Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

NHỮNG "MỤ" HUẾ VANG BÓNG XƯA NAY...

Mới tháng trước, cộng đồng facebook hỏi nhau tiếng Huế “mụ” nghĩa là chi? Nghe hỏi mà giật mình. Ui chao, giọng Huế thì ai cũng thích nghe, nhưng quả có nhiều ngữ nhiều từ người nghe nơi khác không tài nào hiểu hết.

"MỤ" LÀ CHI RỨA ?
“Mụ” tiếng Huế có nhiều nghĩa:

- Phần lớn người Huế dùng từ “Mụ” đề chỉ người chị gái hay em gái của ôn mệ (ông bà) nội, ngoại. (Ví dụ: Em kế mệ nội tui là mụ Diễm…);- Gọi chị hay em gái “mụ chị”, “mụ dì”. Hò Huế có câu “Đây vốn thiệt là con mụ chị, cháu gọi thiếp bằng dì/ lẽ chi cháu nằm cháu khóc mà mụ dì lại không ru?”. Lại gọi “mụ o” chỉ bà cô - người phụ nữ là chị hay em của bố.

-“Mụ gia”: từ chỉ tên gọi bà sui gia (bà sui), mẹ chồng hay mẹ vợ. Ca dao Huế: “Mụ gia ba bảy mụ gia/ Thương chồng phải khóc mụ gia, gẫm tui với mụ có bà con chi!”.

- “Mụ vợ”, từ để chỉ bà vợ. “Mụ vợ tui”, tức là “người vợ của tôi”, một số nơi gọi là “nhà tôi”. “Mụ mi” từ dùng để chồng gọi vợ (ví dụ: Mụ mi ơi ra đây tui nói cái ni). Các vùng trong Nam gọi là “mình ơi”.

- “Mụ mối”: từ chỉ người làm mai làm mối cho người ta nên vợ nên chồng thưở xưa. Mụ mối là người có danh phận đàng hoàng trong xã hội cũ.

- “Mụ tra”: chỉ người phụ nữ lớn tuổi.

- “Mụ vú”: từ chỉ người phụ nữ lo việc săn sóc sản phụ và trẻ con khi vừa mới sinh.

- “Bà Mụ”, là tên gọi nữ thần phù hộ cho con nít mới sinh, thường trẻ em tròn 1 tháng tuổi người Huế tổ chức cúng đầy tháng, gọi là “Cúng Mụ”.

- Mụ (Mệ): Ngày xưa trong dòng hoàng phái, bên cạnh việc gọi người đàn ông là “mệ”, đôi khi cũng gọi là “mụ”.

- Mụ nớ: chỉ người phụ nữ ngôi thứ 3 - mụ kia. (ví dụ: Mụ nớ thiệt thà lắm).

- Mụ cô mi: cụm từ dùng để chửi rủa…

Vậy, từ “mụ” trong tiếng Huế đa phần là đại từ chỉ người phụ nữ có quan hệ thân thiết trong gia đình. Từ “mụ” khi dành để gọi người phụ nữ ngoài xã hội cũng là cách gọi trân trọng. Cũng có những từ ghép có chữ “mụ” dùng để chửi rủa, miệt thị… Từ “mụ” nhiều khi được dùng như từ “bà” ở các nơi khác (mụ nớ, bà kia)...

VÀI "MỤ" NỔI TIẾNG TRONG DÂN GIAN HUẾ
“Mụ”, “Mệ” nổi tiếng trong chốn cung đình thì nhiều, ở đây nhớ đến vài “mụ” mà dân gian nhắc mãi, như mụ Cửu Ới, mụ Liếc, mụ Rớt, mụ Đợi…

- Mụ Liếc đi vào trong tâm thức dân gian Huế là người phụ nữ mập mạp, to lớn hơn người. Có lẽ mụ là người đàn bà nặng nhất Huế xưa nay. Mụ làm nghề thầu bến đò Thừa Phủ, chuyên ngồi trên bến thâu tiền chứ không dám xuống đò vì sợ đò... chìm.
Xưa có câu đố:
“Mụ chi vóc dáng đẫy đà
Khuôn trang đầy đặn thịt thà nở nang
Ăn làm răng nói làm răng
Xích lô sợ chạy, đò ngang sợ chìm?”.

Trả lời:
“Mụ Liếc vóc dáng đẫy đà
Nặng gần hai tạ ngó mà sướng ghê
Phần trên phía dưới đề huề
Ngồi xe, xe xẹp, ngồi ghe, ghe chìm”.

- Mụ Rớt là danh nghệ chủ nhân món bún bò giò heo Huế nổi tiếng những năm 1960,1970 ở vùng Gia Hội. Hồi đó qua cầu Gia Hội, về sau lưng chùa Diệu Đế có một căn nhà nhỏ bán bún bò. Quán không đề tên bảng hiệu, vậy mà lúc nào cũng đông người tìm đến ăn bởi “tiếng lành đồn xa”. Bún bò mụ Rớt nấu rất khéo, tô bún ở hàng 'ngon nhất trần gian'. Tô bún ý nhị với những sợi bún trắng, miếng giò heo đầy đủ da, nạc, xương, cộng thêm vài lát thịt bò xắt mỏng nổi bật những đường gân trắng ngà, ớt đỏ, hành ngò xanh, chan thêm vá nước dùng trong vắt mà rất thấm đượm. Tô bún không quá lớn đúng kiểu ăn thanh cảnh của người Huế, dễ cho người ăn vừa bưng, vừa húp, vừa và xì xà xì xoạp, miệng hít hà ớt cay, vô cùng khoái khẩu.

Trong nỗi nhớ quê nhà từ phương xa, nhiều người Huế nhớ hình ảnh tô bún Mụ Rớt như niềm thương nhớ món ngon mẹ hiền xưa… Học giả Vương Hồng Sển có lần ăn xong về da diết nhớ. Trong bài “Lai rai nhớ lại những món ăn Huế”, ông kể: “Cái mụ buôn bán lạ kỳ: ăn một tô chưa thấm tháp vào đâu, vì tô có một chút nhéo. Kêu thêm tô thứ nhì, ăn lưng lửng biết mùi, kêu tiếp tô thứ ba, mụ trả lời cộc lốc: “Hết rồi”!... Một người nướng thịt biệt tài dường thế, chết thật uổng”.
Dân gian Huế có câu đố:
“Mụ chi nổi tiếng ầm ầm
Chưa đi đã té, chưa cầm đã rơi
Ngày nay mụ đã qua đời
Mà trong thiên hạ lắm người mượn tên”.
Trả lời:
“Mụ Rớt nổi tiếng ầm ầm
Ngự Viên, Gia Hội ai nhầm được tên
Tiếc thay phần số không bền
Chu du thiên cảnh sống miền thiên thai
Thế gian thương mụ nhiều tài
Bún bò tên mụ ăn hoài chẳng no”.

- Mụ Cửu Ới nổi tiếng cái món thuốc lá Cẩm Lệ những năm 1960. Không chỉ dân Thừa Thiên đều hút thuốc của mụ pha chế, ngay dân các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam cũng gởi mua cho được thuốc Cẩm Lệ của mụ. Có điều thú vị là thuốc lá Cẩm Lệ lại do làng Cẩm Lệ thuộc tỉnh Quảng Nam sản xuất, mụ Cửu Ới đưa ra Huế "phù phép" thành thứ thuốc khiến người ta ghiền. Dễ đến nửa thế kỷ, thuốc Cẩm Lệ đã gắn bó với sinh hoạt nhiều gia đình người Huế từ những năm 1960…

Các mụ nói trên giờ đã đi vào cõi sương mù, cái tên Bún bò Mụ Rớt ở Huế nhiều người treo biển, nhưng là mượn danh mà thôi. May thay, món Bún bò Mụ Rớt hiện con cháu vẫn còn giữ công thức gia truyền tại Kim Long Quán ở đường Trần Quang Diệu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

- Nhưng Huế đương đại thì hiện vẫn còn “Bánh canh Mụ Đợi”. Bánh canh Mụ Đợi nguyên thủy nằm ở con hẻm nhỏ ở đường Đào Duy Anh - Huế. Quán cũng không bảng hiệu, ấy nhưng có gần 35 năm tồn tại, lại là nơi dừng chân của đông đảo thực khách. Tô bánh canh ở đây được nấu riêng cho từng khách, khi khách đến quán mới bắt đầu nấu nước và thả bột, lấy chả, bóc tôm để đảm bảo cho tô bánh canh luôn tươi nóng. Làm vậy nên thời gian chế biến rất lâu, chờ lâu nên cái tên "Đợi" được hình thành và được truyền miệng, trở thành thương hiệu “Bánh canh Mụ Đợi”. Ngoài việc tô bánh canh chỉ có mấy sợi bột theo kiểu hương hoa, muốn ăn thêm thì phải kêu trước thêm tô nữa; nó còn có điểm khác biệt là muốn thưởng thức thật ngon thì thực khách tự mình phải thật chi ly trong vấn đề thêm gia vị. Thực khách tự mình nêm muối, bột ngọt, tiêu, tương ớt, hành ngò sao cho hợp với khẩu vị, vô cùng dân chủ, tự do.

Hiện nay thì “Bánh canh Mụ Đợi” đã được rất nhiều người biết đến. “Bánh canh Mụ Đợi” đã mở thêm vài chi nhánh ở đường Nguyễn Trãi và đường Ngô Gia Tự. Thế nhưng nhiều người vẫn muốn tìm về con hẻm nhỏ ngày xưa.

Bài, ảnh: VÕ TRIỀU SƠN
(BNQ t/h)
.......................
Chú thích ảnh:
1) Nhiều thực khách tìm đến Kim Long Quán để thưởng thức hương vị bún bò Huế ngày xưa.
2) Tô bún bò giò heo Mụ Rớt do con cháu chế biến theo công thức gia truyền nay còn lưu giữ tại Kim Long Quán, quận 3, TP. Hồ Chí Minh
3) Bánh canh Mụ Đợi, khách tự nêm nếm gia vị cho riêng mình.

CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG

CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG ( SIDDHARTHA)
Hermann Hesse
Quyển "Câu Chuyện Dòng Sông" dịch từ truyện " Siddhartha" trong tập Weg Nach Innen ( Đường về nội tâm) của Hermann Hesse .
Hermann Hesse là một văn hào của văn học Đức thế kỷ XX, sống cùng thế hệ Thomas Mann, Werfel, Wassermann, & E.V. Salomon.
Hermann Hesse  sinh năm 1877, được thưởng giải Nobel năm 1946, tác giả nhiều tập thơ và nhiều cuốn tiểu thuyết bất hủ như Peter Camenzind (1904) Demian (1919) Der Steppeppwolf (1927) Narziss und Goldmund (1930) Das Glaserlenspiel(1943).
Tất cả tác phẩm của Hermann Hesse đều nói lên niềm cô đơn tâm linh của con người thời đại, nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm một chân trời mới cho mình và nhất là những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người. Trọn tác phẩm của Hermann Hesse là lời thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn luôn luôn tha thiết đi tìm giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt:
"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này’’
Khi viết dòng thơ trên phải chăng Hermann Hesse đã muốn nói lên tất cả ý nghĩa của sự nghiệp văn chương ông giữa cơn biến động phũ phàng của thời đại? Ý nghĩa thâm trầm ấy cũng bàng bạc trong quyển Câu chuyện dòng sông.
Đọc Câu chuyện dòng sông, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa đời sống thường nhật. Câu chuyện dòng sông là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta: đó cũng là hình ảnh muôn thuở của trần gian và của mộng đời bất tận.
"Câu Chuyện Dòng Sông "của Hermann Hesse là chuyện về chàng Tất Đạt  người đi tìm phương cách cởi bỏ nỗi khổ trần gian hướng tới một thế giới tâm linh giải thoát. Ban đầu chàng tu khổ hạnh, rồi sau bỏ theo đức Phật nghe thuyết pháp. Rồi vẫn không thỏa lòng, giống như các thiền giả trải nghiệm một công án, chàng dấn thân vào đời thực, thử sống như một con buôn kinh qua chuyện kinh doanh buôn bán, rồi lại hưởng thụ thú vui nhục thể với một người đẹp. Tâm linh, trí tuệ, nhục cảm, đó là những mặt khác nhau của thế giới mà Tất Đạt trải nghiệm trước khi tìm ra con đường thật mà mình phải đi.
Tất Đạt khởi từ những thắc mắc về cha mình,  tu sĩ Bà la môn:
“Ông sống một đời sống tốt đẹp, lời nói thì khôn ngoan, tư tưởng thì thanh cao, tế nhị -- nhưng cả đến ông, người biết nhiều như thế, ông sống có hạnh phúc chăng? Có được bình an chăng? Ông lại không là người không ngớt tìm kiếm đó sao? Ông lại không liên tục tìm đến nguồn với cơn khát không bao giờ được thoả mãn đó sao?”…
Và:
“Thế thì linh hồn không có ở trong cha hay sao? Nguồn suối không có sẵn trong chính tâm ông sao?”
“Người ta phải tìm thấy nguồn ở ngay trong tự thân mình, phải chiếm hữu nó. Mọi việc làm khác đều là mò mẫm sai lầm.”
Đây đâu phải là ý nghĩ của riêng Tất đạt, nó là ý nghĩ của tất cả chúng ta, cái tuổi của những bất mãn về cuộc đời.
“Chàng nhìn những thương gia buôn bán, các ông hoàng đi săn, những người tang chế khóc người chết, những người kỹ nữ bán thân, các bác sĩ săn sóc bệnh, những tình nhân đang tình tự, những người mẹ đang vỗ về con. Và tất cả không đáng một cái nhìn thoáng qua, tất cả đều lừa dối: hạnh phúc và sắc đẹp đều là ảo ảnh của giác quan -- tất cả đều đưa về huỷ diệt. Thế gian đượm vị đắng cay. Cuộc đời là nỗi đau khổ.”
Tất Đạt chỉ có một mục đích duy nhất là trở thành trầm tĩnh. Không khao khát, không ham muốn, không mộng mị, không vui và không buồn. Để cho cái ngã tiêu diệt – không còn ngã nữa, chứng nghiệm được sự bình an của một tâm hồn tịch mịch, chứng nghiệm tâm linh thuần tuý”.
Chàng sống khổ hạnh, khắc kỷ như rất nhiều thanh niên đã thử trải nghiệm, dưới một hình thức nào đó…
“Chàng phiêu du qua các đoạn đường diệt ngã bằng khổ đau, qua sự đau khổ tự nguyện và chiến thắng khổ đau, qua đói khát và mệt nhọc. Chàng phiêu lưu qua những con đường diệt ngã bằng trầm tư, bằng gạn lọc khỏi tư tưởng sạch hết mọi hình ảnh. Chàng đã học trải qua những con đường này và những con đường khác. Chàng diệt ngã được một nghìn lần và có những ngày chàng đã sống trong phi ngã.”
“Những con đường đưa chàng ra khỏi ngã, cuối cùng chúng luôn luôn đưa chàng trở lại ngã. Mặc dầu Tất Đạt rời bỏ ngã một ngàn lần, sống bằng phi ngã trong con vật hay đá, đất, sự trở lại vẫn không thể tránh”.
Chàng chứng nghiệm về tu khổ hạnh, như nhiều chàng tuổi trẻ trong chúng ta đã chứng nghiệm, bằng cách này hay cách khác.
“Thiền quán là gì? Bỏ quên tự thân là gì? Nhịn đói là gì? Điều hoà hơi thở là gì? Đó là sự vượt ra ngoài Tự ngã, đó là sự vượt ra ngoài dày vò của Tự ngã trong nhất thời, những viên thuốc tạm bợ chống lại đau khổ và điên đảo cuộc đời: người đánh xe bò cũng dùng lối thoát đó, phương thuốc nhất thời đó khi ông ta uống ít chén rượu nếp trong quán; ông ta không còn cảm thấy có mình nữa, không còn cảm thấy khổ đau của cuộc đời, và như thế, ông chứng nghiệm sự thoát ly trong chốc lát. Gục trên chén rượu nếp, ông ta biết được cái mà Tất Đạt và Thiện Hữu tìm thấy khi chúng ta thoát khỏi tự thân bằng những tập luyện dài và sống trong vô ngã.”
Rồi chàng gặp đức Phật, thấy ở người vị thày thánh thiện mà mình tìm kiếm, nhưng cũng đồng thời thấy rằng phải tự mình tìm ra con đường cho chính mình. Không theo đức phật như bạn chàng là Thiện Hữu, chàng quyết định từ giã ra đi…
Chàng gia nhập cuộc đời trần thế.
Chương “Giữa Xã Hội” đầy những tư tưởng minh triết một cách lạ lùng về cuộc sống của loài người. Tất Đạt tìm hiểu và sống giữa trần thế với phong cách ung dung như một sa môn giữa chúng sinh.
Nhưng rồi chàng bắt đầu chán ghét cuôc sống đó, nó đã biến đổi con người chàng thanh tầm thường dung tục, và chàng cảm nghiệm được điều đó. Một lần nữa chàng muốn thoát ra…
Chàng sẽ tiếp tục tìm kiếm chính từ tâm tưởng mình qua một đối tác là dòng sông. Nói chuyện với dòng sông cũng là nói chuyện với chính mình.
Tất Đạt rồi cũng tìm được điều mình đã tìm
Tất Đạt về với dòng sông.
Chỉ còn người đọc là lan man phương trời miên viển
Đoạn cuối “Câu chuyện của Dòng Sông” Hesse viết khá dài, đào sâu vào tâm tưởng Tất Đạt, ông khiến người đọc tưởng như cứ nghiền ngẫm Câu chuyện của Tất Đạt với Dòng sông là có thể tìm ra Con Đường, và đọc giả có thể cứ theo đó mà đi. Quên rằng mỗi người phải tự tìm lấy dòng sông của mình, con đường của mình.
Tuyệt kỹ của Tất Đạt  là “nhịn đói” và qua tuyệt kỹ đó ta càng thấy rằng chàng đúng là một “kỳ nhân”.
Nói rộng hơn nữa, con người ta mà thoát được cái say mê tiền bạc vật chất thì là tiến thêm một bước vào sự giải thoát.
Nhân vật của Hesse cho ta thấy rằng cuộc sống vật chất là hoàn toàn không đủ, không thể là cứu cánh của cuộc đời . Mục đích của cuộc đời phải tìm ở những giá trị tinh thần. Và họ vật vã đi tìm…
Ai coi “Câu chuyện của Dòng sông” là Đạo, là Con Đường Giải Thoát đều là lầm tưởng cả.
Mà ai coi Kinh Phật là Đạo, là Con Đường Giải Thoát cũng là lầm nốt vậy .
Phật đã nói: “Tất cả kinh sách đều là ngón tay chỉ mặt trăng". Sở dĩ có luận điểm ấy bởi tất cả các tông phái đều đắm chìm trong việc luận bàn kinh sách siêu hình viễn vông mà xa lìa tâm điểm là kinh nghiệm giải thoát của đức Phật.
Kinh nghiệm ấy là quan trọng nhất và tất cả những kinh sách chỉ là ngón tay để chỉ vào những kinh nghiệm ấy. Phản ứng của thiền tông là chặt bỏ ngón tay ấy mà đi thẳng vào tinh tuý của sự Giác- Ngộ.
Đọc "Câu Chuyện Dòng Sông" là lên đường đi đến đời sống tâm linh huyền bí nhất của cả một đời người. "Câu Chuyện Dòng Sông" nói lên niềm thao thức triền miên của một thanh niên trên đường đi tìm ý nghĩa đời sống. " Câu Chuyện Dòng Sông" của Hess đáng là quyển THÁNH KINH của thanh niên giửa cơn khủng hoảng phủ phàng của thời đại.
TuanPolo Vo

NHỮNG NGƯỜI THẦY DẠY SỬ.

Năm 1967 tôi bắt đầu vào học lớp nhất (lớp 5 bây giờ) tại trường tư thục Đắc Lộ (Tân Bình). Vẫn nhớ rất rõ đức cha Vũ Khánh Tường là hiệu trưởng, thầy phó là linh mục Nguyễn Hiến Thành. Học ở đây cho đến cuối năm 1972 thì chuyển sang trường tư thục Nguyễn Duy Khang (Thị Nghè) mấy tháng rồi sang trường Võ Trường Toản (Quận 1) học cho đến ngày 30/4/1975.

Mấy tháng sau (khoảng tháng 9/1975) tôi và mấy người cùng lớp còn ở lại Việt Nam được gọi về Sài Gòn dự thi khóa tốt nghiệp trung học đầu tiên của nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội đồng thi trường Petrus Ký (Lê Hồng Phong bây giờ). Bằng cấp tốt nghiệp trung học lúc ấy do ông Nguyễn văn Kiết hàm bộ trưởng ký, sau này không nghe nói tới tên ông ấy nữa.

Bảy năm 1967- 1975 tôi học hành lam nham lắm, trong khi các anh chị học chung lớp thì thường quan tâm tới mấy môn toán- lý- hóa để chuẩn bị thi tú tài cho tốt theo chương trình ban B, riêng tôi cảm thấy ít quan tâm thích thú mấy môn học đó. Có nguyên do làm tôi dốt toán- lý- hóa, chắc vì các môn đó bản chất đã khô khan với nhiều công thức rối rắm khó nhớ, mà các thầy các cô giảng bài lại ê a gây bệnh buồn ngủ cho học trò.

Số phận học dốt toán- lý- hóa lại gắn bó tôi với các thầy dạy môn lịch sử. Môn lịch sử cấp phổ thông trước năm 1975 dạy chung với môn địa lý, học trò nào tâm hồn thích lãng du mà chịu học chịu đọc các sách vở sử địa viết trước năm 1975 khi về già uống cà phê hay uống bia thường trở thành các diễn giả rất “độc chiêu”. Còn nếu chỉ được đọc các sách vở lịch sử hay địa lý thời bây giờ thì khó mà biết được các chi tiết “chẳng ra làm sao” của lịch sử nước nhà để mà kháo chuyện.

Chẳng ra làm sao… là bản chất thực tế oái oăm của mọi sự việc trên đời và của lịch sử. Chứ nếu cái gì đó đã ra làm sao, đã có kết quả vuông tròn, đã viên mãn, đã huy hoàng… thì thực ra không đáng để nói nhiều nói mãi. Giống như ta cứ đưa ngón tay lên trời để khoe chiếc nhẫn kim cương mắc tiền mới mua được, thì có ngày viên kim cương trên chiếc nhẫn rớt mất mẹ hồi nào ta chẳng hay chẳng biết.

Năm 1968 tôi vào lớp đệ thất (lớp 6) thì bắt đầu được học sử với thầy Trần Ngọc Liên, một thầy tu xuất khi còn dạy học ngoài Bắc có biệt danh là “Liên đen”. Da của thầy đen kịt, người ốm còm đen thui từ đầu tới chân. Năm mươi năm sau khi nhớ về thầy, tôi chỉ còn nhớ rõ cái miệng. Chỉ riêng cái miệng là không đen, môi thầy đỏ chót lại ăn nói hết sức duyên dáng trẻ trung dù năm ấy thầy đã quá 40 tuổi rồi. Lớp đệ thất (lớp 6) bắt đầu học sử từ thời vua Hùng Vương dựng nước cho tới Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên Mông, nhưng thầy Liên chỉ thích kể chuyện hấp dẫn thời vua Lê chúa Trịnh.

Học với thầy Liên sướng nhất là không phải chép bài cũng không phải trả bài, mỗi lần vào lớp thầy ghi lên bảng đen ông vua này làm vua từ năm nào tới năm nào, ghi được khoảng năm hay mười đời vua thì bỏ mặc đó… và bắt đầu kể chuyện Trịnh Nguyễn đánh đấm ra làm sao, Quang Trung nổi dậy tài tình như thế nào, Nguyễn Lữ chơi đá gà quên chuyện nước non… Nhưng hay và hấp dẫn nhất là vì sao mà các người trí thức tiểu tư sản đã bỏ Việt Minh “dinh tê” về thành rồi sau đó lên tàu Mỹ di cư vào Sài Gòn.

Thầy Liên giảng: Từ “dinh tê” ngoài Bắc trước năm 1954 được sáng tạo và xử dụng như một động từ. Chữ “dzinter” có cách chia (conjugaison) các thời và các mốt giống như chúng ta chia động từ “aimer” vậy. Hồi nhỏ bán tin bán nghi, sau này được đọc các bài viết của ông bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, tôi mới biết thầy Liên nói thật chớ không đùa. Chương trình dạy học phổ thông hồi trước mang tính hướng dẫn, giáo viên có thể giảng cương, giáo trình thì không bắt buộc… có phải vì không được học “tủ” như vậy nên hồi đó rất ít người thi đậu tú tài? Có phải vì bắt chước theo cách đặt động từ mới theo kiểu Pháp là “dzinter” mà sau này có động từ “to quơ” theo tiếng Anh?

Năm 1969 thì miền Nam bắt đầu đổi tên các bậc học giống như bây giờ. Tiểu học có các lớp 1, 2, 3, 4, 5 (thay cho lớp 5, 4, 3, nhì, nhất), trung học đệ nhất cấp có các lớp 6, 7, 8, 9 (thay cho đệ thất, đệ lục, đệ ngũ và đệ tứ), trung học đệ nhị cấp có các lớp 10, 11, 12 (thay cho đệ tam, đệ nhị và đệ nhất). Bỏ kỳ thi tiểu học khá sớm (vào khoảng năm 1955- 1956) để chuyển thành kỳ thi vào lớp đệ thất trường công lập, học sinh nào không vào được lớp đệ thất hay lớp 6 trường công lập được thì ra ngoài ghi tên vào học ở các trường tư thục. Từ thời ông Ngô Đình Diệm, bằng tiểu học (primaire) không còn được sử dụng để xin việc như thời Pháp nữa.

Năm 1963 (nếu tôi không lầm) thì chính quyền Sài Gòn bỏ kỳ thi trung học đệ nhất cấp (diplôme). Năm 1972 thì bỏ kỳ thi tú tài 1 (học hết lớp 11 thì thi tú tài 1- baccalauréat 1) nên sau năm 1972 đi học suốt 12 năm mới phải thi cuối cấp một lần gọi là thi tú tài toàn phần hay tú tài 2 (baccalauréat 2).

Có tú tài mới học tiếp lên đại học được, muốn vào các đại học phải qua cuộc thi tuyển đầu vào hết sức gắt gao mà tỉ lệ trúng tuyển chỉ vài phần trăm. Chỉ có các trường sau là cho ghi danh tự do vào năm thứ nhất hay năm dự bị: Văn khoa, Khoa học, Luật khoa… Tuy nhiên dù số lượng sinh viên ghi danh vào năm đầu các trường này rất đông nhưng lên năm thứ hai thì còn rất ít vì thi cử bậc đại học hồi đó khá khó khăn.

Tính cho đến năm 1974, tỉ lệ thi đậu các kỳ thi tú tài ở miền Nam ít khi nào vượt quá năm mươi phần trăm, nên nhiều anh chị cho là “học tài thi phận” vì chưa chắc học giỏi sẽ thi đậu được. Thi đậu tú tài mới được học sĩ quan quân đội, mới lên làm “xếp” được, nên hồi đó đất Sài Gòn có mấy câu thơ buồn: Rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con. Đến ngày thanh bình nước non, anh về anh thấy Mỹ con ở truồng…

Áp lực thi cử tại các lớp cấp thấp trái lại không nhiều nên thầy cô ít khi ép học sinh vào lớp học thuộc học vẹt khổ sở như thời bây giờ. Các môn sử địa và văn được phép dạy và học khá thoải mái, không buộc thầy và trò phải gò bó theo sát một giáo án gắt gao.

Nên khi tôi lên lớp 7 việc dạy sử của thầy Liên còn hấp dẫn hơn nữa, chương trình sử năm đó là từ thời Trần cho tới hết thời Lê… nhưng thầy chỉ lo kể chuyện Pháp đánh Việt Nam, rồi Việt kháng Pháp. Có nói nguyên nhân tại sao mấy người học trò trí thức như thầy đã bỏ Hà Nội lên Việt Bắc, rồi khi gặp cải cách ruộng đất và mấy cái ba lăng nhăng khác lại bỏ về thành. Cái lạ là thầy Liên và các người như thầy đã chẳng hề trách cứ ai, cũng chẳng tuyên truyền cho học trò căm ghét cộng sản.

Đó là cái rất lạ, cái lạ đó dẫn dắt tôi mấy chục năm sau phải dùng hết quãng thời gian ngắn ngủi còn lại của đời mình đi tìm hiểu cho ra “thái độ thật sự của trí thức Bắc Hà đối với các loại chính quyền”. Mà rồi ngộ ra: Mối tình đầu bao giờ cũng đẹp dù chưa chắc đúng. Sau này vì một hoàn cảnh nào đó phải nói lời chia tay, người biết yêu bao giờ cũng sẽ chẳng hết yêu được, họ chẳng thể nào quên mối tình đầu dù bị bạc bẽo lừa dối ra sao.

(Không biết tôi nghĩ vậy có đúng không?)

Năm lớp 8 và năm lớp 9 tôi được học sử địa với thầy Dương Ngọc Sum người Nam Bộ theo đạo Phật đang mang lon thiếu tá quân đội Sài Gòn. Ông Sum là một trí thức Nam Bộ từng đi lính cho cả hai chế độ Việt Minh và Quốc gia, lúc ấy ông vừa đi dạy học vừa làm phụ tá cho tướng an ninh Đặng văn Quang. Khác với thầy Trần Ngọc Liên tìm tòi tự học sử, thầy Sum là cử nhân sử địa nên cách chỉ dạy, cách diễn đạt khá chuẩn mực dù ông không bao giờ bắt buộc học trò phải học thuộc lòng.

Mười mấy năm sau về lại Sài Gòn làm nghề đại lý hàng hải, tôi vẫn nhớ ơn ông về cách xem bản đồ, cách nhìn hải đồ và cách tính cự li vận tải… mà hồi nhỏ đã từng được ông chỉ dẫn dù rất qua loa trong mấy giờ học sử địa lớp 9. Thầy Sum ưa xưng “qua” theo kiểu miền Nam với học trò: Qua nói cho mấy em nghe nghen, chẳng có chế độ nào xấu, chỉ có con người xấu xa thôi. Thầy Dương Ngọc Sum dù đi lính nhưng lại là một trí thức thiên tả, có màu sắc xã hội khá đậm nét nhưng phảng phất tính cách chính trị dân tộc của nhóm Đệ Tứ như Phan văn Hùm, Trần văn Thạch, Tạ Thu Thâu…

Thầy Sum có sự hiểu biết khá sâu sắc về các nhân vật kháng chiến Nam Bộ thuộc các phe phái chính trị khác nhau và không ngần ngại giảng giải cho học trò lớp 8 lớp 9 nghe hết chuyện ông này bà kia. Hồi đó chúng tôi mới mười ba mười bốn tuổi nhưng chắc là trưởng thành sớm hơn các em cùng tuổi bây giờ nhiều lắm, một phần do chiến tranh khốc liệt mà một phần cũng do các thầy cô ngày đó khá tôn trọng học trò nhỏ tuổi, họ coi học trò là những đối tượng cần phải trao đổi kiến thức đời thường hơn là phải bị giáo dục nhồi sọ. Hồi đó giáo dục chủ yếu là giáo dục, chỉ có thầy cô nào bị giựt dây mới cố ý đem chính trị vào lớp học, mà số đó thì rất ít. Những người ưa đem tuyên truyền vào lớp học dù theo chiều hướng nào về sau rất ít được học trò coi trọng.

Hiệu trưởng trường tư thục Đắc Lộ là một tiến sĩ sử học tốt nghiệp năm 1953 tại Pháp với luận án “Giáo hội sơ khai tại Việt Nam”. Trường tư thục Đắc Lộ và tu hội Đắc Lộ do linh mục Vũ Khánh Tường sáng lập vào năm 1961. Cha Tường sinh năm 1925 tại làng Phú Nhai, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1949, ông Tường được giáo hội cử sang Pháp du học tại phân khoa sử học của trường Institut Catholique de Paris và tốt nghiệp tiến sĩ sử học vào năm 1953.

Ông về nước năm 1956 và được cử làm phụ tá cho đức giám mục Phạm Ngọc Chi. (Hai năm ngắn ngủi làm phụ tá cho ông Chi chắc có lẽ là nguyên do gây ra những tai ương cho cuộc đời hiền hòa của ông Tường sau năm 1975. Trước năm 1954, ông Phạm Ngọc Chi là người chỉ huy lực lượng tự vệ Công giáo nổi tiếng chống Cộng tại Bắc Việt. Việc cha Tường làm phụ tá cho ông Chi một thời gian ngắn, dù tại Sài Gòn sau năm 1954, có lẽ đã gây ra cho chính quyền mới sau năm 1975 những hiểu lầm rất tai hại về ông Tường.)

Năm 1958- 1961 linh mục Vũ Khánh Tường không còn làm phụ tá cho cha Phạm Ngọc Chi. Ông được cử làm hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Bá Tòng (nay là trường Bùi Thị Xuân tại quận 1). Năm 1961 ông Tường về Tân Bình lập tu hội và trường Đắc Lộ với các phương châm truyền giáo, văn hóa, giáo dục. Đắc Lộ phát triển nhanh chóng, các lớp học ban đầu dạy trong những căn nhà nhỏ tạm bợ, thời gian sau đã thành một trung tâm giáo dục trung tiểu học từ lớp 1 đến lớp 12 với gần ba ngàn học sinh, với một ký túc xá 500 giường ngủ. Đặc biệt sau năm 1971, một phân khoa Nhân Văn của trường Đại Học Minh Đức đã được thành lập ở đây.

Linh mục Vũ Khánh Tường đi học tập cải tạo năm 1978 và mất năm 1980. Nguyên nhân ông bị chính quyền bắt đi học tập không phải là chính trị mà là do tội “tuyên truyền mê tín dị đoan”. Rất đáng tiếc khi những tài liệu sử học về giáo hội Công giáo Việt Nam và lịch sử Việt Nam giai đoạn thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 mà ông đã dày công biên soạn do không ai dám gìn giữ nên thất lạc gần hết.

Người dạy sử trong hai năm học cuối bậc phổ thông cho tôi là thầy Nguyễn Khắc Ngữ, một nhà sử học chuyên nghiệp gốc Phật giáo Bắc di cư.

Đó chắc là may mắn cuối cùng trong cuộc đời đi học... dốt. Thầy Ngữ trước năm 1975 viết khá nhiều sách giáo khoa sử địa, các công trình nghiên cứu sử học thời cận đại của ông được Sài Gòn đánh giá là khá công minh và khoa học, không mang định kiến chính trị chính em nhiều. Tác phẩm cuối cùng ông viết trước khi lên máy bay di tản là “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa”. Đây là một sử liệu ngắn gọn nhưng có giá trị lịch sử cao, nó trình bày rõ về nguyên nhân cũng như các tiến triển logic về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của Sài Gòn trong năm 1975. Các nhận xét về các chính trị gia Sài Gòn trong cơn bão lớn khá sắc nét.

Sách của thầy Ngữ viết khá nhiều trước năm 1975 nhưng sau năm 1975 những cuốn sách này do không được phép lưu hành gìn giữ nên cũng nhanh chóng biến mất tiêu. Khác với thầy Trần Ngọc Liên và thầy Dương Ngọc Sum ưa kể chuyện cho học trò nghe, giờ lên lớp của thầy Ngữ thực sự là cuộc trao đổi ý kiến giữa thầy và trò về những gì mà ông đã viết trong sách. Chắc ông muốn xem sách mình viết vậy có đúng không, sách mình viết vậy có lôi cuốn không, học trò có tin tưởng những gì mình viết hay không? Thầy Ngữ nói chuyện không lưu loát lắm nhưng viết thì rất sâu sắc, khi trao đổi với học trò khá chậm rãi chân tình. Nói chuyện với ông, học trò cảm thấy mình là người lớn… dù lông cánh chưa có đủ.

Thầy Ngữ tiếp tục nghiên cứu, dạy học và viết lách ở nước ngoài nhưng nay thầy cũng đã biến mất vào hư không rồi.

Sau năm 1975 tôi không còn đi học, và từ đó tới cuối cuộc đời dài không được học sử với những vị thầy dạy sử đáng kính nữa. Kiến thức về sử học của tôi cho tới bây giờ cũng lam nham như toán- lý- hóa hồi còn học phổ thông. Mấy năm nay dù rất tha thiết viết “xử” bắt chước cho giống các thầy dạy ngày xưa nhưng tôi biết rõ mình viết “chẳng ra làm sao”. Nhưng thôi cứ viết, vì không viết thì chẳng biết phải làm gì.

Vẫn viết dù biết: Viết chẳng biết ra làm sao!

MOMENTARY
17/12/2017.