Thứ Hai, 18.08.2008, 09:30am
Tôi hỏi Shane, một đồng nghiệp đã từng đến Việt Nam, rằng điều gì ở nước tôi làm anh ấn tượng nhất? Shane bảo: "Đàn ông Việt Nam uống bia như uống nước và ở Việt Nam có rất nhiều quán nhậu!".
Shane lại tiếp: "Bia của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Heineken, Tiger đều có mặt ở khắp các nẻo đường lớn nhỏ ở Việt Nam với giá thành rất đắt, Việt Nam vẫn còn là một đất nước nghèo, làm sao người ta có tiền để uống được nhiều bia như vậy?".
Ảnh: Blog tác giả
Tôi cười như mếu, chẳng biết có nên hãnh diện vì cái sự "nghèo mà chơi sang" của người Việt không? Tôi còn muốn nói cho Shane biết một điều đau xót: "Ở Việt Nam, người ta khóc vì nghèo khó bệnh tật thì ngần ấy nước mắt ấy có thể hợp thành sông thành biển, nhiều như là những dòng bia trên bàn nhậu hợp lại...". Có lẽ đó là một sự thật chua chát ở đất nước tôi mà người bạn ngoại quốc này không nên hiểu rõ, nên tôi im lặng.
Bia - một trong những khẩu ngữ phổ biến ở Việt Nam. Đi ra đường chỉ cần tập trung là bạn có thể nghe những tiếng í ới "Cho một kếch Heineken!" hay "Thêm chai Tiger!". Khi đời sống ngày càng dễ chịu và đồng tiền ngày càng rẻ thì người ta cũng hưởng thụ nhiều hơn và thương chính mình nhiều hơn. Nhà hàng nối sát nhà hàng, quán nhậu nối liền quán nhậu, những làng nướng mọc lên như nấm sau mưa, vũ trường và "em út" trở thành điểm dừng chân lý tưởng để giải trí. Cứ thế, bia đổ ra ào ạt ngày đêm, mang đến những cơn say quên hết trời trăng mây nước cho hàng triệu con người trên cái dải đất hình chữ S ốm yếu này! Không biết Shane có để ý rằng bên những bàn nhậu với những con người có khuôn mặt đỏ lừ lừ kia, rồi sẽ có một vài em bé đánh giày hay bán vé số gầy gò và da đen nhem nhẻm đến mời mọc. Những đứa trẻ sẽ ngửi mùi bia, sẽ thấy những hoan lạc, sẽ nghe lời say xỉn chửi thề của người lớn để rồi "Chí Phèo con" sẽ nối tiếp "Chí Phèo cha". Những cơn say triền miên và cái thành tích "người Việt nhậu thật cừ!" cứ oằn oại bám lấy vận mệnh đất nước tôi như một con trăn xiết cổ.
Sẽ có ngày nào đó người ta uống bia ít hơn để tỉnh táo nhìn thấy nước mắt quanh mình không?
Ảnh minh hoạ
Nước mắt vì đau đớn và vì nghèo khổ, cũng như bia, đổ ra nhiều lắm! Trong giây phút tỉnh táo, những người nghiện nhậu có tự hỏi mình rằng ở Việt Nam có bao nhiêu bệnh nhi ung thư không có tiền mua máu và mua thuốc, không có nước sạch để uống, không có giường để nằm? Làm sao giúp đỡ những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ để chúng cũng được đi học và tránh xa những cạm bẫy tội ác? Làm cách nào để những ngày mưa giông sẽ không có nhiều những người phụ nữ mưu sinh phải lầm lũi đạp xe đi bán từng ký cam hay từng trái bắp luộc để nuôi con?
Bia và nước mắt. Từ bao giờ tôi đã trở nên quá nhạy cảm và ám ảnh những giấc mơ hoang tưởng về sự công bằng trong cuộc sống như thế này? Tôi vẫn hiểu rằng mình đang sống giữa thế giới bản ngã của con người chớ không phải là thế giới của những vị Bồ tát để có thể hy vọng người ta bớt xài hoang đi một tí, bớt thương mình một tí và trải lòng ra với tha nhân nhiều hơn. Dẫu biết cái sự khập khiễng của tình đời là như vậy nhưng cứ nghe xót xa cay đắng sao đó cho dân tộc tôi!?!
Cuộc trò chuyện tiếp diễn, tôi háo hức nói cho Shane biết về chương trình Nụ Cười Của Ben thông qua website www.nucuoicuaben.com mà tôi góp phần sáng lập nhằm giúp đỡ trẻ em nghèo mắc bệnh ung thư ở Việt Nam, và rồi tôi hỏi anh chàng tốt nghiệp ngành Ngoại giao về kinh nghiệm để liên hệ với những quỹ từ thiện trên thế giới. Shane cười, nói: Người Mỹ và người Canada thương người Việt vì các anh là một đất nước còn đang phát triển. Chính người dân bản xứ đã vận động để mang một số bệnh nhi Việt Nam sang Bắc Mỹ điều trị miễn phí rồi! Nếu anh hỏi tôi làm cách nào để thế giới chú ý và thương những hoàn cảnh bất hạnh ở Việt Nam hơn nữa thì tôi khuyên anh trước hết hãy hỏi chính người Việt Nam rằng họ đã yêu thương nhau đủ hay chưa?
Thật là một câu hỏi cay đắng, cay đắng còn hơn là vị bia...