Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2007

Mẹ của anh(Xuân Quỳnh)

Mẹ của anh(Xuân Quỳnh)

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi.
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thưở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

BÀI THƠ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ YÊU CHỒNG (Bình thơ )

" Thật thà như thể lái trâu
Thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng"

Từ khi còn nhỏ tôi đã nghe câu ca dao ấy. Rồi những cảnh mẹ chồng nàng dâu diễn ra xung quanh. Tất cả gieo vào lòng tôi một nỗi lo lắng mơ hồ. Người con gái nào chẳng sẽ có lúc phải sống trong cảnh ấy… Cho đến một ngày tôi bắt gặp bài thơ "Mẹ của anh" của Xuân Quỳnh. Hai câu thơ mở đầu nhẹ nhàng, giản dị như một lời nói thường, nói về một điều rất giản đơn:
"Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi"
Nhưng điều tưởng chừng như đơn giản này không phải người con gái nào cũng cảm nhận được. Bước chân về nhà chồng, dường như trong tâm thức nàng dâu nào cũng có sẵn một làn ranh giới giữa mình với mẹ chồng. Làn ranh giới mỏng manh nhưng có khi suốt cuộc đời họ không thể vượt qua, không thể xóa nổi, nhiều khi dẫn đến bao chuyện đáng tiếc chỉ vì mẹ chồng nàng dâu không cởi mở tấm lòng với nhau, không có sự cảm thông nhau. Người phụ nữ trong bài thơ không theo thói thường ấy .Trái tim yêu thương của chị đã xóa nhòa mọi khoảng cách, nói lên lòng biết ơn vô bờ bến của chị đối với mẹ chồng:
"Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong"
Và lòng biết ơn giúp chị như thấy được cả quãng đời đã qua của mẹ:
"Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao".
Trong khổ thơ có hai điểm thời gian đối lập: "ngày xưa", "năm nao" với "bây giờ", giữa "ngày xưa" và "bây giờ" là một quãng thời gian đằng đẵng trôi qua, là biết bao sự thay đổi của hình ảnh mẹ: mẹ ngày xưa – mẹ bây giờ. Cách xây dựng hình ảnh đối lập đã gây ấn tượng mạnh ở người đọc. Người mẹ trẻ trung, tảo tần năm xưa, nay "má" đã không còn hồng, tóc không còn đen, đã trở thành người mẹ già "tóc trắng phau". Vì sao vậy? Vì những đêm lo lắng chăm con ốm, vì những ngày ngược xuôi vất vả nuôi con khôn lớn, vì cả cuộc đời mẹ đã hi sinh cho con, giành tất cả cho con, đứa con trai mẹ yêu quý hơn tất cả mọi thứ trên đời … Sức khỏe, sắc đẹp, tuổi xuân của mẹ đã trôi qua, trôi qua nhưng không mất đi mà đọng lại thành tuổi xuân và sức lực của người con trai:
"Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen""
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao"
Anh là hình ảnh của mẹ, là kết tinh máu thịt của mẹ, là dấu ấn của con người mẹ, cuộc đời mẹ.Nhưng không chỉ có thế, mẹ không chỉ cho anh vóc dáng, hình hài, mà còn cho anh tâm hồn và tài năng. Những lời ru ngọt ngào tuổi ấu thơ, những câu chuyện mẹ kể tự bao giờ đã trở thành dòng suối mát nuôi dưỡng tâm hồn anh, vun vén cho tài năng của anh nảy nở
"Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa"
Khổ thơ này khiến tôi nhớ đến những câu văn bất hủ trong "Những mẩu chuyện nước Ý" của Marxim Gorki ca ngợi công lao vĩ đại của những người mẹ, những người phụ nữ, họ là cội nguồn của sự sống "Trong một đàn tuyền bò mộng lấy đâu ra bò con? Không có mặt trời thì hoa không nở. không có tình yêu thì không có hạnh phúc.không có đàn bà thì không có tình yêu. không có người mẹ thì cả anh hùng và thi sĩ điều không có ".
Một dịch giả đồng cảm nào đó đã dịch thành thơ:
"Không có mặt trời hoa không nở
Dạ vắng yêu thương dạ những sầu
Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ
Anh hùng, thi sĩ biết lấy đâu"
Chỉ bằng mấy câu thơ, Xuân Quỳnh đã làm hiển hiện trước mắt người đọc nhiều hình ảnh lồng ghép: mẹ ngày xưa với mẹ bây giờ, mẹ với anh … nhưng lay động lòng người hơn cả là những tình cảm chân thực, tình cảm của một người con dâu đối với mẹ chồng. Không một từ ngữ nào diễn tả trực tiếp, nhưng người đọc có thể cảm nhận rõ tình cảm yêu thương, kính trọng và biết ơn vô bờ của chị đối với mẹ chồng lan tỏa trong từng dòng thơ. Chị đã tưởng tượng, hình dung và dõi theo những trang đời mẹ bằng ánh mắt yêu thương. Chị biết ơn tất cả những gì mẹ đã làm cho anh. Có lẽ khi nghĩ về mẹ chồng, chị không chỉ xuất phát từ tấm lòng một người con dâu hiếu thảo, mà quan trọng hơn là từ sự cảm thông giữa hai người phụ nữ, giữa chị với mẹ … Cả đoạn thơ là sự sóng đôi: hình ảnh sóng đôi, tình cảm sóng đôi. Tình cảm thương chồng và yêu mẹ của chị cứ đan xen vào nhau. Yêu chồng nên càng thương mẹ hơn.Thương mẹ nên càng yêu chồng hơn. Và nhờ thế tình cảm càng chân thực và xúc động hơn:
"Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà"
… Mượn ý câu ca dao tình yêu ngày xưa, Xuân Quỳnh đã tạo ra một sự tương phản để khẳng định tấm lòng bao dung của mẹ chồng. Chị và mẹ có chung một người yêu thương, đó là anh. Mẹ yêu con trai nên mẹ yêu cả con dâu. Mẹ đã dang rộng vòng tay và tấm lòng để đón chị. Chị rất hiểu tình cảm mẹ giành cho mình, và chị đã đáp lại tình thương của mẹ thật tự nhiên:
"Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ"
Trước đây là mẹ, giờ đến chị tiếp lời ru, an ủi anh quên đi bao đắng cay nhọc nhằn. Người mẹ nào chẳng muốn con được yêu thương, chăm sóc, được hạnh phúc. Yêu thương anh chính là chị đã làm vui lòng mẹ, đền đáp phần nào những gì mẹ đã cho chị, cho anh … Đối với chị, mẹ là "trời xanh không cùng" là "ngàn hoa núi sông", là vĩnh hằng. Đến lúc này, bài thơ mới xuất hiện hai tiếng "thương mẹ" nhưng cũng đồng thời là lúc tình yêu mẹ trong lòng chị đẩy đến không cùng… Sức nặng của bài thơ dồn vào hai câu cuối:
"Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em"
Hai câu thơ đã khái quát ý nghĩa của toàn bài. Chị biết ơn mẹ vô cùng vì mẹ đã chắt chiu máu thịt, tâm hồn để hun đúc nên anh của ngày hôm nay, để chị có anh. Bao người phụ nữ yêu chồng đã đồng cảm, đã gặp chính mình trong những câu thơ ấy của Xuân Quỳnh.
Xuân Quỳnh là nhà thơ chắt chiu hạnh phúc đời thường. Thơ chị là tiếng lòng của những người phụ nữ đang yêu, của người vợ, người mẹ đối với chồng con của mình … Tôi yêu thơ Xuân Quỳnh. Thơ chị không trau chuốt, cầu kỳ, nó giản dị, mộc mạc, tự nhiên mà cuốn hút đến kỳ lạ. Năm tháng qua đi, tự lúc nào không biết, thơ chị đã trở thành người bạn đồng hành của tôi trong cuộc sống.

Không có nhận xét nào: