Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Nước Mỹ như tôi biết


(TNTS )Những năm cuối thế kỷ trước, hai nước Việt - Mỹ bang giao hữu hảo. Người Mỹ sang Việt Nam rất dễ nhưng người Việt qua Mỹ rất khó. Nhiều người đi phỏng vấn, mất toi hơn trăm USD vẫn không được đi mà không rõ lý do.
Có ai thắc mắc thì họ bảo “Người Mỹ mà”. Tôi ghét thái độ kẻ cả, cóc cần bạn của họ nên được rủ rê mấy lượt vẫn chối từ. Năm ngoái, tôi liền đi thử, xem thực hư thế nào mới vỡ ra nhiều lẽ.



Nước Mỹ có rất nhiều kẻ thù nên đi máy bay Mỹ là khổ nhất. An ninh săm soi từng chút, phải cởi cả giày, cả vớ, thắt lưng, đồng hồ, vòng tay, nhẫn, dây chuyền, bóp… qua máy soi. Chai dầu bé tẹo hay tuýp kem bằng đầu đũa cũng vứt vào sọt rác. Rõ khổ. Bù lại đi Mỹ được mang gấp 2,5 lần hành lý so với nhiều nước khác. Bay nội địa thì 6 giờ liền trên máy bay không có phục vụ ăn, uống! Phải ăn trước khi lên máy bay. So với tiếp viên Vietnam Airlines, tiếp viên Mỹ toàn những “bà ngoại” vừa già vừa xấu. Bù lại, họ làm việc chăm chỉ, có nhiều kinh nghiệm. Máy bay Mỹ cũng trễ chuyến liên tục, có điều họ lịch sự hơn. Kèm với thông báo là xin lỗi và trợ giúp cụ thể. Xuống sân bay, muốn lấy xe đẩy hành lý, xin vui lòng bỏ 3 USD vào giá xe. Đây là phí quản lý và thu gom xe đẩy về chỗ cũ. Họ tự giác nộp và tuyệt nhiên không lấy xe phía ngoài dù không tốn tiền.

Gần 1 tháng rong ruổi từ Chicago, New York qua New Jersey, Philadelphia rồi Virginia, Washington đến tận California, Los Angeles, San Jose, San Diego, San Francisco, Las Vegas… tôi hiểu ra nhiều điều về nước Mỹ. Tôi phục nhất là hệ thống xử lý nước thải của hơn 20 triệu dân New York mà dòng sông cùng tên vẫn xanh sạch. Họ xây dựng nhà cửa, cao ốc thế nào mà không thấy xà bần, bụi đá, không nghe tiếng ồn dù đó là những công trình khổng lồ như tòa Tháp Đôi “11.9”. Cũng không nghe ai nói về việc nứt tường, sập nhà bên cạnh! Tôi nể nhất việc biến hoang mạc cằn khô Las Vegas thành trung tâm giải trí số một của thế giới. Vào Hollywood mới thấy thương và tội nghiệp các nhà làm phim Việt Nam. Tôi mà làm đạo diễn chắc đi xem xong là về hết dám “liều mạng” làm phim kiểu ngăn đường và mượn nhà dân làm bối cảnh.

Tôi cũng hiểu vì sao nước Mỹ thua trận ở Việt Nam. Bởi đó là cuộc chiến của các nhà lãnh đạo mà không được nhân dân Mỹ đồng thuận. Bởi cuộc chiến chỉ làm giàu cho các tập đoàn công nghiệp chế tạo vũ khí và quân dụng. Người Mỹ có những trang trại lớn chứ không ai dám sở hữu nhiều nhà bởi ngoài thuế nhà, thuế đất hằng năm lũy tiến theo số lượng và nguồn thu chính của đất nước là thuế thu nhập cá nhân.

Tiếp xúc với nhiều người Mỹ lẫn người Việt ở Mỹ, tôi biết thêm nhiều chuyện. Người Mỹ vốn bình đẳng và minh bạch. Nếu nói rõ lý do bị từ chối visa thì thế nào cũng bị kiện cáo nên tốt nhất là im lặng. Ở những nơi công cộng, hễ có từ 2 người trở lên là phải xếp hàng, dù đó là dân thường hay tổng thống. Đi đâu chẳng sợ lạc đường vì bảng tên đường tổ chảng. Muốn đi đâu cứ việc lên mạng, search bản đồ hướng dẫn chi tiết điểm muốn tới rồi tự lái xe đến nơi mà không cần máy định vị. Tôi cũng rất thích lang thang khắp các bảo tàng sáp, các bảo tàng chuyên ngành độc đáo và phong phú mà tiểu bang nào cũng có. Tôi đã gặp một người Mỹ da đen mua vui kiếm tiền kiểu Mỹ bên bờ biển San Francisco. Anh chàng đen như cột nhà cháy, cầm một nhánh cây lớn và ngồi núp vào trong vỉa hè. Khách đi đường mải mê trò chuyện, đi qua là “được” hù. Nhiều người giật mình loạng choạng, hốt hoảng nhưng sau đó cười vui vì được giảm stress, nên gửi tặng anh mấy USD lẻ. Có người còn dạt ra đứng xem những “nạn nhân” kế tiếp rồi cười vang khoái chí. Ở Việt Nam, đùa kiểu đó chỉ có cách vào viện cấp cứu tức thì. Tại các thành phố tôi đã qua không thấy có nhà vệ sinh công cộng, ngoại trừ các điểm du lịch. Có nhu cầu, khách có thể vào các quán fastfood, các quán cà phê, các nhà hàng khách sạn để giải tỏa mà không cần mua hàng hoặc xin xỏ.

Người Việt ở Mỹ là những người hiếu khách nhất khi gặp bà con từ bên nước sang. Tôi có đứa học trò định cư ở Mỹ, gặp nhau ở Virginia, trò tha thiết mời thầy đi ăn sáng tại Little Saigon. Cứ tưởng như ở Việt Nam, ai dè phải chạy hơn 150 km mới tới chỗ ăn. Mối quan tâm hàng đầu của cả chính phủ và người dân Mỹ là An toàn thực phẩm và Vệ sinh môi trường. Những điều khác là thứ yếu. Ở Mỹ, lập đài truyền hình hay ra tờ báo riêng còn dễ hơn cả mua tủ lạnh ở Việt Nam. Cái chính là báo anh bán ai mua, đài anh ai chịu trả tiền để xem?! Tôi hiểu vì sao nhiều người Việt già ở Mỹ muốn về nước chết cho sướng. Tha hồ nghe nhạc ta nhạc tây, con cháu họp mặt mấy ngày và áo quan to đẹp. Ở Mỹ, mọi người chết đều phải vào bệnh viện, xác được mổ bụng, moi hết ruột, sát trùng và để trong hòm lạnh ở nhà tang lễ bệnh viện. Thân nhân chỉ đến viếng từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh môi trường. Tôi cũng hiểu vì sao một số bạn trẻ Việt Nam ở Mỹ không muốn lập gia đình - vì sợ phải chia gia tài. Không muốn có con vì “Tụi nó không phải con mình. Lúc nhỏ nó là con mình. Khi đi học thì nó là bạn mình. Tới tuổi trưởng thành thì mình là… con nó!”. Tôi biết đa phần người Việt ở Mỹ đều canh cánh nỗi niềm quê hương và niềm tự hào của nhiều người Việt trẻ hiện nay không phải vì con em họ học trường này trường nọ, được khen thưởng cái gì mà là con em họ nói tiếng Việt rất giỏi - “cháu nói sõi như người Việt Nam” chứ không phải ngọng nghịu kiểu “Mẹ ơi! Hôm nay con đi ỉa ngon lắm” (phải nói là đi cầu dễ lắm).

Đi chơi ở Mỹ thì thích thật chứ bảo ở luôn thì tôi chịu. Cho vàng cũng chịu. Tôi sợ cái sòng phẳng đến lạnh lùng của họ trong cuộc sống. Từ ly nước, bữa cơm cho đến tiền xe, tiền nhà của cả vợ chồng con cái. Tôi sợ cái vô cảm của con cái khi đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão dù nhà mình thênh thang và con cháu đề huề. Tôi sợ cái dửng dưng của hàng xóm và việc đụng một chút là kiện cáo kiểu để chó sủa, để cỏ trước sân mọc quá quy định… Tôi sợ phải làm người bỏ xứ, tha phương… Tôi cũng sợ thức ăn kiểu Mỹ. Nhưng tôi vẫn muốn trở lại du lịch một lần nữa. Bởi ở đó tôi học được rất nhiều điều thú vị.

Nguyễn Văn Mỹ

Không có nhận xét nào: