Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

ĐẠO VÀ NGƯỜI.

Dân số Cao Miên hiện nay khoảng trên hai mươi triệu người. Người Khmer mười sáu triệu, người gốc Việt khoảng hai triệu rưỡi, người Hoa khoảng tám trăm ngàn, người Chăm sáu trăm ngàn, và có trên một trăm ngàn người dân tộc thiểu số như Tompuon, Bnong, Kreung, Kavet, Brau, Jarai… sống ở vùng núi phía Đông Bắc.

Dân Trung Quốc lục địa cũng đang tìm cách tràn vào đất Cao Miên, nhất là Nam Vang, Siam Reap và Sihanouk Ville.

Dân Chân Lạp (Cao Miên) chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ và theo đạo Hindu khá sớm. Nhưng sau này người Miên chuyển sang theo đạo Phật Tiểu thừa hay Nam tông/ Theravada Buddhism giống như người Thái, người Lào, người Miến. Người Hoa, người Việt đa số theo đạo Phật Đại thừa hay Bắc tông/ Mahayana Buddhism hay theo đạo Khổng/ Confucialism, đạo Lão/ Taoism. Người Chăm theo đạo Hồi. Người dân tộc thiểu số thì thờ thần núi, thần gió, thần sông…

Đạo Công giáo và Tin Lành có rất ít tín đồ ở Cao Miên. Trước năm 1975  ở Nam Vang có Nhà thờ Đức Bà/ Notre Dame Cathedral khá đẹp, bị hủy hoại nặng nề trong thời gian Khmer Đỏ 1975-1979. Thời Pháp thuộc, một thời gian khá dài giáo phận Nam Vang quản lý luôn các giáo xứ tại Nam bộ dọc sông Tiền, sông Hậu hay sát biên giới Việt- Miên. Hình như cũng quản lý luôn Thủ Dầu Một thì phải? Tuy vậy, số người Miên theo đạo Công giáo là không đáng kể.     

Tại Nam Bộ Việt Nam, đạo Công giáo có lịch sử lâu đời hơn và có số tín đồ đạo gốc đông đảo chiếm gần 20% dân số.  

Việc truyền đạo Phật từ Ấn Độ sang các nước Miến, Thái, Miên, Lào trải qua nhiều thế kỷ… thường diễn ra âm thầm sâu lắng chớ không ồn ả và gây nhiều tranh cải như việc truyền đạo Hồi hay truyền đạo Gia-tô. Các giáo sĩ ban đầu đến Khmer truyền đạo Hindu là chính, một số nhà sư Phật giáo theo để khất thực. Nhưng từ từ đạo Phật lại trở thành quốc giáo trong vương quốc Khmer kể từ thế kỷ 14, vì các vua cho rằng giáo lý đạo Phật “lành”.

Có người cho rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, nó là một triết lý sống thụ động, nên việc truyền đạo Phật có nghĩa là âm thầm giáo dục chúng sinh hiểu rõ Tứ thánh đế “Khổ - Dục - Diệt - Đạo” để mà sống, chết và tái sinh một cách thanh thản nhẹ nhàng không vướng bận. Chất Thiện thể hiện trong giáo lý Phật giáo khá rõ nét, trong khi các tôn giáo khác nhắm vào sự qui thuận đấng toàn năng trước.

Đạo Phật không công nhận Thượng Đế, Tạo Hóa hay đấng có uy quyền toàn năng như các tôn giáo khác. Đạo Phật nhắm thẳng vào cái Thiện trong tinh thần cần gột rửa của con người…

Nói lý thuyết cho sang vậy thôi, chớ các nhà sư hay Phật tử của chúng ta bây giờ cũng đang có rất nhiều người đầy Dục, hay ưa thích gây ra nhiều điều ồn ào vui vẻ sao cho có scandals mới đã. Nhiều vị tu sĩ trong giai đoạn mới này chưa gột bỏ được hết hay không muốn gột bỏ Tham, Sân, Si. Hay là vì hệ thống tu tập Phật giáo ở nước ta còn dễ dãi quá, hay là vì do xã hội và chính quyền đang cưng chiều họ quá để đánh đổi lấy một cái gì đó không biết nữa.  Trên lý thuyết Việt Nam có khoảng 60% dân số theo Phật giáo, nhưng rất nhiều người trong số đó cả đời chưa bao giờ đến chùa. Chùa lớn nhỏ bây giờ tại Nam Bộ nhiều vô số kể...

Phật giáo như một quốc giáo ở Cao Miên thì khác. Chùa/ pagoda là nơi người ta dựa vào mà sống từ lúc mới sinh cho tới lúc chết, là nơi người ta học chữ và văn hóa (thường là cập một), học giáo lý hay tu tập Phật pháp một thời gian bắt buộc trước khi bước vào đời. Chùa cũng là nơi người ta gởi nắm tro tàn nhằm luân hồi qua một cuộc đời khác tốt lành hơn.

Với mấy triệu người Việt và người Hoa đang sinh sống ở Cao Miên thì có thêm Phật giáo Đại thừa. Chùa của người Miên thờ Phật Thích Ca, chùa người Việt thờ thêm Phật Quan Âm. Chùa người Hoa thờ Quan Công, Phật Bà… ở phía trong gian chính của chùa, còn tượng Phật Thích Ca thì thờ ngoài sân hay ở gian chùa phụ.         

Người Chăm ở Cao Miên theo đạo Hồi và thường sống tại các cù lao trên dòng Mekong. Tập trung lớn nhất là ở tỉnh Kampong Cham. Kampong Cham là quê hương của Hunsen quyền lực thời bây giờ, là tỉnh có dân số hai triệu người, nhiều thứ hai ở Cao Miên sau Nam Vang (ba triệu dân). Trong số trên nửa triệu người Chăm sống ở Cao Miên, có quá phân nửa sinh sống tại Kampong Cham. Người theo đạo Hồi có giáo đường/ mosque, nơi này đóng vai trò giống như chùa của người Miên vậy. Đó là nơi để cầu nguyện, học kinh Koran, học tiếng Ả Rập…  

Đất Nam Bộ đầu tiên là thuộc vương quốc Phù Nam/ Funan, theo truyền thuyết là một vương triều của một dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ sâu đậm và theo đạo Hindu, có một lãnh thổ khá rộng bao gồm Tây Nguyên và Nam bộ của Việt Nam, miền trung và miền nam nước Thái Lan, toàn bộ bán đảo Mã Lai kéo tới mũi Singapore… của thời bây giờ.

Vương quốc Phù Nam bất ngờ tàn lụi vào thế kỷ thứ bảy, dân cư biến mất, lãnh thổ bị sát nhập vào một nước chư hầu là Chân Lạp, tức đế quốc Khmer sau này. Phần đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam bộ của Việt Nam bây giờ) từ khi nước Phù Nam biến mất thì không còn người ở, cho tới thế kỷ mười lăm mười sáu mới có lác đác người Việt, người Miên, người Chăm… rồi người Hoa di cư tới khai hoang. Hai sắc dân có đóng góp quan trọng cho việc biến vùng đồng bằng sông Cửu Long từ một vùng hoang vu trở thành một vùng trồng trọt và chăn nuôi phát triển, có các thị trấn ven sông buôn bán tấp nập là người Việt và người Hoa.

Dựa vào luận điểm này, nhiều người Việt cho rằng vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trước đây không phải là đất Cao Miên, không phải là vùng đất Thủy Chân Lạp hay Kampuchea Krom mà người Việt cưỡng chiếm của chính quyền Nam Vang bằng nhiều hình thức, mà nguyên thủy là đất đai của vương quốc Phù Nam.

Nhiều người Việt cũng cho rằng phần lãnh thổ to lớn được vẽ trên bản đồ Đế quốc Khmer hiện được treo trang trọng trong hoàng cung Nam Vang thực ra là bản đồ của vương quốc Phù Nam chớ không phải là bản đồ của nước Cao Miên thời cổ.

Dĩ nhiên, người Cao Miên luôn nghĩ ngược lại, họ luôn cho Nam Bộ Việt Nam, đảo Phú Quốc, vùng biển kéo dài từ Vũng Tàu tới Hà Tiên… chính là đất đai của tổ tiên họ.

Lãnh thổ, lãnh hải và biên cương quốc gia từ thời xưa cũ cho tới bây giờ vẫn luôn là những tranh chấp đôi khi rất khó giải quyết giữa các quốc gia láng giềng như Trung Quốc với Ấn Độ, Trung Quốc với Việt Nam, Cao Miên với Thái Lan, Cao Miên với Việt Nam… Vùng đồng bằng sông Cửu Long mà người Cao Miên gọi là Hạ Kampuchea (Kampuchea Krom) cùng với đảo Phú Quốc luôn bị các người Cao Miên theo chủ nghĩa dân tộc cho là vùng đất mà người Việt đã cưỡng chiếm của chính quyền Nam Vang dưới nhiều hình thức khác nhau.

Vào các thế kỷ trước đây, biên giới giữa các quốc gia thường không được xác định rõ, nhất là biên giới giữa các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong như Việt, Miên, Lào, Thái, Miến… do biên giới luôn luôn thay đổi sau các cuộc chiến chinh phạt, bên chinh phạt thắng đương nhiên mở rộng được lãnh thổ và biên giới khi họ không muốn lui quân về.

Hay nói đúng hơn, diện tích lãnh thổ của một quốc gia sẽ thay đổi theo sự biến đổi mạnh hay yếu của trung tâm quyền lực địa chính trị. Thí dụ như khi vương quốc Phù Nam mạnh nhất, thì lãnh thổ của nó bao trùm hết các vùng phía nam bán đảo Đông Dương và nguyên bán đảo Mã Lai, khi Phù Nam biến mất thì Đế quốc Khmer thế chỗ cho tới thế kỷ 16, sau đó tới Xiêm La và Việt Nam có phần lãnh thổ lớn nhất. Chămpa thì bây giờ không còn lãnh thổ và biên giới, nó chính thức hoàn toàn bị hòa nhập với Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 19 dưới thời Minh Mạng. Nhưng thực tế, nước Champa đã bị mất từ giữa thế kỷ 18 rồi.

Lãnh thổ, biên giới thay đổi… nhưng sự hiện hữu cộng sinh của các sắc dân Miên, Việt, Hoa, Chăm và các tôn giáo của họ sẽ không thay đổi trên đất Cao Miên.

18/07/2017.
Bài viết của Momentary Notes

Vũ thấy hay copy lại để tham khảo và chia sẽ