Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?

 (Bài 2)

Trong bài 1 tôi trình bày tâm trạng những ngày mới qua Mỹ, sống lận đận dưới đáy xã hội. Năm 1975, Cộng Sản mạnh lắm. Lúc đó tôi nghĩ sẽ không có ngày tôi trở về thăm lại quê hương, như hiện nay. Tâm trạng thế hệ chúng tôi lúc đó là quên quá khứ, và bắt đầu lại. Tuy nhiên mỗi năm khi tháng Tư trở về, bông hoa nở đầy khắp nước Mỹ, lòng tôi xôn xao nhớ lại quê hương, và những ngày thơ ngây thời tuổi trẻ đã mất.

Ngày nay các bạn đến Mỹ thăm bà con, bạn bè, du lịch, hoặc du học, các bạn sướng hơn tôi. Các bạn đến đây rồi trở về. Quê hương Việt Nam vẫn là quê hương của các bạn. Ở Mỹ, các bạn có một cộng đồng Việt Nam mạnh khắp nước Mỹ chào đón các bạn. Các bạn có thể đi ăn phở, cơm gia đình, canh chua cá kho tô, bánh xèo, bún chả Hà Nội, bún bò Huế v.v.. dễ dàng. Lúc tôi đến đây, không thấy người Việt Nam nào. Phải mấy tháng sau tôi mới biết được nơi mua nước mắm, cuộc đời năm 1975 bơ vơ, khổ lắm. Không còn quê hương để trở về, phải sống bơ vơ và cô đơn dưới đáy xã hội, tranh đấu ngoi lên, vừa làm vừa học, mệt và chán nản vô cùng.

Các bạn nhớ lại quá khứ dễ dàng không? Đối với tôi quá khứ và kỷ niệm những năm sống ở Sài Gòn khó nhớ quá. Tôi cố gắng nhớ lại quá khứ mỗi lần tháng Tư trở về, triệu người vui và triệu người buồn, hoặc mỗi lần gặp bạn bè ở Cali hay Việt Nam. Nhưng hình như có một cái gì đó trong tôi muốn chôn vùi quá khứ, nhớ không được, nói đúng hơn nhớ đại khái, quên hết chi tiết. Muốn thích nghi với đời sống mới tôi phải quên, nhưng thỉnh thoảng tôi lại muốn nhớ. Đúng như một người nào đó nói, có một thời để quên, và một thời để nhớ.

Năm 1975 lúc chúng tôi ra đi, tâm trạng thế hệ tôi là ra đi không trở lại. Tìm một nước chấp nhận mình, và cố gắng sống, nuôi con, gây dựng lại cuộc đời bị Cộng Sản cướp mất. Bây giờ họ gọi chúng tôi là Việt Kiều Yêu Nước. Lúc đó họ coi chúng tôi là kẻ thù. Cái gì ở miền Nam cũng xấu, cũng Ngụy. Gia đình nào trong Nam cũng có người đi tù cải tạo. Sách vở, văn hóa, tất cả những gì của miền Nam cũng Ngụy, cần tiêu diệt. Sách vở bị đốt ngoài đường. Văn hóa miền Nam bị chế diễu. Tiền của mất trắng qua đêm do đổi tiền, nhà cửa bị mất vì nạn đi vùng kinh tế mới v.v.. Với cách hành xử như vậy của Kẻ Chiến Thắng, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác hơn, là đi, đi luôn, không trở lại. Bây giờ thì khác, nhiều người đã trở về thăm lại quê hương, trong đó có chúng tôi. Lúc đó khác.

Năm 1975 chúng tôi đến Mỹ với quyết tâm sống, làm lại cuộc đời, nuôi con, dạy dỗ con thành người, sống cuộc đời hạnh phúc chúng tôi không có. Chúng tôi bắt đầu lại, sống dưới đáy xã hội, nhưng chúng tôi quyết tâm đi lên, cần cù làm việc, vừa làm vừa học. Chúng tôi cực khổ, nhưng nhìn nụ cười của đám con, tôi thấy mình đã đi đúng đường. Trong lúc bên nhà Cộng Sản xúi dục con cái chống lại cha mẹ, rình rập xem cha mẹ có nói xấu gì Đảng và Chế Độ không, ở đây cha mẹ và con cái yêu thương nhau, sống trong tình thương, thay vì hận thù. Chúng tôi nhất quyết thích nghi với đời sống mới, tranh đấu ngoi lên. Muốn thích nghi với cuộc sống mới ở Mỹ, điều cần thiết là quên quá khứ. Quên được quá khứ, con tim mới vui trở lại, như lời một bài ca.

Bây giờ muốn nhớ quá khứ, tôi thấy có một rào cản trong tâm linh muốn đè nén và chôn đi quá khứ, không cho tôi nhớ. Lạ thật. 42 năm trước khi chúng tôi vừa đặt chân đến Mỹ, tôi cũng ở trong tâm trạng này, muốn quên quá khứ, để bắt đầu lại. Phải quên quá khứ mới có thể thích nghi được với cuộc sống hiện tại, và xây dựng tương lai. Nói thì dễ, nhưng phải hơn 7 năm sau khi đến Mỹ, tôi mới quên được quá khứ, và xây dựng được cuộc sống ổn định trên đất nước này.

Chúng tôi may mắn đến Mỹ rất sớm. Chúng tôi thuộc đợt người Việt Nam đầu tiên đến New York vào năm 1975. Sài Gòn mất (được giải phóng) ngày 30 tháng Tư. Ngày 2 tháng 5 chúng tôi đã có mặt ở New York. Vợ tôi làm việc cho ngân hàng Chase Manhattan ở Sài Gòn. Chase đã gởi một phó Giám Đốc ở Bangkok qua Sài Gòn đưa tất cả nhân viên ở đây di tản. Từ Sài Gòn chúng tôi bay qua phi trường Clark bên Phi Luật Tân, từ đó đi Guam, California, và rốt cuộc New York. Nếu không có ngân hàng Chase giúp đỡ, cuộc đời tôi sẽ khổ lắm.




Lúc chúng tôi đến đây, chưa có Cộng Đồng Việt Nam. Về điểm này, tôi không được như các bạn đến sau này, hoặc các cháu đến đây du học. Các bạn có một cộng đồng người đồng hương qua trước. Họ có kinh nghiệm sống ở đây. Những việc dễ như mua gạo, nước mắm, mua thức ăn Việt Nam ở đâu họ đều biết. Họ sẽ hướng dẫn các bạn. Khi chúng tôi đến, phải gần 2 tháng sau một người Việt Nam mới khám phá được nơi bán nước mắm, và gạo. Cô đã thông báo cho cả đoàn biết. Ai cũng mừng.

(Còn tiếp)

LÊ THANH HOÀNG DÂN



Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

SẸO ĐẤT

Thi sĩ đồng quê" Ngô Văn Phú, năm nay 80 tuổi. Ông có thâm niên trên 40 năm làm công tác biên tập văn học, trong đó có 13 năm làm giám đốc nhà xuất bản, 6 năm biệt phái sang Tạp chí Văn nghệ quân đội. Không chỉ thành công trong lĩnh vực sáng tác, ông còn có con mắt tinh đời phát hiện tài năng trẻ.

Nhà thơ Ngô Văn Phú sống giản dị trong một ngôi nhà chất đầy sách. Ảnh: Báo Văn nghệ Công an
Năm 1971, một tác giả là chiến sĩ, có tên là Nguyễn Duy Nhuệ, gửi đến tạp chí một số bài thơ. Ông chọn đăng bài Chiều khẩu đội. Ít lâu sau, Nguyễn Duy Nhuệ có vẻ buồn vì cho rằng thơ mình không lên tay. Ngô Văn Phú khuyên Nhuệ: "Làm thơ có lúc thế này, có lúc thế khác. Hơi đâu mà lo. Miễn là đừng nản chí. Biết đâu có ngày...". Năm 1972, Nguyễn Duy Nhuệ đi chiến trường, rút ngắn tên mình thành Nguyễn Duy. Rồi Nguyễn Duy lừng lững giành giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với các bài Hơi ấm ổ rơm, Tre xanh, Bầu trời vuông...

Ngô Văn Phú từng đoạt nhiều giải thưởng văn học. Ấy thế mà có lần ông gặp tai nạn nghề nghiệp! Cuối năm 1972, Mỹ ném bom B52 trong 12 ngày đêm ở Hà Nội. Là người làm thơ gắn bó với ruộng đồng, ông đến Đông Anh, thấy đất đai bị cày xới, hố to hố nhỏ như các cái sẹo trong lòng rất đau xót. Ông viết bài thơ Sẹo đất và gửi đăng trên tạp chí Thanh niên. Bài thơ có câu "Tưởng như da thịt mình mới sẹo/ Ai ngờ đất cũng sẹo như mình". Người ta cho rằng tư tưởng tác giả có vấn đề, có ý gieo rắc tâm lý sợ hãi chiến tranh, không có lợi cho cuộc chiến lúc đó. Thế là Ngô Văn Phú bị kỷ luật, hạ chức từ Bí thư xuống làm Phó Bí thư Chi bộ Báo Văn nghệ, nơi ông đảm nhiệm tổ phó tổ văn xuôi.

Năm 1994, Sẹo đất in trong tập Mắt mùa thu, một trong 28 tập thơ của Ngô Văn Phú. Nhà thơ tâm sự: "Bài thơ bị nhắc nhở là do thời điểm xuất hiện của nó chưa thích hợp. Thế thôi!".

Vương Bạch (Chuyên trang Văn nghệ, Báo điện tử Hải Dương)

SẸO ĐẤT
Ngô Văn Phú

Cái hố bom nằm trên vạt ruộng
Dẫu san bằng vẫn cứ nhận ra
Đến mùa bừa chân bước nhấp nhô
Lúa cấy kín, vệt tròn còn đấy

Tưởng trên da thịt mình mới sẹo
Ai ngờ đất cũng sẹo như người
Trong chiến tranh đạn cắm tay tôi
Trong chiến tranh hố bom dầy đất

Hết chiến tranh, tôi về hợp tác
Đất chuyển vần, vụ lúa vụ khoai
Mỗi đợt trở trời
Vết sẹo trên tay tôi nhức
Mỗi đợt trở trời
Cái hố bom sẹo đất
Có làm đất nhức không, đất ơi?

Đất có màu xanh
Tôi có cuộc đời
Những vết sẹo mãi còn nhắc nhở
Những điều cần nói với ngày mai...



Nhà thơ Ngô Văn Phú sống giản dị trong một ngôi nhà chất đầy sách


CÁI DUYÊN NAM BẮC


(Tiếp theo và Hết)
Cô cháu gái ông xếp không có cái dạng "ngực tấn công, mông phòng thủ” như trong "xi la ma”, thế mà ngay từ phút ban đầu cháu đã bị dáng ngay tim một cái búa tạ chình ình chứ chẳng phải tiếng sét tầm thường.
- "Cô đi máy bay có mệt lắm không ?”
– "Dạ !”.
-"Ra thăm cô dượng hả ?”
– "Dạ !”.
-"Cô lên xe đi, tôi đèo cô về”
--"Dạ !”...
Chèng đéch ơi ! sao mà cụt ngủn cộc lốc thế bà nội ?
Cái gì cũng ”dạ” hết ráo thì cháu biết đâu mà rờ ! Đúng gái Nam kỳ ! Chợt nghĩ, không biết bà dzợ xếp tới giờ này có còn ”ngây thơ”, ”dạ dạ” với xếp như dzậy nữa hay không ? Xếp cháu đang ở San José, nếu xếp có đọc những giòng chữ này thì xếp cũng bỏ qua dùm vì thằng em đã thuộc lòng trọn bộ sách của xếp từ khuya rùi !
Từ đó cháu với nàng rủ rỉ rù rì cùng nhau đánh vần mấy chữ ”hình như là tình yêu”. Cuộc tình của cháu với nàng êm ả như quả lắc đồng hồ treo trên tường phòng khách nhà cháu, nhưng mỗi khi nghĩ đến bố cháu thì quả lắc đồng hồ bỗng ngất ngư như bị đứt dây thiều.
Thương quá, cháu đánh liều, ”mấy sông anh cũng lội, mấy đèo anh cũng qua”, chuyến này nhất quyết không chui ông cống gầm cầu xa lộ, mà dắt nàng về nhà trình diện bố.
Bố vẫn khinh khỉnh:
- ”Không dám ! chào cô”. Nàng vui tính:
-”Ba anh coi ngầu quá hén!”, cháu tỉnh bơ:
-”Không ngầu sao làm bố anh được !”.
Thật ra thì bố cháu đâu có ghét Nam kỳ, ông chỉ phàn nàn rằng dân Nam kỳ được trời đãi, cho sống trên mảnh đất mầu mỡ phong phú, không làm vẫn có ăn, mà lại ăn ngon nữa, nên có tính lè phè, hoang phí, không chăm chỉ hạt bột, không cần cù tiết kiệm như Bắc kỳ. Ông chỉ vì thương con, lo cháu lấy nhằm cô vợ Nam kỳ cả ngày chỉ biết...phè cánh nhạn, ăn no lại nằm, thì con cưng của ông sẽ thành thân trâu ngựa suốt đời. Còn mẹ cháu, vốn dĩ nhà quê răng đen mã tấu bảo rằng, nghe Nam kỳ nói chuyện cứ tưởng nghe tiếng nước ngoài, chỉ hiểu một nửa ! Cháu cãi lại, Bắc kỳ cũng có khối đứa lười, lười như..cháu đây là hết mức rồi !
Một hôm cháu đưa nàng về nhà, gặp lúc bố mẹ cháu sửa soạn mở tiệc đãi ông bác từ Hố Nai lên thăm. Ông bác vui tính bảo tiện bữa ngồi ăn luôn, cháu đang chần chừ thì nàng vén áo hạ ngay cái bàn tọa tròn lẳng xuống ghế, cháu kéo lên không kịp.
Cháu thủ thỉ giải thích cho nàng rằng, đi đâu gặp khách Bắc kỳ mời ăn thì chớ có ăn liền, cứ để người ta mời dăm lần bẩy lượt, ăn liền người ta chửi mình...chết đói !
Nam kỳ thì thẳng ruột ngựa, mời là cháp lẹ, không cháp dọn xuống bếp, đói ráng chịu, không mời lần thứ hai, ai biểu mời không ăn !
Bỗng mấy đứa em cháu thay phiên nhau :
-”Mời bác xơi cơm, mời bố xơi cơm, mời mẹ xơi cơm, mời anh xơi cơm, mời chị xơi cơm”, mời... mời... mời tùm lum!.
Thằng em út cháu mời dài nhất, mời lâu nhất, mời từ trên xuống dưới , trong nhà chỉ có con Tô Tô đang nằm chực dưới gầm bàn là nó không mời. Nó lại chẳng được ai mời để xơi, út mà ! nhưng rồi vẫn xực ào ào !
Cô bạn Nam kỳ của cháu trố mắt nhìn cháu chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Cháu vội ghé tai thì thầm:
- Em mời gia đình ăn cơm đi !
- Ủa ! gia đình anh mời em ”ăng” mà ? Bộ ”ăng” cũng phải mời...mời...xơi ...xơi sao?
Nàng ấp a ấp úng cũng ráng mời:
- Dạ mời bác, mời bác, dạ mời... à... à... mời anh, mời em...
Chợt bố cháu lên tiếng:
- Thôi đủ rồi, cháu mời người trên thôi, còn mấy em cháu không phải mời...Mà hay thật ! Con bé này vui vẻ, ngoan ngoãn lắm ! Sao con cứ ăn hiếp nó mãi !
Nghe bố cháu nói mà bụng cháu cứ như mở cờ, ông còn cao hứng bảo khi nào nàng nấu cơm Nam kỳ cho gia đình cùng ăn. Cô nàng hí ha hí hửng nói liền:
- Dạ ! (lại dạ!), để bữa nào cháu nấu bún(g) mắm dzới thịt heo ba rọi cho bác ăn(g), bún(g) mắm thịt ba rọi Trà Dinh ngoong nhức miền Nam nghe bác !
- Sao ? cô muốn búng hả ? Lỗ tai tôi đây này, muốn búng bao nhiêu thì cứ búng đi !
Thế là cả nhà cháu được một trận cười nắc nẻ. Nào đã hết đâu, mẹ cháu chợt bảo:
- Cháu xuống bếp lấy cho bác mấy cái ”cùi dìa” với cái ”muôi” để trong ngăn kéo đấy !
Nàng ngớ ra cứ như được nghe tiếng...Tây, nhìn cháu cầu cứu. Cháu cười hì hì khoái tỉ, ra cái điều thông thái giải thích ngay:
- Cái ”cùi dìa” Nam kỳ kêu là cái ”muỗng”, tại Bắc kỳ sống lâu với bọn Tây, chúng nó gọi là ”la cuiller” thì Bắc kỳ gọi luôn là cái ”cùi dìa” cho tiện. Còn cái ”muôi” Nam kỳ kêu là cái ”vá”, chữ ”vê” thì đọc là ”dê” cho nên gọi là cái ”dzá”, phải không ?
Nàng đỏ mặt, bĩu môi:
- ”Cái đồ dzô dziêng, tui đi dzìa à nghen !”
Sau bữa cơm hôm ấy, hình như bố cháu bắt đầu ”chuyển hệ”, có vẻ gần gũi thân mật với nàng hơn vì thấy nàng thật thà, có sao nói dzậy, không bãi bôi, không vòng vo tam quốc, nhất là...không lười như ông nghĩ. Thừa thắng xông lên, cháu thủ thỉ với mẹ cháu là cháu muốn lấy nàng làm vợ. Mẹ bàn với bố, bố vẫn ngần ngừ.
Tại bố cháu không biết đấy chứ, cháu đọc lóm từ một quyển sách nào đó người ta viết rằng, trong lịch sử nước ta hầu hết các vua chúa miền Trung đều có nhiều bà vợ bé, mà hầu như bà nào là Chánh Cung Hoàng Hậu cũng đều là Nam kỳ:
vua Minh Mạng có rất nhiều vợ, đa số là các bà Nam kỳ, Chánh Cung là bà Hồ Thị Hoa, người Biên Hòa;
Chánh Cung của vua Thiệu Trị là bà Từ Dũ, người Gia Định;
Vợ chánh của vua Bảo Đại là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng Hậu), là người Gò Công.
Mấy ông vua cũng tinh đời đáo để ! Nhưng cháu ”không phải là vua, nên mộng ước thật bình thường ”, chỉ xin ”...quỳ lậy Chúa trên Trời, sao cho lấy được ...con nhỏ Cái Bè con thương !”
Thật là oái oăm: cá đã cắn câu mà bố cháu vẫn chưa cho giựt cần! Tuy thế, thỉnh thoảng bố cháu cũng dò hỏi về gia đình nàng. Thì cháu đã nói rồi mà, ”quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn”, ruộng đất mênh mông, sông nước dập dình, ăn nói ”ngắn gọn và dễ hiểu” chứ không ”dài dòng nhưng khó hiểu”... kiểu Bắc kỳ ! Chấm hết!
Ngày vui nhất đời cháu là ngày bố cháu ra lệnh sửa soạn ”lên đồ dzía” đến thăm gia đình nàng. Sao bố cháu không nói thẳng thừng ra là đi ”hỏi vợ”, đi ”chạm ngõ” cho xong. Nhưng mà cần gì phải ”chạm ngõ” với lại ”chạm cổng” cho rườm rà rắc rối, nhà của nàng cháu biết từng phòng, quen từng góc, rõ từng cột.
Mỗi lần cháu từ đơn vị ”dù” về đều có chút quà biếu ba má nàng, cho mấy đứa em nàng và cho cả cô Ba giúp việc trong nhà (học theo sách dụ khị của xếp cháu đấy !). Lần nào gặp ba nàng là lần đó có...nhậu. Đồ nhắm lúc nào cũng có sẵn, lúc củ kiệu tôm khô, khi ra sau hè ngắt mấy trái xoài tượng chấm mắm nêm ngào ớt, kẹt quá cột sợi ny-lông dzô ngón chân cái, đầu kia cặm mấy con trùng liệng xuống sông, cũng câu được mấy con cá lên nướng làm mồi. Nam kỳ trù phú mà ! Ổng không nhậu bia nhậu rượu, mà nhậu đế; không nhậu bằng cốc hay ly mà nhậu bằng tô, tô nào tô nấy bằng cái bát ăn cơm nhà cháu. Thế mà ổng lúc nào gặp cháu thì cứ nói rằng:
- ”Dô dzới tao dăm ba sợi nghe mày !”
Chưa tới nửa sợi cháu đã guắch cần cẩu !
- ”Lính tráng như mày chi mà yếu xìu sao oánh giặc nổi ? Dzô cái coi !”
Ổng thương, ổng coi như con như cháu, ổng mới kêu cháu bằng ”mày”. Tiếng ”mày” của Nam kỳ biểu lộ cái chân tình, sự gần gũi thân thương, không như Bắc kỳ khi đã xổ ra tiếng ”mày” rồi thì ... ô hô ! ô hô ! thiện tai ! thiện tai ! chạy cho lẹ !
Một hôm đang nướng con mực khô nhậu lai rai với ổng, bỗng có khách gõ cửa bước vào, mặt ổng sáng lên như sao băng, vừa cười vừa nói:
- Chèng đéc ơi anh Sáu Lèo ! hôm qua tui chờ qua qua mút chỉ cà tha, hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua, hôm nay qua nói qua hổng qua mà qua lại qua, nay qua rồi có thằng rể tương lai tới thăm, nhào dzô chơi vài xị, hôm nay có ớt nè qua !
Nói chi mà cứ qua đi qua lại, qua tới qua lui, nói cũng như thơ phú đấy chứ, thế mà mẹ cháu cứ nói tiếng Nam kỳ nghe sao như tiếng...nước ngoài !
Bắc kỳ vẫn có câu:
”dâu là con, rể là khách”, nhưng Nam kỳ thì ”dâu là con, rể cũng là...con luôn”. Bố dzợ chịu chơi lại gặp thằng rể cũng chịu chơi luôn, dzô ba xị rồi thì coi như...bạn, chơi xả láng sáng dzề sớm, còn má dzợ bỗng nhiên thành... chơi chịu ! Nàng kể cho cháu nghe, nhiều lần ổng đi nhậu quá giờ giới nghiêm chưa chịu về, cả nhà trông đứng trông ngồi. Chợt nghe tiếng xe Vespa quen thuộc chạy ngang nhà, cứ thế nghe cái ”dzù” rồi lại chạy mất tiêu, lại nghe cái ”dzù” rồi đi tuốt luốt ! Sinh nghi, nàng chạy ra cổng đón đường chặn xe :
-”Ba ui ! Ba ui ! Tới nhà rồi nè !”.
Ổng chợt tỉnh, quẹo dzô thắng cái ”két”, xe đổ cái rầm, ổng té cái đụi, miệng lèng nhèng:
- ” Ủa, nhà mình đây rồi sao? Dzậy mà tao chạy dzòng dzòng kiếm hoài hổng ra !”
Ngày cưới, cháu chọn nhà hàng Đại La Thiên của chú Ba tuốt bên Chợ Lớn cho có vẻ trung dung, không Nam cũng không Bắc mà là cơm Tàu. Không xài Karaoke nhưng chơi nhạc sống.
Có ông chú dzợ tên là Ba Phoóng làm nhạc trưởng cho mấy bà xồn xồn Nam kỳ lên sân khấu ca cải lương hà rầm. Hình như 7 thứ nghệ thuật của nhân loại đối với Nam kỳ đều tóm gọn trong mấy câu dzọng cổ thiệt mùi.
Đám cưới cháu người ta chụp nhiều hình lắm. Ông bố vợ coi hình gục gặc cái đầu: -”Chèng đéch ơi ! thằng rể tao chụp hình coi phong độ dzữ hén ! Ráng nghe mày !” Cháu chẳng hiểu ổng nói cháu phải ráng cái gì ? Nhưng có một cái cháu phải ráng là cái chắc, ai biểu ham dzợ Nam kỳ...mũi cao chân dài !
Còn bố cháu xem ảnh thì lại phán một câu xanh rờn: -”Con dâu bố chụp với bố ảnh này đẹp quá, giá mà đứng cạnh bố con khoanh tay lại thì còn đẹp hơn biết bao!”
Ông xếp cháu, khơi khơi tự nhiên thành ông dượng, sẵn có dăm ba ly nhưng mắt vẫn láo liên ngó bà cô, rồi len lén kể lể làm oai:
- ”Thấy chưa mày! Hồi đó tao xách máy bay xuống Vĩnh Long rồi lạng qua Cái Bè, mới lạng chơi dzài ba dzòng là dzớt luôn bà cô mày, ngon chưa !”
Cám ơn ”ông xếp dượng” đã có công ”nối giáo cho giặc” rồi rước luôn giặc vào nhà. Còn mấy thằng bạn Không Quân quỷ sứ thì xúm nhau ca bản ”Mùa thu chết”.. đã chết rồi, cho mày...chết luôn!
Ngày qua ngày, cháu không chết mà vẫn sống nhăn răng với bà vợ ”quý phái bình dân”, bây giờ đã có 4 con với 3 đứa cháu ngoại để nựng. Nam kỳ cũng chăm chỉ đấy chứ ! Thế là xong một đời phiêu bạt giang hồ, bay bướm, quậy phá ! Được cái vợ cháu cưng cháu lắm (Nam kỳ mà!), bao nhiêu công việc trong nhà từ lau nhà, rửa chén, hút bụi, trồng cây, giặt đồ...vợ cháu dành làm hết ráo.
Bả nói :
-”tay chân ông như thằng cùi, làm đâu hư đó, để tui làm luôn cho lẹ !”.
Cháu đi làm mang tiền về, bả cũng không thèm động tới, bảo rằng ”tui hỏng cần anh nuôi tui !” Thế nhưng vợ cháu ghen khỏi nói, trong vườn trồng nhiều ớt hơn trồng hoa, ghen có đẳng có cấp, ghen có kế hoạch, có phương án đàng hoàng. Ghen thì ghen, lâu lâu cháu cũng theo bạn bè...nhảy dù vài sô, về nhà im thin thít, thế mà bả cũng ”nghe” được mùi, lườm lườm, nguýt nguýt, rồi cũng huề tiền.
Sau này cháu mới khám phá ra vợ cháu rất sòng phẳng, đâu ra đó, nếu ”ăn bánh trả tiền” là...cho qua cầu gió bay, không thèm chấp.
Một hôm vô tình đọc báo thấy tin cô Quờn, người Sóc Trăng, ghen chồng lăng nhăng, lẳng lặng lựa lúc chồng đang say túy lúy, xách con dao bếp cắt luôn...của quý của chồng đem quăng sau vườn. Cô Quờn ra tòa ngồi chơi 4 năm tù. Trời đất Thiên địa ơi! Nam kỳ mà ghen kiểu này chắc cháu chết sớm, cháu dấu luôn tờ báo, ai dè vợ cháu chu môi oỏng ẻng :
- ”Cái đó còn đỡ à nghen ! gặp tui là tui cho luôn dzô cái máy xay thịt rồi quăng cho bầy gà ăn, chớ giờ người ta dzăng minh lắm, khâu nối lại mấy hồi !” Má ơi là má ! Cháu nghe mà ớn lạnh xương sống! Chơi kiểu này thì hơn xa các mợ Bắc kỳ rồi ! Nhưng cháu lại được phép kéo bạn bè về nhậu...xả láng, nhậu ”vô tư”.
Xỉn quá thì :
-“Anh mệt rồi nghen, uống ly nước đá chanh nè, rồi dzô đây em cạo gió hết liền !”. Bạn bè ói mửa tùm lum thì : -”Hổng sao đâu, anh ngồi tiếp mấy ảnh đi, em dọn cho!”
Mấy thằng bạn có vợ Bắc kỳ ngó phát thèm !
Chắc khí thiêng sông núi Bắc kỳ linh thiêng hùng vĩ , hay nói theo khoa học hiện đại là cái ”dzen” Bắc kỳ quá mạnh, nên vợ cháu nửa dưới vẫn còn là Nam kỳ, nhưng nửa trên đã hóa thành Bắc kỳ: không nói ”bự bành ky” mà nói ”to vật vã”; không gọi ”trái bom” mà gọi ”quả táo”; thích ăn canh rau muống hơn nấu canh chua; nhưng đặc biệt nhất là ăn nói không còn ”ngắn gọn và dễ hiểu” như xưa, mà bây giờ thì.. ôi thôi ! ”dài dòng, ào ào như thác đổ”, nghe riết muốn khùng !
Bố cháu ăn ”bún(g) mắm thịt ba rọi” của vợ cháu nấu, đến phát nghiền, nghiền luôn cả chén nước mắn pha
đường
Nhà cháu có bốn anh em trai thì bố cháu có tới ba ả dâu Nam kỳ, nhưng cả đám hợp lại vẫn thua xa một mợ dâu Bắc kỳ, ăn nói ngọt như đường phèn, dịu dàng khoai thai như thiên nga, thêm cái tài...chửi như hát di truyền. Thế là cái mộng ”dâu rể phải là Bắc kỳ” của bố cháu bị nước sông Cửu Long vùng Nam bộ cuốn trôi tiêu tùng. Bố cháu bây giờ cũng rành ”sáu câu” về Nam kỳ lắm, ông bảo người ta nói rằng:
- ”Tính tình gái Nam kỳ giống như mưa Sài Gòn: đỏng đảnh nhưng mau quên; tính tình gái Bắc kỳ giống như mưa Hà Nội: âm ỉ và dai dẳng”.
Lợi dụng lúc ông đang vui vẻ, cháu bèn phụ họa :
- Bố biết không, người ta cũng bảo : ”Ở Sài Gòn nhiều em sinh viên giống như ca ve; Ở Hà Nội nhiều em ca ve giống như sinh viên”, đúng không bố ?
Bố cháu quắc mắt :
- ”Sao dám ăn nói lăng nhăng thế hả ?”.
Cháu chuồn nhanh kẻo ông nổi giận. Thôi thì đến nước này rồi, cúi xin các cụ cũng rộng lòng bỏ qua cho cháu nếu có gì gọi là thiên vị, bởi vì con gái Nam kỳ bây giờ đã là ”cây nhà lá vườn” của cháu, nên cháu đành phải ”ta về ta tắm ao ta”, ôm lấy cái ao Nam kỳ, ôm cứng cái cây sầu riêng Nam bộ cho phải đạo ”tình Bắc duyên Nam”, nếu không cháu phải ôm thùng mì gói suốt đời.
Mong sao các cụ đọc xong rồi bỏ qua, cứ coi như một chuyện tầm phào, bởi vì cháu đã liều mình như mấy mợ Hà Nội làm con chim đa đa, không lấy vợ gần mà lấy vợ xa, xa tuốt luốt tận cái xứ Nam kỳ với giòng sông 9 cửa.
(st)
fb Phạm Xen

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

THỀM HOANG

Có nỗi buồn đi qua đấy không
Có ai đang ủ giấc mơ vàng
Hay chăng chăn chiếu thềm hoang lạnh
Hay nguyệt cầm buông tay dối gian

Người chẳng cùng ta mơ ngọc thạch
Xây lâu đài tình ái thiên thu
Ta vẫn nhủ Vừng ơi mở cửa
Phép lạ ơi
giải thoát ngục tù

Có nụ cười rơi đâu đấy không
Cho ta nhặt lấy chiếc hôn nồng
Vòng tay ôm giấc mơ thần thoại
Hoàng tử về công chúa rưng rưng

Có bạc vàng đem mua sắt son
Trầu cau mong đợi chốn thiên đường
Hãy cho anh nắm tay em lại
Đừng để em lìa xa yêu thương

Mong-Hoa Vo
6/3/2017



Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

KHÔNG CÓ KẺ THÙ...

Giảng xong bài kinh về lòng vị tha, sư thày hỏi, ai trong số các phật tử sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù.
Tất cả mọi người đều đưa tay lên trừ một ông lão ngồi bên dưới.

- Chẳng lẽ cụ không thể tha thứ cho kẻ thù của mình ư?
- Tôi không có kẻ thù.
- Thật là đức độ. Thế cụ bao nhiêu tuổi rồi?
- 70 tuổi.
- Cụ hãy cho mọi người biết bí quyết sống đến 70 tuổi, mà không có một kẻ thù nào.

Ông lão cao giọng nói:
-Chỉ có một cách là phải tiêu diệt hết lũ chúng nó mà thôi!

fB Phạm Xen

Mod NT


CHÍNH TRỊ LÀ GÌ ...

Bố ơi chính trị là gì hở bố?

- Nói làm sao cho con hiểu nhỉ?
Àh, thế này: hãy xem gia đình ta như một quốc gia nhé, trong đó bố là Tổng... Thống, mẹ là chính quyền, bà là bộ an ninh, còn con là công dân, hiểu chưa nào?
- Tạm hiểu rồi bố ạ.

Một hôm đang ở cơ quan, ông bố nhận được một cú điện thoại, đầu dây bên kia, giọng cậu con nói khẽ:
- Bố ơi, bố về gấp. Chính Quyền đang có tổng... thống mới, bộ an ninh thì đang ngủ say, còn công dân thì đang lo sợ một cuộc đảo chính và có thêm dân nhập cư trong quốc gia.

Fb Phạm Xen

Mod NT