Văn học miền Nam 54-75 (542): Nguyễn Hiến Lê (kỳ 9)
Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười
Chương IX
MỘT MIỀN PHONG PHÚ
Miền Đốc Vàng.
Hai thời đại.
Rất mới mà rất cổ.
Những vụ cướp trâu ở một nơi biên cương.
Tinh thần ái quốc.
Các "ông đạo".
Sáng hôm sau, chúng tôi theo rạch Đốc Vàng thượng đi vào chợ Tân Thạnh. Rạch rộng chừng năm chục thước, uốn khúc giữa những rặng sao và vườn xoài. Sao cao vút và thẳng tắp, tựa những cây sào có úp nón lá trên ngọn. Xoài mọc sát mí nước, trái rủ xuống, chi chít và mũm mĩm, làm chúng tôi muốn với tay lên vuốt nhẹ. Nhà cửa sạch sẽ, có vườn trồng mai hoặc cúc.
Cánh hoa bằng lăng mỏng và nhẹ như lụa, phơn phớt tím, lả tả bay trong gió, từ từ hạ trên mặt nước trong veo và lờ đờ. Thực không khác cảnh Đào Nguyên.
Vừa đi tôi vừa nói:
- Tôi đã ở được miền này ít lâu. Dân tình đôn hậu, rất mến người phương xa mà đời sống thì an nhàn, khác hẳn thành thị.
Đây cũng thưộc cảnh Đồng Tháp mà rất phong phú. Cứ vài trăm thước lại có một ngôi nhà gạch và những nhà sàn vách ván coi tầm thường vậy mà mỗi năm góp cũng được vài ba ngàn giạ lúa, giá ba bốn ngàn đồng, hơn lương một công chức cao cấp. Miền này như vậy, thì khắp cánh Đồng Tháp đều có thể như vậy, đất hoang còn nhiều mà dân tộc ta cứ chen chúc nhau trong miền hạ du sông Hồng, thực khờ quá.
- Ai muốn chen chúc ngoài đó? Tại sự di dân chưa được tổ chức.
- Cũng có lẽ. Nhưng có sống chung với nông dân Bắc Việt mới thấy họ quyến luyến luỹ tre của họ ra sao.
Hai năm trước, tôi dắt sáu người bà con ở Bắc vào đây. Họ nghèo, tôi muốn giúp họ làm ăn, xuất tiền xe cho họ đi rồi gởi gắm họ với một ông chủ điền ở đây để họ làm ruộng.
Tôi dẫn họ đi coi làng xóm, chỉ những cánh đồng bát ngát, những đống lúa chót vót cho họ thấy. Họ đều trầm trồ khen: "Chà! Ruộng thật là thẳng cánh cò bay! Quả là lúa chất thành núi…".
Tôi lại dắt họ thăm những gia đình nghèo nhất ở đây: bữa ăn luôn luôn có có cơm và cá; quần áo có vài ba bộ bằng hàng. Họ nhận rằng dân miền này ít khi biết đói và rét, ít lắm. Vậy mà trong số sáu người chỉ có mỗi một người chịu ở hẳn trong này, nay sắp thành một thương gia nhỏ, còn năm người kia đi làm mướn một hai năm, dư được ít tiền rồi về Bắc thăm bà con, đình chùa, luỹ tre, cổng xóm và không vô nữa, chịu cảnh ăn khoai trừ cơm và bận áo đụp quanh năm. Họ nặng lòng với cố hương quá. Làm sao thay đổi được tinh thần đó nhỉ?
° °
°
Chúng tôi bước dưới một cái cổng gỗ phủ đầy hoa tím. Tôi bảo anh Bình:
- Chúng ta vào thăm một tiểu điền chủ ở đây. Cụ là một người học rộng và từng trải, ưa nhàn hơn ưa tiền, thích hoa ngang với thích sách.
Qua một đường lát gạch, một khu vườn trồng đầy những chậu kiểng trồng lan, huệ, cúc, hồng…, tôi bước lên một nhà sàn.
Chủ nhân khoảng lục tuần mà còn tráng kiện, niềm nở tiếp chúng tôi ở ngay bên gốc mai.
Cụ pha trà mời chúng tôi uống rồi hỏi anh Bình về tình hình ngoài Bắc. Chúng tôi bàn về văn thơ, sau cùng kéo câu chuyện về Đồng Tháp. Tôi hỏi cụ:
- Cụ ở đây lập nghiệp đã lâu chưa?
- Gần ba chục năm rồi. Khi mới đến miền này còn hoang vu, đúng là nơi "khỉ ho có gáy". Ba bốn trăm thước mới gặp căn nhà lá, chung quanh lau sậy um tùm.
Hồi ấy dân cư nhàn nhã lắm. Phát vài công đất ở sau nhà, sạ một vài giạ lúa là có dư lúa ăn suốt năm. Cá nhiều tới nỗi con nít cầm một cây đinh ba nhỏ đi đâm một lúc về cũng được một xâu cá; đàn bà ngồi rửa chén, thấy cá lội ngang, thường cầm dao chén được những con cá lóc lớn bằng bắp chuối. Muốn đổi thức ăn, ra đồng bắt cò, bắt trích, và lượm rùa. Rau thì có bông súng mọc khắp nơi. Củi thì có tre, sậy và tràm lụt.
Anh Bình hỏi:
- Thưa cụ, tràm lụt là gì?
- Đi ngoài đồng người ta thường thấy những khúc cây tràm vặn vẹo vùi lâu dưới đất gần thành than. Có người bảo cánh Đồng Tháp này hồi xưa là rừng tràm. Sau trận lụt năm 1904, tràm trốc gốc bị vùi xuống một lớp phù sa. Giả thuyết đó chưa đáng tin vì lẽ gì chưa đầy mười năm sau, khi tôi tới đây, những gốc tràm ấy gần thành than rồi.
Vậy vấn đề ăn uống, củi lửa, khỏi phải giải quyết. Còn vấn đề quần áo? Xứ này không có mùa rét. Khí hậu rất dễ chịu, tôi đã có câu vịnh:
Một ngày đủ cả bốn mùa:
Sáng xuân, trưa hạ, đêm là thu đông.
Hàn thử biểu thường chỉ từ 25 đến 30 độ, nên mỗi năm mỗi người chỉ cần hai bộ quần áo. Đóng một khung vải, mua ít tơ ở Chợ Thủ về dệt trong một tháng dư đồ bận cho cả gia đình.
Đường giao thông không tiện lợi, đi đâu cũng phải dùng ghe; qua Long Xuyên thì mất một ngày, lên Gia Định thì mất một tuần, nên ít ai ra khỏi làng. Vật dục do đó bớt đi, cổ tục bảo tồn được đủ.
Đời nhàn quá. Suốt ngày các ông già ngồi nhai trầu hoặc dạo xóm nói chuyện cổ kim, đi năm ba nước cờ; còn thanh niên nam nữ thì đọc sách, quay tơ, câu cá, bẫy chim hoặc tập làm bánh trái.
Nhà không có hàng rào mà cửa đêm ngày đều bỏ ngỏ. Đời Nghiêu, Thuấn tả trong sử Tàu chắc cũng chỉ như vậy. Đó là thời dân cư thưa, đất đai nhiều, mưu sinh dễ dàng mà con người thuần phác.
Từ sau Đại chiến 1, một số người nộp đơn xin khẩn đất, mỗi khoảnh hàng ngàn công. Chế độ đại tư bản bắt đầu len lỏi vào. Không đầy mười năm sau, nhà gạch nền đúc nối tiếp nhau mọc lên, ít nhiều ống khói làm đục một khoảng trời, tiếng máy xay lúa vang lên cùng với ca nô trong kinh và đồng thời bên cạnh những lẫm lúa đồ sộ, nhà tranh vách lá xuất hiện, chật hẹp, tối tăm. Sóng văn minh cũng từ Sài Gòn, Long Xuyên tới Chợ Kinh, Chợ Thủ, qua con sông Tiền Giang và tràn vào đây; thiếu nữ bỏ những hàng Tân Châu đen mà bền, bận những hàng Bombay sặc sỡ mà mỏng dính; các cậu thì đua nhau mặc đồ Tây, hút thuốc Tây, uống rượu Tây, xí xồ tiếng Tây. Hết thảy đều có vẻ vội vàng và một số người bỏ làng lên Sài Gòn. Người ta bắt đầu thấy ngày ngắn mà công việc thì nhiều.
Những năm 1928-1929, lúa được giá, ghe hàng ngược xuôi trên rạch này suốt ngày, bán đủ đồ, từ phấn son tới cà vạt, từ máy may tới máy hát. Những bài vọng cổ văng vẳng từ mặt nước đưa lên, không phút nào ngớt và trong mười nhà thì bốn nhà có tiếng lách cách đạp máy Singer. Quả là một thời cực thịnh.
Thịnh không bao lâu thì kinh tế khủng hoảng. Lớp sóng kinh tế cũng từ phương Tây tràn qua, đánh đắm biết bao nhiêu sản nghiệp! Chủ điền nào cũng nhăn mặt, càng nhiều ruộng càng lo, càng làm ruộng càng lỗ. Lúa từ một đồng một gia xuống còn 8 cắc, người ta chê rẻ, không bán, ít tháng sau còn 7 cắc, 5 cắc; cuối cùng chỉ còn 2-3 cắc. Giá lúa như vậy nên lương bác sĩ, kĩ sư mới vô làm chỉ được năm chục đồng. Có người đã trào phúng:
Lúa bán hai hào dân mếu máo,
Quan ăn năm chục vợ ngầy la.
Nhà cửa thì tráng lệ, đồ đạc thì toàn là bảo vật: tủ thờ khảm xa cừ, bàn ghế bằng nu 2, nhưng trong những bộ chén Giang Tây rất cổ hoặc Limoges rất mới, khách chỉ thấy một thứ "nước trắng" tức là nước đun sôi. Không một điền chủ nào dám uống Trung Quốc kì chưởng, Martel, Cognac, còn thuốc hút thì không ai thấy Camel, Lucky nữa, mà toàn thứ thuốc trồng ngay ngoài bãi, y như râu bắp vậy, thực đúng với hai câu:
Đèn như đom đóm, thuốc như lông,
Khách tới pha trà, thấy nước trong.
Chưa bao giờ người ta nghèo tới mức đó.
Tới điền chủ cũng phải bận áo vá; xe hơi và tàu thuỷ đều cho nằm ụ, đi đâu thì cuốc bộ hoặc bơi xuồng:
Lục soạn tơi rồi, chầm vải tám,
Ca nô sét đó, nguậy chèo tay.
Một vài người thấy gia sản sắp bị tịch biên, mượn dòng nước hoặc viên đạn để kết liễu nỗi khổ. Tôi có làm một bài thơ vịnh thời ấy, nay chỉ còn nhớ hai câu:
Tiếng súng hội đồng nổ bớp bớp,
Cột cầu Bình Lợi nhảy đùng đùng.
- Thưa cụ, lúc ấy chắc cụ không phải lo lắng gì nên mới có giọng thơ như vậy được.
- Phải, tôi nhờ tri túc, không muốn mở mang lớn, nên chịu ít ảnh hưởng của kinh tế khủng hoảng và trong làng này chỉ có một mình tôi là tiếp tục cho con học ở nước ngoài được.
Cũng vì cuộc khủng hoảng ấy mà sự khai phá miền này mới ngừng lại, nếu không chắc đã tấn phát mau lắm. Con đường xe hơi từ Cao Lãnh lên Hồng Ngự mới đắp phải bỏ dở. Dân nghèo thì nhà nước tất phải nghèo.
- Thưa cụ, hiện nay cánh đồng này khai phá vào sâu bao nhiêu rồi?
- Trung bình được mười cây số. Nếu sở Thuỷ lợi đào một con kinh từ Gãy lên Cái Cái như dự định thì chỉ trong năm năm, miền này thành ruộng hết.
Hầu chuyện cụ một lúc, chúng tôi xin cáo từ, đi về phía chợ Tân Thạnh để làm công việc sở. Càng đi, càng vào sâu, rạch càng nhỏ, càng uốn khúc, nhà cửa càng đông đúc.
Gặp những già búi tóc mà đội nón Tây, anh Bình thấy lạ mắt lắm, chăm chú nhìn. Tôi bảo:
- Có người còn mặc một chiếc áo dài ta, một chiếc quần Tây, đầu đội khăn đóng mà chân đi giày ban. Trông cách ăn mặc đó, ta hiểu được ít nhiều tính tình phái cổ ở trong này. Họ nửa theo mới, nửa theo cũ; mới thì rất mới mà cũ thì cũng rất cũ.
Một nhà nho ở đây, mà cũng là một nhà cách mạng, cho con qua học bên Pháp học tám, chín năm trời, đậu kĩ sư, về nước gặp lúc kinh tế khủng hoảng, không có việc làm. Ghét sự ngồi không, ông ta bắt cậu kĩ sư phải đi đuổi bò và cậu không dám trái lời cha, phải đội cái nón lá, bận bộ đồ đen, cầm cái roi chạy theo đàn bò. Việc đó ở ngoài Bắc, ngay trong những gia đình rất cổ, cũng không khi nào xảy ra. Trong những nhà như vậy, gia huấn rất nghiêm mà chữ Hán rất được trọng dụng. Tôi được biết một ông huyện phải nằm sấp chịu đòn của cha, và một ông hương cả nọ muốn cho con là một cậu tú Tây, học thêm chữ Hán để đọc được bộ Ẩm Băng của Lương Khải Siêu.
- Thế thì chắc Tây học bị khinh rẻ.
- Không. Cũng vẫn trọng, song những gia đình cổ cho con cái học Tây chỉ để kiếm lợi và danh, còn Nho học mới đào luyện được nhân cách.
Cánh Đồng Tháp Mười mỗi năm ngập bốn năm tháng, nuôi trâu bò rất bất tiện. Dân các miền Tân Phú, Tân Thạnh, An Phong… phải mua trâu ở Cao Miên rồi lùa về. Cách đây nửa thế kỉ, trật tự không được hoàn toàn, đồn bót ở xa, tại Chợ Mới hoặc Long Xuyên, lính tráng ít khi mạo hiểm qua con sông Tiền Giang, nên cả dải đất từ Hồng Ngự tới Cao Lãnh sống dưới một chế độ gần như phong kiến và chỉ những vị hảo hán mới dám làm nghề buôn trâu.
Nói là buôn chứ kì thực là cướp. Người ta dắt mười tên gia nhân, băng qua đồng, lên tận Svay Riêng, giữa đêm vào sóc Thổ 3, đốt vài căn nhà lá cho dân chúng trong xóm lại đó dập lửa, rồi thừa cơ lùa từng đàn trâu đi. Tất nhiên là người Thổ đuổi theo và hai bên kịch chiến ở trong đồng. Có khi đàn trâu lùa về hai, ba lần, vì mình xuống cướp trâu của Thổ thì Thổ xuống cướp trâu của mình.
Các ông già bà cả còn kể nhiều chuyện đổ máu rùng rợn ở nơi biên cương này. Người cầm đầu các đảng cướp đều võ nghệ cao cường và có lòng nghĩa hiệp: chỉ cướp của Thổ, không hề cướp của người mình bao giờ; đối với bọn đàn em tuy nghiêm khắc, song cũng thân mật, tận tâm chia cơm sẻ áo với họ, xả thân cứu họ lúc lâm nguy.
Trâu lùa về được rồi họ dắt đi bán tại những nơi khác nhau như Long Xuyên, Cần Thơ… Chỉ hai, ba tháng một chuyến cũng đủ cho cả bọn sống phong lưu.
Nghề đó ngày nay không còn nữa và người ta phải giải nghệ, hoặc làm ruộng hoặc đi nơi khác buôn trâu một cách lương thiện.
Năm 1938, tôi còn gặp một cụ già hồi nhỏ làm đầu đảng cướp trâu. Cụ là con một vị cai tổng mà cai tổng hồi cuối thế kỉ trước như một vị vua nhỏ trong vùng, hống hách vô cùng, có quyền sinh sát đối với dân, không khác chi lãnh chúa thời phong kiến. Cụ thông chữ Nho, giỏi võ nhất vùng và gan dạ không ai bì, có trên hai chục bộ hạ cả Việt lẫn Thổ. Cụ thích mạo hiểm nên lựa nghề nguy nan đó, được tiền thường giúp đỡ bà con nghèo khổ. Trong nhà cụ hồi xưa ngày nào cũng có tiệc tùng, khách khứa ra vào rất đông và thường đấu gươm, đấu côn với nhau dưới bóng xoài, trong những đêm trăng.
° °
°
Không hiểu có phải do ảnh hưởng cuộc khởi nhĩa của Thiên hộ Dương không mà từ Hồng Ngự tới Cao Lãnh, làng nào cũng có vài ba nhà ái quốc. Khi chế độ thuộc địa đã vững vàng rồi, nhiều người còn tính xuất dương mưu đồ đại sự, không được thì ẩn nhẫn ở nhà dạy con, liên lạc với đồng chí.
Chúng tôi vào thăm một ông Hương cả có tâm huyết, trong một ngôi nhà ngói rộng cất dưới tàn sao và ô môi. Khi hay tin anh Bình mới ở Bắc vào, ông hỏi thăm về cụ Dương Bá Trạc và nói:
- Hồi cụ Cử Dương bị cưỡng bách lưu trú ở Long Xuyên, tôi thường lại thăm cụ, trọng cụ như thầy học. Cụ ở nhà ông Năm Khách ở Cái Sơn, dạy chữ Nho và học tiếng Pháp.
Trong đảng Đông Kinh Nghĩa Thục còn hai cụ nữa bị cưỡng bách lưu trú ở Nam là cụ Huấn Quyền ở Bến Tre và cụ Cử Võ ở Sa Đéc. Hai thầy được biết hai cụ chứ?
Tôi đáp:
- Cụ Cử thật là người khẳng khái. Người ta kể chuyện có lần viên chánh tham biện Sa Đéc mời cụ ra toà bố 4, hỏi cụ có muốn khẩn ruộng không, nhà nước sẽ cho cụ một khu đất. Cụ đáp không. Lần khác lại mời lên, ngỏ ý muốn trợ cấp cụ mỗi tháng 10 đ 5. Cụ cũng từ chối.
Vì sự từ chối ấy mới có giai thoại sau này:
Một lần cụ bị một chú lính gọi lại xét giấy thuế thân. Cụ bảo:
- Chú về nói với chánh tham biện đóng cho tôi. Nhà nước mấy năm nay thiếu tôi mấy trăm bạc rồi.
Ý cụ muốn nói Nhà nước biếu cụ mỗi tháng 10 đ, cụ không lấy thì đừng nên bắt cụ đóng thuế thân nữa. Chú lính ngơ ngác không hiểu gì cả, nhưng thấy cụ ăn nói ngang tàng quá, làm thinh. Có lẽ khắp nước, chỉ có cụ khỏi đóng thuế thân, mặc dù không được miễn.
- Ngang tàng thì quả thật ngang tàng. Coi cái tướng của cụ cũng biết ngay. Năm ngoái tôi gặp cụ, đã bảy chục tuổi mà vẫn còn quắc thước, mặt xương, mắt sáng. Hai cái đặc sắc nhất trong con người cụ là giọng nói và cái lưng.
Giọng cụ sang sảng, vang mà ấm còn lưng cụ thì như một cây cột. Cụ không bao giờ khòm lưng và vẫn tự khoe với người thân:
- Chính cái lưng tôi nó không cong được nên tôi mới bị Hoàng Cao Khải nó sai lính quất tôi thì tôi chửi lại nó, rồi nó cũng chẳng làm cóc gì tôi được.
Một nhà nho miền này thường giao thiệp với cụ. Cụ có làm bài thơ và nhà nho đó hoạ lại. Để tôi đọc cho hai thầy nghe.
- Dạ, xin ông cho biết:
- Bài cụ Cử như vầy:
Ngao ngán lòng tôi tối lại mai.
Lòng tôi, tôi biết giải cùng ai?
Ngàn năm cố quốc hồn chưa tỉnh,
Hai chữ đồng tâm nét cũng sai!
Mài lệ chép thơ phơi trước mắt,
Coi tiền như mạng, bỏ ngoài tai.
Thôi thôi, biết nói chi cho hết!
Càng nói càng thêm nỗi thở dài.
Và bài hoạ lại:
Khí phách thường như buổi sớm mai,
Đường văn minh đó, hẹp chi ai?
Đạp vòng tớì đất chân cho vững,
Vẽ mặt giang san, bút dám sai?
Cọp bắt tay không đừng nói khoác,
Rắn theo tàn đuốc cũng công tai.
Anh em giữ lấy niềm hòa hảo,
Nòi giống về sau phúc lộc dài.
Đọc bài trên, ta thấy gần bảy chục tuổi mà cụ Cử còn hăng hái lắm. Thơ cụ biểu lộ rõ tâm hồn của cụ, không tài hoa nhưng khẳng khái.
Ông hương cả giữ chúng tôi lại dùng cơm, chúng tôi từ chối vì mắc việc sở. Ông sai gia nhân đưa chúng tôi vào đình làng Tân Thạnh giới thiệu chúng tôi với người giữ đình để được coi bộ xương cá đao dài trên thước rưỡi mà dân làng bắt được mấy chục năm về trước. Hồi ấy những con cá biển thường ngược dòng Tiền Giang lạc vào đây.
° °
°
Ở đình ra, tôi tạt vào thăm thánh thất Cao Đài để anh Bình biết một tôn giáo mới chưa lan ra Bắc. Tôi giảng cho anh ấy nghe:
- Đạo Cao Đài mới lập mười mấy năm nay, thờ gần đủ các giáo chủ: Khổng, Lão, Phật, Giê-su… và cả những thi nhân, văn sĩ có lòng trong sạch, thương người, như: Léon Tolstoi, Victor Hugo, cả Lí Bạch nữa vì Lí Bạch được người đời coi là một vị tiên giáng phàm.
Tôn giáo đó tổ chức đàng hoàng, bành trướng khá nhanh, tỉnh nào cũng lập thánh thất; toà thánh ở Tây Ninh. Những ngày lễ, tín đồ bận đồ trắng, an chay, tụng kinh theo một điệu đều đều, không trầm, bổng, cứ hai tiếng lại ngắt lại.
Vào thánh thất, chúng tôi để ý ngay đến hình một con mắt lớn treo ở trên bàn thờ. Đồ thờ cũng như trong mọi các đình, chùa, nhưng chỗ đứng ngồi cho tín đồ thì phân biệt bên nam và bên nữ.
Anh Bình hơi ngạc nhiên về chỗ người giữ thánh thất, trong câu chuyện, nói trống không với chúng tôi. Trong đạo có lệ coi ai cũng như anh em; không phân biệt già trẻ, sang hèn, gọi nhau bằng anh chị hết. Đối với chúng tôi còn lạ, gọi anh thì không tiện, gọi thầy thì trái lệ, nên người thủ thánh thất phải dùng cách xưng hô ấy.
Ở thánh thất bước ra, tôi nói với anh Bình:
- Theo Chu Duy Chi, tác giả cuốn Trung Quốc văn nghệ tự trào sử lược, thì miền Nam Trung Hoa khí hậu mát mẻ, đất cát phì nhiêu, việc mưu sinh nhẹ nhàng, nên dân gian thường được nhàn hạ, có thì giờ không tưởng, suy nghĩ về lẽ huyền bí của Vũ trụ, tìm cách thoát tục tu tiên. Óc tưởng tượng của họ phong phú mà óc thực tế thì kém, văn chương lãng mạn phát đạt hơn văn chương tả thực. Trang Tử và Khuất Nguyên đều là người phương Nam, còn Khổng Tử là người phương Bắc.
Thuyết ấy áp dụng vào nước ta cũng có chỗ đúng. Như ở Nam Việt này, đạo Khổng không phát triển mạnh bằng đạo Phật.
Ngoài Bắc làng nào cũng có chùa, và phụ nữ thường đi lễ Phật đấy, song ít nhà có bàn thờ Phật và số người ăn chay không đáng kể.
Anh Bình mỉm cười:
- Anh quên rằng dân quê Bắc Việt suốt năm ăn chay sao? "Tứ thời rau muống, tứ thời tương".
- Ngay những nhà giàu ở thành thị cũng ít ăn chay, ít lắm, mà có ăn thì chỉ ăn tại chùa, trong những dịp có hội hè, lễ bái thôi. Trong này mười gia đình thì tám chín gia đình có bàn thờ Phật hoặc bàn thờ ông Thiên 6 và nhà nào cũng có người ăn chay.
Đi ghe trong các kinh, rạch, lúc vào sẩm tối, ta thường thấy hai bên bờ, cứ vài chục thước lại hiện những đóm đỏ, nhỏ như đom đóm; đó là hương thắp trước mỗi nhà. Có xóm vang lên tiếng tụng kinh gõ mõ. Có miền tới ngày rằm, mùng một, không sao kiếm được ở chợ các món thịt, cá. Nhà nào cũng ăn chay và có nhiều người ăn chay trường. Cảnh ấy, ở Bắc Việt tuyệt nhiên không thấy.
Chùa chiền và cư sĩ phát không mỗi năm hàng ức vạn cuốn kinh. Nhiều chùa rất giàu, tuy không chứa vàng như các chùa Cao Miên nhưng có nhiều ruộng đất riêng và lộc của Phật thì dồi dào lắm: trái cây quí chất đầy bàn, bánh mứt chật tủ, nhang đèn đốt không hết.
Chẳng những các tôn giáo phát đạt, tới những đạo nhăng nhít cũng có một một số đông tín đồ.
Không một tổng nào trong năm, mười năm mà không nẩy ra một ông "đạo". Hễ khác người một chút – như cao quá, thấp quá, mập quá, gầy quá – hoặc có ít hành vi lạ lùng là thành ông đạo rồi. Chẳng hạn có ông đạo Cao, cao trên hai thước, đi tới đâu trẻ cũng bu lại ngó; có ông đạo Nằm, nằm suốt ngày, suốt năm, ăn uống cũng nằm, tiếp khách cũng nằm; có ông đạo Câm, ông không câm thật đâu mà không bao giờ mở miệng nói, cha mẹ hỏi cũng không đáp, ai trêu tức cũng làm thinh; lại có ông đạo đi rất chậm, khoan thai bước từng bước một và cứ đúng ba bước lại ngừng một chút, nhưng hình như có lần bị ông chủ quận sai lính quất, đạo ta chạy te te và mất chức đạo từ đó; rồi có "đạo Ớt" chỉ ăn cơm với ớt, có "đạo Rắn" luôn luôn có một con rắn quấn cánh tay, sau chết vì rắn…
Kì dị nhất là ông đạo Chó ở miền Đốc Vàng. Anh em, bà con không còn ai, đạo ta sống nhờ một chiếc ghe nhỏ mục nát đã kéo lên bờ, ngày ngày đi làm mướn, hoặc chèo ghe, hoặc lợp nhà. Tính tình siêng năng và thuần phác, chỉ có mỗi một tật là thờ Chó. Đạo ta nuôi một con chó đốm, mua thịt cho nó ăn, may áo cho nó bận, mỗi ngày hai lần thắp hương cúng nó, nhưng không phải dùng nó vào việc tìm vàng đâu, mà chỉ được cái vui là thờ nó thôi. Khi chó chết, đạo ta đóng một cái hòm (áo quan nhỏ) và táng nó long trọng như táng cha mẹ, cũng để tang, cũng khóc lóc thảm thiết.
Không sao kể hết hành vi điên khùng của bọn "đạo" ấy. Hầu hết họ đều vô học, ngu xuẩn mà được nhiều người nghe và phục chỉ vì họ được cái thuật nói úp mở, ai muốn hiểu cách nào cũng được. Tín đồ của họ có khi hàng trăm, hàng ngàn, cung phụng họ rất trọng hậu, may quần áo rất sang cho họ bận, nấu những món rất quí cho họ ăn, đem tiền bạc lại cúng cho họ tiêu, lái xe hơi lại rước họ về nhà, hầu hạ họ như hầu hạ vua chúa, chăm chú ghi chép lời nói của họ như những lời trong Thánh kinh; họ nhăn mặt là cả nhà sợ sệt, van lạy; họ mỉm cười là vợ chồng hoan hỉ như được Trời ban phước lớn.
Nhà chức trách biết rõ hành vi của họ, nhưng nghĩ họ không quấy rối sự trị an, nên làm ngơ, không muốn đụng chạm tới lòng mê tín của dân, vì dân càng mê muội càng dễ trị. Vả lại hơi đâu mà mua việc.
Bọn "đạo" ấy thường được sung sướng trong sáu tháng, nhiều lắm là một, hai năm rồi bỗng nhiên không ai nhắc tới họ nữa; họ đi đâu, sống hay còn, tại sao mà đi, tuyệt nhiên không ai biết, hoặc biết mà không nói ra. Ít lâu sau lại xuất hiện những "ông đạo" khác, cũng chỉ thịnh trong một thời ngắn.
Quả thật là người miền Nam có lòng tín ngưỡng rất mạnh, nhưng bảo rằng thiếu óc thực tế thì chưa chắc đúng hẳn. Nếu thiếu thì sao có những kẻ khéo lợi dụng lòng mê tín của đồng bào tới bực đó?
--------------------------------
1
Thứ nhất (1914).
2
Một thứ gỗ quí có vân rất đẹp.
3
Làng Cao Miên.
4
Tức ti hành chánh của tỉnh.
5
Mười đồng hồi trước 1930 bằng 1000 đ bây giờ (1954).
6
Một bàn thờ nhỏ đặt trên một cái trụ ở giữa trời tại giữa sân, trước nhà, để thờ Trời Phật.
https://vandoanviet.blogspot.com/2019/02/van-hoc-mien-nam-54-75-542-nguyen-hien.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét