Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

NHỮNG PHÁT SINH TRONG LÒNG XÃ HỘI MỚI ...

Chẳng có việc gì đáng để tôi tự hào trong chuyện này cả dù bản thân tôi sinh ra và lớn lên ngay tại đất Saigon. Đó là chuyện đám ma kéo dài ngày, ngoài việc kèn trống khi có người đến viếng thì còn chuyện các nhóm pede đờn ca hát xướng suốt thâu đêm.
Khi tôi còn nhỏ, lúc ông nội tôi mất thì theo tập tục lúc đó phải mời môt giàn kèn bắc. Họ chỉ thổi khi có người đến viếng. Đó là tập tục của người bắc. Tôi nhớ còn có cảnh người đến viếng bỏ tiền ra thuê khóc hờ. Tùy theo mối quan hệ với người mất mà người khóc sẽ chọn bài hát tường xứng. Ví dụ : con khóc cha, con dâu khóc bố chồng... vv. Tôi nhớ lúc đó nhà mới có máy thu băng cassete nên có thu lại. Sau khi chôn ông tôi nhà thỉnh thoảng mở lại nghe khi cúng cơm. Sau đó hàng xóm qua đề nghị tắt đi vì nghe kèn và khóc áo não quá. Nhà tôi phải hủy cuộn băng đó bằng cách đốt chung với đồ hàng mã khi cúng 49 ngày...
Ở miền nam, lúc trẻ lang thang qua các tỉnh miền tây, tôi thấy người ta có ăn nhậu, có đàn ca hát xướng trong đám ma, tất nhiên là ca cổ nhạc và bài bản. Bản thân tôi cũng có lúc tham gia hát đám như thế. Đặc biệt là có nơi người hát phải thắp nhang trước linh sàng và hát bài tổ rồi sau đó mới được phép hát các trích đoạn cải lương hay ca vọng cổ. Nói như một số bạn nói là đúng, đám ma nhà giàu phải mổ heo, ăn uống suốt mấy ngày. Đám ma không chỉ có đến viếng mà còn là một cơ hội để ăn uống và hát ca. Nhà nghèo thì để ít ngày và khách đến có khi phải mang theo gà, rượu để gọi là... góp đám.
Có lẽ lúc đó vì chiến tranh người ta đổ dần về thành phố và mang theo những tập tục này. Tất nhiên có biến cải hơn như là đàn guitar điện và loa.
Sau 75 phần thì do kinh tế khó khăn, phần thì do chính quyền mới khắc khe trong việc cúng bái cũng như chống mê tín hũ tục...nên đám ma gọn hơn chỉ có hai ba ngày êm ả.
Khi đổi mới, kinh tế khá hơn, nhiều cái mới phát sinh kể cả đám ma, đám cưới như để quàn lâu ngày, rồi vòng hoa, lẵng hoa rồi giàn kèn tây kèn ta. Thậm chí có những đoàn đưa đám dù không phải chức sắc hay công trạng gì còn có cả xe jeep của CA phường hộ tống dẫn đầu để dẹp đường. Ông bà ta nói phú quý sinh lễ nghĩa là thế... Ngay cả cuộc họp chính phủ mới đây cũng đầy hoa và hoa đến độ có anh nhìn ảnh còn bảo trông giống như... đám ma.., Người nghèo hơn thì thuê giàn pede và giàn loa kẹo kéo về hát ầm ĩ cả đêm...Còn cả chuyện cúng bái và rãi đầy tiền hàng mã trên phố. Thậm chí giờ nó còn lan cả lên đến đền Hùng và các lễ hội chùa chiền...
Tất cả những điều này không phải là tập tục mà nó phát sinh trong thời đại chúng ta... gọi là hũ tục thì có vẽ đúng hơn.
Sở văn hóa thông tin và Sở du lịch còn bận bịu với những dự án hái ra tiền chứ lao vào cuộc đấu tranh này không được cái gì mà có khi còn u đầu mẻ trán. Tổ dân phố và Phường cũng thế thôi, chạm nọc mấy nhà quan chức là lúa đời
Không khéo lại đổ cho giáo dục, học trò tôi bé xíu phải học an toàn giao thông thay cho người lớn... Học kỹ năng phòng chống bắt cóc, phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống ma túy, học biển đảo..vvvv... Giờ phải học thêm phòng chống tệ nạn mê tín dị đoan và thực hành chống lãng phí tiết kiệm nữa ư... Thiệt đúng là con rồng cháu tiên mờ hu hu...

25/4/2016
TRẦN PHONG VŨ

*******

XE MỘT CHỖ …NẰM!.
.
Ở Sài Gòn và vùng phụ cận, có những đám ma để 7 ngay mới đem đi khỏi nhà.
Nét khác biệt này thực sự bộc lộ nhiều điểm thiếu văn minh trong thời đại ngày nay.
Nhỏ nhất là chuyện suốt bảy đêm, những gia đình ở gần rất phiền phức, cứ phải nghe tiếng trống kèn, hát sướng thâu đêm.
.
Nét thứ hai là nó tạo nên không gian bi thương, trống vắng cho đám ma. Con cháu, người thân không ai đủ điều kiện về thời gian để bỏ công bỏ việc tuc trực cả tuần lễ.
.
Nhiều đám, đến ngày thứ tư chỉ còn trơ ra người chết nằm đó với mấy anh Pê đê nhảy nhót hát hò ì xèo xung quanh.
Ở đây chưa nói đến vấn đề môi trường.
Tại sao tại vùng đất tiếp cận với văn minh sớm hơn vùng khác như nơi này lại cố hữu lề thói này?.
Đó là câu hỏi lớn dành cho giới quản lý văn hóa, cho nhân dân Nam bộ.
Trong khi, ở cả nước, thời gian này được quy định là 24 giờ. Trường hợp đặc biệt cũng chỉ hai ngày thôi nhưng việc tang chế vẫn hoàn chỉnh, trang trọng.
Có lẽ anh # cũng nên thử sức xem có điều chỉnh được việc nho nhỏ này không.
Nhân đây, tôi cũng muốn…thách đố các nhà báo, các nhà hoạt động xã hội biết phong tục này có khởi nguồn từ đâu?.
.
Đây là một đề tài thuộc về văn hóa cộng đồng rất lý thú, đã được anh Sy Sau Pham giải thich khá chu đáo. Tôi sẽ để lại "giải đố" sau cùng. Các bạn cứ đoán chơi!.
Nguyễn Huy Cường.

*****

Cái ảnh này đúng tên gọi là Thuyền Bát Nhã! Để đưa người chết đi chôn trong đạo Cao Đài,nhưng nó chỉ giống phần đuôi,người ta đã chế nó gắn với xe tải rồi! Ngày xưa chỉ có chùa cao đài mới có TBN này để đưa các vị có chức sắc trong chùa ra nghĩa địa, nguyên bản là hình chiếc thuyền có hình dáng con rồng, có bánh xe bằng gỗ để đạo tì đẩy đi.nay em mới thấy nó được chế ra thế này!

....
Mộ của mấy vị đó cũng khác người thường, xây theo kiểu chôn ngồi ,mộ xây cao lên,đỉnh mộ nhọn nhọn, hình như nhìn hình dáng ngôi mộ người ta phân biệt đc chức vụ,lâu quá rồi em quên nhiều, ba em nói em nghe hồi em nhỏ lắm!


NGUYỄN THỊ HẢI LIÊN



Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Câu chuyện có nhiều thành ngữ, tục ngữ nhất

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, đứng núi này trông núi nọ, già kén kẹn hom, ghét của nào trời trao của ấy. Chị nọ phận hẩm duyên ôi, kết tóc xe tơ với một anh chàng mặt nạc đóm dày, xấu ma chê quỷ hờn lại đần độn, ngốc nghếch, vô tâm vô tính, ruột để ngoài da, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, mười tám cũng ừ mười tư cũng gật, học chẳng hay, cày chẳng biết, lúng túng như thợ vụng mất kim, chỉ được cái sáng tai họ điếc tai cày là giỏi!

Trăm dâu đổ đầu tằm, giỗ tết cúng bái trong nhà, công to việc lớn ngoài xóm, hai sương một nắng, tất bật quanh năm, một tay chị lo toan định liệu. Anh chồng thì như gà què ăn quẩn cối xay, lừ đừ như ông từ vào đền, như cỗ máy không giật không động. Giàu vì bạn, sang vì vợ, hang xóm láng giềng kháo nhau: ”chàng ngốc thật tốt số, mả táng hàm rồng, như mèo mù vớ được cá rán”.
Chị vợ mỏng mày hay hạt, tháo vát đảm đang, hay lam hay làm, vớ phải chàng ngốc đành nước mắt ngắn nước mắt dài, đèo sầu nuốt tủi, ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua ngày đoạn tháng. Nhiều lúc tức bầm gan tím ruột, cực chẳng đã, chị định một liều ba bảy cũng liều, lành làm gáo vỡ làm muôi, rồi anh đi đường anh, tôi đi đường tôi cho thoát nợ. Nhưng gái có chồng như gông đeo cổ, chim vào lồng biết thuở nào ra, nên đành ngậm đắng nuốt cay, một điều nhịn chín điều lành, tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại, vợ chồng đóng cửa bảo nhau cho êm cửa êm nhà, sao nỡ vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng hổ ai?

Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Biết chồng tại gia không trot, liền trổ tài điều binh khiển tướng dạy chồng một phen, những mong mở mày mở mặt với bàn dân thiên hạ, không thua anh kém chị trong họ ngoài làng.
Một hôm ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, giữa thanh thiên bạch nhật, chị vợ dỗ ngon dỗ ngọt bảo chồng đi chợ mua bò, không quên dặn đi dặn lại: đến chợ phải tuỳ cơ ứng biến, xem mặt đặt tên, liệu cơm gắp mắm, tiền trao cháo múc, đồng tiền phải liền khúc ruột kẻo lại mất cả chì lẫn chài.
Được lời như cởi tấm lòng, ngốc ta mở cờ trong bụng, gật đầu như búa máy, vội khăn gói quả mướp lên đường quyết phen này lập công chuộc tội. Bụng bảo dạ, phải đi đến nơi về đến chốn, một sự bất tín vạn sự bất tin, ngốc quàng chân lên cổ đi như chạy đến chợ. Chợ giữa phiên, người đông như kiến, áo quần như nêm, biết bao của ngon vật lạ, thèm rỏ dãi mà đành nhắm mắt bước qua. Hai tay giữ bọc tiền khư khư như từ giữ oản, ngốc nuốt nước bọt bước đến bãi bán bò.
Sau một hồi bới lông tìm vết, cò kè bớt một thêm hai, nài lên ép xuống, cuối cùng ngốc cũng mua được 6 con bò. Thấy mình cũng được việc, không đến nỗi ăn không ngồi rồi báo vợ hại con, ngốc mừng như được của. Hai năm rõ mười, ai dám bảo anh ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Nghĩ vậy, ngốc ung dung leo lên lưng con bò đi đầu, mồm hô miệng hét diễu võ dương oai, lùa đàn bò ra về mà lòng vui như hội.

Giữa đường sực nhớ lời vợ dặn, suy đi tính lại, cẩn tắc vô áy náy, ngốc quyết định đếm lại đàn bò cho chắc ăn. Ngoảnh trước ngó sau, đếm đi đếm lại, đếm tái đếm hồi chỉ thấy có 5 con, còn một con không cánh mà bay đi mất. Toát mồ hôi, dựng tóc gáy, mặt cắt không còn giọt máu, ngốc vò đầu gãi tai, sợ về nhà vợ mắng cho mất mặn mất nhạt rồi lại bù lu bù loa kêu làng kêu nước mà than than trách phận, ngốc về nhà với bộ mặt buồn thiu như đưa đám.

Thấy chồng về, chị vợ tươi như hoa ra đón, nhưng ngốc vẫn ngồi như bụt mọc trên lưng con bò đi đầu, chắp tay lạy vợ như tế sao:
- Mình ơi, tôi đánh mất bò, xin mình tha tội cho tôi…
Nhìn chồng mặt như chàm đổ mình dường giẽ run, chị vợ không khỏi lo vốn liếng đi đời nhà ma, liền rít lên như xé lụa:
- Đồ ăn hại. Đàn ông con trai mà trói gà không chặt. Làm sao lại để bò sổng?
Sợ thót tim vãi đái, nhưng ngốc vẫn lấy hết sức bình tĩnh để phân trần:
- Tôi mua tất cả 6 con, họ giao đủ 6, bây giờ đếm mãi vẫn chỉ 5 con.

Nhìn ngốc ta vẫn ngồi như đóng đinh trên lưng bò, chị vợ hiểu rõ đầu đuôi cơ sự, dở khóc dở cười bảo chồng:
- Thôi xuống đi! Thiếu đâu mà thiếu, có mà thừa một con thì có!

Nguyễn Đắc