Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

Nông thôn - một “thùng rác đẹp” (?)



Chẳng khó khăn lắm chúng ta cũng có thể ngăn chặn được những thứ “rác đẹp” đang ngày này tháng nọ cuồn cuộn đổ về nông thôn. Tôi đã từng ứa nước mắt khi thấy những đứa trẻ thôn quê- những công dân tương lai của chúng ta ngửa cổ uống ừng ực những chai nước ngọt đủ màu xanh đỏ của hoá phẩm và khi thấy chú bác, cô dì mình đặt trang trọng những bánh, những kẹo, những mứt , những rượu… rởm lên ban thờ tổ tiên.

Đó là một sự thật tê tái. Nếu tôi là nhà quản lý, tôi sẽ không để cho tư thương hay sự bất lương, sự đói nghèo biến nông thôn thành cái thị trường cấp thấp, thành cái “thùng rác” của hàng tồn, hàng lừa đảo, hàng kém chất lượng như thế. Không thể vin cái cớ người ta nghèo, không có điều kiện mua hàng đắt đỏ, để ta tuồn thứ hàng không có lợi cho sức khỏe con người về nông thôn được. Đám con buôn bất lương chưa hẳn là đối tượng phải gánh hết những cái tội của tình trạng này. Cái tội buộc vào bất cứ ai, nếu bạn nghĩ bạn là người tử tế, đặc biệt là nhà quản lý.

Những thức quà rẻ đến không hiểu nổi

Tôi đi về nông thôn, ở những cái chợ quê, thấy người ta bán những chai nước ngọt kỳ lạ. Uống vào thì nó không chết người hay bị kiết lỵ, bị thổ tả gì ngay. Nhưng, nó được bán với giá 1.000VNĐ/chai trong cái thời buổi tiền mất giá thê thảm này. Cái chai bằng thủy tinh của nó đã đáng giá hơn 1 nghìn đồng, tôi nghĩ thế. Một cú đánh giày ở thị trấn, thị xã đã giá 4 nghìn đồng. Sao người ta bán rẻ thế, trong cái thời mà cái gì cũng đòi trợ cước trợ giá này, cách Hà Nội đến 500km, thứ “nước ngọt” ấy vẫn bán quá rẻ. Trong ấy là cái gì? Người nông thôn cứ mở nắp và uống. Nước ấy nó cũng sủi tăm, cũng có ga giếc đàng hoàng. Cũng ngọt lịm và thơm nức. Vị cam vị chanh sực nức cả một góc chợ. Nó là cái gì? Nếu đóng nước suối vào nó cũng chỉ có thể rẻ đến thế, tính cả tiền chai và tiền điều chế thứ nước thơm ngọt lịm kia vào thì ai cũng thấy… nghi ngờ. Ai uống cũng kêu ngon và rẻ. Tôi uống thử theo cái lối của con chuột đang ngửi… bả. Cái mùi nó sực lên đến nghẹt thở, cái vị ngọt của nó kỳ lạ. Ngọt hoang mang. Chỉ dám hy vọng nó được làm bằng đường hóa học, như thế tuy không ngon gì, nhưng sẽ bớt độc hại hơn là một thứ gì ác hiểm mà những người tính trục lợi bằng mọi giá có thể nghĩ ra.


Hàng hóa được bày bán ở một chợ quê miền núi - Ai đứng ra kiểm soát thị trường này?

Nhìn sang bên cạnh đó, chú em píp-po bán kem que đang hí hửng chào mời khách. Chợ đông những người là người, trời nắng, không một bóng cây xanh, trông thấy que kem ai chả thèm. Nhưng giời ạ, kem được bán với giá 500VNĐ/que. Cái đồng màu đỏ 500VNĐ kia, quê tôi, bà con cứ phải gọi rõ, cái “năm trăm mua hành ấy nhé” (dù bà bán hành giờ cũng từ chối bán hàng cho bất cứ ai mua năm trăm tiền hành!). Khéo lại nhầm với năm trăm nghìn và năm trăm đô-la Mỹ. Phải nói cả cụm từ dài ngoằng và trúc trắc thế thì người ta mới hiểu ra năm trăm đồng là năm trăm đồng tiền Việt Nam theo đúng nghĩa đen, cái đồng tiền mà người thành phố giờ có lẽ cũng ít dám cho ăn mày, hoặc chẳng buồn nhận lại khi người ta “thối” (trả lại khi mua hàng)! Que kem to như một cái… míc lông xù phỏng vấn nguyên thủ của các nhà báo quốc tế mà chúng ta vẫn thấy trên tivi. Que kem sù lên, đá dừa lăn phắn, sữa phấn lên như cái chùy màu trắng. Mở thùng kem ra đã thấy các loại mùi thơm tho, đậm đà ngậy ra như tiêu diệt nắng nóng. Sao nó rẻ thế nhỉ? Một trí thức nông thôn, một nhà sản xuất kem mút và nước ngọt bắt mắt, quyến rũ khứu vị giác của người nghèo đã tiết lộ: những thứ “đặc sản” kia được làm bằng nước lã và đường hóa học. Rẻ nhất trên đời là thứ hóa chất có mùi. Mùi gì cũng có. Một vài giọt “chất mùi” là cả ao làng sặc cái vị thơm thảo của cam, chanh, mãng cầu, sầu riêng hay nho táo, vân vân và vân vân.

Những cái thứ đó ăn có chết người ngay không? Xin thưa là không chết ngay. Nhưng quả là nó rất độc hại. Không có ai đứng ra kiểm soát cái thị trường tội nghiệp ấy ư? Chúng ta đừng bao giờ kêu gọi lương tâm của đám con buôn. Tiếng gọi của đồng tiền là tiếng gọi bất nhẫn nhất. Chỉ có một vị Bao Công ra đời, với chế tài xử phạt, xử bỏ tù hay một cái gì nghiêm khắc kiểu như thế mới đủ sức cứu người nông thôn khỏi đại họa của hàng rởm, hàng độc, hàng cũ ế, hàng kém chất lượng mà cái kem, chai nước ngọt kia chỉ là thí dụ nhỏ.

Những gì người nông thôn bán là thật. Bởi thế mà người đô thị gọi những thứ mua được từ nông thôn là đặc sản. Nhưng những gì người nông dân mua được thì quá nhiều đồ rởm và độc hại. Những người nông dân con ôm gà, ôm lợn và xách mớ cá sông, thậm chí cả thú rừng xuống chợ. Đám con buôn xông vào mua. Bà con bán rẻ “đặc sản” của mình, trong khi họ chỉ thích mua lại những món màu mè, bằng nhựa bằng ni-lông gì đó thật bắt mắt. Mùi cũng thật bắt… mũi. Thật ra thì họ cần một cái thứ mà ở xóm làng heo hút của họ không có. Và những cái con buôn đem lên toàn thứ rởm. Cái kiểu chó cắn áo rách ấy cũng là bằng lòng rồi, nếu hàng hóa không độc hại. Đằng này…

Tôi đi trong những cái chợ quê, ở đó tràn ngập tóp mỡ, và tự dưng tôi thấy cái mác người thành phố ít nhiều sang trọng của mình thật có tội. Bà con mua hai nghìn đồng/ bát tóp mỡ. Người ta bày những tóp mỡ xám ngoét, xốp như xỉ than, lầy nhầy tí mỡ bám, ken xung quanh mỡ là muối hạt trắng xóa, đen xạm như cà phê trộn sữa. Thứ tóp mỡ thơm một tẹo, khét rất nhiều. Có tí mùi mật mỡ, tanh tao, còn lại là muối. Chỉ hai nghìn đồng, một bát loa tóp mỡ, thứ ấy trưng ra mâm cơm của người nghèo, họ phải ăn dè được vài bữa.

Tóp mỡ là thứ vĩnh viễn ở đô thị không bao giờ chúng ta còn nhìn thấy. Thậm chí thịt mỡ cũng không còn ai bày bán ở phản thịt phố xá nữa. Nhưng tóp mỡ chảy về nông thôn mà tôi thấy kia là một thứ hàng hắc xì, ôi thiu đến thê lương. Nó ra đời như thế nào, họ mang từ đâu đến, nó độc hại hay bổ béo? – đó còn là một bí ẩn. Tương tự, nếu bạn từng thấy cái cảnh người ta đổ nước lã vào thùng phi, pha vào đó vài lít nước mắm mà người thành phố vẫn ăn, rồi tống muối vào bán cho người nông thôn, thì bạn sẽ thực sự thấy đau lòng. Người ta đến những cửa hàng pha chế nước mắm ấy, mua cả can hai mươi lít về bán lẻ, mỗi “thùng phi 20 lít” trị giá có 30 nghìn VNĐ. Giá rẻ như… cho, mà đám làm hàng đểu nó vẫn cứ lãi. Như báo chí từng viết, rượu pha cồn, rượu “ngoại quốc” được làm bằng cách thả một viên thuốc vào cái bồn 40 lít nước, “thuốc” sủi 10 phút, con buôn có đủ 40 lít rượu giống hệt rượu. Rượu ấy tràn ngập nhân gian. Và nông thôn là mục tiêu tấn công số 1 của những kẻ bán buôn vô nhân đạo..

Chúng ta đã bòn rút rồi đầu độc nông thôn?

Cuối cùng thì đâu là lời giải cho bài toán này? Phải là sự ra tay của cơ quan chức năng.

Những "thùng rác đẹp" thu được trong một "trận chiến" chống hàng giả, hàng kém chất lượng
Chúng ta liên tục phê phán, vạch trần sự vô trách nhiệm của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm, rằng phải quan tâm đến chất lượng các sản phẩm, thực phẩm trong cả nước hơn nữa. Nhưng, thử hỏi, đã bao giờ các vị mũ mão cân đai kia về đến chợ huyện, chợ làng để xem hàng hóa của phố thị nó tràn về và đầu độc người nông dân thế nào chưa? Xin thưa, chưa bao giờ. Cái việc tóp mỡ, kem, nước mắm, nước ngọt, áo quần và thực phẩm chức năng phế phẩm nó tràn về quê nghèo của chúng tôi, đơn giản là nó đi theo con đường của cơ chế kim tiền. Nhiều thứ, không bịt mắt được người thành phố, thì về bịt mắt người nông thôn. Nhiều thứ, người giàu họ tự biết lo cho tính mạng và sức khỏe của họ (như chúng ta thường bảo, ta phải “có thân thì phải biết lo”, phải tự biến mình thành người tiêu dùng thông thái), họ không chấp nhận, thì nó tràn về với người nghèo ở nông thôn. Quy luật cung cầu chi phối thị trường, nhưng lương tâm con người không thể chấp nhận được cái việc coi thường tính mạng và sức khỏe bà con “thật thà như sắn khoai” của mình như thế. Họ lợi dụng sự thiếu thốn và nghèo túng của nông thôn để làm ra những sản phẩm tồi tệ và mang bán cho họ. Không phải tất cả những người nông thôn không biết đâu là hàng tốt đâu là hàng xấu và đâu là hàng có nguy cơ đến sức khoẻ của mình. Nhưng vì nghèo quá mà họ nhắm mắt đưa chân với ma quỷ.

Hội chợ thương mại cấp huyện cấp xã vẫn được các thương gia láu cá ở khắp các tỉnh, thành đồng loạt tổ chức là một ví dụ tiêu biểu cho tình trạng này. Hàng sắp hết hạn sử dụng, cả hàng mập mờ quá “đát”, cả những thứ hàng không lừa được ai ở thành phố nữa, nó tràn về quê. Nó mang một cái tên rất kêu: hội chợ thương mại tỉnh (thành). Ra quân rầm rộ, cán bộ địa phương được chăm bẵm để khai trương rồi phát biểu. Họ mang loa đài, ánh sáng, khung sắt vải bạt đến, trong một buổi chiều, cái sân bóng biến thành một nơi xôm trò, tâm điểm chú ý của cả huyện. Họ hò hét kiểu “Sơn Đông mãi võ” như thế suốt cả tuần, rồi về tỉnh họp báo với thông cáo “hội chợ đã thành công tốt đẹp”, ý là bán được rất rất nhiều hàng.

Trong cái đói nghèo của hội hè đình đám nơi đồng chua cỏ chát, nghe rôm rả, ai chả muốn ngó xem. Thu vé. Hàng vạn người mua vé, hàng vạn người gửi xe máy xe đạp, ban tổ chức đã vớ bẫm một mẻ rồi. Tiếp nữa, đài tỉnh, đài huyện ra rả quảng bá cho hàng ế, hàng thải, hàng lỗi mốt, hàng lừa đảo. Bà con nghe “đài” nói, cán bộ xã cán bộ huyện nói và nhìn cái việc cả huyện người cùng mua hàng, thế là a-lê-hấp, ta tin nhà ngươi rồi, ta cùng mua thôi.

Những vật dụng ngộ ngộ mà rẻ tiền được nhập lậu, những cái máy tập đa năng, những cái thứ thực phẩm chức năng mà người thành phố đã ớn đến tận cổ được bà con nông thôn đổ xô vào mua. Mua xong mới biết mình bị lừa. Thuốc nào cũng chống ung thư, chống huyết áp, chống mỡ máu; máy nào cũng có em mặc hở hang uốn éo vài cái mà mỡ đã tiêu tan, chữa được đủ thứ nan y, lại thêm cơ thể đẹp như người mẫu khoe đủ thứ trên tivi. Tivi cấp tỉnh cũng náo nức quảng cáo các sản phẩm kiểu ấy, mỗi ca quảng cáo một sản phẩm, nó có thể nói điếc tai bạn trong 30 phút liền. Nghe đài, tin đài, người ta mua. Tôi từng lan man đọc cái hạn dùng của bánh kẹo, nước giải khát, và đủ thứ nhu yếu phẩm khác ở các hội chợ kiểu này, thì phát hiện ra: chỉ vài ngày nữa là hàng đó phải tiêu hủy. Họ tràn về xã, huyện, họ bán như thế thì không sai luật. Nhưng nội trong cái việc bán tống bán tháo cho người nông thôn, người nghèo với giá “trên trời”, kẻo vài ngày nữa phải vứt bỏ như thế thật kinh hoàng. Không phải những người quản lý nào đấy không biết thực chất của những thứ hàng hoá kia là gì. Nhưng họ đâu có lên tiếng. Bởi lên tiếng họ cũng chẳng được lợi ích gì. Nếu họ lên tiếng, nếu họ kiên trì đề xuất biện pháp kiểm tra, ngăn ngừa và có một lụât nghiêm khắc được thi hành nghiêm khắc thì sẽ bớt đi rất nhiều những mối nguy hiểm tới sức khoẻ của những người nông dân.

Thỉnh thoảng, tôi đưa hai thằng cu của mình về quê. Đi mua thuốc ở quê, thuốc nào cũng chỉ còn hạn sử dụng là… vài ngày. Nhiều thuốc hết hạn dùng, vẫn bán. Lái buôn nó gọi rõ đó là “thuốc nhà quê”. Những thứ thuốc ở thành phố, bạn sẽ không bao giờ mua được ở nơi quê kiểng (và ngược lại) mà bạn phải mua thứ thuốc giá bèo, có tác dụng theo hướng đó ở dạng sắp hết hạn dùng, với lối kê đơn và bán thuốc “trần gian có một” của bác sỹ và các “bà chủ nhà thuốc” trình độ dưới mức i-tờ. Cũng như bánh kẹo, nước ngọt, nước suối, bạn phải mua những loại như Lavi “e”, Lavi “i” thay vì cái hãng Lavi gì đó mà người thành phố quen dùng.

Các hãng bánh kẹo như Kinh Đô, Hải Hà hầu như không tồn tại ở nhiều vùng quê, thay vào đó là những gói bánh gia công to đùng, sặc sỡ, những nhãn hiệu lạ hoắc, thậm chí không nhãn mác, không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng...


Các hãng bánh kẹo như Kinh Đô, Hải Hà hầu như không tồn tại ở nhiều vùng quê, thay vào đó là những gói bánh gia công to đùng, sặc sỡ, những nhãn hiệu lạ hoắc, thậm chí không nhãn mác, không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đó là sự thực mà người nông thôn không để ý đến, đơn giản là họ mua những thứ họ cần, và những thứ ấy ăn vào thì bánh kẹo vẫn ngọt, rượu vẫn cay và nước mắm vẫn có mùi mắm, thế là hài lòng rồi. Còn người buôn họ chỉ cần tiền, họ bất chấp. Lúc ấy, người quản lý ở đâu, lương tri người với người nằm ở đâu?

Nông thôn, là nơi mà hầu hết người Việt Nam chúng ta đã ra đi từ đó, hoặc hàng tuần chúng ta vẫn từ thành phố trở về đó. Nông thôn, có cha mẹ ông bà của quá nhiều người trẻ đang vênh vang ở thành phố hôm nay. Sự chắt chiu rút ruột cả về vật chất lẫn tinh thần kia đã làm nông thôn càng kiệt quệ đi, khi mà người trẻ lớn lên, có trình độ và tay nghề, họ ở lại cống hiến cho thành phố hoặc đi phi cơ ra làm thuê ở nước ngoài. Nông thôn không có đất diễn cho những con rồng, hoặc những con rồng chỉ muốn thoát khỏi nông thôn – thì cũng thế. Cái nghèo khoai sắn, cái nghèo của sự hy sinh “mẫu tử” cuối cùng trở thành rắn độc rước hàng tồn, hàng kém chất lượng và hàng lừa đảo độc hại về giết chết chốn nông thôn một cách dần dà ư?

Chẳng khó khăn lắm cũng có thể ngăn chặn được những thứ “rác đẹp” đang ngày này tháng nọ cuồn cuộn đổ về nông thôn. Tôi đã từng ứa nước mắt khi thấy những đứa trẻ thôn quê- những công dân tương lai của chúng ta ngửa cổ uống ừng ực những chai nước ngọt đủ màu xanh đỏ của hoá phẩm và khi thấy chú bác, cô dì mình đặt trang trọng những bánh, những kẹo, những mứt , những rượu… rởm lên ban thờ tổ tiên.

Ôi thôn quê, thôn quê! Nhìn những cảnh người ta hành xử như thế đối với Người hỏi làm sao lòng không nổi giận?

Lãng Quân (Vietimes)

Blogged with Flock