Dân ta nghèo đã quá lâu, nhịn ăn, nhịn mặc trong chiến tranh. Nay vừa thoát nghèo, khấm khá hơn, một bộ phận người giàu thì không nói, nhàng nhàng như mình đi xe máy bao nhiêu năm, giờ có điều kiện mua ôtô còi thì nay lên giá, ngày kia lên thuế, ngày kìa tăng phí. Cái gì cũng bất ngờ “lên gối đến hự” thì đỡ làm sao nổi, chạy sao cho hết nắng!
Kiếm ăn lương thiện như chúng ta mà vẫn oằn lưng cõng cho cái sai “quản lý quy hoạch” từ trước tới nay bằng hàng loạt chính sách thuế, phí...cực kỳ vô lý. Mở cửa sổ nhìn ra Thế giới, thấy chạnh lòng. Đành rằng đã sai từ trước nên cả nhà nước và nhân dân cùng chia vai gánh vác, mỗi người chịu thiệt đi một chút để có được môi trường sống thoải mái hơn. Nhưng cứ cái sai nọ nối tiếp cái sai kia thì chúng ta (mức thu nhập bình thường) gánh vác đến kiếp sau cũng chưa mua nổi ôtô!
Hà Nội vừa di dời mồ mả được mấy cái nhà máy gây ô nhiễm, tập trung đông công nhân thì trám ngay vào đó là cao ốc, chung cư đồ sộ đến mấy chục tầng. Nếu hoàn thành thì nhân khẩu nơi đó bằng dân cư của cả mấy phường cộng lại, làm gì mà chẳng tắc đường, làm gì mà còn điểm đỗ, môi trường sống và an sinh chẳng xuống cấp. Mà cũng kỳ thay chính sách của Nhà nước thế nào mà để Hà Nội và TP HCM dễ kiếm tiền thế! Sinh viên ra trường quyết không về nơi chôn nhau cắt rốn. Ở nhà thuê với môi trường sống rất kém nhưng quyết trụ, làm trái ngành nghề, thậm chí bằng tệ nạn cũng phải bám lại.
Dân số cơ học cứ ùa về hai trung tâm như thác lũ mà kiếm sống. Sống tốt rồi lại mua nhà, mua xe, rồi lại cùng nhau đổ ra các ngã tư đường phố với cái văn hoá đường làng ta cứ đi. Ta ở quê làm gì có văn hoá xếp hàng, chỗ nào có thể len được là ta cứ đi, ta mù màu nên không cần biết xanh hay đỏ nó thế nào. Tắc lại chửi đổng. Nghe một đại biểu HĐND thành phố chất vấn “trong thập niên qua, Hà Nội chẳng di được cái bệnh viện và trường đại học nào ra ngoài thành phố?". Phó chủ tịch lúng túng !
Nếu vị kia hỏi tôi câu đó, tôi nói luôn và ngay rằng di ra ngoài làm sao được mà di. Các giảng viên, GS, TS…còn bận với mô hình liên kết, đại học tư, trung tâm này nọ. Ra ngoại thành thì chạy sô như thế nào, làm sao di chuyển kịp thời gian giữa trường nọ với trường kia, trung tâm nọ, trung tâm kia. Mà chạy sô có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần lương thế mới chết chứ!
Ra ngoại thành thì "sống bằng niềm tin", đói à! GS, bác sĩ cũng vậy, ai mà chẳng có phòng khám tư, không có cũng phải hợp đồng, cũng phải chạy sô. 16h30 là có mặt tại phòng khám theo hẹn với một bệnh nhân A,B,C… được đưa từ bệnh viện công về, để rồi có thu nhập chân chính ngoài luồng gấp vài chục lần lương. Quyền lợi của các vị này vào loại khủng, lại đều có máu mặt tại nơi công tác, viện đủ lý do không di dời, không đặt bút ký thì Chính phủ có quyết tâm đến mấy, cũng "di vào mắt".
Mà không di dời thì còn tắc, còn chịu thuế, phí cao dài dài. Lại chửi đổng. Người dân bình thường, khi tắc đường thường hay coi cái chính sách quản lý và hạ tầng yếu kém, còn mình thì cứ bám lấy mặt đường mà buôn bán. Dừng đỗ xe lung tung, cái gì cũng muốn tiện, chỉ muốn ghé xe máy, nhấc mông móc ví và đi luôn. Trăm vạn người thấy tiện, thế là thắt cổ chai, là tắc đường. Thấy thế lại chửi chứ nhất quyết không nhận là mình cũng góp phần làm nên cái tắc, cái sai.
Hôm trước ngồi nhâm nhi café ở đường Trường Chinh (Hà Nội), một anh nhìn vẻ bề ngoài trí thức, như du học ở nước ngoài về. Đầu đội mũ “phớt”, chân đi giày tây, lưng đeo cặp da, tay xách iPad, kính trắng. Không những vượt đèn đỏ mà còn đi ngược chiều một đoạn khá dài, dựng xe, khoan thai bước vào quán: Cho "ny lâu đá" rồi bi bô rằng VN bao giờ mới khá lên được. Tây sang đây sợ cái giao thông nhốn nháo, không có luật lệ như ở VN!
Tôi nghĩ bụng, mình mà là dân phòng thì hồi nãy hắn vượt đèn đỏ và đi ngược chiều sẽ quăng cho mẻ lưới, nếu chưa dừng, cho tiếp cái dùi cui thọc vào bánh xe, nếu cãi cho ăn mấy cái đoản sắt vào lưng (dân phòng đánh người không đội mũ bảo hiểm, Bình Chánh TP HCM, 7/12 ).
Phải nói là dân mình cũng có lòng tự trọng cao. Ông hàng xóm có ôtô thì mình cũng phải có; đồng nghiệp có ôtô thì mình cũng phải có; họ hàng có người có ôtô mình cũng phải có; đối tác có ôtô mình cũng phải có. Nếu không có thì chiến lược quảng cáo hình ảnh của bản thân coi như thiếu đi một phần quan trọng. Và xã hội nhìn vào hồ sơ năng lực của mình với ánh mắt và điệu cười nhếch mép-không đáng tin cậy.
Thế là phải sắm và ôtô xuống phố chóng hết cả, hạ tầng không sao đỡ kịp. Tắc lại chửi. Hôm trước đại biểu Quốc hội chất vấn bộ trưởng Thăng, đại loại bộ trưởng chốt cho khi nào, bao giờ hết tắc? Câu hỏi nổi tiếng của vị đại biểu lúc đó sốt xình xịch trên các trang mạng và mạng xã hội. Đương nhiên câu hỏi đánh đố không nhận được câu trả lời thoả đáng.
Trong các bác ngồi đây có bác hỏi: Nếu có giấc mơ được làm bộ trưởng GT, anh(chị) sẽ làm gì để cải thiện tình trạng ách tắc này? Ngồi mà nghĩ ra lý thuyết thì qua dễ. Đầu tiên qui hoạch lại đô thị. Nơi nào nông nghiệp, nơi nào công nghiệp, nơi nào tiểu thủ công, làng nghề, xếp các ông ra một vài nơi. Nơi nào dịch vụ, đại siêu thị, bến xe, bến tàu xếp các ông ra một nơi. Trường Đại học, trung tâm nghiên cứu, công nghệ cao xếp các ông ra một nơi. Bệnh Viện, trung tâm y tế, trường phổ thông xếp các ông xen kẽ.
Khu dân cư thì quy hoạch lại, nội đô giãn ra, mật độ xây dựng thưa đi, chủ yếu cải tạo giữ gìn kiến trúc cũ, khu đô thị mới hãy xa ra, hiện đại vào, đồng bộ hạ tầng và an sinh. Trung tâm chính trị, hành chính xếp ra một góc, khu ngoại giao xếp ra một góc... Trục xuyên tâm, hướng tâm, vành đai mở rộng, đền bù thoả đáng, tái định cư ổn thoả, đào tạo mới ngành nghề phù hợp cho người dân mất đất. Cầu vượt trên cao, hầm vượt, tàu điện ngầm, xe bus, nhà ga đầu tư đồng bộ, hoành tráng, giảm xe cá nhân, đánh thuế cao…. Thế là hết tắc ngay! Nhưng tiền đâu?! Khó nhất là lấy tiền từ đâu ra, người tài lấy đâu ra. Chống tham nhũng, bảo đảm nguồn vốn thế nào?
Nhà nghèo không thể đập đi xây lại từ đầu được, phải chấp nhận chắp vá và manh mún? Nhưng chắp vá như thế nào, manh mún như thế nào để khéo ăn thì no, khéo co thì ấm? Để thằng cả, thằng hai, cô ba, cô út… được công bằng, lợi ích nhóm của chúng được đảm bảo thế nào mà không xáo trộn truyền thống gia đình? Vấn đề của cả một dân tộc, của cả một thời đại và nhiều thế hệ đấy! Vĩ mô lắm ! Dạ "em" chưa đủ tài ạ.
Nói tóm lại, các bác bớt bức xúc đi. Vấn đề mua ôtô vừa rẻ, vừa đẹp, vừa bền, vừa sang mà lại tẹt ga không sợ va (chạm), vừa được sống trong những căn hộ cao cấp tại khu đất vàng, vừa thoải mái ngắm hàng sấu già xen lẫn thảm cỏ xanh đến tận chân mây, vừa mở cửa sổ trời panorama hít căng O2 qua đường mũi và xì CO2 qua đường khác thì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cả nhà nước và mỗi chúng ta đều phải chia sẻ và rất cố gắng.
Khó nhất, đau đầu nhất là nút thắt cổ chai, đó là luật pháp và cơ chế, tiền và người tài, người có tâm, đạo đức giữa lợi ích nhóm với cộng đồng, sự chia sẻ của toàn xã hội. Chửi đổng không giải quyết được vấn đề gì đâu. Bác nào bắt nhịp bài hát trong bộ phim “Bao giờ đến tháng mười" cho rộn ràng mùa giáng sinh nào.
Nguyễn Phúc Tâm
Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011
Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011
Sinh viên và một đô la mỗi ngày
Tuyến xe buýt 56 có trạm dừng gần nhà tôi, nên đi đâu tôi cũng đón xe này. Xe chạy từ bến xe Chợ Lớn qua trạm trung tâm thành phố trước chợ Bến Thành rồi chạy tiếp tới Tân Vạn qua ngã ba Vũng Tàu. Thường thì tôi chỉ đi tới bến Chợ Lớn hay chợ Bến Thành, rồi từ hai trạm trung tâm đó đổi xe buýt để có thể đi bất cứ đâu trong thành phố này. Tôi chỉ đi hết tuyến một lần cho biết, thấy xe chạy qua nhiều trạm gần các trường đại học: ĐH Y Dược, ĐH Sài Gòn, ĐH Sư Phạm, ĐH Khoa học, rồi ra khỏi nội thành tới khu đại học quốc gia ở Thủ Đức. Nên tôi đoán những hành khách trẻ là sinh viên các trường gần trạm họ lên xuống.
Tôi thích nhìn (lén) mấy bạn đó, thấy hầu hết đều thanh mảnh. Thậm chí có người vừa ốm vừa lùn, trông bé tí lại xanh xao. Thỉnh thoảng tôi mới gặp một người hồng hào có vẻ khỏe mạnh. Thiệt tình thì tôi nhìn những người có eo co với ánh mắt ngưỡng mộ. Nhưng gầy gò và xanh xao như thể suy dinh dưỡng thì không được quyến rũ lắm. Tôi suy diễn là sinh viên mà phải đi xe buýt có lẽ là ở tỉnh xa lên thành phố trọ ở ngoại ô, và sinh viên nghèo. Nhưng cũng có thể dáng mảnh mai vẻ hao gầy là mốt của thanh niên bây giờ. Dù sao, tôi rất áy náy khi thấy người ta còn trẻ mà sức khỏe coi bộ ỉu xìu.
Sáng nay tôi có việc đi xe buýt 56 và ngồi cạnh một cô gái tuy gầy gầy nhưng hồng hào, nét mặt tươi sáng, đôi môi sẵn nụ cười khi tôi bước đến bên cạnh. Cô gái đã cầm cái ba lô hơi to trên ghế bên cạnh kê lên đùi mình để trống chỗ cho tôi ngồi xuống. Tôi cám ơn và hỏi em là sinh viên trường nào, cô gái nói cháu học ở Thủ Đức. Tôi hỏi học gì mà phải mang sách đầy ba lô vậy, cô gái vừa cười vừa nói có mấy cuốn sách à, tại có cái nồi cơm ở dưới đáy bao lô. Cô gái vẫn cười trước vẻ ngạc nhiên của tôi và nói tiếp: "Cháu kiếm được chỗ trọ này tiện đường xe buýt, chỗ ở sạch sẽ, bạn cùng phòng dễ thương, tiền phòng chia ra không nhiều, nhưng qui định là không được nấu nướng trong phòng. Mà thực ra cũng không thể nấu vì không có ổ cắm điện. Nên cháu cõng nồi cơm điện vô trường cắm nhờ ổ điện trong… thư viện. Cháu để nồi trong ba lô, chỉ thò ra sợi dây điện, đâu có phân biệt được đó là dây điện của nồi cơm hay máy laptop."
Dĩ nhiên khi cơm sôi bốc khói và tỏa mùi thơm thì không dễ gì giấu, nhưng nồi cơm nhỏ, thời gian nấu ngắn, cơm chín là ngắt điện rút dây vô ba lô cõng đi chỗ khác ngay. Mà cháu đâu có vi phạm nội qui: cháu để nồi cơm trong ba lô chứ đâu có ăn trong thư viện. Có nhiều góc vắng vẻ lãng mạn để giở cơm ra ăn đàng hoàng. Tôi tò mò một bữa ăn “đàng hoàng” của cô gái gồm những gì ngoài cơm nóng. Em ngập ngừng, rồi nói với cái vẻ thì cứ sự thật trình bày chứ có gì mà ngượng: "Như bữa nay, cơm sôi cháu bỏ vào một hai cái trứng. Bữa cơm của cháu có trứng dầm muối tiêu và dưa leo (cháu không thích dầm trứng trong nước mắm vì đem theo nước mắm không tiện). Cháu có một trái ổi để tráng miệng nữa."
Trưa thì cháu ăn vậy cho gọn nhẹ. Chỉ một phần ba nồi cơm thôi. Phần còn lại cháu cõng về phòng trọ để ăn buổi chiều và sáng hôm sau. Ở phòng của mình, cháu ăn uống “thịnh soạn” hơn. (Nội qui phòng trọ cấm nấu nướng chứ không cấm ăn hay chế biến món ăn. Cháu pha nước mắm chanh ớt ngon lắm, để ăn với bún, bánh ướt, bánh cuốn, bánh tráng, những thứ mua về ăn liền không cần nấu. Rau sống, rau trộn, gỏi, salad… đâu cần nấu. Thứ gì cần nấu chín thì cháu làm sạch sẵn, khi cơm cạn cháu để vô nồi cơm hấp luôn. Thực ra có nhiều thứ bán ở siêu thị hay ngoài tiệm, ngoài chợ, đem về là ăn luôn khỏi nấu, nhưng tốn kém. Mình tự chế biến cho đỡ tốn. Cháu chỉ có thể ăn theo tiêu chuẩn 20.000 đồng một ngày.
Đó là số tiền dưới một đô la Mỹ, và theo World Bank thì mức sống một người bằng 1 đô mỗi ngày được coi là mức nghèo (chuẩn thế giới). Ở mức nghèo này, người ta chủ yếu chi tiêu cho việc ăn để sống còn, những chi tiêu khác không đáng kể. Có khoảng 1 tỷ người trên thế giới sống ở mức này, vào năm 2005, thưở kinh tế thế giới chưa suy thoái, đồng đô la chưa mất giá, và ở những nước đông người nghèo chưa xảy ra khủng hoảng giá lương thực. Tôi còn nhớ ở nước mình, năm 2005, người ta có thể ngồi nhà hàng cơm trưa văn phòng, mỗi phần ăn tính ra cỡ 1 đô gồm cơm, ba món canh, mặn, xào, và món tráng miệng, nước uống miễn phí nếu uống trà đá. Bây giờ với 20.000 đồng cô gái chỉ có thể mua được một dĩa cơm bình dân ở lề đường.
Tôi tỏ ra thông cảm, nhưng có lẽ cô gái hiểu lầm là thương hại, cô vẫn tươi cười, hơi liếng thoắng một chút: Bạn cháu cũng có đứa không thể sống nổi với mức đó, sáng một gói xôi, trưa một ổ bánh mì là hết vèo 20.000 đồng. Chiều tối ôm bụng đói đi ngủ là chẳng bao lâu kiệt sức. Có đứa chơi mì ăn liền suốt, loại rẻ, hai ba ngàn một gói. Bị táo bón kinh niên. Cháu từng xỉu trong lớp. Từ đó cháu biết chuyện ăn uống không phải là “chuyện nhỏ”. Chịu khó một chút, bớt “ăn ngoài” mua gạo về nấu cơm với đồ tươi. Bây giờ cái gì cũng mắc, khó “đi chợ”, cháu đi chợ mội tuần một lần 140.000 đồng mua được: 3 kí gạo (40.000 đồng), 1 chục trứng (20.000 đồng), dưa chuột, cà chua, cà rốt, bắp cải, rau, đổ đồng 10.000 đồng 1 kí, đậu hủ (7 miếng 21.000 đồng) hoặc 1 bịch nửa kí cá ba sa phi-lê (23.000 đồng), chanh, ớt, tỏi, muối, đường, dầu ăn, nước mắm… (20.000 đồng) là cháu làm tròn cho dễ tính, chứ cháu còn kò kè trả giá, rồi gom tiền lẻ còn lại mua trái cây theo mùa. Cô gái lại nhoẻn miệng cười. Ngon mà rẻ. Một tỷ người sống được bằng 1 đô la mỗi ngày, cháu cũng phải sống được. Vả lại, đâu có chọn lựa nào khác.
Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011
Thư gửi mẹ
“Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu quyết định hạnh phúc nữa”.
Đó là những câu văn xúc động của cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 Lý, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội.
Mẹ thân yêu của con!
“Trời ơi là trời! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế. Anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con: “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ?” .
Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kỳ lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền.
Cách đây 8 năm bệnh viện đã chẩn đoán mẹ bị suy thận mạn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì… Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại Bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.
Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.
Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn: “Mẹ ghét tiền”.
Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần một tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục ngàn, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt.
Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. 8 năm rồi, 8 năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi!”.
Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của Bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ: “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa?”. Mẹ chỉ nói khẽ: “Cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ!”.
Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm ghét đồng tiền vì thế.
Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ…
Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là…
Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn bảo hiểm y tế nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …
Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.
Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.
Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng.
Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
Đứa con ngốc nghếch của mẹ.
Nguyễn Trung Hiếu
Đó là những câu văn xúc động của cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 Lý, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội.
Mẹ thân yêu của con!
“Trời ơi là trời! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế. Anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con: “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ?” .
Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kỳ lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền.
Cách đây 8 năm bệnh viện đã chẩn đoán mẹ bị suy thận mạn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì… Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại Bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.
Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.
Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn: “Mẹ ghét tiền”.
Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần một tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục ngàn, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt.
Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. 8 năm rồi, 8 năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi!”.
Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của Bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ: “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa?”. Mẹ chỉ nói khẽ: “Cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ!”.
Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm ghét đồng tiền vì thế.
Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ…
Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là…
Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn bảo hiểm y tế nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …
Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.
Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.
Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng.
Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
Đứa con ngốc nghếch của mẹ.
Nguyễn Trung Hiếu
Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011
Em trả anh về với chị đấy!
Này, em nên gọi Vân là chị. Và chị Vân à, đừng nhìn em như vậy, em đến đây là chỉ để trả anh Sơn lại cho chị. Nhưng, với quyền lực của một người tình, em có một vài điều mong chị chấp nhận và thực hiện nó như nghĩa vụ đúng đắn của người vợ. Em không đe dọa, một người tình như em không có đủ quyền hạn đó đâu.
Nhưng, có một số thứ chị Vân cần hiểu, nếu anh Sơn buồn bã, em rời đi, chị vẫn như bây giờ, thì đâu đó trong cái thành phố sầm uất này, rồi sẽ có một người tình khác cho anh ấy. Anh Sơn là một người tốt, chị là một người tốt, em thì rốt cục chỉ là một con điếm rẻ tiền còn đâu đó lòng trắc ẩn cho người mình yêu, và cho một người tốt như chị.
Em đã nói rồi, chị đừng nhìn em vậy, chị đừng nhìn em như một người thắng cuộc và như em đang nhìn chị. Suy cho tường tận vấn đề, người thua cuộc trong cuộc chơi này là em.
Chị đừng cười như thế, em thật sự là người thua cuộc. Một con người tình thua cuộc trong những phút giây đầu...
Ảnh minh họa
Khi anh ấy vẫn đều đặn gọi cho chị sau giờ đi làm về những lần đèo em sau lưng.
Khi anh ấy cặm cụi nhắn tin dỗ dành chị lúc ngồi cạnh em.
Khi anh ấy nắm tay em và cười những ngốc nghếch của chị...
Khi tất cả thời gian bên anh ấy, em đều có thể cảm nhận trong một ngóc ngách nào đó ở người đàn ông của em, chị hiện diện như một người đàn bà, như một điều giản dị anh ấy có thế thiếu lúc này, thiếu những ngày sau nữa, nhưng mãi mãi không thể nào là thiếu trọn đời.
Chị là người thắng cuộc, Vân à. Khi với tất cả những lời yêu em, những lời ngọt ngào,... có một sự thật là anh ấy vẫn không thể từ bỏ chị, anh ấy vẫn bên em và trở về với chị. Giường anh ấy là của chị, người anh ấy nhìn thấy đầu tiên trong ngày là chị, chị có quyền đặt bất cứ cái gì chị muốn vào căn nhà bé nhỏ của anh ấy, thậm chí là vào cuộc đời của anh ấy,... còn em, thậm chí còn không có quyền cầm chị lên và quẳng chị khỏi khoảng thời gian anh ấy bên em!
Vì thế, bây giờ em nghĩ rằng mình nên trả anh ấy cho chị! Anh ấy cần một người như chị hơn em. Nếu chị biết sự khác nhau giữa người vợ và người tình, giữa cảm giác an toàn và cám dỗ.
Em tin chị hiểu em đang nói những gì. Nhưng chị à, một người vợ đôi lúc cũng cần giống như một người tình. Sau khi đi làm về, anh ấy không cần những lời than vãn cơm canh con cái, mà anh ấy cần một nụ cười trên môi hôn vào trán anh ấy, cần một vòng tay giữ hộ anh ấy tất cả lắng lo suy nghĩ đường đời.
Khi anh ấy đi chơi, chị cũng nên như một người tình, biết nơi nào mình không theo được và biết những nơi nào mình nên có mặt. Chị đừng sợ những chầu bia rượu, vì người đàn ông như anh Sơn chưa bao giờ để người phụ nữ của anh ấy phải uống bao giờ, anh ấy chỉ cần một người phụ nữ tỉnh táo, để biết lúc nào ghé tai anh ấy bảo về và cười đùa lớn với bạn bè anh ấy: "Không say không về!".
Một người vợ cũng cần phải hiểu, những hy sinh của mình cho chồng không phải là vô lý dù thật sự như vậy. Có những lúc anh ấy sẽ trút giận lên chị những bực bội bạn bè xã hội, những buồn vui từ chuyện làm ăn, chị đừng khóc lúc đấy! Em biết chị oan ức nhưng xin chị cứ lẳng lặng lắng nghe và ôm anh ấy vào lòng, những khi đàn ông nổi giận với người đàn bà của mình, chỉ có một lý do duy nhất, đó là khi đấy người đàn ông trong anh bị tổn thương hao mòn, và người đàn ông la mắng chị lúc đấy chỉ là đứa con nít cần một vòng tay ôm ấp... Nên chị đừng khóc lúc đấy, hãy khóc khi người đàn ông trong anh ấy trở lại và dỗ dành chị, vì khi ấy anh ta mới là người đàn ông, bờ vai anh ấy mới đủ rộng cho buồn đau nơi chị. Vân, chị có quyền nghĩ em kỳ dị, một người tình như em thì lấy đâu tư cách để dạy người vợ làm vợ, đúng không?
Nhưng chị à, hãy nghe em, khi anh Sơn đi làm về, anh ấy thích hương tinh dầu bạc hà bay khắp nhà và một cốc Latte ít đường, ít đá, nhưng tuyệt đối phải lạnh. Anh ấy đã trãi qua cả ngày mỏi mệt cho cuộc sống hai người, tại sao chị lại không thử? Khi chị giặt áo sơ mi cho anh ấy, đừng dùng lọai bột giặt chị vẫn hay dùng, hãy chỉ dùng lọai cho quần áo màu, vì da anh Sơn bị dị ứng. Có điều anh ấy không biết điều ấy thôi! Khi chị nấu ăn cũng vậy, đừng bao giờ nêm nhiều đường và hạn chế dùng bột ngọt. Anh ấy đã bao giờ than với chị chóng mặt những khi ra ngòai ăn chưa nhỉ?...
Và em có lẽ đã thấy mình đã quá nhiều chuyện rồi. Dẫu sao anh Sơn vẫn sẽ sống tốt khi có em. Chị hãy hỏi em sẽ thế nào khi xa anh ấy đi? Em sẽ không trả lời đâu, vì em cũng không biết nữa, em chỉ biết mình cần ra đi. Anh Sơn cần tương lai, và em rốt cục mãi chỉ là hiện tại... Chị hãy hỏi em làm sao để quên anh ấy đi? Không, em không thể, suốt đời vẫn không thể chị à...
Thế nhé, em trả anh ấy lại cho chị rồi đấy! Em nghĩ rằng mình nên đi, còn 2 ngã tư nữa anh ấy sẽ về đến nhà. Chị có nghe được mùi oải hương nồng trên da anh ấy không...?
GiaDoan
Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011
Thư của đại gia gửi người mẫu
Em thân yêu!
Trước tiên, xin tự giới thiệu, anh là một đại gia, muốn được làm quen với em.
Mới đọc tới đây, chắc em sẽ có cùng lúc hai tâm trạng: một là vui mừng vì hiện nay làm quen với đại gia là mong muốn chính đáng của tất cả các cô gái đẹp, trong đó có em; hai là đề phòng, bởi lúc này, đại gia rởm quá nhiều và không thiếu gì kẻ đã sập bẫy.
Em cứ yên tâm đi.
Kinh nghiệm làm ăn cũng như kinh nghiệm yêu đương đã dạy anh rằng sự chân thành là bền vững nhất. Bằng tất cả đạo đức và tư cách, anh xin thề mình là một đại gia thật sự. Tuy không có vài ngàn tỉ đồng, nhưng để mua cho em vài ba túi xách, vài chục bộ đồ và dẫn em đi ăn ở vài nhà hàng loại sang thì anh không lăn tăn gì cả.
Minh họa: DAD
Vậy anh muốn gì?
Nói hết sức thẳng thắn, anh muốn hai ta làm bạn với nhau. Một tình bạn dựa trên cơ sở những gì hai bên cùng quan tâm, với tinh thần hai bên cùng có lợi.
Thế anh sẽ quan tâm tới những hạng mục gì của em? Xin nói nhanh là anh không xét tới trình độ văn hóa, dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh gia đình... Em có tốt nghiệp phổ thông hay không, em biết tiếng Anh hay tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, em xuất thân từ quý tộc hay đồng ruộng... đối với anh không hề quan trọng. Ngay cả khi em không phân biệt đâu là gà, đâu là vịt và nhầm lẫn giữa Victor Hugo với Chí Phèo anh cũng sẵn sàng bỏ qua (do bản thân anh cũng nhầm lẫn thường xuyên).
Điều anh chú ý ở em là cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu, chân có dài không và những thứ gì tương tự như chân có ấn tượng không? Em trắng hay đen, em dùng nước hoa nhãn hiệu gì và em có tắm biển thường xuyên không mới là những yếu tố anh đặt lên hàng đầu.
Anh hoàn toàn không cho việc đọc sách, xem tivi, xem phim là quan trọng. Em không giỏi Anh văn, vi tính cũng chẳng sao. Em không thích quét nhà hay quét sân lại càng tuyệt. Điều đáng kể là em phải biết chọn giày cao gót, phải biết làm móng tay, móng chân thật tinh tế, phải biết chải các kiểu tóc sang trọng và phải biết cười dưới ánh đèn cho hàm răng lóe lên.
Về phía anh xin nói thật như thế này: anh không còn trẻ nữa, từ lâu rồi anh không đua xe, không chạy nhảy. Anh chưa khi nào vô địch thể hình cả quận lẫn phường nói gì tới quốc gia. Tóc anh đen nhưng là đen của một đêm sao chứ không phải đêm ba mươi. Da anh căng nhưng căng có mỡ chứ không hoàn toàn thịt. Bụng anh chưa hẳn đã phệ nhưng dứt khoát không nên gọi là thon.
Về đạo đức, anh trung bình. Ai tốt với anh anh tốt lại, ai lừa anh anh lừa lại. Về thẩm mỹ anh hồn nhiên, anh có thể thắt cà-vạt, mặc quần soọc hoặc đi giày tây, xách cặp da nhưng bên trong áo may-ô ngả màu chì. Anh có kính đen, có mặt rỗ nhưng không có răng vàng. Khi ăn ở khách sạn năm sao anh vẫn nói to và khi ngồi trước đám đông anh vẫn ngáp.
Nói ngắn gọn, anh không đẹp cũng không xấu, không phàm tục cũng không lịch lãm. Anh làm ăn và nhìn thế giới theo kiểu làm ăn. Cần uống rượu vang anh uống rượu vang, cần gặm chân gà anh gặm chân gà. Bạn bè anh nhiều người làm tổng giám đốc nhưng cũng có khối đứa đi tù.
Vậy anh đề nghị gì?
Anh muốn chúng ta làm bạn với nhau. Một tình bạn xây dựng trên cơ sở cả hai đều biết mình cần món nào. Em không cần vẻ trẻ trung, vẻ đẹp trai, còn anh cũng không cần vẻ đoan trang, vẻ thùy mị.
Tình bạn ấy chỉ tồn tại khi chúng ta đi du lịch, đi ăn tiệm hoặc đi những nơi chỉ hai ta biết. Em sẽ không khi nào phải nấu cơm, em có thể căm thù giặt giũ và em không biết chợ là gì. Ngoài những lúc ở bên nhau, người này có thể và có quyền ở bên những thứ người kia không biết. Tự do muôn năm!
Đổi lại, em chẳng cần quan tâm tới tiền nhà, em sẽ có xe, xe ra sao là tùy mức độ mà em chủ động. Thậm chí, nếu cần, em sẽ có danh hiệu và anh có khả năng lo trong một số phạm vi. Tóm lại, em thoải mái nhiều thứ lắm và khỏi phải suy tính nhiều thứ lắm.
Anh không phải là kẻ quá thực dụng, anh chỉ muốn rõ ràng. Em hãy cân nhắc thật kỹ lá thư này, nhưng đừng trả lời chậm quá vì anh gửi một lúc cho nhiều cô. Trong kinh doanh, người ta gọi đấy là mở rộng nguồn hàng, mà về bản chất, hai ta cùng kinh doanh, phải không em?
Chào em, mong gặp lại.
Trần Tự Thú
Lê Hoàng
Trước tiên, xin tự giới thiệu, anh là một đại gia, muốn được làm quen với em.
Mới đọc tới đây, chắc em sẽ có cùng lúc hai tâm trạng: một là vui mừng vì hiện nay làm quen với đại gia là mong muốn chính đáng của tất cả các cô gái đẹp, trong đó có em; hai là đề phòng, bởi lúc này, đại gia rởm quá nhiều và không thiếu gì kẻ đã sập bẫy.
Em cứ yên tâm đi.
Kinh nghiệm làm ăn cũng như kinh nghiệm yêu đương đã dạy anh rằng sự chân thành là bền vững nhất. Bằng tất cả đạo đức và tư cách, anh xin thề mình là một đại gia thật sự. Tuy không có vài ngàn tỉ đồng, nhưng để mua cho em vài ba túi xách, vài chục bộ đồ và dẫn em đi ăn ở vài nhà hàng loại sang thì anh không lăn tăn gì cả.
Minh họa: DAD
Vậy anh muốn gì?
Nói hết sức thẳng thắn, anh muốn hai ta làm bạn với nhau. Một tình bạn dựa trên cơ sở những gì hai bên cùng quan tâm, với tinh thần hai bên cùng có lợi.
Thế anh sẽ quan tâm tới những hạng mục gì của em? Xin nói nhanh là anh không xét tới trình độ văn hóa, dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh gia đình... Em có tốt nghiệp phổ thông hay không, em biết tiếng Anh hay tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, em xuất thân từ quý tộc hay đồng ruộng... đối với anh không hề quan trọng. Ngay cả khi em không phân biệt đâu là gà, đâu là vịt và nhầm lẫn giữa Victor Hugo với Chí Phèo anh cũng sẵn sàng bỏ qua (do bản thân anh cũng nhầm lẫn thường xuyên).
Điều anh chú ý ở em là cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu, chân có dài không và những thứ gì tương tự như chân có ấn tượng không? Em trắng hay đen, em dùng nước hoa nhãn hiệu gì và em có tắm biển thường xuyên không mới là những yếu tố anh đặt lên hàng đầu.
Anh hoàn toàn không cho việc đọc sách, xem tivi, xem phim là quan trọng. Em không giỏi Anh văn, vi tính cũng chẳng sao. Em không thích quét nhà hay quét sân lại càng tuyệt. Điều đáng kể là em phải biết chọn giày cao gót, phải biết làm móng tay, móng chân thật tinh tế, phải biết chải các kiểu tóc sang trọng và phải biết cười dưới ánh đèn cho hàm răng lóe lên.
Về phía anh xin nói thật như thế này: anh không còn trẻ nữa, từ lâu rồi anh không đua xe, không chạy nhảy. Anh chưa khi nào vô địch thể hình cả quận lẫn phường nói gì tới quốc gia. Tóc anh đen nhưng là đen của một đêm sao chứ không phải đêm ba mươi. Da anh căng nhưng căng có mỡ chứ không hoàn toàn thịt. Bụng anh chưa hẳn đã phệ nhưng dứt khoát không nên gọi là thon.
Về đạo đức, anh trung bình. Ai tốt với anh anh tốt lại, ai lừa anh anh lừa lại. Về thẩm mỹ anh hồn nhiên, anh có thể thắt cà-vạt, mặc quần soọc hoặc đi giày tây, xách cặp da nhưng bên trong áo may-ô ngả màu chì. Anh có kính đen, có mặt rỗ nhưng không có răng vàng. Khi ăn ở khách sạn năm sao anh vẫn nói to và khi ngồi trước đám đông anh vẫn ngáp.
Nói ngắn gọn, anh không đẹp cũng không xấu, không phàm tục cũng không lịch lãm. Anh làm ăn và nhìn thế giới theo kiểu làm ăn. Cần uống rượu vang anh uống rượu vang, cần gặm chân gà anh gặm chân gà. Bạn bè anh nhiều người làm tổng giám đốc nhưng cũng có khối đứa đi tù.
Vậy anh đề nghị gì?
Anh muốn chúng ta làm bạn với nhau. Một tình bạn xây dựng trên cơ sở cả hai đều biết mình cần món nào. Em không cần vẻ trẻ trung, vẻ đẹp trai, còn anh cũng không cần vẻ đoan trang, vẻ thùy mị.
Tình bạn ấy chỉ tồn tại khi chúng ta đi du lịch, đi ăn tiệm hoặc đi những nơi chỉ hai ta biết. Em sẽ không khi nào phải nấu cơm, em có thể căm thù giặt giũ và em không biết chợ là gì. Ngoài những lúc ở bên nhau, người này có thể và có quyền ở bên những thứ người kia không biết. Tự do muôn năm!
Đổi lại, em chẳng cần quan tâm tới tiền nhà, em sẽ có xe, xe ra sao là tùy mức độ mà em chủ động. Thậm chí, nếu cần, em sẽ có danh hiệu và anh có khả năng lo trong một số phạm vi. Tóm lại, em thoải mái nhiều thứ lắm và khỏi phải suy tính nhiều thứ lắm.
Anh không phải là kẻ quá thực dụng, anh chỉ muốn rõ ràng. Em hãy cân nhắc thật kỹ lá thư này, nhưng đừng trả lời chậm quá vì anh gửi một lúc cho nhiều cô. Trong kinh doanh, người ta gọi đấy là mở rộng nguồn hàng, mà về bản chất, hai ta cùng kinh doanh, phải không em?
Chào em, mong gặp lại.
Trần Tự Thú
Lê Hoàng
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)