của đảng Dân Chủ như Bill Clinton và Barack Obama... Nhất là thời kỳ Obama “ôn hoà, thậm chí nhẫn nhục” để Tàu cộng ngang nhiên xâm chiếm biển Đông và tiến hành quân sự hoá các đảo. Các nhiệm kỳ của 2 vị Tổng thống Dân Chủ đã để lại nhiều di sản rất bất cập mà thời kỳ ông Trump hiện nay phải “ dọn dẹp “ một cách vất vả!

Tôi xin trả lời chung một lần như sau:

Thứ nhất, Trung Cộng trước đây khác với Trung Cộng bây giờ. Khi Mỹ vì muốn tập trung đánh Liên Xô nên đã bắt tay với Trung Cộng, đổi lại đã mở cửa về kinh tế cho Trung Cộng (một bước đi sai lầm dẫn tới sự lớn mạnh của Trung Cộng ngày hôm nay) thí lúc đó trong mắt Mỹ và phương tây, Trung Cộng chưa là cái gì cả dù là một nước lớn về diện tích, về dân số nhưng Liên Xô mới là mối đe dọa chính.

Sau đó thập niên 80, cho tới cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, dưới thời Đặng Tiểu Bình, thì họ Đặng tập trung vào chuyện cải cách kinh tế Trung Quốc, hướng TQ tới một nền kinh tế thị trường, kết quả Trung Quốc đã hội nhập được vào nền kinh tế thế giới. Còn về đối ngoại, chính sách của họ Đặng là là tiếp cận khiêm tốn và thận trọng, “thao quang dưỡng hối” (giấu mình chờ thời), tránh những đụng chạm, tránh can thiệp vào những vấn đề chung của thế giới. Công thức đó được Đặng Tiểu Bình đưa ra sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 1978, và sau đó được những người kế nhiệm tiếp nối và điều chỉnh. Một khi Trung Cộng đi theo con đường như vậy thì Mỹ và thế giới đâu có lý do gì để phải lo sợ, ngăn chặn? Chỉ có người Việt chúng ta vì đã có những kinh nghiệm cay đắng trong lịch sử với Tàu nên bao giờ cũng cảnh giác với Tàu, chứ Mỹ và phương Tây lúc đó họ chỉ tập trung đánh gục Liên Xô trước cái đã.

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 thì Trung Cộng cũng chưa lộ mặt nhiều. Đó là thời của Bill Clinton (1993 –2001). Nên không thể trách Bill Clinton được.

Đến khi lên làm TT (2001-2009) thì ông Bush cũng vẫn chưa quan tâm nhiều đến Trung Cộng mà lại tập trung hơn vào khối Hồi giáo, vào những việc như trả đũa vụ 11/9, cuộc chiến tranh với Afghanistan, Iraq.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, khi Tập Cận Bình lên nhậm chức vào năm 2012 thì họ Tập đã chuyển khỏi chính sách "giấu mình chờ thời" và hướng tới một chính sách đối ngoại thách thức sự thống trị của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đó là khi Tổng thống Barack Obama lên 2009 – 2017. Cái nhìn của Mỹ về Trung Cộng cũng bắt đầu thay đổi. Chính Hillary Clinton khi làm Ngoại trưởng và tiếp xúc với các quan chức Tàu đã nhận ra tham vọng của họ và Trung Cộng có thể là mối nguy hiểm tiềm tàng như thế nào. Hãy đọc lại bài viết từ năm 2011 của bà Hillary Clinton “America’s Pacific Century” (thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ”, Foreign Policy, “Clinton declares "America's Pacific century", Reuter), và sau đó chính bà Hillary Clinton đã cùng với TT Obama xoay trục về châu Á như thế nào. Hiệp định TPP (The Trans-Pacific Partnership, còn gọi là the Trans-Pacific Partnership Agreement) chính là chiến lược để chính quyền Obama đoàn kết các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và gạt Trung Quốc ra ngoài nhưng tiếc rằng, Trump vì ganh ghét với mọi thứ Obama làm đã rút lui và Trung Quốc liền có cái thay thế ngay, sáng kiến “Một vành đai, một Con đường” (Nhất đới, Nhất lộ).

Đến nhiệm kỳ thứ hai từ năm 2017, khi phát biểu tại đại hội đảng Trung Quốc tháng 10.2017 thì Tập Cận Bình đã công khai nói về việc Trung Quốc muốn vươn lên thành siêu cường, muốn tham dự sâu hơn vào những vấn đề quốc tế, thậm chí cạnh tranh với siêu cường Mỹ, và Tập Cận Bình còn đưa ra "Giấc mơ Trung Hoa" để thay cho "American Dream", được thể hiện bằng các tham vọng lãnh thổ và chiến lược,

Như vậy tham vọng của Trung Cộng đã quá rõ ràng, và bây giờ thì Mỹ và phương Tây đã thấy rõ.

Trên đây tôi đã giải thích khi chính sách của Tàu thay đổi, Tàu lộ mặt thì mới có lý do để Mỹ và các nước thay đổi chính sách.

Tôi rất ngán ngẩm những lập luận cho rằng chỉ có Trump mới diệt được Tàu, rằng Obama yếu đuối, rằng phải bầu tiếp cho Trump vì đảng Dân chủ mà lên thì Tàu lộng hành.

Thứ nhất, ông Trump không diệt Tàu và ngay cả có muốn cũng không dễ gì diệt được ngay. Trung Cộng sẽ sụp nhưng cũng như Liên Xô trước kia, cần phải có một thời gian dài và nếu muốn làm được như vậy thì Mỹ và các nước đồng minh phải đoàn kết, bao vây, ngăn chặn Tàu bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trong 3 năm qua những trò chiến tranh thương mại của Trump có làm cho chế độ của Bắc Kinh sụp không? Hay cả 2 bên đều bị thiệt hại về kinh tế nhưng cuối cùng người nghèo ở Trung Quốc hoặc nông dân Mỹ mới là bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cuối cùng thì hai bên lại ngồi vào bàn thương lượng với nhau như chúng ta thấy.

Khoan hãy nói chuyện gia đình Trump cho tới con gái, con rể đều có mối quan hệ làm ăn bao lâu nay với Tàu nên khó có chuyện Trump đánh Tàu mà không vướng mắc về lợi ích kinh tế riêng, cứ cho là Trump thực sự muốn đánh Tàu, nhưng chiến lược của Trump ra sao?

Chỉ đánh thuế, đánh vào kinh tế Tàu không chưa đủ. Mà phải tích cực đoàn kết với tât cả các nước đồng minh, có chiến lược lâu dài bao vây Tàu về mọi mặt, ngăn chặn Trung Cộng vươn vòi gây ảnh hưởng trên thế giới, ngăn chặn Trung Cộng tìm cách mua chuộc, thao túng các tổ chức, quốc gia theo hướng có lợi cho mình v.v…Nhưng đường lối ngoại giao của Trump trong những năm qua như thế nào? Công kích đồng minh từ Âu sang Á, công kích NATO, làm sứt mẻ các mối quan hệ với đồng minh, dẹp bỏ TPP, rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cắt viện trợ cho WHO… là củng cố hay làm yếu đi ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, là làm hại hay lợi cho Tàu?...

Đó là chưa nói Trump không quan tâm về vấn đề nhân quyền, không lên án mạnh mẽ những hành vi vi phạm nhân quyền ở các quốc gia độc tài nên chỉ riêng VN thôi, 3 năm qua nhà cầm quyền VN chùn tay hơn hay mạnh tay đàn áp những người bất đồng ý kiến, hoạt động dân chủ hơn? Số người bị bắt, bị cầm tù có giảm đi hay càng tăng với những bản án nặng nề hơn?

Còn về Trung Cộng, 3 năm qua Mỹ có ngăn chặn được sự bành trướng của Trung Cộng trên biển Đông không hay là chúng vẫn tiếp tục không ngưng nghỉ một ngày nào quá trình biến các đảo thành căn cứ quân sự, hải quân,và chuẩn bị thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông? Mới đây nhất, khi Tàu thông qua Luật An ninh Quốc Gia Hong Kong, chấm dứt mô hình “một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong thì Mỹ làm được gì ngoài việc tuyên bố “Hong Kong không còn đù sự tự trị với Tàu”, rút quy chế thượng mại đặc biệt dành cho Hong Kong, như thế có khác nào thừa nhận Hong Kong đã thuộc về Tàu rồi?

Nếu như Trung Quốc dưới thời Tập đang tìm cách mở rộng quan hệ, mở rộng ảnh hưởng của Trung Cộng trên thế giới thì Hoa Kỳ dưới thời Trump lại đang co cụm lại với chính mình, như thế là lợi hay hại? Mời đọc thêm “How China sees the World and how we should see China”, H. R. McMaster, The Atlantic. Đánh Tàu là phải có tầm nhìn như vậy.

Những người chỉ trích, phê phán Trump không phải vì “ông ta nói năng bộc trực, không có trình độ nghệ thuật “mỵ dân” như ông Clinton và Obama mà thật ra là mồm lưỡi, xảo ngôn kiểu các nhà chính trị lươn lẹo không khác gì các chính trị gia CS" (?) Những người chỉ trích, phê phán Trump không phải vì Trump hành xử không theo kiểu “truyền thống” của các chính trị gia trước đây. Những người chỉ trích, phê phán Trump cũng không chỉ vì toàn bộ nhân cách, đạo đức tệ hại, mà cái chính là vì những lời nói, việc làm, chính sách của Trump đang gây hại cho nước Mỹ-đối nội thì làm cho xã hội Mỹ càng trở nên chia rẽ hơn bao giờ hết, đối ngoại thì làm cho vai trò, uy tín, sức mạnh mềm của Mỹ bị giàm sút trên thế giới. Chỉ qua 2 ví dụ là đại dịch cúm Vũ Hán và các cuộc biểu tình biến thành bạo lực vừa qua cũng đủ chứng minh Trump không có khả năng đối mặt và giải quyết những cuộc khủng hoảng, thay vào đó chỉ biết đổ lỗi, không nhận trách nhiệm “I don’t take responsibility at all”, chỉ biết công kích người khác, hăm dọa, đòi sử dụng quyền lực và vũ lực để trấn áp…

Cuối cùng, tôi khẳng định sắp tới lên dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa nắm quyền thì cũng sẽ thay đổi chính sách với Tàu, cũng sẽ coi Tàu là đối thủ. Nhưng hãy hy vọng vào một TT có tài đức hơn Trump.

Còn số phận VN thì chỉ có người VN mới thay đổi được, không thể hy vọng, trông chờ vào bất cứ một thế lực bên ngoài nào hay bất cứ ai.

Lâu nay tôi vẫn tránh những cuộc tranh luận về Trump vì không đi đến đâu và rất mất thì giờ, mất bạn bè (!), nhưng hôm nay buộc phải nói vậy. Có những sai lầm của nước Mỹ phải mất hàng chục năm sau mới thấy được, như việc rút khỏi VN, phản bội VNCH chẳng hạn. Việc Trump lên làm TT cũng vậy, những hậu quả để lại cho nước Mỹ trong nước cũng như việc xây lại hình ảnh cho Hoa Kỳ trên thế giới phải mất rất nhiều thời gian.

Đừng vì cảm tính hay vì quá tuyệt vọng về số phận của VN mà lại đi đặt hết niềm tin và sự hy vọng vào một TT Hoa Kỳ như Trump. Thay vào đó hãy tìm đọc nhiều nguồn tin khác nhau trên báo tiếng Anh của các nước để thấy những người lên tiếng phản đối Trump mạnh mẽ là những nhân vật có tên tuổi, vị trí trong xã hội Mỹ, để thấy châu Âu và thế giới đánh giá Trump và nước Mỹ dưới thời Trump ra sao và khi đọc thì đối chiếu từ nhiều nguồn để kiểm tra sự thật (thậm chí nếu không đọc được tiếng Anh tiếng Pháp, Đức…thì trên internet này nhiều người giỏi ngoại ngữ, mỗi ngày vẫn dịch không công rất nhiều cho mọi người đọc) chứ đừng chỉ đọc báo tiếng Việt không có nguồn tin, không dẫn chứng, số liệu v.v…của những người cuồng Trump!" 

(Song Chi)

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

CƯỜI ĐỂ QUÊN CO VI NHE CẢ NHÀ


*
Rồi có một ngày, Anh sẽ phải Già đi
Chim ngừng hót, và Bugi hết lửa
Chẳng ham vui, Cơm ăn ngày hai bữa
Pháo xác xơ, phơi bụng ngửa ven đồi

Rồi một ngày, ta có lỡ chạm môi
Nhớ khẽ thôi, vì Lợi Anh yếu lắm
Khi Già rồi, Anh cũng hơi kém Tắm
Chẳng thơm tho như lúc tuổi đang xuân 

Và cả Em ngày đó cũng trái ngang
Mướp buông lơi, trên cái giàn ngấn mỡ
Mùi Trầu không, cay nồng trong  hơi thở
Chính tên mình, cũng lúc nhớ lúc quên

Phấn son vào, Em cũng chẳng đẹp thêm
Chỉ làm đám cháu con ta, khiếp  đảm
Rãnh chân chim, sẽ chồng lên vệt nám
Khi giận hờn, nói nhảm mãi linh   tinh

Rockét - Ngậm sâm, Anh vẫn cứ hụt hơi
Em có Bảo Xuân, Đám ruộng thời khô khốc
Ôi còn đâu, cuộc viễn chinh Quý Tộc
Mới nắm tay, đã muốn thở dốc kết bài

Ơi cái tuổi Già, chẳng bỏ sót một ai
Nên hãy vui đi, khi WIFI còn khỏe
Trời cho ta, chỉ một cuộc đời thôi nhé
Đừng ngồi buồn, nhìn tuổi trẻ bước qua

Sưu tầm