Từ khi Israel ra đời đến nay, chiến tranh đã bao lần xảy ra giữa Nhà nước Do Thái và các quốc gia Ảrập láng giềng, tiêu tốn hàng tỷ đôla và cướp đi hàng nghìn sinh mạng. Phải chăng giữa đôi bên tồn tại một mối thù không bao giờ rửa được, để đến ngày nay, Trung Đông vẫn là miền đất nóng bỏng của thế giới, với lò lửa Palestine – Israel?
Hãy cùng nhớ những lần xung đột trong quá khứ của Israel với thế giới Ảrập để đi tìm một câu trả lời cho câu hỏi trên.
Chiến tranh giành độc lập của người Do Thái năm 1948
David Ben-Gurion – thủ tướng đầu tiên của Israel.
Ngày 14/5/1948, nước Anh kiệt lực trong Đại chiến Thế giới II chính thức từ bỏ sự bảo hộ đối với Palestine, sau một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về phân chia lãnh thổ giữa người Ảrập và người Do Thái. Ngay lập tức, những người theo chủ nghĩa phục quốc Zion nắm lấy cơ hội và thành lập một nhà nước Israel. Tuyên ngôn độc lập được đọc tại Tel Aviv cũng trong hôm 14/5.
Thế giới Ảrập, không hài lòng với quyết định của Liên Hợp Quốc thành lập đồng thời hai nhà nước Do Thái và Ảrập trên lãnh thổ Palestine, đã nhanh chóng điều quân tới với dự định bóp chết quốc gia Israel non trẻ. Sớm 15/5, lực lượng vũ trang chính quy của các nước Ai Cập, Syria, Transjordan và Iraq chia nhiều hướng tiến vào bao vây Tel Aviv để hỗ trợ người Ảrập Palestine.
Tuy nhiên, khối Ảrập đã không thể nuốt chửng Nhà nước Do Thái mới. Người Israel chiến đấu hết sức kiên cường cho sự tồn vong của dân tộc và quyết tâm của họ tỏ ra mạnh hơn sự ràng buộc lỏng lẻo trong nội bộ các nước Ảrập. Những cuộc phản công mạnh mẽ gần Bethlehem đã giúp quân Do Thái xoay chuyển tình thế. Chiến sự tiếp diễn tới tháng 1/1949 và mãi tới tháng 7 năm đó, hiệp định đình chiến mới thực hiện được.
Một đội quân tự vệ Hanganah của Israel (hình tạp chí Life 1948)
Trên thực tế, quốc gia mới phải huy động đội quân đông gần gấp 3 (khoảng 40.000-60.000 chiến binh) để có thể chọi lại 21.000 quân Ảrập.
Cuộc chiến tranh đã cho quốc gia mới thành lập Tây Jerusalem và 20% lãnh thổ (6.700 km2) lẽ ra thuộc về người Hồi giáo ở Palestine, theo sự phân chia của LHQ. Số dân Ảrập sinh sống trong phạm vi Israel giảm từ 700.000 xuống 165.000. Nhiều người chạy lánh nạn khi quân Do Thái phản công, bởi nghe tin về các vụ thảm sát tại làng mạc Ảrập. Lúc ấy, ít người trong số họ biết rằng họ sẽ không bao giờ được trở về nhà.
Phần còn lại của lãnh thổ Ảrập thuộc Palestine nhanh chóng được sáp nhập vào các quốc gia láng giềng. Ai Cập giành quyền quản lý Dải Gaza và Transjordan (bây giờ có tên Jordan), chiếm phần lớn Bờ Tây, trong đó có thành phố cổ Jerusalem.
nghỉ trưa trong một trại Kibbutz (hình tạp chí Life 1948)
Cuộc chiến kênh đào Suez năm 1956
Suez dài trên 150 km, nối liền Địa Trung Hải và Hồng Hải, là con đường biển quan trọng đặc biệt về mặt giao thương và cả về quân sự.
Anh và Pháp, hai cổ đông lớn trong công ty xây dựng kênh đào, sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất khi Ai Cập giành lại quyền kiểm soát Suez. Một kế hoạch can thiệp và lật đổ tổng thống Nasser lập tức được vạch ra. Tel Aviv, kình địch của Cairo, cũng được kéo vào cuộc.
Israel có nhiều lý do để tham gia cuộc chiến năm 1956. Những năm đầu thập kỷ 50, quan hệ giữa quốc gia Do Thái và các láng giềng Ảrập càng ngày càng căng thẳng.
Sau khi Israel lập quốc, hơn 900.000 người tị nạn đã tập trung ở biên giới của nước này, đòi quyền đối với vùng đất Palestine. Đây chính là cơ sở hình thành các nhóm du kích Hồi giáo. Những hoạt động nổi dậy khiến người Israel không có lúc nào được yên ổn. Quan hệ giữa quốc gia Do Thái và các nước láng giềng Jordan, Ai Cập, đặc biệt là Syria, mỗi lúc một tệ hơn. Damacus chống lại dự án nắn dòng sông Jordan để lấy nước tưới tiêu. Người Syria cũng tấn công cao nguyên Golan từ phía đông bắc. Trong năm 1955, đụng độ Israel – Ảrập xảy ra trên hầu khắp biên giới. Chạy đua vũ trang bắt đầu ở Trung Đông với việc khối Ảrập ra sức mua quân bị từ Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa, và Israel không ngừng nhận viện trợ quân sự của Mỹ.
Năm 1956, cùng với việc quốc hữu hóa kênh đào, tổng thống Nasser còn lệnh cho hải quân phong tỏa eo Tiran – con đường ra Hồng Hải duy nhất của Israel. Mặt khác, một lượng lớn quân đội Ai Cập cũng đồn trú trên bán đảo Sinai, ngay sát nách quốc gia Do Thái. Với Israel, căn cứ quân sự này như cây giáo thỉnh thoảng lại thúc vào mạng sườn họ đau điếng, và Tel Aviv rất mong có cơ hội đập tan nó.
Lính Ả rập vận chuyển bằng xe tải (hình tạp chí Life)
Cơ hội đó đến cùng với kế hoạch uy hiếp Cairo do Paris và London chủ xướng.
Ngày 29/10/1956, theo đúng kịch bản, Israel bất ngờ tấn công vào ào ạt quân Ai Cập trên khắp các mặt trận. Sau 5 ngày, quân Do Thái đã chiếm gần hết bán đảo Sinai, Dải Gaza và các mục tiêu khác.
Pháp và Anh can thiệp. Hai nước trao cho cả Cairo và Tel Aviv một tối hậu thư, trong đó đề nghị cho Anh, Pháp đưa quân vào chiếm đóng kênh Suez và thiết lập vùng đệm 16 km ở hai bờ, để ngăn cách lực lượng Ai Cập và Israel. Người Do Thái chấp thuận ngay, còn Ai Cập thì bác bỏ thẳng thừng.
Vậy là đã có cớ. Máy bay ném bom Anh và Pháp lập tức quần đảo bầu trời Ai Cập. Ngày 31/10/1956, hai nước gửi quân tới kênh Suez, uy hiếp chính quyền Cairo. Hành động này của London và Paris bị lên án mạnh mẽ ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Matxcơva đe dọa sẽ can thiệp nhân danh nhân dân Ai Cập. Mỹ, hoàn toàn bị bất ngờ trước hành động của các nước đồng minh, cũng không ủng hộ.
Lúc này, Chiến tranh Lạnh đang ở cao trào. Mỹ có nhiều vấn đề khác để lo trong cuộc đấu với Liên Xô (đặc biệt việc Matxcơva can thiệp vào Hungary) hơn là những lợi ích của Anh và Pháp ở Suez. Tổng thống Eisenhower không có lý do gì để mong muốn chiến sự lan rộng ở Trung Đông.
Trước sức ép của Washington, London và Paris đành chịu thúc thủ. Trên thực tế, đình chiến bắt đầu từ 23h45′ ngày 7/11 đối với liên quân Anh-Pháp. Đến ngày 22/12 năm đó, toàn bộ lực lượng của hai nước đã rút hết khỏi Ai Cập. Về phần Israel, ngày 8/3/1957, người lính Do Thái cuối cùng đã rời Sinai. Mỹ cũng buộc Tel Aviv trả lại Dải Gaza cho Ai Cập. Đồng thời, Lực lượng Khẩn cấp của Liên Hợp Quốc được gửi tới để đảm bảo hòa bình.
Nhìn lại, cuộc xung đột Suez năm 1956 là một thời điểm bản lề ở Trung Đông.
Mặc dù đây là một chiến dịch ít tốn kém máu xương – người Anh chỉ thiệt mất 20 quân nhân, Pháp 10, nhưng cuộc chiến đã báo hiệu sự suy giảm ảnh hưởng trong khu vực của hai nước đế quốc già cỗi, đồng thời bồi thêm một quả đấm mạnh vào hy vọng vốn đã xa vời cho một giải pháp hòa bình ở Trung Đông.
Mối hằn thù Ảrập – Israel càng sâu sắc thêm. Ai Cập chịu nhiều tổn thất nhất với cơ sở hạ tầng bị hư hại và tổng cộng 921 người thiệt mạng trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, kết thúc chiến tranh, Cairo đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu: giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với kênh đào Suez. Uy tín của tổng thống Nasser trong nước và trong khối Ảrập tăng đột biến. Chủ nghĩa quốc gia cũng có cơ hội lan mạnh trên toàn khu vực. Về phần mình, Israel tuy thiệt hại 200 binh lính nhưng đã đạt được mục tiêu phá hủy căn cứ quân sự trên bán đảo Sinai.
Chỉ có Anh và Pháp là thất bại. Hai nước này đã gửi tổng cộng 22.000 quân tới khu vực kênh đào nhưng cuối cùng lại phải sớm cuốn gói. Chiến dịch của London và Paris không thành công chủ yếu là do sự phản đối của Washington và Matxcơva. Sau xung đột Suez, Ai Cập trở nên thân thiết với Liên Xô hơn. Vai trò to lớn của Mỹ cũng được thừa nhận lần đầu tiên. Điều này tạo cơ sở cho học thuyết Eisenhower, trong đó Nhà Trắng quyết tâm trợ giúp bất kỳ nước Trung Đông nào “bị cộng sản đe dọa”
Cuộc chiến Sáu Ngày
Độc long tướng quân Moshe Dayan
8h sáng 5/6/1967, hầu như toàn bộ máy bay thuộc không lực Israel nhất loạt cất cánh, hướng về các phi trường của Ai Cập. Chỉ trong vòng 80 phút, sân bay El Arich, Djebel Libni, Bir Gafagfa, Bir Tamda và một loạt căn cứ không quân trên bờ tây kênh đào Suez đã bị san phẳng. Xác máy bay ngổn ngang. Sự kiện đó mở đầu cho kỳ tích sáu ngàycủa Israel.
Hoàn toàn bị bất ngờ, Cairo không kịp trở tay. Thế trận trên không mà quân đội Ai Cập dày công xây dựng vỡ vụn: Gần 400 máy bay cùng các ụ pháo cao xạ bị phá hủy. Israel giành quyền làm chủ bầu trời. Lúc này, bộ binh Do Thái mới chia ra 3 mũi, vượt bán đảo Sinai (Ai Cập) tiến sát tới thủ đô nước láng giềng. Cùng lúc, ở mặt trận phía bắc và đông đối đầu với Syria và Jordan, đại bác Israel khai hỏa.
Trong 6 ngày khó tin từ mồng 5 tới 11/6/1967, quân đội Do Thái làm cỏ bán đảo Sinai (Ai Cập), chiếm Dải Gaza, khu Bờ Tây sông Jordan, trong đó có thành cổ Jerusalem, cao nguyên Golan. Tối 7/6, khi xe tăng Israel chỉ còn cách thủ đô Amman 10 km, vua Jordan buộc phải chấp nhận yêu cầu đình chiến. Hôm sau, Đại sứ Ai Cập tại LHQ Mohammed Awad El Kouni không giấu nổi sự nghẹn ngào khi thông báo tại Hội đồng Bảo an rằng chính phủ của ông bằng lòng ngừng chiến. Lực lượng vũ trang Syria cầm cự được thêm hai ngày nữa rồi cũng phải buông súng vào mồng 10/6. Chiến dịch quân sự phòng ngừa chớp nhoáng (pre-emptive action) của Israel kết thúc thắng lợi.
Trên thực tế, Tel Aviv đã đi một nước cờ hết sức mạo hiểm khi chủ động tấn công các láng giềng Ảrập. Làm như vậy, Israel sẽ mang tiếng gây hấn trước, phải một lúc thọ địch ở cả 3 phía (sau lưng là biển) – chống lại liên minh Ai Cập, Jordan và Syria mà chỉ riêng Ai Cập đã có 70 triệu dân. Trong khi đó, tổng động viên già trẻ lớn bé Do Thái mới chỉ được 2,5 triệu người. Mặt khác, Israel đứng trước nguy cơ bị cô lập hoàn toàn nếu khiêu chiến. Liên Xô và các nước thuộc khối cộng sản đã hứa đứng về phe Ảrập. Ngày 2/6, De Gaulle, tổng thống Pháp khi đó, tuyên bố sẽ không tán thành nước nào động thủ trước, chứ đừng nói là ủng hộ. Mỹ thì đang mắc kẹt ở Việt Nam nên không muốn can thiệp vào Trung Đông.
Tổng thống Ai Cập Nasser
Trong khi đó, tình hình khu vực xấu đi nghiêm trọng. Sau khi giành thắng lợi trong chủ trương quốc hữu hóa kênh đào Suez, buộc Anh, Pháp và Israel phải rút quân và trả lại những vùng đất chiếm đóng, uy tín của tổng thống Ai Cập Nasser tăng đột biến. Các nước Ảrập xem ông như một nhà lãnh đạo có khả năng dẫn dắt họ nhổ cái gai Israel và rửa mối nhục thất bại trong cuộc chiến tranh năm 1948. Năm 1966, Ai Cập và Syria ký hiệp ước liên minh. Ngày 31/5/1967, vua Hussein của Jordan quyết định gia nhập hiệp ước trên. Như vậy, cả 3 nước láng giềng của Israel ở đông, nam, bắc đã bắt tay nhau. Lúc này, Ai Cập tập trung 270.000 quân sát biên giới với quốc gia Do Thái (trong đó 100.000 binh sĩ đồn trú trên bán đảo Sinai, ngay cạnh sườn Israel), với những vũ khí tối tân do Liên Xô và Tiệp Khắc cung cấp. Syria cũng điều đến cao nguyên Golan – hơn 60.000 người. Về phần mình, sau khi gia nhập liên minh, Jordan cử 60.000 quân lên biên giới và đặt dưới quyền chỉ huy của một tướng Ai Cập. Ngoài ra, Libăng cũng gửi tới một đạo binh nhỏ. Các nước Ảrập khác như Iraq, Algeria, Kuwait tuyên bố sẵn sàng viện trợ quân sự khi cần thiết. Theo ước tính, vào thời điểm năm 1967, liên minh tay ba có tổng cộng 465.000 binh lính, hơn 2.880 xe tăng và 810 máy bay, trong tư thế sẵn sàng bóp cổ Israel.
Tổng thống Ai Cập Nasser nhận thấy tình hình chưa bao giờ thuận lợi như vậy đối với khát vọng trừ bỏ nhà nước Do Thái. Cairo tuyên bố thẳng thừng: “Mục tiêu cơ bản của chúng tôi là hủy diệt Israel. Nhân dân Ảrập muốn chiến tranh”. Nasser tự tin yêu cầu LHQ rút toàn bộ 3.400 binh sĩ thuộc Lực lượng khẩn cấp khỏi bán đảo Sinai. Đội quân này vốn làm nhiệm vụ ngăn cách hai chú bò hăng đấu Ai Cập Israel sau chiến tranh 1956.
Bầu không khí bỏng rẫy. Nhất là khi vào ngày 23/5, Ai Cập đưa hải quân tới phong tỏa eo Tiran, ngăn cản tàu Do Thái tới Elath, cửa ngõ ra Hồng Hải. Bị chặn ở phía đó, Israel như bị cắt mất một lá phổi. Chiến tranh là không thể tránh khỏi.
Tel Aviv liền huy động tất cả lực lượng dự bị động viên. Đồng thời, chính quyền Do Thái phát động chiến dịch ngoại giao. Ngay đêm Ai Cập phong tỏa eo Tiran (cửa vịnh Akaba), nội các Israel nhóm họp và ra tuyên bố kêu gọi phương Tây giúp đỡ bảo đảm con đường thông thương trên biển cho tàu bè Do Thái. Ngoại trưởng Abba Eban lên đường sang Pháp, Anh và Mỹ mong tranh thủ sự ủng hộ của các cường quốc này. Paris cảnh cáo Israel không được nổ súng trước. Còn tổng thống Johnson nói thẳng: Washington không muốn Tel Aviv hành động đơn phương. Mỹ đề xuất thành lập một lực lượng hải quân quốc tế để buộc Ai Cập mở cửa vịnh Akaba. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành.
Khi các biện pháp ngoại giao rõ ràng không giải quyết được gì, Chính phủ Do Thái vào ngày 4/6 cho phép Bộ Quốc phòng thực hiện kế hoạch tấn công phòng ngừa để xóa bỏ mối nguy lơ lửng trên đầu dân tộc. Tel Aviv quyết định vời vị tướng lão luyện Moshe Dayan – có biệt hiệu là Độc long tướng quân – về làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Dayan vốn thân cận với cựu thủ tướng Ben Gurion, thuộc phe đối lập với chính phủ đương nhiệm của Eshkhol. Tuy nhiên, dưới sức ép của nhân dân và trước mối nguy Ảrập, nội các Eshkhol buộc phải hy sinh quyền lợi riêng. Cỗ máy chiến tranh được phát động.
Tuy nhiên, Mỹ và Nga không hề có ý định can thiệp vào chảo lửa Trung Đông. Đây là nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến dịch quân sự năm 1967 của Israel.
Mặt khác, xét về thực chất, Israel có nhiều lợi thế. Mặc dù khối Ảrập tập trung tới hơn 450.000 quân nhưng chỉ có nhiều nhất 300.000 người có thể dự chiến. Quan trọng hơn, sau những cuộc thanh trừng chính trị nội bộ, hàng ngũ tướng tá của phe Ai Cập bị xáo trộn. Những nhân vật mới lên đều thiếu kinh nghiệm. Binh sĩ tuy đông nhưng chưa qua huấn luyện kỹ càng. Việc phối hợp hậu cần hết sức bê bối. (Có trường hợp một nhóm quân Ai Cập bị bỏ đói khát suốt 3 ngày, khi được lính Israel cho một ca nước, họ đã mừng rơi nước mắt).
Người Do Thái lại ở trong cái thế không có chỗ lùi. Họ bị bao vây 3 mặt, sau lưng là biển. Chính vì thế, tinh thần chiến đấu của sĩ tốt Israel rất hăng. Tổng cộng, Tel Aviv nắm trong tay một đội ngũ gần 300.000 quân rất có kỷ luật. Mặt khác, hoạt động tình báo của Israel bấy giờ hết sức hiệu quả. Theo giới sử học, các điệp viên Do Thái gửi về nước thông tin chi tiết về hải lục không quân đối phương. Ví dụ, họ biết được số lượng phi cơ và binh lính ở các sân bay, kiểu máy bay, đường bay, sĩ quan chỉ huy, giờ giấc hoạt động, chỗ nào là máy bay thật, chỗ nào chỉ nghi binh thôi. Tướng Moshe Dayan phải khen rằng: “Bất kỳ một quân đội nào trên thế giới cũng phải tự hào khi có một cơ quan tình báo như vậy”.
Quan trọng nhất, Israel có được Bộ trưởng Quốc phòng biết điều binh khiển tướng hết sức tài ba. Độc long tướng quân Moshe Dayan là vị chỉ huy chưa hề biết đến thất bại. Ông đã chiến đấu trong quân đội Anh hồi Thế chiến II, rồi chỉ huy cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc 1948-1949, làm tư lệnh quân lực Israel từ năm 1954 đến năm 1958. Ông chủ trương buộc các sĩ quan từ tướng tá trở xuống luôn phải xung phong trước quân sĩ để nêu gương. Bên cạnh Dayan còn nổi lên các gương mặt như Yitzhak Rabin (người sau này làm thủ tướng Israel), tướng Yigael Yadin và tướng Mordekhai Hod, tư lệnh không quân.
Vấn đề còn lại là lập ra một phương án tác chiến hợp lý để giành thắng lợi tối đa trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tel Aviv biết rằng, các cường quốc sẽ không ngồi yên mãi nhìn 4 quốc gia Trung Đông thượng cẳng chân hạ cẳng tayvới nhau.
Moshe Dayan quyết định dùng chiến thuật đánh thốc: tập trung một đoàn thiết giáp ồ ạt tiến lên, mở đường xuyên qua phòng tuyến địch, tấn công vào một vị trí. Khi một lỗ hổng được mở, xe tăng xông lên và tiến tới không ngừng nghỉ. Bên cạnh đó, bộ binh và đặc nhiệm sẽ nhảy dù xuống khu vực kênh Suez.
Ngoài ra, radio Israel còn tung những tin tức thất thiệt để đánh lừa địch, tạo sự hỗn loạn trong hàng ngũ tướng lĩnh đối phương. Khi nghe tin quân sự qua làn sóng đài Do Thái, Bộ chỉ huy tối cao Ảrập lầm tưởng rằng quân Israel đang cùng quẫn trên sa mạc Neguev hay trên Dải Gaza, trong khi trên thực tế, Cairo bị uy hiếp đến nơi. Có một lần các máy bay Ảrập đua nhau hạ cánh xuống phi trường Al Arish. Chẳng có gì đáng ngờ cả, cờ Ai Cập vẫn phấp phới trước gió và đài kiểm soát không lưu vẫn lanh lảnh giọng phát thanh viên Ảrập. Mà có thông tin nào về việc Israel đã chiếm được phi trường này đâu. Thế là, quân Do Thái tóm gọm cả một phi đội.
Chiến dịch quân sự diễn ra theo đúng dự kiến của Bộ Quốc phòng Israel. Đòn phủ đầu sấm sét được tung ở Ai Cập. Sau những loạt bom, rocket và liên thanh của Israel, Cairo hầu như không còn một chiếc máy bay nào chiến đấu được. Phải mất 1 tiếng đồng hồ sau, nội các Nasser mới hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tất cả thế giới ngạc nhiên, không hiểu tại sao phi công Israel lại nhằm trúng đích một cách tài tình như vậy. Báo chí hồi đó đồn đại Tel Aviv có một khí giới bí mật nào đó. Tuy nhiên, những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các sân bay đều bị san phẳng bởi bom và rocket thường.
Đợt không tập đầu tiên
Hoạt động quân sự đầu tiên, và cũng là hoạt động quyết định của Israel là đòn đánh phủ đầu vào không quân Ai Cập. Ai Cập có không quân lớn và hiện đại nhất trong số các quốc gia A Rập, với khoảng 450 máy bay chiến đấu của Liên Xô, với nhiều máy bay MiG-21 hiện đại bậc nhất lúc đó. Ban đầu, cả Ai Cập và Israel đều tuyên bố bị bên kia tấn công trước.
Phía Israel đặc biệt quan tâm đến 30 máy bay ném bom tầm trung Tu-16 “Badger”, có khả năng đánh phá nghiêm trọng các trung tâm dân sự và quân sự của Israel. Lúc 7:45 sáng ngày 5 tháng 6, khi còi báo động vang lên trên toàn Israel cũng là lúc không quân Israel (IAF) mở chiến dịch Focus (Moked). Ngoại trừ 12 máy bay, còn lại tất cả gần 200 chiếc máy bay phản lực cất cánh rời Israel ào ạt tấn công các sân bay của Ai Cập. Cơ sở phòng không của Ai Cập rất yếu, không có sân bay nào được trang bị bong-ke bọc thép để bảo vệ máy bay. Máy bay của Israel bay ra Địa Trung Hải trước khi vòng lại hướng về Ai Cập. Trong khi đó, phía Ai Cập lại tự làm hại mình bằng cách đóng toàn bộ hệ thống phòng không của họ, vì họ sợ lực lượng nổi dậy Ai Cập có thể bắn hạ máy bay chở Nguyên soái chiến trường Amer và Trung Tướng Sidqi Mahmoud, đang trên đường từ al Maza tới Bir Tamada ở Sinai để gặp các chỉ huy tại đó. Dù thế nào đi chăng nữa thì việc đó cũng không làm tình hình thay đổi mấy, vì các phi công Israel bay rất thấp để tránh radar và bay dưới tầm mà tên lửa phòng không SA-2 có thể bắn được họ. Các phi công Israel phối hợp nhiều chiến thuật cùng lúc: ném bom và dùng hỏa lực oanh tạc các máy bay đang đậu trên đường băng, ném bom xuyên phá đường băng để máy bay Ai Cập không cất cánh được nữa, làm mồi ngon cho đợt không kích tiếp theo của máy bay Israel. Cuộc không kích thành công vượt mức, khiến quân Ai Cập hoàn toàn bị bất ngờ, phá hủy gần như toàn bộ không quân Ai Cập ngay trên mặt đất mà chỉ bị rất ít tổn thất. Hơn 300 máy bay Ai Cập bị phá hủy, hơn 100 phi công Ai Cập chết. Trong số máy bay bị phá hủy là tất cả các 30 máy bay Tu-16, 27 trong tổng số 40 máy bay ném bom Il-28, 12 chiến đấu cơ-máy bay ném bom Su-7, hơn 90 MiG-21, 20 MiG-19, 25 MiG-17 chiến đấu cơ, cùng 32 máy bay vận tải các loại và phi cơ. Phía Israel mất 19 máy bay, phần lớn do trục trặc kỹ thuật, hay tai nạn… Cuộc không tập mang lại cho Israel ưu thế áp đảo trên không cho đến hết cuộc chiến.
Tiếp theo thành công của đợt không tập đầu tiên đánh vào quân Ai Cập, không quân Israel chiều hôm đó chuyển sang đánh các sân bay thứ yếu ở Ai Cập cũng như bắt đầu tấn công không lực Jordan, Syria, và Iraq, tiêu diệt hầu hết không quân các nước này. Tới tối, không quân Jordan bị xóa sổ, mất hơn 20 máy bay chiến đâu Hunter, 6 máy bay vận tải và 2 máy bay trực thăng. Không quân Syria mất 32 MiG-21, 23 MiG-15 và MiG 17, 2 máy bay ném bom Ilyushin Il-28. Một số máy bay của Iraq cũng bị phá hủy tại sân bay H3 ở tây Iraq, gồm 12 trên tổng số 20 MiG-21, 2 MiG-17, 5 Hunter F6, và 3 Il-28. Một máy bay ném bom Tu-16 của Iraq bị bắn hạ trong ngày bởi hỏa lực phòng không Israel khi nó định ném bom Tel Aviv. Sáng ngày 6 tháng 6 năm 1967, một máy bay Hunter của Li Băng, trong tổng số 12 chiếc mà họ có, bị bắn rơi tại biên giới hai nước.
Tới tối, Israel cho biết họ đã phá hủy 416 máy bay của phe A Rập, trong khi mất 26 máy bay trong hai ngày đầu chiến sự. Israel mất 6 trong số 72 chiến đấu cơ Mirage IIIC/J, 4 trong số 24 chiến đấu cơ Super Mystère, 8 trong số 60 Mystère IVA, 4 trong số 40 Ouragan, 5 trong số 25 máy bay ném bom tầm trung Vautour II. Số máy bay A Rập mà Israel tuyên bố phá hủy lúc đầu bị báo chí phương Tây tưởng là đã bị “phóng đại”. Tuy nhiên, thực tế là không lực Ai Cập, Jordan, và các quốc gia A Rập khác hầu như vắng bóng trong những ngày tiếp theo của cuộc chiến chứng tỏ là con số tổn thất này có lẽ là xác thực. Trong suốt cuộc chiến, phi cơ của Israel tiếp tục bắn phá đường băng để ngăn phe địch đưa chúng vào hoạt động trở lại. Cùng lúc, đài phát thanh của chính phủ Ai Cập thì tuyên bố Ai Cập chiến thắng, tung tin giả là 70 máy bay Israel bị hạ chỉ trong ngày đầu giao chiến.
Trên bộ, Moshe Dayan vẫn dùng chiến thuật từ năm 1956: chia 3 mũi tấn công. Tới ngày 8/6, toàn bán đảo Sinai đã lọt vào tay Israel. Eo Tiran và vịnh Akaba được giải tỏa. Quân Israel tiến không ngừng. Cho tới lúc đình chiến tối 8/6, Ai Cập thiệt hại 10.000 quân, 5.000 người bị bắt làm tù binh, gần 500 phi cơ tan xác, 400 xe tăng bị hủy, 300 chiếc khác bị cướp. Còn phía Israel có 275 binh sĩ tử trận, 800 người bị thương, 61 tăng bị phá hủy.
Dải Gaza và Bán đảo Sinai
Đánh chiếm Sinai, 7 tháng 6-8 tháng 6, 1967
Quân Ai Cập có bảy sư đoàn, gồm 4 sư đoàn xe bọc thép, hai sư đoàn bộ binh, một sư đoàn bộ binh cơ giới, tổng cộng khoảng 100 ngàn quân, 900-950 xe tăng, hỗ trợ bởi 1.100 xe bọc thép chở quân (APC) và 1.000 khẩu pháo. Quân Ai Cập bố trí theo học thuyết quân sự của Liên Xô, với lực lượng xe tăng và xe thiết giáp cơ động bố trí tại những vị trí chiến lược có chiều sâu, phòng thủ cơ động, trong khi bộ binh giao chiến tại những vị trí cố thủ của mình.
Quân Israel tập trung dọc biên giới với Ai Cập có 6 lữ đoàn xe bọc thép, một lữ đoàn bộ binh, một lữ đoàn bộ binh cơ giới, 3 lữ đoàn dù, 700 xe tăng, tổng cộng là 70 ngàn quân, chia thành 3 sư đoàn xe tăng và xe bọc thép. Kế hoạch của Israel là gây bất ngờ cho quân Ai Cập cả về thời gian (tấn công cùng lúc không quân đánh vào các sân bay Ai Cập), lẫn địa điểm (tấn công theo hướng bắc và trung Sinai, chứ không như người Ai Cập tưởng họ sẽ lặp lại chiến thuật năm 1956, sử dụng đường tấn công phía nam và trung), cũng như phương thức (hợp đồng binh chủng đánh tạt sườn, thay vì đánh trực diện bằng xe tăng).
Tướng Sharon quyết định giành thế chủ động, lên kế hoạch kỹ càng, phối hợp tác chiến và tiến hành tấn công. Ông đưa hai lữ đoàn về phía bắc Um-Katef, một để chọc thủng hệ thống phòng thủ tại Abu-Ageila về phía nam, và một để chặn đường về El-Arish và để bao vây Abu-Ageila từ phía đông. Cùng lúc, quân dù được trực thăng chuyển quân về phía sau tuyến phòng thủ, tiêu diệt pháo binh nhằm ngăn chặn chúng bắn phá xe tăng và bộ binh Israel. Quân Israel hợp đồng binh chủng gồm xe tăng, pháo binh, bộ binh, lính dù và công binh tiến công quân Ai Cập từ mọi hướng, cắt rời quân Ai Cập. Trận chiến có tính chất bước ngoặt này diễn ra liên tục trong ba ngày rưỡi cho tới khi Abu-Ageila thất thủ.
Nhiều đơn vị quân Ai Cập vẫn còn nguyên vẹn, và có thể chặn quân Israel tiến về Kênh đào Suez hoặc giao chiến để ngăn quân Israel lại. Tuy nhiên khi Bộ trưởng quốc phòng Ai Cập, nguyên soái Abdel Hakim Amer, nghe tin Abu-Ageila thất thủ, ông hoảng sợ và hạ lệnh cho tất cả các đơn vị tại Sinai tháo lui. Lệnh rút lui cũng có nghĩa là Ai Cập đã bị đánh bại.
Vì quân Ai Cập rút chạy, nên Bộ chỉ huy Israel quyết định không truy kích, thay vì đó đuổi vượt lên chiếm các con đèo ở Tây Sinai để rồi chặn đánh khi quân Ai Cập chạy qua. Vì vậy, trong hai ngày 6 và 7, cả ba sư đoàn của Israel cấp tốc tiến về phía tây. Sư đoàn của Sharon thoạt đầu hướng về phía nam, rồi rẽ sang hướng tây về phía đèo Mitla. Tiếp đó là các thành phần sư đoàn của tướng Yoffe, trong khi các đơn vị khác của sư đoàn này chặn đèo Gidi. Các đơn vị thuộc sư đoàn tướng Tal dừng lại tại nhiều vị trí khác nhau dọc theo Kênh Suez.
Quân Israel chỉ phần nào thành công khi tìm cách chặn đánh quân Ai Cập, vì họ chỉ chiếm được đèo Gidi trước khi quân Ai Cập chạy qua, còn tại các con đèo khác, quân Ai Cập đều chạy đến trước và băng qua kênh Suez an toàn. Dù vậy, trong bốn ngày giao chiến, Israel cũng đã đánh bại đạo quân lớn nhất, trang bị mạnh nhất của người A Rập, để lại sau lưng vô số xe cộ và trang thiết bị của quân Ai Cập bị phá hủy hay vứt bỏ trên bán đảo Sinai.
Ngày 8 tháng 6, Israel hoàn thành việc chiếm đóng Sinai bằng cách đưa hai đơn vị bộ binh tới Ras-Sudar trên bờ bắc của bán đảo này. Thị trấn Sharm El-Sheikh tại mũi phía nam cũng rơi vào tay các toán quân của Hải quân Israel vào ngày hôm trước.
Những nhân tố góp vào vào chiến thắng chớp nhoáng của Israel bao gồm: một là việc không quân Israel làm chủ bầu trời; hai là quyết tâm áp dụng kế hoạch tấn công đầy sáng tạo; và ba là sự thiếu phối hợp từ phía quân Ai Cập. Đó cũng là những nhân tố quyết định chiến thắng của Israel trên các mặt trận khác.
Bờ Tây
Mặt trận Jordan, 5-7 tháng 6
Jordan tham chiến miễn cưỡng, người ta cho rằng Tổng thống Ai Cập Nasser tung hỏa mù trong những giờ đầu cuộc chiến để thuyết phục vua Hussein là phe mình đang giành thắng lợi; ông tuyên bố các máy bay Israel mà radar nhìn thấy quay về là các máy bay Ai Cập trên đường không kích Israel. Một lữ đoàn quân Jordan đóng tại Bờ Tây được điều đến Hebron để hội quân với Ai Cập. Vua Hussein quyết định tham chiến.
Trước chiến tranh, quân Jordan có 11 lữ đoàn, trang bị 300 xe tăng hiện đại của phương Tây. Có 9 lữ đoàn đóng ở Bờ Tây, gồm 45 ngàn quân, 270 xe tăng, 200 trọng pháo, với cả các trung đoàn bọc thép tinh nhuệ số 40 và 2 tại thung lũng Jordan. Lữ đoàn A Rập của quân Jordan là một lữ đoàn nhà nghề, thiện chiến được trang bị và huấn luyện rất tốt. Không quân hoàng gia Jordan có 24 máy bay chiến đấu Hunter, chất lượng tương đương với máy bay Dassault Mirage III – máy bay tốt nhất của không lực Israel.
Để đối lại, Israel có 40 ngàn quân và 200 xe tăng (chia làm 8 lữ đoàn).[43] Bộ chỉ huy Trung tâm của Israel gồm 5 lữ đoàn. Hai lữ đoàn đầu tiên đóng thường trực gần Jerusalem, gọi là lữ đoàn Jerusalem và lữ đoàn cơ giới Harel. Lữ đoàn dù 55 của tướng Mordechai Gur được điều về từ mặt trận Sinai. Một lữ đoàn bọc thép từ Bộ Tổng chỉ huy đóng vai trò lực lượng dự bị, hướng về Ramallah để đánh chiếm Latrun. Lữ đoàn bọc thép số 10 đóng ở phía bắc vùng Bờ Tây. Bộ chỉ huy Phía bắc của Israel có một sự đoàn (gồm 3 lữ đoàn), chỉ huy bởi tướng Elad Peled, đóng ở thung lũng Jezreel, phía bắc vùng Bờ Tây.
Phía Israel dự định phòng ngự thụ động ở mặt trận này, để dồn sức cho mặt trận chính tại bán đảo Sinai. Tuy nhiên, này 5 tháng 6, quân Jordan bắt đầu pháo kích tây Jerusalem, Netanya, và ngoại vi Tel Aviv.Ngày 5 tháng 6, Israel gửi điện cho vua Hussein đề nghị ngưng bắn, nhưng vua Hussein trả lời mọi việc đã quá trễ. Mặc dù bị pháo kích, nhưng ban đầu quân Israel không có bất kỳ hoạt động nào đáp trả. Không quân hoàng gia Jordan cũng tấn công các sân bay Israeli.
Ngày 6 tháng 6, quân Israel vội vã gom nhặt các toán quân còn lại tung vào trận chiến Bờ Tây để ngăn chặn quân Jordan. Chiều cùng ngày, không quân Israel (IAF) công kích và tiêu diệt Không quân hoàng gia Jordan. Tới tối, lữ đoàn bộ binh Jerusalem tiến về phía nam Jerusalem, trong khi quân dù các lữ đoàn Harel và Gur vây thành phố từ phía bắc. Lữ đoàn dù dự bị hoàn thành hợp vây Jerusalem sau trận chiến đẫm máu Ammunition Hill. E ngại các khu vực linh thiêng có thể bị hư hại và không muốn chiến đấu trong thành phố, tướng Dayan hạ lệnh cho binh sỹ của mình không tiến vào thành phố.
Ngày 7 tháng 6, giao tranh khốc liệt tiếp diễn, lữ đoàn bộ binh tấn công pháo đài Latrun và hạ được nó lúc tảng sáng, tiến quân xuyên qua Beit Horon về Ramallah. Lữ đoàn Harel tiếp túc đánh về phía đồi núi ở tây bắc Jerusalem, nối liền khu Mount Scopus của trường đại học Hebrew với thành phố Jerusalem. Tới tối, lữ đoàn đã đánh tới Ramallah. Không quân Israel phát hiện và tiêu diệt lữ đoàn 60 Jordan khi nó đang trên đường tiếp viện cho Jerusalem từ Jericho.
Ở phía bắc, một tiểu đoàn từ sư đoàn của tướng Peled được lệnh kiểm soát hoạt động hệ thống phòng thủ của quân Jordan tại thung lũng Jordan. Một lữ đoàn cũng thuộc sư đoàn này đánh chiếm miền tây của khu Bờ Tây, một lữ đoàn khác đánh Jenin và lữ đoàn thứ ba (trang bị bằng xe tăng hạng nhẹ AMX-13 của Pháp) giao chiến với xe tăng hạng nặng M48 Patton của quân Jordan về phía đông.
Tướng Dayan hạ lệnh cho binh sỹ của mình không được tiến vào Jerusalem; tuy nhiên, sau khi nghe thông báo LHQ chuẩn bị tuyên bố ngưng bắn, ông thay đổi ý định, và không cần chờ Quốc hội cho phép, hạ lệnh đánh chiếm thành phố. Quân dù của Lữ đoàn Gur tiến vào Thành cổ Jerusalem qua Cổng Sư tử, đánh chiếm Bức tường than thở và Núi Đền. Lữ đoàn Jerusalem tiếp đó tới tăng viện cho họ, rồi tiến về hướng nam, đánh chiếm Judea, Gush Etzion và Hebron. Lữ đoàn Harel hành tiến về phía đông, đổ xuống sông River. Ở Bờ Tây, một lữ đoàn của tướng Peled hạ được Nablus; rồi nó được hợp với một lữ đoàn bọc thép thuộc Bộ chỉ huy trung ương đánh với quân Jordan trang bị mạnh hơn, và đông ngang với quân Israel.
Một lần nữa, ưu thế không lực của Israel đóng vai trò quyết định, làm đối phương tê liệt, dẫn đến thất bại. Một lữ đoàn của tướng Peled hợp với một lữ đoàn khác thuộc Bộ chỉ huy trung ương từ Ramallah, hai lữ đoàn khác thì chặn các ngả vượt sông Jordan cùng với Trung đoàn số 10 của Bộ chỉ huy trung ương (đơn vị này đã vượt sông sang tận Bờ Đông để hộ tống cho công binh Israel phá cầu, nhưng nhanh chóng rút về dưới sức ép của Mỹ).
Chiến sự trên Cao nguyên Golan
Chiến sự trên Cao nguyên Golan, 9-10 tháng 6
Tin tức sai lệch rằng quân Ai Cập chiến thắng, đánh tan nát quân Israel và dự đoán là pháo binh Ai Cập chẳng mấy chốc sẽ nã vào Tel-Aviv kích thích Syria tham chiến. Lãnh đạo Syria tuy vậy hành động thận trọng hơn, cho bắt đầu bằng cách pháo kích miền bắc Israel. Khi không lực Israel hoàn tất đánh phá Ai Cập, và chuyển hướng tấn công không quân Syria, Syria hiểu rằng thông tin mà họ nhận được từ phía Ai Cập không phải là tin thật. Tối ngày 5 tháng 6, các cuộc không kích của Israel đã phá hủy hai phần ba không quân Syria, và buộc số còn lại phải di tản về các sân bay ở xa, nên không đóng vai trò gì trong các trận chiến sắp tới. Một lực lượng nhỏ quân Syria định chiếm nhà máy nước Tel Dan, nhưng vài xe tăng Syria bị chìm trên sông Jordan. Từ nay, bộ chỉ huy Syria phải từ bỏ hy vọng tấn công trên bộ, thay vào đó bắn phá dữ dội các thị tấn trong thung lũng Hula của Israel.
Quân Syria có 75,000 người, chia làm 9 lữ đoàn, hỗ trợ bởi xe tăng và pháo binh. Lực lượng xung kích của Israel bao gồm 2 lữ đoàn (một lữ đoàn bọc thép của tướng Albert Mandler và lữ đoàn Golan) ở phần phía bắc mặt trận, 2 lữ đoàn (một bộ binh và một của tướng Peled được gọi đến từ Jenin) ở trung tâm. Địa hình đặc biệt của Cao nguyên Golan (sườn dốc, và cứ vài km lại bị chia cắt bởi các dòng suối song song nhau từ đông sang tây), không có đường xá, buộc hai bên bố trí lực lượng và di chuyển theo trục đông tây, giới hạn khả năng hỗ trợ tác chiến giữa các đơn vị với nhau. Quân Syria như vậy có thể di chuyển theo hướng bắc nam trên đỉnh cao nguyên, còn quân Israel có thể di chuyển theo hướng bắc năm ở chân cao nguyên. Tuy nhiên quân Israel có lợi thế quan trọng là họ có được tin tức tình báo từ điệp viên của Mossad là Eli Cohen (anh bị bắt và bị hành quyết tại Syria năm 1965) về bố trí lực lượng của Syria.
Lực lượng quân đội Israel, vốn đã tấn công pháo binh Syria trong bốn ngày trước khi cuộc tấn công nổ ra, được lệnh tấn công tổng lực vào tất cả các vị trí của Syria. Trong khi các vị trí pháo binh được che chắn cẩn thận của hầu như không bị thiệt hại, thì lực lượng bộ binh tại bình nguyên (6 trên tổng số 9 lữ đoàn) dần dần không thể tổ chức kháng cự được. Tối ngày 9 tháng 6, bốn lữ đoàn của Israel chọc thủng hàng phòng ngự tiến vào bình nguyên, nơi họ có thể được các đơn vị khác tiếp viện và thay thế.
Ngày hôm sau, cụm trung tâm và phía bắc hợp binh trong một cuộc điều binh tạo thành gọng kìm bao vây, nhưng họ chủ yếu chỉ chiếm được những vùng đất trống rỗng, vì quân Syria đã chạy mất. Một số đơn vị kết hợp với quân của tướng Elad Peled trèo lên Golan từ phía nam, nhưng thấy các vị trí cũng hầu hết bị bỏ hoang. Cùng ngày, các đơn vị Israel dừng lại sau khi đã chiếm được vùng đất dụng võ nằm giữa vị trí của họ và dãy núi lửa ở phía tây. Phía đông, địa hình bằng phẳng, sườn dốc thoai thoải xuống, tuyến này sau lệnh ngưng bắn trở thành “tuyến tím”.
Tạp chí Time cho biết: “Để gây sức ép buộc Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh ngừng bắn, Đài phát thanh Damascus tự làm hại quân mình bằng cách loan báo thành phố Quneitra thất thủ 3 tiếng trước khi sự việc thực sự xảy ra. Thông báo hấp tấp này làm tiêu tan tinh thần binh lính Syria vẫn còn chiến đấu trên mặt trận Golan”.
Thực tế là phía Israel không hề chuẩn bị để đánh chiếm lãnh thổ từ tay Jordan. Sau khi Thành Cổ Jerusalem bị chiếm, tướng Dayan hạ lệnh cho binh sỹ đào công sự chuẩn bị phòng ngự thành phố. Khi một chỉ huy lữ đoàn thiết giáp tự tiến vào Bờ Tây, và cho biết từ đây có thể nhìn thấy thị trấn Jericho, Dayan hạ lệnh cho ông này phải quay lại. Chỉ sau khi tin tức tình báo cho thấy vua Hussein rút quân qua sông, tướng Dayan mới quyết định đánh chiếm vùng Bờ Tây.
Vì ngày đầu phải đem quân diệt Ai Cập – quốc gia đứng đầu liên minh tay ba – nên ở mặt trận Jordan phía đông, Tel Aviv không mở đợt tấn công ồ ạt ngay được. Cuộc chiến đấu giành giật cổ thành diễn ra ác liệt trên từng khúc đường, từng căn nhà. Rốt cuộc, ngày 7/6, quân Israel chiến được Đông Jerusalem. Trong lúc đó, một cánh quân Do Thái khác chiếm Naplouse, Djenine và tiến vào bờ tây sông Jordan. Chiều 7/6, vua Hussein đành chịu thua. Trên 6.000 người của phía Jordan bị chết hoặc mất tích, 760 bị thương, 460 bị bắt làm tù binh, khoảng 1/3 trong tổng số 300 chiến xa bị phá hủy, máy bay hư hỏng toàn bộ. Quân Do Thái tổn thất 350 người. 300 binh sĩ khác bị thương.
Trong 3 nước Ảrập, Syria chiến đấu hăng hơn cả. Damascus dồn lên biên giới lực lượng khá mạnh: 75.000 quân được trang bị đầy đủ với 400 xe tăng. Syria lại có lợi thế cao nguyên Golan hiểm trở với nhiều thành lũy kiên cố do Đức, rồi Nga xây cất. Israel bị tổn thất khá nặng trên chiến trường này dù ngay từ đầu họ làm chủ không phận. Tel Aviv dùng chiến thuật tiêu hao và tấn công bất ngờ. Họ dùng máy bay dội bom dồn dập vào phòng tuyến đối phương, nã đại bác suốt 5 giờ liền, rồi từ thung lũng sông Jordan đánh thốc lên cao. Khi cửa đã mở, xe tăng lập tức xung trận. Tổng kết cuộc giao tranh, Syria có 200 người chết, 5.000 người bị thương, 80 xe tăng bị phá hủy, 40 bị cướp. Còn Israel thiệt 115 quân, 306 bị thương. 18h ngày 10/6, hai bên ngưng chiến theo lệnh của LHQ. Bộ trưởng Ngoại giao Syria đau lòng tuyên bố “Syria thua vì không được không quân yểm hộ” (không lực Ai Cập tan rã ngay từ đầu).
Vậy là khối Ảrập thêm một lần bại trận trước Israel. Tel Aviv đã tranh thủ cuộc chiến 1967 để chiếm thêm nhiều đất của phe Ai Cập. Cao nguyên Golan, khu Bờ Tây, Dải Gaza màu mỡ về tay Israel. Sau khi đình chiến, các nước Ảrập đứng trước tình thế hết sức khó khăn: Nội bộ bất ổn, kinh tế yếu ớt. Nước nào cũng thiếu tiền. Kênh Suez buộc phải đóng cửa khiến Ai Cập thiệt mỗi tuần cả 1,5 triệu đôla. Jordan mất đi thành cổ Jerusalem – nguồn lợi du lịch đem lại 34 triệu USD mỗi năm. Cả khu Bờ Tây trù phú cung cấp 80% sản lượng dầu ô liu, 65% rau trái cho nước này cũng bị quân Do Thái chiếm mất. Các quốc gia khác như Ảrập Xêút, Iraq, Kuwait cũng mất nguồn tiền bán dầu khi tức giận cắt quan hệ với phương Tây. Khối Ảrập bị chia rẽ mạnh. Hội nghị Khartoum (tháng 8/1967) do Ai Cập chủ xướng thất bại trong việc tìm ra một giải pháp chung buộc Israel rút quân.
Về phần mình, quốc gia Do Thái chiếm được nhiều đất, tạm thời loại bỏ được mối nguy từ các nước Ảrập. Tuy nhiên, điều này làm sâu sắc thêm sự hằn thù dân tộc ở Trung Đông. Sau chiến tranh, rất nhiều người Israel đem gia đình tới lập khu định cư ở Bờ Tây và Dải Gaza. Cho tới nay, 2% dân số quốc gia Do Thái (khoảng 400.000 người) đang ngụ tại khu vực này. Giải quyết bài toán đảm bảo cuộc sống cho những người định cư và kiến tạo hòa bình với Ảrập từ đó luôn làm Tel Aviv vò đầu bứt tai. Thực tế, nội bộ Israel luôn chia rẽ trên vấn đề đó. Những người cánh hữu cảm thấy vùng đất mới là chiến lợi phẩm hợp lý trong cuộc chiến chính nghĩa, trong khi cánh tả cho rằng nên đổi nó lấy hòa bình.
Một lần nữa, chiến thắng quân sự lại khiến người ta lo ngại hơn cho số phận của đất nước Do Thái. Sự xấu hổ và phẫn nộ của thế giới Ảrập từ thất bại ê chề trên đã đẻ ra phong trào Hồi giáo quá khích ở Trung Đông. Chiến tranh cũng dẫn tới một cuộc tái thiết hoạt động du kích và sự xuất hiện của lực lượng kháng chiến Palestine thực sự khi thêm nhiều người trở thành dân tị nạn.
Sau năm 1967, uy tín của Liên Xô suy giảm ở Trung Đông do nước này không can thiệp để cứu Ai Cập. Còn Mỹ và phương Tây giành thắng lợi lớn về tinh thần. Một loạt nước Ảrập (tiêu biểu là Jordan) quyết định ngả hẳn sang phe Washington.
Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973
Chiều 6/10/1973, những tiếng cầu nguyện trong ngày lễ Sám hối (Yom Kippur) lặng lẽ và thiêng liêng nhất của năm đột ngột bị ngắt quãng bởi tiếng còi hú dồn dập. Trên đường, xe tải, xe buýt và xe jeep quân sự phóng như điên. Toàn thể Israel bàng hoàng trước tin quân Ai Cập và Syria đã vượt biên giới.
Tình thế quả thực vô cùng nguy ngập. Liên quân Ảrập tấn công đúng vào ngày lễ trọng khi mà toàn dân Do Thái hầu như ngừng làm việc. Tất cả các viên chức đều nghỉ và đến giáo đường cầu nguyện. Đài phát thanh im tiếng. Hệ thống giao thông liên lạc giảm hoạt động đến mức tối thiểu. An ninh quốc phòng hết sức lơi lỏng.
Chiến sự nổ ra ở biên giới, Bộ Quốc phòng Israel đột ngột sôi lên như đàn ong vỡ tổ. Tin từ mặt trận báo về tới tấp. Vào đúng 1h55′ (giờ địa phương), Syria điều 1.400 xe tăng và hơn 1.000 khẩu pháo tấn công lên cao nguyên Golan. Trong khi đó ở đây, Israel chỉ để gần 180 xe tăng và 50 pháo. Chênh lệch lực lượng quá lớn (tỷ lệ 12:1, lợi thế nghiêng về Syria), cộng với sự bất ngờ khiến quân Do Thái phải lùi liên tục. Cùng lúc, ở phía nam Israel, quân Ai Cập vượt kênh Suez, dễ dàng vượt qua phòng tuyến Do Thái lỏng lẻo, nhanh chóng lập ra một đầu cầu khoảng 10 km xuyên sâu vào bán đảo Sinai.
Với người Do Thái, tháng 10 năm 1973 thực sự là những ngày đen tối. Chiến tranh Yom Kippur xảy ra bất ngờ và khủng khiếp, đột ngột đe dọa an ninh, thậm chí cả sự sống còn của Israel. Mặc dù vào cuối cuộc xung đột, Tel Aviv lật ngược tình thế, kề dao vào cổ cả Cairo lẫn Damascus, nhưng điều này chẳng thể loại bỏ được nỗi choáng váng khiến cả đất nước Do Thái chao đảo rất lâu sau đó. Người ta đặt câu hỏi: Làm thế nào mà một thảm họa như vậy lại xảy ra? Tại sao tình báo Israel – được đánh giá là mạnh nhất vùng – lại không đánh hơi được việc hai nước láng giềng chuẩn bị chiến tranh?
Mặt trận Sinai
Thoạt đầu quân Ai Cập không tiến xa hơn khỏi một dải đất hẹp dọc theo kênh đào, vì sợ không được lưới lửa phòng không SAM, nằm ở phía bờ bên kia, bảo vệ. Trong cuộc chiến tranh Sáu ngày, không quân Israel đánh cho quân A Rập tơi tả. Lần này Ai Cập và Syria phòng thủ chặt chẽ phòng tuyến của mình bằng các khẩu đội pháo phòng không do Liên Xô cung cấp. Không lực Israel không có phương cách gì chế ngự được lưới lửa phòng không này. Israel vốn sử dụng một phần lớn ngân sách quốc phòng của mình để xây dựng lực lượng không quân mạnh nhất khu vực, nhưng sẽ phải nhìn không lực của mình bị vô hiệu hóa bởi các khẩu đội tên lửa SAM của đối phương.
Ai Cập dự tính quân Israel sẽ nhanh chóng tung ra một đòn phản kích bằng xe tăng, nên trang bị cho lớp bộ binh xung kích của mình một số súng phóng lựu và tên lửa chống tăng Saggernhiều chưa từng thấy. Số khí tài này sẽ gây tổn thất nặng nề cho cuộc phản kích bằng xe bọc thép của Israel. Cứ ba binh lính Ai Cập thì có một người được trang bị vũ khí chống tăng. Một sử gia quân sự viết “Chưa bao giờ hỏa lực chống tăng lại được sử dụng tập trung nhiều đến thế trên chiến trường.” Thêm vào đó, bờ kênh bên phía Ai Cập được đắp cao gấp đôi bờ kênh bên phía Israeli, khiến cho quân Ai Cập có ưu thế tuyệt đối để chụp hỏa lực xuống quân Israel cũng như bất kỳ xe tăng nào dám tới gần. Tầm vóc cũng như tính hiệu quả của chiến thuật triển khai vũ khí chống tăng mà quân Ai Cập sử dụng, cộng với sự bất lực từ phía không lực Israel nhằm vô hiệu hóa chúng (do vướng lưới phòng không SAM) khiến cho quân Israel bị tổn thất nặng nề trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Quân Ai Cập dành rất nhiều nỗ lực nhằm tìm ra một giải pháp hữu hiệu và nhanh chóng để chọc thủng chiến tuyến của Israel. Người Israel dựng lên một lớp chiến lũy cát cao đến 18 mét. Các kỹ sư Ai Cập ban đầu tính dùng thuốc nổ để phá chướng ngại vật, cho tới khi một sỹ quan cấp thấp đề xuất sử dụng vòi phun nước áp lực lớn. Ý tưởng trên được đem ra thí nghiệm, và tỏ ra hữu hiệu, nên người ta cho nhập nhiều máy bơm cao áp từĐông Đức. Quân Ai Cập sử dụng các máy bơm nước này để hút nước từ kênh đào Suez và thổi băng đi lớp chướng ngại vật bằng cát.
Tới 2:05 chiều, không quân Ai Cập mở cuộc không kích lớn với chừng 200-250 máy bay, bay rất thấp, đánh vào 3 sân bay, 10 vị trí tên lửa phòng không Hawk, các sở chỉ huy chính, trung tâm gây nhiễu điện tử, trạm radar, hai căn cứ pháo tầm xa và một cứ điểm mạnh ở phía đông Port Fuad của Israel. Bộ chỉ huy Ai Cập tính là không quân của họ đã hoàn thành đánh phá 95% mục tiêu, mà chỉ mất có 5 máy bay. Cùng lúc với cuộc không kích, quân Ai Cập tiến hành pháo kích dữ dội với hơn 2000 pháo trong 53 phút, bắn vào tuyến phòng thủ Bar Lev và các lô cốt, hầm chỉ huy, khu vực tập trung xe tăng.
Được pháo binh bắn yểm trợ, 8.000 quân Ai Cập vượt kênh đợt đầu bằng 1000 xuồng cao su, đánh chiếm hoặc phá hủy gần hết các đồn trên tuyến Bar-Lev (chỉ còn duy nhất một đồn tiếp tục chống cự). Các tổ diệt xe tăng bắt đầu đặt mìn, tổ chức phục kích xe tăng của Israel, ngăn chặn xe tăng của Israel quấy rỗi cuộc đổ bộ. Tới 2:30 chiều quân Ai Cập đã cắm cờ trên bờ đông của kênh Suez, và đến 2:46 quân Ai Cập đã chiếm được đồn đầu tiên. Quân đoàn cơ giới bắt đầu lập cầu phao, được pháo binh và bộ binh yểm trợ. Quân đặc nhiệm Sa’iqa(nghĩa là “chớp nhoáng”) được trực trăng đổ vào sâu tới 40km trong Sinai để đánh phá và ngăn cản quân dự bị Israel can thiệp. Không quân Israel tìm cách ngăn chặn quân Ai Cập lập cầu phao, nhưng bị tên lửa SAM của Ai Cập bắn rát; 13 máy bay của Israel bị bắn cháy từ khi cuộc đổ bộ bắt đầu cho tới 5 giờ chiều. Các cuộc không kích trên nhìn chung là không có hiệu quả, vì các cầu phao bị hư hại được nhanh chóng sửa chữa và đưa vào hoạt động trở lại. Lữ đoàn quân Israel phòng ngự phòng tuyến Bar-Lev bị tiêu diệt. Chỉ trong chưa đầy sáu giờ, quân Ai Cập đã hạ 15 đồn, tiến sâu đến vài km. Cũng trong thời gian này, quân Ai Cập đưa năm sư đoàn bộ binh và 850 xe tăng vượt kênh.
Một lữ đoàn chiến xa lội nước gồm một ngàn quân, 20 xe tăng PT-76 và 80 APC vượt Đại hồ Bitter ngày 6 tháng 10. Mục tiêu của họ là cắt đứt hệ thống liên lạc và chỉ huy dọc theo các con đèo Mitla và Gedy. Lữ đoàn này tấn công các vị trí radar và trạm vô tuyến của Israel tại các con đèo đó, và tấn công sân bay Bir-el-Thamada trong ngày 7-8 tháng 10, trước khi rút lui về phòng tuyến Ai Cập ở bờ kia kênh Suez. Bị hỏa lực phi pháo Ai Cập đánh phủ đầu, Công binh Ai Cập lập nhiều cầu nổi bắc qua kênh đào Suez cho bộ binh, chiến xa băng qua nhanh chóng như nước vỡ bờ. Những cứ điểm dọc theo phòng tuyến bị bao vây, chiến đấu trong tuyệt vọng. Quân đội Do Thái thiết lập mười sáu cứ điểm cách nhau năm dặm, dọc theo bờ kênh đào Suez, tất cả đều bị cô lập, bao vây tấn công. Trong mỗi cứ điểm trên phòng tuyến, có khoảng 20, 30 binh sĩ nằm chiụ trận trước những đợt pháo kích dồn dập của Pháo binh Ai Cập. Sau trận điạ pháo kinh hoàng, bộ binh, chiến xa Ai Cập tấn công, tất cả các cứ điểm đều bị tràn ngập, Cứ điểm Quay trên phòng tuyến Bar Lev có 42 binh sĩ, khi bị quân Ai Cập tràn ngập thì 5 người đã chết và 37 người bị thương, thiệt hai quân số 100%. Chỉ ngoại trừ một cứ điểm có mật hiệu là Budapest nhờ điạ thế chiến lược đặc biệt và tiếp tục nằm dưới quyền kiểm soát của Israel cho tới hết cuộc chiến.
Quân Ai Cập hoàn thành cuộc vượt kênh với rất ít tổn thất: 280 binh sỹ, 15 máy bay và 20 xe tăng. Trong khi đó, tổn thất của Israel lớn hơn nhiều: tới ngày 7 tháng 10, tướng Mandler thông báo sư đoàn bọc thép của mình từ 291 xe tăng chỉ còn 100 xe, lữ đoàn bọc thép Shomron ở phía nam từ 100 xe tăng chỉ còn 23 xe tăng. Tổng cộng, có 300 xe tăng của Israel bị phá hủy trong cuộc tấn công của Ai Cập vào chiến lũy Bar-Lev, lữ đoàn bộ binh bảo vệ chiến tuyến bị tiêu diệt. Tới 16:00 Elazar được biết tổn thất của IAF trong vòng 27 giờ đầu lên tới 30 máy bay.
Trong một chiến dịch đã được tập luyện thành thục, quân Ai Cập tiến sau chừng 4-5km vào sa mạc Sinai với lực lượng tổng hợp của hai quân đoàn, bao gồm cả sư đoàn bộ binh số hai từ quân đoàn số hai phía bắc.[15] Quân Ai Cập tiếp đó củng cố các vị trí của họ. Tới 7 tháng 10, các đầu cầu này được mở rộng thêm 4km, cùng lúc đẩy lùi các cuộc phản công của Israel. Trong các đêm 7 và 8 tháng 10, sư đoàn bộ binh 18 Ai Cập đánh chiếm thành phố Qantara.
Ngày 8 tháng 10, tướng Shmuel Gonen, chỉ huy mặt trận Nam Israel—người chỉ mới nhậm chức ba tháng trước khi tướng Ariel Sharon về hưu—hạ lệnh phản công với ba lữ đoàn từ sư đoàn bọc thép 162 của tướng Abraham Adan. Tuy nhiên, một lữ đoàn bị kẹt vì giao thông quá tải, hai lữ đoàn khác mới chỉ tập hợp được nửa quân số.. Họ tấn công quân Ai Cập cố thủ tại Hizayon, nhưng bất kỳ xe tăng nào tiến đến gần đều bị hỏa tiễn Sagger phá hủy, quân Israel thất bại nặng. Tới tối, quân Ai Cập phản công, nhưng bị Sư đoàn xe bọc thép 163 của tướng Ariel Sharon chặn lại— tướng Sharon được điều lại làm chỉ huy sư đoàn khi chiến tranh bùng nổ. Giao tranh lắng xuống vì không bên nào muốn mở cuộc tiến công vào chiến tuyến của bên kia nữa. Tổn thất của phía Israel trong các trận giao tranh tới lúc này lên đến 49 máy bay và khoảng 500 xe tăng bị mất.
Cùng ngày, sư đoàn số hai bộ binh Ai Cập hoàn thành tiêu diệt lữ đoàn pháo binh 190 của Israel và bắt sống chỉ huy đơn vị này, trong khi đó, ngày 10 tháng 10, lữ đoàn bộ binh số một thuộc quân đoàn ba đánh chiếm các vị trí bố phòng tại Ain Mousa với hai khẩu đội đại pháo 155mm, khoảng 14km về phía tây nam Suez. Không quân Israeli (IAF) tăng cường tấn công trong những ngày tiếp đó vào các vị trí của quân Ai Cập bố trí dọc bờ kênh Suez.
Trong ngày 9 tháng 10, trên toàn mặt trận, quân Ai Cập tiếp tục tiến công thăm dò nhằm củng cố và mở rộng đầu cầu. Quân Israel phản kích, và cũng giống như các cuộc tấn công mà họ tiến hành trong ngày 8 tháng 10, với tổn thất nặng nề. Trong hai ngày đó, người Israel mất tổng cộng 260 xe tăng.[26] Ở mặt trận do tướng Sharon chỉ huy, trong khi sư đoàn 16 bộ binh định chiếm lại mấy dải đất hẹp quan trọng, thiếu tướng Ai Cập Shafik Mirti Sedrak tử trận. Sharon, để trả đũa, hạ lệnh mở một số cuộc tấn công, vi phạm lệnh chuyển sang phòng ngự của tướng Elazar. Quân đoàn hai đưa một tiểu đoàn xe tăng sang hỗ trợ sư đoàn 16 để đẩy lui cuộc phản kích của Israel. Cùng lúc, hai lữ đoàn xe bọc thép mở cuộc tấn công để chiếm các vị trí tại Hamutal, Televiza và Machshir, nhưng không chiếm được vị trí nào. Tới tối, Sharon mất thêm 50 xe tăng mà không giành được thắng lợi, dù quân Israel rút được đơn vị quân đóng tại cứ điểm Purkan.
Sau khi biết được hành động bất tuân lệnh của tướng Sharon, tướng Elazar phát khùng lên, nhưng thay vì bãi chức tướng Sharon, người được coi là rất sáng tạo, ông cho thay thế tướng Gonen, người tỏ ra hết sinh khí, bằng tướng về hưu Chaim Bar-Lev. Để khỏi ảnh hưởng đến tinh thần binh sỹ, tướng Gonen thay vì bị bãi chức, lại được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng cho tướng Bar-Lev. Tới ngày 10 tháng 10, cả hai phía tạm ngưng chiến
Sau vài ngày chờ đợi, quân Ai Cập nhận ra Israel tập trung nỗ lực vào mặt trận Golan đánh lại Syria. Sadat, muốn giảm áp lực lên Syria, hạ lệnh các tướng tổng chỉ huy (Saad El Shazly và Ahmad Ismail Ali) tấn công. Quân đoàn hai và ba sẽ tấn công đồng loạt về hướng đông, chỉ để lại năm sư đoàn bộ binh để bảo vệ đầu cầu. Lực lượng tấn công, gồm 400 xe tăng sẽ không được tên lửa SAM bảo vệ, nên không quân Ai Cập (EAF) được giao nhiệm vụ bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công từ không lực Israel. Các đơn vị xe bọc thép và cơ giới bắt đầu cuộc tấn công ngày 14 tháng 10 với pháo binh bắn yểm trợ. “Cuộc tấn công lớn nhất kể từ khi Ai Cập mở màn cuộc chiến Yom Kippur, hoàn toàn thất bại, định mệnh lần đầu tiên quay lưng lại với Ai Cập kể từ khi chiến tranh nổ ra. Thay vì tập trung lực lượng để tấn công, trừ cuộc tấn công vào lòng suối cạn, còn lại họ ném lực lượng vào các cuộc đối đầu với các lữ đoàn Israel đợi sẵn. Quân Ai Cập mất chừng 150 cho tới 250 xe tăng trong ngày hôm đó.”
Ngày tiếp theo, 15 tháng 10, quân Israel mở Chiến dịch Abiray-Lev (“Quả cảm” hay “Dũng sỹ”)—để phản công lại Ai Cập và vượt kênh Suez. Cuộc tấn công là một bước chuyển lớn về mặt chiến thuật của Israel, vốn vẫn dựa vào hỏa lực hỗ trợ của máy bay và xe tăng—nhưng bị quân Ai Cập vốn có sự chuẩn bị kỹ càng tiêu diệt. Thay vào đó, Israel sử dụng bộ binh để thâm nhập các vị trí tên lửa SAM và các khẩu đội pháo phòng không, không có khả năng kháng cự hiệu quả chống lại lính bộ binh.
Tướng Ariel Sharon dẫn một sư đoàn đánh vào quân Ai Cập ở phía bắc hồ Bitter, cạnh Ismailiya. Quân Israel đánh vào điểm yếu trong chiến tuyến Ai Cập, là điểm nối giữa Quân đoàn hai ở phía bắc và Quân đoàn ba ở phía nam. Sau những trận ác diến dữ dội nhất trong toàn cuộc chiến quanh Nông trại Trung Quốc (một công trình thủy lợi ở phía đông kênh đào, và phía bắc đầu cầu vượt kênh), quân Israel chọc thủng chiến tuyến Ai Cập và tiến đến kênh Suez. Một toán quân vượt kênh và thiết lập một đầu cầu ở bờ bên kia sông. Chỉ trong hơn 24 giờ, binh lính Israel, không có xe tăng hộ tống, dùng bè nhỏ bằng cao su vượt sông. Họ sử dụng hỏa tiễn chống tăng M72 LAW của Mỹ để khắc chế mối đe dọa xe tăng Ai Cập. Một khi hỏa lực phòng không và hệ thống chống tăng của Ai Cập bị vô hiệu hóa, bộ binh Israel quay lại sử dụng hỏa lực xe tăng và máy bay để áp đảo quân địch.
Trước khi chiến tranh nổ ra, các quốc gia phương Tây không bán phương tiện làm cầu phao cho Israel, vì sợ họ sẽ dùng nó để vượt kênh. Tuy vậy, người Israel mua và tân trang các linh kiện cầu phao cổ lỗ từ một bãi phế liệu thời Đệ nhị Thế chiến tại Pháp. Họ cũng sáng tạo một cây “cầu đẩy” rất tinh vi, nhưng do tiếp tế bị chậm bởi đường xá tắc nghẽn, nó đến bờ kênh chậm mất mấy ngày. Lập cầu phao trong đêm 16/17 tháng 10, sư đoàn 162 của tướng Adan vượt kênh rồi ùa về phía nam, định cắt đứt đường rút của Quân đoàn ba Ai Cập trước khi nó tháo lui kịp về Ai Cập. Cùng thời gian, cánh quân này tung các toán quân đột kích phá hủy các khẩu đội tên lửa SAM ở bờ đông kênh Suez. Tới 19 tháng 10, Israel đã thiết lập được bốn cây cầu ở phía bắc Đại hồ Bitter dưới làn hỏa lực dữ dội của Ai Cập. Tới cuối cuộc chiến, quân Israel đã ở trong biên giới Ai Cập, và chỉ cách thủ đô Cairo của Ai Cập có 101km.
Mặt trận Golan
Trên Cao nguyên Golan, quân Syria tấn công hệ thống phòng thủ của Israel gồm hai lữ đoàn và 11 khẩu đội pháo, sử dụng năm sư đoàn và 188 khẩu đội pháo. Lúc trận chiến mở màn, 180 xe tăng và 60 pháo của Israel phải đọ lại với 1.300 xe tăng Syria.[31] Tất cả các xe tăng Israel tại Cao nguyên Golan đều được tung vào trận. Biệt kích Syria đổ bộ bằng trực thăng đánh chiếm cứ điểm quan trọng Jabal al Shaikh (núi Hermon), là nơi bố trí nhiều thiết bị quan sát của Israel.
Cuộc chiến tại Cao nguyên Golan có tầm quan trọng hàng đầu với Bộ Tổng chỉ huy Israel. Do chiến trận tại Sinai còn cách khá xa, các trung tâm dân cư của Israel chưa bị trực tiếp đe dọa, nhưng nếu cao nguyên Golan thất thủ, quân Syria có thể dễ dàng thừa thắng đánh tới Tiberias, Safed, Haifa, Netanya, và Tel Aviv. Quân dự bị Israel được khẩn trương tập trung tại Cao nguyên Golan. Họ được nhận xe tăng rồi tung ra mặt trận ngay tức khắc, không chờ cho tới khi tổ lái mà họ được cùng huấn luyện đến đủ, cũng không chờ cho tới khi súng máy được lắp trên tháp pháo, cũng chẳng cần chờ phải chỉnh nòng pháo (vì mất nhiều thời gian).
Cũng tương tự như quân Ai Cập tại Sinai, quân Syria cẩn thận hoạt động dưới tầm yểm trợ của tên lửa SAM, và sử dụng súng chống tăng do Liên Xô sản xuất (nhưng không hiệu quả bằng, vì địa hình tại đây không bằng phẳng, như tại vùng sa mạc Sinai).
Quân Syria dự tính người Israel phải mất tối thiểu 24 giờ mới đưa quân dự bị ra tới mặt trận được, nhưng trong thực tế, quân dự bị Israel xung trận chỉ 15 giờ sau khi chiến tranh bùng nổ.
Sau ngày đầu giao chiến, quân Syria (với lực lượng đông gấp năm lần quân Israel tại Golan, có những nơi xe tăng Syria đông gấp 11 lần) giành được một số thắng lợi khiêm tốn. Quân Israel kháng cự mãnh liệt, bộ binh và xe tăng Israel kiệt lực chiến đấu để đẩy lùi quân Syria. Họ sử dụng pháo tự hành rất hiệu quả, vì pháo thủ Israel đã thao diễn rất nhiều lần đến thuần thục trên cao nguyên Golan. Tên lửa SAM của Syria bắn rơi 40 máy bay Israel, nhưng phi công Israel nhanh chóng sử dụng chiến thuật mới- bay thấp trên lãnh thổ Jordan- rồi bổ nhào xuống cao nguyên Golan, bất thần đánh vào sườn quân Syria và tránh các dàn tên lửa phòng không. Phi công Israel ném bom thường và bom napalm, phá hủy xe quân sự Syria rải xác đầy mặt đất. Tuy vậy, chỉ trong vòng sáu giờ, tuyến đầu phòng thủ của Israel bị quân Syria đông quá đánh tan vỡ.
Trong vòng bốn ngày đầu giao chiến, Lữ đoàn thiết giáp số bẩy của Israel (do tướng Yanush Ben Gal chỉ huy) cầm cự trên dải đồi đá phòng ngự sườn phía bắc của đại bản doanh lữ đoàn tại Nafah. Vì một lý do nào đó, quân Syria dù đã tiến rất gần đến Nafah, nhưng họ lại ngưng tiến, tạo điều kiện cho quân Israel tập hợp lại thành một tuyến phòng ngự. Lý do có thể là quân Syria tính trước tốc độ tiến công, và chỉ huy chiến trường của Syria không muốn đi chệch khỏi kế hoạch. Tuy nhiên ở hướng nam, Lữ đoàn Barak của Israel, mất hết các thành lũy tự nhiên, bắt đầu bị tổn thất nặng, lữ đoàn trưởng đại tá Shoham bị giết trong ngày thứ hai cuộc chiến, cũng như chỉ huy phó và sỹ quan điều hành tác chiến, khi quân Syria liều mạng tấn công về hướng Biển Galilee và Nafah. Tới lúc này, lữ đoàn không còn hoạt động như một đơn vị thống nhất, mặc dù các xe tăng và tổ lái tiếp tục độc lập chiến đấu. Về phía mình, quân Syria cũng bị nhiều tổn thất, xe tăng Israel tiếp tục nã đạn vào đội hình tấn công của Syria làm họ bị thiệt hại nặng nề, lữ đoàn trưởng Syria, tướng Omar Abrash bị giết khi xe tăng của ông bị trúng đạn.
Tình thế trên cao nguyên Golan bắt đầu xoay chuyển khi quân dự bị Israeli xuất hiện, chặn đứng quân Syria, rồi tới ngày 8 tháng 10, bắt đầu đánh lui cuộc tấn công của quân Syria. Cao nguyên Golan quá nhỏ hẹp, không có giá trị vùng đệm như bán đảo Sinai ở phía nam, nhưng có giá trị chiến lược quan trọng, vì là điểm chốt để ngăn quân Syria bắn phá các thị trấn ở phía dưới. Tới thứ tư, ngày 10 tháng 10, các đơn vị cuối cùng của Syria thuộc bộ phận Trung tâm đã bị đẩy lùi qua tuyến tím, tức là đường biên giới trước khi chiến tranh bùng nổ
Từ ngày 11 tới ngày 14 tháng 10, quân Israel đánh sâu vào nội địa Syria, nhưng quân dự bị Syria kháng cự mạnh mẽ từ các công sự phòng thủ được chuẩn bị từ trước. Quân Israel tiếp tục tiến đánh, và tiến đến tuyến phòng ngự chính quanh Sassa. Israel như vậy đã chiếm được thêm 50 km vuông lãnh thổ quanh Bashan. Từ đây, họ có thể bắn trọng pháo vào ngoại vi Damascus, chỉ cách đó 40 km.
Iraq cũng đưa một lực lượng viễn chinh tới Golan, bao gồm khoảng 30.000 quân, 500 xe tăng, và 700 xe bọc thép (APC). Sư đoàn Iraq này là một bất ngờ chiến lược cho Israel, vì họ tin rằng họ có thể nhận được tin tình báo về sự chuyển quân ngày trước 24 giờ. Bất ngờ này chuyển thành bất ngờ chiến thuật, vì quân Iraq đánh vào sườn phía nam để hở của các xe tăng Israel đang tấn công, buộc họ phải rút lui chừng vài km để đề phòng bị bao vây.
Quân đội liên hợp của Syria, Iraq và Jordan phản công để ngăn bước tiến của Israel, nhưng không đẩy lui quân Israel khỏi Bashan được.
Thực tế, để giành được ưu thế bất ngờ, tổng thống Ai Cập Anwar Sadat – nhân vật chủ chốt trong ban lãnh đạo liên quân Ảrập – đã tính kỹ từng đường đi nước bước.
tổng thống Ai Cập Anwar Sadat
Khi Sadat lên nắm quyền năm 1970, Ai Cập ở trong tình trạng rất xấu: Xã hội bất ổn, kinh tế vô cùng khó khăn. Kênh Suez, mối lợi 1,5 triệu USD mỗi tuần, vẫn phải đóng cửa suốt kể từ cuộc chiến 6 ngày với Israel. Người Do Thái lại chiếm mất bán đảo Sinai giàu dầu mỏ. Vì vậy, suốt từ năm 1970 đến đầu năm 1973, Cairo không ngừng thương lượng với Tel Aviv, hy vọng thu lại được đất đai để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, quan điểm của hai bên rất xa nhau. Ai Cập chấp nhận ký hiệp ước hòa bình với điều kiện Israel rút hết quân khỏi những vùng đất chiếm đóng trái phép. Israel kiên quyết bác bỏ yêu cầu này. Sau thắng lợi quá giòn giã năm 1967, Tel Aviv xem quân Do Thái gần như vô địch trong khu vực và tin rằng người Ảrập còn lâu mới dám đối đầu một lần nữa. Đàm phán hoàn toàn bế tắc. Tổng thống Sadat nhận định, chiến tranh là không thể tránh khỏi. Người đứng đầu Syria Hafez Assad cũng đồng tình. Ông muốn giành lại cao nguyên Golan.
Từ năm 1970 tới nửa đầu năm 1973, phe Ảrập liên tục đe dọa chiến tranh. Cứ vài tháng, tổng thống Ai Cập Sadat lại làm báo chí sục sôi khi công khai tuyên bố ý định tấn công Israel. Ông gọi 1971 là “năm quyết định”, nhưng 1971 đến và đi mà không có sự kiện gì xảy ra. Năm 1972, Sadat lại hằm hè với Tel Aviv, tuy nhiên quân Ai Cập vẫn án binh bất động. Đến trước năm 1973, Israel và cả thế giới đã quá mệt mỏi, khi nghe Cairo tuyên bố tấn công, chẳng mấy ai còn tin nữa. Những đợt chuyển quân lớn của Ai Cập và Syria lên vùng biên giới vào tháng 9/1973 để chuẩn bị cho chiến tranh thực sự cũng không làm Tel Aviv cảm thấy cần cẩn thận hơn trong bố phòng biên giới.
Tổng thống Syria Hafez Assad.
Kế hoạch tác chiến của phe Ảrập được tuyệt đối giữ kín. Ở Ai Cập, trước ngày 1/10/1973, chỉ có tổng thống và bộ trưởng quốc phòng nắm được bí mật này. Về phần Syria, chỉ một số nhân vật trong nội các (dưới 10 người) biết rằng chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra. Dè chừng hệ thống nghe trộm điện tử tinh vi của Israel, lãnh đạo Ảrập hạn chế tối đa liên lạc qua điện thoại và điện tín.
Ngay cả khi ngày khai chiến đã gần kề, các nhà ngoại giao Ai Cập vẫn không ngừng “bày tỏ thiện chí hòa bình” với các chính phủ phương Tây. Cairo còn tung hỏa mù bằng cách yêu cầu các học viên sĩ quan trở lại trường vào ngày 9/10 và cho tướng tá quân đội đi hành hương ở Mecca. Vào 4/10, đài Ai Cập cũng loan báo 20.000 lính dự bị đã được phục viên…
Tình báo Israel bối rối vô cùng. Những thông tin họ thu được cực kỳ mâu thuẫn. Ngay từ cuối tháng 4, mật vụ Do Thái đã có trong tay kế hoạch hành quân chi tiết của Cairo và Damascus. Israel biết rằng đội quân thứ 2 và thứ 3 của Ai Cập sẽ vượt kênh và thọc sâu 10 km vào bán đảo Sinai. Sau đó, bộ binh và thiết giáp sẽ đổ quân đánh úp đèo Mitla và Gidi – điểm giao chiến lược. Trong lúc đó, hải quân và lính dù tấn công Sharm el-Sheikh ở cực nam Sinai, v.v. Tuy nhiên, các chính trị gia Israel, sau nhiều lần bị báo động giả, không tin rằng người Ảrập có ý định gây chiến nghiêm túc. Chỉ một thiếu úy tình báo quân đội có tên Binyamin Siman-Tov là không bị lừa. Anh viết liền 2 bản báo cáo dài về nguy cơ chiến tranh vào mồng 1 và 3/10. Lời cảnh báo bị cấp trên của Siman-Tov bỏ qua.
Vào ngày 4/10, Zvi Zamir, giám đốc cơ quan tình báo Mossad, bắt đầu cảm thấy lo lắng. Hôm đó, toàn bộ cố vấn Xô Viết và gia đình của họ đột ngột rời Ai Cập và Syria mà không đưa ra lời giải thích chính thức nào. Trong khi đó, máy bay vận tải chở nhiều vũ khí và quân trang lại nối đuôi nhau bay từ Matxcơva tới Damacus.
Đêm 5/10, ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy quân Ảrập tập trung nhiều xe tăng, bộ binh gần cao nguyên Golan và trên bờ tây kênh Suez. Hệ thống phòng không dùng tên lửa đất đối không (SAM) do Liên Xô cung cấp cũng ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, chính quyền trung ương Do Thái vẫn không có phản ứng gì.
Chiều 5/10, Zamir nhận được điện khẩn từ một điệp viên kỳ cựu khẳng định Ai Cập và Syria sẽ tấn công Israel, tuy không biết rõ ngày giờ cụ thể. Giám đốc Mossad liền bay sang châu Âu trực tiếp xác minh tin trên. 3h45′ sáng 6/10, Zamir gọi điện về báo “chiến tranh sẽ xảy ra vào lúc mặt trời lặn” – một sự nhầm lẫn bởi Cairo và Damascus quyết định tấn công sớm hơn mốc này vài tiếng.
Dù thế nào thì Tel Aviv vẫn trở tay không kịp. Gần trưa 6/10, lệnh động viên lực lượng dự bị mới được phát đi. Nội các Do Thái tranh cãi kịch liệt xem phải phản ứng thế nào trước cuộc xâm lược của Ai Cập và Syria. Cuối cùng, nữ Thủ tướng Golda Meir tán thành kế hoạch phản công tích cực do Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan đề xuất. Ông Dayan lập luận rằng cần thẳng tay trừng trị người Ảrập bằng cách đưa quân vào lãnh thổ của họ.
Bà thủ tướng trấn an toàn dân trên đài phát thanh. Giọng vẫn chắc nịch nhưng bà Meir tỏ ra kiềm chế hơn mọi ngày: “Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ chiến thắng”. “Mặc dù tôi tin rằng Ai Cập và Syria đang hành động hết sức điên rồ”, bà nói thêm. Tướng độc nhãn Moshe Dayan tỏ ra lạc quan hơn, khẳng định người Ảrập sẽ không thu được gì trước khi có lệnh đình chiến. Ông thừa nhận quân đội Do Thái đang bị dàn mỏng ra dọc kênh đào Suez. Dù vậy, bán đảo Sinai rất rộng, có thể che chắn cho các thành phố lớn của Israel. Dayan nhấn mạnh: “Quân Ai Cập sẽ bị đánh bật khỏi Sinai ngay khi lực lượng dự bị tham chiến. Về phần Syria, họ sẽ không bao giờ giành lại được cao nguyên Golan”.
Tuy nhiên, trận chiến diễn ra ác liệt hơn so với những gì tướng Dayan nghĩ. Ở phía bắc, Syria tập trung 6 sư đoàn với tổng cộng 100.000 quân và gần 1.400 xe tăng. Phía nam, Ai Cập huy động trên 120.000 binh lính với sự yểm hộ của 2.000 tăng và suýt soát 700 máy bay. Trong hai ngày đầu (6-7/10), Israel thua liểng xiểng. Quân Syria chiếm được cao nguyên Golan và đánh thẳng vào những khu vực đông dân cư Do Thái gần biên giới. Trên biển, Damascus cũng làm Tel Aviv bất ngờ bằng đội tàu phóng tên lửa Komar do Nga trang bị. Hải quân Syria tiến nhanh tới biển Galilee, uy hiếp các khu định cư miền bắc, gây nên một nỗi hoảng loạn mà dân chúng Israel không bao giờ quên được.
Giao tranh ở kênh đào ác liệt hơn cả. Sau khi lập được một đầu cầu ở Sinai, Ai Cập thả lính dù xuống bắc bán đảo định cắt đường tiếp tế của quân Do Thái. Cairo tuyên bố bắn rơi 27 máy bay Israel, mặc dù phải đổi bằng 15 chiếc tiêm kích. Ở mặt trận này, độc long tướng quân Dayan mất rất nhiều thiết giáp. Súng chống tăng Sagger do Liên Xô sản xuất tỏ ra lợi hại hơn so với nhận định của tình báo Do Thái. Các dàn tên lửa đất đối không SAM cũng gây khó dễ không ít cho không quân Israel.
Tối mồng 7/10, gió bắt đầu đổi chiều ở phía bắc. Quân Do Thái xốc lại đội hình và tổ chức phản công, đánh bật lực lượng Syria khỏi cao nguyên Golan. Những ngày sau đó, Israel tiến không ngừng tới sát Damascus, thủ đô nước láng giềng.
Xung đột ở biên giới phía nam kéo dài hơn. Phải tới giữa tháng 10, Tel Aviv mới giành lại được thế thượng phong. Lính của tướng Moshe Dayan đốt sạch thiết giáp của đối phương, vượt kênh, chặn đường tiếp tế của quân Ai Cập. Cairo bị dồn vào chân tường.
Liên Xô và Mỹ vội vàng can thiệp. Hai nước lớn lập cầu hàng không tiếp viện cho “gà nhà”. Matxcơva đe dọa sẽ gửi quân tới Trung Đông. Washington, muốn giữ thế hòa hoãn với khối XHCN, gây sức ép buộc Tel Aviv dừng tay. Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết 338 yêu cầu các bên lập tức ngừng xung đột. Ngày 22/10, chiến sự ở mặt trận bắc Israel chấm dứt. Đến 26/10, khu vực Sinai và kênh Suez cũng im tiếng súng.
Tổng kết lại, các nhà sử học cho rằng, Israel thua thiệt nhiều nhất trong cuộc xung đột 1973. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lập quốc, đất nước Do Thái thấy sự sống của mình mong manh đến thế. Sự tự tin của Tel Aviv không còn mạnh mẽ như trước. Người dân đổ lỗi cho ngành tình báo đã không kịp thời nhìn ra kế hoạch tấn công của Ai Cập và Syria. Nhưng giới phân tích nhận xét, lãnh đạo chóp bu cũng có phần trách nhiệm không nhỏ. Họ quá chủ quan khinh địch. Vì sai lầm đó, gần 2.700 quân nhân Do Thái đã ngã xuống. 3.000 người khác bị thương. Thiệt hại của Israel ước tính bằng một năm thu nhập quốc nội. Sau chiến tranh, nội bộ Tel Aviv bị xáo trộn nhiều.
Phe Ảrập thì được một dịp “khoe” sức mạnh. Ngoài Syria và Ai Cập trực tiếp tham chiến, một số nước như Iraq, Algeria, Ảrập Xêút, Kuwait cũng gửi quân tới. Ảrập Xêút và Kuwait trang trải hầu hết chi phí chiến tranh. Qua xung đột 1973, Ai Cập giành lại một phần bán đảo Sinai, giải quyết thế bế tắc trong nước và quốc tế. Còn Syria, trong những cuộc đàm phán sau đó, đòi được một góc cao nguyên Golan.
Liên Xô và Mỹ cũng có cơ hội chứng tỏ ảnh hưởng của mình trong vùng. Dưới sức ép của các cường quốc, Israel và Ai Cập cùng Syria phải ngồi vào bàn thương lượng và ký kết các hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau (thoả thuận lần lượt đạt được trong những năm 1974 và 1975). Sau chiến tranh, Ai Cập và Syria phụ thuộc nhiều hơn vào Liên Xô. Israel cũng nhận thêm viện trợ quân sự kinh tế từ Mỹ.
Có lẽ một trong những kết quả quan trọng nhất của chiến tranh 1973 là việc các nước Ảrập tìm ra một vũ khí mới để gây sức ép với phương Tây. Việc cấm vận dầu mỏ đối với các nước ủng hộ Israel kéo dài suốt từ tháng 10/1973 tới tháng 3/1974 đã khiến phe Mỹ gặp không ít khó khăn.
Tổng hợp từ vnexpress.net và vi.wikipedia.org