Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021
CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN ? NHÀ VĂN TÔ HOÀI
Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021
CHÙA TÂY PHƯƠNG
THOÁT MẶC CẢM HÁN-VIỆT
Nghĩ vụn bên cốc cà phê sáng:
THOÁT MẶC CẢM HÁN-VIỆT
. Nguyễn Hữu Nghĩa
Chữ và tiếng hán-việt là chữ Việt gốc Hán. Nhiều vị chủ trương nên bỏ quách tất cả các chữ gốc Hán đi để giữ cho văn hóa Việt được “độc lập”, ít nhất trong giai đoạn cần thoát Trung. Nghe thì rất phải, rất đúng, rất yêu nước, nhưng có cần phải làm vậy không, làm được không và làm tới mức nào?
Có cần phải loại trừ chữ và tiếng Việt gốc Hán trong văn tự và ngôn ngữ Việt Nam không? Tôi nghĩ, chắc chắn là không. Lý do là tuy gốc Hán nhưng nó đã trở thành chữ Việt, tiếng Việt, đọc theo lối Việt và chỉ có người Việt mới hiểu được. Thí dụ tên tôi, Nghĩa, nếu tôi viết 義 theo phức thể hay 义 theo giản thể và đọc là /yì/ theo quan thoại thì hầu hết người Tàu hiểu; nhưng nếu tôi viết “Nghĩa” và đọc là /nghĩa/ thì chỉ có người Việt hiểu và người Tàu không thể hiểu. “Nghĩa” đã là chữ Việt, không ai có thể đòi tại sao phải “trả” hay bỏ đi? Đa nghi một chút, tôi có thể đặt hỏi: hay có âm mưu gì chăng? Mượn cớ yêu nước để huỷ hoại phần lớn chữ và tiếng Việt hiện tại để dọn đường cho mai sau, thay vì “nghĩa” thì phải viết义và đọc là /yì/ chăng?
Một lý do nữa để không cần bỏ chữ và tiếng hán-việt, vì sẽ làm nghèo đi, rất nghèo, tiếng Việt. Các dân tộc trên thế giới, từ những nước giàu mạnh đến những nước nhỏ yếu, đều du nhập tiếng nước ngoài để làm giàu cho kho ngữ vựng. Người Nhật đã dùng “pasokon” để nhập “personal computer”, intanetto để nhập “internet” hay “kamera” để nhập “camera”,.. họ có mặc cảm gì đâu!
Có người nói, bỏ hết hán-việt để giữ cho văn hóa Việt Nam được độc lập hoàn toàn.
“Để giữ cho văn hóa Việt Nam được độc lập hoàn toàn”? Bỏ quách các chữ hán-việt đi thì câu này còn lại bốn chữ: “để, giữ, cho, được” và phải tìm chữ nôm để thay “văn hóa”, “Việt Nam”, “độc lập”, “hoàn toàn”.
Thay “độc lập” bằng “đứng một mình” thì tàm tạm được; nhưng còn “văn hóa”? Văn học và giáo hóa? Học chữ và dạy chữ? “Văn hóa” rộng hơn thế rất nhiều. Nếu phải cắt nghĩa cho đầy đủ e phải một câu dài, và nếu trong khi không thể cắt nghĩa thật ngắn và không được dùng bất cứ một chữ hán-việt nào thì tôi chịu thua! Lại còn “hoàn toàn” nữa, đã hết đâu! Chỉ riêng một việc thay chữ “giải thích” bằng “cắt nghĩa”, tôi đã phạm lỗi hán-việt tới phân nửa: còn vướng chữ “nghĩa” trong “cắt nghĩa”!
Nếu bỏ quách tất cả chữ hán-việt thì ngay cả tên nước Việt Nam cũng sẽ không còn, và khoảng 95% tên người Việt cũng biến mất. Tên họ tôi (Nguyễn Hữu Nghĩa) có thể tạm thay bằng “Gốc Có Phải”, nhưng tên của rất nhiều vị khác có thể sẽ rất khó thay, thí dụ ký giả Sơn Tùng, thay “sơn” bằng “núi” thì dễ, nhưng “tùng” (cây tùng) không có trong tiếng thuần Việt, làm sao thay? “Sơn Tùng” thành ra “Cây …Gì Ấy Trên Núi” chăng? Dài quá, nghe không xuôi!
Tên họ người Việt, bỏ bớt cái họ phiền phức đi, chỉ giữ mỗi cái tên nôm như Tèo, Thơm, Bông, Được, Đủ, Giàu, Phải,.. cũng không sao, đó là chuyện riêng của từng người; nhưng còn cả một kho văn học Việt viết bằng chữ Hán và Nôm do người xưa để lại, sẽ ra tro ra khói! Cái kho đó lớn lắm, có tới 20 thế kỷ xây dựng và hiện tại dân tộc Việt có thể là dân tộc duy nhất phải đọc văn học cổ của nước mình qua bản dịch, chuyển ngữ từ hán nôm sang chữ viết bằng mẫu tự la-tinh (và ngay trong mẫu tự la-tinh cũng có chữ /y/ của Hi Lạp, ai đô hộ ai đây?) Chúng ta đã chuyển đổi được bao nhiêu phần trăm từ cái kho đó để hiểu rõ hơn về văn hóa, bản sắc dân tộc? Và bây giờ làm giùm giặc Tàu xâm lược cái việc phế bỏ tất cả chăng?
Trước kia, mỗi khi cướp được nước ta, giặc Tàu vừa đốt vừa khuân về nước họ khá nhiều; đó là tội ác nhân văn của giặc. Khi cộng sản thoạt đầu chiếm được nửa nước, rồi chiếm luôn cả nước Việt Nam, đã dùng nhãn hiệu “bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động” để đốt thêm một mớ nữa. Nay tới phiên chúng ta, khêu gợi lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc để đốt tiếp những gì còn sót lại chăng? Chắc chắn là không!
Nên nhớ, văn hoá của nhân loại ngoài tính cách tự phát, còn do sự giao lưu giữa các sắc tộc, các vùng địa lý và quốc gia. Trong tiếng Việt hiện dùng, có bao nhiêu tiếng gốc Quảng Đông (vùng biên giới phía Bắc), Triều Châu (cực Nam), tiếng Mường, Mèo, Thái, Chàm, Miên, Pháp, Mỹ và bây giờ Hàn, Nhật.
Chúng ta thoải mái dùng a xít (acide), ba tê (pâté), ban công (balcon), (nhà) băng (banque), bê tông (béton), bi da (billard), bia, la ve (bière), bơ (beurre), búp bê (poupée), ca cao (cacao), cà nông (canon), cà phê (café), cà rốt (carotte), cà vạt (cravate), kem (crème), mỏ lết (molette), xúc xích (saussisse), ra dô (radio), xe tăng (tank), tắc xi (taxi), tôn (tôle), rượu vang (vin), xà lách (salade), xà phòng, xà bông (savon), xích lô (cyclo), xì líp (slip), xăng (essence), găng tay (gants), áo sơ mi (chemise), (áo) vét (veste, veston),.. mà không cần để ý tới gốc Pháp của nó.
Chúng ta hồn nhiên dùng bồi (boy), cao bồi (cow boy), câu lạc bộ (club), cúp (cup), phim (film), phông (fond), ti vi (TV),.. mà không có mặc cảm thần phục người Anh, Mỹ.
Ở miền Tây Nam phần, chúng ta nói “tía, số, hia, chế,..” mà không để ý kỳ thị các chữ “gia, tẩu, huynh, tỷ,..” phát âm theo Triều Châu.
Trong bộ chữ mà người Nhật dùng hiện nay vẫn có 1945 chữ Hán. Người Hàn sáng chế ra bộ mẫu tự Hàn, nhưng trong đó vẫn có 2000 chữ hán-hàn (chữ Hàn gốc Hán). Đó là hiện tượng giao lưu văn hóa.
Có khá nhiều từ (hơn một chữ) rõ ràng là hán-việt, tách ra từng chữ mà tra thì là chữ hán, nhưng ghép thành đôi thì tra mờ mắt trong các từ điển Hán, không thấy. Hóa ra phần lớn đó là chữ hán-việt, do người Việt lấy chữ Hán ghép lại mà dùng, như vô tuyến truyền hình (Tàu nói là điện thị), thủ tướng (Tàu nói là tổng lý), thành phố (Tàu nói là đô thị); còn phi công, sĩ diện,.. viết ra chữ Tàu đưa cho họ coi, họ lắc đầu, chẳng hiểu mô tê chi cả! Một số chữ khác, sau khi đi qua ải Nam quan thì dần dần biến nghĩa. Tàu nói “phương phi”, nghĩa là “thơm tho” thì ta dùng với nghĩa “béo tốt”; Tàu nói “bồi hồi” với nghĩa “đi đi lại lại” thì ta dùng với nghĩa “bồn chồn, xúc động”. Kiểu này thì ngôn ngữ đã bất đồng mà bút đàm cũng chẳng thông!
Lấy chữ Hán ghép lại mà dùng thì người Nhật có vẻ giỏi hơn ta. Chúng ta nói và viết hàng ngày những “bi kịch, ca kịch, cải biên, diễn xuất, đạo cụ, đăng tải, giao hưởng, nghệ thuật, nguyên tác, sáng tác, tác giả, tác phẩm, tạp chí, triển lãm, văn hóa, xuất bản,..” mà không để ý đó là tiếng …Nhật, do người Nhật ứng dụng từ chữ Hán, một số được phổ biến trở lại Trung Hoa rồi truyền sang Việt Nam, một số truyền thẳng vào nước ta thời đệ nhị Thế chiến.
Nói về mặc cảm thần phục qua chữ nghĩa, nhìn qua phương tây, các nước Âu Mỹ, nhất là người Anh, không hề có mặc cảm khi dùng mẫu tự La-Hi (24 La, 1 Hi), và trong tiếng Anh có rất nhiều tiếng cổ La Mã trong ngữ vựng pháp luật và tiếng Hi Lạp trong ngữ vựng y khoa, bên cạnh những tiếng ngoại nhập khác, trong số đó có cả “ao dai” (áo dài), “pho” (phở) hay “cha gio” (chả giò)!
Người Anh còn du nhập rất nhiều chữ la-tinh như “ad hoc” (đặc nhiệm), bona fide (nguyên thủy, thực chất); chữ Ý “al dente” (của thức ăn), alfrexso (thoáng đãng), dolce vita (cuộc sống nhung lụa); chữ Pháp: agent (nhân viên), amour propre (tự trọng), beau geste (cử chỉ đẹp); chữ Đức, blitzkrieg (dự định),.. Nếu kể ra cho hết những tiếng Anh gốc ngoại, có khi phải cần cả một cuốn tự điển mong mỏng. Đó là hiện tượng giao lưu văn hóa, giúp họ làm giàu kho ngữ vựng và họ chẳng những không hề có mặc cảm về chuyện đó mà ngược lại, còn tự hào.
Người Nhật cũng vậy. Supu là súp, sarada là xà-lách, hamu là giò tây (ham), masshurumu làm nấm (mushroom), radisshu là củ cải đỏ (radishes), shoppingu senta là trung tâm thương mại (shopping center),..
Bạn có thể nói, người ta không có mặc cảm vì người ta là nước lớn, người ta chiếm lấy để dùng chứ không bị đồng hóa. “Chiếm để dùng”, ý hay đấy. Thế, ông bà ta chẳng có câu “lấy giáo tàu đâm chệt” đó sao? Cũng là chiếm để dùng? Hay là dùng trong chiến tranh thì chẳng những được tha mà còn được tuyên dương, nhưng mượn để dùng trong văn học thì bị mắng!
Có một điều nên nói thêm, trong khi mượn chữ Hán để dùng, người Việt đôi khi tạo ra một nghĩa mới. Có nhiều chữ được dùng theo nghĩa mới, và đôi khi gây ra xung đột. Thí dụ, chúng ta có thể bảo một phụ nữ Việt Nam là “cô ấy, bà ấy rất lịch sự” thì đó là lời khen, nhưng nói với một người Tàu rằng mẹ hay vợ ông ấy “lịch sự” thì sinh chuyện lớn ngay, có khi đổ máu! “Lịch sự” trong tiếng hán-việt là “đẹp đẻ” hay “lễ phép”, trong tiếng Tàu đã biến nghĩa là “trải đời, thập thành” từ lâu! Đó là hiện tượng giao lưu và hiện tượng biến đổi.
Tại miền Nam trước năm 1975, báo chí đã tạo ra, hay dùng khá nhiều chữ mới phát xuất từ dân gian. Từ vụ bắt giữ dân biểu Trần Ngọc Châu nằm vùng tại Hạ viện, miền Nam có thêm chữ “dàn chào” trong ngoặc kép. Sau cuộc hành quân Lam Sơn tại Hạ Lào, miền Nam du nhập thêm động từ “bề” (nghĩa là giao hợp) từ tiếng Lào. Rồi “sức mấy”, từ ngôn ngữ dân gian trở thành bút hiệu viết biếm văn của một ký giả có tiếng tăm; tiếp theo là những “bỏ đi tám, ghế, ghế mẫu, khứa lão, xế, quái xế,..” ào ào xâm nhập chữ Việt và từ từ đi ra êm thắm. Đó là sức sống tự nhiên của ngôn ngữ, cái gì hay thì tồn tại, cái gì có tính cách trào lưu thì cứ tự nhiên lên cao rồi xuống thấp và tan biến.
Ngôn ngữ của bất cứ dân tộc nào cũng có sức sống như loài san hô, biến đổi từng ngày, một số tiếng mới hiện ra, một số chữ có sẵn bị quên lãng, tuy vẫn còn đó nhưng rất hiếm khi dùng. Khi tôi dùng chữ “thúc phọc”, nhiều bạn văn tròn mắt bảo: “Quái thế! Sao không nói ngay là ràng buộc hay trói buộc, ai cũng hiểu?” Quả vậy. Chuyện “thê tróc tử phọc”, xưa quá rồi, bây giờ người ta nói “vợ con đùm đề”! “Bức thúc” cũng vậy. Bây giờ người ta nói trại ra thành “bức xúc”!
Nói về tiếng Việt gốc nọ gốc kia thì cũng nên nói về tiếng Việt lai nọ lai kia, gọi cho văn hoa và gọn gàng thì là “hỗn chủng”. Chữ hỗn chủng có hai cách: Cách thứ nhất là một chữ Việt đi cùng một chữ nước khác, láo nháo như cháo trộn cơm. Thí dụ như “vôi hóa, trẻ hóa” (Nôm ghép Hán), “ôm kế” (máy đo điện trở, ohm – Việt ghép Đức), “nhà băng” (Việt ghép Pháp), “game thủ” (Anh ghép Việt).
Cách thứ hai là chữ Hán ghép với một chữ Việt đồng nghĩa. Hiện tượng này rất phổ thông sau khi Ngô Thì Nhậm đưa ra bộ Tam thiên tự giải âm (Tự học toản yếu), coi như là bộ tự điển hán nôm đầu tiên của Việt Nam vào năm 1831, sau này được chuyển sang mẫu tự Việt la-tinh năm 1915: Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, mã ngựa, cự cựa, nha răng, vô chăng, hữu có, khuyển chó, dương dê, qui về, tẩu chạy,... Cứ như vậy mà học cho dễ nhớ, chữ hán đi trước, chữ thuần Việt thích nghĩa đi liền theo sau. Điều lạ lùng là khi đã nhớ rồi thì có người dùng luôn… cả hai. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta vẫn nói và viết: bao gồm, sống động, sinh đẻ một cách hồn nhiên. Đọc sách báo trong nước, tôi vẫn thấy người ta viết “vụ việc, in ấn” khi mà vụ là việc, ấn là in, cứ một Hán một Việt kè kè theo nhau rất gắn bó! Chính đây mới là trường hợp cần phải “thoát trung”, vì bỏ bớt chữ hán đi, câu văn vẫn đủ nghĩa: “Bác ấy in 10 nghìn cuốn sách” (bỏ chữ “ấn) hay “Việc ấy xảy ra như thế nào?” (bỏ chữ “vụ”).
Nói về việc chuyển Hán thành Nôm, vào thập niên 60, miền Bắc đã làm, trở thành quốc sách. Có khi họ chuyển cả câu hay cả nhóm chữ: “hỏa tiễn” thành “tên lửa”; “phi cơ trực thăng” thành “máy bay lên thẳng”. Có khi chuyển dở chừng, nửa nạc nữa mỡ: “thủy quân lục chiến” thành “lính thủy đánh bộ” thay vì “lính nước đánh cạn”!..
Lan man nãy giờ cả buổi, tôi muốn nói hai điều. Thứ nhất, việc giao lưu văn hóa, đặc biệt là chữ viết và tiếng nói, là hiện tượng tự nhiên, không nên có mặc cảm thấp kém hay tội lỗi. Thứ hai, tiếng hán-việt tự nó đắc dụng trong một số trường hợp, giúp cho nói và viết gọn hơn, mạnh hơn, trực tiếp hơn trong một bài diễn văn, nghị luận hay luật pháp, y như một số từ ngữ la-tinh trong văn chương Âu Mỹ, khi bàn về pháp luật, hay chữ Hi Lạp khi nói về y khoa. Mặt khác, ngược lại, trong đời sống hàng ngày, trong văn nói và tiểu thuyết, nếu chuyển chữ Hán thành chữ thuần Việt một cách thoải mái, thì lại đắc thế hơn. Thí dụ, chúng ta có thể nói: “Chính phủ cho thiết quân luật và ban bố tình trạng khẩn trương trên toàn quốc” nhưng không nói: “Nào, khẩn trương lên xe!” mà nói: “Lên xe ngay!” Ngược lại, không nên nói “Xưởng đẻ Từ Dũ” hay “Nhà ỉa chung” mà nói “Nhà bảo sinh Từ Dũ”, “Phòng vệ sinh chung” hay ít nhất: “Cầu tiêu công cộng.”
Trong mọi trường hợp khác, nếu dùng được chữ thuần Việt một cách lịch sự, giản dị, trôi chảy, ý nghĩa đại khái tương tự mà không quá dài dòng, kệch cỡm thì nên dùng. Thí dụ, cứ nói “mài sắt nên kim” thay vì “ma chử thành châm”; “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” thay vì “bất kiến quan tài, bất lưu nhân lệ”, “Không đội trời chung” thay vì “bất cộng đái thiên”, “Có bệnh thì vái tứ phương” thay vì “bệnh cấp loạn đầu y”, “Một cây làm chẳng nên non” thay vì “Cô thụ bất thành lâm”, “Lá rụng về cội” thay vì “diệp lạc qui căn”, “Hùm dữ không ăn thịt con” thay vì “hổ độc bất cật tử”, “Lòng lang dạ sói” thay vì “lang tâm cẩu phế”, “Cây có cội, nước có nguồn” thay vì “mộc hữu bản, thủy hữu nguyên”, “Sống gửi thác về” thay vì “sinh ký tử qui”, “Bới lông tìm vết” thay vì “xuy mao cầu tì”, v.v.
Gặp trường hợp bắt buộc phải dùng chữ Hán, cứ thẳng thắn mà dùng.
Tôi nhớ, khi Phong Trào Hưng Ca Việt Nam in áo thun với hàng chữ chống Trung Cộng xâm lược biển đảo Việt Nam, bên cạnh các chữ Anh, Pháp, Việt, anh chị em đã dùng chữ Hán, đúng cú pháp và dụng ngữ Hán: “Hoàn Ngã Hà Sơn” (trả ta sông núi), và mặc áo ấy đi vào các thương xá, siêu thị của người Hoa lục. Không một chút mặc cảm. Tất nhiên!
(nhn)
-------------------------------------
Xin giải thích với một số các bạn trẻ về câu hỏi: “Tại sao trong các bài tôi viết, tên quốc gia đôi khi lại viết chữ thường? Do cố ý hay sơ ý hay lỗi đánh máy?” Xin trả lời:
- Danh từ riêng, như tên người, tên đơn vị hành chánh (thành phố, tỉnh, quận, xã,..), tên quốc gia: viết hoa. Thí dụ: chú Hai, Nguyễn Văn Tèo, Đà Nẵng, hoặc Tây Ninh, Việt Nam.
- Danh từ riêng được dùng như tính từ, đứng trước một danh từ: viết thường. Thí dụ: mỹ kim (tiền Mỹ), anh văn (chữ Anh), anh ngữ (tiếng Anh), chữ hán-việt (chữ Việt gốc Hán).
- Danh từ riêng được dùng như danh từ chung, nên viết thường: chữ/tiếng hán-việt, nhưng viết hoa (tiếng Hán Việt, tiếng Anh, tiếng Việt,..) để dễ nhận ra, tránh lẫn lộn, cũng không hại gì, xin các nhà ngữ học đại xá!
Nguyễn Hữu Nghĩa
Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021
Tạm Biệt Nhau Về Nhớ Gì Không
HOA CRIMSON FLAG
Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021
Cựu Đại Sứ VNCH Bùi Diễm qua đời, thọ 99 tuổi
LÊ VĂN- biên tập viên kỳ cựu của VOA
Hoa Lưu ly núi đá. Tên KH: Eritrichium nanum.
Ngủ nhờ
BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021
CẨN THẬN KHI ĐI DU LỊCH BẰNG MÁY BAY
Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021
CHUYỆN ĐỜI CHUYỆN NGHỀ.. TẬP 210
Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021
VỢ NÓI VỀ CHỒNG MÌNH
Thứ Tư, 6 tháng 10, 2021
THƯ GỬI TUỔI GIÀ.
Các bạn thân mến, có một bài hát : "Ngày mai sẽ tốt đẹp hơn" đã tiếp cho chúng ta lòng tin và sự cổ vũ. Thật ra trong cuộc sống hiện thực này, ngày mai liệu có tốt hơn hay không thì chưa biết nhưng ngày mai sẽ già đi là sự thật.
Năm tháng trôi đi người ta mới biết được sự khốc liệt của thời gian. Đến một độ tuổi nào đó chúng ta không thể không thừa nhận sức hút mãnh liệt của trái đất. Con người khi chết đi sẽ quay trở về với lòng đất. Các cơ quan nội tạng tuy vẫn còn chỉ là bị yếu đi cho nên mọi thứ đều suy yếu trong khi chỉ có huyết áp là ngày một tăng cao.
Sau khi già cơ thể thay đổi rất nhanh, táo biến thành lê, ngồi thì ngủ gật, nằm thì lại không ngủ được. Muốn nhớ thì không nhớ được, muốn quên thì lại không quên được. Khổ hơn là khi khóc thì lại không có nước mắt mà lúc cười thì lại cứ phải lau nước mắt. Trên đầu thì tóc trắng mọc không ngừng, nó cứ mặc sức mọc trong gió xuân. Kiểu tóc của các ông giờ cứ chải hai bên vào giữa để che đi phần bị thưa. Trí nhớ cũng kém đi thấy rõ, đi từ phòng này sang phòng khác mà không nhớ ra là đi sang để làm gì. Quên mất là mình vừa mới nói những gì rồi cứ luôn sắp xếp lại những mảnh vụn của ký ức. Một ông cụ thậm chí còn nói rằng : có một lần đang cười mà quên mất vì sao mình lại cười.
Về già, hai vợ chồng sẽ làm gì ? Có người hình dung là ăn cùng nhau mà không có vị. Không sửa được thói xấu của nhau nữa rồi. Có những đôi vợ chồng cãi nhau vì bất cứ chuyện gì ! Không thể nào hòa hợp được. Nghĩ đến trước khi kết hôn từng nói ngon nói ngọt, cưới rồi trở thành : " Có gì từ từ nói..."
Mỗi sinh mệnh đến với thế gian này cũng giống như "gửi tiền tiết kiệm" vậy. Dần dần ra đi. Tuổi trẻ khỏe mạnh, năng động chỉ vừa mới đó, chớp mắt một cái đã bước vào tuổi trung niên thâm trầm sâu lắng.
Còn có người cười các cụ già tri thức thoái hóa, cơ thể lão hóa, tư tưởng thì cương hóa. Tức là đầu óc thì kém đi, cơ thể yếu đi nhưng mà tư tưởng lại trở nên cứng nhắc, bảo thủ hơn. Vì vậy xây dựng tâm lý phải dựa vào chính mình, Người già mà tâm không già. Nếp nhăn trên mặt chứ không phải trong tâm. Thái độ sống cũng phải điều chỉnh. Trước kia dùng sức khỏe để đổi lấy tiền, nay dùng tiền để đổi lấy sức khỏe.
Có một thứ gọi là 3 trải nghiệm trong đời : lúc trẻ thì gắng sức học tập, trung niên thì nhiều trải nghiệm. Tuổi già thì chú ý đến bệnh tật.
Dù có ra sao, chúc các bạn thân mến nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui. Tâm luôn trẻ trung, miệng luôn mỉm cười. Tùy duyên mà bước đi, biết hài lòng với những gì mình có được.
Tùy duyên mà bước đi chính là thuận theo tự nhiên. Trong đời người không chỉ có thiện duyên mà còn có cả nghiệt duyên. Dù cho là thiện duyên hay nghiệt duyên thì đều là cơ hội để chúng ta học hỏi. Trong cuộc sống không chỉ có niềm vui mà chắc hẳn sẽ còn có cả những khốn khó. Nếu luôn giữ cho lòng hướng thiện thì dù bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu cũng là nơi người ta tu tâm dưỡng tính
Tùy duyên không phải là hoàn toàn phó mặc cho số phận mà là biết từ bỏ trước những việc không thể thay đổi được
Sống tùy duyên, biết hài lòng với những gì mình đang có cũng như con sông không ngừng chảy trôi. Bất kể con đường có bao nhiêu khúc rẻ thì vẫn một lòng hướng ra biển rộng.
Hãy biết quý trọng những ai có duyên gặp gỡ còn những ai không có duyên muốn rời xa thì cứ bình thản mà buông tay.
Đời người như 4 mùa, những người ngoài 50 đã hiểu rõ cuộc đời khi bước váo độ tuổi thu vàng... Ở độ tuổi này người ta thật ra cũng chẳng cần phải che giấu bản thân mình nữa, cũng chẳng phải tiếp tục xu nịnh bất cứ ai. Chỉ cần sống chân thật với mình là đủ. Dù cho bạn có khiêm tốn như thế nào thì cũng có người luôn nói bạn tốt và cũng có người cho rằng bạn không tốt nhưng chỉ cần trong lòng bạn không có gì khuất tất thì chẳng cần đến sự đánh giá của họ
Không cần phải để ý đến cách nhìn của người khác cũng hà tất phải lấy lòng ai cả bởi cứ như vậy sẽ khiến bản thân sống rất mệt mỏi
Tâm an chính là trạng thái đẹp nhất của đời người. Nếu có người nói xấu về bạn. Cứ xem như là một cơn gió thổi qua không đáng phiền não về nó bởi vì những lời nói đó không thể thay đổi được sự thật mà chỉ có thể làm lòng bạn rối loạn. Tâm không phiền thì sự thật rồi sẽ được phơi bày.
Tôi thường khuyên bạn bè vài câu rằng : Vào tuổi 50 hãy ở cùng người mà bạn cảm thấy thoải mái nhất. Thay vì lấy lòng người khác chi bằng hãy cứ bình thản nhìn về phía trước.
Tu tâm ấy chính là phải luyện tập cho tâm hồn thản nhiên tự tại. Đời người không cần phải giàu có, thuận theo tự nhiên là được. Không cần đuổi theo hạnh phúc. Tâm an tự nhiên sẽ vui vẻ. Bạn bè cũng không cần phải có quá nhiều chỉ cần một hai người tri kỷ là đủ
Một người tâm không tĩnh thì rất khó suy nghĩ cặn kẻ về một vấn đề gì đó. Xã hội hiện đại là một thời đại rối ren. Con người sống và làm việc cũng rất kiêu căng và xốc nổi. Chỉ có người nào tĩnh tâm thì mới có thể cẩn thận quan sát thời thế, suy xét một cách sâu sắc để có thể tìm cách giải quyết vấn đề hoặc hiểu được con người một cách chính xác. Chỉ có người nào lòng yên tĩnh như nước mới có thể nhận ra hạnh phúc, cái đẹp trong cuộc sống. Những ai nóng nảy hay làm việc lỗ mảng sẽ dễ dàng vuột mất rất nhiều những khoảng thời gian tươi đẹp.
Trời có những ngày mưa gió. Người có phúc có họa nhưng trong đời người ngoài sinh tử ra thì không có bao nhiêu chuyện lớn cả. Nếu như có thể tĩnh tâm, giữ thái độ xử thế hòa nhã thản nhiên thì đương nhiên sẽ có thể giữ gìn nội tâm bình yên trước những khó khăn trong đời. Khó khăn vặt vảnh sẽ không thể làm phiền lòng bạn
Cảm ơn các bạn đã đọc status này...
TRẦN PHONG VŨ sưu tầm
5/10/2021
Kim Cang ( Trần Kim Nô mất ngày 3/10/21)
THẦN DƯỢC
Chín Cầu Tre
TV nhà tôi không bao giờ tắt. Người ta xem TV để mở rộng kiến thức, còn nhà tôi coi TV để sưởi ấm cái phòng khách và làm từ thiện cho công ty điện SCE. Dẫu muốn hay không tôi cũng phải nuốt cho trôi mấy cái quảng cáo rẻ tiền, lè nhè suốt ngày, thét rồi thuộc làu làu lúc nào không biết. Nếu học ESL mà nhớ được như vậy, chắc tôi không dốt như ngày nay.
Nghe hoài sinh bực, tôi định viết bài vạch trần những chiêu trò bịp bợm của mấy ông "Bác sĩ" gõ leng keng, chuyển nghề đấm bóp thành Bác Sĩ bào chế thần được để thành triệu phú. Nhưng tôi nghĩ lại, chắc không có đài TV hoặc một tờ báo nào nhận đăng bài của tôi đâu, vì nếu công chúng thức tỉnh, không mua thuốc dỏm nữa, các hãng thuốc sập tiệm, thì họ lấy đâu ra quảng cáo mà sống?
Làm sao mà nuốt được khi nghe quảng cáo “thuốc” Đông Trùng Hạ Thảo thu hoạch trên vùng núi cao hiểm trở ở tận Tây Tạng, đem về bào chế theo tiêu chuẩn Mỹ để chỉ bán trong mấy tiệm thuốc Bắc Việt Nam, lại on sale mua một tặng một!!
Có nhiều ông bà nổi tiếng trong cộng đồng người Việt đã bán rẻ lương tâm và và danh dự cũa mình làm “cò mồi” cho bọn cá mập. Trong đó có một ông trí thức quảng cáo một sản phẩm tân tiến, kết quả của “Sự hợp tác 3 quốc gia Úc, Mỹ, Đại Hàn”, để chế ra ……“thuốc gội đầu”!!!
Tệ hơn còn có cái ông bà gì đó, dám lấy cái danh dự của mình để chứng minh là “thuốc” đau khớp có hiệu quả tốt trên cá nhân mình. Họ đều là người có trình độ, nhận tiền để xúi người làm bậy, chứ dại gì làm con chuột bạch, để thử nghiệm mấy cái đồ dổm nầy trên cá nhân mình.
Có cô Xướng Ngôn Viên, quảng cáo mỹ phẩm làm bằng “tinh chất hạt trai”, “bột kim cương”. Tội nghiệp cho Cô, chắc cô học luật nhiều nên dốt đặc củ khoai về hóa học. Hạt trai và kim cương thuộc loại khoáng chất thì làm gì có tinh chất?!! Kim cương là tinh thể của than ròng, không có phản ứng hóa học với các hóa chất (inert) thì làm sao có thể giúp cho sản phẩm làm đẹp của cô?!! Lần sau làm ơn nhớ đọc cho kỹ lời quảng cáo trước khi nhận lời.
Dùng tên tuổi mình để làm quảng cáo là chuyện thường tình. Micheal Jordan lợi tức quảng cáo hàng năm lên tới $100 triệu. Tiger Wood kiếm $55 triệu. Nhưng họ dùng tên tuổi mình để gây sự chú ý đến sản phẩm mà mình quảng cáo, chứ không ai dùng danh dự mình để bảo đảm món hàng dổm này là thứ thiệt! Không biết mấy vị trí thức nhưng chậm hiểu của VN bị chúng gạt, hay họ tình nguyện bán rẻ lương tâm và danh dự của mình, để hùa theo bọn con buôn, lường gạt người đồng hương nhẹ dạ?
Có vô số chuyện kể về hàng dỏm loại nầy. Nào là “Đông trùng hà thảo, “Rêu Hoàng Hậu”, “Bạch Liên Trà”, Nấm “Linh Chi”, “Fucoidan”….. Từ cổ chí kim, có ai nghe đến mấy cái tên lạ quắc nầy bao giờ, không biết họ lượm được ở đâu, đem về quảng cáo rần rộ, “hô biến” thành thần dược, bán như tôm tươi.
Với một chút “động não”, có ai tin một loại thuốc có thể trị bá bịnh, mà toàn là các bịnh nan y ???. Đố ai tìm được một loại thuốc Tây trị bịnh cao máu, cao mở, tiểu đường, đồng thời ngăn ngừa ung bướu, chống ung thư, tăng cường miễn nhiễm phòng ngừa bịnh tât…?!!! Chỉ cần một loại thuốc nầy thôi là đủ để thay thế cho cả một hệ thống y khoa tân tiến ngày nay.
Nếu thật sự có ai khám phá ra cách ngừa hoặc chữa bịnh ung thư, làm mọc tóc vĩnh viễn, thì đã là một vĩ nhân cũa nhân loại, và đã là triệu phú qua đêm, khỏi chơi cái trò quảng cáo lường gạt nầy chi cho mệt.
Để cạnh tranh quảng cáo cho nổi hơn các đối thủ, các “tác giả” nghĩ ra các quảng cáo nghe nổ như sấm, nhưng ngây ngô như con nít . Thí dụ : sản phẩm được tinh chế từ “mầm tế bào gốc của nhau trứng cá hồi”. Chu choa ơi! Nhau chỉ có ở đông vật có vú, lúc có con. Cá Hồi làm gì có nhau, mà đây lại là nhau của trứng cá!!!
Đã vậy, có sản phẩm còn ghê gớm hơn nhiều, làm từ “mầm tế bào gốc”(stem cell)!!! Chỉ một câu thôi, nó hàm chứa tất cả những chất liệu kỳ diệu của y khoa, thuốc tiên mà!!!.
Đám lang băm nhắm vào nhu cầu của bịnh nhân để chế ra sản phẩm. Gia đình nào có thân nhân bị mắc bịnh nan y, Bác Sĩ chạy, chuyện xí cô hồn vài trăm bạc mua “thần dược” về xài thử cầu may là chuyện nhỏ. Tuổi già da nhăn, da xệ, không đủ tiền đi căng da mặt, xài sản phẩm Collagen vừa rẻ vừa dễ dàng. Mỗi nạn nhân cúng cho lang băm vài trăm, đủ cho họ làm giàu.
Phong trào thuốc tiên đang đánh mạnh vào các thành phần “no cơm rững mỡ”. Ngày xưa còn nghèo, không đủ cơm ăn cho no, thì lấy đâu ra mỡ mà rửng? Bây các cụ có check “Obama” gởi tận nhà băng, các mệ giũa móng tiền “bo”rủng rỉnh. Giàu sang sinh lễ mể, chuyện nọ chuyện kia cho vui vẻ cuộc đời!
Các cụ tuy “ lực bất tòng tâm” nhưng tim còn rộn rã, lâu lâu mới được xổ lồng về Việt Nam để “cứu đói giảm nghèo” cho mấy em chân dài, chém cha cũng giấu dưới gầm giường một hai chai Đông trùng Hạ thảo để xài thử cầu may. Mấy mệ sồn sồn, điện nước bất thường, đầm khô cỏ cháy, đặt hy vọng vào sữa ong chúa sẽ làm mượt da, mát thịt, đầm ướt cỏ tươi. Mỗi mệ đóng hụi chết mỗi tháng vài chục thôi, cũng đủ giúp các “Bác sĩ” gõ leng keng thành triệu phú.
Ai có đi Bác Sĩ đông y khám bịnh, thế nào cũng lòi ra bịnh “yếu”: Yếu tim, yếu gan, yếu phổi, yếu phèo… cho nên sinh ra hằng trăm thứ thuốc bổ : bổ tim, bổ gan, bổ phổi, bổ phèo…! Với Tây Y, có bịnh thì chữa , không bịnh thì đi về, không có chuyện “yếu”. Nếu ‘Yếu”cần uống thuốc “bổ” thì còn có lý, nhưng không “yếu” uống thêm thuốc cho”bổ” thì bó tay, hết bàn!!
Chuyện thần dược xưa như trái đất. Sâm, nhung, mật gấu, sừng tê giác, ngọc dương hải cẩu đã xưa rồi. Gần đây có phong trào nhàu Noni, sữa ong chúa, nấm Linh Chi, đang đi vào quên lãng. Hiện tại đang rần rộ phong trào mới đang hốt bạc: Đông trùng hạ thảo, rong biển, collagen và tế bào gốc. Bà con lẹ tay mua đi vì giá còn cao, nếu chậm tay sẽ mất giá, quí vị mất đi cơ hội làm từ thiện đó.
Thần dược phải là hàng quí hiếm. Lên núi cao tìm Đông trùng hạ Thảo, hái Sâm, hái nấm Linh Chi, lặn dưới bể sâu hái hái rong biển Fucoidan, Rêu hoàng Hậu, leo vách núi cheo leo thu hoạch Yến sào…. Chỉ có vua chúa ngày xưa mới có mà xài, bây giờ bán đầy chợ Việt Nam, giá rẻ như bèo, lại đang on sale bao nhiêu cũng bán. Đồ quí hiếm không bao lâu sẽ không quí hiếm còn nữa. Sâm Đại Hàn nay được trồng như củ cải. Đông trùng hạ thảo, nuôi cấy như làm giá. Nấm Linh Chi trồng như nấm mèo, nấm rơm.
Theo thống kê, (Nếu không biết dùng thuốc quí hiếm) thì tuổi thọ bình quân toàn cầu năm 2010-2013 là 71.0 tuổi, Vua chúa ngày xưa được dùng thuốc quí hiếm nên tuổi thọ các ngài không quá 40!! Có cụ ngày nay có phương tiện sống như vua chúa ngày xưa, dùng các bí quyết gia truyền để mang tuổi thọ của mình xuống 40. OK. Nếu đó là nguyện vọng của các cụ. Không ai dám cản.
Ai quảng cáo thế nào thì mặc họ, nghe hay không là quyền của chúng ta, đừng để mình bị mắc lừa bởi bọn con buôn.
Chúng ta phải biết rằng những sản phẩm được quảng cáo rầm rộ là “thuốc”để trị bịnh đều là thực phẩm chức năng ” (Dietary supplement) được ghi chép rõ ràng trên nhãn hiệu của hộp. Quảng cáo “ thực phẩm chức năng” là “thuốc” để trị bịnh là hướng dẫn sai lầm, vi phạm tội lường gạt.
Có ông chủ đài TV, chuyên bán thuốc dổm, tuyên bố thuốc là “thuốc“ của ngài bán, được USDA và FDA cho phép (approved). Đây là quảng cáo lường gạt. Theo luật, nhà sản xuất và nhà phân phối phải đăng ký (register) với cơ quan FDA (Food and Drug Administrator), nhưng không bắt buộc phải có giấy phép để sản xuất hoặc bán các sản phẩm nầy. Nhãn hiệu (label) cũng phải cầu chứng. Các ngài ma giáo dùng chữ cho phép (approved) thay vì đăng ký (registered). Còn cơ quan USDA (United State Department of Agriculture) không có liên hệ gì đến mấy thứ dổm nầy, để tên vào cho nó xôm tụ mới gạt được người ta chứ!!!.
Theo qui định về thực phẩm chức năng, nhà phân phối có quyền tùy ý phát biểu thế nào cũng được về sản phẩm của mình trên nhãn hiệu cầu chứng, thí dụ : trị bá bịnh, bảo đảm có kết quả 100%, không có phản ứng phụ (điều nầy đúng vì nếu sản phẩm làm toàn bằng bột mì thì làm gì có phản ứng phụ ),nhưng phải có đính kèm câu sau đây, thường được in bằng chữ rất nhỏ để khó đọc hoặc không ai để ý đến: ”These statements have not been evaluated by the Food and Drug Administration. This product is not intended to diagnose, treat,cureor prevent any disease.” Xin tạm dịch là :“Những phát biểu trên không được FDA kiểm nghiệm. Sản phẩm nầy không nhằm để chẩn đoán, điều trị, chửa lành, hoặc phòng chống bất cứ bịnh tật nào.
Nếu có ai thưa kiện bị lường gạt, nhà sản xuất đưa nhản hiệu có cầu chứng ra mà bảo: Nhãn hiệu ghi chú quá rõ ràng: Sản phẩm nầy không phải thuốc thang chữa trị gì cả. Làm ơn chống mắt lên đọc giùm. Ai ngu bỏ tiền mua thì ráng chịu, chớ có than van!!!. Ha, Ha, Ha.
Garden Grove 9/11/2015
Chín Cầu Tre
Copy từ trang anh Luân Hoán
VÀNG XƯA