Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2007

Cổ phiếu Tèo

Người bạn đầy sáng tạo của tôi, Tèo, không phải là kẻ chịu ngồi im khi thấy thiên hạ nô nức đua nhau, chen lấn trong thị trường chứng khoán.
Nhưng cách tham gia của anh thì độc đáo và vô tiền khoáng hậu: Anh không mua mà bán. Anh phát hành cổ phiếu mang tên mình. "Công ty Tèo" chỉ phát hành độc một cổ phiếu. Ai mua nó có nghĩa sẽ được sử dụng... chính bản thân anh.
Đầu tiên, khi biết tin này, tôi vội vã can:
- Tèo, luật pháp cấm bán mình cơ mà.
Tèo nhăn nhở cười:
- Nhưng tớ không bán. Tớ chỉ phát hành cổ phiếu.
Tôi sợ quá:
- Thế nhỡ ai mua được cậu, sau đó sẽ toàn quyền sử dụng, có nghĩa tha hồ mắng chửi, đánh đập thì sao?
Tèo phá lên cười:
- Cậu nói cũng có lý. Nhưng nếu cậu để ý sẽ thấy dân chơi cổ phiếu chả ai dùng, mà toàn mua đi bán lại. Nghĩa là không ai sờ mó tớ. Họ chỉ cần cái giá trị ảo của tớ mà thôi.
Nghe cũng có lý, nhưng đáng đời cho nó, cổ phiếu Tèo tung ra thị trường chả ma nào đoái hoài, dù giá khá hấp dẫn. Tèo không hề lo lắng. Nó làm thủ tục, đổi tên Công ty Tèo thành Công ty TPT, nghe na ná như tên của một cổ phiếu nóng trên thị trường.
Lập tức hôm sau, TPT có người mua. Chứng tỏ thiên hạ chỉ thấy những gì khó hiểu thì đoán là... giàu.
Bước thứ hai, Tèo tung tin TPT sắp được một tập đoàn của Mỹ mua lại, hợp đồng sẽ ký trong tuần sau.
Thiên hạ sốt lên hầm hập. Chỉ trong một ngày, TPT (viết tắt của ba chữ Tèo phỉnh Tèo) được đẩy giá lên 360 chục lần.
Buồn cười nhất là nó cũng chả biết ai mua mình, và họ cũng không có nhu cầu gặp nó. Mọi việc mua bán chỉ diễn ra trên màn hình.
Cho nên đã có một lần, Tèo vô sàn và gặp một kẻ đang gạ bán nó cho... nó. Theo kẻ đấy, thì TPT là một công ty vĩ đại, chuyên sản xuất công nghệ viễn thông, và ông chủ là những nhà tư bản lớn ở bên kia đại dương.
Và vốn là một đứa nhanh trí, Tèo nảy ra sáng kiến mua lại mình, rồi lại bán chính mình, một phiên giao dịch có khi vài lần như thế, và lần nào cũng ăn tiền hoa hồng.
Tèo giàu lên nhanh chóng. Dáng điệu nghênh ngang, ăn nói ồn ào, tác phong khoáng đạt. Nó bắt đầu quan tâm tới giá nhà và giá xe hơi. Hễ mở mồm là nói tới các chữ "khớp lệnh", "kịch trần"... toàn những từ sang trọng, bí hiểm.
Thấy nó giàu có, người tôi nóng như lửa đốt. Tôi bảo Tèo:
- Cậu phải làm thế nào giúp tớ với.
Nó đắc chí:
- Thì cậu cứ mua tớ đi.
Tôi khổ sở:
- Nhưng lúc này cậu cao giá quá, còn với tới làm sao được nữa.
Tèo thì thầm vào tai tôi, nói hãy làm như thế, như thế...
Hôm sau, tôi đến sàn, tung tin là Tèo đã bỏ trốn. Tôi còn trưng ra tấm ảnh Tèo mặc quần đùi, áo may-ô đang chạy trên vỉa hè (tấm hình ấy chụp trong một buổi đá banh ngày trước).
Cổ phiếu Tèo rớt giá ào ào. Tôi vội vàng mua lấy với giá rẻ như cho. Thế rồi sáng hôm sau, Tèo xuất hiện với cà vạt complê chững chạc. Nó bác bỏ hoàn toàn mọi tin thất thiệt. Nó thông báo mình vẫn khỏe và mấy ngày trước vắng là đi Pa-ri khai mạc triển lãm.
Cổ phiếu Tèo lên vùn vụt. Tôi bán đi, kiếm được một mớ tiền.
Sung sướng quá, hai đứa bá vai bá cổ nhau đi ăn nhà hàng. Chúng tôi uống hết hai chai và xơi hết ba con tôm hùm.
Ra khỏi tiệm ăn, say chếnh choáng, hai đứa dìu nhau hát nghêu ngao bài hát đang thịnh hành "Kiếp chứng khoán". Có những câu đầy tâm trạng như sau:
"Tiền có kiếm như nước
Rồi cũng sẽ tiêu hết.
Tay trắng tay lại về không.
Ta mang bao tội lỗi
Người ơi ta đâu còn chi.
Xin hãy tránh xa kiếp đỏ đen".
Hai thằng đang hát nghêu ngao thì "rầm" một chiếc xe phóng tới, đụng vào Tèo khiến nó ngã lăn lông lốc.
Tại sàn, cổ phiếu của Tèo vẫn đang lên giá lần chót!

Hậu Tèo
Người kể chuyện này đang theo dòng người không ngớt đưa tiễn Tèo về nơi an nghỉ như một doanh nhân của "công chúng". Không được lâu, cổ phiếu Tèo rớt thảm hại làm nhiều nhà đầu tư lâm cảnh "dở mếu dở cười" - bao năm lăn lộn tích cóp nay của cải chỉ còn vẻn vẹn là những mảnh giấy có dấu đỏ chói TPT công ty và chữ ký bay lượn của Tèo. Tổng thiệt hại vụ này của người Việt sơ sơ là 25 triệu đô.
Trong khi đó trên một hòn đảo tại bờ Thái Bình Dương cách ta gần nửa vòng trái đất có một ông Tây tên Maicơn Phệ, chỉ 25 tuổi đã là chủ nhân mới của hòn đảo, đang nằm phơi nắng, thư giãn bên một đám các cô gái trẻ với ly rượu vang thượng hạng trên tay và nụ cười không bao giờ tắt. Maicơn Phệ vừa trúng đậm vụ cổ phiếu 25 triệu đô tại Việt Nam. Chính Maicơn Phệ từng thuê Tèo đứng tên thành lập công ty với mức lương 2 triệu đồng với lời hứa chia 2% cổ phiếu cho Tèo sau 3 năm nếu Tèo chăm chỉ, năng động như một giám đốc của chính công ty mình.
Tèo ơi! Mồ yên mả đẹp nhé! - Maicơn Phệ thầm cầu nguyện. Rồi gã mưu tính đợt đầu tư mới bằng cách chọn thuê ai đó "nhỉnh hơn" Tèo để thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Thanh Niên

Mẹ của anh(Xuân Quỳnh)

Mẹ của anh(Xuân Quỳnh)

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi.
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thưở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

BÀI THƠ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ YÊU CHỒNG (Bình thơ )

" Thật thà như thể lái trâu
Thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng"

Từ khi còn nhỏ tôi đã nghe câu ca dao ấy. Rồi những cảnh mẹ chồng nàng dâu diễn ra xung quanh. Tất cả gieo vào lòng tôi một nỗi lo lắng mơ hồ. Người con gái nào chẳng sẽ có lúc phải sống trong cảnh ấy… Cho đến một ngày tôi bắt gặp bài thơ "Mẹ của anh" của Xuân Quỳnh. Hai câu thơ mở đầu nhẹ nhàng, giản dị như một lời nói thường, nói về một điều rất giản đơn:
"Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi"
Nhưng điều tưởng chừng như đơn giản này không phải người con gái nào cũng cảm nhận được. Bước chân về nhà chồng, dường như trong tâm thức nàng dâu nào cũng có sẵn một làn ranh giới giữa mình với mẹ chồng. Làn ranh giới mỏng manh nhưng có khi suốt cuộc đời họ không thể vượt qua, không thể xóa nổi, nhiều khi dẫn đến bao chuyện đáng tiếc chỉ vì mẹ chồng nàng dâu không cởi mở tấm lòng với nhau, không có sự cảm thông nhau. Người phụ nữ trong bài thơ không theo thói thường ấy .Trái tim yêu thương của chị đã xóa nhòa mọi khoảng cách, nói lên lòng biết ơn vô bờ bến của chị đối với mẹ chồng:
"Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong"
Và lòng biết ơn giúp chị như thấy được cả quãng đời đã qua của mẹ:
"Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao".
Trong khổ thơ có hai điểm thời gian đối lập: "ngày xưa", "năm nao" với "bây giờ", giữa "ngày xưa" và "bây giờ" là một quãng thời gian đằng đẵng trôi qua, là biết bao sự thay đổi của hình ảnh mẹ: mẹ ngày xưa – mẹ bây giờ. Cách xây dựng hình ảnh đối lập đã gây ấn tượng mạnh ở người đọc. Người mẹ trẻ trung, tảo tần năm xưa, nay "má" đã không còn hồng, tóc không còn đen, đã trở thành người mẹ già "tóc trắng phau". Vì sao vậy? Vì những đêm lo lắng chăm con ốm, vì những ngày ngược xuôi vất vả nuôi con khôn lớn, vì cả cuộc đời mẹ đã hi sinh cho con, giành tất cả cho con, đứa con trai mẹ yêu quý hơn tất cả mọi thứ trên đời … Sức khỏe, sắc đẹp, tuổi xuân của mẹ đã trôi qua, trôi qua nhưng không mất đi mà đọng lại thành tuổi xuân và sức lực của người con trai:
"Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen""
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao"
Anh là hình ảnh của mẹ, là kết tinh máu thịt của mẹ, là dấu ấn của con người mẹ, cuộc đời mẹ.Nhưng không chỉ có thế, mẹ không chỉ cho anh vóc dáng, hình hài, mà còn cho anh tâm hồn và tài năng. Những lời ru ngọt ngào tuổi ấu thơ, những câu chuyện mẹ kể tự bao giờ đã trở thành dòng suối mát nuôi dưỡng tâm hồn anh, vun vén cho tài năng của anh nảy nở
"Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa"
Khổ thơ này khiến tôi nhớ đến những câu văn bất hủ trong "Những mẩu chuyện nước Ý" của Marxim Gorki ca ngợi công lao vĩ đại của những người mẹ, những người phụ nữ, họ là cội nguồn của sự sống "Trong một đàn tuyền bò mộng lấy đâu ra bò con? Không có mặt trời thì hoa không nở. không có tình yêu thì không có hạnh phúc.không có đàn bà thì không có tình yêu. không có người mẹ thì cả anh hùng và thi sĩ điều không có ".
Một dịch giả đồng cảm nào đó đã dịch thành thơ:
"Không có mặt trời hoa không nở
Dạ vắng yêu thương dạ những sầu
Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ
Anh hùng, thi sĩ biết lấy đâu"
Chỉ bằng mấy câu thơ, Xuân Quỳnh đã làm hiển hiện trước mắt người đọc nhiều hình ảnh lồng ghép: mẹ ngày xưa với mẹ bây giờ, mẹ với anh … nhưng lay động lòng người hơn cả là những tình cảm chân thực, tình cảm của một người con dâu đối với mẹ chồng. Không một từ ngữ nào diễn tả trực tiếp, nhưng người đọc có thể cảm nhận rõ tình cảm yêu thương, kính trọng và biết ơn vô bờ của chị đối với mẹ chồng lan tỏa trong từng dòng thơ. Chị đã tưởng tượng, hình dung và dõi theo những trang đời mẹ bằng ánh mắt yêu thương. Chị biết ơn tất cả những gì mẹ đã làm cho anh. Có lẽ khi nghĩ về mẹ chồng, chị không chỉ xuất phát từ tấm lòng một người con dâu hiếu thảo, mà quan trọng hơn là từ sự cảm thông giữa hai người phụ nữ, giữa chị với mẹ … Cả đoạn thơ là sự sóng đôi: hình ảnh sóng đôi, tình cảm sóng đôi. Tình cảm thương chồng và yêu mẹ của chị cứ đan xen vào nhau. Yêu chồng nên càng thương mẹ hơn.Thương mẹ nên càng yêu chồng hơn. Và nhờ thế tình cảm càng chân thực và xúc động hơn:
"Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà"
… Mượn ý câu ca dao tình yêu ngày xưa, Xuân Quỳnh đã tạo ra một sự tương phản để khẳng định tấm lòng bao dung của mẹ chồng. Chị và mẹ có chung một người yêu thương, đó là anh. Mẹ yêu con trai nên mẹ yêu cả con dâu. Mẹ đã dang rộng vòng tay và tấm lòng để đón chị. Chị rất hiểu tình cảm mẹ giành cho mình, và chị đã đáp lại tình thương của mẹ thật tự nhiên:
"Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ"
Trước đây là mẹ, giờ đến chị tiếp lời ru, an ủi anh quên đi bao đắng cay nhọc nhằn. Người mẹ nào chẳng muốn con được yêu thương, chăm sóc, được hạnh phúc. Yêu thương anh chính là chị đã làm vui lòng mẹ, đền đáp phần nào những gì mẹ đã cho chị, cho anh … Đối với chị, mẹ là "trời xanh không cùng" là "ngàn hoa núi sông", là vĩnh hằng. Đến lúc này, bài thơ mới xuất hiện hai tiếng "thương mẹ" nhưng cũng đồng thời là lúc tình yêu mẹ trong lòng chị đẩy đến không cùng… Sức nặng của bài thơ dồn vào hai câu cuối:
"Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em"
Hai câu thơ đã khái quát ý nghĩa của toàn bài. Chị biết ơn mẹ vô cùng vì mẹ đã chắt chiu máu thịt, tâm hồn để hun đúc nên anh của ngày hôm nay, để chị có anh. Bao người phụ nữ yêu chồng đã đồng cảm, đã gặp chính mình trong những câu thơ ấy của Xuân Quỳnh.
Xuân Quỳnh là nhà thơ chắt chiu hạnh phúc đời thường. Thơ chị là tiếng lòng của những người phụ nữ đang yêu, của người vợ, người mẹ đối với chồng con của mình … Tôi yêu thơ Xuân Quỳnh. Thơ chị không trau chuốt, cầu kỳ, nó giản dị, mộc mạc, tự nhiên mà cuốn hút đến kỳ lạ. Năm tháng qua đi, tự lúc nào không biết, thơ chị đã trở thành người bạn đồng hành của tôi trong cuộc sống.