Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

NHỮNG NGƯỜI THẦY DẠY SỬ.

Năm 1967 tôi bắt đầu vào học lớp nhất (lớp 5 bây giờ) tại trường tư thục Đắc Lộ (Tân Bình). Vẫn nhớ rất rõ đức cha Vũ Khánh Tường là hiệu trưởng, thầy phó là linh mục Nguyễn Hiến Thành. Học ở đây cho đến cuối năm 1972 thì chuyển sang trường tư thục Nguyễn Duy Khang (Thị Nghè) mấy tháng rồi sang trường Võ Trường Toản (Quận 1) học cho đến ngày 30/4/1975.

Mấy tháng sau (khoảng tháng 9/1975) tôi và mấy người cùng lớp còn ở lại Việt Nam được gọi về Sài Gòn dự thi khóa tốt nghiệp trung học đầu tiên của nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội đồng thi trường Petrus Ký (Lê Hồng Phong bây giờ). Bằng cấp tốt nghiệp trung học lúc ấy do ông Nguyễn văn Kiết hàm bộ trưởng ký, sau này không nghe nói tới tên ông ấy nữa.

Bảy năm 1967- 1975 tôi học hành lam nham lắm, trong khi các anh chị học chung lớp thì thường quan tâm tới mấy môn toán- lý- hóa để chuẩn bị thi tú tài cho tốt theo chương trình ban B, riêng tôi cảm thấy ít quan tâm thích thú mấy môn học đó. Có nguyên do làm tôi dốt toán- lý- hóa, chắc vì các môn đó bản chất đã khô khan với nhiều công thức rối rắm khó nhớ, mà các thầy các cô giảng bài lại ê a gây bệnh buồn ngủ cho học trò.

Số phận học dốt toán- lý- hóa lại gắn bó tôi với các thầy dạy môn lịch sử. Môn lịch sử cấp phổ thông trước năm 1975 dạy chung với môn địa lý, học trò nào tâm hồn thích lãng du mà chịu học chịu đọc các sách vở sử địa viết trước năm 1975 khi về già uống cà phê hay uống bia thường trở thành các diễn giả rất “độc chiêu”. Còn nếu chỉ được đọc các sách vở lịch sử hay địa lý thời bây giờ thì khó mà biết được các chi tiết “chẳng ra làm sao” của lịch sử nước nhà để mà kháo chuyện.

Chẳng ra làm sao… là bản chất thực tế oái oăm của mọi sự việc trên đời và của lịch sử. Chứ nếu cái gì đó đã ra làm sao, đã có kết quả vuông tròn, đã viên mãn, đã huy hoàng… thì thực ra không đáng để nói nhiều nói mãi. Giống như ta cứ đưa ngón tay lên trời để khoe chiếc nhẫn kim cương mắc tiền mới mua được, thì có ngày viên kim cương trên chiếc nhẫn rớt mất mẹ hồi nào ta chẳng hay chẳng biết.

Năm 1968 tôi vào lớp đệ thất (lớp 6) thì bắt đầu được học sử với thầy Trần Ngọc Liên, một thầy tu xuất khi còn dạy học ngoài Bắc có biệt danh là “Liên đen”. Da của thầy đen kịt, người ốm còm đen thui từ đầu tới chân. Năm mươi năm sau khi nhớ về thầy, tôi chỉ còn nhớ rõ cái miệng. Chỉ riêng cái miệng là không đen, môi thầy đỏ chót lại ăn nói hết sức duyên dáng trẻ trung dù năm ấy thầy đã quá 40 tuổi rồi. Lớp đệ thất (lớp 6) bắt đầu học sử từ thời vua Hùng Vương dựng nước cho tới Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên Mông, nhưng thầy Liên chỉ thích kể chuyện hấp dẫn thời vua Lê chúa Trịnh.

Học với thầy Liên sướng nhất là không phải chép bài cũng không phải trả bài, mỗi lần vào lớp thầy ghi lên bảng đen ông vua này làm vua từ năm nào tới năm nào, ghi được khoảng năm hay mười đời vua thì bỏ mặc đó… và bắt đầu kể chuyện Trịnh Nguyễn đánh đấm ra làm sao, Quang Trung nổi dậy tài tình như thế nào, Nguyễn Lữ chơi đá gà quên chuyện nước non… Nhưng hay và hấp dẫn nhất là vì sao mà các người trí thức tiểu tư sản đã bỏ Việt Minh “dinh tê” về thành rồi sau đó lên tàu Mỹ di cư vào Sài Gòn.

Thầy Liên giảng: Từ “dinh tê” ngoài Bắc trước năm 1954 được sáng tạo và xử dụng như một động từ. Chữ “dzinter” có cách chia (conjugaison) các thời và các mốt giống như chúng ta chia động từ “aimer” vậy. Hồi nhỏ bán tin bán nghi, sau này được đọc các bài viết của ông bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, tôi mới biết thầy Liên nói thật chớ không đùa. Chương trình dạy học phổ thông hồi trước mang tính hướng dẫn, giáo viên có thể giảng cương, giáo trình thì không bắt buộc… có phải vì không được học “tủ” như vậy nên hồi đó rất ít người thi đậu tú tài? Có phải vì bắt chước theo cách đặt động từ mới theo kiểu Pháp là “dzinter” mà sau này có động từ “to quơ” theo tiếng Anh?

Năm 1969 thì miền Nam bắt đầu đổi tên các bậc học giống như bây giờ. Tiểu học có các lớp 1, 2, 3, 4, 5 (thay cho lớp 5, 4, 3, nhì, nhất), trung học đệ nhất cấp có các lớp 6, 7, 8, 9 (thay cho đệ thất, đệ lục, đệ ngũ và đệ tứ), trung học đệ nhị cấp có các lớp 10, 11, 12 (thay cho đệ tam, đệ nhị và đệ nhất). Bỏ kỳ thi tiểu học khá sớm (vào khoảng năm 1955- 1956) để chuyển thành kỳ thi vào lớp đệ thất trường công lập, học sinh nào không vào được lớp đệ thất hay lớp 6 trường công lập được thì ra ngoài ghi tên vào học ở các trường tư thục. Từ thời ông Ngô Đình Diệm, bằng tiểu học (primaire) không còn được sử dụng để xin việc như thời Pháp nữa.

Năm 1963 (nếu tôi không lầm) thì chính quyền Sài Gòn bỏ kỳ thi trung học đệ nhất cấp (diplôme). Năm 1972 thì bỏ kỳ thi tú tài 1 (học hết lớp 11 thì thi tú tài 1- baccalauréat 1) nên sau năm 1972 đi học suốt 12 năm mới phải thi cuối cấp một lần gọi là thi tú tài toàn phần hay tú tài 2 (baccalauréat 2).

Có tú tài mới học tiếp lên đại học được, muốn vào các đại học phải qua cuộc thi tuyển đầu vào hết sức gắt gao mà tỉ lệ trúng tuyển chỉ vài phần trăm. Chỉ có các trường sau là cho ghi danh tự do vào năm thứ nhất hay năm dự bị: Văn khoa, Khoa học, Luật khoa… Tuy nhiên dù số lượng sinh viên ghi danh vào năm đầu các trường này rất đông nhưng lên năm thứ hai thì còn rất ít vì thi cử bậc đại học hồi đó khá khó khăn.

Tính cho đến năm 1974, tỉ lệ thi đậu các kỳ thi tú tài ở miền Nam ít khi nào vượt quá năm mươi phần trăm, nên nhiều anh chị cho là “học tài thi phận” vì chưa chắc học giỏi sẽ thi đậu được. Thi đậu tú tài mới được học sĩ quan quân đội, mới lên làm “xếp” được, nên hồi đó đất Sài Gòn có mấy câu thơ buồn: Rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con. Đến ngày thanh bình nước non, anh về anh thấy Mỹ con ở truồng…

Áp lực thi cử tại các lớp cấp thấp trái lại không nhiều nên thầy cô ít khi ép học sinh vào lớp học thuộc học vẹt khổ sở như thời bây giờ. Các môn sử địa và văn được phép dạy và học khá thoải mái, không buộc thầy và trò phải gò bó theo sát một giáo án gắt gao.

Nên khi tôi lên lớp 7 việc dạy sử của thầy Liên còn hấp dẫn hơn nữa, chương trình sử năm đó là từ thời Trần cho tới hết thời Lê… nhưng thầy chỉ lo kể chuyện Pháp đánh Việt Nam, rồi Việt kháng Pháp. Có nói nguyên nhân tại sao mấy người học trò trí thức như thầy đã bỏ Hà Nội lên Việt Bắc, rồi khi gặp cải cách ruộng đất và mấy cái ba lăng nhăng khác lại bỏ về thành. Cái lạ là thầy Liên và các người như thầy đã chẳng hề trách cứ ai, cũng chẳng tuyên truyền cho học trò căm ghét cộng sản.

Đó là cái rất lạ, cái lạ đó dẫn dắt tôi mấy chục năm sau phải dùng hết quãng thời gian ngắn ngủi còn lại của đời mình đi tìm hiểu cho ra “thái độ thật sự của trí thức Bắc Hà đối với các loại chính quyền”. Mà rồi ngộ ra: Mối tình đầu bao giờ cũng đẹp dù chưa chắc đúng. Sau này vì một hoàn cảnh nào đó phải nói lời chia tay, người biết yêu bao giờ cũng sẽ chẳng hết yêu được, họ chẳng thể nào quên mối tình đầu dù bị bạc bẽo lừa dối ra sao.

(Không biết tôi nghĩ vậy có đúng không?)

Năm lớp 8 và năm lớp 9 tôi được học sử địa với thầy Dương Ngọc Sum người Nam Bộ theo đạo Phật đang mang lon thiếu tá quân đội Sài Gòn. Ông Sum là một trí thức Nam Bộ từng đi lính cho cả hai chế độ Việt Minh và Quốc gia, lúc ấy ông vừa đi dạy học vừa làm phụ tá cho tướng an ninh Đặng văn Quang. Khác với thầy Trần Ngọc Liên tìm tòi tự học sử, thầy Sum là cử nhân sử địa nên cách chỉ dạy, cách diễn đạt khá chuẩn mực dù ông không bao giờ bắt buộc học trò phải học thuộc lòng.

Mười mấy năm sau về lại Sài Gòn làm nghề đại lý hàng hải, tôi vẫn nhớ ơn ông về cách xem bản đồ, cách nhìn hải đồ và cách tính cự li vận tải… mà hồi nhỏ đã từng được ông chỉ dẫn dù rất qua loa trong mấy giờ học sử địa lớp 9. Thầy Sum ưa xưng “qua” theo kiểu miền Nam với học trò: Qua nói cho mấy em nghe nghen, chẳng có chế độ nào xấu, chỉ có con người xấu xa thôi. Thầy Dương Ngọc Sum dù đi lính nhưng lại là một trí thức thiên tả, có màu sắc xã hội khá đậm nét nhưng phảng phất tính cách chính trị dân tộc của nhóm Đệ Tứ như Phan văn Hùm, Trần văn Thạch, Tạ Thu Thâu…

Thầy Sum có sự hiểu biết khá sâu sắc về các nhân vật kháng chiến Nam Bộ thuộc các phe phái chính trị khác nhau và không ngần ngại giảng giải cho học trò lớp 8 lớp 9 nghe hết chuyện ông này bà kia. Hồi đó chúng tôi mới mười ba mười bốn tuổi nhưng chắc là trưởng thành sớm hơn các em cùng tuổi bây giờ nhiều lắm, một phần do chiến tranh khốc liệt mà một phần cũng do các thầy cô ngày đó khá tôn trọng học trò nhỏ tuổi, họ coi học trò là những đối tượng cần phải trao đổi kiến thức đời thường hơn là phải bị giáo dục nhồi sọ. Hồi đó giáo dục chủ yếu là giáo dục, chỉ có thầy cô nào bị giựt dây mới cố ý đem chính trị vào lớp học, mà số đó thì rất ít. Những người ưa đem tuyên truyền vào lớp học dù theo chiều hướng nào về sau rất ít được học trò coi trọng.

Hiệu trưởng trường tư thục Đắc Lộ là một tiến sĩ sử học tốt nghiệp năm 1953 tại Pháp với luận án “Giáo hội sơ khai tại Việt Nam”. Trường tư thục Đắc Lộ và tu hội Đắc Lộ do linh mục Vũ Khánh Tường sáng lập vào năm 1961. Cha Tường sinh năm 1925 tại làng Phú Nhai, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1949, ông Tường được giáo hội cử sang Pháp du học tại phân khoa sử học của trường Institut Catholique de Paris và tốt nghiệp tiến sĩ sử học vào năm 1953.

Ông về nước năm 1956 và được cử làm phụ tá cho đức giám mục Phạm Ngọc Chi. (Hai năm ngắn ngủi làm phụ tá cho ông Chi chắc có lẽ là nguyên do gây ra những tai ương cho cuộc đời hiền hòa của ông Tường sau năm 1975. Trước năm 1954, ông Phạm Ngọc Chi là người chỉ huy lực lượng tự vệ Công giáo nổi tiếng chống Cộng tại Bắc Việt. Việc cha Tường làm phụ tá cho ông Chi một thời gian ngắn, dù tại Sài Gòn sau năm 1954, có lẽ đã gây ra cho chính quyền mới sau năm 1975 những hiểu lầm rất tai hại về ông Tường.)

Năm 1958- 1961 linh mục Vũ Khánh Tường không còn làm phụ tá cho cha Phạm Ngọc Chi. Ông được cử làm hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Bá Tòng (nay là trường Bùi Thị Xuân tại quận 1). Năm 1961 ông Tường về Tân Bình lập tu hội và trường Đắc Lộ với các phương châm truyền giáo, văn hóa, giáo dục. Đắc Lộ phát triển nhanh chóng, các lớp học ban đầu dạy trong những căn nhà nhỏ tạm bợ, thời gian sau đã thành một trung tâm giáo dục trung tiểu học từ lớp 1 đến lớp 12 với gần ba ngàn học sinh, với một ký túc xá 500 giường ngủ. Đặc biệt sau năm 1971, một phân khoa Nhân Văn của trường Đại Học Minh Đức đã được thành lập ở đây.

Linh mục Vũ Khánh Tường đi học tập cải tạo năm 1978 và mất năm 1980. Nguyên nhân ông bị chính quyền bắt đi học tập không phải là chính trị mà là do tội “tuyên truyền mê tín dị đoan”. Rất đáng tiếc khi những tài liệu sử học về giáo hội Công giáo Việt Nam và lịch sử Việt Nam giai đoạn thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 mà ông đã dày công biên soạn do không ai dám gìn giữ nên thất lạc gần hết.

Người dạy sử trong hai năm học cuối bậc phổ thông cho tôi là thầy Nguyễn Khắc Ngữ, một nhà sử học chuyên nghiệp gốc Phật giáo Bắc di cư.

Đó chắc là may mắn cuối cùng trong cuộc đời đi học... dốt. Thầy Ngữ trước năm 1975 viết khá nhiều sách giáo khoa sử địa, các công trình nghiên cứu sử học thời cận đại của ông được Sài Gòn đánh giá là khá công minh và khoa học, không mang định kiến chính trị chính em nhiều. Tác phẩm cuối cùng ông viết trước khi lên máy bay di tản là “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa”. Đây là một sử liệu ngắn gọn nhưng có giá trị lịch sử cao, nó trình bày rõ về nguyên nhân cũng như các tiến triển logic về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của Sài Gòn trong năm 1975. Các nhận xét về các chính trị gia Sài Gòn trong cơn bão lớn khá sắc nét.

Sách của thầy Ngữ viết khá nhiều trước năm 1975 nhưng sau năm 1975 những cuốn sách này do không được phép lưu hành gìn giữ nên cũng nhanh chóng biến mất tiêu. Khác với thầy Trần Ngọc Liên và thầy Dương Ngọc Sum ưa kể chuyện cho học trò nghe, giờ lên lớp của thầy Ngữ thực sự là cuộc trao đổi ý kiến giữa thầy và trò về những gì mà ông đã viết trong sách. Chắc ông muốn xem sách mình viết vậy có đúng không, sách mình viết vậy có lôi cuốn không, học trò có tin tưởng những gì mình viết hay không? Thầy Ngữ nói chuyện không lưu loát lắm nhưng viết thì rất sâu sắc, khi trao đổi với học trò khá chậm rãi chân tình. Nói chuyện với ông, học trò cảm thấy mình là người lớn… dù lông cánh chưa có đủ.

Thầy Ngữ tiếp tục nghiên cứu, dạy học và viết lách ở nước ngoài nhưng nay thầy cũng đã biến mất vào hư không rồi.

Sau năm 1975 tôi không còn đi học, và từ đó tới cuối cuộc đời dài không được học sử với những vị thầy dạy sử đáng kính nữa. Kiến thức về sử học của tôi cho tới bây giờ cũng lam nham như toán- lý- hóa hồi còn học phổ thông. Mấy năm nay dù rất tha thiết viết “xử” bắt chước cho giống các thầy dạy ngày xưa nhưng tôi biết rõ mình viết “chẳng ra làm sao”. Nhưng thôi cứ viết, vì không viết thì chẳng biết phải làm gì.

Vẫn viết dù biết: Viết chẳng biết ra làm sao!

MOMENTARY
17/12/2017.

Không có nhận xét nào: